Bằng những nguyên nhân nội tại và ngoại tại, trong nước và Trung Hoa, các vị Thiền sư Trung Hoa đã xuất hiện rất đúng lúc ở Đàng Trong nước ta, tạo nên một thời kỳ Phật giáo phát triển rực rỡ, mang dấu ấn đẹp với xứ sở và thời gian, cùng con người Đàng Trong tịnh tiến về mặt tâm linh.
Thích nữ Thuần Trí Ngành Lịch sử, Khóa II, Học viện PGVN tại Huế Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023
Dẫn nhập: Ngược dòng thời gian trở về những thế kỷ XVII-XVIII - đây là thời kỳ đất nước ta trải qua những thời gian khó khăn do sự phân ly, chia cắt thành hai miền đất nước gọi là Đàng Ngoài và Đàng Trong bởi các chính quyền Trịnh-Nguyễn-Mạc và sau đó là Trịnh-Nguyễn.
Trong giai đoạn phân ly này, ở Đàng Ngoài, Phật giáo vẫn hết sức phát triển như một sự tất yếu của quá trình đi lên cùng dân tộc. Còn ở Đàng Trong, Phật giáo đã giữ một vị thế quan trọng, là chỗ dựa tâm linh cho các chùa cùng nhân dân ta trải qua biết bao thăng trầm, vinh nhục.
Lúc bấy giờ ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã chủ trương thỉnh mời các vị thiền sư Trung Hoa sang để hoằng dương phật pháp thay vì tìm kiếm các vị thiền sư ở trong nước hay nói khác đi là các bậc chân tu ở Đàng Ngoài. Bối cảnh này tạo ra mối lương duyên cho sự du nhập và hoằng pháp của các thiền sư Trung Hoa vào nước ta, tạo nên những dòng thiền đặc sắc còn tồn tại mãi đến tận hôm nay.
Vậy những nguyên nhân chính yếu nào đã đưa đến sự du nhập và hoằng pháp của các vị thiền sư Trung Hoa vào Đàng Trong thế kỷ XVII-XVIII?
Từ khóa: đàng trong, đàng ngoài, thiền sư Trung Hoa, thể kỷ XVII, XVIII, du nhập…
1. Phật giáo Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn (thế kỷ XVII-XVIII)
Khi Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng mới bước chân đến vùng “Ô châu ác địa”, nhận thấy người dân ở đây tin vào Phật giáo có phần mạnh hơn các tôn giáo và tín ngưỡng khác, đồng thời việc xây dựng một chính quyền mới, ly khai khỏi thế lực chính quyền phía Bắc của chúa Nguyễn lúc bấy giờ là mâu thuẫn với tư tưởng cơ bản của Nho giáo là “trung quân”, “quân thần”. Trong buổi đầu khai sơn lập nghiệp người dân lại không có tâm thế để có thể hoà mình vào tư tưởng “vô vi” của Lão giáo. Vì vậy, chỉ có Phật giáo mới có thể đáp ứng nhu cầu cho cả vua lẫn người dân lúc ấy. Việc lựa chọn Phật giáo của Nguyễn Hoàng là hướng đến nhân tâm và mang ý nghĩa chính trị to lớn. Phật giáo Đàng Trong trong thời kỳ này đã có một nền tảng vững chắc để đi tiếp trên những chặng đường mới.
Dưới sự hộ trì của các chúa Nguyễn một cách liên tục, nhất quán, Phật giáo ở Đàng Trong đã có sự hưng khởi mạnh mẽ và có những bước tiến vượt bậc. Phật giáo bấy giờ có vị thế rất quan trọng trong sự hiện hữu của cơ chế chính trị “cư Nho mộ Thích”(1) và dung hợp ba nguồn tư tưởng lớn đã có ở Việt Nam khoảng từ thế kỷ thứ II gọi là “Tam giáo đồng nguyên”(2).
Bên cạnh đó, sự mở rộng Thiền phái Lâm Tế ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn là một bước phát triển mới của Phật giáo nơi đây. Đây là một trong những dòng thiền được liệt vào Ngũ gia thất tông của Thiền tông Trung Hoa. Khi sang Việt Nam có các dòng: Lâm Tế Thiên Đồng Pháp Phái, Lâm Tế Gia Phổ, Lâm Tế Liễu Quán, Lâm Tế Chúc Thánh, Lâm Tế Liễu Quán phát được truyền thừa ở nước ta cho đến ngày nay.…
Sự mở rộng của dòng Thiền Tào Động ở Đàng Trong cũng đánh dấu cho sự phát triển về tư tưởng của Phật giáo vào thế kỷ XVII ở Đàng Trong. Đây cũng là dòng Thiền được liệt vào Ngũ gia thất tông của Phật giáo Trung Hoa. Minh Vương Nguyễn Phúc Chu là người đóng góp công lao lớn cho việc mở rộng dòng thiền này vì Ngài đã mời được Hoà Thượng Thạch Liêm sang hoằng dương Phật pháp.
Sự nỗ lực của hai dòng Tào Động và Lâm Tế là hết mình ổn định nhân tâm, phát triển đời sống tâm linh trên khắp cõi Đàng Trong. Hai dòng thiền này tuy có những lối đi riêng nhưng mục đích hướng đến thì vẫn là một, vẫn âm thầm len lỏi vào đời sống của con người Đàng Trong qua nhiều thế hệ.
Phật giáo Đàng Trong đến thời kỳ Minh Vương Nguyễn Phúc Chu đã phát triển hết sức rực rỡ. Trong các giai đoạn sau cùng dưới quyền cai trị của các chúa Nguyễn, Phật giáo vẫn được ủng hộ nhưng không thịnh bằng các thời kỳ đầu. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Thuần thì chính quyền chúa Nguyễn lâm vào cảnh khó khăn. Và đến khi nhà Tây Sơn đánh bại chúa Nguyễn thì Phật giáo cũng theo đó chuyển sang giai đoạn mới.
2. Sự du nhập của các Thiền sư Trung Hoa vào Đàng Trong
Thế kỷ XVII dưới thời các chúa Nguyễn, Phật giáo Đàng Trong được tạo điều kiện phát triển hết sức mạnh mẽ. Với những đặc trưng riêng của mình, Phật giáo nơi đây đã đạt được những thành tựu nhất định, đặt nền móng cho sự phát triển của Phật giáo sau này. Để Phật giáo Đàng Trong đạt được những thành tựu đó có sự đóng góp rất nhiều của các chúa Nguyễn, nhân dân và đặc biệt là mối lương duyên của Đàng Trong với các Thiền sư Trung Hoa.
Lục Hồ Viên Cảnh và Đại Thâm Viên Khoan được xem là hai vị Tổ Trung Hoa đầu tiên đến Đàng Trong vào khoảng năm 1648. Hai Ngài thuộc phái Lâm Tế theo dòng kệ của Thiền sư Trí Bảng.
Tổ Giác Phong (?-1714) là người khai sơn chùa Báo Quốc ở núi Hàm Long, Đàng Trong. Ngài Liễu Quán khi ra Đàng Trong đã tham học với Tổ Giác Phong đến 11 năm. Theo bia tháp của Ngài ở chùa Báo Quốc thì Ngài là vị Lão tổ của phái Tào Động: “Tào Động nguyên lưu khai sơn Hàm Long Thiên Thọ Tự, huý Pháp Hàm, hiệu Giác Phong Tổ sư bửu tháp”(3).
Tổ Từ Lâm (?-?) là vị tổ khai sơn chùa Từ Lâm trên khu đồi làng Dương Xuân, Ngài là vị thầy truyền giới của Tổ Liễu Quán, dòng Lâm Tế. Một số nét có thể biết về Tổ Từ Lâm chỉ thông qua bài văn bia của Tổ Liễu Quán trên núi An Cựu do một nhà sư Trung Hoa soạn vào tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748) sau khi Tổ Liễu Quán viên tịch được 5 năm: “Năm Đinh Sửu (1697), thọ Cụ túc giới với Từ Lâm Lão Hoà Thượng; năm Kỷ Mão (1699), Ngài đi tham cứu khắp nơi, ăn uống rất đạm bạc”(4).
Tổ Khắc Huyền (?-1706) là vị Tổ khai sơn chùa Thiền Lâm, thuộc phái Tào Động. Trên tháp của Tổ có ghi: “Sắc tứ Động Thượng chính tông khai sơn Thiền Lâm viện, Khắc Huyền Lão Tổ chi tháp”(5). Năm 1695, chùa Thiền Lâm được Minh Vương Nguyễn Phúc Chu cho sửa sang, xây dựng rộng rãi để Hoà Thượng Thạch Liêm tổ chức đại giới đàn.
Ngài Huyền Khê (?-?), tổ khai sơn chùa Thiên Phúc. Hoà thượng là người Quảng Đông, đời thứ 35 của phái Lâm Tế. “… đến Đàng Trong, treo tích trượng ở chùa Pháp Vân - sau đổi là chùa Thiên Phúc tục gọi là chùa Khoai - Hoà thượng tinh Thiền học, Tăng đồ theo học càng ngày càng nhiều"(6). Ngài thuộc thiền phái Lâm Tế của Ngài Đạo Mân Mộc Trần.
Tổ Nguyên Thiều (?-1728) thuộc dòng Lâm Tế - Theo Việt Nam Phật giáo sử lược của Ngài Mật Thể: “Ngài họ Tạ, quê ở Trình Hương Triều Châu, Quảng Đông, xuất gia năm 19 tuổi, tu ở chùa Báo Tư, thọ giáo với ngài Bổn Khao Khoán Viên Hoà thượng.”(7), sau lập nên chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định và chùa Quốc Ân ở Xuân Kinh ( Huế).
Tổ sư Nguyên Thiều là người có công rất lớn làm cho dòng thiền Lâm Tế phát triển mạnh mẽ ở Đàng Trong.
Tổ Minh Hoằng Tử Dung (?-?) là vị Sơ tổ của Thiền phái Tử Dung - Liễu Quán, thuộc đời 34 dòng Lâm Tế, Ngài là người Đại Thanh, qua An Nam, trác tích Đàng Trong, lập chùa Ấn Tôn toạ lạc tại Long Sơn, phía trên núi Hàm Long (theo bia đá dựng ở chùa Chúc Thánh - Quảng Nam), khai sơn nên chùa Ấn Tôn (chùa Từ Đàm nay).
Tổ Minh Hải Pháp Bảo (?- ?), thế danh là Lương Thế An, thuộc dòng kệ của Tổ Đạo Mân sau ngài Siêu Bạch Hoán Bích. Ngài qua Đàng Trong cùng một lần với Ngài Minh Hoằng Tử Dung. Ngài hoằng hoá chủ yếu ở vùng Quảng Nam, khai sơn chùa Chúc Thánh tại Hội An, chùa Cổ Lâm tại Ái Nghĩa. Bên cạnh dòng Liễu Quán của Phật giáo Đàng Trong, tổ Minh Hải Pháp Bảo khai sáng dòng Lâm Tế Chúc Thánh phát triển mạnh ở Quảng Nam.
Hoà thượng Thạch Liêm (1633-1702), hiệu là Đại Sán Hán Ông, quê Ngài ở Giang Châu - Trung Hoa, sinh năm Quý Dậu, tổ 29 của dòng thiền Tào Động. Ngài là người có học vấn uyên bác, tinh thông cả Nho, Lão, Phật. Ngài đã hoằng truyền giáo pháp ở xứ Đàng Trong được một năm, đến 1696 Ngài trở về Trung Hoa.
3. Nhân duyên cho sự du nhập và hoằng pháp của các Thiền sư Trung Hoa vào Đàng Trong
Như chúng ta đã biết trong giai đoạn phân ly thế kỷ XVII- XVIII, nước ta bị chia cắt ra làm hai miền, từ sông Gianh trở ra Bắc gọi là Đàng Ngoài cho chính quyền nhà Trịnh cai trị, còn từ sông Gianh trở vào Nam gọi là Đàng Trong do chính quyền chúa Nguyễn cai trị.
Từ đầu thế kỷ XVII, sau khi Nguyễn Hoàng giúp chúa Trịnh Tùng đánh bại nhà Mạc ở Đàng Ngoài và trở về được Đàng Trong, thì ông đã có mưu đồ ly khai khỏi chính quyền chúa Trịnh. Đến khi chúa Nguyễn Hoàng mất, con ông là Nguyễn Phúc Nguyên lên ngôi, thời gian này Đàng Trong dưới sự dẫn dắt của chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã chính thức ngừng nộp thuế cho chính quyền Lê - Trịnh để tỏ thái độ chống đối và ly khai khỏi Đàng Ngoài.
Cũng trong thời gian này Đào Duy Từ còn hiến kế cho Chúa xây dựng lũy Thầy và luỹ Trường Dục. Khi hai luỹ này được xây dựng nên đã ngăn chặn các cuộc tấn công của hai nhà Lê - Trịnh từ Đàng Ngoài vào đồng thời cũng làm mất đi sự thông thương văn hoá giữa hai miền.
Về phương diện Phật giáo ở Đàng Trong lúc bấy giờ, Ngài Minh Châu Hương Hải là vị tích cực hoằng pháp, xiển dương giáo lý Phật Đà, Ngài được các chúa Nguyễn hết sức kính trọng và tin tưởng. Nhưng nhân duyên hoằng giáo không được lâu, Thiền sư Hương Hải gặp trắc trở do sự ghen ghét của các quan trong triều và sự hiểu nhầm của chúa Nguyễn đối với Ngài. Năm 1682, Thiền sư cùng các đệ tử phải vượt biển ra Đàng Ngoài tiếp tục công cuộc hoằng pháp độ sinh khiến cho Phật giáo ở đó phát triển rất mạnh mẽ.
Sự ly khai của chính quyền Đàng Trong đối với Đàng Ngoài và sự vắng mặt của Thiền sư Hương Hải đã làm cho Phật giáo ở Đàng Trong có phần hụt hẫng, lúc bấy giờ nhu cầu thỉnh mời các vị Thiền sư Trung Hoa vào Đàng Trong càng mạnh mẽ hơn.
Các chính sách khuyến khích, hộ trì Phật giáo của các chúa Nguyễn lúc bấy giờ đã giúp Phật giáo được mở rộng, nhu cầu truyền bá đạo Phật ngày càng nhiều. Các chúa Nguyễn nhiều lần cử người sang Trung Hoa, thỉnh Kinh tượng, mời các sư tăng Trung Hoa sang nước Việt giảng dạy Phật pháp tạo điều kiện cho các Thiền sư Trung Hoa sang cắm tích trượng hoằng dương chính pháp nơi xứ Đàng Trong.
Kế nữa thời gian này Trung Hoa có nhiều biến động chính trị. Đến năm 1662 Nhà Thanh tiêu diệt hoàn toàn nhà Minh lãnh đạo Trung Hoa. Triều Thanh ban hành nhiều chính sách ủng hộ Lạt Ma giáo của Tây Tạng khiến các chùa chiền, tăng sĩ Phật giáo lúc này tuy nhiều nhưng người tín tâm xuất gia thì ít, những người vì buồn phiền đau khổ, muốn an phận thủ thường, nương cửa Phật cho qua ngày đoạn tháng lại nhiều, chính pháp không có cơ hội lan toả ra khắp các nẻo đường.
Các tướng sĩ, quân thần nhà Minh phải theo đường biển sang Đàng Trong thần phục chúa Nguyễn rất nhiều, trong đó có nhiều Thiền sư cũng theo đó vào Nam hà hoằng hoá Phật pháp. Đàng Trong lúc bấy giờ lại là vùng đất đóng đô của các chúa Nguyễn, có các chính sách khai mở, là nơi thuận lợi để chờ đón các vị Thiền sư Trung Hoa sang.
Đây chính là những nguyên nhân cơ bản cho sự du nhập và hoằng pháp của các Thiền sư Trung Hoa vào nước ta thế kỷ XVII-XVIII.
4. Ý nghĩa của việc du nhập và hoàng hoá của các Thiền sư Trung Hoa ở Đàng Trong (thế kỷ XVII- XVIII)
Sự du nhập và hoằng dương Phật pháp của các vị Thiền sư Trung Hoa có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của Phật giáo ở Đàng Trong. Trước khi các Thiền sư Trung Hoa sang Đàng Trong, Phật giáo Đàng Trong chủ yếu là Phật giáo dân gian. Nhưng khi có các Thiền sư Trung Hoa cắm tích trượng truyền bá Chính pháp Như Lai, thì ở Đàng Trong đã hình thành Phật giáo với nhiều tông phái như Thiền phái Lâm Tế, Thiền phái Tào Động. Từ dòng Lâm Tế, có Ngài Liễu Quán khai sáng ra dòng Lâm Tế Liễu Quán mang màu sắc Thuận Hoá, phát triển mạnh ở Huế cho đến tận ngày nay hầu hết các chùa Huế đều theo sự truyền thừa của Thiền phái này.
Đàng Trong trước đây chỉ có chùa quan, chùa làng thì bây giờ đã có chùa Tổ. Phật giáo Đàng Trong theo sự truyền thừa từ thế hệ này đến thế hệ khác mà lan toả khắp mọi nẻo đường, đem lại lợi lạc cho quần sinh. Nhờ có chư vị Tổ sư khai phá, đặt nền móng mới có sự phát triển của Phật giáo ở hiện tại.
Việc đề cao tinh thần hiếu đạo và vị trí của con người trên bước đường chinh phục vùng đất mới đã được thể hiện qua việc hình thành các chùa Tổ. Chùa Tổ còn thì Phật giáo cũng còn, từ đó các vị đệ tử kế thế tiếp tục xiển dương Phật pháp khắp mọi nơi.
Bên cạnh đó các Thiền sư Trung Hoa còn làm cho Phật giáo Đàng Trong có một tầm vóc mới. Với đạo hạnh cao thâm, tinh thông Phật pháp và tinh thần nhập thế tích cực, các Ngài đã góp phần rất lớn hình thành nên Tăng đoàn Phật giáo có trình độ Phật pháp cao, thân khẩu ý giáo cụ túc để hoàng dương Phật pháp.
Kết luận
Phật giáo ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn được đánh giá là rất hưng thịnh, mang nhiều đặc điểm sáng tạo, mới mẻ và sắc thái riêng biệt cùng với quá trình mở mang bờ cõi về phía Nam của dân tộc ta. Bên cạnh sự nghiệp hoằng pháp độ sinh. Phật giáo trong thời kỳ này còn có ý nghĩa rất lớn cho sự xây dựng chính quyền mới của các Chúa.
Để có được những thành công to lớn đó, bên cạnh những chính sách khai mở, ưu ái Phật giáocủacácchúa Nguyễn, sự ủng hộ của nhân dân là sự đóng góp bởi các Thiền sư Trung Hoa vào nước ta. Từ khi có sự du nhập và hoằng pháp của các Ngài, Phật giáo nước ta đã có một diện mạo mới, vừa giữ gìn nét đẹp truyền thống vừa trở nên mới mẻ và đầy linh động. Phật giáo đã xây dựng nên những con người chân chính, vừa có trí tuệ vừa có đạo đức, thích ứng với thời đại có thể dấn thân phục vụ lợi ích nhân sinh.
Bằng những nguyên nhân nội tại và ngoại tại, trong nước và Trung Hoa, các vị Thiền sư Trung Hoa đã xuất hiện rất đúng lúc ở Đàng Trong nước ta, tạo nên một thời kỳ Phật giáo phát triển rực rỡ, mang dấu ấn đẹp với xứ sở và thời gian, cùng con người Đàng Trong tịnh tiến về mặt tâm linh.
Thích nữ Thuần Trí Ngành Lịch sử, Khóa II, Học viện PGVN tại Huế Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023 ***CHÚ THÍCH: (1) “Cư Nho mộ Thích” có nghĩa là ăn ở, tố chức cuộc sống, điều hành đất nước theo Nho giáo nhưng tâm linh thì một lòng theo Thích Ca (Phật giáo) (2) “Tam giáo đồng nguyên” là tư tưởng xuất hiện ở Giao Châu (Việt Nam) vào khoảng thế kỷ thứ II, có sự dung hợp và Việt hóa ba hệ tư tưởng Phật – Nho – Lão. (3) Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb văn hoá Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh, tr 114. (4) Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb văn hoá Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh, tr115. (5) Sđd, tr116. (6) Sđd, tr 120. (7) Mật Thể (2004), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr 191. TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Christophoro Borri (2014), Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh. 2. Thích Đại Sán - Hoà thượng Thạch Liêm (2015), Hải Ngoại Ký Sự, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 3. Dương Văn An (2001), Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc hiệu đính - dịch chú, Ô Châu cận lục, Nxb Thuận Hoá, Huế. 4. Tôn Thất Bình (1997), Kể chuyện chín chúa, mười ba vua triều Nguyễn, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng. 5. Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng (2009), Các triều đại Việt Nam, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội 6. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb Thành phố, Hồ Chí Minh. 7. Kỷ yếu hội thảo khoa học (2011), Chúa- Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) và sự nghiệp mở mang bờ cõi, phát triển đất nước, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện nghiên cứu Tôn giáo. 8. Nguyễn Duy Hới (2000), Thái độ của Nhà Nguyễn đối với Phật giáo và các đặc điểm cơ bản của Phật giáo Huế, Kỷ yếu hội thảo khoa học Văn hoá Việt Nam thời Nguyễn, Đại học Huế. 9. Hội khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế (2010), Thuận Hoá- Phú Xuân Thừa Thiên Huế, 700 năm hình thành và phát triển, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 10. Phan Khoang (2001), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb Văn học Hà Nội, Hà Nội. 11. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb văn học - Hà Nội, Hà Nội. 12. Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb văn hoá Sài Gòn, Tp Hồ Chí Minh. 13. Viên nghiên cứu Phật học Việt Nam (2014), Phật giáo thời Nguyễn, Nxb Tôn giáo, Tp Hồ Chí Minh. 14. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên (2009), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 15. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Bình luận (0)