- Tác giả: Bành Tế Hanh & Hy Tốc
- Dịch Việt: Hòa thượng Thích Thiền Tâm
- Nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2018.
1. LƯU TRÌNH CHI
Cư sĩ Lưu Trình Chi, người đời Tấn, hiệu là Trọng Tư, cư ngụ tại Bành Thành. Ông mồ côi cha từ bé, thờ mẹ rất có hiếu.
Lớn lên, cư sĩ theo học Nho, kiêm thông về thuyết Lão – Trang.
Tính Ngài ngay thẳng, không chiều uốn theo thời tục.
Ban sơ, ông làm chức Tham quân tại phủ nhà.
Hàng công khanh thấy là người có tài cán, trước sau đua nhau tiến cử, nhưng Lưu Trình Chi đều khước từ.
Về sau, nghe Huệ Viễn pháp sư ở chùa Đông Lâm tại Lô Sơn, đang tu môn Niệm Phật tam muội.
Nhân khi thân mẫu quá cố, hiếu sự đã xong, cư sĩ lên non xin nương ở.
Viễn công hỏi:
"Đường quan lộc của ông hãy còn cao xa, tại sao không tiến bước?".
Trình Chi đáp:
"Nhà Tấn không được bền vững như đá bàn, lòng người lại dễ rã tan như trứng vỡ, tôi chẳng muốn rơi vào vòng hệ lụy!".
Từ trước, ông đã có tánh bất khuất như thế, nên Lưu Dũ, một danh sĩ, từng đặt cho ngoại hiệu là Dị Dân.
Lúc ấy lại có các thanh tín sĩ như:
Tông Xác, Châu Tục Chi, Trương Dã, Lôi Thứ Tôn, Trương Thuyên, Tất Vĩnh... lần lượt đến Lô Sơn.
Khi số người câu hội đã khá đông, Viễn Công kiến lập Bạch Liên Xã, suất lãnh đại chúng đối trước tượng Tây Phương Tam Thánh, nguyện đồng tu tịnh nghiệp.
Và giao cho Trình Chi làm văn phát thệ chạm vào bia đá.
Về sau, cư sĩ qua Tây Lâm, cất một am nhỏ bên bờ suối Bắc, nghiêm giữ tịnh giới, kiêm hạnh thiền tụng niệm Phật.
Được nửa năm, trong định ông thấy ánh sáng của Phật chiếu xuống mặt đất đều thành sắc vàng ròng.
Lại qua mười lăm năm, trong khi đang NIỆM PHẬT, cư sĩ thấy Đức Phật A Di Đà phóng ánh sáng từ tướng bạch ngọc hào soi đến mình, duỗi cánh tay vàng buông xuống như tiếp dẫn và khuyến tấn an ủi.
Trình Chi thưa:
"Ước chi được Như Lai tay vàng xoa nơi đảnh, áo pháp phủ nơi thân con!".
Đức Phật mỉm cười, xoa đầu và kéo áo cà sa phủ trên thân mình ông.
Kế đó không bao lâu, cư sĩ lại mộng vào ao thất bảo, thấy nước lạnh dường lóng lánh trong suốt, hoa sen các sắc nở đua rực rỡ.
Một vị đầu hiện viên quang, ngực có chữ VẠN, chỉ nước ao bảo:
"Hãy uống đi! Chính là BÁT CÔNG ĐỨC thủy đấy!".
Trình Chi vâng lời vốc nước uống, cảm thấy vị thơm ngon.
Lúc thức tỉnh mùi hương lạ phát ra từ các lỗ chân lông.
Cư sĩ thuật lại các điều ấy, và nói với đại chúng rằng:
"Duyên Tịnh Độ của tôi nay đã đến thời kỳ thành thục!".
Kế đó sắm lễ, thỉnh chư Tăng tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Riêng mình lễ Phật và quỳ xuống niệm hương khấn nguyện rằng:
"Do di giáo của Đức Bổn Sư, con mới biết được y chánh cõi Tây Phương Cực Lạc. Nén hương này xin trước cúng dường Đức Thích Ca Như Lai,
Kế đó cúng dường Đức A Di Đà Chánh Giác,
Và sau cúng dường kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Con được vãng sanh Tịnh Độ nhờ công đức NIỆM PHẬT và trì tụng kinh này.
Xin nguyện cùng tất cả hữu tình đồng sanh Cực Lạc !".
Khóa tụng hoàn mãn, cư sĩ giã biệt đại chúng, lên giường nằm nghiêng về hướng Tây, chắp tay yên lặng mà hóa, thọ được 59 tuổi.
Lúc ấy nhằm năm thứ sáu niên hiệu Nghĩa Hy.
--
2. TRƯƠNG KHÁNG
Trương Kháng, người thời Thạch Tấn, chưa được rõ xuất xứ.
Vào triều đại bấy giờ, ông làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ.
Tuy thân nơi hoạn lộ, song chí ở Liên Trì, ông tụng chú Đại Bi mười muôn biến, nguyện sanh về Cực Lạc.
Khóa tụng vừa đủ số, cư sĩ vương bệnh, chỉ chuyên trì niệm Phật hiệu.
Một hôm, ông bỗng gọi gia nhân bảo:
"Cảnh Tây Phương Tịnh Độ rất gần. Chỉ ở bên phía Tây mái nhà này.
Ta thấy Phật A Di Đà ngồi trên hoa sen.
Còn thằng Ông Nhi ở trên đất kim sa nơi ao thất bảo, đang chơi đùa và lễ Phật".
Nói xong, xướng niệm Phật hiệu liên tiếp.
Giây lát ngưng niệm, yên lặng mà vãng sanh.
Ông Nhi là cháu nội của Trương Kháng.
Tuổi còn bé, nhưng đã NIỆM PHẬT và mãn phần trước đó ít lâu.
--
3. KHUYẾT CÔNG TẮC
Khuyết Công Tắc, người ở nước Triệu. Đời Võ Đế nhà Tấn.
Ông cư ngụ tại Lạc Dương, tánh tình phóng khoáng điềm đạm.
Mỗi ngày thường tụng kinh Chánh Pháp Hoa.
Sau khi ông mãn phần, một thân hữu đến chùa Bạch Mã, lập trai hội để truy tiến cầu siêu cho.
Đêm lại, khi chư Tăng tụng kinh xong, bỗng nghe giữa hư không có tiếng nói.
Tất cả đều ngước lên xem, thấy một vị hình tướng sáng đẹp trông xuống bảo:
"Tôi là Khuyết Công Tắc, hiện đã sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Nay cùng với chư Thượng thiện nhân đến đây nghe kinh!".
Có ông Vệ Sĩ Độ ở Cấp Quận, lúc trước theo học với Khuyết Công Tắc.
Mẹ ông vẫn thường đến chùa cúng dường chư Tăng.
Khi đó bà cũng phụ việc trai cúng trong pháp hội cầu siêu.
Hôm sau, vừa sắp đến giờ ngọ, bà bỗng thấy một cái bát từ hư không sa xuống trước mặt.
Bà cùng ông Vệ Sĩ Độ nhìn kỹ, thì đó là cái bát mà Khuyết Công Tắc vẫn thường dùng lúc sanh tiền.
Trong bát đựng đầy hương phạm. Mùi thơm bay khắp trai đường.
Mỗi người thử ăn một muỗng, kết quả bảy ngày sau đều không thấy đói, các lỗ chân lông bay ra hơi thơm.
Danh sĩ Chi Đạo Lâm nghe biết việc ấy, làm bài tán khen ngợi rằng:
“Cao cả thay Khuyết Công!
Lặng sáng mà hiển linh.
Chánh niệm thần về miền Lạc cảnh.
Giác mê tích ứng tại Đông Kinh.
Trong mây dường rõ tiếng
Nét ngọc khó quên hình!
Nhiệm mầu khen nói khôn cùng tận!
Phật Thánh ai rằng chuyện mộng minh?”
--
4. TĂNG DUỆ PHÁP SƯ
Tăng Duệ pháp sư, người vào thời Nam Bắc Triều, ở Ngụy Quận thôn Trường Lạc. Từ thuở bé, ngài đã mến hạnh xuất gia, nhưng đến mười tám tuổi mới đạt chí nguyện.
Sau khi xuống tóc, ngài nương theo Tăng Hiền đại sư làm đệ tử.
Ngoài hai mươi tuổi, pháp sư rộng thông kinh sử, đi du hóa các danh đô, tùy xứ diễn thuyết giáo pháp.
Pháp sư thông ngộ tuyệt thế, những bậc thầy dạy như Tăng Lãng thượng nhân khi giảng kinh Phóng Quang Bát Nhã, phải nhiều phen đối đáp khó khăn trước lời hỏi của ngài.
Lúc giảng diễn giữa đại hội, pháp sư trả lời thông suốt, biện luận tuôn tuôn như suối trào qua những lời vấn nạn, khiến thính chúng đều khuynh phục.
Diêu Hưng, vua nhà Tần, hỏi quan Tư Đồ là Diêu Tung rằng:
"Duệ Công nhơn phẩm như thế nào?".
Đáp: "Đó là cây tòng bá cao lớn nơi vùng Nghiệp, Vệ!".
Tần chúa cho triệu thỉnh đến, các hàng công khanh đều tập họp, ý muốn xem tài khí của ngài ra sao.
Pháp sư ngôn luận cao nhã uyên thâm, khiến vua Tần nhìn Diêu Tung và các triều thần bảo:
"Đây là bậc tiêu lãnh trong bốn biển, nào phải chỉ riêng cây tòng bá ở vùng Nghiệp, Vệ đâu!".
Sau ngài theo La Thập thượng nhơn đến Quan Trung.
Thượng nhơn trao cho ba quyển kinh Thiền Pháp Yếu Giải.
Pháp sư xem rồi, y theo đó ngày đêm tu tập, tinh luyện Ngũ môn, khéo vào Lục tĩnh.
Những kinh của thượng nhơn phiên dịch, Tăng Duệ cùng các bậc danh đức khác đều có tham dự vào ban khảo chính.
Trong 3000 môn đồ của ngài La Thập:
Tăng Duệ, Tăng Triệu, Đạo Sinh, Đạo Dung, vì hạnh giải siêu tuyệt, nên được người đương thời tôn là Tứ Thánh.
Kế đó, pháp sư lại tới Lô Sơn nương theo Viễn Công tu tịnh nghiệp.
Về sau, ngài đến kinh đô, trụ nơi chùa Ô Y, giảng thuyết các kinh, thính chúng đều tin phục.
Pháp sư nghiêm giữ giới hạnh, khéo nhiếp oai nghi, hoằng dương chánh pháp.
Ngài chuyên tinh NIỆM PHẬT, nguyện đem các công đức ấy hồi hướng cầu sanh Cực Lạc.
Khi nằm ngồi, ngài đều không dám quay lưng về phương Tây.
Vào năm Nguyên Gia thứ 16, một hôm không đau bệnh chi, ngài bỗng cho họp tăng chúng, ngỏ lời từ biệt.
Kế đó đi tắm gội, rồi đắp y lên đại điện đốt hương lễ Phật.
Đoạn trở xuống ngồi ngay ngắn nơi thiền tọa, quay mặt về phía Tây chắp tay mà hóa.
Hôm ấy, cả chùa đều thấy khói thơm năm sắc từ phòng của Ngài bay ra.
Pháp sư thọ được 67 tuổi.
--
5. HUỆ SÙNG ĐẠI SƯ
Huệ Sùng đại sư, người ở Lương Châu, thời Ngụy Võ Đế.
Ngài là bậc đạo hạnh uyên thâm, được quan Thượng thơ Ngụy triều là Hàng Vạn Đức tôn làm môn sư.
Đại sư cùng danh tăng Thích Huyền Cao mà hàng tăng tục lúc ấy mến đức xưng tụng là Thế Cao, đồng được người đương thời tôn trọng kính ngưỡng.
--
Sau Ngụy Võ Đế nghe lời sàm tấu của quan Tư đồ Thôi Hạo và đạo sĩ Khấu Khiêm Chi, hạ lệnh hủy diệt Phật pháp.
Thái tử Hoảng vì thông tin trước cho chư tăng hay để trốn tránh cùng cất giấu kinh điển và pháp khí, nên bị đắc tội.
Việc ấy liên lụy đến ngài Huyền Cao và Huệ Sùng, nên cả hai đều bị gia hình.
--
Bấy giờ, có tăng sĩ Pháp Đạt vốn hâm mộ đức hạnh của ngài Huyền Cao, nghe được tin ấy tuyệt thực thương khóc mấy ngày.
Đang lúc bi ai, bỗng thấy Huyền công từ hư không bay đến.
Pháp Đạt đảnh lễ, nhân hỏi ngài cùng Huệ Sùng đại sư hiện sanh về nơi nào?
Huyền Cao đáp:
"Ta nguyện sanh ở nơi cõi trược để cứu độ chúng sanh, hiện đã chuyển thế.
Còn Sùng công thường cầu về Cực Lạc, nay ý nguyện cũng đạt thành!".
Nói xong liền ẩn mất.
--
6. ĐÀM GIÁM PHÁP SƯ
Thích Đàm Giám, họ Triệu, người thời Nam Bắc Triều, ở Ký Châu.
Ông xuất gia thuở bé, thờ ngài Trúc Đạo Tổ làm thầy.
Tính tình thanh đạm, pháp sư ăn cơm rau, mặc áo vải, giữ luật hạnh rất tinh khổ.
Sau lại du phương đi khắp nơi hoằng pháp độ người.
Khi tới Kinh Châu, ngài dừng bước tịnh tu ở ngôi Tân tự tại Giang Lăng.
Bấy giờ xuân thu đã hơn sáu mươi tuổi.
Bình sinh, nếu có làm chút điều lành, pháp sư đều hồi hướng cầu về Tây phương Cực Lạc, nguyện được thấy Phật.
--
Một hôm, trong khi thiền định, ngài thấy Phật A Di Đà thân tướng rất cao đẹp trang nghiêm, cầm hoa sen rưới nước nơi đầu và mặt, dùng Phạm âm trong thanh vi diệu bảo:
"Ta rưới pháp thủy gội rửa trần cấu, làm cho tâm ngươi thanh tịnh, khiến cả ba nghiệp đều được nghiêm sạch!".
Nói đoạn, lại lấy một cành hoa sen trong bình báu trao cho.
Sau khi xuất định, pháp sư tỏ bày sự sống chết vô thường cùng đại chúng, và dặn dò hậu sự.
Đêm đã khuya, chư tăng đều lui về liêu phòng,
Ngài đi chậm rãi nơi hành lang NIỆM PHẬT đến canh năm.
Tiếng càng lúc càng khẩn thiết.
Đến sáng, đệ tử y thường lệ vào phòng thăm hỏi, thấy pháp sư ngồi ngay thẳng bất động, lại gần xem thì đã viên tịch.
Lúc ấy ngài hưởng thọ được bảy mươi tuổi.
Thời bấy giờ, lại có Thích Đạo Hải ở Giang Lăng, Thích Huệ Khám ở Bắc Châu, Thích Đàm Hoằng ở Hoài Nam, Thích Huệ Cung ở Đông Châu, Thích Đạo Quảng ở Đông Viên, Thích Đạo Quang ở Hoằng Nông, cùng phát nguyện cầu sanh Cực Lạc.
Khi họ lâm chung đều có điềm lành.
Sự vãng sanh của chư đại đức kể trên, gây rất nhiều tín tâm cho hàng đạo tục.
--
7. ĐẠO TRÂN PHÁP SƯ
Thích Đạo Trân, chưa được rõ xuất xứ.
Vào đầu đời nhà Lương, pháp sư tu ở Lô Sơn, tập quán tưởng Đức A Di Đà, nhưng chí vãng sanh còn chưa nhất quyết.
Một đêm, ngài mộng thấy có nhiều người ngồi thuyền lướt nhẹ trong biển cả.
Hỏi đi đâu, họ đáp rằng: "Về cõi Cực Lạc".
Đạo Trân ngỏ ý muốn xin theo.
Một vị trong thuyền bảo:
"Ông chưa làm nhà tắm cho chư tăng và tụng kinh A Di Đà. Tịnh nghiệp chưa thành, làm sao đi được?".
Tỉnh giấc, pháp sư lo công đức làm nhà tắm cho chư tăng, và tụng kinh A Di Đà trải nhiều năm không gián đoạn.
Về sau, đang ngồi quán tưởng trong phòng, ngài bỗng thấy có vị tăng bưng đài sen bạc đến nói:
"Khi báo thân mãn, pháp sư sẽ ngồi đài sen này.
Xét theo công hạnh, ngài đáng ngồi đài vàng.
Nhưng vì khi mới phát nguyện, tâm ngài còn do dự, nên chỉ được ngần ấy mà thôi!".
Lúc xuất quán, Đạo Trân có niềm vui, song không nói lộ ra, chỉ ghi việc ấy vào nhật ký cất kỹ trong hòm kinh.
Sau ngài mãn phần vào lúc giữa đêm, người trong làng thấy như có vài ngàn cây đuốc thắp sáng từ lưng chừng núi trở lên.
Họ nghĩ:
Chắc có lẽ vị vương hầu nào đó lên non lễ Phật.
Sáng ra hỏi lại, mới biết là điềm lạ lúc Đạo Trân pháp sư viên tịch.
Hàng đệ tử nhân mở hòm kinh, tìm thấy nhật ký, mới biết đó là thoại ứng về sự vãng sanh.
--
8. ĐÀM LOAN PHÁP SƯ
Đời Bắc Ngụy, Đàm Loan pháp sư người ở Nhạn Môn, tỉnh Sơn Tây.
Thuở niên thiếu, nhân du lãm cảnh Ngũ Đài Sơn, thấy thần tích linh dị, ngài phát tâm xuất gia.
Về sau, trong khi đọc kinh Đại Tập, thấy văn nghĩa sâu mầu, pháp sư nguyện chú giải ra cho mọi người đều thông hiểu.
Nhưng sự nghiệp ấy mới được nửa chừng, ngài bỗng phát bệnh nặng, thay thầy đổi thuốc nhiều phen.
Sau khi đã tạm thuyên giảm, pháp sư than rằng:
"Mạng người rất mong manh, cơn vô thường khó định.
Ta nghe bậc thần tiên có phép tu trường sanh.
Có lẽ trước nên cầu pháp ấy cho thân thể được kiện khang, sau mới hưng sùng Phật giáo!".
Nghĩ đoạn, ngài qua Giang Nam tìm các nhà đạo học như Đào Ẩn Cư, Đạo Hoằng Cảnh, khẩn cầu về Tiên thuật.
Các vị ấy trao cho 10 quyển Tiên kinh. Ngài vui vẻ mang trở về.
Giữa đường, đến Lạc Dương, pháp sư gặp Bồ Đề Lưu Chi Tam tạng, nhân hỏi:
"Trong đạo Phật có pháp trường sanh bất tử như Tiên kinh này chăng?".
Lưu Chi thượng nhân nói:
"Ở phương này làm gì có pháp trường sanh bất tử?
Mười quyển kinh mà ông mang theo, nếu tu tập, chỉ có hiệu năng tạm thời không chết, kéo dài mạng sống.
Nhưng đến khi Tiên báo mãn, nghiệp lực hiện, kết cuộc vẫn xoay vần trong nẻo LUÂN HỒI.
Như vậy, có chi gọi rằng quý?
Luận về trường sanh bất tử, kỳ thật chỉ có Phật pháp mà thôi!".
Nói xong, Tam tạng lấy trong đãy ra quyển kinh Thập Lục Quán trao cho và bảo:
"Tu học theo đây, thì không còn luân chuyển trong sáu đường, thoát ly hẳn ba cõi.
Sự vinh hư thành bại, đường họa phước xuống lên, cũng không còn ràng buộc được.
Nói về thọ lượng, thì số kiếp như cát sông Hằng chẳng thể sánh ví bằng.
Đây mới đích thật là phép trường sanh của đấng Kim Tiên chúng ta vậy".
--
Ngài Đàm Loan nghe nói cả mừng, tiếp nhận và cảm tạ.
Sau khi tham duyệt và so sánh kỹ hai pho sách, pháp sư liền đốt bỏ Tiên kinh, chuyên tu theo Quán kinh.
Từ đó ngài quán triệt được nghĩa sâu của pháp môn NIỆM PHẬT, đem Thập Lục Quán kinh ra hoằng hóa.
Lại soạn văn lễ Tịnh Độ nối tiếp kệ văn của Tổ Long Thọ, và trứ tác bộ Vãng Sanh Luận Chú truyền trong đời.
Ngụy chúa rất mến trọng, vời tới cung đình, tứ hiệu là Thần Loan.
Kế đó, lại sắc cho pháp sư đến trụ trì ngôi đại Già lam tại Tinh Châu.
Sau thuyên chuyển sang Huyền Trung tự ở Phần Châu.
--
Niên hiệu Hưng Hòa thứ tư, một đêm ngài đang thiền quán.
Bỗng thấy có vị Phạm tăng đi đến bảo:
"Ta là Long Thọ, đã về Tịnh Độ từ lâu.
Vì ông cùng chí hướng, nên nay đến thăm viếng và báo cho hay là tịnh duyên đã thành thục".
Xuất định, pháp sư tự biết đã đến kỳ vãng sanh, tập họp tăng chúng lại răn dạy và bảo:
"Nẻo luân chuyển rất xa vời, kiếp trần lao nhiều mỏi nhọc.
Sự khổ nơi địa ngục rất đáng kinh sợ.
Duyên sen cõi Cực Lạc cần phải cố gắng tu!".
Nói xong, dạy hàng đệ tử cao tiếng NIỆM PHẬT.
Ngài bước xuống tòa, nghiêm kính quay về phía Tây, rập đầu cúi lạy mà viên tịch.
Lúc ấy, đại chúng thấy tràng phan, bảo cái, hương hoa thơm đẹp từ Tây Phương nhiều như mây bay đến.
Nhạc trời rền vang nổi giữa hư không giây lâu mới dứt.
Tin đồn đến triều, vua sắc cho dựng bia, xây tháp ngài tại Văn Cốc ở miền Tây Phần Châu.
Dân chúng đương thời gọi pháp sư là Đàm Loan Bồ Tát.
--
9. ĐẠO DŨ
Thích Đạo Dũ, chưa rõ xuất xứ, thường ở chùa Khai Giác, chuyên NIỆM PHẬT.
Sư có tạo tượng Đức A Di Đà bằng gỗ chiên đàn, cao độ ba tấc mộc.
Mỗi khi trì niệm, hằng để tượng Phật trên đầu.
Một hôm, trong khi tĩnh định, thần thức đến Cực Lạc, sư thấy một hiền giả mới sanh về đó đi nhiễu quanh hoa sen đẹp ba vòng, cánh sen liền nở ra.
Hiền giả bước vào ngồi giữa đài hoa.
Sư cũng y theo, đến một đóa sen nhiễu ba vòng, nhưng hoa không nở.
Sư dùng tay kéo cánh hoa, song tất cả bỗng đều héo rũ.
Vừa lúc ấy, Phật A Di Đà hiện thân bảo:
"Nghiệp chướng của ngươi hãy còn.
Hãy trở về thành tâm sám hối mới có thể vãng sanh được!
Tại sao ngươi tạo tượng ta quá nhỏ như thế!".
Đạo Dũ thưa:
"Bạch Đức Thế Tôn! Tâm lớn Phật lớn, tâm nhỏ Phật nhỏ".
Nói xong, liền thấy thân Đức A Di Đà to lớn đầy khắp hư không.
Phật bảo:
"Ngươi hãy về tắm gội, khi sao mai mọc Ta sẽ đến rước".
--
Xuất định, Đạo Dũ tắm gội sạch sẽ, thành tâm lễ Phật sám hối thật lâu.
Xong, thuật lại mọi việc khuyên đại chúng tinh tu và ngỏ lời từ biệt.
Đến thời, sư ngồi niệm Phật giữa tiếng trợ niệm của chư Tăng.
Tất cả đồng thấy Phật đến rước.
Quang minh chiếu rực rỡ.
Trong tịnh thất sáng như ban ngày. Khi ánh sáng tắt, đại chúng lại xem thì sư đã viên tịch.
Lúc ấy nhằm niên hiệu Khai Hoàng thứ tám.
--
10. TRÍ KHẢI ĐẠI SƯ
Trí Khải đại sư, họ Trần, tự Đức An, quê ở Vĩn h Xuyên thuộc Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc.
Đại sư ứng thế vào khoảng các đời Lương, Trần, Tùy.
Bà mẹ mộng thấy mây thơm năm sắc hiện ra đoanh vây nơi thân rồi vào bụng, mà cảm mang thai ngài.
Đêm đại sư đản sanh, trong nhà hương thơm bát ngát, thần quang chiếu sáng rực rỡ.
Ngài sanh ra đã bẩm tướng lạ:
Mày thanh tú, mắt dài sáng, mỗi tròng mắt có hai con ngươi nằm ngang.
Nơi hai tay, mỗi cùi chỏ đều có bốn cục xương gu. Khi nằm thì nghiêng về bên phải, chắp hai tay.
Lúc ngồi thì thường kiết già quay mặt về phía Tây.
Vừa hơi lớn, thấy tượng Phật liền lạy;
Gặp người xuất gia, thì tỏ dáng cung kính.
Năm lên bảy, ngài theo mẹ vào chùa Quả Nguyện, nghe một vị tăng tụng phẩm Phổ Môn, liền đọc lại thuộc lòng, như đã có học tập từ trước.
Lúc mười bảy tuổi, đang khi lễ Phật rồi quỳ xuống thệ nguyện xuất gia, ngài bỗng như vào mộng, thấy cảnh giới biển rộng mênh mông, nước ngâm trong vắt.
Gần mé biển có một tòa non cao chớn chở, mây phủ lưng chừng, mặt trời chiếu sáng.
Khi ấy ngài thấy mình đứng dưới núi, trên đảnh có vị tăng cúi xuống đưa cánh tay dài kéo lên, dẫn vào một ngôi già lam, bảo:
"Về sau, ông sẽ trụ nơi đây để hoằng hóa".
Năm mười tám tuổi, ngài nương theo Pháp Chữ thượng nhơn ở Quả Nguyện tự, tại Sương Châu xuất gia.
Kế đó, lại đến chùa núi Đại Hiền học tập Luật tạng, tụng kinh Vô Lượng Nghĩa, kinh Pháp Hoa, và tu Phổ Hiền quán.
Vào đầu niên hiệu Thiên Gia, nghe danh đức của Huệ Tư thiền sư ở núi Đại Tô tại Quảng Châu, đến tham bái.
Huệ Tư vừa nhìn thấy ngài liền bảo:
"Ta với ông xưa kia đồng nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa ở Linh Sơn đại hội, túc duyên đeo đuổi, nay lại gặp nhau!".
Nhân đó thiền sư khai thị về Tứ an lạc hạnh, và dạy cách kiến nhập Phổ Hiền đạo tràng.
Đại sư lãnh giáo, nương tại đây nhập quán tu Pháp Hoa tam muội.
Vừa được hai thất, khi tụng kinh Pháp Hoa đến phẩm Dược Vương câu:
"Thị chân tinh tấn, thị danh chân pháp cúng dường Như Lai...",
thân tâm chợt rỗng không, lặng lẽ vào định.
Trong định, ngài thấy hội Linh Sơn vẫn còn hiển hiện đông đảo chưa tan, liền thấu suốt ý chỉ Pháp Hoa và các pháp tướng, túc thông thầm phát.
Đại sư đem sở chứng bạch với ngài Huệ Tư.
Thiền sư than thở ngợi khen bảo:
"Chỉ riêng ông mới chứng, duy có ta mới biết!
Định cảnh ấy thuộc về tiền phương tiện và Pháp Hoa tam muội.
Chỗ phát túc thông thuộc Sơ Triền Đà Ra Ni môn.
Từ đây về sau, dù cho ngàn muôn văn tự pháp sự, cũng không thể làm cạn nguồn biện luận của ông được!".
Niên hiệu Đại Kiến năm đầu đời Trần, ngài đến chùa Ngỏa Quan ở Kim Lăng khai giảng Pháp Hoa.
Vua sắc chỉ đình triều một ngày, bảo quần thần tề tựu lại chùa nghe giảng đề kinh.
Năm Đại Kiến thứ bảy, đại sư đến núi Thiên Thai ở miền duyên hải để tránh duyên an dưỡng.
Đi tới ngọn núi phía Nam, ngài trông thấy cảnh bỗng bồi hồi xúc động.
Nơi đây có vị thần tăng hiệu là Định Quang đã cư ngụ từ ba mươi năm trước.
Khi gặp nhau, thần tăng bảo:
"Ông còn nhớ điềm ta đưa lên núi chăng?
Ở sơn lãnh phía Bắc có một nơi ngân địa, hãy lên đó kiến lập già lam độ chúng".
Đại sư y lời đến xem thấy cảnh đúng như điềm ứng trước, liền xây dựng chùa, trồng cây thông, dẫn nước suối, khiến cho ngôi tự viện càng thêm u nhã.
Từ đó ngài giảng diễn các kinh giáo đại thừa như: Pháp Hoa, Kim Quang Minh, luận Ma Ha Chỉ Quán, rộng mở về thiền pháp, hàng tăng tục nương về ngày càng thêm đông.
Về phần chư Thần quy hướng, như cha con Quan Thánh và Võ An Vương đều hiển linh cầu thọ giới, xin làm đệ tử hộ pháp.
Không bao lâu, đại sư lại nhận lời thỉnh của vua nhà Trần, trở về Kim Lăng giảng kinh Pháp Hoa Văn Cú tại chùa Quang Trạch.
Nhà Trần mất, ngài vào Lô Sơn, kế lại châu du các miền Kinh, Dương hoằng pháp.
Năm Khai Hoàng thứ mười bốn đời Tùy, lại trở về núi Thiên Thai.
Công nghiệp lợi sanh của đại sư rất nhiều, nơi đây chỉ thuật phần đại khái.
Trước sau, ngài tạo 36 ngôi chùa lớn, tổ chức cho biên chép 15 pho đại tạng kinh, độ hơn 14.000 vị xuất gia.
Trong đó có 32 bậc cao đồ đắc pháp, tạo 800.000 tượng Phật, Bồ Tát bằng vàng, đồng, cây chiên đàn, hoặc những thứ gỗ khác, khai 63 ao phóng sanh ở các vùng Hộ, Khê, Lương dài khoảng 300 dặm, soạn thuật các tập Chư Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Ma Ha Chỉ Quán, Kim Quang Minh Văn Cú, Quán Kinh Sớ cùng nhiều kinh luận khác,
Ngài mở những đàn truyền giới và các khóa diễn giảng khuyến hóa ngư dân miền duyên hải bỏ nghề chài lưới, cùng viết biểu tâu với vua nhà Trần xin xuống chỉ cấm việc sát sanh quanh vùng bờ biển núi Thiên Thai.
Tóm lại, trong hai đời Trần và Tùy, ngài là bậc đại pháp vương hộ trì chánh giáo. Thái tử Tấn Vương Quảng (Dạng đế) từng thỉnh ngài đến hoàng cung cầu xin thọ giới Bồ Tát và tôn hiệu là Trí Giả đại sư.
Sau ngài lại về quê cũ ở Kinh Châu, kiến thiết chùa Ngọc Tuyền, giảng dạy kinh pháp để báo ân người hương lữ.
Về ý nghĩa pháp môn Tịnh Độ, trong Thập Nghi Luận, đại sư đã khai thị yếu lược như sau:
- “Muốn quyết định được SANH VỀ CỰC LẠC, phải có đủ hai hạnh:
Yểm ly, Hân nguyện, nghĩa là chán bỏ và vui cầu.
- YỂM LY là thế nào?
Nên xét nghĩ:
Hàng phàm phu chúng ta từ kiếp vô thỉ đến nay, vì đắm say tự ràng buộc theo năm điều dục lạc là: sắc đẹp, tiền của, danh vị, ăn uống và ngủ nghỉ, mà bị luân hồi trong sáu đường, chịu đủ không ngằn sự khổ não.
Nếu chẳng khởi tâm chán bỏ thì biết chừng nào mới được thoát ly?
Phải quán xét thân giả tạm này, bề ngoài chỉ một lớp da mỏng manh che phủ, bên trong chứa đầy các thứ tanh hôi như: ruột, gan, óc, phổi, xương, thịt, máu, mủ, đàm, dãi, nước tiểu, phẩn uế.
Cửu khiếu lại thường tiết ra những thứ không sạch, các lỗ chân lông hằng ra mồ hôi bợn nhơ.
Kinh Niết Bàn nói:
"Thân này như vòng thành nhơ uế, loài quỷ La Sát ngu si hằng tham trước nương ở trong đó.
Người có trí ai lại đắm luyến huyễn thân?".
Lại trong kinh bảo:
"Thân này không bền lâu, là chỗ nhóm họp của các thứ khổ, các thứ nhơ nhớp; là nơi sanh khởi các thứ ung nhọt ghẻ lác, các bịnh trong và ngoài.
Thân này do phiền não dâm dục sanh ra, là nghiệp chủng không sạch: do tinh cha - huyết mẹ hòa hợp, là mầm giống không sạch.
Ở trong thai mẹ chật hẹp tối tăm nhơ nhớp, là chỗ trụ không sạch.
Khi còn trong thai dùng chất máu huyết để sống, là sự ăn uống không sạch.
Do sản môn sanh ra, là chỗ sanh không sạch.
Từ bé đến già bề ngoài bao lớp da mỏng.
Bên trong đầy thứ tanh nhơ, lại đủ các sự suy yếu bịnh khổ, là cả thân không sạch.
Lúc chết rồi lại sình thối nát rã, vòi tửa lúc nhúc, là kết cuộc không sạch.
Thường quán sát bảy điều không sạch như thế, tất sẽ sanh niệm chán lìa.
Dù chưa thể liền dứt được nghiệp vợ chồng, thì phiền não ái dục cũng lần lần nhẹ bớt.
*Lại phát nguyện mong sớm bỏ thân nhơ nhớp khổ não, cầu sanh Cực Lạc.
Sẽ được thân bằng chất báu ngọc kim cương đủ 32 tướng tốt, lần lần tiến chứng vào thân pháp tánh sáng suốt lặng trong.
- Còn HÂN NGUYỆN là thế nào?
Nên nghĩ:
*Nay ta cầu sanh Tịnh Độ,
Trước là để được sống trong cảnh lầu các, cây hoa, ao hồ, âm nhạc, chim lạ, đủ vô lượng thứ báu, vô lượng sự trang nghiêm vui đẹp ở Liên Bang Cực Lạc.
Sau đó, tiến tu để độ mình, thân bằng quyến thuộc, cùng tất cả chúng sanh trong vòng mê khổ.
Nay ta nghiệp chướng nặng dày, đạo lực yếu kém.
Nếu không biết tự lượng, mê ở cõi đời nhơ ác, cảnh duyên phiền não mạnh, tất sẽ bị sóng nghiệp cuốn lôi chìm đắm.
Độ mình còn không được, nói chi đến độ chúng?
Như thế biết chừng nào mới thoát ly khỏi kiếp sa đọa LUÂN HỒI?
Nếu được về Cực Lạc, tất cả ở cõi thơm sạch trang nghiêm, sống lâu vô lượng kiếp, gần gũi chư Phật, Bồ Tát, đủ các thuận duyên tiến tu.
Không còn lo thối chuyển.
Khi đã chứng quả VÔ SANH, phân vô lượng thân vào các cõi trược, độ vô biên loài hàm thức, nào có muộn gì?
Cho nên phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, tức là phát TÂM BỒ ĐỀ, tức là phát tâm CẦU PHẬT QUẢ, tức là phát tâm độ chúng sanh.
Tức là phát tâm nhiếp hóa chúng sanh về cõi Phật vậy”.
--
Năm Khai Hoàng thứ bảy đời Tùy, khi hóa duyên đã mãn, sắp nhập diệt, đại sư tập họp chúng bảo tụng các kinh Pháp Hoa, Vô Lượng Thọ,
Rồi khen ngợi rằng:
"Lành thay Diệu Pháp Liên Hoa kinh, cha mẹ của pháp môn, bản tích rộng lớn, mầu nhiệm khó lường!
Lành thay Vô Lượng Thọ kinh, 48 nguyện trang nghiêm Tịnh Độ, ao sen cây báu, dễ vãng sanh mà ít kẻ nguyện cầu!
Người tạo ngũ nghịch thập ác tướng địa ngục hiện, một niệm cải hối còn được sanh về, huống là bậc giữ giới chuyên tu, tất công phu không luống uổng vậy!".
Hàng đệ tử là Trí Lãng pháp sư thưa thỉnh rằng:
"Xin mở lượng từ bi, giải tỏ niềm nghi hoặc. Chưa rõ tôn đức chứng đến ngôi vị nào và khi mạng chung sẽ sanh về đâu?"
Đại sư đáp: "Nếu ta không lãnh chúng, tất chứng vị Thanh tịnh lục căn.
Vì tổn mình lợi người, nên chỉ đến ngôi Ngũ phẩm.
Hiện thời các hàng thầy bạn theo hầu Phật và Đức Quán Thế Âm, Đại Thế Chí đến rước ta vãng sanh!".
Nói xong, hướng về phía Tây chắp tay xưng niệm A Di Đà Phật, Bát Nhã, Quán Âm rồi lặng lẽ như vào tam muội mà tịch.
--
Lúc ấy, nhằm ngày 24 tháng 11, đại sư thọ được 67 tuổi.
Khi sắp đưa linh quan về ngọn Phật Lũng để nhập tháp, mưa to xối xả không dứt.
Các đệ tử cầu nguyện, mưa liền tạnh ráo, bầu trời trở nên trong sáng.
Gió thông vi vút tợ kêu thương, nước suối tràn reo như bi cảm.
Lúc đưa linh quan đến tháp, trời mưa hương hoa lạ rơi lác đác, mọi người cầu nguyện đều được cảm ứng.
Đại khái như Thích Huệ Diên ở chùa Thiên Hương, tả kinh Pháp Hoa cầu đại sư xin xác nhận đã sanh về cõi nào?
Đêm lại, nằm mộng thấy ngài theo Đức Quán Thế Âm từ phương Tây đi đến bảo:
"Ta về cõi Cực Lạc ở HOA TẠNG thế giới, ông đã dứt hết lòng nghi chưa?".
Đại sư là Sơ Tổ tông Thiên Thai, lịch đại truyền thừa, đến nay môn phong hãy còn thịnh.
(Còn tiếp)
--
Bài: Huy Khiêm, TP.HCM
Tranh: Guo Tu-C.T MLS
Bình luận (0)