Am Ngọa Vân

Nằm trên núi Bảo Đài, ở độ cao 600m so với mực nước biển, thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Ngọa Vân là địa danh gắn với nơi tu hành và viên tịch của vị Tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm - Trần Nhân Tông.

Theo văn bia còn ghi lại: tháng 8 năm 1299 Thượng hoàng Trần Nhân Tông rời bỏ cung Trùng Quang phủ Thiên Trường (Nam Định) xuất gia vào núi Yên Tử tu hành khổ hạnh, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và xưng là Trúc Lâm Đại sĩ. Tháng 5 năm Đinh Mùi (1307), Trúc Lâm Đại sĩ lên tu một am nhỏ trên đỉnh Ngọa Vân, am nhỏ đó được gọi tên theo tên của đỉnh núi nơi dụng am từ là am Ngọa Vân. Ngày 01 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), Ngài an nhiên viên tịch ở tư thế sư tử nằm tại am Ngọa Vân.

Sau đó đệ tử của Ngài đã hỏa thiêu ngay tại am Ngọa Vân, đồng thời cho xây dựng bảo tháp để lưu giữ xá lợi của Ngài tại đỉnh Ngọa Vân gọi là Phật Hoàng tháp.

Chùa Đồng

Chùa Đồng vốn được khởi dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ 17), làm bằng khung sắt, mái đồng, quy mô nhỏ như một khám thờ; ngoài ra tượng Phật, chuông, khánh bên trong đều được làm bằng đồng. Vào triều vua Lê Cảnh Hưng (năm Canh Thân 1740), bão lớn làm đổ chùa, chỉ còn lại dấu tích các hố chôn cột trên mỏm đá.

Sau đó, một vị thủ nhang chùa Long Hoa (Uông Bí) đã tái tạo lại chùa Đồng nhưng lại bằng bê tông và đặt trên mỏm đá vuông ở vị trí chùa cũ.

Năm 2007, mới dựng ngôi chùa mới như hiện nay thay thế ngôi chùa đồng cũ.

Chùa quay về hướng Tây Nam, một gian hai chái, mang dáng như một bông sen nở.

Chùa được chế tác hoàn toàn bằng đồng, diện tích gần 20m2, chiều cao từ nền đến nóc là 3,35m.

Các họa tiết hoa văn trang trí mang phong cách thời Trần.

Toàn bộ công trình gồm chùa, tượng Phật, chuông nặng hơn 70 tấn, được đúc bằng đồng nguyên chất nhập từ Australia, với khoảng hơn 4.000 cấu kiện, trong đó cấu kiện nặng nhất có trọng lượng 1,4 tấn, được lắp đặt trực tiếp trên đỉnh núi.

Chùa Đồng mang dáng dấp kiến trúc tòa thượng điện chùa Dâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), có hình khối vuông bốn mái, mái có hình ngói mũi hài, bờ nóc bờ dải không trang trí, hai đầu bờ nóc cùng bốn đầu đao là hình đầu rồng mang phong cách thời Trần. Phần mái vươn ra bốn phía tạo thành hiên. Ba mặt của chùa là các ván đồng ghép khít lại với nhau tạo thành bức vách. Phần dưới của bức vách có trang trí dải hoa văn hình lá lật. Mặt trước hiên chùa có hành lang, lan can là các chấn song hình thân trúc.

Chùa Lân

Chùa Lân hay tên chữ là Long Động Tự là một ngôi chùa trên núi Yên Tử, năm 1293, vua Trần Nhân Tông đã cho tôn tạo, xây dựng chùa Lân thành một nơi khang trang lộng lẫy, chùa Lân trở thành Viện Kỳ Lân, là nơi giảng đạo, độ tăng. Ba vị sư tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang thường đến đây thuyết pháp, giảng kinh. Chùa Lân xưa kia là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất trong hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm.

Năm 2002, Chùa Lân (Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử) đã được xây dựng lại.

Vườn tháp Huệ Quang (khu tháp Tổ)

Vườn tháp Huệ Quang nay chỉ còn 64 ngọn tháp và mộ, trong đó có 40 tháp mới được trùng tu năm 2002, 11 tháp đá, 13 tháp gạch, một số ngôi tháp đã bị đổ chỉ còn lại dấu tích. Tháp Tổ Trần Nhân Tông hay còn gọi là Tháp Huệ Quang mặt bằng rộng khoảng 180m2, cao 10m, với 6 tầng, được ghép từ các phiến đá xanh, đặt ở vị trí trung tâm của vườn tháp. Sân tháp hình vuông, có tường bao quanh. Nền tháp xòe rộng, hình lục lăng, mặt ngoài chạm nổi hình sóng nước. Tầng bệ tháp tạc đài sen 102 cánh, chạm nổi trang trí hoa dây. Trong lòng tầng 2 của tháp đặt tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, cao 62cm, bằng chất liệu đá cẩm thạch, trong tư thế một nhà sư ngồi thiền định, mình khoác áo cà sa hở ngực phải, các nếp áo chảy tràn ra mặt bệ tượng.

Chùa Hoa Yên

Chùa Hoa Yên được dựng từ thời Lý và được tôn tạo nhiều lần trong lịch sử. Chùa tọa lạc trên lưng chừng núi, quay hướng Tây Nam, gồm có các hạng mục: chùa chính, nhà tổ, tả vu, hữu vu, nhà khách, nhà ni, nhà bếp và một số công trình phụ trợ khác.

Chùa Quỳnh Lâm

Theo truyền thuyết chùa Quỳnh Lâm được xây dựng dưới thời Tiền Lý (thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên), nhưng các bằng chứng đáng tin cậy cho thấy chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ Xii do Thiền sư Nguyễn Minh Không – Một trong những vị quốc sư dưới thời Lý.

Hiện nay, chùa Quỳnh Lâm đang được trùng tu với các hạng mục xây dựng Kiến trúc trung tâm gồm tiền đường, trung đường, hậu đường và hành lang với tổng diện tích xây dựng 3.720 m2; tam quan có mặt bằng hình chữ nhật; nhà che bia có mặt bằng hình vuông; nhà trưng bày và công trình phụ trợ, hệ thống sân vườn…có tổng mức đầu tư 195 tỷ đồng.

Chùa Côn Sơn

Chùa Côn Sơn một trong ba trung tâm nổi tiếng của dòng Phật giáo Trúc Lâm thời Trần nằm dưới chân núi Kỳ Lân, thuộc phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa có tên chữ là Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự, tục gọi là chùa Hun. Chùa có từ thế kỷ X, đến thế kỷ Xiii, XiV (thời Trần), Thiền phái Trúc Lâm được thành lập, các vị tổ như Pháp Loa, Huyền Quang đã về trụ trì, thuyết pháp và cho mở rộng quy mô kiến trúc, dựng liêu Kỳ Lân cho các tăng ni tu hành.

Chùa Thanh Mai

Chùa Thanh Mai gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm tam tổ thuộc xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Chùa Thanh Mai vốn được Thiền sư Pháp Loa tôn giả xây dựng vào khoảng năm 1329 trên sườn núi Phật Tích.

Chùa Thanh Mai vẫn gìn giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Viên Thông Bảo Tháp xây dựng năm 1334; tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hoà thứ 23 (1702); tháp Linh Quang xây dựng năm Chính Hoà thứ 24 (1703), cùng 5 ngôi tháp khác. Trong chùa cũng còn lưu giữ được 6 tấm bia thời Trần và Lê, trong đó Thanh Mai Viên Thông tháp bi được công nhận là bảo vật quốc gia. Bia được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362) nói về thân thế và sự nghiệp của Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc lâm.

Chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa Vĩnh Nghiêm ở làng Đức La xã Trí Yên huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang, Việt Nam, còn được gọi là chùa Đức La, tương truyền chùa được xây dựng từ thời Lý và mở rộng vào khoảng thế kỷ Xiii, thời nhà Trần.

Ba vị Trúc Lâm tam Tổ từng trụ trì và mở trường thuyết pháp tại đây, nên chùa Vĩnh Nghiêm được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, được xem như trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam và là trung tâm Phật giáo thời Trần.

Hiện chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Hệ thống tượng Phật, các bia đá, hoành phi, câu đối, đồ thờ…

Với các giá trị khoa học, lịch sử đặc sắc, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2012.

Tác giả: Hoàng An Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 3/2017