“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Chùa Vĩnh Nghiêm (còn có tên gọi là chùa Chúc Thánh, chùa La, chùa Ông La, chùa Đức La) thuộc thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 20km về phía Đông Nam. Chùa có diện tích hơn một vạn mét vuông, tọa lạc trên một gò đồi thấp, là bậc thềm cổ của sông Lục Nam xưa, dựa lưng vào dãy núi Cô Tiên nhìn ra ngã ba Phượng Nhãn, nơi hội tụ của hai con sông, sông Thương và sông Lục Nam. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Theo thư tịch cổ, tài liệu bia ký còn lưu lại và khảo cổ học cho biết, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng thời Lý (thế kỷ XI), ngôi cổ tự khá khang trang có tên gọi là chùa Chúc Thánh. Đến thời Trần, ngôi chùa được Trần Nhân Tông cho mở mang xây dựng, đổi tên chùa là Vĩnh Nghiêm. Nơi đây, từng là trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm, một Thiền phái mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, được tổ chức Giáo hội đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam (PGVN), là mô hình Giáo hội đầu tiên cho các tổ chức Giáo hội sau này.
Trong tấm bia “Vĩnh Nghiêm công đức tự bi”, dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606) hiện còn lại trong chùa đã viết rằng: “Nay ở huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Nguyên, đạo Kinh Bắc, nước Đại Việt, có một khu sùng phúc rõ là đất Tam Bảo. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn dặm, trùng trùng điệp điệp.Vây tròn, ôm lấy thành hình chiếc lọng hoa. Chùa ở chỗ hai, ba con sông, sóng nước dạt dào mênh mông, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa bạc, khoảng giữa là ngôi chùa cổ có một bầu trời riêng, truyền rằng đó là chùa Vĩnh Nghiêm. Thực là một danh lam đứng đầu trong thiên hạ.”[1]
Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc phần đất của ba thôn: Thanh Long, Đức Thành và Nam Bắc Thành. Trước cửa chùa là một cái ao hình bán nguyệt. Đây không chỉ là ngôi chùa lớn, một đại danh lam được nhiều người biết đến mà còn là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm ra đời, đó là sự dung hợp của cả ba dòng Thiền: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường đương thời. Đây là một bước ngoặt lớn không chỉ cho Phật giáo thời Trần, mà còn là bước phát triển mới để hình thành nên một PGVN ngày nay.
Thực sự, chùa Vĩnh Nghiêm đã đi vào trong lòng quần chúng nhân dân và phật tử trong nước cũng như Hải ngoại. Nhờ đó, cho dù đất nước trải qua bao cuộc chiến tranh loạn lạc, mạng mạch sơn môn vẫn tiếp tục được tiếp nối, kế thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bắt nguồn từ Thiền phái Trúc Lâm, chốn tổ Vĩnh Nghiêm hiện nay đang được phát triển tông phong với hàng nghìn ngôi chùa cũng như tăng ni trên khắp các tỉnh thành phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh…
Để tiếp nối và phát triển Tông phong của chốn tổ, hiện nay nhiều ngôi chùa được khai sơn, kiến thiết cũng được dùng tên là “chùa Vĩnh Nghiêm, tu viện Vĩnh Nghiêm, thiền viện Vĩnh Nghiêm, tịnh thất Vĩnh Nghiêm”. Nhằm tiếp nối giá trị truyền thống của cha ông không những về mặt hình thức cảnh quan, kiến trúc mà còn thực hành theo lối tu tập truyền thống bắt nguồn từ chính ngôi chùa Vĩnh Nghiêm tỉnh Bắc Giang thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xưa. Điển hình như:
- Chùa Vĩnh Nghiêm, số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh: được khởi công xây dựng vào năm 1964, hoàn thành năm 1973, lấy nguyên mẫu thiết kế từ chùa Vĩnh Nghiêm tỉnh Bắc Giang. Đây là một ngôi chùa với những nét đẹp cổ kim hài hòa, là một trong những trung tâm du lịch của thành phố ngày nay. Ngôi chùa được nhị vị Hòa thượng Tâm Giác, Hòa thượng Thanh Kiểm cùng với tăng ni và phật tử lập kế hoạch xây dựng để làm nơi sinh hoạt và chiêm bái cho tăng ni và đồng bào phật tử miền Bắc tại miền Nam, đồng thời cũng là nơi đào tạo tăng tài của Phật giáo tại miền Nam trong suốt nhiều năm qua. Đó là sự đóng góp to lớn của nhị vị Hòa thượng trong công cuộc hoằng dương đạo pháp. Ngoài việc xây dựng một ngôi già lam tráng lệ hùng vĩ, các ngài còn xây dựng một đời sống tâm linh và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho tăng ni, phật tử Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng. Tuy là tổ đình xuất phát từ miền Bắc nhưng ở đây không có sự phân biệt đối xử phân biệt giữa vùng miền mà đều bình đẳng, trao đổi giúp đỡ lẫn nhau để ngôi nhà tâm linh ngày càng phát triển và bừng sáng. Đặc biệt, đời sống đạo hạnh của nhị vị Hòa thượng đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng tăng ni, phật tử. Hiện nay, Thượng tọa Thích Thanh Phong đang kế thừa trụ trì Tổ đình, kiêm nhiệm Phó trưởng hệ phái miền Vĩnh Nghiêm tại thành phố Hồ Chí Minh (với hơn 100 ngôi chùa ở các tỉnh khu vực miền Nam cũng như Hải ngoại trực thuộc hệ phái).
- Thiền viện Vĩnh Nghiêm, số 61A đường Lê Ngọc Hân, phường 1, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Vũng Tàu: được nhị vị Hòa thượng Tâm Giác và Hòa thượng Thanh Kiểm khai sơn xây dựng vào năm 1966, lấy nguyên mẫu thiết kế từ chùa Vĩnh Nghiêm tỉnh Bắc Giang, chùa trực thuộc hệ phái Vĩnh Nghiêm – THồ Chí Minh. Hiện tại, Thượng tọa Thích Phúc Hải đệ tử của cố Hòa thượng Thanh Kiểm kế đăng trụ trì. Tưởng nhớ đến công đức cao dày của chư vị Tổ sư, Thượng tọa Phúc Hải đã cho xây dựng 3 ngôi bảo tháp để thờ vọng Tổ Vĩnh Nghiêm – Hòa thượng Thanh Hanh, Hòa thượng Tâm Giác và Hòa thượng Thanh Kiểm.
- Chùa Vĩnh Nghiêm, số 149 đường Phạm Văn Đồng, phường Tây Sơn, Tp.Pleiku, tỉnh Gia Lai: được Hòa thượng Thanh Kiểm thành lập năm 1970, nhằm phục vụ tín ngưỡng cho nhân dân phật tử miền Bắc sinh sống tại Pleiku. Hiện nay, ni sư Thích Nữ Minh Hậu được Giáo hội PGVN cũng như hệ phái Vĩnh Nghiêm tại miền Nam cử về tiếp quản trụ trì.
- Tu viện Vĩnh Nghiêm, đường HT 31, Hiệp Thành, Quận 12, THồ Chí Minh: do Thượng tọa Thích Thanh Phong và Thượng tọa Thích Giác Dũng khởi công xây dựng từ năm 2009, đến nay công trình vẫn đang được kiến thiết, xây dựng.
- Chùa Vĩnh Nghiêm 2, xã Giao Tân, thị trấn Giao Thủy, tỉnh Nam Định: được lấy nguyên mẫu từ chùa Vĩnh Nghiêm – THồ Chí Minh, cách thờ tự theo Phật giáo miền Bắc, do Thượng tọa Thích Thanh Phong sáng lập. Hiện nay, Thượng tọa giao cho đệ tử là Đại đức Thích Giác Hiếu tiếp quản trụ trì.
- Ngoài ra, Thượng tọa Thanh Phong còn sáng lập các ngôi chùa ở miền Hải ngoại như: Cộng hòa Liên Bang Đức, Hoa Kỳ, Úc… các ngôi chùa này đều được đặt tên là chùa Vĩnh Nghiêm.
Qua đây, chúng ta thấy rõ hệ thống chùa Vĩnh Nghiêm tỉnh Bắc Giang, từ cái nôi chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã không ngừng phát triển, lan tỏa khắp mọi miền đất nước cũng như Hải ngoại, làm cho tông phong ngày càng hưng thịnh, đồ chúng một ngày một đông, nhằm kế thừa phát huy tinh thần chốn tổ, làm rạng danh Tổ Đình. Đó là sự truyền thừa, tiếp nối noi gương chư Phật, chư Tổ để phát huy truyền thống dòng Thiền phái Trúc Lâm trên tinh thần tốt đời đẹp đạo, lợi ích chúng sinh. Tất cả những điều ấy, tự nó đã nói nên vai trò, vị trí to lớn của chùa Vĩnh Nghiêm đối với Phật giáo và đất nước. Trong tiến trình lịch sử, Phật giáo nói chung và chốn tổ Vĩnh Nghiêm nói riêng, luôn song hành “thăng trầm và phát triển” cùng dân tộc.
Tác giả: Tỳ kheo Thích Minh Hiếu
Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 11/2019
----------------------------------------------------------------------[1]Nguyễn Xuân Cần (chủ biên) (2004), Chốn Tổ Vĩnh Nghiêm, Bảo Tàng Bắc Giang, tr.9.
Bình luận (0)