Sống Mười Điều Lành – Phần 2Muốn thoát khỏi bệnh tật, tai nạn khổ đau, thì không có phương pháp nào hay hơn bằng phương pháp sống với MƯỜI ĐIỀU LÀNH. Sống với Mười Điều Lành thì phải thực hiện ba chỗ trên thân của chúng ta, đó là Thân, Khẩu, Ý.
MƯỜI ĐIỀU LÀNH
Vừa nghe câu kệ đầu: “Nghiệp lành thoát các phược”, Tôn giả Tu Bồ Đề hiểu rõ thân bệnh của mình do từ ác nghiệp của mình đã tạo ra. Tôn giả Tu Bồ Đề nhớ lại lời dạy của Đức Phật trong kinh Mười Điều Lành: “Người nào muốn thoát khỏi thân bệnh, không bị tai nạn, và cầu mong cho gia đình được đầm ấm yên vui, con cái hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, sống trong tình nghĩa yêu thương mặn nồng, tràn đầy hạnh phúc thì hãy sống trong MƯỜI ĐIỀU LÀNH”. Lời dạy này quá rõ ràng, chỉ có sống trong Mười Điều Lành thì gia đình đầm ấm yên vui, con cái hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, tràn đầy hạnh phúc.
Lời dạy này không dối người, chỉ có những người sống quen trong MƯỜI ĐIỀU ÁC nên không đủ lòng tin. Vì thế, họ không sống trong Mười Điều Lành này, nên phải chịu mọi sự khổ đau không bao giờ dứt.
Vậy Mười Điều Lành này là gì?
MƯỜI ĐIỀU LÀNH này là mười điều sống không làm khổ mình, khổ người và không làm khổ tất cả chúng sinh.
Làm người ai ai cũng cần phải thông hiểu Mười Điều Lành, và còn phải luôn luôn áp dụng nó vào cuộc sống hằng ngày của mình như ăn cơm, uống nước thì cuộc sống mới được bình an, vô sự.
Ai cũng biết con người không ăn cơm, uống nước thì không thể sống được. Cho nên, con người muốn không còn bệnh tật hay những tai nạn thì mười điều lành này phải sống như ăn cơm và uống nước. Khi biết pháp sống không còn đau khổ mà không áp dụng vào đời sống, thì thà chết còn sướng hơn sống trong đau khổ.
Chúng ta là những người có phước báu lớn nên mới gặp phương pháp MƯỜI ĐIỀU LÀNH.
Lòng từ bi của đức Phật mong muốn con người thoát ra mọi sự khổ đau, vì thế Ngài mới dạy chúng ta sống trong Mười Điều Lành. Mười Điều Lành này mới cứu chúng ta thoát khỏi tất cả bệnh tật, tai ương, nạn khổ, chớ không có một vị Thánh, Thần nào cứu chúng ta thoát khổ được. Cho nên, khi có bệnh tật hay tai nạn khổ đau mà đến lạy lễ cầu chư Phật, chư Bồ tát, chư Thánh, chư Thần từ bi cứu khổ, cứu nạn, thì những hành động cầu xin này là những hành động mê tín, dị đoan, lạc hậu và mù quáng.
Đức Phật ngày xưa dạy: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi, Ta không cứu khổ các con được”. Lời dạy như vậy mà chúng ta còn cầu khấn van xin, thì thử hỏi quý vị có phải là phật tử hay không? hay là những tín đồ của một tôn giáo nào?
Muốn thoát khỏi bệnh tật, tai nạn khổ đau, thì không có phương pháp nào hay hơn bằng phương pháp sống với MƯỜI ĐIỀU LÀNH. Sống với Mười Điều Lành thì phải thực hiện ba chỗ trên thân của chúng ta, đó là Thân, Khẩu, Ý.
- THÂN có ba việc làm lành:
- Không sát sanh
- Không trộm cắp
- Không tà dâm
- KHẨU có bốn việc làm lành:
- Không nói dối
- Không nói thêu dệt
- Không nói lật lọng (nói lưỡi đôi chiều)
- Không nói lời hung ác
- Ý có ba việc làm lành:
- Không tham lam
- Không sân hận
- Không si mê
Tại sao sống với MƯỜI ĐIỀU LÀNH mà thoát khỏi bệnh tật, tai nạn, khổ đau của kiếp con người?
Muốn trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta phải lần lượt xét xem Mười Điều Lành này như thế nào.
✿✿✿
ĐIỀU LÀNH THỨ NHẤT: Không nên GIẾT HẠI CHÚNG SANH
Người đời thường nói: “Thà nghèo mà mạnh giỏi, còn hơn giàu sang mà đau ốm”. Mọi vật sanh ra trong vũ trụ không có con vật nào mà không sợ chết, sợ khổ đau và bệnh tật. Thế nên tha mạng chết cho người (ân xá), cho vật (không sát sanh) là một ân huệ lớn.
Loài vật sắp bị giết mà được tha thì nỗi vui mừng không thể tả được. Hòa thượng Thiện Hoa dạy: “Như khi chúng ta thả một con chim sắp bị cắt cổ, nhổ lông, thả một con cá sắp đem chặt kỳ, đánh vảy; chim được sống vui mừng bay nhảy, cũng như cá khỏi chết hớn hở lội bơi”. Vậy, không giết hại chúng sinh, mà còn thả chúng sinh là nghiệp lành đứng hàng đầu trong mười điều lành.
Chúng ta ai cũng ham sống, sợ chết, lẽ đâu lại cướp mạng sống của loài vật? Thử hỏi chúng ta tự đặt mình vào hoàn cảnh con vật, xem chúng ta có còn lòng dạ nào giết hại chúng không? Đừng mượn câu: “Vật dưỡng nhân” mà cho rằng: “Trời sanh ra con vật để cho mình giết nó ăn thịt”. Vậy nếu vào rừng mình bị cọp ăn thì có phải ta là: “Nhân dưỡng vật không”? Chớ có lý luận theo kiểu ăn thịt chúng sanh mà tạo cho đôi tay luôn vấy máu và tâm hồn trở nên hung ác. Hãy quán sát và so sánh: chúng sanh giãy dụa trên thớt, dưới dao, còn chúng ta lăn lộn trong cơn bệnh ngặt nghèo, cơ thể rã rời, đau nhức; niềm đau, nỗi khổ của chúng ta và nỗi khổ đau của muôn loài cũng giống nhau không khác!
Muốn không giết hại chúng sinh, chúng ta hãy chế ngự và khắc phục tâm mình, đừng chạy theo sự ăn ngon của khẩu nghiệp mà tạo tội lỗi, máu đổ thịt rơi như núi, như biển. Hãy quán chiếu nỗi khổ của chúng sanh cũng là nỗi khổ của mình để tránh không sát sanh. Người tu còn phải quán chiếu ăn thịt chúng sanh như ăn thịt con mình, vì con vật hôm nay bị giết mà tiền kiếp lại là ông bà, cha mẹ của mình.
Theo luật nhân quả: “Sát sanh là cái nhân của bệnh tật, khổ đau, hoạn nạn. Nợ máu xương phải đền bù bằng máu xương, dù trốn đi đâu cũng không khỏi”.
Kinh Mười Điều Lành dạy: “Nếu ai không sát sanh thì sẽ được MƯỜI ĐIỀU LỢI ÍCH” như sau:
- Tất cả chúng sanh đều kính mến;
- Lòng từ bi mở rộng đối với tất cả chúng sanh;
- Trừ sạch thói quen giận hờn;
- Thân thể thường được mạnh khỏe;
- Tuổi thọ được lâu dài;
- Thường được người tốt giúp đỡ;
- Ngủ ngon giấc và không chiêm bao ác mộng;
- Trừ được các mối thù oán;
- Khỏi bị đọa vào ba đường ác;
- Sau khi chết được sanh lên cõi Trời.
Thật vậy, kẻ nào biết làm lành, làm phước, thường giúp đỡ, săn sóc người nghèo khổ, bệnh tật, tai nạn, khổ đau, v.v… thì tự thân mình ít bệnh tật, ít tai nạn. Nếu ai biết lo tạo phước lành thì ngay trong đời hiện tại thân thể được khỏe mạnh, tinh thần được thơ thới và tâm hồn lúc nào cũng an vui. Nếu thấy người nào được sung sướng, an vui, ít bệnh, thì ta phải hiểu rằng đây là cái quả do nhân lành đời trước và của đời này mà người ta được như thế.
Là phật tử, thọ Năm Giới hay Mười Giới cũng đều có GIỚI KHÔNG GIẾT HẠI CHÚNG SINH đi đầu. Không giết hại mọi vật là hành động từ bi, là đang học theo hạnh nguyện từ bi của chư Bồ tát đối với vạn vật trong vũ trụ.
Học hạnh từ bi của Phật thì chẳng những chúng ta không giết hại mọi vật, mà còn phải thực tập ăn chay, không ăn thịt chúng sanh. Người xưa đã nói: “Kiến kỳ sanh bất nhẫn kiến kỳ tử”. Thấy nó đang sanh sống thì không thể nào nhẫn tâm giết hại cho đành.
Chúng tôi biết có nhiều người ở miền quê, hiểu đạo Phật, khi nuôi con gà, con vịt thì họ không muốn ăn thịt chúng vì “thấy thương”. Thấy thương nên chúng ta phải ăn chay, ăn rau đậu, không ăn thịt, cá. Lúc đầu thì mình ăn chay kỳ, mỗi tháng hai ngày, sau đó lên bốn ngày, sáu ngày, mười ngày. Rất nhiều phật tử sau một thời gian ăn chay một tháng mười ngày thì họ ăn chay kỳ, nghĩa là mỗi năm ăn chay suốt tháng giêng (Thượng ngươn), tháng bảy (Trung ngươn), tháng mười (Hạ ngươn).
Người tu sĩ xuất gia theo Phật mỗi khi ăn còn phải “Tam Đề, Ngũ Quán”. TAM ĐỀ là ăn ba miếng cơm lạt trước mỗi bữa ăn và thầm nguyện: “Nguyện đoạn các điều ác, nguyện làm các điều lành, nguyện độ tất cả chúng sanh”. Tại Tu Viện Chơn Như thì tăng, ni và phật tử nguyện như sau: “Nguyện sẽ không làm khổ mình, nguyện không làm khổ người, nguyện cho tất cả chúng sanh không gây đau khổ cho nhau”.
NGŨ QUÁN là: “Trong bữa ăn hôm nay, con nghĩ đến công lao khó khổ của bao nhiêu người làm nên thức ăn này. Nguyện cố gắng tu tập tốt để xứng đáng thọ nhận những thực phẩm này. Nguyện ngăn ngừa những tật xấu ác. Chỉ xin nhận thức ăn vừa đủ để nuôi thân. Vì muốn thành tựu đạo giải thoát và cứu độ chúng sanh, nên con xin thọ nhận thức ăn này”.
Người tu sĩ của đạo Phật khi đi kinh hành còn phải lưu ý tránh giẫm đạp, làm chết cỏ. Cỏ cây còn không làm tổn hại, thì có lý nào lại giết hại mạng sống loài vật cho đành? Cho nên, người nào làm đồ chay mà đặt tên đồ mặn như “Thịt kho Tàu, gà xé phay, thịt gà xào sả ớt, xá xíu, tôm kho, mắm chay, v.v…” là còn tâm thèm ăn mặn. Người đệ tử Phật, muốn thoát sinh tử luân hồi mà còn ăn mặn thì tu ngàn đời cũng không giải thoát. Nếu ai bảo rằng Phật cho phép chúng ta, kể cả các tu sĩ được ăn thịt chúng sanh “nếu ăn không thấy, không nghe, không nghi”, thì đó là lý luận của người sau để biện minh cho “cái tâm thèm thịt”, hợp thức hóa chuyện ăn mặn của mình, nghĩa là không giữ được giới cấm giết hại chúng sanh. Trong kinh sách nguyên thủy đức Phật không có dạy điều đó. Đây là lời chân thật, xin các phật tử phải ghi nhớ và hành trì để được phước báu và tu tập có kết quả tốt. Trong kinh nguyên thủy, bài kinh Jivaka dạy: Người cư sĩ cúng dường Phật và chư tăng bằng thực phẩm động vật thì có “NĂM ĐIỀU PHI CÔNG ĐỨC”. Thế sao các cư sĩ lại cúng dường thực phẩm động vật cho chư tăng? Như vậy có đúng không?
Đức Phật đã cấm đệ tử cư sĩ: “Giới thứ nhất không giết hại chúng sanh”. Thế sao các cư sĩ lại sát sanh, cúng dường thực phẩm động vật cho chư tăng? Điều này có trái và mâu thuẫn lại với lời dạy giới cấm của đức Phật chăng?
Tóm lại, đạo Phật là đạo từ bi, thương yêu tất cả mọi người, mọi loài chúng sanh kể cả cầm thú, côn trùng, cỏ cây, đất đá…
Người đệ tử Phật giữ giới không giết hại chúng sanh là giữ gìn ĐỨC HIẾU SINH. Thử tưởng tượng một ngày mà chúng ta không ăn thịt thì biết bao nhiêu sinh mạng được thoát chết! Nếu chúng ta có “Làng Trường Chay”, thì mọi người đều giữ giới sát sanh thật dễ dàng. Người người giữ giới không giết hại chúng sinh, nhà nhà giữ giới không giết (36) hại chúng sinh thì làm gì có chiến tranh gây cảnh máu đổ thịt rơi, cửa nhà tan nát! Ngày xưa, vào những ngày rằm lớn, tại chợ Long Hoa, Tây Ninh, vùng tôn giáo Cao Đài, không có một nơi nào bán thịt, quả là một điều hy hữu!
Giết mạng thì phải đền mạng, đó là luật nhân quả. Thế nên đức Phật dạy cho hàng cư sĩ, sau khi qui y thì phải từ bỏ sáu nghề, cũng là để trau dồi đức hiếu sinh vậy.[1] Không giết hại chúng sanh, mà còn đem chúng sanh ra thả thì phước đức vô lượng.
Để kết luận bài này, chúng tôi xin ghi lại đây bài thơ của cổ đức, để sách tấn mọi người con Phật cố gắng hành trì giới không giết hại chúng sinh, để đem lại sự an vui cho mình, cho người và cho muôn loài chúng sinh:
“Hàng ngày trong bát cơm ăn
Oán sâu như bể, hận bằng non cao
Muốn xem binh lửa thế nào
Hãy nghe lò thịt, tiếng gào đêm thâu”
Đúng vậy, qua bài kệ này chúng ta thấy, cuộc sống của con người không bảo đảm. Những tin tức khắp nơi trên thế giới qua báo chí và điện đài, truyền hình, đã cho chúng ta biết gió bão, lũ lụt, động đất, núi lở, người chết, nhà cửa tan nát không nước này thì nước khác, và hơn nữa chiến tranh người giết người không nơi này thì nơi khác. Hình ảnh tang thương như vậy, thế mà con người còn chưa thức tỉnh, cứ mải mê sống trong mười điều ác.
Nhân quả rất thực tế, dân chài lưới là những người chết nhiều nhất trong những năm gần đây, hễ có lũ lụt là có hằng trăm người chết trôi. Bởi vậy, người nào chuyên nghề đánh cá thì không tránh khỏi nước cuốn trôi xuống sông, xuống biển để làm mồi cho cá tôm ăn thịt.
✿✿✿
ĐIỀU LÀNH THỨ HAI: KHÔNG NÊN TRỘM CẮP
Trộm cắp là do lòng tham lam, ham muốn sống được thảnh thơi, an nhàn, có nhiều của cải tài sản và được ăn ngon, mặc đẹp mà chẳng cần phải làm lụng vất vả như bao nhiêu người khác. Hòa thượng Thiện Hoa dạy: “Người không gian tham, trộm cắp là người yêu chuộng công bình, tôn trọng của cải kẻ khác như của mình”.
Tiền bạc là huyết mạch của con người, nếu không có nó đời sống sẽ vất vả. Nếu của cải mình làm ra mà bị người ta lấy hết thì mình có đau lòng không? Mình mất của thì mình xót xa, tiếc nuối, thì người mất của cũng đau khổ như thế. Có nhiều người bị trộm cắp mất hết của cải, vàng bạc, thất vọng đến nỗi phải quyên sinh. Vả lại, của phi nghĩa thường vô ngõ trước ra ngõ sau, tiêu hao như nước soi, cát chảy. Manh tâm giành giựt cho lắm, chết rồi cũng hai bàn tay không.
Người không trộm cắp luôn sống an vui vì không sợ bị tù tội, hoặc có người thù oán mình. Nếu mọi người giữ giới không nên trộm cắp thì nhà nhà được an vui, của đánh rơi cũng không có ai lượm, quên đóng cửa cũng chẳng có ai mất đồ. Nghe nói ngày xưa bên Trung Hoa, thời vua Nghiêu, vua Thuấn, thái bình thịnh trị, người ta ngủ cũng chẳng cần đóng cửa, đồ đạc có đánh rơi cũng không ai lượm, tôi thích lắm. Không ngờ ngày nay, tại các nước văn minh trên thế giới, nếu ai mất của, đi báo cảnh sát thì người ta cho biết có người nhặt được rồi.
Tôi biết một phật tử tại Nhật bảo rằng, một hôm cô có việc cần đi gấp, cô rời khỏi nhà cả ngày, không khóa cửa, về nhà đồ đạc vẫn còn nguyên. Cô T.H ở California nói, có một hôm, cô về nhà thì thấy cửa mở toang, cô hoảng sợ, không dám vô nhà, cô gọi cảnh sát đến, họ đưa cô vào nhà, lục soát khắp nơi, thấy không mất gì cả. Thì ra, khi rời khỏi nhà cô không khóa cửa, gió thổi mở tung cửa mà thôi. Tại Việt Nam, thỉnh thoảng ta cũng thấy đăng trên báo những tấm lòng vàng, lượm được gói tiền, hoặc cái bóp của ai đánh rơi, đã thông báo để chủ nhân đến nhận lại. Nhưng những tấm lòng vàng ấy ngày càng hiếm hoi.
Người phật tử thọ Năm Giới thì không bao giờ khởi ý trộm cắp, dù trái cà, trái bí, cây đinh, cọng kẽm, nếu người ta không cho thì mình không được tùy tiện lấy đi. Từ đó suy ra, tất cả những gì không phải của mình thì mình không được lấy, không nhận, không sử dụng. Bây giờ, giả sử có người lượm được tờ giấy bạc 50.000 đồng Việt Nam hoặc tờ giấy 100 đô la, đưa lên máy phóng thanh mà gọi chừng hai lần thì đến lần thứ ba sẽ có người nhảy ra nhận là mình mất (mặc dù người ấy không có tờ giấy bạc ấy!).
Trong cuộc sống hàng ngày, tại các xí nghiệp, nếu công nhân mà đi trễ, về sớm thì dễ bị sa thải. Công nhân viên làm việc mà lấy văn phòng phẩm đem về nhà để cho mình và gia đình mình xài là ăn cắp của công! Sử dụng máy photocopy để sao giấy tờ cá nhân của mình, thậm chí sao chụp tài liệu tu học để tặng bạn bè (nghĩ rằng mình làm phước, giúp người tu hành sẽ được phước), không ngờ lòng tốt ấy cũng là ăn cắp của công, làm việc riêng. Có nhiều người đến sở làm mà đọc báo, đọc tiểu thuyết, nghe nhạc, trang điểm, hoặc cùng bạn bè ra quán cà phê tán gẫu hàng giờ… tất cả đều ăn cắp giờ làm việc mà thôi. Là phật tử, thọ trì Năm Giới hay Mười Giới đều phải ghi nhớ điều ấy, nếu rơi trúng vào một trong những điều kể trên tức là phạm giới thứ hai: Không Trộm Cắp.
Kinh Mười Điều Lành dạy: “Nếu không trộm cắp, mà còn bố thí thì sẽ được MƯỜI QUẢ BÁO PHƯỚC LÀNH” như sau:
- Tiền của có dư, không bị vua quan, giặc giã cướp mất, không bị nạn lũ lụt trôi, lửa cháy, hay con cái phá tán;
- Được nhiều người kính mến và tin cậy;
- Không bị ai lừa dối gạt gẫm;
- Xa gần đều khen ngợi lòng ngay thẳng của mình;
- Lòng được an ổn, không lo sợ về sự tổn hại nào;
- Tiếng lành đồn xa;
- Ở chỗ đông người lòng không khủng khiếp;
- Tiền của, tánh mạng, nhan sắc, sức khỏe an vui, biện tài vô ngại;
- Thường sẵn lòng bố thí cho tất cả chúng sanh;
- Khi chết được sanh lên cõi Trời.
Thật vậy, làm phước được phước. Chẳng phải mình mong cầu, mà phước ấy vẫn tự đến với mình. Lời Phật dạy: “Bố thí bất trụ tướng thì phước đức như hư không”. Điều này chúng tôi đã nghiệm thấy trong cuộc đời mình cũng như trong cuộc đời của các cư sĩ theo tu học với chúng tôi. Chẳng những mình không tham lam của người, mà còn bỏ đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình ra để bố thí, cúng dường, thì những người ấy không bao giờ lâm vào cảnh nghèo đói. Các phật tử làm việc ở nước ngoài thường dễ bị thất nghiệp vì hãng xưởng làm ăn, buôn bán ế ẩm, nhưng các phật tử thuần thành, thường hành hạnh bố thí đều gặp may mắn; họ không bị cho nghỉ việc, hoặc nếu có thôi việc ở nơi này thì họ liền tìm được một nơi khác còn tốt hơn chỗ cũ.
Người giàu sang mà bo bo giữ của cải, không làm phước, bố thí giúp người nghèo khó, bệnh tật thì đêm nằm ngủ không yên. Có của cải quý báu trong nhà thì tối ngày không dám rời nhà nửa bước, sợ gia nhân ăn cắp, hoặc ăn trộm cạy cửa lấy đồ, đêm ngủ không yên, nghe tiếng động tịnh thì lại tỉnh giấc, nơm nớp lo sợ ăn cướp… Giữ giới không trộm cắp là thực tập TÂM BUÔNG XẢ. Tâm buông xả thì thảnh thơi, an nhàn, không có gì phải lo toan.
Vậy quý phật tử phải thường xuyên giữ giới không trộm cắp và tập bố thí, buông xả thì thân tâm an lạc, phước lành tăng trưởng.
Tác giả: Trưởng lão Thích Thông Lạc Trích sách: Sống Mười Điều Lành – Nhà xuất bản Tôn giáo
Bình luận (0)