Như Lai Tạng (S.Tathàgata-garbha) chỉ cho pháp thân Như Lai từ xưa nay vốn thanh tịnh, ẩn tàng trong thân phiền não của chúng sinh nhưng không bị phiền não nhiễm ô. Như Lai tạng có thể phân tích như sau: Như Lai là người đã đến như thế, danh hiệu của vị đạt giác ngộ ở bậc cao nhất, và cũng là một trong mười danh hiệu của một vị Phật.

Tác giả: Thích nữ Hiển Liên Học viên Cao học Khóa V - Học viện Phật giáo Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2024

Tóm tắt: Như Lai Tạng là tư tưởng độc đáo, đóng vai trò quan trọng trong giáo thuyết của Phật giáo Đại thừa. Như Lai Tạng không chỉ khẳng định khả năng thành Phật của chúng sinh mà còn có giá trị thúc đẩy sự dấn thân hành đạo, cứu người giúp đời. Sự hưng khởi của thuyết Như Lai Tạng đã trở thành bước ngoặt quan trọng của Phật giáo khiến cho giá trị ứng dụng của Phật giáo hòa quyện cùng với những bước tiến của nhân loại.

Ở kinh Thắng Man, Như Lai Tạng được trình bày như một triết lý hành động của Bồ Tát với quá trình tu dưỡng mở rộng tâm Bồ Đề đến bước đường lợi lạc quần sinh. Nghiên cứu tư tưởng Như Lai Tạng ở Kinh Thắng Man sẽ giúp ích cho quá trình tu tập của mỗi cá nhân hướng tới an lạc, giải thoát.

Từ khóa: Triết học, Như Lai tạng, Kinh Thắng Man...

1. TƯ TƯỞNG NHƯ LAI TẠNG

1.1. Định nghĩa Như Lai Tạng

Như Lai Tạng (S.Tathàgata-garbha) chỉ cho pháp thân Như Lai từ xưa nay vốn thanh tịnh, ẩn tàng trong thân phiền não của chúng sinh nhưng không bị phiền não nhiễm ô. Như Lai tạng có thể phân tích như sau: Như Lai là người đã đến như thế, danh hiệu của vị đạt giác ngộ ở bậc cao nhất, và cũng là một trong mười danh hiệu của một vị Phật.

Trong Phật giáo thời kỳ đầu, Như Lai không phải là một danh hiệu. Phật Thích Ca thường tự gọi mình là “Như Lai” với dụng ý khiêm nhượng và vô ngã, để tránh sử dụng tiếng ‘ta’ hoặc ‘tôi’ trong lúc Ngài giảng dạy; “Tạng” có nghĩa là nơi chứa đựng, ẩn giấu và khả năng nuôi dưỡng.

Tất cả chúng sinh đều có bản tính này như đức Phật, chính nhờ bản tính này mà trong tương lai chúng sinh sẽ được thành Phật. Đây chính là “cái nhân” để thành Phật nên chữ “tính” (dhātu) cũng đồng nghĩa như “nhân” (hetu). Khi chúng sinh chưa thành Phật thì bản tính này gọi là “Như Lai tạng”.

Có thể nói tư tưởng này xuất hiện sớm nhất trong kinh Như Lai tạng: “Này Thiện nam tử, tuy chúng sinh đang ở trong các thú và phiền não, nhưng có Như Lai tạng thường tại, không bị nhiễm ô, đầy đủ các đức tướng như ta không khác”.(1) kinh Thắng man nói: “Pháp thân Như Lai không lìa phiền não, ẩn tàng trong phiền não, gọi là Như Lai Tạng”(2).

Kinh Tăng nhất A-hàm nói: Người nào chuyên tâm trì tụng kinh Tăng nhất tức là tổng trì Như Lai Tạng. Kế đến là tư tưởng “tất cả chúng sinh đều có Phật tính” trong kinh Đại Bát Niết bàn và các kinh khác như kinh Đại bảo tích, kinh Lăng Già… Trong các luận Đại thừa cũng có bàn rất kĩ vấn đề này, như là Bảo tính luận, Phật tính luận, Đại thừa Khởi tín luận…

1.2. Lịch sử hình thành tư tưởng Như Lai Tạng

Thuyết Như Lai Tạng đã hình thành trong thời kỳ giữa của Phật giáo Đại thừa, là một quá trình tiếp nối, phát triển và hoàn thiện tự nhiên trong bối cảnh phức tạp của sự phát triển lịch sử tư tưởng Phật giáo. Tóm lại, Thuyết Như Lai Tạng tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu Như Lai như một chủ đề trung tâm.

Ban đầu, Như Lai được đề cập như một biểu tượng sống động của đức Phật Thế Tôn trong thế giới nhân gian, nơi mà đệ tử có dịp sống chung và lắng nghe giảng dạy của Ngài. Khi Như Lai nhập niết bàn, đệ tử, trong sự nhớ nhung và tôn kính, chỉ còn biết nương tựa vào giáo pháp và giới luật như là hướng dẫn của thầy và xem giáo pháp như thân thể bất diệt của Như Lai.

Kinh Tăng nhất A-hàm nói: “Thầy của chúng ta là Đức Thế Tôn xuất hiện với thọ mạng ngắn ngủi ở thế gian, nhục thân của Ngài tuy đã mất, nhưng Pháp thân của Ngài vẫn còn.” Thời kỳ phân chia bộ phái, một phần của Thượng Tọa bộ (Sthavira) và Nhất Thiết Hữu bộ (Sarvāstivādin) đã có lập trường khá kiện toàn về Phật thân bao hàm cả hiện thực và lý tính. Họ cho rằng sắc thân là hữu lậu và pháp Bồ-đề là vô lậu, pháp bồ-đề chính là pháp thân.

Quan niệm về Như Lai của hệ Đại chúng bộ (Mahāsā-ghika), cũng trong quá trình phát triển vừa mang tính tín ngưỡng, vừa mang tính lý tưởng. Họ cho rằng: Đức Như lai sinh ra và lớn lên trong thế gian, hoặc đi, hoặc đứng… đều không bị pháp thế gian làm ô nhiễm. Do vậy nên biết rằng thân của đức Như Lai cũng là vô lậu.

Dị bộ tông luân luận cũng đã có một kết luận thâu tóm và làm rõ chi tiết này: Chủ trương căn bản của Đại chúng bộ, Nhất thiết bộ, Thuyết xuất thế bộ, Kê dận bộ là giống nhau, cho rằng: Chư Phật Thế tôn đều là những bậc xuất thế gian, tất cả Như lai đều không có pháp hữu lậu. Những quan điểm về thân như Lai như thế có thể nói là một sự lý tưởng hóa nên khó trách khỏi siêu thực vì thế gặp phải những vấn đề hiện thực khó giải đáp thỏa đáng chẳng hạn như vấn đề đại tiểu tiện từ nhục thân của như Lai.

Tiếp nhận tư tưởng này, thời kỳ đầu của Đại thừa chưa có sự phân biệt chi ly về nhục thân và pháp thân nhưng về sau đã phân biệt Pháp thân và Hóa thân (và sau nữa còn phân biệt 3 thân, 4 thân…) tư tưởng thân Như Lai tiếp tục phát triển theo trào lưu của Đại thừa đến thời kinh Kim cang bát-nhã đã có quan điểm rõ ràng và khẳng định: “Nếu từ sắc thấy ta/ Từ âm thanh cầu ta/ Người ấy hành đạo tà/ Không thể thấy Như Lai”(3). Và còn mạnh hơn xác quyết: “Nếu thấy các tướng đều chẳng phải là tướng, đó là thấy được Như Lai”.

Phật giáo Đại thừa thời kỳ sơ khai đã đạt được những thành tựu đáng kể bằng cách điều chỉnh và hệ thống hóa giáo lý. Việc này không chỉ thể hiện qua việc xây dựng Giáo hội mà còn liên quan đến việc xây dựng mối liên kết giữa vọng tâm và tịnh tâm, cũng như cách chúng hoạt động.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khía cạnh cần được hoàn thiện lý luận như: “Mối quan hệ cơ bản giữa vọng tâm và tịnh tâm, cũng như cách chúng hoạt động, vẫn còn là một điểm mờ. Quan điểm rằng mọi chúng sinh đều có thể trở thành Phật vẫn chưa có một hệ thống lý luận rõ ràng. Lập luận về Phật-đà còn nhiều thiếu sót, đặc biệt là quan niệm về pháp thân chưa được đầy đủ.”(4)

Ngược lại, để đáp ứng với sự phát triển của tư tưởng trong Thượng Tọa bộ, Đại Chúng bộ, cũng như trong Phệ-đàn-đà (Vedanta) hay Số luận (Sàmkhyà), thời kỳ giữa của Đại thừa chứng kiến sự xuất hiện của những học thuyết mới như Như Lai Tạng, A-lại-da, Phật tính và pháp thân thường trụ. Mặc dù được gọi là mới, nhưng những học thuyết này thực chất là sự phát triển và kế thừa từ những tư tưởng trước đó.

Khái niệm và học thuyết Như Lai Tạng bắt đầu hình thành trong giai đoạn này. Tên gọi "Như Lai Tạng" có thể xuất hiện sớm nhất trong kinh Thập Địa, nhưng chỉ đến khi kinh Như Lai Tạng xuất hiện mới làm rõ về khái niệm này. Tư tưởng Như Lai Tạng ngày càng trở nên rõ ràng và phức tạp thông qua các kinh như Bất Tăng Bất Giảm, Thắng-man, Đại Niết-bàn, Vô Thượng Y, Giải Thâm Mật, và có thể coi kinh Lăng-già là bước phát triển đến mức độ hoàn thiện.

2. TƯ TƯỞNG NHƯ LAI TẠNG QUA KINH THẮNG MAN

2.1. Nội dung tư tưởng Như Lai Tạng

Kinh Thắng Man là bộ kinh có nhận định về Như Lai khá toàn vẹn. Xuyên suốt bản kinh là quá trình phu nhân Thắng Man biết đến phật pháp qua sự sách tấn của cha mẹ, sau đó phát nguyện nhiếp thọ chính pháp và chuyển bánh xe pháp, được Phật ấn chứng. Kinh nhắc đến Đại thừa cũng chính là Nhất thừa. Đề cập đến Như Lai Tạng, Kinh viết: “Như Lai tạng vốn lìa ngoài tướng hữu vi. Như Lai tạng vốn thường trụ, không huỷ hoại. Cho nên Như Lai tạng là cái duy trì, là cái thiết lập”.(5)

Chính các đức Như Lai là đấng hộ vệ thế gian này, cưu mang trong đại bi tâm vô lượng của các Ngài tất cả phẩm tính siêu việt, không chỉ riêng chư Phật mà tất cả chúng sinh cũng đều hàm tàng phẩm tính này.

Khi nào chúng sinh nhận thức được Như Lai tính, Phật tính hay Pháp thân thường trụ này thì lúc ấy chúng sinh được gọi là “Như Lai chân tử” (con ruột của Như Lai). Thắng Man phu nhân nói tiếp: “Bạch Thế tôn! Như Lai tạng là pháp giới tạng, là Pháp thân tạng, là Xuất thế gian thượng thượng tạng, là Tự tính thanh tịnh tạng”.(6) Qua những tên này, chúng ta sẽ nhận định được những tính chất của Như Lai Tạng.

Như kinh này đã trình bày, Như Lai tạng cùng với Như Lai Tạng trí, về mặt đức tính mà nói thì nó không cách li nhau “Như Lai tạng trí cũng chính là Như Lai không trí”.(7) Vấn đề này được xem xét từ khái niệm “bất không Như Lai tạng” thì “bất không” (aśūnya) cũng tức là các tính công đức. Nhưng cái “không” này chính là chỉ cho phiền não nhiễm ô, tính nó vốn không.

Có hai loại Như Lai Tạng là “không Như Lai Tạng” và “bất không Như Lai Tạng”. Khi đã xa lìa, thoát li, huỷ hoại được phiền não thì gọi là “không Như Lai Tạng”; trải qua hằng sa kiếp, nó vẫn không xa lìa, không thoát li, không huỷ hoại, nó là nghĩa không thể nghĩ bàn của phật pháp, đó là “bất không Như Lai Tạng”. Theo kinh này thì Như Lai Tạng chỉ có Phật mới biết: “Bạch Thế tôn, Như Lai tạng này, tất cả A la hán, Bích chi Phật, hàng đại lực Bồ tát vốn không thể biết, vốn không thể nắm bắt được”.(8)

Như vậy, chính nhờ sẵn có Như Lai Tạng mà Phật đã khuyến khích chúng sinh nên sinh tâm chán bỏ khổ đau mà cầu vui Niết bàn (Nirvāna), nhưng chúng ta cũng không thể nói rằng vì có Như Lai Tạng nên có sinh tử luân hồi được. Giả sử chúng ta nói như thế thì Như Lai tạng cũng biến thành sinh tử luân hồi rồi.

2.2. Sự phân chia Như Lai Tạng

Sự phân chia Như Lai Tạng như mô tả trong kinh Thắng Man thể hiện một quan điểm triết học sâu sắc trong Phật giáo về tình trạng tâm lý và tinh thần.

Kinh Thắng man cho rằng Như Lai Tạng có thể chia làm 2 loại:

(1) Không Như Lai Tạng: Đại diện cho tình trạng Như Lai Tạng vượt qua hoặc không giống với phiền não. Đây có thể được hiểu là trạng thái tâm linh hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố phiền não, là sự giải thoát từ các ràng buộc tâm lý;

(2) Bất Không Như Lai Tạng: Đại diện cho tình trạng Như Lai Tạng chứa đựng tất cả các pháp, không chia lìa, không thoát ra khỏi sự kết nối với phiền não. Điều này có thể thể hiện sự liên kết chặt chẽ với mọi khía cạnh của thế giới, bao gồm cả những khía cạnh với các yếu tố phiền não.(9)

Cũng trong kinh Thắng Man, Như Lai Tạng có thể chia làm Tại triền và xuất triền(10). Tại triền là đề cập đến trạng thái Như Lai Tạng khi nó vẫn ở trong trạng thái bị ràng buộc của phiền não. Tại đây, cả "Không Như Lai Tạng" và "Bất Không Như Lai Tạng" đều bao hàm trong trạng thái của tâm linh đang trải qua các ảnh hưởng của thế giới và phiền não. Xuất triền là đề cập đến trạng thái khi Như Lai Tạng đã thoát ra khỏi sự ràng buộc của phiền não. Ở đây, tâm linh đã giải thoát, không còn liên kết với những yếu tố tạo nên sự bất an và phiền não.

Phân chia này cung cấp một cái nhìn chi tiết hơn về Như Lai Tạng, giúp làm rõ các khái niệm như "Không Như Lai Tạng" và "Bất Không Như Lai Tạng" để người tu có thể hiểu rõ hơn về sự giải thoát và tâm linh. Phân chia này có thể giúp hướng dẫn người tu theo Phật giáo về sự phát triển tâm linh và cách giải thoát khỏi sự ràng buộc của phiền não thông qua việc theo đuổi trạng thái "Xuất triền".

Tóm lại, sự phân chia này có thể được xem xét như một phương tiện để mô tả những trạng thái tâm linh và tinh thần trong Phật giáo, giúp người tu hiểu rõ hơn về hành trình của họ trên con đường tu tập.

3. GIÁ TRỊ CỦA TƯ TƯỞNG NHƯ LAI TẠNG TRONG KINH THẮNG MAN

3.1. Như Lai Tạng và pháp thân

Pháp thân được bao bọc bởi Như Lai Tạng. Như Lai Tạng có nhiễm tịnh còn pháp thân thì hoàn toàn thanh tịnh. Như Lai Tạng có một phần sinh diệt và một phần không sinh diệt, pháp thân thì hoàn toàn không sinh diệt.

Phần ô nhiễm ở nơi Như lai Tạng là phần phiền não tạo thành bởi các loại vô minh duyên hành và vô minh trú địa, nên khiến chúng sinh luân chuyển trong sinh tử luân hồi, huân tập những nhận thức mê lầm lâu ngày, lâu kiếp tạo thành tập tính hay chủng tử, khiến chấp thủ năm thủ uẩn là ta, là của ta. Phần thanh tịnh của Như Lai Tạng là Pháp thân Như Lai. Pháp thân ấy không sinh diệt, không nhiễm tịnh, lúc nào và ở đâu nó cũng “như”. Chính Pháp thân như vậy, cũng gọi là tự tính thanh tịnh; cũng gọi là Nhất thừa; cũng gọi là Niết bàn của Phật.

Điều này, Phu nhân Thắng Man bạch với đức Thế Tôn rằng: “Do thành tựu Phật pháp không thể nghĩ bàn, vượt quá số cát sông Hằng, vốn không ly, không thoát, không dị biệt, gọi là Pháp thân Như lai”(11).

Kinh Thắng Man nói, nhận ra được Pháp thân thường trú ở trong Như Lai Tạng nơi mỗi chúng sinh, đó gọi là chính kiến. Ấy là cái thấy đích thực, chính xác và hiện thực. Chính cái thấy ấy, tự xác nhận nó là con đích thực của Phật, từ miệng Phật sinh, từ pháp hóa sinh, được dự vào pháp phần của Phật, như Phu nhân Thắng Man đã tác bạch với đức Thế Tôn ở kinh Thắng Man và Tôn giả Xá-lợi-phất đã tác bạch với đức Thế Tôn ở kinh Pháp Hoa.

Sau khi quý vị đã thấy được Pháp thân hay Phật tính ở nơi Như lai Tạng của chính mình, của mỗi chúng sinh và của chư Phật, đều đồng đẳng hoàn toàn không sai biệt, chỉ vì bị bọc bởi vỏ trứng vô minh nhiều đời mà chúng sinh và ngay cả hàng Thanh văn, Duyên giác không nhận ra Pháp thân vô sinh, bất diệt ở nơi Như Lai Tạng hay nơi tự tâm của chính mình.

3.2. Con đường tu tập và chuyển hóa

Con đường tu tập theo định hướng Nhất thừa đó là con đường tu tập của Như Lai Tạng. Với con đường này, kinh Thắng Man chỉ ra bốn tiến trình của hành động: Quy, giới, nguyện và hạnh.

Trong đó, Quy y là sự quy kính và hướng về Tam bảo. Tam bảo không chỉ tại trong thế gian sinh diệt mà còn tồn tại tại tâm sinh diệt của mọi chúng sinh. Quy y là nền tảng để chúng ta quay về tính giác, từ bỏ vô minh và phiền não, để Phật tính hay Như Lai Tạng hiện hữu. Quy y được thể hiện thông qua ngưỡng mộ, tin tưởng, chứng kiến kỳ diệu của Phật, hay sự nhận ra sự chứng ngộ của Phật.

Quy y là sự tôn kính và tin tưởng chân thành, được thể hiện qua việc nhìn thấy Phật tính hay Như Lai Tạng và từ bỏ những ý muốn tự do để đứng vào hàng ngũ của Phật. Điều này được gọi là quy y Nhất thừa, một sự tôn kính tuyệt đối.

Bồ đề tâm là tâm của Như Lai Tạng, vốn tồn tại ở tất cả mọi chúng sinh, nhưng thường bị che khuất bởi vô minh, phiền não trong nhiều kiếp. Nhờ thiện hữu tri thức hướng dẫn, chúng ta phát hiện tâm Bồ đề trong chính mình, giải thoát khỏi luân hồi. Sau khi phát hiện, chúng ta nỗ lực phát huy tâm Bồ đề bằng cách đánh bại các dây phiền não và loại bỏ những tác động tiêu cực của vô minh, để tâm Bồ đề tỏa sáng từ giác đến vô thượng giác.

Giới thể Đại thừa từ Bồ đề tâm đạt được, khi thành tựu có khả năng phòng hộ, loại bỏ ác, thực hành lương thiện và lợi ích cho mọi chúng sinh. Bồ đề tâm mở ra ba mươi hai Tư Tưởng Thắng Man Sư Tử Hống Từ Góc Nhìn Như Lai Tạng, với tám mươi vẻ đẹp của một người học giáo, điều này đồng thời được duy trì bởi hành động của Bồ đề tâm và nguyện lực của Phu nhân Thắng Man.

Cuối cùng là Hạnh, nơi thể hiện việc chuyển đổi thệ nguyện thành hành động thực tế. Qua sự chính tinh tấn, chúng ta biến mọi thệ nguyện thành thực tế, giúp tâm Bồ đề phát triển và hiện hữu. Mười đại thọ trong kinh Thắng Man được xem là giới hành để nuôi lớn Bồ đề tâm và giúp Như Lai Tạng biểu hiện sự toàn hảo của nó.

Nếu Như Lai Tạng không được phát hiện và phát triển trong đám bùn lầy vô minh, thông qua tâm Bồ đề và sự hành động của Hạnh, thì triết lý Nhất thừa không thể đạt đến.

Kết luận

Hạnh phúc, như một nhu cầu tất yếu cho mọi chúng sinh có lý tính, thực sự là một trải nghiệm phong phú và phức tạp. Nó là sự đáp ứng của chúng ta đối với những thiếu sót, bao gồm cả vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, nhận thức rằng hạnh phúc trong thế giới này thường chỉ là những trạng thái tạm thời, phụ thuộc vào không gian và thời gian. Đối với Phật giáo, hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu chỉ đến khi chúng ta đạt được trạng thái Phật.

Triết học Như Lai Tạng xuất hiện như một công cụ hữu ích, đưa đến cho ta sự hiểu biết và nhận thức đúng đắn, giúp ta khởi đầu với niềm tin, một niềm tin rằng mỗi người chúng ta đều có bản thể Chân như, có khả năng trở thành Phật. Triết lý Như Lai Tạng đã khắc phục những quan điểm sai lầm, đồng thời là nguồn động viên cho việc tu tập giải thoát và hướng đến quả vị Phật, hướng đến hạnh phúc tối cao. Điều quan trọng là niềm tin vào chân như bản thân, với những đức tính vô song, sẽ dẫn dắt ta trên hành trình không ngừng hướng đến Phật quả.

Tác giả: Thích nữ Hiển Liên Học viên Cao học Khóa V Học viện Phật giáo Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2024 ***