Mối quan hệ trấn Thuận Thành và chính quyền Đàng Trong năm 1692 rất quan trọng đối với lịch sử Champa, những sự kiện xảy ra đều dẫn đến kết quả năm 1693, Champa không còn là một đất nước độc lập mà đổi thành trấn Thuận Thành thuộc Đàng Trong.
Tác giả: Thích Đồng Niệm Chùa Sùng Ân số 56 đường 21 tháng 8, P.Phủ Hà, Tp.Phan rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2023
TÓM TẮT: Mối quan hệ trấn Thuận Thành và chính quyền Đàng Trong rất quan trọng đối với lịch sử Champa, những sự kiện xảy ra đều dẫn đến kết quả năm 1693, Champa không còn là một đất nước độc lập mà đổi thành trấn Thuận Thành thuộc Đàng Trong. Champa chỉ còn lại một tước vị Phiên vương Panduranga, nhưng mọi công việc quyết định thuộc chính quyền Đàng Trong. Năm 1694, Nguyễn Phúc Chu thay đổi tên gọi hành chính từ trấn Thuận Thành thành phủ Bình Thuận trực thuộc xứ Quảng Nam. Giai đoạn này các chúa Nguyễn đã thực hiện chính sách di dân, thành lập làng xóm. Trấn Thuận Thành sau năm 1697, thuộc sự quản lý điều hành của các chúa Nguyễn, nhưng đặc biệt trấn Thuận Thành còn sử dụng luật pháp và phong tục riêng biệt. Giai đoạn 1771 trở đi trấn Thuận Thành rơi vào nhiều biến động về chính trị, ảnh hưởng cuộc chiến tranh Tây Sơn và Nguyễn Ánh, tiếp đến giữa Minh Mạng và Lê Văn Duyệt. Cho đến năm 1832, trấn Thuận Thành chính thức sáp nhập vào tỉnh Bình Thuận. Từ khóa: Thuận Thành, Minh Mạng, Nguyễn Ánh, Lê Văn Duyệt, đàng trong, … |
Dẫn nhập
Mối quan hệ trấn Thuận Thành và chính quyền Đàng Trong năm 1692 rất quan trọng đối với lịch sử Champa, những sự kiện xảy ra đều dẫn đến kết quả năm 1693, Champa không còn là một đất nước độc lập mà đổi thành trấn Thuận Thành thuộc Đàng Trong. Champa chỉ còn lại một tước vị Phiên vương Panduranga, nhưng mọi công việc quyết định thuộc chính quyền Đàng Trong.
Chúa Nguyễn từ khi sáp nhập xứ Panduranga - Champa vào Đàng Trong đã đưa ra nhiều chính sách mới nhằm ổn định tình hình tại địa phương, bằng cách cử người Chăm cai trị người Chăm. Chính sách này cũng xem như một ân huệ của chúa Nguyễn đối với những dòng tộc của vương quốc Champa.
Ở đây chúng tôi chỉ trình bày một cách khái quát trấn Thuận Thành và chính quyền Đàng Trong (1692 – 1832), với những sự kiện được ghi nhận trong lịch sử được đề cập chủ yếu trong Đại Nam Thực, nói về mối quan hệ giữa trấn Thuận Thành và chính quyền Đàng Trong.
1. Khái quát quá trình hình thành trấn Thuận Thành
Sự kiện tháng 8 năm 1692 Bà Tranh (vua Champa) âm mưu làm loạn, chiêu quân xây đắp thành lũy, nhiễu loạn cư dân ở phủ Diên Ninh. Bấy giờ chính quyền dinh Bình Khang dâng biểu sớ lên Nguyễn Phúc Chu, chúa liền lệnh tướng Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân vào xứ Panduranga để trấn áp những âm mưu làm loạn, nhằm ổn định tình hình xã hội. Cuộc chiến được kéo dài 6 tháng, tức là đến tháng 3 năm 1693: “Nguyễn Hữu Cảnh bắt được Bà Tranh và bầy tôi là Tả Trà Viên Kế Bà Tử với thân thuộc là Nàng mi Bà Ân đem về. Chúa sai đổi nước ấy làm trấn Thuận Thành” (1).
Như vậy, ngay từ năm 1693 xứ Panduranga không còn là quận của Champa, và chính thức thuộc về xứ Đàng Trong.
Tuy nhiên, đến tháng 8 năm 1693, chúa Nguyễn “đổi trấn Thuận Thành làm phủ Bình Thuận lấy Tả trà viên Kế Bà Tử làm Khám lý, ba người con Bà Ân làm Đề Đốc, Đề lãnh và Cai phủ, bắt mặc quần áo theo lối người kinh và sai về để vỗ yên lòng dân”(2).
Việc chúa Nguyễn đổi trấn Thuận Thành làm phủ Bình Thuận, người dân ở bản xứ chưa quen với sự cai trị chính quyền phủ Bình Thuận, xảy ra nhiều phản ứng như:
“Tháng 12 năm 1693, người Thanh là A Ban cùng với Hữu Trà Viên là Ốc Nha Thát ở Thuận Thành nổi loạn. Trước là A Ban đến ở Thuận Thành, vốn cùng Óc Nha Thát đi lại rất thân. Từ khi Bà Tranh bị bắt, hai người đều chạy về đất Đại Đồn, A Ban đổi tên là Ngô Lãng tự xưng mình có phép hô phong hoán vũ, gươm dao không thể làm bị thương. Người Thuận Thành là Chế Vinh kêu họp dân man đi theo. Đến bấy giờ đồ đảng cướp Phố Hài.”(3)
A Ban cùng thuộc hạ tuyên truyền có phép lạ dẫn đến tác động tích cực trong việc tập hợp được quần chúng, chính lực lượng quần chúng này nhanh chóng đánh chiếm Phố Hài.
“Cai đội Nguyễn Trí Thắng đem quân chống đánh. A Ban giả đò thua, Trí Thắng đuổi theo bị phục binh giết chết. Cai đội dinh Bà Rịa tên là Dực và thư ký Mai (không rõ họ) đem quân đến cứu viện, đều chết cả. A Ban bèn vào Phan Rí, lo rằng cai cơ Nguyễn Tân Lễ sức mạnh, mình không chống nổi bèn sai con gái người dân Thuận Thành bỏ thuốc độc vào quả chuối cho Tân Lễ ăn, Tân Lễ bị câm. A Ban lại tung nhiều tiền bạc để ngầm kết với quân Tân Lễ làm nội ứng. Đến khi đánh, Tân Lễ bị bọn phản binh đâm chết, dinh trại của cải bị đốt và cướp gần hết. A Ban lại kéo quân đến Phan Rang”(4).
Cuộc khởi nghĩa của A Ban diễn ra trong thời gian không lâu, nhưng được sự hưởng ứng của quần chúng, A Ban đã lấn chiếm phủ Bình Thuận, và một phần của Phan Rang.
Như vậy, binh biến năm 1693 – 1694 của người Chăm làm cho chúa Nguyễn phải tính đến chính sách khác mềm mỏng để sáp nhập lãnh thổ còn lại vào xứ Đàng Trong một cách hòa bình.
Thứ nhất hai sắc tộc bản địa và di cư chung sống hòa bình không đối nghịch, đây cũng là một chính sách lâu dài để người Việt nhập cư và đồng hóa người Chăm.
Thứ hai là chúa Nguyễn phong tước hiệu Phiên vương cho xứ Panduranga (trấn Thuận Thành), để cư dân bản địa thấy có sự quan tâm của các chúa Nguyễn.
Chính những biện pháp ấy: “Tháng 8, lại cho phủ Bình Thuận trở lại làm trấn Thuận Thành”(5).
Sau khi trở lại với danh xưng trấn Thuận Thành: “Từ khi vi hiệu đời trước cải cách đến giờ xảy ra nạn đói khém luôn, nhân dân chết về tật dịch rất nhiều. Chúa thương tình, bèn cho trở lại gọi là Thuận Thành trấn, vẫn cho Kế Bà Tử là Tả đô đốc để thống trị"(6).
Đến đây, xứ Panduranga với tên gọi mới trong hành chính là trấn Thuận Thành. Tuy nhiên, tháng 8 năm 1697 (tức là năm Đinh Sửu Hiển Tông thứ 6) “đặt phủ Bình Thuận lấy đất phía Tây Phan Rang làm hai huyện An Phúc và Hòa Đa lệ vào, lại đặt dinh Bình Thuận, cho trấn Thuận Thành lệ vào; đặt làm 4 đạo Phan Rang, Phan Thiết, Ma Li, Phố Hài đặt mỗi đạo một chức quan văn và một chức quan võ, đều thuộc vào dinh, không đặt quan phủ, huyện”(7).
Từ năm 1697 trở về sau, phủ Bình Thuận được chia thành 2 huyện (An Phúc và Hòa Đa). Trấn Thuận Thành là thành phần định cư của người Chăm chiếm đa số. Riêng hai huyện An Phúc và Hòa Đa là nơi tập trung người Việt định cư.
Tóm lại, năm 1693 trấn Thuận Thành là đơn vị hành chính giống như phủ Bình Thuận. Đến năm 1697 trấn Thuận Thành là một khu vực tự trị của người Chăm.
2. Mối quan hệ trấn Thuận Thành và chính quyền Đàng trong
2.1 Trấn Thuận Thành giai đoạn (1697 – 1771)
Từ năm 1697, Thuận Thành được xem là một xứ được phong Phiên vương bởi các chúa Nguyễn. Phiên vương này có quân đội, luật pháp riêng biệt, nhưng vẫn chịu sự điều hành của các chúa Nguyễn, thường dâng cống phẩm cho chúa Nguyễn.
Sở dĩ các chúa Nguyễn phong trấn Thuận Thành là Phiên vương, bởi vì giai đoạn chúa Nguyễn vừa tiếp quản vùng đất mới nhằm ổn định tình hình sau nhiều biến động, do những cư dân bản xứ chưa quen sự lãnh đạo của các chúa Nguyễn, nhất là phong tục tập quán của người Việt, dẫn đến sự mâu thuẫn trong sinh hoạt hằng ngày.
Do đó, trấn Thuận Thành được các chúa Nguyễn quan tâm trong tiến trình Nam tiến, làm sao giữ được sự ổn định, không tạo nên những bất hòa giữa hai cộng đồng Việt- Chăm. Cho nên, các chúa Nguyễn luôn xem trấn Thuận Thành là nơi giao thoa giữa hai nền văn hóa, tạo nên mối đoàn kết giữa hai tộc người. Đặc biệt thời kỳ Po Saktiraydapatih (Kế Bà Tử) rất thân thiện với các chúa Nguyễn.
“Mùa thu tháng 7, mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ. Chúa ăn chay ở vườn Côn Gia một tháng, phát tiền gạo chẩn cấp cho người nghèo thiếu. Phiên vương trấn Thuận Thành là Kế Bà Tử cũng đem con và tướng tá tới hội. Chúa ban yết rất hậu, phong cho ba người con là Phù Xác, Phác Xác và Tỳ Thôn Phù tước hầu”(8).
Các chúa Nguyễn cũng rất ưu ái những thỉnh cầu của các Phiên vương như năm 1712: “Phiên vương Thuận Thành là Kế Bà Tử xin lập nhà công đường chúa (Nguyễn Phúc Chu) sai vẽ đồ thức tả sư hữu tướng, định thứ tự chỗ ngồi các phẩm khi làm việc công và khi xử kiện”(9).
Tháng 9 năm 1712, để thể hiện tính bình đẳng thống nhất giữa Việt- Chăm: “Phiên vương trấn Thuận Thành là Kế Bà Tử xin định điển lệ cho hạt ấy. Chúa Nguyễn Phúc Chu sai văn thần định 5 điều ban cho: (1) Viên nào có sự trạng gì đến cáo ở vương phủ, thì tiền đòi xét mỗi viên tả hữu trà phải nộp 20 quan, mỗi viên tả hữu phan dung phải nộp 10 quan. Đến cáo ở dinh Bình Khang thì mỗi viên tả hữu trà nộp 10 quan, mỗi viên tả hữu phan dung nộp 2 quan. (2) Phàm người kinh kiện nhau hoặc kiện với dân Thuận Thành thì do Phiên vương và cai bạ ký lục xử đoán ; dân Thuận Thành kiện nhau thì một mình Phiên vương xử đoán. (3) Hai trạm Kiền Kiền và Ô Cam sai quân canh giữ nghiêm mật để phòng kẻ gian, người sai đi không được bắt ép dân trạm đài đệ. (4) Khách buôn đến các sách Man để mua bán thì phải trình với người cai phái tấn sở của nguồn để cấp giấy thông hành. (5) Dân Thuận Thành xiêu tán đến dinh Phiên Trấn, đều đã thả về cho làm ăn, nên để lòng thương yêu, đừng nên bóc lột hà khắc, cho dân ở yên”(10).
Sau khi chúa Nguyễn Phúc Chu ban hành 5 điều, người Việt và Chăm chung sống hài hòa và là yếu tố để giữ chân người Việt được định cư lâu dài.
Năm 1727, Kế Bà Tử (Po Saktiraydapatih) chết, tình hình chính trị bắt đầu có dấu hiệu bất ổn, một số phong trào nổi dậy. Tuy nhiên chúa Nguyễn nắm bắt được tình hình liền phong các Phiên vương kế tục của người Chăm để bình ổn tình hình chính trị tại bản xứ. Đồng thời chúa Nguyễn thực thi nhiều chính sách thân thiện đối với người Chăm, nhưng không để người Chăm quên nghĩa vụ mình là một chư hầu được bảo hộ của chúa Nguyễn.
2.2. Trấn Thuận Thành giai đoạn (1771 –1802)
Năm 1771 chiến tranh giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh, đã tác động đến tình hình đời sống chính trị của người dân tại trấn Thuận Thành.Chiến tranh diễn ra một cách thường xuyên ở trấn Thuận Thành suốt 31 năm (1771-1802) và Thuận Thành như một bãi chiến trường. Vào buổi ban đầu, Tây Sơn chiếm phía Bắc trấn Thuận Thành, Nguyễn Ánh trấn giữ phía Nam lấy sông Dinh (sông Phan Rang) làm ranh giới. Kể từ đó Ninh Thuận trở thành chiến trường khốc liệt, cả hai nhà đều muốn chiếm lấy trấn Thuận Thành để làm tuyến phòng thủ. Cũng vì trấn Thuận Thành có vị trí chiến lược quân sự quan trọng, Tây Sơn và Nguyễn Ánh đều tìm cách chiếm lấy trấn Thuận Thành đặt căn cứ quân sự của mình.
Đến năm 1773, nhà Tây Sơn nắm giữ được trấn Thuận Thành làm bàn đạp tiến quân vào Gia Định. Tuy nhiên một năm sau (1774-1775), Nguyễn Ánh đem quân từ Gia Định ra chiếm lại trấn Thuận Thành. Nhưng sau đó một năm (1776-1777), Tây Sơn tái chiếm trấn Thuận Thành được hai năm (1777-1779). Sau đó Nguyễn Ánh tiếp tục làm chủ tình hình tại trấn Thuận Thành.
Đến năm 1780, Nguyễn Văn Tịch (Po Tisuntiraydapaghoh) mất, Nguyễn Ánh lập Phiên vương Nguyễn Văn Tá (Po Tisuntiraydapuran) trấn thủ trấn Thuận Thành.
Năm 1782, Tây Sơn đem quân tiến vào phía Bắc trấn Thuận Thành (tức là tỉnh Ninh Thuận ngày nay), Cai cơ Tá đầu hàng nhà Tây Sơn. Như vậy vùng đất Ninh Thuận lấy sông Phan Rang (sông Dinh) làm ranh giới, phía Bắc thuộc nhà Tây Sơn, phía Nam sông Phan Rang thuộc Nguyễn Ánh cho đến năm 1793.
Vào năm 1793, Nguyễn Ánh hành quân bắt được Po Tisuntiraydapuran (Nguyễn Văn Tá) và giết đi. Nguyễn Ánh phong Nguyễn Văn Hào (Po Ladhunpaghuh) giữ chức Chưởng cơ Thuận Thành.
Sau đó không lâu, năm 1798, “Chưởng cơ Thuận Thành là Nguyễn Văn Hào vì suy yếu xin nghỉ việc”[ ].
Nguyễn Ánh bổ nhiệm Nguyễn Văn Chấn làm Chưởng cơ trấn Thuận Thành. Ở đây, Nguyễn Văn Chấn (Po Saong Nyung Ceng) cũng như Nguyễn Văn Hào không thuộc về dòng dõi hoàng gia Chăm đã nắm quyền ở trấn Thuận Thành, các ông vốn xuất thân là những quan lại bình thường phò tá cho các Phiên vương Thuận Thành trước khi xảy ra cuộc phân tranh Nguyễn – Tây Sơn.
Chưởng cơ Nguyễn Văn Chấn, với tư cách Chánh trấn, luôn bày tỏ sự trung thành, không ngừng thực hiện nghĩa vụ chư hầu với Gia Long, đồng thời không ngừng vun đắp cho mối quan hệ giữa các tộc người bản địa ở Thuận Thành.
Cũng nhờ những quy chế đặc biệt mà triều đình Huế giành cho trấn Thuận Thành, mà vùng đất này đã trải qua một thời kỳ ổn định. Nguyễn Văn Chấn biết tận dụng những ưu thế đó nhằm bảo hộ vững chắc uy quyền của mình, tiếp tục xây dựng phát triển trấn Thuận Thành do 31 năm chiến tranh để lại (1771 đến 1802).
2.3. Trấn Thuận Thành giai đoạn (1802- 1832)
Năm 1802 Nguyễn Phúc Ánh (Gia Long) lên ngôi, trấn Thuận Thành một trong 13 quận thuộc nhà Nguyễn. Trấn Thuận Thành tìm mọi cách để tự trị, ít nhất là về phong tục tập quán và văn hóa.
Tuy nhiên khi lên cầm quyền, vua Gia Long đã xây dựng hệ thống hành chính, củng cố quyền lực của triều đại mới từ trung ương đến địa phương. Trong khi đó, trấn Thuận Thành trong bối cảnh vừa chấm dứt phân tranh cũng có những nét đặc thù là một địa bàn đặc biệt, nơi sinh sống và tụ cư của đông đảo người Việt, Chăm, Raglai…
Từ những nét đặc thù của một địa bàn phức tạp về thành phần dân cư, cũng như bản sắc, văn hóa của các tộc người đa dạng. Cho nên, nhằm duy trì các tính chất tự trị vốn có trước đây của các tộc người bản địa, vua Gia Long quyết định phục hồi và duy trì sự tồn tại của trấn Thuận Thành với các quy chế mà các chúa Nguyễn đã ban cho trấn Thuận Thành trước đó. Để thực hiện chủ trương của mình, vua Gia Long đã trao quyền cai quản trấn Thuận Thành cho Nguyễn Văn Chấn, một người từng phò trợ cho Nguyễn Ánh trong sự nghiệp chống lại quân Tây Sơn.
Nguyễn Văn Chấn toàn quyền cai quản trấn Thuận Thành, nơi mà vị Chánh trấn có quyền điều hành mọi công việc từ tư pháp, kinh tài, quân sự, quyền bổ nhiệm các thuộc hạ dưới quyền….Tuy nhiên nhà Nguyễn cũng đã phân biệt rất rõ hai bộ phận bên trong trấn Thuận thành là phiên và man: đối với các cư dân ở đồng bằng thì gọi là phiên, đối với các sắc dân miền núi Thuận Thành, thì gọi là man.
Năm 1820 vua Gia Long băng hà, vua Minh Mạng lên thay vẫn áp dụng chính sách thời vua Gia Long đối với trấn Thuận Thành, nhưng có sự bất đồng trong nội bộ nhà Nguyễn là Lê Văn Duyệt, cũng muốn nắm quyền chi phối trấn Thuận Thành. Năm 1822, Nguyễn Văn Chấn (Po Saong Nyung Ceng ) qua đời, Minh Mạng phong Nguyễn Văn Vĩnh (Po Klan Thu) làm Trấn thủ trấn Thuận Thành được 6 năm.
Năm 1828, trấn Thuận Thành tuy là một quận của nhà Nguyễn, nhưng mọi điều hành quyết định thuộc về Lê Văn Duyệt. Nguyễn Văn Vĩnh (Po Klan Thu) qua đời, Lê Văn Duyệt đã bổ nhiệm Nguyễn Văn Thừa (Po Phaok The) lên thay.
Năm 1832, Lê Văn Duyệt từ trần, vua Minh Mạng bỏ tên gọi trấn Thuận Thành, trực thuộc vào tỉnh Bình Thuận. Đến đây trấn Thuận Thành không còn là một đặc khu tự trị của người Chăm, là khu hành chính thuộc tỉnh Bình Thuận.
Kết luận
Tìm hiểu về trấn Thuận Thành giai đoạn cuối thế kỷ XVII, để minh định thời điểm Phật giáo có mặt tại Ninh Thuận. Bởi vì, nghiên cứu lịch sử Phật giáo Ninh Thuận việc tìm hiểu trấn Thuận Thành (1692 – 1832) là rất quan trọng. Trấn Thuận Thành (Panduranga – Champa) trước năm 1692 là trung tâm chính trị, xã hội, văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo của người Chăm. Trải qua sự kiện 1693 trấn Thuận Thành (Panduranga – Champa) không bị mất đi, vẫn còn tồn tại với tên gọi là Phiên vương, nhưng lệ vào phủ Bình Thuận.
Năm 1693, Nguyễn Phúc Chu lệnh cho tướng Nguyễn Hữu Cảnh và Nguyễn Đình Quang mang quân vào Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết đánh chiếm thành lập trấn Thuận Thành.
Năm 1694, Nguyễn Phúc Chu lại thay đổi tên gọi hành chính từ trấn Thuận Thành thành phủ Bình Thuận trực thuộc xứ Quảng Nam. Giai đoạn này các chúa Nguyễn đã thực hiện chính sách di dân, thành lập làng xóm. Trấn Thuận Thành sau năm 1697, thuộc sự quản lý điều hành của các chúa Nguyễn, nhưng đặc biệt trấn Thuận Thành còn sử dụng luật pháp và phong tục riêng biệt.
Giai đoạn 1771 trở đi trấn Thuận Thành rơi vào nhiều biến động về chính trị, ảnh hưởng cuộc chiến tranh Tây Sơn và Nguyễn Ánh, tiếp đến giữa Minh Mạng và Lê Văn Duyệt. Cho đến năm 1832, trấn Thuận Thành chính thức sáp nhập vào tỉnh Bình Thuận.
Sau năm 1694, trấn Thuận Thành là mảnh đất cuối cũng của nhà nước Champa được sáp nhập vào lãnh thổ Đàng Trong. Tuy nhiên trải qua các đời chúa Nguyễn, vẫn ưu ái đặc cách quy chế tự trị với luật pháp và quân đội riêng biệt. Thời vua Gia Long (1802) còn ban nhiều đặc quyền để người Chăm cai trị. Sau khi vua Gia Long băng hà, Minh Mạng thực hiện cải cách hành chính (1832) trấn Thuận Thành không còn phong Phiên vương chính thức sáp nhập vào Bình Thuận.
Tác giả: Thích Đồng Niệm Chùa Sùng Ân số 56 đường 21 tháng 8, P.Phủ Hà, Tp.Phan rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2023 ***TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Nguyễn Thế Anh (ban chủ biên)(1970), Nam Tiến Của Dân Tộc Việt Nam, Nxb Khai Trí 2. Lê Đình Cai (1971), 34 Năm Cầm Quyền Của Chúa Nguyễn Phúc Chu, Nxb Đăng Trình 3. Dohamide – Dorohiem (1965), Dân tộc Chàm lược sử, Saigon. 4. Pgs.Ts. Po Dharma (2013), Vương quốc Champa - Lịch sử 33 năm cuối cùng (1802-1835), ấn hành dưới sự bảo trợ của The Couneil for the Social- Cultural development of Champa, Intertional Office of San Jose. California. USA. 5. Nguyễn Đình Đầu (1996), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Bình Thuận, Nxb Tp. Hồ Chí Minh. 6. Nguyễn Đình Đầu (2013), Việt Nam Quốc Hiệu & Cương Vực Hoàng Sa- Trường Sa, Nxb Trẻ- Tp. HCM 7. Phạm Trọng Điềm (2006) (dịch), Đại Nam Nhất Thống Chí (t.3), NXB. Thuận Hóa. 8. Đình Hy (chủ biên)(2016), Địa Danh Tỉnh Ninh Thuận Xưa Và Nay, Nxb Văn hóa- Văn nghệ. 9. Bùi Văn Huy (2014), Khóa Luận Tốt Nghiệp Đại Học “ Quá Trình Mở Rộng Lãnh Thổ Thời Các Chúa Nguyễn 1623- 1757”, Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội. 10. Trần Trọng Kim (2019), Việt Nam Sử Lược, Nxb Văn Học. 11. Thông Thanh Khánh (1999), Dấu ấn Phật giáo Champa, Nxb Mũi Cà Mau. 12. Phan Khoang (1969), Việt sử : Xứ Đàng Trong, Khai Trí, Saigon. 13. Gs. Ts. Pièrre-Bernard LAFONT(Chuyển ngữ sang tiếng Việt bởi Hassan Poklaun) Vương Quốc Champa, Địa Dư, Dân Cư và Lịch Sử (2011), ấn hành bởi Intertional Office of Champa. 14. Lam Giang (1970), Panduranga Sơn Xuyên Ninh Thuận, Ninh Thuận. 15. Nguyễn Ngọc Tỉnh (dịch)(2002), Đại Nam Thực Lục – Tiền Biên, tập 1 Nxb Giáo dục, Hà Nội. 16. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2010), Minh Mạng Chính Yếu, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 17. Lương Ninh (2004), Lịch sử vương quốc Champa, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội 18. Nguyễn Đình Tư (2003), Non nước Ninh Thuận, Nxb Thanh Niên. 19. Tạ Chí Đại Trường (2012), Lịch sử nội chiến ở Việt Nam (1771 – 1808), Nxb. Tri thức, Hà Nội.
CHÚ THÍCH: (1) Nguyễn Ngọc Tỉnh (2002) (dịch), Đại Nam Thực Lục (t.1), NXB. Giáo dục, tr. 106 – 107. (2) Nguyễn Ngọc Tỉnh (2002) (dịch), Đại Nam Thực Lục (t.1), NXB. Giáo dục, tr. 107. (3) Nguyễn Ngọc Tỉnh (2002) (dịch), Đại Nam Thực Lục (t.1), NXB. Giáo dục, tr. 107. (4) Nguyễn Ngọc Tỉnh (2002) (dịch), Đại Nam Thực Lục ( t.1), NXB. Giáo dục, tr. 107 – 108. (5) Nguyễn Ngọc Tỉnh (2002) (dịch), Đại Nam Thực Lục (t.1), NXB. Giáo dục, tr. 109. (6) Nguyễn Ngọc Tỉnh (2002) (dịch), Đại Nam Thực Lục (t.1), NXB. Giáo dục, tr. 109. (7) Phạm Trọng Điềm (2006) (dịch), Đại Nam Nhất Thống Chí (t.3), NXB. Thuận Hóa, tr. 144. (8) Nguyễn Ngọc Tỉnh (dịch) (2002) , Đại Nam Thực Lục (t. 1), NXB. Giáo dục, tr. 130 (9) Nguyễn Ngọc Tỉnh (dịch) (2002) , Đại Nam Thực Lục (t.1), NXB. Giáo dục, tr. 131 (10) Nguyễn Ngọc Tỉnh (dịch) (2002) , Đại Nam Thực Lục (t. 1), NXB. Giáo dục, tr.128. (11) Nguyễn Ngọc Tỉnh (dịch) (2002) , Đại Nam Thực Lục (t.1), NXB. Giáo dục, tr.366.
Bình luận (0)