Trích từ kinh Tương Ưng bộ, chương 6: Tương ưng lợi đắc cung kính

1. Lợi đắc, cung kính là khổ lụy

Đoạn kinh trong "Phẩm I"

"Khổ lụy, này các Tỳ-kheo, là các lợi đắc, cung kính, danh vọng; thật là đắng cay, ác độc, là chướng ngại pháp để chứng đạt vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách.

Do vậy, này các Tỳ-kheo, cần phải học tập như sau: "Đối với lợi đắc, cung kính, danh vọng đã đến, chúng ta sẽ từ bỏ chúng. Đối với lợi đắc, cung kính, danh vọng chưa đến, chúng ta không để chúng xâm chiếm tâm và an trú"".

Ảnh minh hoạ, thiết kế bởi AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học
Ảnh minh hoạ, thiết kế bởi AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Đối với người tu hành, kinh ví dụ cung kính, danh vọng như sau:

"Ví như, này các Tỳ-kheo, một người câu cá quăng một lưỡi câu ngắn có mồi thịt vào trong một hồ nước sâu, và một con cá có mắt thấy mồi thịt nuốt lưỡi câu ấy. Như vậy, này các Tỳ-kheo, con cá đã nuốt lưỡi câu ấy bị rơi vào bất hạnh, bị rơi vào tai họa, bị người câu cá muốn làm gì thì làm.

Người câu cá, này các Tỳ-kheo, chỉ cho ma, lưỡi câu, này các Tỳ-kheo, chỉ cho lợi đắc, cung kính, danh vọng. Tỳ-kheo nào, này các Tỳ-kheo, thọ hưởng, ái luyến lợi đắc, cung kính, danh vọng đã đến, Tỳ-kheo ấy, này các Tỳ-kheo, được gọi là Tỳ-kheo đã nuốt lưỡi câu của (ác) ma, bị rơi vào bất hạnh, bị rơi vào tai họa, bị ác ma muốn làm gì thì làm. 

Như vậy, khổ lụy, này các Tỳ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng; thật là đắng cay, ác độc, là chướng ngại pháp để chứng đắc vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.

Do vậy, này các Tỳ-kheo, các ông phải học tập như sau: "Đối với lợi đắc, cung kính, danh vọng đã đến, chúng ta hãy từ bỏ chúng. Và đối với lợi đắc, cung kính, danh vọng chưa đến, chúng ta không đề chúng xâm chiếm tâm và an trú".

Như vậy, này các Tỳ-kheo, các ông cần phải học tập."

Ở đây, “khổ lụy” không chỉ là nỗi khổ thông thường mà còn là sự liên đới ảnh hưởng tới quá trình phát triển bản thân, chướng ngại cản trở sự thức tỉnh, khiến người tu hành bị cuốn vào vòng xoáy tham ái và ngã mạn.

(1) Lợi đắc: Là sự được lợi ích vật chất, tài sản, tiền bạc.

(2) Cung kính: Là sự tôn trọng, sùng bái từ người khác.

(3) Danh vọng: Là tiếng tăm, sự nổi tiếng và địa vị trong xã hội. 

Tất cả những điều này đều dễ khiến tâm bị xao động, dẫn đến ngã mạn, chấp thủ, làm mất đi sự tĩnh lặng và chính niệm trong đời sống.

Bài kinh ví lợi đắc, cung kính, danh vọng như lưỡi câu có mồi thịt, còn người tu hành là con cá. Khi con cá bị mồi câu hấp dẫn, lôi kéo con cá đến nuốt mồi, nó không ý thức được lưỡi câu nguy hiểm ẩn bên trong. Đến khi nhận ra, nó đã bị mắc câu, không còn tự do, mà phụ thuộc hoàn toàn vào người câu cá. Điều này cũng tượng trưng cho ma chướng. 

Mồi câu chính là lợi lộc, sự tôn vinh, tiếng tăm dễ dàng làm người tu hành và người đời lạc lối. Trong khi lưỡi câu là cái bẫy của tham ái, ngã mạn, và danh lợi thì lại ẩn sau miếng mồi. Người câu cá là ác ma, kẻ dùng danh lợi để lôi kéo tâm trí con người với mục đích tà ác cá nhân. 

2. Vì lợi dưỡng, người phát tâm tu chân thật nói dối

Đoạn kinh tại phẩm II:

"Ở đây, này các Tỳ-kheo với tâm của Ta, Ta biết có người có tâm như sau: 

"Dầu cho vì một bình bát bạc đựng đầy phấn vàng, vị này cũng không có cố ý nói láo". 

Trong một thời gian khác, Ta lại thấy người ấy bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm, đã cố ý nói láo. 

Ở đây, này các Tỳ-kheo, với tâm của Ta, Ta biết có người có tâm như sau…

Dầu cho vì một đồng tiền vàng… Dầu cho vì một trăm đồng tiền vàng… Dầu cho vì một đồng tiền vàng ròng Nikkha... Dầu cho vì một trăm đồng tiền vàng ròng Nikkha... Dầu cho vì quả đất đầy những vàng... Dầu cho vì mọi lợi ích vật chất... Dầu cho vì mạng sống... Dầu cho vì người mỹ nhân địa phương, vị ấy cũng không cố ý nói láo.

Trong một thời gian khác, Ta lại thấy người ấy bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị chinh phục, đã cố ý nói láo. Như vậy khổ lụy, này các Tỳ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng."

Bài kinh nhấn mạnh rất rõ ràng rằng: Ngay cả những người từng có tâm chân thật, không nói dối, cũng dễ bị lợi đắc, cung kính, danh vọng làm thay đổi ý nguyện tu hành. Từ chỗ không cố ý nói láo, họ sẵn sàng nói dối để bảo vệ danh tiếng và có thêm nhiều lợi ích cho mình.

Những lời tuyên bố hùng hồn tới mức, dù vàng có lấp đầy quả đất này hay kể cả mạng sống, người có chí nguyện tu hành cũng không bao giờ nói dối. Nhưng một thời gian khác, lại sẵn sàng nói láo vì những thứ đó, điều này để nói lên rằng sự lợi dưỡng có sức mạnh đáng sợ, không dễ gì từ chối.

3. Từ bỏ sự cung kính

Đoạn kinh tại phẩm III:

"Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỳ-kheo, không như thật biết sự tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt, nguy hiểm và xuất ly của lợi đắc, cung kính, danh vọng; các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy đối với với Ta, không được chấp nhận là Sa-môn giữa các Sa-môn, không được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các Bà-la-môn. Và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong đời sống hiện tại cũng không tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an túc mục đích của Sa-môn hạnh và mục đích của Bà-la-môn hạnh.

Và những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỳ-kheo, như thật biết sự tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt... của lợi đắc, cung kính, danh vọng; các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy đối với ta được chấp nhận là Sa-môn giữa các Sa-môn, hay Bà-la-môn giữa các Bà-la-môn. 

Và những bậc Tôn giả ấy ngay trong đời sống hiện tại, có thể tự mình giác ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn và mục đích Bà-la-môn hạnh. 

Do vậy, này Ananda, cần phải học tập như vầy: "Đối với lợi đắc, cung kính, danh vọng đã đến, chúng ta hãy từ bỏ chúng. Và đối với các lợi đắc, cụng kính, danh vọng chưa đến, chúng ta không để chúng xâm chiếm tâm và an trú.”"

Lời kết

Đoạn kinh không chỉ có giá trị với người tu hành mà cho tất cả mọi người trong sự vận hành xã hội. Người tu hành nhận lợi dưỡng vì “nhu cầu thân mạng”, nuôi thân chân chính; thì người đời đạt được danh vọng, địa vị cũng chính là thời điểm cần quán chiếu sự xả ly, không ngã mạn, không tham ái, không chấp thủ.

Đối với danh vọng đã đến, hãy từ bỏ chúng, tiếp tục sự đóng góp của mình cho xã hội, tiếp tục nuôi dưỡng hành vi thiện lành mình đang có. Và đối với các lợi đắc, danh vọng chưa đến, chúng ta không để chúng xâm chiếm tâm, không lấy nó làm mục đích của mình. 

Cư sĩ Phúc Quang

Tài liệu: Kinh Tương ưng bộ, Chương 6: Tương ưng lợi đắc cung kính, Phẩm I, II, III, Dịch giả: HT. Thích Minh Châu.