Giáo dục không chỉ là việc dạy và việc học mà còn là quá trình chuyển hóa nội tâm, cải tạo cái xấu, thay thế, bồi dưỡng và phát huy cái tốt, trang bị cho mỗi cá nhân những nhận thức chính kiến, đức tin chân chính và những phẩm chất tâm linh cao thượng để mỗi người có thể làm hành trang tư lượng cho đời sống an lạc, hạnh phúc cá nhân, gia đình, học đường và cộng đồng xã hội.

Tác giả: Thích Đức Bảo Học viên Thạc sĩ Khóa VI, Học viện PGVN tại Tp.HCM

A. DẪN NHẬP

Trong 80 năm trụ thế, đức Phật không ngoài mục đích chỉ ra con đường, biện pháp để chúng sinh đạt được mục tiêu tối hậu là giác ngộ, giải thoát. Những bài pháp Ngài giảng dạy tùy theo căn cơ và trình độ của mỗi người khác nhau, trong đạo Phật gọi là “khế lý và khế cơ”. Giáo dục là việc giáo dục con người, khoa học về sự huấn luyện đạo đức, trí tuệ và hình thành con người nhân cách, con người hạnh phúc. Giáo dục là nâng cao trình độ học vấn, rèn luyện tri thức và đào tạo con người ngành nghề, con người chân, thiện và mỹ, có khả năng hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, giáo dục, kĩ thuật, tôn giáo… Trong sự phát triển xã hội, giáo dục luôn có những xu thế mở không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn quốc tế nữa. Cho đến ngày nay, giáo pháp của Ngài tiếp tục ngày càng phát triển và luôn lợi ích thiết ở thực hiện tại. Những yếu tố làm nên một nền giáo dục Phật giáo ấy bao gồm: Mục đích giáo dục, mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục, đối tượng giáo dục, phương pháp giáo dục.v.v.

B. NỘI DUNG

1. Khái quát giáo dục Phật giáo

Giáo dục Phật giáo là giáo pháp đức Phật dạy. Nói đến giáo dục thế gian, người ta đã tiến đến lý thuyết 4W, đó là: Who, Whom, What, How. Giáo dục Phật giáo cũng tương quan lý thuyết này. Nói về Who là ai dạy - trong Phật giáo là chính Phật, Bồ tát và thời sau Phật là đệ tử Phật. Whom là dạy ai? Dạy tất cả chúng sinh, đối tượng là con người. What là dạy cái gì - Đó là giáo pháp, giáo Pháp gồm 3 tạng kinh-luật-luận. (1) Kinh tạng là giáo thuyết Phật giáo nói để khai ngộ chúng sinh, đạt chứng Niết bàn và hóa độ hữu tình. Nói theo thế tục thì Phật giáo nhằm đưa con người đạt đến đỉnh cao của trí tuệ và tình cảm của con người toàn vẹn. Kinh được coi là khế kinh. Khế nghĩa là phù hợp, phù hợp chân lý, phù hợp cơ duyên và phù hợp với thời gian. (2) Luật tạng là giới luật Phật dạy cho các đối tượng tu dưỡng, nói theo thông thường là luật lệ quy tắc sinh hoạt, là quy luật đạo đức cần thiết cho tất cả mọi người dù sống độc cư hay trong tập thể, trong cộng đồng. (3) Luận tạng là tất cả những nghị luận, biện luận làm sáng tỏ nghĩa lý các giáo thuyết do Phật nói, được các vị La-hán, Bồ-tát rút trong kinh tạo ra. How là dạy như thế nào - Là các phương pháp ứng dụng để giáo dục đạt hiệu quả.

Giáo dục Phật giáo là để phát triển trí tuệ, thấu hiểu bản chất thật sự của các pháp, hiểu được những điều chân thực và có giá trị. Học Phật là đi theo con đường đức Phật đã dạy để nhận sự chân thật, qua đó loại bỏ những quan điểm sai lầm, trái đạo đức.

Giáo Dục Phật Giáo

Trong những buổi đầu, giáo dục Phật giáo khá đa dạng như từ thân giáo, khẩu giáo, ý giáo, tự tỉnh.v.v. trong đó nổi bật nhất là hình thức khẩu giáo. Đây là cách thức giảng dạy thông qua hình thức đối thoại, so sánh và đôi khi cả tranh biện. Giáo dục Phật giáo là một quá trình tiệm tiến. Nghe giảng dạy, ghi nhớ, suy nghiệm và thực tập (văn - tư - tu) được xem như là một tiến trình giáo dục, không phải chỉ xảy ra trong chốc lát mà là một quá trình diễn biến thứ bậc. Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, Ta không nói rằng trí tuệ được hoàn thành lập tức. Nhưng này các Tỷ-kheo, trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ”[1].

Từ góc độ giáo dục Phật giáo, giáo dục không chỉ là việc dạy và việc học mà còn là quá trình chuyển hóa nội tâm, cải tạo cái xấu, thay thế, bồi dưỡng và phát huy cái tốt, trang bị cho mỗi cá nhân những nhận thức chính kiến, đức tin chân chính và những phẩm chất tâm linh cao thượng để mỗi người có thể làm hành trang tư lượng cho đời sống an lạc, hạnh phúc cá nhân, gia đình, học đường và cộng đồng xã hội. Giáo dục Phật giáo nhằm trang bị và hoàn bị cho con người có thể sống an lạc và hạnh phúc, phục vụ cho tha nhân, góp phần xây dựng một quê hương đất nước giàu đẹp, một xã hội công bằng văn minh. Giáo dục Phật giáo không đào tạo con người trở thành con người nghề nghiệp mà giáo dục con người trở thành con người an lạc và hạnh phúc. Con đường giáo dục của Phật giáo khá thiết thực và thực tiễn. Vậy, giáo dục Phật giáo là giảng dạy hệ thống giáo lý Phật giáo cho con người, hướng đến sự phát triển toàn diện của con người qua các mặt của đời sống, đặc biệt là tâm thức, nhằm kiến tạo một đời sống trí tuệ và hạnh phúc. Nhưng trên bước đường hoằng pháp (giáo dục) của một vị tu sĩ cần phải có đủ năm khả năng hoạt dụng, mới có thể đem lại nhiều lợi ích cho đời, và truyền đạo sâu rộng vào quần chúng. Đó chính là kiến thức hoạt dụng về “Ngũ minh”. Kiến thức Ngũ minh là tài liệu khổng lồ của một tu sĩ đi vào cuộc đời cần trang bị. Hòa thượng Thích Chơn Thiện nhận định:“Giáo dục để đào tạo Ngũ minh cho quý vị tu sĩ là một hệ thống giáo dục tốt đẹp của Phật giáo trong bất cứ thời đại nào, ở bất cứ nền văn hóa nào.”[2] Ngũ minh là năm kiến thức người làm giáo dục cần phải có, phải hiểu biết. Đó là những kiến thức về Nội minh, Nhân minh, Thanh minh, Công xảo minh và Y phương minh.

2. Mục tiêu giáo dục Phật giáo

Giáo dục Phật giáo chính là giáo dục con người. Vậy phải hình dung ra con người là như thế nào, bản tính ra sao? Xưa nay, giáo dục Phổ thông của phương Tây và phương Đông thường có hai khuynh hướng cho rằng bản tính con người là thiện hoặc ác. Nói riêng về phương Đông có 3 sự chủ trương rất rõ: Mạnh Tử chủ trương tính thiện, khuynh hướng dùng nhân trị; Tuân Tử chủ trương tính ác, khuynh hướng dùng pháp trị. Phật giáo chủ trương có ba tính thiện, bất thiện, vô ký, bản chất con người là duyên khởi vô ngã. Con người là một hữu thể có đặc tính như vậy.

Có thể nói, Phật giáo là một hệ thống giáo dục rất đặc biệt, nhắm đến mục tiêu đặc biệt. Giáo dục Phật giáo muốn giúp con người có hạnh phúc đích thực, biết tu tập, chuyển hóa tham, sân, si; biết thanh lọc ác pháp tham, sân, si thành thiện pháp vô tham, vô sân, vô si; biết chuyển hóa phiền não thành bồ đề; biết vun trồng và tưới ẩm những hạt giống chính niệm ở trong tâm thức của mỗi con người. Hạnh phúc chỉ đến thật sự khi giải thoát đồng nghĩa với tinh thần vô ngã, tâm linh con người thoát khỏi tham, sân, si… bỏ qua tất cả phiền não và an vui trong cảnh giới Niết bàn. Nói về mục tiêu này, Hòa thượng Thích Thiện Siêu nhận định rằng: “mục tiêu của giáo dục vẫn là mưu cầu hạnh phúc. Hạnh phúc, theo Phật giáo, chính là sự giải thoát tối hậu[3]. Giải thoát đồng nghĩa với vô ngã, vô tham, vô sân, vô si, thoát khỏi luân hồi, tuyệt đối an tịnh Niết bàn.

Mục tiêu của giáo dục Phật giáo là đưa mọi người đến chỗ giải thoát mọi khổ đau, nhưng giáo pháp của Đức Phật có phân biệt từng trường hợp, từng hoàn cảnh, tùy theo căn cơ của từng chúng sinh mà hướng dẫn từng cá nhân đi theo những con đường nhanh hay chậm, trực tiếp hay gián tiếp.

Giáo dục Phật giáo hướng đến giúp con người biết phát triển tâm linh cao thượng, biết nuôi dưỡng tinh thần độc lập tự do, tự chủ và tự do sáng tạo. Tự do có nghĩa là thân và tâm không bị ràng buộc bởi các tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Các phiền não này là những khổ đau. Giáo dục Phật giáo còn giúp con người có niềm tin vững chãi, không sợ hãi, không sợ kẹt vào các thành kiến, định kiến, các tín điều và giáo điều, tin vào ý nghĩa thiện, lời nói thiện và việc làm thiện của chính bản thân mình.

Mục tiêu của giáo dục Phật giáo còn là xây dựng con người hữu ích, hạnh phúc, có nhân cách tốt, con người chân thiện mỹ, có một đời sống trọn vẹn hạnh đức, tâm đức và tuệ đức để con người đó có thể góp phần xây dựng một nếp sống tốt đạo, đẹp đời và xây dựng một nền văn hóa văn minh cho nhân loại. Đào tạo những con người có kiến thức sống động, những tâm tư mới lạ, sáng suốt, có tính sáng tạo, biết khơi dậy và đánh thức những hạt giống hạnh phúc và giác ngộ nơi tự thân, những con người có tấm lòng tương trợ, tương thân, tương ái, tương kính, có tình yêu nhân loại. Và cuối cùng đi đến mục tiêu tối hậu của giáo dục Phật giáo là sự giải thoát hoàn toàn khổ đau.

3. Đối tượng giáo dục trong nhà Phật

Đối tượng giáo dục trong nhà Phật nói chung là con người, giáo dục của thế gian cũng như Phật giáo lấy con người làm trung tâm. Vì thế, giáo dục Phật giáo không có sự phân chia hay kỳ thị nào cả. “Giáo dục Phật giáo là nền giáo dục có bình diện rộng. Đối tượng của giáo dục Phật giáo là con người trong hoàn cảnh sống của nó. Vượt ra ngoài mọi phân biệt về chủng tộc, ranh giới địa lý hay văn hoá, giáo dục Phật giáo lấy con người trong thế giới này làm đối tượng và cứu cánh cũng ở con người trong thế giới này.”[4] Nhưng chúng ta cần phải quan tâm đến đối tượng tiếp nhận kiến thức (người học) là ai? Họ cần điều gì? Do đó, người đóng vai trò giảng dạy trong nhà Phật phải biết tùy căn cơ của đối tượng tiếp nhận kến thức mà chọn chủ đề cho thích hợp để đạt được mục đích của người dạy và yêu cầu của người muốn học. Tùy theo nội dung, theo hoàn cảnh và căn tính của từng đối tượng giáo dục, phương pháp và biện pháp thực hiện nội dung cũng rất phong phú, linh động. Vì “con người có những căn trí bất đồng, có người chóng hiểu, có người chậm hiểu, có người nặng về tham, có người nặng về sân, có người nặng về si, có người thích tịnh, có người thích hiếu động v.v...”[5] Cho nên, tùy theo những phàm trù đối tượng trên mà chúng ta lựa chọn nội dung cho phù hợp. Nhiều phương pháp sư phạm được đề ra trong giáo dục, từ sự áp đặt, nhồi nhét đến sự khơi dậy khả năng sáng tạo, tôn trong sự tự do .v.v... Đấy là những trăn trở không ngừng của các nhà giáo dục để nỗ lực góp phần tạo nên những lý thuyết về phương pháp giáo dục mới.

4. Nội dung giáo dục Phật giáo

Theo nguyên lý giáo dục, yêu cầu căn bản của một triết lý giáo dục hoàn thiện cần phải thỏa mãn ba vấn đề: (1) Bản chất con người là gì?; (2)Nền giáo dục ấy muốn con người trở thành cái gì? (3) Phải làm gì để có con người chúng ta muốn? Với tư tưởng chủ quan, chúng tôi thiết nghĩ rằng triết lý giáo dục Phật giáo, đặc biệt là học thuyết duyên khởi và ngũ uẩn, có thể là một trong những giải pháp đáng suy gẫm đối với các nhà văn hóa giáo dục đương thời.

Về vấn đề bản chất con người, Phật giáo chủ trương rằng con người là sự cấu thành của năm nhóm (uẩn), gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, con người là một tổng thể của năm thành tố: thể chất, tình cảm, tri giác, lý trí và nhận thức. Năm thành tố này lại được phân thành hai nhóm: sắc pháp (thể chất) và tâm pháp (tinh thần). Một con người đúng nghĩa phải là một nhân cách bao gồm cả hai năng lực trên. Xem trọng một trong hai sẽ dẫn đến sự phát triển mất cân đối, hài hòa của cá nhân cũng như xã hội. Vì nếu giáo dục chỉ chú trọng đến phạm trù thể chất (sắc pháp), nghĩa là người ta đã phủ nhận năng lực tâm linh. Ngược lại, nếu chỉ nhấn mạnh đến tâm linh (nói theo các tôn giáo hữu thần là phần hồn), người ta sẽ bỏ quên sức mạnh của vật chất, thế giới hiện thực.

Từ hệ luận trên, có thể nói rằng các học thuyết giáo dục đương thời dường như đang biểu hiện những nhược điểm vừa nêu. Theo thiển ý của người viết, đây có thể là trọng tâm của vấn đề; bởi vì một lý thuyết giáo dục chỉ được xem có giá trị khi hội đủ cả năm yếu tố trên, giáo dục chỉ có thể giúp chúng ta nếu giáo dục đào tạo con người toàn diện. Nói khác đi, có lẽ đã đến lúc người ta cần tìm kiếm một loại triết lý trung đạo để giải quyết cơn khủng hoảng này. Bởi lẽ, “dạy con người về chuyên môn chưa đủ. Qua khả năng chuyên môn, cá nhân trở thành một thứ máy móc công dụng hữu ích mà không phải là một nhân cách được phát triển hòa điệu. Điều căn bản thiết yếu là người ta cần nắm bắt được sự hiểu biết và cảm nhận được sinh động về các giá trị. Mỗi cá nhân phải học hiểu các động cơ của con người, vô minh và nỗi khổ đau của con người để nắm bắt được sự liên hệ rõ ràng với các cá nhân và đồng loại và với cộng đồng của mình.”[6] Như thế, một nền giáo dục đúng nghĩa phải là một nền giáo dục toàn diện, chú trọng đến mối liên kết giữa thân và tâm, sự tồn tại bất ly giữa cá nhân và xã hội. Giáo dục Phật giáo có thể đáp ứng được tiêu chí trên khi nhấn mạnh đến con người toàn thể mà không chia chẻ nhân cách từng phần. Đức Phật tuyên bố: “Thức có thể tồn tại với sắc làm phương tiện, sắc làm đối tượng, sắc làm nơi nương tựa....(tương tự với thọ, tưởng, hành). Nếu ai bảo rằng họ có thể chỉ rõ sự xuất hiện, sự ra đi, sự biến mất, sự sinh, sự tăng trưởng, phát triển và biệt lập với sắc, thọ tưởng, hành, thì đấy là một điều không thực có”[7]. Nói khác đi con người chỉ là sự vận hành của năm uẩn, năm uẩn này lại không thể tồn tại độc lập mà phụ thuộc vào nhau để tồn tại, chúng tồn tại trên nguyên lý duyên sinh, vô ngã. Nếu giáo dục con người theo hữu ngã thì sẽ tạo ra sự phân biệt, ý niệm, chủ nghĩa cá nhân; ngược lại nhà Phật giáo dục duyên sinh hay ngũ uẩn vô ngã sẽ giúp con người thấy được sự cộng tồn của con người và con người, con người và xã hội, con người và môi trường… Chỉ có tư duy vô ngã mới tạo ra được môt con đường giáo dục toàn diện, nhân bản và trí tuệ. Do vì con người và cuộc sống vốn không mang khoác bất cứ nhãn hiệu nào, nên con đường giáo dục Phật giáo cũng không chuyên chở ý niệm ngã tướng nào. “Do đó, một đường hướng giáo dục tốt phải giáo dục đủ các mặt: trí dục, đức dục, thể dục, sinh lý, tình cảm, mỹ dục và gồm cả lao động. Không thể xem nhẹ phần vật lý, sinh lý hay tình cảm, cũng không được xem nhẹ phần lao động, bởi vì các yếu tố ấy đều có liên hệ "duyên khởi" mật thiết với trí dục, đức dục và vấn đề phát triển con người toàn diện.”[8] 

Xu hướng văn hoá hiện nay của nhân loại đều bị chi phối bởi tư duy hữu ngã (hơn thua, được mất, tốt xấu chủ nghĩa, tôn giáo…). Chính vì ý niệm hữu ngã (sản phẩm của tôi tốt hơn sản phẩm của anh…) là nhân tố chính tạo ra mọi mầm mống của chiến tranh, hận thù, đối với nhân loại. Tư duy hữu ngã là cội nguồn của dục ái, hữu ái, vô hữu ái (nguyên nhân của khổ là ái…), sự vận hành của loại tư duy này sẽ đưa đến khổ đau.

Nói ngắn gọn, giáo dục con người theo giáo lý Duyên khởi và Ngũ uẩn là nhắm đến giáo dục một con người bao gồm hai phương diện: trí tuệ (wisdom) và yêu thương (metta). Mà trong đó tình yêu thương được dẫn dắt bởi trí tuệ (chính kiến và chính tư duy) và trí tuệ được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương (chính ngữ, nghiệp, mạng) thứ có thể dặp tắt mọi nguyên nhân tạo nên sự phân biệt, hận thù…

Về vấn đề thứ hai “con người trở thành cái gì?” Phật giáo chủ trương rằng con người là chúng sinh tối thượng trong mọi loài. Con người có khả năng trở thành nhân cách tốt đẹp nhất ngay trong cuộc đời này qua lời tuyên bố “Ta là Phật đã thành chúng sinh là Phật sẽ thành”. Trong vị thế con người, đức Phật đã chứng minh lời nói trên với nhân loại. Sự giác ngộ của đức Phật đã mở ra một chương mới trong tư tưởng nhân loại, đặc biệt trong công cuộc giải phóng con người khỏi mọi ách nô lệ, kể cả nô lệ đối với thần linh. Lời phát biểu sau đây của Robindranath Tagore có thể soi sáng cho quan điểm trên: “…đức Phật là người đã thánh hóa cuộc đời bằng một lần thị hiện tại mảnh đất trần thế qua hình ảnh bằng xương bằng thịt của Ngài...[9]. Bên cạnh việc nô lệ thế giới siêu hình, một yếu tố khác cũng khiến con người đánh mất vị trí và phẩm giá của mình là nô lệ chính dục vọng của mình.

Dục vọng và khát vọng thỏa mãn nó đã biến con người từ vị thế là chủ nhân ông của thế giới trở thành nô lệ cho chính mình, cho thế giới vật chất. Một cá nhân đứng trước một sắc đẹp mà tâm hồn mê dại, chứng tỏ người ấy bi chi phối và nô bởi sắc đẹp. Tương tự, một cá nhân luôn thèm khát với các dục lạc như tài, danh, sắc, thực, thùy, người ấy bị chi phối và nô lệ bởi ngoại cảnh. Một nền giáo dục tốt phải hướng dẫn con người nhận diện được phẩm chất, ý nghĩa và giá trị của cuộc sống. Giáo dục Phật giáo có thể giúp con người nhận chân được sự tầm thường, sự nguy hiểm của dục vọng để thoát khỏi sự chi phối của nó. Đích đến của đạo Phật là sự giải thoát, giác ngộ: sự tự do thật sự. Người ta chỉ có thể là chính mình, là người hạnh phúc khi giải thoát hoàn toàn mọi sự trói buộc, đặc biệt là sự trói buộc của cái tự ngã mỗi người, bởi vì giá trị chân chính của một con người chủ yếu được xác định bằng các tiêu chuẩn và ý nghĩa, trong đó người ấy đã đạt tới sự giải thoát khỏi cái ngã.

Giáo dục con người theo triết lý duyên sinh vô ngã: (1) Giúp con người nhận thức được một cá nhìn mới mẽ (chính kiến) về giá trị và thái độ sống đưa đến lắng dịu các dục vọng và sân hận, ích kỷ và chấp thủ; (2) đưa con người đến một nếp sống thanh bình, hạnh phúc cho cá nhân và tập thể, giúp con người thấy sự cộng tồn của con người và toàn bộ thế giới có sự liên hệ mật thiết với nhau; (3) giúp con người nhận biết giá trị của tình yêu thương nhân loại, quê hương, xứ sở…

Mệnh đề căn bản thứ ba của một nền giáo dục là làm sao để có những con người chúng ta muốn? Giải đáp của Phật giáo nằm gọn trong chân lý thứ tư của Tứ Diệu Đế, tức Đạo Đế mà đức Phật đã tuyên thuyết sau khi thành đạo. Con đường này gọi là Trung Đạo (Majjhima Patipada), vì nó vượt qua tất cả các cực đoan, định kiến, vốn là nguyên nhân đưa đến mọi rối loạn trong cuộc đời từ cá nhân cho đến xã hội. Trung Đạo thường được hiểu là Bát Chính Đạo, gồm chính tri kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm và chính định. Bát Chính Đạo là tám yếu tố tạo nên cốt lõi của giáo dục Phật giáo với ba nội dung chính là giới đức, tâm đức và tuệ đức.

Kế thừa truyền thống giáo dục Phật giáo từ thời Đức Phật, toàn bộ nội dung giáo dục Phật giáo cũng không ngoài con đường thực thi Giới - định - tuệ đã được qua Tam tạng thánh điển. Giới là những giới điều đã lãnh thọ, có ý nghĩa giữ mình, nâng cao phẩm hạnh của người xuất gia, khiến tâm trong sạch. Định là sự ổn cố tâm lý, phát triển tâm linh. Tuệ là sự sáng suốt hợp với chân lý. Giới - định - tuệ có mối liên hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau. Một người có giới thì có định, có định mới sinh tuệ, có tuệ mới thấy rõ mới hành trì giới và thành tựu định. Đối với người tại gia, giới được xem là đạo đức, là sự tiết độ, sự răn đe. Định là sự vững vàng, sự vươn lên. Tuệ là sự nhận thức đúng đắn, kiến thức đầy đủ về mình, về cuộc đời. Một người Phật tử giữ năm giới, thọ Bát quan trai là nhằm tu dưỡng đạo đức, đưa đến đời sống an lạc.

Giới đức (chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng) là những nguyên tắc sống đưa đến an lạc, hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội. Ba yếu tố này có thể được xem là cơ sở để tạo nên một nếp sống đạo đức. Không thể có được một sự phát triển hài hòa và ổn cố từ cá nhân đến xã hội nếu căn bản đạo đức không được thiết lập. Vả lại, bản chất của đạo đức Phật giáo lại được đặt trên nền tảng của từ bi nên có khả năng tạo ra sự hiểu biết và cảm thông giữa con người với con người, giữa con người và thế giới còn lại.

Định đức (chính tinh tấn, chính niệm, chính định) nhằm huấn luyện và trang bị cho tâm thức con người sự bình tỉnh và sáng suốt để hành xử một cách thông minh mọi tình huống của cuộc sống. Năng lực của định là sự tập trung tinh thần và ý chí trên mọi đối tượng để phát huy hết sức mạnh của cá nhân. Không có sự thành công nào có thể đạt được nếu thiếu ba yếu tố này. Sở dĩ con người thời nay dễ dàng nóng giận, sân hận, hành động cẩu thả, nóng nảy, vội vàng và thiếu cẩn trọng bởi vì thiếu định lực.

Tuệ đức (chính kiến, chính tư duy) là cái thấy biết và suy nghĩ đúng đắn về bản chất của mọi sự vật, về con người, về ý nghĩa của cuộc sống. Tuệ đức có khả năng giúp con người hiểu rõ được khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và con đường chấm dứt khổ đau. Tuệ đức liên hệ đến giải thoát, tình yêu thương vô vị kỷ nên có năng lực tạo ra hạnh phúc cho mọi người. Cần lưu ý rằng tất cả điều ác, bất thiện đang xảy ra trong xã hội con người như dục vọng, sân hận, ích kỷ, bạo động. đều là hệ quả của cuộc sống thiếu trí tuệ. Vì lý do này mà châm ngôn hành động của ngành giáo dục Phật giáo Việt Nam là “duy tuệ thị nghiệp”. Tuy nhiên, với đạo Phật, một con người đúng nghĩa phải là nhân cách bao gồm cả hai đặc tính đức và trí. Đức là tiếng nói của trái tim, của tình cảm, và trí là tiếng nói của khối óc, hiểu biết. Vì vậy, thiếu một trong hai đức tính này, tư cách con người trở nên khập khiễng và lệch lạc.

C. KẾT LUẬN

Phật giáo xem toàn bộ kinh điển Phật giáo như tài liệu giáo khoa để người học Phật tu tập. Tại đây, chúng ta sẽ thấy thế giới hình thành do nhân duyên, vô ngã vô thường. Về nhân sinh, cuộc đời bản chất là khổ. Con người hình thành do năm uẩn, và bị chi phối bởi khổ đau, chính họ có thể diệt khổ qua việc tu hành và thăng chứng tâm linh đi đến giải thoát. Về xã hội, mọi người đều là con Phật, mọi người đều khổ và vượt thoát khổ nên cần phải yêu thương nhau, có mối liên hệ đời này, đời khác. Về đạo đức, con người chịu nhận kết quả cuả nghiệp tạo ra. Mục tiêu của giáo dục Phật giáo là đào tạo ra con người có đạo đức không đặt nặng chỉ có học thức; có đạo đức mới có thể đạt được mục đích cuối cùng là xây dựng con người đi đến thoát khổ đau và xã hội an lạc. Và mục đích giáo dục cứu cánh của Phật giáo đó là trí tuệ giải thoát mà giáo dục hiện đại chưa làm được. Vì vậy, chúng ta phải biết học hỏi và phát huy giá trị đó. Đây là những gì mà Phật giáo hướng đến việc giáo dục con người.

Tác giả: Thích Đức Bảo Học viên Thạc sĩ Khóa VI, Học viện PGVN tại Tp.HCM ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, 70. Kinh Kīṭāgiri, Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.584. [2] Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2009, Trang 537. [3] Thích Thiện Siêu, Tỏa Ánh Từ Quang,  Thành Phố Hồ Chí Minh, 2002, tr. 271. [4] Lý Kim Hoa Ph.D, Giáo dục học Phật giáo, Nxb.Tôn giáo, 2009, tr.82. [5] Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2009, trang 81. [6] Thích Chơn Thiện, Lý thuyết nhân tinh qua kinh tạng Pali. [7] Thích Minh Châu (dịch), Tương Ưng bộ kinh III,  Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2005. [8] Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, Nxb.Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2009, Trang 218 - 219. [9] Hương Vân (dịch), Chuỗi Ngọc Trai.