1. Tư tưởng Tịnh độ

Khi đức Phật Thích ca còn tại thế, có một vị vua tên Tần Bà Sa La bị chính con trai của mình là Thái tử A Xà Thế giam lỏng do vị thái tử này muốn lên ngôi sớm. Vợ của vua là Hoàng hậu Vi Đề Hy muốn gặp được ông cũng không dễ dàng. 

Tên nghịch tử tàn bạo, bất hiếu đã cướp ngôi đoạt vị, khiến vua cha trở thành một vị vua trong ngục tối. Trong hoàn cảnh ấy, vua Tần Bà Sa La vừa đau khổ vừa tuyệt vọng, vô cùng chán ghét cõi Ta bà, ngũ trược ác thế, khổ não chịu không thấu, lại đầy rẫy ngạ quỷ và súc sinh. 

Lúc này, phu nhân Vi Đề Hy khi vào ngục thăm đức vua không được phép mang theo đồ ăn. Phu nhân Vi Đề Hy rất thương tâm nên tìm cách giải cứu cái khổ đói và khát tạm thời cho phu quân. Vì vậy, sau khi tắm rửa sạch sẽ, bà dùng "bột" thoa lên thân thể và đồ trang sức của mình rồi vào ngục thăm chồng. 

Bây giờ đức Thế Tôn đang ở núi Kỳ Xà Quật (núi Linh Thứu) biết rõ tâm niệm cầu giúp đỡ của bà Vi Đề Hy, hiện ra nơi vương cung. 

Đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng vàng rực rỡ soi khắp vô lượng thế giới của mười phương, khắp các cõi nước trong sạch nhiệm màu của chư Phật đều hiện rõ, có vương quốc do bảy báu hợp thành, có cõi thuần là hoa sen, có cõi sáng như pha lê,…

Bà Vi Đề Hy quan sát các cõi và xin được vãng sinh về thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà.

Sau đó, đức Thế Tôn chỉ cho vua Tần Bà Sa La và phu nhân Vi Đề Hy nhất tâm xưng niệm Phật A Di Đà.

Đây được xem như một mẩu chuyện góp phần trong cả quá trình dài hình nên tư tưởng, tín ngưỡng Tịnh độ.

Ảnh minh hoạ: Sưu tầm
Ảnh minh hoạ: Sưu tầm

2. Từ tư tưởng Tịnh độ tiến tới Tịnh độ tông

“Tịnh” là thanh tịnh, “độ” đóng vai trò ý nghĩa trong nhiều hoàn cảnh có thể là “vương quốc”, là “cõi”, là “cứu độ”. Tịnh độ có thể tạm hiểu là Cõi thanh tịnh.

Có một số lưu truyền cho rằng Tịnh độ là 1 trong những tư tưởng sáng lập bởi Trung Hoa. Thực tế lưu truyền này là không hoàn toàn chính xác. Chúng ta cần hiểu rõ ràng rằng, Trung Hoa thành lập trường phái Tịnh độ tông, còn khởi nguyên tư tưởng Tịnh độ thì lại thuộc Ấn Độ. 

Tư tưởng này được cho rằng xuất hiện trong khoảng đầu Công nguyên hoặc có thể sớm hơn đôi chút. Thực tế cho thấy thì không ai chứng thực được chính xác mốc thời gian, vì sự lưu truyền thuở sơ khai có thể là bằng miệng chứ không phải văn kiện, người ta chỉ có thể dựa trên những bộ kinh Đại thừa nói về tinh thần này để phán đoán. 

Tịnh độ được y cứ trên ba bộ kinh và một bộ luận làm cơ sở nòng cốt để phát huy gồm: Phật Thuyết A Di Đà kinh, Vô Lượng Thọ kinh, Quán Vô Lượng Thọ kinh (còn gọi Thập Lục Quán kinh) và một bộ luận là Tịnh độ vãng sinh luận của Bồ tát Thế thân.

Khái niệm tịnh độ vốn đã hình thành trong kinh tạng Phật giáo nguyên thuỷ nhưng sau đó phát triển thành cả hệ thống tư tưởng ở thời kỳ Phật giáo Đại thừa với những bộ kinh riêng. Tuy nhiên, ở Ấn Độ thời kỳ này không chỉ có một dòng tư tưởng Tịnh độ A Di Đà, mà có tới ít nhất 4 dòng Tịnh độ. 

Bên cạnh Tây phương Cực Lạc còn có tư tưởng Tịnh độ của Đông phương Cực Lạc hay còn gọi là Cõi Diệu Hỷ của Phật A Súc (Aksobhya - Bất Động Phật), Tịnh độ ở cõi trời Đâu Suất, nơi Bồ tát Di Lặc (Maitreya - Từ Thị) đang giáo hóa chúng sinh, và ý niệm Thanh tịnh nhân gian hay Tịnh độ tại nhân gian của cư sĩ Duy Ma Cật. Tuy nhiên, nổi bật nhất, được truyền bá mạnh mẽ nhất vẫn là tư tưởng Tịnh độ A Di Đà tại Tây phương Cực lạc. 

Tư tưởng Tịnh độ thuở sơ khai tại Ấn Độ chỉ như sự xây dựng nền tảng sau này, cho tới khi truyền sang Trung Hoa thì được phát triển mạnh mẽ thành cả 1 tông phái lớn và truyền ngược trở lại về Ấn Độ.

Tư tưởng Tịnh độ vốn dĩ chỉ là nói về ước mong một cõi đời, thế giới thanh tịnh, không cấu uế mà thôi. Tư tưởng này không do 1 cá nhân nào sáng tạo mà là cả 1 hệ tư tưởng theo thời gian hình thành mong ước chung của con người. Chỉ có “Tịnh Độ tông” ở Trung Hoa mới là sự sáng lập bởi cao tăng Huệ Viễn (334–416). Ông là một trong những người đầu tiên hệ thống hóa và phát triển tư tưởng Tịnh độ thành một trường phái độc lập trong Phật giáo tại Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh rằng phương pháp niệm Phật là con đường có phần "dễ dàng hơn" và hiệu quả để đạt đến giác ngộ, đặc biệt cho những người không thể thực hành các pháp môn khác một cách hoàn toàn trọn vẹn.

3. Tinh thần chung của tư tưởng Tịnh độ

Tịnh nghiệp và niệm danh xưng A Di Đà

1. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ bi không giết hại, tu mười nghiệp lành: (1) Không sát sinh, (2) Không trộm cướp, (3) Không tà dâm, (4) Không dối trá, (5) Không nói thêu dệt, (6) Không nói 2 lưỡi, (7) Không nói lời hung ác, (8) Không tham dục, (9) Không sân hận, (10) Không tà kiến.

2. Thọ trì tam quy, giữ vẹn các giới, không phạm oai nghi.

3. Phát lòng Bồ đề tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyến tấn người tu hành.

Ba điều này gọi là tịnh nghiệp

Cõi thanh tịnh của tư tưởng Tịnh độ

1. Môi trường thanh tịnh

Môi trường không ô nhiễm, sạch sẽ, không ảnh hưởng tới sự sinh tồn của loài người, và các giống loài khác, thiên nhiên… 

2. Đời sống thanh tịnh

Con người bình an, thuận hoà, no đủ, hạnh phúc. Không vì lòng tham, không bị hoàn cảnh miếng cơm manh áo thiếu thốn mà phải đấu đá, hãm hại nhau, tranh dành đoạt lợi, không phải bôn ba xa gia đình,…

3. Kinh tế thanh tịnh

Không thiếu thốn kinh tế, không vì kinh tế bị thiếu thốn mà sinh phiền não,…

4. Quần chúng thanh tịnh

Từ các quốc gia với nhau, cho tới làng xóm với nhau, tới con người với nhau thân tình đoàn kết, giúp đỡ mà không tranh chấp.

5. Thân tâm thanh tịnh

Thân tâm của từng cá nhân đều trong sạch, không khởi ác pháp, không tham, sân, si, không còn phiền não khổ đau. 

Lời kết

Có thể nói tư tưởng Tịnh độ vốn dĩ thể hiện tinh thần khát khao thoát khổ, được sống trong đời thanh tịnh của con người. Ý niệm này gần như xuất hiện trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, mạnh mẽ tới mức dần dần phát triển thành hệ thống tín ngưỡng. 

Cư sĩ Phúc Quang tóm lược

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tịnh độ tại nhân gian, Hoà thượng Ấn Thuận, Hoà thượng Tinh Vân, Chủ nhiệm phiên dịch: Thượng toạ Thích Thanh Phong, Đại đức Thích Quảng Lâm, Việt dịch: Nhuận Pháp, Liên Hải, Vạn Nghĩa, Diệp Pháp, Đồng Bảo, NXB Lao Động

2. Kinh Quán Vô lượng Thọ Phật, Hán dịch: Lưu Tống, Cương Lương, Gia Xá, Việt dịch: Hoà thượng Thích Thiền Tâm

3. Vài nét về Tịnh độ tông và tư tưởng Tịnh độ trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nguyễn Văn Quý, Nghiên cứu Tôn giáo - Số 2 (140), 2015