Tóm tắt: Thiết nghĩ, tinh thần tu tập của một vị xuất gia “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”, thì việc dứt trừ các phiền não kiết sử và tham ái, tu tập Bát chính đạo thành tựu đạo quả A La Hán là điều vô cùng thiết yếu. Bắt nguồn từ Ấn Độ với sự tích thập lục La Hán, nhưng khi truyền sang Trung Hoa đã chuyển thành thập bát La Hán với nhiều nguồn sử liệu khác nhau. Bộ tượng La Hán chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang) chịu ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa cùng với văn hóa Phật giáo Việt Nam qua một số triều đại, tạo nên bộ tượng đặc sắc kỳ vĩ xứ Nam bộ xưa và nay.
Tag: tượng La Hán, chùa Vĩnh Tràng, khảo cổ học, nghiên cứu…
1. Tổng quan về A La Hán
Trong Đại kinh xóm ngựa thuộc Trung bộ kinh, đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ kheo, như thế nào là Tỳ kheo được gọi là bậc A La Hán? Vị này đã làm cho xa lìa các ác, các bất thiện pháp, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sinh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sinh già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo là bậc A La Hán.”[1]. Vị xuất gia đó cần phải: 1/ thành tựu hạnh tàm quý; 2/ ba nghiệp thanh tịnh; 3/ hộ trì sáu căn; 4/ thiểu dục tri túc trong ăn uống; 5/ cảnh giác mình trong các thời; 6/ an trú chính niệm; 7/ xa lìa năm triền cái; 8/ thành tựu tứ thiền; 9/ chứng ba minh. Nhờ tinh tấn tu tập theo con đường tám chính, chuyển hóa khổ đau, dứt trừ mười kiết sử cùng năm triền cái, chứng đắc A La Hán: “các lậu đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chính trí giải thoát, những pháp ấy đưa đến sự hiện tại lạc trú và chính niệm tỉnh giác.”[2].
Trong phẩm thứ 24 của luận Câu-xá; hoặc phẩm thứ 28 của luận Đại Tỳ Bà Sa đều ghi rằng vị A Na Hàm dứt trừ các kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi, thành tựu quả vị A La Hán. Theo Phật giáo Nguyên thủy, chứng đắc A La Hán là đã thành tựu tối hậu; nhưng theo Phật giáo Phát triển nhận định rằng A La Hán chưa phải cao tột mà còn phải trải qua tu tập các quả vị Bồ tát, phá trừ vô minh chứng thành Phật quả. Tiêu biểu như trong kinh Duy Ma Cật sở thuyết, các vị đệ tử A La Hán như Đại Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên,… còn phải e sợ trong việc đi gặp Bồ tát cư sĩ Duy Ma Cật. Chỉ có Bồ tát Văn Thù đại diện đến vấn đáp cùng Duy Ma Cật.
Trong bộ Pháp trụ ký được Tôn giả Khánh Hỷ trước tác tại Tích Lan (sau khi đức Thế Tôn nhập diệt 800 năm) có đề cập đến danh hiệu của mười sáu vị A La Hán (thập lục La Hán) bằng tiếng Sanskrit và được dịch sang Hán ngữ như sau: 1/ La Hán Pindolabharadvaja (Tân Đầu Lô Phả La Đọa Xà); 2/ La Hán Kanakavatsa (Ca Nặc Ca Phạt Sa); 3/ La Hán Kanakabharadvaja (Ca Nặc Ca Bạt Ly Đọa Xà); 4/ La Hán Subinda (Tô Tần Đà); 5/ La Hán Bhadra (Bạt Đà La); 6/ La Hán Nakula (Nặc Cự La); 7/ La Hán Vajiraputra (Phạt Xà La Phất Đa La); 8/ La Hán Kaliaka (Ca Lý Ca); 9/ La Hán Rahuala (La Hổ La); 10/ La Hán Panthaca (Bàn Thác Ca); 11/ La Hán Nagasena (Na Già Tê Na); 12/ La Hán Jivaka (Thú Bát Ca); 13/ La Hán Ajita (A Thị Đa); 14/ La Hán Vanavasin (Phạt Na Bà Tư); 15/ La Hán Angaja (Nhân Yết La); 16/ La Hán Cudapanthala (Chú Đồ Bán Thác Ca). Lúc bấy giờ, các họa sĩ Trung Hoa như Tăng Dao, Pháp Kính,… đã họa vẽ các vị La Hán; trong đó bức mười sáu vị A La Hán do ngài Quán Hưu, Trương Huyền vẽ vào thế kỷ thứ X (thời Ngũ Đại) và một bức vào thời Bắc Tống là những tác phẩm kiệt tác được nhiều người quan tâm đến[3].
Theo nghiên cứu của Giáo sư Hà Văn Tấn, bài ký trên tấm bia chùa Linh Xứng (Thanh Hóa) khắc vào thời nhà Lý bằng chữ Hán đó, một số dịch giả đã dịch sai chữ “lục” (六)thành chữ “phương” (方). Tức là “thập lục cực quả” nói về mười vị La Hán, mà ghi là “thập phương cực quả” rồi đem lưu vào bộ Thơ văn Lý-Trần[4]. Ngoài việc thêm La Hán Nan Đề Mật Đa La (tác giả của bộ Pháp trụ ký), Tô Đông Pha đã thêm La Hán Tân Đầu Lô vào trùng với vị La Hán đầu tiên trong mười sáu vị là Tân Đầu Lô Phả La Đọa Xà thành mười tám vị La Hán. Chính vì ông không biết tiếng Phạn và kinh điển không được thông suốt nên có sự lầm lẫn như vậy. Cũng từ đó, thập lục La Hán chuyển dần thành thập bát La Hán. Việc thêm vào hai vị La Hán, đối với Phật giáo Tây Tạng có hai trường hợp: 1/ Bồ tát Di Lặc và Thánh mẫu Ma Da phu nhân; 2/ La Hán Phục Hổ và La Hán Hàng Long. Nhưng cũng có thuyết khác thì lại cho rằng nên thêm hai vị Tôn giả là Đại Ca Diếp và Châu Lợi Bàn Đặc. Kể từ triều đại nhà Nguyên trở đi, mười tám vị La Hán được tạc trong các tự viện Trung Quốc, hoặc dùng cho hội họa và điêu khắc. Phật giáo Việt Nam cũng ảnh hưởng theo đó, tiêu biểu như chùa Giác Lâm (Quận Tân Bình, Tp.HCM), chùa Vĩnh Tràng (Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang),…
2. Giá trị lịch sử và văn hóa bộ tượng La Hán chùa Vĩnh Tràng
a. Quá trình hình thành và phát triển chùa Vĩnh Tràng
Vâng lời Hòa thượng Hoằng Ân[5], vợ chồng tri huyện Bùi Công Đạt đã đến chùa Giác Lâm ở Gia Định (nay là quận Tân Bình, Tp.HCM) thỉnh Hòa thượng Huệ Đăng về quản lý trú xứ này. Nhờ đạo hạnh tu tập cảm hóa được tín đồ nhiều nơi, ngài Huệ Đăng đã xây cất lên ngôi chùa Vĩnh Tràng (Trường) tự: “Vĩnh cửu đối sơn hà, Trường tồn tề thiên địa”.
Từ khi thành lập (1849) cho đến nay (2021), chùa đã trải qua 13 đời trụ trì: 1/ Hòa thượng Huệ Đăng (1794 – 1864); 2/ Hòa thượng Minh Đề; 3/ Thầy Quảng Ấn; 4/ Hòa thượng Minh Truyện; 5/ Hòa thượng Chánh Hậu (1851-1923); 6/ Hòa thượng Minh Đàn Thục Thông (1874 – 1939); 7/ Hòa thượng Thành Đạo Phật Ấn; 8/ Hòa thượng Trí Long Bổn Phiên (1921-1987); 9/ Hòa thượng Bửu Thông (1923-2019); 10/ Hòa thượng Hoằng Từ (1941-2008); 11/ Hòa thượng Hoằng Thông; 12/ Hòa thượng Nhựt Long (1917-2004); 13/ Hòa thượng Huệ Minh (1951 -?). Trong tác phẩm Chùa Vĩnh Tràng: một ngôi chùa nhiều mỹ hiệu, Thích Huệ Phát nhận định rằng: “Gần 170 năm, chùa Vĩnh Tràng trải qua 13 đời trụ trì, trong đó có 4 vị trụ trì có công lớn phải nhắc đến là Hòa thượng Huệ Đăng, Hòa thượng Chánh Hậu, Hòa thượng Minh Đàn và Hòa thượng Huệ Minh. Các vị trụ trì khác có công duy trì ngôi Tam bảo Vĩnh Tràng tồn tại với thời gian.”[6].
Chùa Vĩnh Tràng với diện tích khoảng 14.000 m2, tọa lạc trên đường Nguyyễn Trung Trực, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, phường 8, Tp.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đi từ cổng chào Thành phố Mỹ Tho, dọc theo đường Ấp Bắc, qua cầu Nguyễn Trãi thì thẳng theo đường Nguyễn Văn Giác. Sau đó đến ngã ba thì rẽ trái vào đường Nguyễn Trung Trực (xưa là Tỉnh lộ 879). Đi khoảng 3 km thì đến công viên Vĩnh Tràng, rẽ phải qua chùa Tịnh Nghiêm là đến chùa Vĩnh Tràng. Chùa nằm cách trung tâm Thành phố Mỹ Tho khoảng 3-4 km, hướng về phía Đông Bắc.
Mặt tiền chùa hướng về phía đường Nguyễn Trung Trực là hướng Nam (khoảng 1900N). Dân gian nói rằng: “Nhà hướng Nam không làm cũng có ăn”, bởi vì hướng Nam đón ánh sáng đầy đủ, gió lưu thông, tránh nắng chói sáng và gắt buổi chiều,.... Mặt tiền chùa hướng về sông Bảo Định lưu thông chảy qua cầu Nguyễn Trãi thể hiện thế “Minh đường tụ thủy”. Khi khởi công xây chùa, Hòa thượng Huệ Đăng đã cùng nhiều người đắp đất nâng nền cao, kết hợp cây cối xung quanh và dùng gỗ xây dựng và trồng các hàng cây xung quanh; cùng với chính điện trắng đen cổ kính… Hòa thượng đã chọn “tọa Bắc triều Nam” theo ngũ hành phong thủy, đồng thời hướng Nam tức là hướng trí tuệ phá trừ vô minh tham ái và trưởng dưỡng đạo tâm.
Chùa được xây theo kiểu “nội Công ngoại Quốc”. Chính điện nối với Tổ đường theo hình chữ Công (工),xung quanh chùa được bao quanh lại như hình chữ Quốc (国) (hình 1). Từ ngoài sân nhìn vào ngôi chính điện sẽ trông thấy có ba đỉnh tháp trông giống ngôi đền Angkor Wat (Campuchia) (hình 2). Trên nóc chùa, có năm cái mái nhô lên cao tượng trưng cho ngũ hành trong phong thủy. GS.Hà Văn Tấn trong tác phẩm Chùa Việt Nam nhận định rằng: “Hòa thượng Huệ Đăng muốn chùa Vĩnh Tràng có quy mô to lớn hơn ngôi chùa Giác Lâm mà ông từng sống ở Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh). Chẳng hạn như chùa Giác Lâm có 3 lớp nhà với 1 sân cảnh, thì chùa Vĩnh Tràng có 5 lớp nhà với 2 sân cảnh. Chùa Giác Lâm có 98 cột thì chùa Vĩnh Tràng có 178 cột”[7].
Chùa có khoảng 60 pho tượng đúc bằng gỗ, đồng,… được thếp vàng vào cuối thế kỷ XIX – đầu TK XX. Đặc biệt, bộ tượng Tam thánh Tây phương bằng đồng được đúc vào giữa thế kỷ XIX. Chùa trải qua các đời trụ trì, đặc biệt việc trùng tu của Hòa thượng Chánh Hậu tạo sự hài hòa kiến trúc phương Đông (Việt Nam, Thái, Khmer,…) và phương Tây (Pháp và La Mã). Xuất thân tu học từ chùa Giác Lâm, Hòa thượng Huệ Đăng đã thiết kế chùa Vĩnh Tràng theo kiểu Mandala (chính điện, hậu tổ,…), việc bố trí tượng, lợp ngói theo kiểu âm dương, chia thành năm gian kiểu “vì chống trính” của nhà rường, với nhiều bao lam, hoành phi, liễn đối được chạm trổ công phu. Thay vì giống như Tổ đình Giác Lâm thiết kế chính điện và nhà Tổ cách nhau bằng tấm vách, thì chùa Vĩnh Tràng với không gian rộng đã thiết kế chính điện và Tổ đường cách nhau bằng sân “thiên tỉnh” trang trí hòn non bộ và cây cối xanh tươi.
Năm 1941 (niên hiệu Bảo Đại thứ 16), chùa Vĩnh Tràng được vua Bảo Đại ban cho danh hiệu “sắc tứ” (勅 賜). Ở bên phải tấm hoành có ghi lại thời gian vua ban, với một dòng chữ dọc xuống là: “Bảo Đại thập lục niên nhị nguyệt sơ bát nhật” ( 保 大 十 六 日 二 月 初 八 日), nghĩa là vào ngày 8 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 16 (1941) (hình 4).
Trước giải phóng năm 1975, chùa được xếp vào Di tích thắng cảnh của quốc gia. Ngày 30/8/1984, chùa được Bộ Văn hóa Thông tin xếp vào “Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Từ năm 1989 đến nay, chùa được công nhận Di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia: chùa Vĩnh Tràng: ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam có phong cách kiến trúc giữa phương Đông và phương Tây được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận vào năm 2007; chùa Vĩnh Tràng: điểm du lịch văn hóa tâm linh do Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam công nhận vào năm 2013.
Từ năm 1985, Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang được thành lập, do Hòa thượng Bửu Thông (1923 – 2019) làm Trưởng ban, đặt trụ sở tại chùa Vĩnh Tràng. Năm 2017, Ban trị sự tỉnh đã mở lớp Cao đẳng Phật học tỉnh Tiền Giang đặt tại chùa Vĩnh Tràng, nhằm đào tạo tăng tài tu học Phật pháp, đặc biệt chư tăng tu học nội trú (không đóng học phí). Năm 2019, lớp Cao đẳng khóa III (2019 – 2021) đã liên thông chương trình với Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM trong việc đào tạo tăng ni học hệ cử nhân. Từ năm 1985 đến nay, chùa vẫn là văn phòng của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang. Chùa vẫn trùng tu, làm địa điểm tu học cho tăng ni và phật tử. Hàng năm cứ vào mỗi mùa hạ, phật tử hành hương cúng dường trường hạ đã vân tập về chùa Vĩnh Tràng tác pháp cúng dường chư tăng trong ba tháng an cư kiết hạ.
b. Giá trị lịch sử bộ tượng La Hán chùa Vĩnh Tràng
Dựa theo Cao Tăng truyện đề cập về danh hiệu 18 vị A La Hán với những món bảo bối cầm trên tay như “Hoa Viễn cầm phất trần”, “Đàm Trưởng cầm cái linh”, “Tôn Bỉnh cầm bình bát” cùng với bản dịch Thích Đạo Luận của Lâm Thế Mẫn có họa hình tượng các vị La Hán trên các con vật và điều kiện văn hóa vùng Nam bộ, Hòa thượng Chánh Hậu đã vận động Phật tử hùn phước tạc bộ tượng thập bát La Hán vào năm 1907. Điều đặc biệt là trên lớp vải “tọa cụ” màu nâu đỏ cho các vị La Hán ngồi trên các linh thú, đều có khắc ghi thế danh và pháp danh của vị tín chủ. Tiêu biểu như phía dưới góc phải tấm vải của kỵ tượng do La Hán Già Lực Già cưỡi thì ghi dòng chữ “黎氏義法名如理奉供” (Lê Thị Nghĩa pháp danh Như Lý phụng cúng), tức là bà Lê Thị Nghĩa, pháp danh là Như Lý cúng dường (hình 5). Hoặc như góc phải tấm vải trải trên con sư tử do La Hán Nhuận Yết Đà cưỡi ghi rằng: “阮氏幸法名如信奉供” (Nguyễn Thị Hạnh pháp danh Như Tín phụng cúng) tức là bà Nguyễn Thị Hạnh, pháp danh là Như Tín cúng dường (hình 6). Vào khoảng năm 1909-1910, nhóm nghệ nhân Tài Công Nguyên đã dùng gỗ mít tạc bộ tượng La Hán, thếp vàng óng ánh các tượng, “mỗi tượng cao 0,80m, bề ngang khoảng 0,58m, được đặt hai bên chính điện.”[8]. Khối đá chữ nhật óng ánh trắng đen dưới chân các linh thú có chiều dài khoảng 60 cm, rộng 25 cm, cao gần 15 cm. Bệ đá đó được tạc phù hợp với thế đứng của các con vật như kim hầu, kỵ tượng, độc giác, bạch mã, sơn dương, giả nhân, sơn ngưu,…
c. Giá trị văn hóa và mỹ thuật của bộ tượng La Hán chùa Vĩnh Tràng
Các linh thú của các vị A La Hán cưỡi với nhiều màu sắc khác nhau: đỏ, xanh lá, trắng, đen,… Về màu trắng (hành kim) có hổ trắng (La Hán Tân Đầu Lô), sơn dương (La Hán Bạt Đà La), kỵ tượng (La Hán Già Lực Già), sơn nai (La Hán A Thị Đa). Về màu xám, có sư tử (La Hán Nhuận Yết Đà), độc giác (La Hán Độ La Bạt La Nọa Xà), sơn hưu cao cổ (La Hán Pha Na Bà Tư), sơn ngưu (La Hán Ca Lý Ca). Về xanh lá và vàng có kim hầu (La Hán Ba Đà Thứ Ra). Về màu đen, có sao ngưu (La Hán Nặc Cự La), bạch khuyển (La Hán Tô Tần Đà), tê giác (La Hán Ca Nặc Ca Phạt Sa), thanh sư (trên đỉnh đầu màu xanh da trời và trắng, La Hán Phạt Xà La Phất Đa La), hà mã (La Hán Chú Bàn Trà Thác Ca), hà khuyển (La Hán La Hổ La). Màu xanh lá có hàng long (La Hán Khách Liễu Tôn); còn màu xanh da trời có linh thú giả nhân (La Hán Thú Bát Ca). Về màu đỏ có bạch mã (La Hán Bàn Thác Ca). Tất cả màu của các con linh thú hiệp cùng với màu vàng tượng La Hán (thổ vị trí trung ương), minh chứng cho việc Hòa thượng Chánh Hậu ứng dụng ngũ hành trong tạc tượng La Hán (hình 7).
Giống với chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên,… bộ La Hán cũng đặt hai bên vách chính điện, đối xứng nhau. Nếu chùa Giác Lâm đặt theo thế 2 – 5 – 2 thì chùa Vĩnh Tràng thiết kế theo thế 4 – 3 – 2. Điều đặc biệt khác với các tượng La Hán ở Trung Hoa cũng như nhiều chùa Việt Nam, kể cả chùa Giác Lâm (Tân Bình, Tp.HCM) thì đứng hoặc ngồi với nhiều tư thế khác nhau, còn bộ tượng chùa Vĩnh Tràng thì cưỡi trên các linh thú. Các tượng La Hán chùa Vĩnh Tràng trông có vẻ hiền hòa, hỷ lạc hơn so với các tượng tạc thời nay (trợn mắt,…). Thậm chí, khuôn mặt các con thú cưỡi cũng hiền hòa, cặp mắt chứa nặng tâm hồn, thể hiện được văn hóa và tâm lý người dân vùng sông nước Nam Bộ xưa và nay. Bụng các vị căng tròn thể hiện sự no đủ, đồng thời dung chứa các lời cầu nguyện của các tín đồ gần xa đến lễ bái.
Linh thú sư tử do La Hán Nhuận Yết Đà cưỡi, được tạc dựa theo sư tử chùa Phật Tích “Cặp sư tử chùa Phật tích không dữ oai phong, đầu ngẩng cao, cặp mắt sáng nhìn ra xa, đôi tai vểnh nghe ngóng, miệng há vừa phải như cười. Bộ râu vuốt vào cằm chải mượt”[9] và chùa Thông (Thanh Hóa) “đầu hơi nghển và quay về bên trái”[10]. La Hán Nhuận Yết Đà cũng chính là La Hán “Bố Đại”, tạc theo bức họa của Đại sư Quán Hưu trong động Đôn Hoàng. La Hán ngồi với tư thế tự tại, trên tay phải cầm chuỗi niệm Phật (ngài Đại Thế Chí), bụng dung chứa mọi thứ (ngực trần); còn tay trái thì gác trên đầu gối một cách tự nhiên (hình 8).
Con voi “kỵ tượng” được tạc theo con voi chùa Phật Tích: “tai và ngà làm gọn gắn với đầu”, màu trắng “bạch tượng của Phổ Hiền Bồ tát” (đại hạnh), tượng trưng cho dự báo điều tốt sẽ đến. La Hán Già Lực Già trong tư thế kiết già, tay trái cầm cành hoa sen (tinh khiết thanh tịnh), tay phải đặt trên đầu gối phải. Ở bụng có thắt một cái nơ giữa bụng mà các La Hán khác không có. La Hán Già Lực Già chính là La Hán “Khai Tâm” suy nghĩ cột thân không đắm nhiễm ngũ dục, tu tập thiện pháp để ba nghiệp thanh tịnh (hoa sen), an nhiên tự tại (thế ngồi)” (hình 9).
Linh thú “kim hầu” trong giống con “long mã” (hình 14) thời Phục Hy, Trung Quốc (kết hợp hài hòa giữa lân, rồng và ngựa). La Hán Ba Đà Thứ Ra cầm cái chiên đánh phát ra âm thanh, khai thông thiên nhĩ, thức tỉnh con người và vạn vật làm lành lánh dữ (hình 10).
Sơn dương (hay dê rừng) được phỏng theo con trâu chùa Phật Tích “cặp sừng cong to và đôi tai dài” và theo kiểu dáng con sơn dương ở núi rừng trong hiền hòa. Sơn dương được La Hán Bạt Đà La cưỡi, ngồi ở tư thế tự tại “chân trái co lên bụng linh thú, chân phải co chút nhưng thả lỏng”, tay phải nâng tháp ba tầng, tay trái vịn giữ tháp. Tháp này tượng trưng cho chư Phật ba đời hoặc Tam bảo mãi soi sáng những tâm hồn khổ đau trong cuộc đời. Tháp cũng chính là xá-lợi, là sự kết tinh tu tập giới, định và tuệ (tam học) (Hình 11).
“Sao ngưu” là tên của một vì sao trong hai tám chòm sao, là tên con bò vàng “Kim ngưu”, đồng thời cũng có tích truyện “Ngưu lang – Chức nữ”. Nó được tạc theo hình con trâu ở lăng vua Trần Hiến Tông (Quảng Ninh), với cặp sừng ngắn nhô thẳng lên, mắt óng ánh nhìn các vật phía trước, lỗ tai vểnh lên để nghe các hoạt động xung quanh. La Hán Nặc Cự La cưỡi trên nó với tư thế hai tay cầm dĩa trái cây dâng lên ngang vai bên tay trái (trái lựu hồng nhạt của người dân Việt Nam) thể hiện tấm lòng thành kính cúng dường Tam bảo (hình 12).
Linh thú “tê giác” được phỏng theo “tê giác Việt Nam” (một sừng nhỏ, mình dài, thân hình đen), tai ngắn vểnh lên (lắng nghe vạn vật), nhưng có thêm hai chốm lông phủ xuống sau hai vành tai, miệng há vừa để thở. Cưỡi trên con vật hùng mãnh này là La Hán Ca Nặc Ca Phạt Sa, tay phải cầm một bảo tháp cao năm tầng nắm chặt chân tháp. Tháp là nơi tôn thờ xá lợi của Phật, nhục thân chư Tổ sư, hoặc như tháp Phật Đa Bảo hiện ra cho việc ấn chứng thuyết kinh Pháp Hoa của đức Phật Thích Ca. Năm tầng tượng trưng cho ngũ phần thanh tịnh “giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương” là một vị xuất gia cần tu tập đạt được (hình 13).
Linh thú “bạch mã” phỏng theo con “Song vĩ tinh, Song vĩ hồng” của vị tướng Lý Thường Kiệt cưỡi. Bởi vì nó là một con “tiểu hồng mã” có hai cái đuôi. La Hán cưỡi trên nó là Bàn Thác Ca, tay trái nâng bình hoa, tay phải vịnh giữ bình, thể hiện việc dâng hoa cúng Phật, được sắc thân hồng hào (hình 14).
Độc giác phỏng theo tê giác Việt Nam, có một sừng nhô lên, cổ quay sang phải một ít, mắt to tròn xoe nhìn chăm chăm. Vị La Hán Độ La Bạt La Nọa Xa tay trái nâng một bộ kinh và tay phải vịn giữ, thể hiện triết lý trong PG là một vị Độc Giác Phật tự thân mình tu tập chứng ngộ chân lý (kinh điển), hoặc là tam tạng kinh điển PG là con đường tu tập chuyển hóa khổ đau và giác ngộ (hình 15).
“Thanh sư” (hình 16) mô phỏng theo con thanh sư chùa Giác Lâm, Phụng Sơn (do Bồ tát Đại Trí Văn Thù cưỡi, thuộc bộ ngũ vị),… chỉ có hai lỗ tai (không như thanh sư ở Phụng Sơn có “chín lỗ tai”), thân hình đen, mắt lớn tròn nhìn chăm chăm, miệng há vừa lộ ra bốn răng nanh, trên đỉnh có một cái sừng như sừng tê giác được phủ quanh lớp lông xanh biển và trắng. Trong bộ tượng Ngũ vị, thì Bồ tát Văn Thù (đại trí tuệ) cưỡi con thanh sư. Thanh sư đây được cưỡi bởi La Hán Phạt Xà La Phất Đa La, tay phải cầm quyển kinh chữ Hán, còn tay trái có ngón trỏ chỉ vào quyển kinh, như nhắn gửi mọi người nương theo kinh điển mà tu tập chuyển hóa khổ đau, đạt được trí tuệ. Chính vì thế, con thanh sư, quyển kinh và sự khai thị của La Hán hướng mọi người tu tập trí tuệ giải thoát.
Dựa theo tích của bộ luật Hồng Đức “chỉ hươu nói ngựa” nên linh thú “sơn hươu cao cổ” do La Hán Phạt Na Bà Tư cưỡi trên đầu hình giống con ngựa. Qua chuyện này muốn nhắc nhở ta không nên “nói dối”, và sự trầm tư của La Hán với hai tay đan chéo nhau giữ lấy gối “trái” (điều ngang trái) cần phải rõ biết mà lánh xa, luôn ý niệm chân chính (hình 17).
Linh thú “bạch khuyển” (hình 18) là con chó trắng, là tổ tiên của bộ lạc Khuyển Nhung (Trung Quốc cổ đại)[11]. Cái đầu thì tạc giống với “thanh sư” nhưng không có sừng, còn thân mình thì giống với “Chó H'Mông Cộc đuôi” là một trong “tứ đại quốc khuyển” của Việt Nam (hình 19). La Hán Tô Tần Đà nếu theo bức họa trong động Đôn Hoàng: “Ngài ngồi trên đá, tay phải co ngón trỏ và ngón giữa, tay phải cầm bình nước đặt ở trước ngực”[12], nhưng các nghệ nhân đã tạc vị La Hán này tay phải đặt lên gối phải, tay trái cầm mộc bản dạng chữ nhất “一” ôm vào mình. Qua linh thú và tượng muốn nhắc mọi người sống trung thực, vượt gian nguy trên con đường “độc lộ giải thoát”.
“Hà mã” với thân hình nhìn như “con lợn”, nhưng nó có chung tổ tiên với cá heo và cá voi, tách nhánh cách đây gần 55 triệu năm[13]. Tuy nhìn nó hiền nhưng đây là loài vật hung dữ, giết hại rất nhiều người. Để hàng phục nó, nghệ nhân tạc La Hán Bàn Trà Thác Ca với tay trái cầm cây trượng, ngồi kiết già với tay phải đặt trên đầu gối, trông uy nghiêm (Hình 24). Dân gian thường nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, đừng trông bề ngoài mà đánh giá bản chất họ. Chính vì thế, vị La Hán với sức mạnh của lòng từ bi và tâm định tĩnh hóa độ những con người “khẩu Phật tâm xà”, dứt trừ tham, sân, si,… đặc biệt là ái dục khổ đau bằng việc tu tập giới, định, tuệ; thành tựu đạo đức tự thân và giải thoát trong mai sau.
Hà khuyển” (hình 21) được tạc theo tượng “linh cẩu” ở chùa Cầu (Tp.Hội An) (hình 22)[14]. Dân gian Việt Nam có câu: “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang” cho nên trên tay phải La Hán La Hổ La cầm cây gươm nhỏ, với cách cầm giống như quan lại thời Nguyễn. Tôn giả La Hổ La (La Hầu La) xuất thân dòng dõi hoàng tộc. Về sau, ngài xuất gia với trưởng lão Xá Lợi Phất xuất gia và trở thành vị “mật hạnh đệ nhất” trong hàng đệ tử Phật. Giống như hộ pháp Vi Đà chống cây cây kiếm phía trước người ở trong các ngôi chùa, La Hán La Hầu (Hổ) La cũng là trưởng tử của Như Lai, sẽ giữ gìn mạng mạch Phật pháp nên cầm kiếm nhỏ dựa vào người.
Từ thời Hậu Lê, hình tượng con “nghê” thay thế cho con “sấu” của các thời đại trước đã mất (hình 23). Theo Từ điển Bách khoa toàn thư đã diễn tả rằng: “Nghê là linh vật bản địa hóa Kỳ Lân do người Việt sáng tạo ra, khác hẳn với kỳ lân hay sư tử. Nghê là hóa thân của con chó, được nâng tầm lên để ngang hàng với Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) và khác với con sư tử của người Trung Quốc. Nghê là Linh vật bản địa của người Việt Nam. Là con vật canh giữ về mặt tinh thần, chống lại các thứ tà ma, ác quỷ. Phật giáo có hình tượng ‘Phật sư’, nghĩa là con sư tử nhà Phật. Mang tính Phật, nó bớt đi những điều hung dữ, lược bỏ yếu tố mãnh thú, trở thành con sư tử của nước Phật.”[15]. Con nghê “giả nhân” thường tôn trí ở trước cổng chùa, miếu,…; nhưng nó được tôn trí ở Phật điện Vĩnh Tràng do La Hán Thú Bát Ca cưỡi. Tay phải ngài nâng hình tượng Đức Phật (chính đạo), còn tay trái vịn giữ lấy tượng (hình 24), cùng ý nghĩa hình tượng con nghê nhắc nhở mọi người nên sống đạo đức, tu tập thiện nghiệp, lánh xa các nghiệp bất thiện:
“Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.”[16].
“Sơn nai” (hình 25) do La Hán A Thị Đa cưỡi, mượn hình tượng “bạch lộc” ở Trung Hoa cho các vị tiên nhân thường cưỡi với hai cái sừng vừa. Qua hình tượng Lộc mẫu nhân nghĩa trong kinh tạng Phật giáo, đức Phật khuyến tấn hàng đệ tử dấn thân hoằng pháp lợi lạc cho khắp nhân sinh. Mượn hình tượng “cây phất trần” của các vị tiên nhân Trung Hoa (Lão Tử,…) thường cầm, các nghệ nhân đã tạc tượng A Thị Đa tay trái cầm phất trần, tay phải nắm chặt sừng con “sơn nai” để giữ cho nó đừng chạy nhảy. Cũng chính là việc nhiếp hóa nó điều phục ý căn nói riêng và lục căn nói chung, đừng chạy theo trần cảnh lạc thú “ngũ dục” mà mắc bẫy thợ săn hoặc các thú dữ khác “đau khổ”.
Con trâu là con vật thứ hai trong mười hai con giáp, vốn gắn liền với nền văn minh lúa nước người dân vùng Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Linh thú “sơn ngưu” được tạc theo con trâu ở lăng vua Trần Hiến Tông (Quảng Ninh): “Đầu nhô ra ngoài bệ và cúi xuống, đuôi hơi to chúc thẳng xuống và chéo ra góc bệ. Các chân trâu khô gầy”[17]. Hình ảnh tôn giả Ca Lý Ca ngồi chéo chân tay trái nâng khúc gỗ, tay phải chú nguyện vào (hình 26). Với tâm từ của quý ngài đã hướng dẫn con người nhận diện ra được lẽ vô thường cuộc đời “sinh, lão, bệnh, tử”, sắc thân tươi trẻ ngày nào rồi cũng “khô gầy” theo năm tháng, hãy tu tập thiện nghiệp ngay bây giờ, và dứt trừ khổ đau trong sinh tử luân hồi trong mai sau.
Hổ là loài vật hung dữ “ông ba mươi”, cần có vị hàng phục nó, tiêu biểu như La Hán Tân Đầu Lô. Do vì trùng lắp trong việc thêm hai vị La Hán trong đó có La Hán Tân Đầu Lô (phục hổ) trùng với vị thứ nhất Tân Đầu Lô Phạt Xà Phả La Đọa Xà trong mười sáu vị nên chùa Vĩnh Tràng đã theo cách của Tô Đông Pha tạc La Hán Tân Đầu Lô cầm vòng kim cô thu phục hổ dữ trở nên hiền lành như trong tượng. Con hổ khởi đầu tháng năm mới (tháng Dần: tháng giêng), và cũng cho La Hán Tân Đầu Lô nằm vị trí số 1 trong 18 vị La Hán. Tượng hổ chùa Vĩnh Tràng được tạc khắc phỏng theo tượng tròn thời Trần: “đầu nghển cao quan sát, nghiêng về bên trái”[18] (hình 27).
Trong phong thủy hay đề cập “thanh long bạch hổ”, con “hành long” (hình 28) là con vật đứng đầu trong tứ linh, do La Hán Khách Liễu Tôn hàng phục bằng tay trái chạm trên trán với tâm từ bi hóa độ nó tu tập chuyển nghiệp bất thiện thành thiện, thoát khỏi súc sinh nói riêng và Ta-bà nói chung, chứng đắc giải thoát. Tay phải (đeo một cái vòng và khoét một lỗ nhỏ tròn) của ngài diễn tả tấm lòng của mình trong việc giao tiếp với “hành long”. Trong tiếng Hán, chữ “hàng” và “hành” là một cách viết “行”, nhưng kiểu đọc khác nhau. Con hành long giống như “long xà”, được khắc phỏng tương hợp với con rồng thời Lý: “chiếc đầu ngóc lên với đầu tóc mượt dài, môi trên quyện với răng nanh và được bao lại thành chiếc mào như ngọn lửa, trên đầu chưa có sừng nhưng lại có hoa văn hình chữ S là dấu hiệu về mây – mưa – sấm - chớp, miệng há vờn viên ngọc, dưới cằm và các khuỷu chân đều có túm râu cũng uốn mượt như tóc.”[19]. Theo Bách khoa toàn thư ghi rằng: “Đầu rồng với cổ ngước cao, mắt rồng to tròn và hơi lồi, trên lông mày kết xoắn, và trán kết xoắn, hàm trên kéo dài không cân đối với đầu, uốn, xung quanh có đao lửa. Hàm dưới kéo dài, uốn hình sin tai nhỏ. Bờm dài bay ngược như cờ đuôi nheo. Không có sừng trông như rắn, đây là điều khác biệt so với các con rồng khác của các triều đại sau và khá tương đồng với hình tượng thuồng luồng trong văn hóa dân gian”[20].
Chùa Vĩnh Tràng là một di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam với chiều dài lịch sử hơn 150 năm, với công trình kiến trúc xây dựng và trùng tu của các vị Tổ sư trụ trì Vĩnh Tràng, tạo thành một thước phim về sự hình thành và phát triển của ngôi chùa trong thời chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng như trong thời bình từ năm 1975 cho đến nay. Tiếp biến từ PG Ấn Độ và ảnh hưởng từ những tư tưởng khác nhau trong việc họa, tạc khắc,… các vị A La Hán của Trung Hoa, cùng việc kế hợp các linh thú nổi bật ở Trung Hoa, Việt Nam qua các triều đại, và văn hóa người dân vùng sông nước Nam bộ, sự tư vấn của HT.Chánh Hậu và nghệ thuật tạc tượng của nhóm Tài Công Nguyên đã dùng gỗ mít tạc nên bộ thập bát La Hán chùa Vĩnh Tràng thật “sắc sảo và độc nhất vô nhị” trong lòng người dân xứ Nam bộ, dân tộc Việt Nam và trên khắp thế giới.
Tác giả: Thích Thiện Mãn
Học viên Cao học khóa III Học viện PGVN tại Tp.HCM
----------------------------
[1] Thích Minh Cảnh (chủ biên) (2016), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 1, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, tr. 37.
[2] ĐTKVN (2017), Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Ganaka Moggallana, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, HN, tr. 328.
[3] Thích Trung Hậu (2008), Sự tích A La Hán, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, TP. HCM, tr. 214-15.
[4] Tham khảo Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm: Di tích Lịch sử - Văn hóa, Nxb. KHXH, HN, tr. 82.
[5] Thiền sư Hoằng Ân (1850 – 1914): pháp húy là Minh Khiêm, thuộc Lâm Tế chánh tông đời thứ 38, là đệ tử của HT. Tiên Giác Hải Tịnh (1788-1875). Năm 20 tuổi, Sư trụ trì chùa Giác Viên. Tuy còn trẻ nhưng sư đã làm giáo thọ cho Tăng chúng chùa Giác Lâm, từng được cử làm Dẫn thỉnh giới đàn Tây An (1871), Giáo thọ giới đàn Từ Ân (1875). Ngài từng đi du hóa khắp sáu tỉnh Nam kỳ. Năm 1914, trước khi viên tịch, Hòa thượng đọc cho chúng đệ tử nghe rằng: “Phật pháp miên trường, chúng sinh dị độ”.
[6] Thích Huệ Phát (2017), Chùa Vĩnh Tràng: một ngôi chùa nhiều mỹ hiệu, Sđd., tr. 29.
[7] Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2010), Chùa Việt Nam, Sđd., tr. 438.
[8] Võ Văn Tường (1992), Việt Nam danh lam cổ tự, Sđd., tr. 441.
[9] Chu Quang Trứ (2016), Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc, Nxb. Mỹ thuật, HN, tr. 84.
[10] Chu Quang Trứ (2016), Sđd., tr. 85.
[11] “Khuyển Nhung”, <https://vi.wikipedia.org/wiki/Khuy%E1%BB%83n_Nhung>, đăng 03/08/2020, truy cập 10/4/2021.
[12] Thích Trung Hậu (2008), Sự tích A La Hán, Sđd., tr. 224.
[13] Duy Huệ, “Tìm thấy bằng chứng hà mã chung tổ tiên với cá voi”, <https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc/tim-thay-bang-chung-ha-ma-chung-to-tien-voi-ca-voi-459065.html> , đăng 26/02/2015, truy cập 10/4/2021.
[14] Vũ Vân Anh, “Kỳ thú biểu tượng thần hầu, linh cẩu ở chùa Cầu Hội An”, <https://baophapluat.vn/dan-sinh/ky-thu-bieu-tuong-than-hau-linh-cau-o-chua-cau-hoi-an 393284.html>, đăng 17/5/2018, truy cập 10/4/2021.
[15] “Con Nghê”, <https://vi.wikipedia.org/wiki/Con_ngh%C3%AA>, đăng 21/3/2021, truy cập 10/4/2021.
[16] ĐTKVN (2018), Kinh Tiểu bộ, tập 1, kinh Pháp cú, phẩm Phật-đà, kệ số 183, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, HN, tr. 66.
[17] Chu Quang Trứ (2016), Sđd., tr. 93.
[18] Chu Quang Trứ (2016), Sđd., tr. 94.
[19] Chu Quang Trứ (2016), Sđd., tr. 76.
[20] “Rồng Việt Nam”, <https://vi.wikipedia.org/wiki/R%E1%BB%93ng_Vi%E1%BB%87t_Nam>, đăng sửa ngày 03/4/2021, truy cập ngày 10/4/2021.
Bình luận (0)