Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh hiên nay là một trong bốn trung tâm giáo dục đại học Phật giáo đa ngành của cả nước. Học viện hiện nay có hai cơ sở, cơ sở 1 tọa lạc tại số 750 đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh và cơ sở 2 với diện tịch 23ha ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ chính của Học viện Phật giáo tại thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào bốn lĩnh vực: giảng dạy, nghiên cứu khoa học, truyền thông học thuật và thực hành Phật pháp. Để có cơ đồ như ngày hôm nay cần phải kể tới công sức tạo dựng học viện của chư tôn đức trong suốt 15 năm, từ năm 1983 đến năm 1997.

Thành lập Trường Cao cấp Phật học tại thành phố Hồ Chí Minh (1983)

Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh tiền thân là Trường Cao cấp Phật học thành phố Hồ Chí Minh toạ lạc số 716 đường Võ Di Nguy, phường 4, quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh (nay là 750, đường Nguyễn Kiệm, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) do Thượng tọa Thích Minh Châu là Hiệu trưởng. Đây chính là một trong ba cơ sở giáo dục cấp đại học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập từ ngày 25 tháng 02 năm 1982 theo nghị quyết phiên họp thứ nhất của Ban thường trực Hội đồng trị sự Trung Ương và theo quyết định 160/QĐ ngày 17 tháng 10 năm 1983 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh cấp phép. Điều 1 trong Quyết định thành lập ngày 17/10/1983 ghi rõ:

“Nay cho phép Ban Thường trực Hội đồng Trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam được mở trường cao cấp Phật học tại số nhà 716 đường Võ Di Nguy, phường 4, quận Phú Nhuận thành phố Hồ Chí Minh, do Thượng tọa Thích Minh Châu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương làm Hiệu trưởng và các thành viên của Ban Giám hiệu, danh sách giảng viên, chương trình các môn học như đề nghị ngày 1 tháng 10 năm 1983 của Ban thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam;

Số học sinh của trường là 50 được tuyển trong các tăng ni sinh có trình độ trung học phổ thông, cư trú tại các tỉnh phía Nam (từ Thuận Hải trở vào), được chính quyền địa phương xác nhận là công dân tốt” [13].

Trường được dựng trước chánh điện thiền viện Vạn Hạnh. Cơ sở hạ tầng bây giờ rất đơn sơ, chỉ là một dãy nhà cấp 4, mái tôn, gồm 3 gian, một gian làm văn phòng, một gian làm lớp học dành cho Tăng và Ni, một gian làm văn phòng Ban giảng huấn. Trang thiết bị thô sơ, chỉ có phấn trắng, bảng đen và dàn âm thanh để giảng bài [8]. Sự thiếu thốn về trang thiết bị học đường đã gây ra những trở ngại trong việc học tập, nhất là với các môn ngoại ngữ. Các môn học này luôn trong tình trạng “số lượng quá lớn học viên trong một phòng học chật hẹp ảnh hưởng không tốt đến tiến độ tiếp thu trong học tập” [2, tr.102].

Về tổ chức, trường chia thành 2 ban: Ban Giám hiệu và Ban giảng huấn. Giai đoạn này Trường đào tạo được 3 khóa và chỉ có 1 khoa duy nhất là khoa Phật học.

Hoạt động đào tạo của nhà Trường

Tháng 10 năm 1984, trường Cao cấp Phật học cơ sở 2 tại TP.HCM khai giảng khóa đầu tiên. Khóa 1 tuyển được 60 tăng ni sinh, từ các tỉnh Bình Trị Thiên tới Minh Hải (gồm hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu ngày nay) [9, tr.45]. Niên học gồm 4 năm (1984-1988), mỗi năm 2 học kỳ. Theo lời kể của HT Viên Giác, cựu tăng ni sinh khóa 1, điều kiện tuyển sinh của học viện là tăng ni sinh cần phải có bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông, không cần bằng Sơ cấp, Trung cấp Phật học. Kỳ thi đầu vào gồm 3 môn luận: Môn thứ nhất bình luận về phương châm của GHPGVN là Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội; Môn thứ hai là Giái Lý Tứ Diệu Đế (nhấn mạnh khổ đế); Môn thứ ba là Văn học, (bình luận bài thơ, Đôi mắt người Sơn Tây). Trong kỳ thi tuyển sinh năm 1984, HT Viên Giác đỗ thủ khoa đầu vào [4].

Ngày 17 tháng 3 năm 1988, khai giảng khóa 2. Tổng số Tăng Ni sinh trúng tuyển theo học là 102 vị, tăng gần gấp đôi so với khóa trước. Tất cả Tăng Ni sinh khóa II đến từ mọi miền đất nước, không phân biệt sắc tộc, hệ phái, môn phái, tập hợp cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Do đó, lớp học có nhiều màu áo vàng, lam, nâu, khác nhau tiêu biểu cho ba hệ phái (Nam Tông, Bắc Tông và Khất sĩ). Nhiều Tăng sinh Phật giáo gốc dân tộc Khơme đã thi trúng tuyển và theo tu học hòa hợp trong môi trường nội trú Tăng sinh tại Thiền viện Vạn Hạnh của trường.

Khóa 3 bắt đầu vào năm 1993. Đến khóa 3, điều kiện thi tuyển có sự thay đổi. Bên cạnh bằng tốt nghiệp THPT, khóa 3 yêu cầu phải có bằng Trung cấp Phật học mới đủ điều kiện đăng ký thi vào Học viện Phật giáo Việt Nam [4]. Tổng cộng 3 khóa có 419 tăng ni sinh theo học [12].

Sau khi trải qua kỳ thi tuyển sinh, tăng ni sinh hồi hộp chờ đợi kết quả và vui mừng khi trở thành Tăng ni sinh của Trường Cao cấp Phật học cơ sở 2. Trong bài Cảm tưởng của đại diện thí sinh trúng tuyển khóa 2 Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 2 đọc tại Lễ khai giảng ngày 17/3/1989, cho thấy niềm vui mừng khôn xiết cũng như quyết tâm của các tăng ni sinh khi được ngồi trên ghế trường Phật học: “Từ nay, lẽ sống của chúng con được gói gọn trong chương trình của lớp học, suy tư của chúng con sẽ được hướng dẫn bởi những lời dạy ân cần, đôn hậu của chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa cùng quý vị giảng viên để từng bước chúng con càng gần đến bờ an lạc. Đến đây, lòng chúng con bỗng tràn ngập niềm hạnh phúc, hân hoan” [1, tr.12].

Chính vì vậy, trong quá trình học tập các tăng ni sinh đã giữ thái độ học tập chăm chỉ, cần mẫn. Tuy vậy, trong điều kiện khó khăn của nhà trường, sự cư trú rải rác ở nhiều nơi, tăng ni sinh không được quản lý chặt chẽ, đôn đốc, khích lệ cũng là một trở ngại không nhỏ cho quá trình tu tập.

Về chương trình học, hệ cử nhân đào tạo 4 năm, theo hình thức niên chế, mỗi năm hai kỳ. Chương trình học gồm cả nội điển và ngoại điển. Giữa các khóa có sự thay đổi về số lượng môn học. Cụ thể, khóa 1 tăng ni sinh học 44 môn. Về nội điển chủ yếu là những môn học tinh yếu của tư tưởng Phật học của ba bộ phái Phật giáo, trong mối quan hệ tư tưởng triết học, sử học (bao gồm lịch sử Phật giáo). Ngoại điển bao gồm các môn về tư tưởng triết học, Sử học, các môn học bồi dưỡng những kiến thức về văn học nghệ thuật, cụ thể như Anh văn, Công dân, Triết học Mac-Lê-nin, Lịch sử Triết học, Văn học Việt Nam, Lịch sử cách mạng Việt Nam, Lịch sử tôn giáo trong đó môn Anh văn được học xuyên suốt trong 4 năm học, môn Triết học Mác-Lê-nin theo quy định bắt buộc đối với chương trình đào tạo bậc Đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khóa 2, số lượng môn học tăng lên thành 51 môn. Một số môn học mới được bổ sung hoặc thay thế. Chẳng hạn như chương trình đã được bổ sung thêm một số môn học nhằm trang bị cho tăng ni sinh những kiến thức về Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, kiến thức Tâm lý học, kiến thức về văn minh Việt Nam. Đặc biệt từ khóa 2 bắt đầu đưa môn Thiền học vào chương trình đào tạo. Đây là môn học được nhiều tăng ni sinh yêu thích. Một số tăng ni sinh ấn tượng với môn kinh Trung Bộ của HT cố Viện trưởng, Ngài không những dạy pháp học mà còn dạy pháp hành, mỗi thứ hai dành ra 30 phút để thực tập thiền 16 hơi thở [7]. Thứ tự học một số môn có sự điều chỉnh so với khóa 1. Chẳng hạn như môn Lịch sử tôn giáo khóa 1 chuyển từ năm thứ tư lên học ở năm thứ nhất, khóa 2; lược bỏ môn Lịch sử cách mạng Việt Nam.

Sang khóa 3 tổng số môn học là 65 môn, gồm 31 môn nội điển và 34 môn ngoại điển, gấp 1,5 lần so với khóa 1. Trong đó tiếng Anh được tăng cường hơn so với hai khóa trước, tiếng Anh có 3 phân môn và học liên tục trong 4 năm. Ngoài ra cũng có một số môn học mới như Triết học phương Đông và triết học phương Tây, môn xã hội học. Lý giải cho sự thay đổi lớn về chương trình đào tạo của Trường từ khóa 3, có lẽ xuất phát từ nhu cầu du học và hợp tác quốc tế. Trong giai đoạn này, các hoạt động hợp tác quốc tế và du học bắt đầu manh nha. Một sự kiện đặc biệt nhất là vào ngày 26/03/1990 vị Lãnh sự quán Ấn Độ đã đến thăm trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại TP.HCM và hứa giúp cho GHPGVN các suất học bổng du học tại Ấn Độ [3, tr.19]. Ba vị khóa 1 được tuyển chọn đi du học tại Đại học Delhi (Ấn Độ) gồm: TT. Thích Chơn Thiện, Đại đức Thích Tâm Đức và ni sư Thích nữ Tín Liên, trong đó một vị du học trình độ Tiến sĩ và hai vị trình độ Thạc sĩ. Đây là bước ngoặt mở ra đầu tiên đối với giáo dục Phật giáo Việt Nam, là niềm khích lệ tinh thần tu học của Tăng Ni sinh ngày càng nổ lực hơn để có thể vươn vai ra biển lớn, tiếp thu Phật pháp và văn hóa, tín ngưỡng và phong tục tập quán ở các nước để trở về phục vụ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và nền giáo dục Phật giáo Việt Nam nói riêng.

Xem xét kỹ lưỡng số lượng môn học, chúng ta dễ dàng nhận thấy, với số lượng môn học nhiều, tăng ni sinh sẽ được trang bị thêm nhiều kiến thức. Tuy nhiên, có một vấn đề có thể phát sinh, đó là trong khi thời gian học tập không thay đổi, hai học kỳ/năm học, mà số môn học từ khóa 1 đến khóa 3 tăng 1,5 lần sẽ dẫn tới việc học tập dàn trải, tăng ni sinh gặp nhiều khó khăn trong việc lĩnh hội kiến thức. Bên cạnh đó, ngoài chương trình chính khóa, với khóa 3 Trường còn thực hiện chương trình ngoại khóa gồm có 7 môn do các vị Hòa thượng, học giả đến từ nhiều trường Đại học trên thế giới đảm trách: Học mà tu, tu mà học, Phật giáo và môi sinh, Thời sự Phật giáo, Thiền khí công, Kinh nghiệm đi du học, Kinh nghiệm tu học, Thái độ của Phật giáo đối với Tôn giáo bạn [2, tr.82].

Chắc hẳn để hoàn thành được chương trình này tăng ni sinh phải nỗ lực rất nhiều.

Về Giảng sư, tham gia giảng dạy tại trường Cao cấp Phật học 3 khóa đầu gồm cả tu sĩ và cư sĩ. Hiện nay chúng tôi không có đủ danh sách giảng sư của 3 khóa, nhưng may mắn thay trong Kỷ yếu của tăng ni sinh khóa 2 có tên các môn học cùng giảng sư đảm trách từng môn [1, tr.24-25]. Nhờ đó chúng tôi được biết danh tính của các vị. Với danh sách này cho phép chúng tôi suy nghĩ nhiều điều.

Nhìn vào danh sách giảng sư khóa 2, chúng ta thấy có 28 vị, trong đó tu sĩ 10 vị, cư sĩ 18 vị. Các vị tu sĩ phụ trách các môn nội điển. Mỗi vị phụ trách từ một đến bốn môn. Mặc dù không phải vị nào cũng có bằng Tiến sĩ nhưng đều là những bậc uy đức, giảng dạy những tư tưởng triết lý tinh hoa của Phật pháp rất thâm thúy và nghiêm túc [7]. Đây cũng là một điều dễ hiểu, bởi lẽ vào những năm đầu tiên Trường còn nhiều khó khăn về mọi mặt. Các vị đều trưởng thành từ các Phật học đường tiêu biểu ở trong nước như trường Liên Hải Phật học đường đặt tại chùa Vạn Phước, Bình Trị Đông (nay là quận Tân Bình), Phật học đường Nam Việt đặt tại chùa Ấn Quang (quận 10, Sài Gòn), Trường Quốc Học và học chữ Hán với ôn Quy Thiện (ngài Chân Đạo Chánh Thống), Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa Sài Gòn, Trường Bồ Đề (Long Khánh) [5] …Dưới đây xin giới thiệu một số vị tiêu biểu.

Hòa thượng Hiệu trưởng Thích Minh Châu. Ngài có tên tục là Đinh Văn Nam, sinh ngày 20/10/1918 tại làng Kim Thành, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình khoa bảng. Dòng họ Đinh đã có 5 đời liên tiếp đỗ tiến sĩ. Từ thuở nhỏ ông đã nổi tiếng là cần mẫn, chăm chỉ học hành.Trước khi xuất gia năm 1946, ông có một nền học vấn phổ thông vững chắc. Đỗ tú tài toàn phần năm 1940 và từng làm Thư ký Tòa Khâm sứ Thừa Thiên. Trong khi nghiên cứu về kinh tạng, thấy những chữ, những tên chuyển dịch từ tiếng Pali, tiếng Sanskrit có nhiều khó khăn, không đồng nhất, ông có ý định tìm hiểu về vấn đề này. Năm 1952, ông đi du học Sri Lanka. Trong 12 năm du học ông vừa học tiếng Anh, tiếng Pali, vừa học giới luật, Giáo pháp và tự rèn luyện thành một Tỳ kheo theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy của Sri Lanka. Năm 1955 sau khi đậu bằng Pháp sư ông sang Ấn Độ tiếp tục học tại học viện Đại học Đại Tân Tùng Lâm Nalanda. Năm 1961 ông trình luận án tiến sĩ. Năm 1964, ông quyết định về nước và được giao nhiều trọng trách ở Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Phó Viện trưởng Viện Cao Đẳng Phật học Sài Gòn, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa và Giáo dục thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Năm 1965, Thượng tọa Thích Minh Châu tham gia thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh và là hiệu trưởng của trường này cho đến năm 1975. Năm 1981, Thượng tọa tham gia thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và giữ chức Tổng Thư ký, thành lập trường Cao cấp Phật học cơ sở 1 ở Hà Nội. Ba năm sau mở thêm cơ sở 2 tại đường Nguyễn Kiệm, Thành phố Hồ Chí Minh. Hòa thượng làm Hiệu trưởng của các viện Phật học này. Hòa thượng Thích Minh Châu đồng thời cũng là Hiệu trưởng của Trường Cao cấp Phật học tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hòa thượng Thích Thanh Kiểm (1920-2020), đạo hiệu Chân Từ, thế danh Vũ Văn Khang, sinh ngày 23 tháng Chạp năm Canh Thân – 1920, tại làng Tiêu Bảng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ngài xuất gia năm 15 tuổi với Sư cụ chùa Liên Đàn, xã Linh Đường, huyện Thanh Trì, Hà Đông. Sau khi thụ giới Sa di, Ngài du phương tham thiền học đạo. Năm 33 tuổi Ngài được cử đi du học Nhật Bản. Sáu năm sau Ngài hoàn thành chương trình cử nhân Phật học. Hai năm tiếp theo tốt nghiệp học vị Tiến sĩ Phật học. Sau khi hoàn thành chương trình học tập ở nước ngoài, Ngài trở về quê hương để phục vụ đạo pháp. Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, Ngài được Giáo hội cử làm Vụ trưởng phiên dịch, thuộc Tổng vụ Hoằng pháp (Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Tổng vụ trưởng) kiêm Giáo sư Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn (1964 – 1973). Năm 1985, Ngài được mời làm Giáo sư trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở II Thiền viện Vạn Hạnh thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh công tác giảng dạy, Ngài còn giữ nhiều trọng trách trong Giáo hội.

Thượng tọa Huệ Hưng thế danh Nguyễn Thành Chẩm, thuộc dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 39, là đệ tử Sư tổ Vạn An (Sa Đéc). Ngài sinh năm 1917 tại làng Mỹ Thọ, quận Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Năm 21 tuổi Ngài xuất gia. Sau nhiều năm học tập, Ngài tham gia vào việc dịch kinh cũng như giảng dạy tại trường hạ, các Phật học đường như Phật học đường Phước Hòa – Trà Vinh, Phật học viện Cao đẳng Huệ Nghiêm,… Ngài là người có công khai sơn Tu viện Huệ Quang. Năm 1984 giữ chức Hiệu phó kiêm giảng viên trường Cao đẳng Phật học Việt Nam cơ sở 2.

Mỗi một vị giảng sư với phương pháp, tác phong, oai nghi,… để lại ấn tượng sâu sắc đối với tăng ni sinh. Theo lời của TT.TS.Thích Minh Thành, cựu tăng sinh khóa 1, ngài “ấn tượng hạnh mẫu mực điềm đạm nhu nhuyến của HT. Thích Huệ Hưng; môn học của HT. Thích Từ Thông thì sôi nỗi; HT. TS. Thích Thanh Kiểm thì sâu sắc. hạnh cần mẫn của HT. Thích Giác Toàn Thư ký của của trường, HT THích Từ Hạnh, Phó Hiệu trưởng. Đặc biệt là môn học của Cố HT. Hiệu trưởng đã để lại ấn tượng sâu sắc. Những lời giảng của Cố HT. Hiệu trưởng đã trở thành hành trang, giúp ngài vượt qua mọi khó khăn, thử thách” [6].

Các vị cư sĩ phần lớn phụ trách các môn ngoại điển. Tham gia giảng dạy có các giáo sư như Giáo Sư Minh Chi, Nguyễn Khắc Thuần, Hoàng Như Mai, Trần Tuấn Lộ… Trong số các vị cư sĩ chúng tôi đặc biệt chú ý tới Giáo sư Minh Chi và Giáo sư Trần Tuấn Mẫn. Ngoài các môn ngoại điển hai vị còn tham gia giảng dạy các môn nội điển, cụ thể giáo sư Minh Chi dạy 3 môn thì có 2 môn nội điển là Lịch sử Phật giáo Việt Nam và Tứ đế trong môn Các vấn đề Phật học. Giáo sư Trần Tuấn Mẫn giảng dạy 4 môn thì có 3 môn là nội điển, gồm Hán văn, Kinh Lăng già, Các vấn đề Phật học.

Giáo sư Minh Chi tên thật là Đinh Văn Vinh, pháp danh quy y là Tâm Thông, sinh năm 1921 tại Nghệ An trong mọt gia đình có truyền thống ba đời đỗ tiến sĩ. Ông là anh em ruột với Tiến sĩ Đinh Văn Nam, tức Hòa thượng Minh Châu. Giáo sư Minh Chi là một học giả nổi tiếng, một nhà nghiên cứu Phật học uyên thâm. Ông được mọi người kính trọng không chỉ bởi nhân cách, học thuật uyên thâm mà bản thân ông còn hành thiền rất tích cực [14, tr.325-338].

Giáo sư Trần Tuấn Mẫn sinh năm 1941 tại Huế. Ông từng học tại Đại học Khoa học Sài Gòn, học Cao học Triết tại Đại học Vạn Hạnh. Giáo sư là dịch giả của hơn 20 sách Phật học đã xuất bản và tái bản (Anh, Pháp, Hán cổ và Bạch thoại) [11].

Bên cạnh đó, trong quá trình dạy học cũng còn tồn tại một số vấn đề về quản lý tiết dạy, quy định nội dung cơ bản của một môn học, mời giảng sư cũng như dự giờ để đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng sư. Trong báo cáo cuối năm của Ban Đại diện lớp khóa II (1988-1992), do tăng sinh Thích Giác Dũng đọc trước lớp ngày 30.11.1992 đã đề cập tới các vấn đề nêu trên [1, tr.73-74]. Cụ thể, Trường cần có một ban hoặc một vị chuyên trách học vụ. Ban hoặc vị này có trách nhiệm lên chương trình học cho cả khóa, đưa đề cương hướng dẫn môn học. Số tiết của một môn học cũng cần quy định cụ thể, tránh tình trạng dạy học kéo dài, lan man. Cần tìm hiểu kỹ các vị giáo sư trước khi mời họ tham gia giảng dạy. Ban Giám hiệu cũng cần dự giờ để đánh gia được chất lượng giảng dạy của Giáo sư cũng như thái độ học tập của tăng, ni sinh, đồng thời cần lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Tăng ni sinh về các môn học, về phương pháp, chất lượng giảng dạy của giáo sư để diều chỉnh kịp thời nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

Về thi cử, kiểm tra đánh giá: tăng ni sinh trải qua 8 kỳ thi và một kỳ thi tốt nghiệp ra trường. Các kỳ thi được tổ chức tại lớp, và rất “nghiêm khắc” [1, tr.73].

Về tài liệu học tập: Tài liệu học tập được giảng viên giới thiệu mua, nhưng phần nhiều là tăng ni sinh ghi chép khi nghe giảng bài. Thư viện mở cửa từ thứ hai đến thứ bảy, có lượng sách rất lớn và giá trị vì được kế thừa sách của thư viện Đại học Vạn Hạnh, được lưu trữ đầy cả tầng lầu chánh điện. Tuy nhiên, thư viện trên tầng 2 của chánh điện, Thiền viện Vạn Hạnh nên ít có Tăng Ni nào đến mượn [6].

Kết quả đào tạo

Căn cứ vào số liệu trên website của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh [12], chúng tôi tiến hành tổng hợp và xử lý số liệu. Kết quả tăng ni sinh tốt nghiệp ra trường được thể hiện qua bảng dưới đây:

Nhìn chung, tăng ni sinh tốt nghiệp đạt tỷ lệ cao, trong đó khóa 3 đạt tới 99%. Đặc biệt, trong các khóa có nhiều vị đạt kết quả xuất sắc. Chẳng hạn như ni sư Liên Tín khóa 1 đạt kết quả 3 năm xếp hạng giỏi, 1 năm xếp hạng khá. Kết quả cuối khóa đạt loại xuất sắc. Phần lớn học viên sau khi tốt nghiệp về các địa phương hành đạo. Một bộ phận tiếp tục theo học ở các bậc cao hơn ở, trong đó có nhiều vị chọn con đường du học. Sau khi tốt nghiệp trở về các vị đã đưa vai gánh vác các công việc Phật sự của Giáo hội hay tham gia vào công tác giảng dạy, tiếp tục đào tạo thêm nhiều thế hệ tăng ni trẻ tài đức.

Như vậy có thể thấy rằng giai đoạn 1983-1997 là thử nghiệm, tạo dựng nền móng và bắt đầu hướng ra thế giới bên ngoài thông qua hoạt động nhận học bổng và cử tăng ni sinh đi du học. Để đạt được những kết quả như đã trình bày cần phải kể tới tâm huyết cũng như sự đoàn kết nhất trí của ban lãnh đạo nhà Trường cùng quyết tâm của toàn thể chư tôn đức. Tuy nhiên, về mặt hình thức, tên gọi trường Cao cấp Phật học không mang ý nghĩa Đại học đã gây nhiều trở ngại cho những liên hệ ấy, cũng vì vậy trường đã mật đi nhiều dịp trao đổi văn hóa, học thuật và những giúp đõ thiết thực khác của các tổ chức nước bạn, đặc biệt là kinh nghiệm tổ chức và điều hành, những trợ giúp phương tiện xây dựng trường và số lượng học bổng đáng kể của các Đại học thân hữu hứa tặng Tăng Ni sinh đi du học [10, tr.81]. Từ đó đặt ra nhu cầu cải tổ xây dựng Trường cao cấp Phật học thành một trường đại học Phật giáo. Ngày 23 tháng 6 năm 1997, theo Quyết định của Ban Tôn giao Chính phủ, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế tỉnh Thừa Thiên –Huế được đổi tên thành “Học viện Phật giáo Việt Nam” tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế tỉnh Thừa Thiên-Huế. Việc đổi tên trường đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của Học viện dựa trên những nền tảng được tạo dựng trong 15 năm đã qua.

Thích Nữ Lệ Thảo Học viên cao học khóa 2, Học viện Phật giáo VN tại Tp.HCM

------------------------------ TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ban đại diện tăng ni sinh, Kỷ yếu của tăng ni sinh khóa II, 1988-1992, tái bản lần thứ nhất, 2013, tr. 24-25. 2. Ban đại diện tăng ni sinh, Kỷ yếu của tăng ni sinh khóa III, 1993-1997, ấn hành, 1997, tr.102. 3. Ban thư ký GHPGVN (1993), Báo cáo về hoạt động Phật giáo quốc tế nhiệm kỳ II của GHPGVN, trích trong “Kỷ yếu Đại hội Đại biểu toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ III”, Nxb Hà Nội, 1993, tr. 19. 4. Biên bản phỏng vấn Hòa thượng Thích Viên Giác, trụ trì chùa Từ Tân, là cựu Tăng sinh khóa 1, vào lúc 15h đến 15h 45’, ngày 29/07/2020.9. 5. Biên bản phỏng vấn HT. TS. Thích Tâm Đức, cựu tăng sinh khóa 1, lúc 8 giờ đến 8 giờ 30 phút, ngày 26/12/2020. 6. Biên bản phỏng vấn HT.TS. Thích Minh Thành, cựu tăng sinh khóa 1, tại Tịnh xá Trung Tâm, số 21 đường Nguyễn Trung Trực, phường 5, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, lúc 15 giờ đến 15 giờ 30 phút, ngày 23/12/2020. 7. Biên bản phỏng vấn TT.TS Thích Giác Dũng, cựu tăng sinh khóa 2, Đường HT 31, Hiệp Thành, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, lúc 15 giờ đến 15 giờ 30 phút, ngày 31/07/2020. 8. Biên bản phỏng vấn TT.TS. Thích Giác Hoàng, cựu tăng sinh khóa 3, Học Viện Phật giáo Việt Nam, 750, Nguyễn Kiệm, Phường 4, quận Phú Nhuận, lúc 10 giờ đến 10 giờ 30 phút, ngày 22/12/2020. 9. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Kỷ yếu Đại hội đại biểu toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lần thứ II, Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, ấn hành, 1989, tr.45. 10. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Kỷ yếu Đại hội đại biểu toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ III, Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN ấn hành, 1993, tr. 81. 11. GS Trần Tuấn Mẫn - Đôi nét về tác giả (quangduc.com). 12. https://www.vbu.edu.vn/gioi-thieu/luoc-su 13. Quyết định 160/QĐ ngày 17 tháng 10 năm 1983 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh 14. Võ Văn Thành, “Giáo sư Minh Chi chân dung một nhà nghiên cứu Phật học tận tụy”, trong Phật học Việt Nam thời hiện đại: bản chất, hội nhập và phát triển, Nxb Hồng Đức, 2019, tr. 325-338.