Phật giáo có đường lối riêng
Khi đức Phật thành tựu pháp môn Tứ Niệm Xứ, thì ngay trên trạng thái tâm VÔ LẬU của TỨ NIỆM XỨ, đức Phật đã tìm thấy TỨ THẦN TÚC. Khi có Tứ Thần Túc, đức Phật liền dùng ngay câu TRẠCH PHÁP GIÁC CHI: “Tâm ly dục, ly ác pháp, chứng và trú Thiền Thứ Nhất (nhập Sơ Thiền), một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, với tầm, với tứ”
Đi kinh hành có hai pháp:
1- Đi kinh hành như người đi BÌNH THƯỜNG, đi mình biết từng bước đi. Đi kinh hành phải tập đi như người vô sự, không nên đi nhanh mà cũng không nên đi chậm;
2- Đi kinh hành theo pháp THÂN HÀNH NIỆM, mỗi hành động bước đi đều phải tác ý trước khi bước đi. Khi không bị hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không thì tác ý trong đầu, còn khi bị hôn trầm, thùy miên, vô ký và ngoan không thì nên tác ý ra tiếng nói như truyền lệnh.
Khi mới bước chân vào chùa tu tập thì nên tu tập các pháp đi kinh hành này cho nhuần nhuyễn. Nếu chương trình tu tập 7 năm chứng đạo thì nên đi kinh hành suốt 5 năm liền và hai năm cuối mới có ngồi chút ít. Tu tập như vậy mới thấy chứng đạo của đạo Phật đâu phải khó khăn, chỉ có siêng năng mà thôi.
Cho nên người nào muốn chứng đạo thì nên đi kinh hành nhiều. Vì đi kinh hành nhiều tâm mới tỉnh táo, nhờ tâm tỉnh táo mà không có các niệm ác pháp nào xen vào được, vì thế tâm sẽ bất động, thanh thản, an lạc và vô sự.
Phá được hôn trầm, thùy miên và vô ký đều nhờ đi kinh hành, quý vị nhớ cho để khi tu tập đừng nên sinh tâm lười biếng mà uổng phí một đời tu theo Phật giáo.
HẠNH ĐỘC CƯ
Độc cư là một đức hạnh dùng phòng hộ sáu căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Người tu sĩ không phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý thì tâm luôn luôn phóng dật theo sáu trần. Do tâm phóng dật thì làm sao tâm thanh tịnh được. Xưa đức Phật dạy: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật”. Nếu muốn tâm không phóng dật thì nên phòng hộ sáu căn cho chặt chẽ.
Phòng hộ sáu căn chặt chẽ thì chỉ có hạnh độc cư là đệ nhất pháp. Vì thế, người tu sĩ phạm vào giới hạnh độc cư là phạm vào tội rất nặng, tội không còn tu tập được nữa. Tu theo Phật giáo rất cấm kỵ nói chuyện.
Thích nói chuyện là phóng dật, mà phóng dật là đi ngược lại đường lối tu tập giải thoát của Phật giáo. Cho nên, những người phá hạnh độc cư là những người tu tập theo Phật giáo Đại Thừa Thiền Tông. Vậy nên trở về đời sống thế tục làm người cư sĩ còn tốt hơn, sống với chiếc áo tu sĩ mà đi nói chuyện với người này người khác thì không đáng là người tu sĩ Phật giáo, xin quý thầy lưu ý cho.
Đi tu rồi là phải giữ gìn tâm thanh tịnh, thì có lý đâu lại còn thích nói chuyện. Đi tu thì phải cho đúng người tu sĩ, còn không tu thì thôi, chứ đi tu mà thích nói chuyện thì mất ý nghĩa thanh tịnh tu hành theo Phật giáo.
Tóm lại, khi bước chân vào đường tu tập giải thoát thì quý vị phải nhớ kỹ những điều cần thiết không nên để vi phạm:
1- Không nên ăn uống phi thời; 2- Không nên ngủ nghỉ phi thời; 3- Phải nghiêm khắc giữ gìn trọn vẹn hạnh độc cư.
Đó là ba điều mà người tu sĩ nào vi phạm thì bị loại trừ ra khỏi đoàn thể tăng đoàn Chơn Như. Ba đức hạnh này là giai đoạn tu tập thứ nhất, nếu giai đoạn thứ nhất này tu hành chưa xong thì đừng mong tu tập những giai đoạn kế tiếp, xin quý vị lưu ý.
Như quý vị đều biết, khi đức Phật đi tu thì Ngài đã từng tu tập khổ hạnh, cho nên ăn ngủ không còn phi thời. Khi đến dưới cội cây bồ đề tu tập thì Ngài giữ trọn vẹn độc cư 100%, vì lúc bấy giờ có năm anh em Kiều Trần Như cùng tu tập với đức Phật, từ khi thấy đức Phật bỏ khổ hạnh nên năm anh em Kiều Trần Như xa lánh Phật, không còn đến thưa hỏi điều này việc khác. Nhờ có nhân duyên đó nên đức Phật mới sống trọn vẹn hạnh độc cư cho đến khi chứng đạo.
Độc cư là một phương pháp phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý tuyệt vời. Nó giúp cho người tu sĩ giữ gìn sáu căn trọn vẹn không tiếp xúc với bất cứ một người nào, nhờ đó tâm mới dễ chứng đạo. Do kinh nghiệm tu hành nên khi tu chứng đức Phật đã tuyên bố như sau: “TA THÀNH CHÁNH GIÁC LÀ NHỜ TÂM KHÔNG PHÓNG DẬT”. Đấy không phải nhờ hạnh ĐỘC CƯ sao?
Bởi vậy hạnh độc cư rất quan trọng trong sự tu tập theo Phật giáo. Quý vị có thấy không? Quý vị đừng xem thường hạnh độc cư, xem thường hạnh độc cư thì con đường tu tập của quý vị chẳng có kết quả và cũng chẳng đi về đâu, thật là uổng công tu tập. Xin quý vị cứ nghĩ lại xem.
TỨ CHÁNH CẦN
Như chúng ta ai cũng biết, khi đức Phật đến cội cây bồ đề tu tập với pháp môn đầu tiên là pháp Sơ Thiền của ngoại đạo. Ngồi dưới cội bồ đề, Ngài nhớ lại lúc còn bé ngồi dưới cây hồng táo tu tập ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền. Theo pháp môn Sơ Thiền của ngoại đạo, nhưng đức Phật không tu tập hành pháp theo lối ly dục ly ác pháp của họ, mà hành theo pháp do sáng kiến ly dục ly ác pháp của mình, nên biến pháp hành này thành những hành động
“NGĂN ÁC DIỆT ÁC PHÁP, SINH THIỆN TĂNG TRƯỞNG THIỆN PHÁP”.
Hằng ngày đêm từ canh một đến canh hai, từ canh ba đến canh tư, canh năm, rồi từ ngày này sang ngày khác đến khi tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự hoàn toàn thì đức Phật để tâm tự nhiên kéo dài 7 ngày đêm. Sau khi ở trong trạng thái này suốt 7 ngày đêm như vậy thì biết mình đã chứng đạo.
Lúc mới tu tập, tâm còn chướng ngại pháp rất nhiều như sóng, nên đức Phật ngăn và diệt các ác pháp đó không lúc nào ngơi nghỉ, nhưng khi các ác pháp đó không còn nữa thì đức Phật cảm nhận tâm mình bất động, thanh thản, an lạc và vô sự luôn luôn đang ở trên bốn chỗ của thân, thọ, tâm và pháp, vì thế Ngài gọi trạng thái tâm đó là pháp môn TỨ NIỆM XỨ. Do từ đức Phật tự tu tập theo sáng kiến của mình mà đạo Phật mới có những pháp môn Tứ Chánh Cần và pháp môn Tứ Niệm Xứ.
Trong các pháp môn căn bản nhất của Phật giáo, đầu tiên chúng ta tu tập thường nghe thấy pháp môn TỨ CHÁNH CẦN và TỨ NIỆM XỨ. Vì thế ngoại đạo không làm sao có được hai pháp môn này. Chỉ có đạo Phật mới có hai pháp môn này là do đức Phật tự tu mà tìm ra.
Trở lại vấn đề tu tập của đức Phật, khi tu tập đến đây, đức Phật thấy giai đoạn tu tập Sơ Thiền đầu tiên theo kinh nghiệm bản thân của mình thì không giống ngoại đạo chút nào cả, nên đức Phật liền đặt cho pháp hành này cái tên TỨ CHÁNH CẦN.
Tứ Chánh Cần là bốn điều cần phải siêng năng tu hành hằng ngày không nên biếng trễ, gồm có bốn điều cần nên tu tập như sau:
1- Ngăn các ác pháp;
2- Diệt các ác pháp;
3- Sinh các thiện pháp;
4- Tăng trưởng các thiện pháp.
Một cái tên mà xác định được sự tu tập Sơ Thiền của Phật giáo. Vì vậy đức Phật còn gọi pháp môn TỨ CHÁNH CẦN này với một cái tên rất gần thiền định: “ĐỊNH TƯ CỤ”, tức là phương pháp tu tập Sơ Thiền. Muốn tu tập Sơ Thiền thì không phải trên pháp Sơ Thiền mà tu tập, mà phải tu tập trên pháp môn Tứ Chánh Cần rồi đến Tứ Niệm Xứ. Sự tu tập như vậy khác hẳn với ngoại đạo.
Vì ngoại đạo không bao giờ có phương pháp tu tập thiền định theo kiểu này. Đến đây quý vị đã thấy rõ từ SƠ THIỀN của ngoại đạo đã trở thành TỨ CHÁNH CẦN của Phật giáo. Phật giáo đã làm đảo lộn tất cả pháp môn tu hành của ngoại đạo, làm cho chúng điên đầu. Nhất là kinh sách Đại thừa và Thiền tông đang bị dao động mạnh bởi sóng gió Tứ Chánh Cần.
Khi tu tập theo giáo pháp của đức Phật thì quý vị nên nhớ phải tu tập Tứ Chánh Cần. Đó là những pháp đầu tiên đánh vào cơ quan đầu não của giặc sinh tử luân hồi. Cho nên những đòn đánh ngăn ác diệt ác pháp như sấm sét, như vũ bão thì mới mong ngăn và diệt ác pháp được.
Khi tu tập phải đem hết ý chí dũng mãnh, kiên cường gan dạ đánh đòn nào phải chính xác và đầy đủ sức mạnh thì mới mong ngăn và diệt được ác pháp, chớ tu tập xìu xìu cho lấy có thì không bao giờ quét sạch hôn trầm, thùy miên, vô ký và ngoan không.
Quý vị tu tập thì phải thật tu, tu cho đúng pháp, phải đi kinh hành nhiều, tu mà ngồi nhiều thì sinh ra lười biếng. Tu hành như vậy chẳng đi đến đâu cả, chỉ phí công sức và mất thời giờ vô ích. Tứ Chánh Cần của Phật là pháp môn ngăn ác diệt ác pháp tuyệt vời, nếu không có pháp môn này thì mọi người tu tập đều bị ức chế ý thức.
Sinh thiện tăng trưởng thiện pháp, câu này không có nghĩa dạy chúng ta đi làm việc từ thiện, đi làm phước giúp người bất hạnh trong xã hội, mà dạy chúng ta nên sống không làm khổ mình, khổ người và tất cả chúng sinh. Vậy sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh thì phải sống như thế nào? Như trong pháp môn Tứ Chánh Cần, Phật dạy:
SINH THIỆN, TĂNG TRƯỞNG THIỆN PHÁP.
Thiện pháp ở đây có nghĩa là TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ, chớ không có nghĩa thiện đơn thuần. Hằng ngày giữ gìn và bảo vệ TÂM BẤT ĐỘNG thì đó là những điều toàn thiện, rất thiện. Thiện đó mới thật sự là thiện, thiện không làm khổ mình, khổ người và khổ tất chúng sinh.
Bởi pháp thiện TÂM BẤT ĐỘNG là thiện cứu cánh, nó là chân lý của Phật giáo. Nếu ai từng sống với nó là người chứng đạo. Cho nên chứng đạo của đạo Phật là chứng đạo một cách dễ dàng không có khó khăn, mệt nhọc chút nào cả.
TỨ NIỆM XỨ
Khi tu tập TỨ CHÁNH CẦN thuần thục thì không còn ác pháp tới lui nữa, nên đức Phật cảm nhận được tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Nếu kéo dài trạng thái này ra thì cảm nhận như tâm đang quán sát bốn chỗ THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP theo nhịp hơi thở ra vô rõ ràng một cách cụ thể.
Cảm nhận được tâm quán sát bốn chỗ này nên càng quán sát tâm thì càng lúc tâm càng BẤT ĐỘNG. Thấy thế, đức Phật cứ để tự nhiên cho tâm thường xuyên quán sát bốn chỗ này. Nhờ thường xuyên quán sát bốn chỗ này trên thân, nên tâm ở trong trạng thái BẤT ĐỘNG dễ dàng hơn. Tâm càng ở trạng thái bất động thì tâm càng thanh tịnh và kéo dài từ ngày này sang ngày khác.
Đó là NIỆM GIÁC CHI xuất hiện. Khi Niệm Giác Chi xuất hiện xong thì ĐỊNH GIÁC CHI xuất hiện. Khi Định Giác Chi xuất hiện xong thì kế tiếp là một trạng thái KHINH AN GIÁC CHI. Khi Khinh An Giác Chi xuất hiện xong thì HỶ GIÁC CHI xuất hiện.
Khi Hỷ Giác Chi xuất hiện xong thì TINH TẤN GIÁC CHI xuất hiện. Khi Tinh Tấn Giác Chi xuất hiện xong thì XẢ GIÁC CHI xuất hiện. Khi Xả Giác Chi xuất hiện xong thì TRẠCH PHÁP GIÁC CHI xuất hiện. Khi Trạch Pháp Giác Chi xuất hiện xong thì TỨ THẦN TÚC xuất hiện. Đến đây đức Phật đã hoàn tất pháp môn TỨ NIỆM XỨ, một kết quả tâm VÔ LẬU hoàn toàn.
BỐN THIỀN
Khởi đầu đức Phật tu tập Sơ Thiền của ngoại đạo, nhưng do sáng kiến biết sáng tạo ra những pháp tu hành để ly dục, ly ác, làm chủ sinh, già, bệnh, chết, tức là làm chủ thân tâm. Và cuối cùng đức Phật thành tựu tâm VÔ LẬU bằng pháp môn TỨ NIỆM XỨ chứ không phải nhập SƠ THIỀN theo pháp môn của ngoại đạo.
Khi đức Phật thành tựu pháp môn Tứ Niệm Xứ, thì ngay trên trạng thái tâm VÔ LẬU của TỨ NIỆM XỨ, đức Phật đã tìm thấy TỨ THẦN TÚC. Khi có Tứ Thần Túc, đức Phật liền dùng ngay câu TRẠCH PHÁP GIÁC CHI: “Tâm ly dục, ly ác pháp, chứng và trú Thiền Thứ Nhất (nhập Sơ Thiền), một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, với tầm, với tứ”.
Tức thì thân tâm đức Phật nhập vào một trạng thái Sơ Thiền, có năm chi thiền hiện ra rõ ràng:
1- TẦM;
2- TỨ;
3- NHẤT TÂM;
4- HỶ;
5- LẠC.
Sau khi nhập xong Sơ Thiền, đức Phật xuất ra khỏi Sơ Thiền liền về trạng thái tâm VÔ LẬU. Khi ở trong trạng thái tâm Vô Lậu, đức Phật liền dùng câu TRẠCH PHÁP GIÁC CHI: “Diệt tầm tứ, chứng và trú Thiền Thứ Hai (nhập Nhị Thiền), một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất tâm”. Ngay khi tác ý xong, thân tâm đức Phật liền nhập vào Nhị Thiền, sáu thức ngưng hoạt động hoàn toàn, chỉ còn có một trạng thái hỷ lạc do định của Nhị Thiền sinh ra, gồm có:
1- Hỷ do định sinh;
2- Lạc do định sinh;
3- Nội tỉnh nhất tâm, tức là tỉnh giác vào nội thân tâm.
Sau khi nhập xong Nhị Thiền, đức Phật liền xuất ra khỏi Nhị Thiền bằng ĐỊNH NHƯ Ý TÚC và trở về trạng thái tâm VÔ LẬU. Khi ở trạng thái tâm Vô Lậu, đức Phật liền dùng TRẠCH PHÁP GIÁC CHI: “Ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm nhận sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền Thứ Ba (nhập Tam Thiền)”. Tức thì thân tâm đức
Phật nhập Tam Thiền. Muốn nhập được Thiền Thứ Ba thì dùng ĐỊNH NHƯ Ý TÚC truyền lệnh xả các loại tưởng hỷ, lạc (Các loại hỷ, lạc tưởng khi nhập vào Nhị Thiền do định sinh). Khi xả hỷ, lạc tưởng đó thì vào trọn vẹn được Tam Thiền. Ở trạng thái Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền thì sáu thức bị diệt nên không còn hoạt động.
Vì thế, chúng ta muốn xuất ra khỏi hay nhập vào Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền đều phải dùng ĐỊNH NHƯ Ý TÚC.
Dùng Định Như Ý Túc là phải sử dụng TRẠCH PHÁP GIÁC CHI:
“Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền Thứ Tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh”. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu và xả niệm thanh tịnh luôn. Như vậy, nhập Tứ Thiền là xả tất cả các cảm thọ. Xả các cảm thọ thì phải tịnh chỉ hơi thở, cho nên muốn nhập Tứ Thiền còn có một câu Trạch Pháp Giác Chi rất tuyệt vời: “Tịnh chỉ hơi thở, nhập TỨ THIỀN”.
Đạo Phật rất tuyệt vời là làm chủ được hơi thở. Cho nên, muốn nó thở là nó thở, muốn nó dừng là nó dừng thở. Làm chủ được hơi thở là làm chủ được mạng sống của mình. Cho nên Tứ Thiền của đạo Phật là một phương pháp muốn dừng hay muốn thở đều nhập vào Tứ Thiền. Ngoài Thiền Thứ Tư này thì không có pháp môn nào làm chủ được hơi thở. Vì vậy, mục đích nhập Thiền Thứ Tư là làm chủ sự sống chết, quý vị cần nên lưu ý loại thiền định này.
TỨ THẦN TÚC
Tứ Thần Túc phải do từ BẢY GIÁC CHI xuất trên tâm VÔ LẬU. Vậy Tứ Thần Túc là gì? Tứ Thần Túc là bốn sức mạnh như thần, dùng để thực hiện nhập bốn Thiền, năm Định và trí tuệ Tam Minh. TỨ THẦN TÚC gồm có:
1- DỤC NHƯ Ý TÚC, có nghĩa là ý muốn cái gì thì thân tâm làm theo cái nấy.
2- TINH TẤN NHƯ Ý TÚC, có nghĩa là thân tâm siêng năng theo ý muốn của mình, không còn biếng trễ.
3- ĐỊNH NHƯ Ý TÚC, có nghĩa là thân tâm muốn nhập định nào thì thân tâm nhập ngay định ấy.
4- TUỆ NHƯ Ý TÚC, có nghĩa là ý muốn hiểu biết một điều gì dù bất cứ ở thời gian nào, không gian nào tâm liền biết ngay.
Trí tuệ hiểu biết như vậy thì chỉ có những tâm VÔ LẬU hoàn toàn, chứ tâm phàm phu thì không thể có được trí tuệ như vậy. Cơ bản nhất của sự tu hành theo Phật giáo là tâm VÔ LẬU. Có tâm VÔ LẬU là có tất cả, quý vị nên ghi nhớ lời dạy này, vì đó là một điều quan trọng nhất của Phật giáo.
TAM MINH
Muốn sử dụng Tam Minh thì chỉ có TUỆ NHƯ Ý TÚC mới điều khiển nó được. TAM MINH gồm có:
1- TÚC MẠNG MINH có nghĩa là một trí tuệ hiểu biết thấu suốt nhiều đời nhiều kiếp của mình, của những người khác trong thời gian quá khứ và tương lai. Muốn sử dụng Túc Mạng Minh thì phải dùng TUỆ NHƯ Ý TÚC thì mới thấy biết nhiều đời nhiều kiếp.
2- THIÊN NHÃN MINH có nghĩa là đôi mắt sáng suốt nhìn thấy thấu suốt không gian và vũ trụ, dù cách núi, cách sông vẫn thấy biết rất rõ như thấy chỉ tay trong lòng bàn tay. Muốn sử dụng Thiên Nhãn Minh thì phải dùng DỤC NHƯ Ý TÚC thì mới thấy biết như ý mình muốn.
3- LẬU TẬN MINH có nghĩa là một trí tuệ TĨNH GIÁC sáng suốt tuyệt vời nhìn thấu suốt tâm mình, khiến cho lậu hoặc bị diệt mất mà chỉ còn lại một tâm VÔ LẬU hiện tiền. Muốn có một trí tuệ tỉnh giác sáng suốt như vậy thì phải sử dụng TINH TẤN NHƯ Ý TÚC thì mới có trí tuệ TĨNH GIÁC diệt tận lậu hoặc.
Trên đây là ba trí tuệ mà bậc tu chứng mới có, nhưng rất ít khi sử dụng. Vì bậc tu chứng là chứng tâm VÔ LẬU, nên lúc nào họ cũng sống với tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự đó, dù trước các ác pháp nghịch cảnh hay thuận cảnh họ đều thản nhiên; tâm họ như cục đất.
BẢNG TÓM LƯỢC CÁC PHÁP MÔN TỪ THẤP ĐẾN CAO CỦA PHẬT GIÁO
Đường lối tu tập theo Phật giáo rất rõ ràng, bắt đầu từ giới luật đức hạnh.
Phần GIỚI LUẬT và ĐỨC HẠNH gồm có:
1- Năm Giới tại gia;
2- Mười Giới xuất gia;
3- Ba Đức Hạnh tại gia: Nhẫn Nhục, Tùy Thuận, Bằng Lòng;
4- Ba Đức Hạnh xuất gia: Ăn, Ngủ, Độc Cư.
Phần CÁC PHÁP TU TẬP gồm có:
1- Định Niệm Hơi Thở; Trưởng Lão THÍCH THÔNG LẠC
2- Thân Hành Niệm;
3- Ngũ Căn;
4- Ngũ Lực;
5- Tứ Vô Lượng Tâm;
6- Tứ Bất Hoại Tịnh;
7- Tứ Chánh Cần;
8- Tứ Niệm Xứ;
9- Tứ Thánh Định;
10- Tứ Thần Túc;
11- Tam Minh.
Bảng tóm lược các pháp trên đây là chính những lời Phật dạy, mong quý vị trước khi tu tập cần nên nghiên cứu kỹ lưỡng các pháp này. Nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng, quý vị tu tập từ pháp hành của Phật giáo sẽ rơi vào pháp hành của ngoại đạo. Chỉ cần tu tập sai một li thì đi lạc đường một dặm. Xin quý vị lưu ý cho.
HẾT SÁCH
Tác giả: Trưởng lão Thích Thông Lạc Phật giáo có đường lối riêng – Nhà xuất bản Tôn giáo
Bình luận (0)