Chùa Nhẫm Dương này là nơi khai sinh ra môn phái Tào Động trong Phật giáo Thiền tông Việt Nam, mà ngôi chùa Nhẫm Dương còn chứa trong mình rất nhiều nét văn hóa, tâm linh kỳ bí và là kỳ quan có một không hai ở Việt Nam.
Vùng đất Hải Dương đã từng nổi tiếng là một trong những trung tâm của Phật giáo thời đại Lý Trần, mà đây cũng là vùng đất duy nhất ở miền Bắc có nhiều ngôi chùa cổ được xây trên núi đá và trong các hang động, chùa Nhẫm Dương là một trong những chùa ấy với những huyền tích kỳ lạ và độc đáo nhất Hải Dương còn tồn tại khá nguyên vẹn cho đến ngày này.
Chùa Nhẫm Dương này là nơi khai sinh ra môn phái Tào Động trong Phật giáo Thiền tông Việt Nam, mà ngôi chùa Nhẫm Dương còn chứa trong mình rất nhiều nét văn hóa, tâm linh kỳ bí và là kỳ quan có một không hai ở Việt Nam.
1. Chùa Nhẫm Dương giữa hệ thống hang động
Điều độc đáo và hiếm hoi nhất là chùa Nhẫm Dương là cổ tự duy nhất ở Hải Dương ở miền Bắc được “bao quanh” bởi hơn 100 hang động, khắp các dãy núi đá xung quanh chùa. Kỳ lạ là, tất cả các dãy núi đá này đều có đỉnh hướng về Nhẫm Dương, ngoài hai động Thánh Hóa và động Tĩnh Niệm phía sau lưng chùa, có thể kể tới động Bò Lê, động Cá, động Tối, động Ma, động Mạt, động Trâu, động Thung Xanh, động Thung Thóc, động Đình... hầu hết các động này được thiên nhiên kiến tạo rất độc đáo, kỳ vĩ. Một số động còn chứa đựng nhiều vết tích cuộc sống của người Việt cổ thời xa xưa. Động Tĩnh Niệm cũng là nơi khi xưa Thiền sư Thủy Nguyệt cùng các đệ tử dùng làm nơi tọa thiền, đàm đạo Phật pháp. Sau này, vào thời kháng chiến chống Pháp, động trở thành nơi trú ẩn của các chiến sĩ cách mạng như: “Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Cộng Hòa...” Thời chống Mỹ, đây cũng là nơi đóng quân của một tiểu đội pháo và bệnh viện của Quân y Viện 7, quân khu 3. Một số chiến sĩ đã hy sinh ngay tại hang khi Mỹ đánh bom làm sập cửa động. “Bây giờ, vào ngày giỗ hoặc ngày thương binh liệt sĩ, thân nhân của các liệt sĩ vẫn về đây thắp hương”. Ni sư Thích Đàm Mơ cho biết: “Các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy rất nhiều hiện vật như rìu đồng có vai, thạp đồng, lưỡi xéo đồng, các hiện vật trên thuộc nền văn hóa Đông Sơn ở động Tĩnh Niệm là di chỉ có niên đại thuộc hậu kỳ đá cũ”. Trong tương lai, nếu khai quật lớn hơn sẽ có nhiều hiện vật khảo cổ học quan trọng. Nằm kế bên đỉnh Nhẫm Dương là núi Dương Nham. Theo thống kê của phòng văn hóa xã, núi này có tới 22 hang động, trong đó đáng ghi nhận nhất là động Kính Chủ hay còn gọi là Động Dương Cốc, từng được phong là “Nam Thiên đệ lục động”. Trong lòng động hiện vẫn lưu giữ tới 53 văn bia của nhiều bậc tao nhân mặc khách từng tới đây vãn cảnh đề thơ. Đặc biệt nhất là tấm bia của thi nhân nổi tiếng nhất là Phạm Sư Mạnh thời nhà Trần.
Nằm cách động Kính Chủ không xa, trên độ cao khoảng 70m so với chân núi là khu Động Thần Tiên. Trong động cũng đang lưu giữ một tấm bia có niên đại năm 1630. Phía dưới chân núi Nhậm Dương là động chùa rất đẹp với vô số nhũ đá kỳ vĩ, có thể đi sâu vào lòng núi tới 30m... Đặc biệt, trong quần thể hang động tại đây, trên hòn Tháp Bút có một cái động có cái tên rất lạ: “Động Mả táng treo”. Trước đây người ta phát hiện có một cái mộ táng treo trên vách động, đến khoảng những năm 1980 thì mộ bị kẻ trộm lấy mất. Cửa động nằm nghiêng nên khá rộng, nhưng hiện nay do quá trình khai thác đá, cửa hang bị lấn vào hơi hẹp đường đi vào hang rất khó khăn.
2. Thiền sư Thủy Nguyệt Sơ Tổ Thiền phái Tào Động tại miền Bắc
Dòng thiền phái Tào Ðộng[1] do thiền sư Thủy Nguyệt đi du học Trung Hoa mang về. Thiền sư Thủy Nguyệt hiệu là Tông Giác, sinh năm 1936. Ông tên là Ðăng Giáp, quê làng Thanh Triều, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình. Ông tu ở một ngôi chùa trên núi Hùng Lĩnh. Cùng với hai đệ tử, ông đi qua Hồ Châu, tham học với Thiền sư Nhất Cú - Tri Giáp tại núi Phụng Hoàng. Ông rời Ðại Việt năm 1664, lúc ông mới 28 tuổi. Ông tu học tại Hồ Châu trong ba năm. Ðến năm 1667, ông và hai người đệ tử về, cư trú tại chùa Vọng Lão ở núi An Sơn, huyện Ðông Triều, tỉnh Hải Dương. Ở Hải Dương, ông gặp và làm quen với Thiền sư Tuệ Nhãn tu ở Ðông Sơn, từng được vua Lê sắc phong là “Ðại Thánh Ðông Sơn Tuệ Nhãn Từ Giác Quốc Sư”[2]. Năm 1704, đã 68 tuổi Thiền sư Thủy Nguyệt thấy rõ nhân duyên đã mãn Ngài gọi tứ chúng dạy rằng: “Nay ta lên trên núi Nhẫm Dương, nếu 7 ngày không thấy về, các ngươi tìm thấy chỗ nào có mùi thơm thì ta ở đấy”. Tứ chúng không dám theo vì sợ trở ngại việc lớn của Ngài. Đợi đúng 7 ngày, không thấy Ngài quay về, các đệ tử mới cùng nhau tới núi Nhẫm Dương. Đến nơi thì thấy gió thổi nhẹ nhàng, mùi hương thơm lan tỏa khắp nơi. Các vị đệ tử lần theo mùi hương tìm tới hang đá phía sau chùa Nhẫm Dương thì thấy Thiền sư Thủy Nguyệt ngồi kiết già trên một tảng đá trong hang, toàn thân vẫn còn ấm và mềm mại như còn sống nhưng hơi thở thì đã tắt lịm. Xung quanh thân thể Thiền sư Thủy Nguyệt tỏa ra một hương thơm ngào ngạt như mùi hương trầm bạch đàn. Lúc bấy giờ là niên hiệu Chính Hòa năm thứ 20, hiệu Hy Tông (thời Lê Trung Hưng) nhằm ngày 6 tháng 6 năm 1704. Ly kỳ là ngay chỗ Thiền sư Thủy Nguyệt ngồi kiết già, phía trên đầu xuất hiện một vệt lõm sâu đúng bằng kích thước đầu người và phía dưới chân cũng có vết lõm giống hình bàn chân người. Truyền thuyết nơi đây nói rằng: “sau khi Thiền sư Thủy Nguyệt đắc đạo ngài đã thúc đầu phía trên và đạp chân vào phiến đá để lại dấu ấn như thế”. Hai vết lõm này hiện vẫn còn nguyên vẹn trong hang động và cũng từ đó hang có tên gọi là hang Thánh Hóa.
3. Giá trị quần thể văn hóa đặc sắc hiếm có chùa Nhẫm Dương
Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, có giá trị đặc biệt về lịch sử, di tích văn hóa và danh thắng điển hình ở vùng Bắc bộ, là nơi căn cứ trọng yếu của dân tộc Việt, là cầu nối kinh tế, văn hóa, chính trị giữa kinh đô Thăng Long với vùng, miền và các quốc gia lân bang, là vùng đất địa linh, nhân kiệt gắn với các tên tuổi lớn trong lịch sử như: “An Sinh Vương Trần Liễu, vua Lê Thánh Tông, Phạm Sư Mạnh, Trương Quốc Dụng, Vũ Cán, Thiền sư Thủy Nguyệt…”. Nơi đây cũng gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc như chống quân xâm lược Nguyên Mông (thời Trần), chống quân Minh (thời Lê), hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ...Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, là khu di tích phức hợp tôn giáo, tín ngưỡng điển hình ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, với những cơ sở Phật giáo nổi bật như chùa Tường Vân (An Phụ), chùa Dương Nham (Kính Chủ), chùa Nhẫm Dương, thuộc Thiền phái Tào Động. Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương cùng với Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh), Yên Tử, khu di tích nhà Trần (Quảng Ninh), tạo lên một không gian văn hóa tâm linh Phật giáo hết sức đặc sắc ở vùng Bắc bộ. Ngoài ra, khu phức hợp: “An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương” có những giá trị đặc biệt về khảo cổ học và thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú với hàng loạt hang động với những nhũ đá hàng triệu năm tuổi nguyên sơ tạo nên nét độc đáo cho khu phức hợp di tích văn hóa này.
Kết luận:
Việc xếp hạng quần thể “An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương” di tích quốc gia đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn hệ di tích,cùng với hệ thống hang động quý hiếm trước nguy cơ bị xâm phạm và tôn vinh những giá trị lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Hải Dương nói riêng và quốc gia nói chung.
Mặc dù ước muốn bảo tồn là như vậy, nhưng vì nguồn lợi trước mắt, các nhà máy xi măng đang ăn sâu vào thân thể của những di tích này!
Xót xa trước thực tế đau lòng, bà Nguyễn Thị Cuối - Trưởng phòng Di sản, Sở VH TT&DL Hải Dương phải thốt lên: “Hệ thống hang động phong phú ở Kinh Môn là do sự biến đổi của tự nhiên từ hàng triệu năm mà có được. Chúng từng đã từng góp phần tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và môi trường sinh thái hấp dẫn, rất giàu tiềm năng du lịch. Ấy vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, chúng đã và đang biến mất trước sự hờ hững của các cấp ban ngành có thẩm quyền. Trong số 4 khu hang động chính trên địa bàn (gồm Nhẫm Dương, Dương Nham, Nhị Chiều và Chùa Mộ) mới chỉ có duy nhất khu động Kính Chủ là được cắm mốc bảo vệ mà thôi”.
Nếu chính quyền tỉnh Hải Dương vẫn còn chậm trễ thì những di sản vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho địa phương này sẽ biến mất trong một ngày không xa. Do vậy chúng tôi khẩn thiết kêu gọi các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và chính quyền từ trung ương xuống địa phương nhanh chóng có những chính sách đặc biệt để bảo vệ khu quần thể này cho muôn đời con cháu về sau.
Thích Thanh Huy
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2019
Bình luận (0)