Dẫn nhập
Tôn giáo có ảnh hưởng sâu, rộng đến xã hội, có tác động đến sự phát triển năng lực tư duy của con người. Phật giáo là một trong những tôn giáo du nhập rất sớm vào nước ta, Phật giáo đã nhanh chóng hỗn dung với văn hóa, tôn giáo bản địa.
Làng Việt vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là nơi tiếp nhận đầu tiên các tôn giáo: Nho, Phật, Đạo... Khi vào làng Việt, các tôn giáo này đã có sự giao thoa với các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo sơ khai, là hạt nhân cơ bản của văn hóa làng. Hương ước(1) - một sản phẩm văn hóa độc đáo gắn liền với làng Việt, đó là những quy ước điều chỉnh nhiều lĩnh vực của cuộc sống như về kinh tế, chính trị, trật tự xã hội, giáo dục, đạo đức, sinh hoạt văn hóa tâm linh,… Hương ước là một trong những thành tố văn hóa phi vật thể tạo nên văn hóa làng, đó là do sự lắng đọng, gắn kết của phong tục, tập quán, của lối sống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo mà ông cha ta gây dựng, để lại cho đời sau. Qua các văn bản hương ước cải lương, bài viết khảo cứu về đời sống của Phật giáo có vai trò, vị trí như thế nào trong đời sốn văn hóa – xã hội, từ đó chúng ta có thể thấy được chuẩn mực đạo đức, giá trị thẩm mỹ của Phật giáo, đồng thời là phương thức tư duy của người Việt vùng đồng bằng sông Hồng.
1. Vài nét về văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng
Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) được phân thành 3 vùng địa - văn hóa như sau: Vùng địa - văn hóa thềm phù sa cổ gồm hai tiểu vùng chính đó là đất tổ Vĩnh Phú (Phú Thọ ngày nay), và Kinh Bắc - Hà Bắc (Bắc Ninh ngày nay). Vùng địa - văn hóa châu thổ trung tâm, với các tiểu vùng Thăng Long - Hà Nội nằm dọc phía Bắc, tiểu vùng hữu ngạn sông Hồng, tiểu vùn g tả ngạn sông Hồng, và tiểu vùng Hải Đông ở tả ngạn sông Thái Bình cửa ngõ phía đông ĐBSH, trên địa phận Hải Dương cũ và Hải Phòng. Vùng địa - văn hóa Duyên Hải, là phần châu thổ hiện đại, vì được khai phá muộn bắt đầu từ thời Trần(2).
Môi trường văn hóa không thể không nhắc đến khi tìm hiểu về văn hóa vùng ĐBSH, đó là làng xã. Làng xã cổ truyền của người Việt là tế bào cơ bản, là tấm gương phản chiếu nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Do đó, có thể nhận thấy rằng văn hóa dân tộc là sự kế thừa, mở rộng và phát triển của văn hóa xóm làng, hay nói cách khác, văn hóa truyền thống Việt Nam về cơ bản là văn hóa xóm làng(3). Những yếu tố văn hóa như tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội của làng xã tạo ra mối liên hệ vùng, miền và tạo ra những đặc trưng của văn hóa vùng, miền. Trong làng xã, quyền lực mang tính tự quản phần lớn dựa trên cơ sở quyền trưởng lão, trọng lão trong làng, vì vậy trong dân gian có câu: “triều đình trọng tước, làng nước trọng xỉ”. Luật nước dựa vào chính quyền, còn lệ làng thì dựa vào truyền thống được cộng đồng chấp nhận từ những kinh nghiệm sống của con người và được truyền từ đời này sang đời khác. Lệ làng là những quy định dưới hình thức truyền miệng về mọi hoạt động của đời sống văn hóa - xã hội cho các thành viên trong làng, còn hương ước tức lệ làng thành văn. Để đảm bảo cho sự cân bằng xã hội, hương ước của từng làng, xã đã đáp ứng được yêu cầu đó. Trong hương ước có những quy định chặt chẽ về đời sống sản xuất, về quan hệ xã hội, về đời sống tinh thần của người dân trong vùng. Đồng thời, hương ước còn có những quy định về thưởng, phạt rõ ràng nhằm khuyến khích những hoạt động có lợi cho làng xã.
Có thể nói, làng xã Việt cổ ở ĐBSH với tư cách là một kết cấu tổ chức phức tạp, nó luôn tồn tại và vận hành trên cơ sở một mối kết hợp - là sự thỏa hiệp, tưởng chừng rất mỏng manh, nhưng lại khá bền chặt, vì mềm dẻo(4). Với cộng đồng làng xã, lễ hội là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân.
Nhà nghiên cứu Diệp Đình Hoa khi tìm hiểu về “Người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ” cho rằng: Tuy dựa trên một mẫu số chung, nhưng mỗi làng đều có một kiểu tổ chức riêng để phù hợp với mọi sinh hoạt kinh tế - xã hội, mọi nhu cầu và mục đích của từng làng. Làng Việt là cộng đồng về phong tục, tập quán, mỗi làng có tập tục về cưới xin, tang ma, khao vọng…riêng và được ghi cụ thể trong hương ước. Làng còn là cộng đồng về tín ngưỡng, tôn giáo và các sinh hoạt văn hóa. Mỗi làng có đình, chùa, đền, miếu, hoặc là nhà thờ Công giáo… có Thành hoàng, Thần, Thánh làng riêng với lai lịch rõ ràng (sắc phong), theo một quan niệm “Trống làng nào làng ấy đánh/Thánh làng nào làng ấy thờ”. Cuối cùng, làng là một cộng đồng về tiếng nói (tiếng làng), được biểu hiện qua tiếng nói, cách nói, và cách diễn đạt khác nhau theo từng địa phương(5).
Nghiên cứu về làng xã vùng ĐBSH không thể không nói đến hương ước - sản phẩm văn hóa làng xã cổ truyền của người Việt nói chung, người Phật giáo nói riêng.
2. Về sinh hoạt tôn giáo của Phật giáo qua hương ước làng
Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo(6), sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý giáo luật, lễ nghi tôn giáo. Gìn giữ nếp sống văn hóa, truyền thống của dân tộc, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong làng xã Việt Nam. Theo đó, sinh hoạt tôn giáo của Phật giáo là thực hành giáo lý, giáo luật các lễ nghi của Phật giáo trong đời sống hàng ngày của người dân vùng dồng bằng sông Hồng.
Phật giáo truyền nhập vào Việt Nam đã trên 2000 năm, nó thực sự đã tạo những ảnh hưởng to lớn về mọi mặt của xã hội như chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa… Trải qua các triều đại từ Đinh, Lê, Lý, Trần… cho đến nay, Phật giáo Việt Nam đã có bản sắc riêng của mình, và là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa dân tộc. Quá trình truyền bá vào Việt Nam từ những năm đầu Công nguyên, Phật giáo đã đến Luy Lâu (nay là Thuận Thành - Bắc Ninh) trong tích truyện Man Nương với nhà sư ấn Độ đến truyền giáo ở nước ta. Theo Nguyễn Duy Hinh: “Phật giáo Việt Nam có hai đặc điểm lớn đó là tính dân gian và tính bác học. Tính dân gian tập trung trong tư tưởng Từ Bi của phật giáo diễn đạt dân gian là Cứu Khổ Cứu Nạn”(7). Với đặc điểm tính dân gian vượt trội, nên phật giáo đã nhanh chóng hoà đồng với dân tộc, gắn kết với dân tộc trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Trải qua những năm tháng thăng trầm trong lịch sử dân tộc, Phật giáo đã có những đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực văn hóa. Các nhà nghiên cứu cho rằng văn hóa dân tộc ta thời Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần thấm đậm tinh thần của Phật giáo.
Khi nhắc đến phật giáo Lý - Trần, chúng ta không thể không nhắc đến chùa làng. Chùa làng theo một quan niệm “đất vua, chùa làng” là nơi quy tụ nhân tâm, truyền bá tư tưởng Phật giáo, trong đó tư tưởng phật giáo được nhà Lý - Trần lấy làm tư tưởng căn bản, cũng có nghĩa là truyền bá tư tưởng chính thống, củng cố vương quyền Lý - Trần . Đây là giai đoạn Phật giáo có vai trò quan trọng trong xã hội và được chính quyền bảo hộ và vì thế Phật giáo phát triển đạt đến đỉnh cao. Vai trò của các nhà sư không chỉ phát huy trong đời sống tôn giáo mà còn có ảnh hưởng đến đời sống xã hội thời đó. Tính chất nhập thế bắt nguồn từ thời Đinh - Tiền Lêvà đến thời Lý - Trần đã trở thành một xu thế chủ đạo trong cách hành xử của các vị cao tăng, cư sỹ trí thức.
Với những kiến trúc độc đáo, sự hiện diện của chùa làng góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa vật thể của dân tộc Việt Nam. Khi khảo sát về sinh hoạt tôn giáo của Phật giáo qua hương ước tức là tìm hiểu các sinh hoạt lễ nghi, các hình thức lễ tế diễn ra ở chùa được nhân dân thực hành trong năm.
Trong các văn bản hương ước của dân làng có những quy định rõ về việc gìn giữ, bảo tồn chùa làng, và truyền giảng kinh Phật. Điều 30, hương ước làng Nguyên Xá (Thái Bình), viết: “Chùa là nơi thờ Phật để bảo tồn Phật giáo và để dân làng lễ bái cầu đảo. Ai ở chùa phải rất tôn nghiêm, không ai được ra chùa làm những điều vô phép. Sư là người tu hành để truyền bá đạo Phật, phải thông kinh sách để tụng niệm và hương đăng sớm tối, trông non chùa chiền, phải nết na, thuận hòa, nếu phạm điều dâm dục gian phi thì làng đuổi ngay và đón sư khác. Mỗi năm ngày Thượng nguyên và ngày 8 tháng Tư là ngày Đản sinh của đức Phật, ngày sóc vọng cùng các tuần tiết khác, sư phải đem tôn giáo nhà Phật ra diễn giải cho cả làng nghe. Những ngày kỵ hậu phải cúng lễ không được sợ khó. Đàn bà từ 30 tuổi trở lên mới được quy Phật. Nếu ai phạm những điều giới cấm nhà Phật thì sư phải trục xuất ngay không được để dự hội Tín lão nữa, còn những tuần tiết mà người ấy đi lễ thì không kể”.
Như vậy, có thể thấy rằng, ở chùa ngoài sinh hoạt các lễ tiết của Phật giáo ra, chùa làng còn là nơi hội họp của các vị lão làng, vì vậy mà trong dân gian lưu truyền câu: “Trẻ vui nhà, già vui chùa”.
Văn bản hương ước các làng vùng đồng bằng sông Hồng mà chúng tôi khảo cứu thấy các lễ tiết diễn ra ở chùa không được nhiều, có lẽ các việc tế lễ chung của cả làng hầu như đều được diễn ra ở đình, còn ở chùa chỉ là nơi quy y, nơi yên tĩnh cho những ai muốn tìm sự thanh thản, nên các lễ tiết ở chùa ngoài những ngày sóc vọng cúng Phật ra, có lễ Thượng nguyên, lễ Trung nguyên mà thôi.
Bên cạnh đó, ngoài các ngày sócvọng quanh năm thờ Phật, có các lễ tiết được kê trong hương ước như: Lễ Nguyên đán, lễ Kỳ an, lễ Thượng nguyên, lễ Trung nguyên, lễ Nhương tinh (lễ cúng sao giải hạn), lễ giỗ Tổ, lễ oản mới, lễ kỵ hậu, và tất nhiên là không thể thiếu các lễ tiết tôn giáo của Phật giáo, đó là lễ Phật đản, lễ Vu Lan (gắn với lễ Trung nguyên - lễ xá tội vong nhân). Các lễ tiết được làm ở chùa thì do nhà sư đảm nhiệm, kinh phí có thể do nhà chùa có ruộng cấy để soạn hoặc do các giáp đóng góp hoặc lấy tiền công quỹ, việc biện lễ cũng như cúng Phật tụng kinh đều do nhà sư đảm nhiệm.
Lễ Nguyên đán, là Tết đầu năm lễ trong 3 ngày đầu của tháng Giêng, ở gia đình, thì nhà nào cũng sắm lễ và theo gia cảnh nhà ấy. Còn ở làng thì hầu như làng nào cũng biện lễ chung do các giáp hoặc công quỹ chi, ra đình làng hoặc ra chùa làng để cúng tế cầu cho năm mới mọi việc được tốt đẹp, an lành.
Trong tháng Giêng còn có Lễ Thượng nguyên cũng được làm ở chùa. Lễ này được làm vào ngày Rằm tháng Giêng, ở nhiều nơi, nhà chùa thường làm lễ Nhương tinh (tức lễ tiễn sao) cho cả làng hoặc tụng kinh Phật cho các vị tổ tiên các dòng họ, ví dụ, ở Điều thứ 73, hương ước làng Nghi Tàm (Hà Nội), viết: “…Ngày 15 tháng Giêng là ngày lễ Thượng nguyên ở chùa nhà sư phải sửa hương hoa và làm sớ cúng dâng sao cho cả làng, thời làng tuỳ nghi cấp mỗi xuất độ 1 hào để đưa cho nhà chùa hoặc trích tiền công quỹ ra chi”. Hoặc ở Điều thứ 38, hương ước Thanh Nê (Thái Bình), quy định: “…Chùa năm có 2 tiết Thượng nguyên lễ Nhương tinh, Trung nguyên lễ Phật tụng kinh cho các vị Tiên tổ các họ”. Ngoài ra có làng lại làm lễ kỳ an ở chùa đó là làng Xuân Vũ (Thái Bình).
Lễ giỗ Tổ ở chùa đó là lễ cúng sư tổ, người gây dựng chùa, hoặc là người đầu tiên đến trụ trì tại chùa, lễ này thì chùa nào cũng có, nhưng trong văn bản hương ước thì có làng ghi, có làng không ghi chép, có thể thấy trên bảng kê. Điều 109, và Điều 128, hương ước làng Quảng Bá (Hà Nội), viết: “Nhà chùa, vườn chùa, ruộng chùa là của riêng bà công chúa làm nên, và ruộng hậu chùa là của riêng các vị hậu ký kỵ, nguyên vẫn giao nhà sư canh tác sửa sang cúng lễ… Rằm tháng Chín tế đức tự Tổ”. Hoặc trong điều 76, hương ước làng Cổ Lễ (Nam Định), viết: “Việc kính tế là việc rất long trọng, đồng dân có thờ đức Thánh Tổ, tích sinh nhật, hóa nhật, mỗi tiết 15đ,00. Đến tiết lễ, tiền giao nhà chùa sửa lễ kính tế, ai có mặt thì thừa huệ”. Khi nói đến Thánh Tổ ở chùa Cổ Lễ thì ta hiểu ngay đó chính là 3 vị thiền sư Tổ tự được coi là Thánh Tổ, đó là Từ Đạo Hạnh, Minh Không, và Giác Hải. Ngoài ra, ở chùa Cổ Lễ còn có lệ tế Thánh trước khi mở hội bơi vào tháng Chín, Hội mở trong 5 ngày, mỗi ngày 2đ,00 giao cho nhà chùa sửa lễ kính tế, còn tiền giải bơi thì trông vào tiền tiến cúng của khách thập phương.
Ngoài các tiết lễ kể trên, còn có hai lễ chính trong lịch lễ hội của Phật giáo đó là Lễ Phật Đản, là ngày Đản sinh đức Phật Thích Ca, ở chùa nào cũng làm tiết lễ này, to hay nhỏ là tuỳ ở mỗi chùa, lễ này thường làm vào ngày mồng 8 tháng 4. Và lễ Vu Lan báo hiếu, là ngày lễ lớn của Phật giáo đã sớm chuyển mình thành ngày lễ có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa lớn là báo ân cha mẹ, đồng thời còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn, là biết ơn và báo ơn. Tư tưởng ấy phù hợp với tư duy hiền hậu của người dân Việt Nam “uống nước nhớ nguồn”. Ngày 15/7 ÂL(lễ Trung nguyên) hàng năm tại các chùa đều vui mừng tổ chức ngày lễ có ý nghĩa to lớn này. Điều 92, hương ước làng Vụ Bản (Nam Định), viết: “Ngày mồng 8 tháng 4 bảo đản Phật, ngày 15 tháng 7 lễ Trung nguyên”. Điều thứ 129, hương ước làng Ngọc Cục (Nam Định), ghi: “Mồng 8 tháng 4 lễ Đản sinh ở chùa, ngày 15 tháng 7 làm lễ Trung nguyên ở chùa”. Hay ở Điều thứ 85, hương ước làng La Xuyên (Nam Định), viết: “Còn ở chùa ba ngày tết Nguyên đán, mồng 6 tháng giêng hội lệ, rằm tháng Giêng hội nguyên, mồng 8 tháng 4 Đản sinh đức Phật Thích Ca, mồng 5 tháng 5 Đoan ngũ, Rằm tháng 7 Trung nguyên, tháng 9 Tiên thường, lễ nghi thì thủ tự cấy ruộng sửa cả”.
Để thực hành các lễ nghi đó một cách đầy đủ, trang trọng, hầu như làng nào cũng có ruộng công để có kinh phí chi trong các lễ tiết ấy. Đó là ruộng thần từ, Phật tự, ruộng ký hậu. Hầu hết các làng đều có ruộng công thần từ, Phật tự, ruộng ký hậu giao cho các thủ từ, sư sãi, cày cấy để lấy hoa lợi phục vụ lễ nghi. Nếu làng nào không có thì việc biện lễ sẽ bổ về các giáp, thôn. Xin xem một vài ví dụ sau: Điều 13, trong hương ước làng Yên Lệnh (Hà Nam), quy định: ”… Nền chùa và ao chùa 1 mẫu 4 sào, ruông đất cúng hương đăng đồng niên, xứ thị nội 1 thửa 1 mẫu 2 sào, 1 thửa 5 sào, 1 thửa 8 sào, xứ Bà Lạn 2 mẫu và đất xứ âm xa 1 mẫu cộng là 5 mẫu 5 sào vừa ruộng vừa đất lưu hương đăng. Nền phủ thờ đức Thánh Mẫu ở xóm Ngoại Châu 6 sào.”.
Ngoài việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo, tham gia cầu an, cầu phúc, niệm Phật, thực hành lễ nghi tôn giáo, việc giữ gìn nếp sống phong hóa truyền thống của dân tộc cũng rất quan trọng trong đời sống tôn giáo của người dân. Khi có những quy định cụ thể người dân sẽ tự điều chỉnh hành vi đạo đức để không phạm vào những quy định của làng, điều đó sẽ tạo được một nếp sống phong hóa trong gia đình, làng xã.
Chùa không chỉ là nơi diễn ra tế tự, sóc vọng, … mà còn có hội chùa. Hội chùa là ngày hội của văn hóa - tâm linh, cố kết cộng đồng, tạo sự hòa mục trên dưới. Trong hội chùa, trai đua mạnh, gái đua mềm với các trò bơi chải, thi dệt vải, nấu cơm. Hội chùa còn là nơi diễn các trò tích, nơi thể hiện các làn điệu dân ca góp phần tạo nên văn hóa làng. Hiện nay, hội làng đã có nhiều biến đổi theo xu thế hiện đại, đáp ứng nhu cầu tâm linh của một bộ phận quần chúng nhân dân.
3. Vài lời kết
Khảo cứu về sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt vùng đồng bằng sông Hồng qua hương ước đó là khảo cứu việc thực hành các lễ nghi, thờ cúng, tham gia phụng vụ các sinh hoạt lễ hội tôn giáo trong đời sống hàng ngày. Qua đó, thấy được bức tranh về đời sống văn hóa tâm linh của người dân vùng đồng bằng sông Hồng đa dạng, phong phú và rất sống động. Nhờ thực hiện hương ước mà nhiều phong tục tập quán đã trở thành những phong tục hay, đó là những quy định về nếp sống, nhằm khuyến khích con người vươn lên trong cuộc sống, điều chỉnh hành vi con người ngày một hoàn thiện hơn. Những quy ước về việc thờ cúng, lễ nghi trong tín ngưỡng, tôn giáo, làm phong phú đời sống văn hóa tâm linh, văn hóa làng, tạo sự gắn kết các mối quan hệ trong cộng đồng làng xã. Ngoài yếu tố pháp lý, hương ước còn thể hiện yếu tố đạo lý, các yếu tố này được lồng ghép vào nhau một cách khéo léo, tạo ra sự cưỡng chế có tính thuyết phục, có sức sống dẻo dai.
Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam cho đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã trải qua 8 kỳ Đại hội với nhiều đổi thay trong phương châm hoạt động và phương thức thực hành, hiện nay với đường hướng chính của GHPGVN là: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, các hoạt động tôn giáo trong đời sống xã hội trở nên sôi động hơn với nhiều sự canh tân về hệ phái, về kiến trúc, về giáo lý và năng lực chức sắc cũng theo đó mà phát triển hơn. Đặc biệt, sau Đổi mới, vai trò của Phật giáo có phần tăng lên, tuy nhiên sự gia tăng đó vẫn theo lối bình dân. Tính thực dụng của những người theo đạo lên chùa biểu hiện khá rõ, tức là họ lên chùa cầu mong chủ yếu cho trần thế, chứ chưa hẳn đã muốn thành Phật hay về bên Tây Trúc. Nhưng, với tinh thần Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội cả Giáo hội và Nhà nước cần định hướng, tăng cường quán triệt cho tăng ni, tín đồ, nhân dân đoàn kết, hòa hợp, nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Tác giả: Ts Nguyễn Thị Quế Hương Viện Nghiên cứu Tôn giáo Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2020
-------------------
CHÚ THÍCH: 1. Có nhiều cách gọi như tục lệ, lề luật, hương ước, khoán ước, giao ước, tuy nhiên trong bài viết nàychúng tôi sử dụng thuật ngữ hương ước để làm thuật ngữ nghiên cứu hương ước giai đoạn cải lương hương chính (1921-1944), (hay còn được gọi là hương ước cải lương, được viết đồng thời bằng chữ Quốc ngữ, Hán ngữ, hoặc Pháp ngữ) và giai đoạn sau cải lương hương chính, cụ thể sau khi có Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg về việc xây dựng và thực hiện hương ước, qui ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư (thường gọi là hương ước mới so với hương ước cải lương hay hương ước trước cải lương). Hiện nay, các văn bản hương ước (HU) cải lương đang được lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa hoc Xã hội Việt Nam. Để tiện cho việc theo dõi, chúng tôi giữ nguyên tên làng theo địa danh cũ, còn các tỉnh, thành được trình bày theo danh mục như hiện nay. Theo Niên giám thống kê năm 2008, trang 37, của Tổng cục Thống kê, vùng Đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành: Hà Nội (cả Hà Tây cũ), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. 2. Vũ Tự Lập cb, (1991), Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Hồng, Nxb KHXH, Hà Nội., tr 122-168. 3. Vũ Tự Lập cb, (1991), Văn hóa.... sđd, tr 111. 4. Trần Từ, (1984), Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, Nxb KHXH, Hà Nội, tr 131. 5. Diệp Đình Hoa chủ biên, (2000), Người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, Nxb KHXH, Hà Nội, tr 537. 6. Theo Điều 2 trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Đặng Nghiêm Vạn chủ biên, (1996), Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay , Nxb KHXH, Hà Nội, tr 23, 217. 7. Nguyễn Hồng Dương, (2004), Tôn giáo trong mối quan hệ văn hóa và phát triển ở Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, tr 48-50.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Nguyễn Hồng Dương, (2004), Tôn giáo trong mối quan hệ văn hóa và phát triển ở Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội. 2. Pierre.Gourou; Nguyễn Khắc Đạm, Đào Hùng, Nguyễn Hoàng Oanh dịch, (2003), Người nông dân Châu thổ Bắc Kỳ, Nxb Trẻ, Hà Nội. 3. Hồ Chí Minh toàn tập, (1995), Nxb Sự thật, (3), Hà Nội, tr 431. 4. Diệp Đình Hoa chủ biên, (2000), Người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, Nxb KHXH, Hà Nội. 5. Vũ Tự Lập cb, (1991), Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Hồng, Nxb KHXH, Hà Nội. 6. Phan Ngọc, (2005), Một thức nhận về văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội 7. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê năm 2008. 8. Trần Từ, (1984), Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, Nxb KHXH, Hà Nội, tr 131. 9. Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Đặng Nghiêm Vạn chủ biên, (1996), Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay , Nxb KHXH, Hà Nội. 10. Các văn bản hương ước được trích dẫn trong bài hiện lưu giữ tại thư viện Thông tin khoa học xã hội, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Bình luận (0)