CHƯƠNG 8: PHẬT GIÁO THỜI NHÀ HỒ (1400-1407) ĐẾN THỜI BẮC THUỘC NHÀ MINH (1414-1427)

Bối cảnh lịch sử

Nhà Hồ lên làm vua được hai đời, cộng là 7 năm thì bị phong kiến nhà Minh mang quân sang xâm lược nước ta.

Hình mang tính minh họa (nguồn: Internet)
Hình mang tính minh họa (nguồn: Internet)

Dưới triều nhà Hồ, Phật giáo tiếp tục suy vi. Tăng lữ lười biếng, không chịu tu học, số sư sãi và tín đồ Phật giáo lại chiếm một tỷ lệ quá cao trong dân chúng. Theo nhà sử học Lê Văn Hưu, thì nhân dân quá nửa là sư sãi, tăng lữ nhiều đến nỗi đã trở thành một lực lượng đe dọa đối với chính quyền phong kiến.

Hồ Quý Ly ra lệnh sa thải một số tăng sĩ thiếu đạo đức, không cho ở chùa, để chùa khỏi biến thành một hang ổ chứa chấp những kẻ du đãng, trốn phu, trốn lính. Quý Ly còn bắt các tăng sĩ dưới 50 tuổi phải hoàn tục tham gia lao động sản xuất, bắt các tăng sĩ phải qua một kỳ sát hạch, ai không trúng tuyển phải trở về làm ăn sinh sống như người dân bình thường.

Đến năm 1414, nhà Minh kéo quân sang xâm lược, nước ta bị nội thuộc nhà Minh.

Năm 1419 nhà Minh tịch thu tất cả kinh sách Phật giáo trong nước ta và đốt phá nhiều chùa chiền.

Sử còn ghi lại rằng bọn Hoàng Phúc, tướng nhà Minh còn âm mưu thâm độc đồng hóa dân tộc ta, lập ra miếu mạo bắt dân ta phải theo những lễ nghi cúng bái theo phong tục Trung Quốc, còn những sách ghi chép những lễ nghi theo phong tục Việt Nam thì chúng thu lượm mang về Trung Quốc hết.

Nhà Minh còn lập ra Tăng cương ty, Đạo kỳ ty để kiểm soát các hoạt động về Phật giáo và Đạo giáo, cho các tăng sĩ ở Tăng cương ty và đạo sĩ ở Đạo kỳ ty đi truyền bá Phật giáo và Đạo giáo dưới sự kiểm soát của chúng, nói một cách khác là chúng kiểm soát chặt chẽ hai đạo giáo này, không cho hoạt động chống lại chúng.

Phong kiến nhà Minh còn cho phát triển Nho giáo để giữ gìn trật tự xã hội phong kiến, bảo vệ quyền lợi giai cấp của chúng. Trong suốt 20 năm dưới sự đô hộ của nhà Minh, quan lại thống trị thì tham nhũng vô độ, quan lại trong nước thì gian nịnh, tàn ác, vô liêm sỉ, áp bức bóc lột dân chúng rất đau khổ.

Còn tiếp…

Tác giả: Nguyễn Đại Đồng, trích sách: Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981. Nhà xuất bản Tôn Giáo.