DẪN NHẬP
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh, toạ lạc số 750, đường Nguyễn Kiệm, Quận Phú Nhuận, Tp.Hồ Chí Minh. Đây chính là cơ sở giáo dục cấp đại học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), cũng như các cơ sở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Huế, Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh được thành lập từ ngày 25 tháng 02 năm 1982 theo nghị quyết phiên họp thứ nhất của Ban thường trực Hội đồng trị sự Trung Ương và theo quyết định 160/QĐ ngày 17 tháng 10 năm 1983 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh cấp phép[1]. Từ đó, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. HCM đã ra đời và đi vào hoạt động năm 1984 cho đến nay Học viện đã phát triển mạnh mẽ qua nhiều giai đoạn. Tuy nhiên, ở đây tác giả chỉ đề cập đến “Những bước chuyển mình của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 1997-2020”. Nghiên cứu này góp phần làm sáng tỏ vai trò của giáo dục trong Phật giáo từ xưa cho đến nay. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của con người, thấy được giá trị đặc thù trong giáo dục Phật giáo đã đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và kế thừa phát huy xây dựng nền đạo đức của dân tộc. Kết quả của nghiên cứu bài viết này còn là một tài liệu tham khảo có giá trị đối với sinh viên, học viên cao học, các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về hoạt động giáo dục đào tạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
NỘI DUNG
- Giới thiệu sơ lược về bối cảnh ra đời của Học viện Phật giáo Việt Nam
Học viện Phật giáo Việt Nam ra đời trong bối cảnh đất nước vừa giải phóng năm 1975, một kỷ nguyên mới được mở ra cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội. tất cả đều phải thay đổi và xây dựng, củng cố hệ thống nhân sự và lãnh đạo đất nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cũng không ngoại lệ. Năm 1981 trong Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) HT. Thích Đức Nhuận đã đặt ra 3 điều kiện khi nhận ngôi Pháp chủ, một trong 3 điều kiện đó có đề cập tới vấn đề đào tạo và giáo dục tăng ni, Phật tử, đó là: Trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, (Thủ đô Hà Nội, Tp. Huế, Tp.Hồ Chí Minh) được phép thiết lập một trường Đại học Phật giáo[2].
Học viện Phật giáo Việt Nam ra đời là để đáp ứng nguyện vọng của Giáo hội, Chính phủ đã cho phép chuyển cơ sở trường tu học Phật pháp Trung ương của Hội Phật giáo Việt Nam thống nhất trước đây, nâng lên thành trường Cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sơ I đặt tại Chùa Quán Sứ Tp.Hà Nội, và cho phép thành lập trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở II đặt tại Thiền viện Vạn Hạnh Tp.HCM. Cả hai cơ sở đều do HT. TS. Thích Minh Châu làm Hiệu trưởng, Mỗi trường đều có Ban Giám hiệu , Ban Giảng huấn và văn phòng riêng để hoạt động nhưng đều đặt dưới sự lãnh đạo chung của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự.[3]
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM là trung tâm Phật giáo tầm cỡ nhất hiện nay. Học viện PGVN vốn có tiền thân là trường Cao cấp Phật học Việt Nam tọa lạc tại Thiền Viện Vạn Hạnh 750, Nguyễn Kiệm (hiện nay), quận Phú Nhuận, TP.HCM. Do cố HT. TS. Thích Minh Châu làm Viện trưởng. Từ khi thành lập đến nay đã trải qua nhiều bước chuyển mình và phát triển đánh dấu những thành tựu của Học viện trong suốt quá trình hoạt động giáo dục và đào tạo.
- Quá trình phát triển của Học viện Phật giáo Việt Nam
2.1. Giai đoạn 1997-2020
2.1.1. Thứ nhất là về tên gọi của trường
Giai đoạn này đánh dấu bằng sự kiện đổi tên trường, từ Trường Cao cấp Phật học thành Học viện Phật giáo Việt Nam. Ý tưởng đổi tên trường xuất hiện từ Đại hội đại biểu toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ III, năm 1993. Tại Đại hội Ban Giáo dục tăng ni đề xuất “Đề nghị Giáo hội chấp thuận và có kiến nghị xin chuyển đổi danh xưng Trường Cao cấp Phật học Việt Nam thành Trường Đại học Phật học Việt Nam. Đồng thời xin Giáo hội chủ trương chỉ đạo xây dựng ngôi trường Đại học Phật học Việt Nam tầm cỡ phục vụ giai đoạn phát triển mới đào tạo các thế hệ Tăng Ni sinh làm cơ sở, làm đầu mối giao lưu các Trường Đại học Phật giáo trong khu vực và thế giới”[4]. Qua tham khảo ý kiến chung, Giáo hội đã thống nhất đổi thành Học viện Phật giáo Việt Nam và đã được Ban Tôn giáo Chính phủ chấp thuận theo Quyết định số 19 ngày 23 tháng 6 năm 1997[5]. Theo Quyết định này, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế tỉnh Thừa Thiên –Huế được đổi tên thành “Học viện Phật giáo Việt Nam” tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Như vậy, trường Cao cấp Phật học cơ sở 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh được đổi thành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí minh. Theo từ điển Tiếng Việt, “học viện” chỉ “một cơ sở nghiên cứu và đào tạo”, “vừa đào tạo đại học, sau đại học, vừa nghiên cứu chuyên sâu trong một lĩnh vực”[6]. Tên gọi mới đã xác định vị thế, vai trò và chức năng mới cho Học viện. Theo đó học viện không chỉ là một cơ sở giáo dục trình độ đại học, sau đại học mà còn là một cơ quan nghiên cứu về Phật giáo.
2.1.2. Thứ hai là về cơ sở hạ tầng
Học viện Phật giáo Việt Nam với tên gọi là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam thì Cơ sở hạ tầng chỉ là một dãy nhà cấp 4, mái tôn đơn sơ, gồm 3 phòng, đặt trước ngôi chánh điện của thiền viện Vạn Hạnh.
Năm 1997, khi đào tạo được 3 khóa, trường được Thượng Tọa Thích Đồng Tâm (Đài Loan) và Ban Bảo trợ Học viện Phật giáo Việt Nam cúng dường kinh phí để xây dựng, gồm 1 tầng hầm, 1 trệt và 4 tầng lầu. Giờ đây, trường đã mang dáng vóc của một trường đại học, cơ sở vật chất khang trang hơn, tạo điều kiện giúp việc giảng dạy và học tập tốt hơn.
Năm 2009 HT. TS. Thích Trí Quảng đã kế thừa sự nghiệp giáo dục đảm nhiệm vai trò Viện trưởng cho đến nay, Học viện PGVN tại Tp.Hồ Chí Minh đã và đang ngày càng phát triển[7]. Một sự kiện chuyển mình vượt trội nhất, đánh dấu một điểm son, mỡ ra một bước ngoặt quan trọng của cả một quá trình giáo dục và đào tạo của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM đó chính là xây dựng Học viện cơ sở 2 theo mô hình đào tạo sinh hoạt nội trú.
Ngày 12 tháng 7 năm 2011, Học viện đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh cấp 23,8 ha đất để xây dựng một trường Đại học Phật giáo có tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới. Ngày 4 tháng 11 năm 2012, Lễ đặt đá động thổ xây dựng Học viện cơ sở II đã chính thức được tiến hành. Đến năm 2016 công trình xây dựng Học viện mới tại xã Lê Minh Xuân đã được hoàn thành giai đoạn I với tổng chi phí lên tới 168 tỷ đồng[8].
Giai đoạn I đã xây dựng được: Một tòa nhà Hành chính, dài 80m gồm 01 tầng trệt, 02 tầng lầu và 02 mái lồng. Một tòa nhà lớp học, 5 tầng lầu, dài 55m, gồm 01 tầng trệt, 04 tầng lầu và 02 mái lồng. Ba tòa nhà khu nội xa Tăng Ni. Công trình khu nội xá gồm 02 tòa nhà được chia thành 2 khu Tăng, Ni riêng biệt. Mỗi tòa nhà 5 tầng, mỗi tầng có 14 phòng, mỗi phòng có diện tích 32m2 gồm có 3 giường tầng dành cho 06 người. Như vậy, mỗi tòa có 70 phòng dành cho 420 vị. Tổng cộng 2 tòa nhà nội trú dành cho Tăng Ni có 140 phòng dành cho 840 vị. Đặc biệt, tòa nhà nội xá thứ 3, tầng 1 và tầng 2 được sử dụng làm lớp học, 3 tầng trên được sử dụng làm nội xá Ni. Một giảng đường tiền chế được sử dụng tạm thời cho các Tăng Ni sinh có nơi sinh hoạt và tu học, với tổng diện tích là 2.400m2, được chia làm 2 khu: Khu Trai đường kết hợp với Chánh điện tạm thời và khu phục vụ.
Ngày 8 tháng 5 năm 2016, Lễ khánh thành công trình xây dựng giai đoạn I được tổ chức tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
Từ năm 2016 đến nay công trình được tiếp tục xây dựng giai đoạn II, dự kiến xây dựng 3 hạng mục chính: Ngôi Chánh điện với sức chứa 2.000 người, Tòa đại thư viện, Bảo tháp cao 80m. Vào ngày Vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm, 27 tháng 10 năm 2018 học viện đã làm lễ khởi công xây dựng ngôi Đại Chánh điện để tăng ni sinh nội trú có nơi sinh hoạt, tu tập tâm linh.
Có thể nói, Học viện đã để lại móc vàng son trong việc xây dựng cơ sở 2 tại xã Lê Minh Xuân, một sự chuyển mình rất lớn của Học viện PGVN. Cơ sở vật hạ tầng mang tầm vóc của một trường Đại học quy mô và trang thiết bị đầy đủ và khang trang hơn trước kia rất nhiều. Buổi đầu tuy có nhiều khó khăn vất vả nhưng dưới sự hy sinh cao cả của Hòa thượng Viện trưởng và sự hợp tác quý Ngài cựu Tăng Ni sinh đã tiê phong ủng hộ đã đưa đến thành công viên mãn như ngày nay.
Về trang thiết bị và tài liệu dạy học, theo số liệu năm học 2017-2018, tổng số phòng học ở cả 2 cơ sở là 20 phòng học chuyên môn (50 sinh viên/phòng), 07 phòng lớn (100 sinh viên/phòng) và 4 giảng đường lớn (hơn 150 sinh viên/phòng). Trong mỗi phòng học đều có trang bị quạt, máy điều hòa, hệ thống âm thanh (loa, micro), thiết bị giảng dạy như máy chiếu và bảng từ (01 máy cho phòng nhỏ, 02 máy chiếu cho phòng lớn và 04 máy chiếu cho giảng đường). Ngoài ra mỗi phòng học đều có máy tính xách tay và internet phục vụ tra cứu, tìm tư liệu cho việc giảng dạy trực tuyến[9].
Bên cạnh đó, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM có thư viện Phật học lớn nhất tại Việt Nam, với 02 thư viện tại cơ sở 1 và cơ sở 2, cung cấp nguồn tài liệu phong phú, đa dạng cho sinh viên, các nhà nghiên cứu và giảng viên. Thư viện tại cơ sở 1 (750 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh) hiện có 12.000 đầu sách, trong đó 2.750 tựa sách tiếng Việt, 1.059 tựa sách tiếng Anh, 197 tựa sách tiếng Pháp, 285 tựa sách tiếng Nhật, Thái, Hàn và sáu bộ Đại tạng kinh, quen thuộc nhất gồm có Càn Long Đại tạng kinh, Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh, Cao Ly Đại tạng kinh, Tây Tạng đại tạng kinh, Nam truyền Đại tạng kinh và Linh Sơn pháp bảo Đại tạng kinh. Thư viện tại cơ sở 2 (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) có hơn 40.000 quyển sách Phật học bằng tiếng Việt, trong đó có hơn 13.000 tựa sách tiếng Việt về 80 chủ đề khác nhau và 5000 tựa sách Phật học bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Về phân loại, thư viện có các nhóm chuyên ngành chính: Tam tạng Thánh điển Phật giáo (Pali tạng, Hán tạng, Việt tạng,...), nhóm khoa học xã hội và nhân văn, nhóm khoa học tự nhiên. Thư viện còn có nhiều tùng thư, tạp chí Phật học và các tài liệu cần thiết cho việc nghiên cứu Phật học và các ngành học khác[10].
2.1.3.Thứ ba là chương trình giáo dục và đào tạo
Chuyển từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ: Để thích ứng với môi trường xã hội, giáo dục cũng như xu thế giáo dục của thế giới, từ khóa VI học viện đã chuyển từ hệ thống đào tạo niên chế sang hệ thống đào tạo theo tín chỉ. Ngày 3 tháng 12 năm 2009 Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã ra quyết định sẽ chuyển từ đào tạo niên chế với mỗi năm hai học kỳ thành đào tạo theo hệ thống tín chỉ (course-credit/ unit). Về khái niệm tín chỉ, trên thế giới có đến 60 định nghĩa, trong đó định nghĩa của tác giả James Quann thuộc Đại học Washington gần với quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo nhất: “Tín chỉ học tập là một đại lượng đo toàn bộ thời gian bắt buộc của một người học bình thường để học một môn học cụ thể, bao gồm (1) thời gian lên lớp; (2) thời gian trong phòng thí nghiệm, thực tập hoặc các phần việc khác đã quy định ở thời khóa biểu; (3) là thời gian dành cho đọc sách, nghiên cứu, giải quyết vấn đề, viết hoặc chuẩn bị bài”[11].
“Phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ hay gọi tắt là Hệ thống tín chỉ là một phương thức đào tạo tiên tiến trong nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới. Nó còn được gọi là học chế tín chỉ để phân biệt với các phương pháp đào tạo ra đời trước nó như học chế niên chế, học chế học phần. Trên thế giới phương pháp này được áp dụng ở cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học”[12].
Đây là một bước chuyển phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, trao cho người học quyền chủ động trong việc hoàn thành chương trình học tập.
Chuyển từ một khoa thành đa khoa, đa ngành
Từ khóa 1 đến khóa 5, học viện chỉ có 1 khoa Phật học, nhưng từ khóa VI trở đi học viện thành lập thêm các khoa khác, do vậy, chương trình được giảng dạy căn cứ vào đặc thù của từng khoa. Có thể thấy về mặt hình thức Trường mang quy mô một Đại học Phật giáo từ năm 1997 nhưng phải đến năm 2006, từ khóa VI, trường mới chính thức trở thành một Đại học Phật giáo đa ngành.
Giai đoạn này Trường phát triển thành một trường Đại học đa ngành với ba hệ đào tạo, Cao đẳng, Cử nhân và Sau đại học. Từ một khoa Phật học đã phát triển thành 13 khoa, bao gồm: khoa Phật giáo Việt Nam (2006), khoa Lịch sử Phật giáo (2006), khoa Triết học Phật giáo (2006), khoa Pali (2006), khoa Trung văn (2006), khoa Phật học Sanskrit (2006), Khoa Hoằng pháp (2009), Khoa Đại học từ xa (2009), khoa Anh văn Phật pháp (2009, khoa Công tác xã hội (2012),), khoa Giáo dục mầm non (2015), khoa Y học cổ truyền (2015), khoa Luật học Phật giáo (2020)[13].
Trong các khoa này có khoa Giáo dục mầm non, khoa Công tác xã hội và khoa Y học cổ truyền là những khoa ngoại điển, gắn liền với các sinh nghiệp của ni sinh, truyền thống, lịch sử của dân tộc cũng như nhu cầu của xã hội.
Mục đích của Khoa Công tác xã hội cũng được thành lập nhằm giúp chư Tăng Ni đem Phật pháp dấn thân vào cuộc đời để hoằng dương Phật pháp, thực hiện tinh thần hoằng pháp lợi sinh.
Xuất phát từ nhu cầu giáo dục đạo đức xã hội, của con người từ tuổi ấu thơ; nhu cầu giáo dục trẻ em hướng thiện theo lời Phật dạy bắt đầu từ tuổi mầm non, nhất là các con em được sinh trưởng trong gia đình có truyền thống Phật giáo. Do nhận thấy được điều này Phân Ban Ni Giới Trung ương kết hợp với Học viện liên kết với Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh để mở ngành khoa Giáo Dục Mầm non dành cho chư Ni và các nữ cư sĩ Phật tử. Khóa đầu tiên khai giảng vào năm 2015. Chương trình đào tạo Giảng viên do Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh sắp xếp. Đầu vào 100 em, tốt nghiệp 46 em. Để các em có cơ hội thực hành những gì đã học được, giữa năm 2020 quý Ni sư Ban Quản Viện Ni của Học viện đã mở được một lớp Mầm Non Sen Vàng. Như vậy hiện nay TP. TP.HCM chính thức có 3 cơ sở Mầm Non hoạt động theo qui định của bộ Giáo dục.
Y học Cổ truyền là một môn học rất có ý nghĩa và cần thiết, mang tính ứng dụng và đáp ứng nhu cầu phục vụ cộng đồng. Vì vậy, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng đến việc trang bị cho học viên những kiến thức nền tảng về bộ môn này. Do vậy, từ năm 2015, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh đã liên kết với trường Đại học Y Dược Tp.Hồ Chí Minh đào tạo khoa Y học Cổ truyền. Mục đích giảng dạy về môn Y học Cổ truyền tại Học viện là nhằm đào tạo đội ngũ có chuyên môn Y học Cổ truyền của dân tộc Việt Nam, tạo điều kiện để các tăng ni sinh viên có đam mê, yêu thích theo ngành học này có được chứng chỉ hành nghề chính quy, có đầy đủ tư cách pháp nhân để thành lập các cơ sở phòng khám bệnh từ thiện của Phật giáo để giúp đỡ khám và chữa bệnh cho các bệnh nhân đang cần sự giúp đỡ, thực hiện tinh thần cứu khổ ban vui, thể hiện lòng vị tha của Phật giáo. Đây là một chủ trương phù hợp với thực tế và truyền thống của đạo Phật. Thực tế thì ý tưởng khuếch trương y học cổ truyền đã được khuyến khích ngay từ phong trào chấn hưng Phật giáo, cách ngày nay gần một thế kỷ [34, tr.348].
Khoa Luật Học là bộ môn rất cần thiết trong giáo dục Phật giáo. Bởi vì, giới luật là mạng mệnh của Phật pháp, là nền tảng trên con đường tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Khoa luật học không chỉ cung cấp cho Tăng Ni sinh kiến thức về giới luật mà quan trọng hơn, còn hướng dẫn Tăng Ni sinh tu tập, giữ gìn giới luật tinh nghiêm để làm mô phạm trong rừng thiền, trở thành rường cột của Giáo hội sau này. Đức Phật dạy tất cả Tăng Ni và Phật tử đều phải lấy giới luật làm đầu. Để phát huy luật Phật giáo Việt Nam có thể tiến xa hơn, tất cả Tăng Ni, quý chư Tôn đức trong Ban Trị sự tại các tỉnh thành cần phải tu học để nắm rõ giới luật. Do đó, mục đích Khoa Luật học Phật giáo ra đời nhằm đào tạo nên các vị thầy có kiến thức chuyên sâu về giới luật và pháp luật để góp phần cho sự phát triển vững mạnh của Giáo hội nước nhà.
Qua đó cho thấy việc xây dựng và phát triển học viện từ một trường đơn ngành trở thành một học viện đa ngành đã thể hiện nỗ lực cũng như quyết tâm của Hội Đồng Điều Hành nói riêng và chư Tôn Đức Lãnh đạo Giáo nói chung.
Đào tạo sau đại học
Bước chuyển mình tiếp theo là Đào tạo Thạc sĩ và Tiến Sĩ. Theo đề nghị của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, tại công văn số 1171/VPCP-NC ngày 13/10/2011 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Trung ương Giáo hội mở thí điểm đào tạo Thạc sĩ (MA) chuyên ngành Phật học, tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM. Sau một thời gian chuẩn bị, lớp Thạc sĩ thí điểm, Hội đồng điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã chính thức khai giảng vào ngày 11/4/2012, khóa thí điểm (2012-2014), gồm 155 Tăng Ni sinh theo học.[14] Đến năm 2020, đã và đang đào tạo được 4 khóa, với tổng số 323 học viên[15].
Ngày 27-8-2018 theo công văn số 323 của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN và công văn số 944/TGCP ngày10-9 -2018 của Ban Tôn giáo Chính phủ đã cho phép Học viện đào tạo Tiến sĩ Phật học thí điểm. Học viện đã chính thức đã tổ chức dự tuyển 10 hồ sơ vào ngày 14-12-2018, kết quả trúng tuyển 8 Tăng Ni nghiên cứu sinh. Đây là điều đáng mừng cho Tăng Ni đang có nhu cầu học lên tiến sĩ mà không phải tốn nhiều chi phí ra nước ngoài. Đồng thời cũng là bước ngoặt mới, niềm vui của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và Học viện Phật giáo Việt Nam nói riêng. Như vậy, Học viện không những đã đáp ứng được nhu cầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt ra, mà còn giải quyết cho những khát khao của hàng vạn Tăng Ni sinh trên toàn quốc thành tựu được sở nguyện của mình trên tinh thần cầu học và tu tập.
Theo HT. Thích Huệ Hà, Ủy viên Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu thì, việc đào tạo Thạc sĩ Phật học và Tiến sĩ Phật học tại Việt Nam sẽ giúp tiết kiệm nguồn kinh phí lại đào tạo được số lượng nhiều hơn việc gởi Tăng Ni đi nước ngoài học tốn nhiều chi phí mà không được bao nhiêu người. Do đó, việc đào tạo Thạc sĩ và tiến sĩ tại việt Nam nói chung và Học Viện Phật giáo Việt Nam nói riêng là nhu cầu hợp lý và vô cùng cần thiết[16]. Như vậy cho đến thời điểm năm 2019, với hệ đào tạo Tiến sĩ Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đang dần hoàn thiện chức năng đào tạo của một cơ sở giáo dục đại học.
Như vậy, Học viện Phật giáo Việc Nam thiết lập mô hình đào tạo Tiến sĩ Phật học, Thạc sĩ Phật học, Cử nhân chính quy, Cử nhân đào tạo từ xa, Cao đẳng liên thông, Liên kết quốc tế. Đặc biệt nhất là tổ chức đào tạo tu học nội trú cho Tăng Ni sinh. Đây được xem là ưu điểm về hình thức đào tạo của Học viện, việc này không chỉ giúp thuận lợi cho nhà trường trong việc tổ chức quản lý Tăng Ni sinh viên, mà còn giúp Tăng Ni sinh chuyên tâm tu học hơn, nghiên cứu nhiều hơn, tiết kiệm được thời gian đi lại, chi phí và giảm thiểu tai nạn giao thông. Tăng Ni sinh được trải nghiệm môi trường nội trú, sinh hoạt cộng đồng Tăng già sẽ giúp Tăng Ni có sự tinh tấn hơn và có thể phát huy năng lực của mình qua việc thực tập diễn giảng, cắm hoa, viết thư pháp... nói chung là có thể học hỏi được rất nhiều. Học viện chú trọng sự thực tập tâm linh song song với nghiên cứu học thuật, thực hiện các nhiệm vụ về giáo dục và đào tạo nhằm phục vụ các vấn đề thực tiễn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đất nước. Qua đó gắn kết chặt chẽ Học viện với xã hội, với quá trình phát triển kinh tế, xã hội theo các chủ trương đổi mới của đất nước.
Học viện PGVN đã tập trung vào bốn lĩnh vực: giảng dạy, nghiên cứu khoa học, truyền thông học thuật và thực hành Phật pháp. Học viện đào tạo từ căn bản đến chuyên sâu các nguyên lý triết học và ứng dụng hành trì của Phật giáo, thông qua các truyền thống Nam tông với văn hệ Pali, Bắc tông với văn hệ Sanskrit, Tây Tạng ngữ và Hán ngữ. Nhằm mục tiêu đào tạo giới trí thức trẻ Phật giáo về các phương diện lịch sử, triết thuyết, tôn giáo, văn hóa và hành trì của Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêngđóng góp vào sự phát triển đất nước Việt Nam thanh bình, thịnh trị và phát triển bền vững, từng bước trở thành trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu Phật học và hành trì Phật giáo.
Bên cạnh những bước chuyển mình vĩ mô của Học viện PGVN tại Tp.HCM, Học viện còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và Phật giáo Việt Nam với bạn bè quốc tế thông qua các hoạt động tham gia và hỗ trợ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam năm 2008 từ ngày 13 đến 17 tháng 5 năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội với sự tham dự của 570 phái đoàn đến từ 81 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với khoảng 2000 đại biểu quốc tế và 1500 đại biểu trong nước. Đại lễ Phật đản Vesak lần thứ hai được tổ chức tại chùa Bái Đính, Ninh Bình từ ngày 8 đến 10 tháng 5 năm 2014 với sự tham dự của 10.000 đại biểu, trong đó có 2000 đại biểu đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đại lễ lần thứ ba được tổ chức vào năm 2019, từ ngày 12 đến 14 tháng 5 tại chùa Tam Chúc, Hà Nam bao gồm 1650 đại biểu đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, 4.050 đại biểu trong nước cùng với 20.000 Phật tử trong và ngoài nước đồng trở về tham dự lễ[17]
Kết Luận
Học viện từ khi thành lập đến nay, hơn 35 năm, Học viện không ngừng nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục Phật học tiên tiến và nhiều ngành học, góp sức thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, gắn kết việc ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống, giải quyết các vấn nạn đau khổ của con người. Có thể nói, Học viện PGVN phát triển đa chiều, không những phát triển về cơ sở vật chất mà còn phát triển về chương trình giáo dục và đào tạo, nâng cao chương trình giáo dục, mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế.
Với sự nỗ lực không ngừng đó, từ năm 1997 đến năm 2020 Học viện đã đào tạo được tổng số các khóa là 6334 tăng ni sinh.
Bên cạnh việc liên kết đào tạo, Học viện còn chú trọng giới thiệu tăng ni sinh đi du học để nâng cao trình độ. Học viện đã giới thiệu hơn 350 Tăng Ni sinh du học chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học tại các nước. Hiện nay có gần 200 Tăng Ni tốt nghiệp Tiến sĩ và Thạc sĩ chuyên ngành Phật học cũng như các ngành khác đã trở về nước tham gia công tác Phật sự cho các cấp Giáo hội. Đa số tăng ni tốt nghiệp khóa I, II, III, IV đã và đang tham gia giữ các chức vụ quan trọng trong Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Ban, Viện Trung ương và rất nhiều tăng ni tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp..
Nhìn chung, học viện đã thành công trong việc xây dựng chương trình theo hệ thống tín chỉ, đảm bảo tính cân đối hợp lý giữa các môn nội điển và ngoại điển. Tuy nhiên, ở góc độ vĩ mô – chương trình đào tạo, học viện cần tiếp cận theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Học viện PGVN tại Tp.HCM đã thực hiện mục tiêu đào tạo một thế hệ công dân đức trí song toàn để kế thừa, phát triển đạo Phật và con đường giáo dục Phật giáo. Học viện luôn khuyến khích và chăm lo đào tạo đội ngũ giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức, phẩm chất và nhân cách, góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đất nước nói chung và sự phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng.
Thích Nữ Lệ Thảo - Học viên cao học khóa II, Học viện Phật giáo VN tại Tp.HCM -----------------------Thư Mục Tham Khảo
- Ban thư ký GHPGVN (1993), Báo cáo về hoạt động Phật giáo quốc tế nhiệm kỳ II của GHPGVN, trích trong “Kỷ yếu Hội nghị Đại biểu toàn quốc Phật giáo Việt Nam lần thứ III”, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
- Thích Trí Quảng, lời giới thiệu (ngày 1-11-2019), trích trong “Chương trình Phật học tại Việt Nam và trên thế giới”, Nxb Hồng Đức.
- Thích Thiện Nhơn (2013), Báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VI (2007-2012) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trích trong “kỷ yếu Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ (2012-2017)” Nxb Tôn giáo
- Thích Nhật Từ, “Chương trình cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học”, năm 2020, lưu hành nội bộ.
- Thích Quang Thạnh (2019), “Tóm tắt 35 năm hoạt động và đào tạo của học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (1984-2019)”, trong Thích Nhật Từ (chủ biên), Phật học Việt Nam thời hiện đại: bản chất, hội nhập và phát triển, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
- Thích Nữ Như Nguyệt (2019), “Chương trình Phật học của học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và trường đại học Phật Quang, Đài Loan”, trong Thích Nhật Từ (chủ biên), Chương trình Phật học tại Việt Nam và trên thế giới, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, trang 349-350.
- “Kỷ yếu Đại hội kỳ II Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, 1989, Nxb Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, tr.23.
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2010), Kỷ yếu Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897-1993), Nxb. Phương Đông, tr.13.
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1999), Kỷ yếu Đại hội Đại biểu toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ IV, Nxb Tp.Hồ Chí Minh.
- Hoàng Phê (chủ biên) (2018), Từ điển tiếng Việt, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
- Tài liệu lưu trữ văn phòng Học viện Phật giáo Việt Nam Tp.HCM (cơ sở 1), Quyết định số 160/QĐ-UB, ngày 17 tháng 10 năm 1983.
- Thích Huệ Hà (2008), Việc dạy và học trong Phật giáo cần được cải tiến và nâng cao, trích “Kỷ yếu Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI” (nhiệm kỳ 2007-2012), Nxb Tôn giáo, tr. 163.
- Phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ, https://vi.wikipedia.org
Phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ, https://vi.wikipedia.org
- https://www.vbu.edu.vn/truong-lao-ht-thich-tri-quang.html.
[1] Tài liệu lưu trữ văn phòng Học viện Phật giáo Việt Nam Tp.HCM (cơ sở 1), Quyết định số 160/QĐ-UB, ngày 17 tháng 10 năm 1983.
[2]. Xem. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2010), Kỷ yếu Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897-1993), Nxb. Phương Đông, tr.13.
[3] Xem “Kỷ yếu Đại hội kỳ II Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, 1989, Nxb Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, tr.23.
[4] Ban thư ký GHPGVN (1993), Báo cáo về hoạt động Phật giáo quốc tế nhiệm kỳ II của GHPGVN, trích trong “Kỷ yếu Hội nghị Đại biểu toàn quốc Phật giáo Việt Nam lần thứ III”, Nxb Hà Nội, Hà Nội, trang 69.
[5]Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1999), Kỷ yếu Đại hội Đại biểu toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ IV, Nxb Tp.Hồ Chí Minh, trang 17.
[6] Hoàng Phê (chủ biên) (2018), Từ điển tiếng Việt, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, trang 450.
[7] H.T. Thích Trí Quảng, lời giới thiệu (ngày 1-11-2019), trích trong “Chương trình Phật học tại Việt Nam và trên thế giới”, Nxb Hồng Đức.
[8]Thích Quang Thạnh (2019), “Tóm tắt 35 năm hoạt động và đào tạo của học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (1984-2019)”, trong Thích Nhật Từ (chủ biên), Phật học Việt Nam thời hiện đại: bản chất, hội nhập và phát triển, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, trang 592.
[9] Thích Nữ Như Nguyệt (2019), “Chương trình Phật học của học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và trường đại học Phật Quang, Đài Loan”, trong Thích Nhật Từ (chủ biên), Chương trình Phật học tại Việt Nam và trên thế giới, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, trang 349-350.
[10]Thích Nhật Từ, “Chương trình cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học”, năm 2020, lưu hành nội bộ, trang 14-15.
[11]Phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ, https://vi.wikipedia.org
[12] Phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ, https://vi.wikipedia.org
[13] Xem. Thích Nhật Từ, “Chương trình cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học”, năm 2020, lưu hành nội bộ.
[14] Thích Thiện Nhơn (2013), Báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VI (2007-2012) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trích trong “kỷ yếu Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ (2012-2017)” Nxb Tôn giáo, tr.35.
[15] https://www.vbu.edu.vn/truong-lao-ht-thich-tri-quang.html.
[16] Thích Huệ Hà (2008), Việc dạy và học trong Phật giáo cần được cải tiến và nâng cao, trích “Kỷ yếu Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI” (nhiệm kỳ 2007-2012), Nxb Tôn giáo, tr. 163.
[17] Thích Quang Thạnh (2019), “Tóm tắt 35 năm hoạt động và đào tạo của học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (1984-2019)”, trong Thích Nhật Từ (chủ biên), Phật học Việt Nam thời hiện đại: bản chất, hội nhập và phát triển, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, trang, 581-582.
Bình luận (0)