Tác giả: Thiền giả Yuval Noah Harari
Việt dịch: Thích Vân Phong
Thực sự chúng ta chỉ trân trọng đầu gối của mình khi nó ngừng hoạt động. Trật tự toàn cầu cũng như thế. Quy luật lịch sử này nên nằm trong tâm trí của các nhà lãnh đạo thế giới trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine được tổ chức trong 2 ngày 15 - 16/6/2024. Tham dự hội nghị có đại diện của tổng cộng 92 quốc gia, trong đó có gần 60 nguyên thủ quốc gia. Nếu hoà bình không thể được khôi phục và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế tiếp tục tan rã, hậu quả thảm khốc sẽ được cảm nhận trên toàn cầu.
Bất cứ khi nào các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế trở nên vô nghĩa, các quốc gia tự nhiên tìm kiếm sự an toàn trong vũ khí và liên minh quân sự. Với các sự kiện ở Ukraine, ai có thể đổ lỗi cho Ba Lan vì đã tăng gần gấp đôi quân đội và ngân sách quân sự, Phần Lan vì đã gia nhập NATO hay Ả Rập Saudi vì đã theo đuổi một Hiệp ước Quốc Phòng với Hoa Kỳ?
Thật không may, sự gia tăng ngân sách quân sự lại gây tổn hại đến những thành viên yếu nhất của xã hội, bởi tiền được chuyển từ trường học và Phòng khám Y khoa sang xe tăng và tên lửa. Các liên minh quân sự cũng có xu hướng làm gia tăng bất bình đẳng.
Các quốc gia yếu kém bị bỏ lại bên ngoài lá chắn bảo vệ của họ và họ dễ dàng trở thành con mồi. Khi các khối quân sự hóa lan rộng khắp thế giới, các tuyến đường thương mại trở nên căng thẳng và thương mại suy giảm, người nghèo phải trả giá cao nhất cho các dịch vụ an sinh. Khi căng thẳng giữa các khối quân sự gia tăng, khả năng một tia lửa nhỏ ở một góc xa xôi của thế giới sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột toàn cầu.
Vì các liên minh dựa trên uy tín, ngay cả một thách thức nhỏ ở một địa điểm không đáng kể cũng có thể trở thành sự biện minh cho hành động chiến tranh (casus belli).
Nhân loại đã từng chứng kiến tất cả. Hơn hai nghìn năm trước đây, Tướng lĩnh và binh lược gia Tôn Tử (545 - 470 TCN), nhà triết học luật gia và cố vấn hoàng gia trong triều Chandragupta, chiêm tinh gia Chānakya (350–283 TCN), sử gia Hy Lạp, cha đẻ của trường phái chính trị thực dụng Thucydides (460 - 395 TCN) đã vạch trần cách thức mà trong một thế giới vô luật pháp, việc tìm kiếm sự an toàn lại khiến mọi người trở nên kém an toàn hơn.
Những kinh nghiệm trong quá khứ như Đại chiến thế giới lần thứ hai và Chiến tranh Lạnh cho chúng ta bài học rằng trong một cuộc xung đột toàn cầu, kẻ yếu là những người phải hứng chịu đau khổ không cân xứng.
Ví dụ, trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, một trong những tỷ lệ thương vong cao nhất là ở Đông Ấn thuộc Hà Lan - ngày nay là Indonesia. Khi chiến tranh nổ ra ở Đông Âu vào năm 1939, nơi đây là một thế giới khác xa với những người nông dân trồng lúa ở Java, nhưng các sự kiện ở Ba Lan đã gây ra một phản ứng dây chuyền giết chết khoảng 3,5 triệu đến 4 triệu người Indonesia, chủ yếu là do bị chết đói hoặc lao động cưỡng bức dưới bàn tay của những kẻ chiếm đóng Nhật Bản.
Con số này chiếm 5% dân số Indonesia, tỷ lệ thương vong cao hơn nhiều quốc gia tham chiến lớn, bao gồm Hoa Kỳ (0,3%), Anh (0,9%) và Nhật Bản (3,9%).
Hai mươi năm sau, một lần nữa Indonesia phải trả một cái giá đặc biệt đắt đỏ. Chiến tranh lạnh có thể lạnh lẽo ở Berlin, nhưng lại là một địa ngục thiêu đốt ở Jakarta, thủ đô và là thành phố lớn nhất của Indonesia.
Các cuộc thảm sát và bất ổn dân sự ở Indonesia từ những thập niên 1965 - 1966 nhằm vào các thành viên và những người ủng hộ Đảng Cộng sản Indonesia (PKI), cũng như các nhóm khác như phụ nữ Gerwani (Phong trào Phụ nữ Indonesia), công đoàn, người Java Abangan, người Hoa, người vô thần, những người bị gọi là “kẻ không tin”, và những người bị cáo buộc là theo cánh tả. Ước tính cho thấy ít nhất 500.000 đến 1,2 triệu người đã bị giết, với một số ước tính lên tới hai đến ba triệu người. Những sự kiện này đôi khi được mô tả như là diệt chủng hoặc thanh lọc chính trị.
Tình hình hiện nay có khả năng tồi tệ hơn so với những thập niên 1939 hoặc 1965. Không những là một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ gây nguy hiểm cho hàng trăm triệu người ở các quốc gia trung lập. Nhân loại cũng phải đối mặt với các mối đe doạ hiện hữu gia tăng từ biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo (AI) ngoài tầm kiểm soát.
Khi ngân sách quân sự tăng vọt, số tiền có thể giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu, nhưng lại thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu. Khi cạnh tranh quân sự gia tăng, thiện chí cần thiết cho các thoả thuận về biến đổi khí hậu cũng bốc hơi. Căng thẳng gia tăng cũng phá hỏng cơ hội đạt được các thoả thuận về việc hạn chế cuộc chạy đua vũ trang trí tuệ nhân tạo quân sự, cuộc chạy đua vũ trang giữa hai hoặc nhiều quốc gia để phát triển và triển khai các hệ thống vũ khí tự động gây chết người (LAWS).
Chiến tranh bằng vũ khí máy bay không người lái, một hình thức chiến tranh sử dụng rôbốt nói riêng đang tiến triển nhanh chóng và thế giới có thể sớm chứng kiến các đàn máy bay không người lái hoàn toàn tự động chiến đấu với nhau trên bầu trời Ukraine và giết chết hàng nghìn người trên mặt đất.
Những con rôbốt sát thủ đang đến, nhưng con người lại bị tê liệt vì bất đồng quan điểm. Nếu hoà bình không sớm được mang lại cho Ukraine, mọi người có thể sẽ phải hứng chịu đau khổ, ngay cả khi họ sống cách Kyiv, thủ đô và là thành phố lớn nhất nước Ukraine hàng nghìn km và nghĩ rằng cuộc chiến ở đó không liên quan gì đến họ.
Phá vỡ Điều cấm kỵ lớn nhất (Breaking the biggest taboo)
Việc kiến tạo hoà bình không hề dễ dàng. Thiên hạ nói rằng các quốc gia tiến vào chiến tranh qua một cánh cửa chuồng, nhưng lối thoát duy nhất là qua một cái lỗ chuột. Trước những tuyên bố vì lợi ích xung đột, thật khó để đổ lỗi và tìm ra một sự thoả hiệp hợp lý. Tuy nhiên, khi nói đến chiến tranh, cuộc chiến Nga - Ukraine lại cực kỳ đơn giản.
Thực chất, Đảng Cộng sản Liên Xô, trực tiếp và chủ yếu là Bộ Chính trị đã tha hóa, đã tự đánh mất mình và làm cho Liên Xô tan rã, sau khi Liên Xô sụp đổ 1991, nền độc lập và biên giới của Ukraine đã được công nhận trên toàn thế giới. Đất nước này cảm thấy an toàn đến mức đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân mà họ thừa hưởng từ Liên Xô, mà không yêu cầu Nga hoặc các cường quốc khác làm như thế.
Đổi lại Bản ghi nhớ Budapest, Văn bản được ký kết vào ngày 5/12/1994 giữa Ukraine, Mỹ, Anh và Nga trong bối cảnh yêu cầu cấp thiết về kiểm soát vũ khí toàn cầu sau Chiến tranh Lạnh, với việc Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton gọi thế giới là “nơi an toàn hơn” sau khi Bản ghi nhớ được ký kết.
Bản ghi nhớ Budapest hứa sẽ “kiềm chế đe doạ hoặc sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị” của Ukraine. Đây là một trong những hành động giải trừ quân bị đơn phương lớn nhất trong lịch sử. Việc đổi bom hạt nhân lấy những lời hứa trên giấy tờ có vẻ là một động thái khôn ngoan đối với người dân Ukraine vào năm 1994, khi lòng tin vào các quy tắc và thỏa thuận quốc tế lên cao.
Hai mươi năm sau, vào năm 2014, chiến tranh Nga - Ukraine bắt đầu khi lực lượng Nga chiếm đóng Crimea và kích động các phong trào ly khai ở miền đông Ukraine. Cuộc chiến này diễn ra trong tám năm tiếp theo, cho đến tháng 2 năm 2022, Nga phát động một cuộc tấn công nhằm chinh phục toàn bộ Ukraine.
Nga đưa ra nhiều lý do bào chữa cho hành động của mình, đáng chú ý nhất là họ đã ngăn chặn trước một cuộc tấn công của phương Tây vào Nga. Tuy nhiên, cả những năm 2014 và năm 2022 đều không có bất kỳ mối đe dọa sắp xảy ra nào về một cuộc xâm lược vũ trang như thế. Những lời bàn tán mơ hồ về “chủ nghĩa Đế quốc phương Tây” hay “chủ nghĩa thực dân Coca-Cola về mặt văn hóa” có thể đủ tốt để thúc đẩy các cuộc tranh luận trong các toà tháp ngà, nhưng họ không thể hợp pháp hoá việc thảm sát cư dân Bucha hoặc ném bom Mariupol thành đống đổ nát.
Hầu hết trong lịch sử, thuật ngữ “chủ nghĩa đế quốc” ám chỉ những trường hợp khi một quốc gia hùng mạnh như Rome, Anh hoặc Nga hoàng chinh phục các vùng đất nước ngoài và biến chúng thành các tỉnh địa phương. Chủ nghĩa đế quốc kiểu này dần trở thành điều cấm kỵ sau năm 1945. Mặc dù không thiếu các cuộc chiến tranh vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 - với những cuộc xung đột khủng khiếp đang diễn ra ở Palestine và Israel, và ở Sudan, Myanmar và những nơi khác - cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào một quốc gia được quốc tế công nhận lại bị xoá khỏi bản đồ do bị một kẻ xâm lược hùng mạnh thôn tính.
Khi Iraq cố gắng làm điều đó với Kuwait vào những thập niên 1990 - 1991, một liên minh quốc tế đã khôi phục nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Kuwait. Và khi Hoa Kỳ xâm lược Iraq vào năm 2003, không bao giờ có vấn đề sát nhập đất nước này hoặc bất kỳ phần nào của nó.
Đế quốc Nga đã sát nhập không chỉ Crimea mà còn tất cả các vùng lãnh thổ mà quân đội của họ hiện đang chiếm đóng ở Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tuân theo nguyên tắc đế quốc rằng bất kỳ vùng lãnh thổ nào bị quân đội Nga chinh phục đều được nhà nước Nga sát nhập. Thật vậy, Đế quốc Nga đã đi xa đến mức sát nhập một số vùng mà quân đội của họ chỉ có ý định chinh phục, chẳng hạn như các vùng không bị chiếm đóng của Kherson, Zaporizhzhia và Donetsk.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thèm muốn che dấu ý định đế quốc của mình. Ông đã nhiều lần lập luận kể từ ít nhất năm 2005 rằng, sự sụp đổ của Đế chế Liên Xô là “thảm hoạ địa chính trị lớn nhất thế kỷ”, và đã hứa sẽ xây dựng lại Đế chế này. Ông còn lập luận thêm rằng quốc gia Ukraine không thực sự tồn tại, và rằng Đế quốc Nga có quyền lịch sử đối với toàn bộ lãnh thổ Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thắng cuộc chiến ở Ukraine, thì chủ nghĩa Đế quốc kiểu này sẽ quay trở lại trên toàn thế giới.
Ví dụ, điều gì sẽ ngăn cản Venezuela chinh phục Guyana, hay Iran chinh phục Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất?
Điều này sẽ ngăn cản chính nước Nga chinh phục Estonia hay Kazakhstan? Không có biên giới và không có quốc gia nào có thể tìm thấy sự an toàn trong bất cứ thứ gì ngoại trừ vũ khí và liên minh. Nếu điều cấm kỵ về các cuộc chinh phục đế quốc bị phá vỡ, thì ngay cả các quốc gia có nền độc lập và biên giới đã giành được sự công nhận quốc tế từ lâu cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị xâm lược ngày càng gia tăng, và thậm chí một lần nữa đã trở thành các tỉnh thành của Đế quốc.
Mối nguy hiểm này không phải là điều không thể bỏ qua đối với những người quan sát ở các thuộc địa đế quốc cũ. Trong một bài phát biểu vào tháng 2 năm 2022, tại Liên hợp quốc, ông Đại sứ Kenya Martin Kimani, đã giải thích rằng sau khi các đế chế châu Âu sụp đổ, những người dân mới được giải phóng ở Châu Phi và những nơi khác coi biên giới quốc tế là điều thiêng liêng, đã vì họ hiểu rằng nếu không thì sẽ phải tiến hành những cuộc chiến tranh bất tận.
Các quốc gia châu Phi đã thừa hưởng nhiều biên giới có khả năng tranh chấp từ quá khứ đế quốc, tuy nhiên, như ông Đại sứ Kenya Martin Kimani giải thích, “chúng tôi đã đồng ý rằng chúng tôi sẽ giải quyết các biên giới mà chúng tôi thừa hưởng. . . Thay vì thành lập các quốc gia luôn nhìn lại quá khứ với nỗi nhớ nguy hiểm, chúng tôi đã chọn hướng tới sự vĩ đại mà không một quốc gia và dân tộc nào trong số nhiều quốc gia và dân tộc của chúng tôi từng biết đến”.
Đề cập đến nỗ lực xây dựng lại Đế chế Liên Xô của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Đại sứ Kenya Martin Kimani cho biết mặc dù sự sụp đổ của đế quốc thường để lại nhiều khát vọng chưa được thỏa mãn, nhưng chúng không bao giờ nên được theo đuổi bằng vũ lực. “Chúng ta phải hoàn thành quá trình phục hồi từ đống tro tàn của các đế chế cũ đã chết theo cách không khiến chúng ta rơi vào các hình thức thống trị và áp bức mới”.
Đại sứ Kenya Martin Kimani đã ám chỉ, động lực thúc đẩy xâm lược Ukraine của Nga là nỗi nhớ đế quốc. Những yêu sách về lãnh thổ của Đế quốc Nga ở Ukraine không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Tất nhiên, giống như mọi quốc gia khác, Đế quốc Nga có những lo ngại chính đáng về an ninh và bất kỳ thoả thuận hoà bình nào cũng phải tính đến những lo ngại này.
Trong thế kỷ qua, Đế quốc Nga đã phải chịu đựng nhiều cuộc xâm lược liên tiếp khiến hàng triệu công dân của mình phải thiệt mạng. Người dân Nga xứng đáng được cảm thấy an toàn và được tôn trọng. Nhưng không có mối lo ngại nào về an ninh của Nga có thể biện minh cho việc phá huỷ quốc gia Ukraine. Chúng cũng không nên khiến chúng ta quên rằng Ukraine cũng có những lo ngại chính đáng về an ninh. Trong thập kỷ qua, với những sự kiện, rõ ràng Ukraine cần những bảo đảm chống lại sự xâm lược trong tương lai của Đế quốc Nga mạnh mẽ hơn Bản ghi nhớ Budapest hoặc Thỏa thuận Minsk năm 2014 - 2015.
Các đế chế luôn tự biện minh bằng cách ưu tiên các mối quan tâm về an minh của riêng họ, nhưng quốc gia họ càng lớn thì họ càng có nhiều mối quan tâm về an ninh. La Mã cổ đại đầu tiên bắt tay vào dự án đế quốc của mình vì những mối quan tâm về an ninh ở miền trung nước Ý, và cuối cùng thấy mình đang phải chiến đấu trong những cuộc chiến tàn khốc cách xa Ý hàng nghìn km vì những mối quan tâm về an ninh của họ trên sông Danube và Euphrates. Nếu những mối quan tâm về an ninh của Đế quốc Nga được thừa nhận là cơ sở hợp pháp để thực hiện các cuộc chinh phạt trên sông Dnieper, thì chúng cũng có thể sớm được sử dụng để biện minh cho các cuộc chinh phạt trên sông Danube và Euphrates.
Những nhà lãnh đạo tiếp theo của nhân loại (Humanity’s next leaders)
Để ngăn chặn một kỷ nguyên đế quốc mới, cần có sự lãnh đạo từ nhiều hướng. Hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới của Ukraine có thể cung cấp sân khấu cho hai bước đặc biệt quan trọng.
Đầu tiên, các nước châu Âu, một số trong đó có thể là mục tiêu tiếp theo của chủ nghĩa đế quốc Nga, nên cam kết chắc chắn hỗ trợ Ukraine bất kể chiến tranh kéo dài bao lâu.
Ví dụ, khi Đế quốc Nga tăng cường chiến dịch phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, châu Âu nên đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho Ukraine từ các nhà máy điện ở các nước NATO. Và bất kể điều gì xảy ra trong cuộc bầu cử của Hoa Kỳ vào tháng 11 tới, châu Âu nên cam kết cung cấp cho Ukraine tiền bạc và vũ khí mà nước này cần để tiếp tục tự bảo vệ mình. Với xu hướng cô lập của Đảng Cộng hòa và các bộ phận khác của xã hội Mỹ, châu Âu không thể trông cậy vào Hoa Kỳ để gánh vác phần việc nặng nhọc.
Những cam kết như thế là điều duy nhất có thể thuyết phục Đế quốc Nga đàm phán hoà bình một cách nghiêm túc. Đế quốc Nga có nhiều thứ để tổn thất từ một cuộc chiến tranh kéo dài, giấc mơ biến đất nước mình thành một cường quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin lại mờ nhạt, vì sự thù địch của Ukraine đối với Đế quốc Nga ngày càng sâu sắc, sự phụ thuộc của Nga vào các cường quốc khác tăng lên và Nga tụt hậu hơn nữa trong các cuộc đua công nghệ quan trọng. Việc kéo dài chiến tranh đe doạ biến Đế quốc Nga thành chư hầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin nghĩ rằng người dân châu Âu đang chán ngán việc ủng hộ Ukraine, ông sẽ dùng hoãn thời gian với hy vọng cuối cùng sẽ chinh phục được đất nước này. Chỉ khi rõ ràng rằng châu Âu sẽ tham gia vào cuộc chiến này trong thời gian dài thì các cuộc đàm phán hoà bình nghiêm túc mới có thể bắt đầu.
Bước quan trọng thứ hai là sự lãnh đạo lớn hơn từ các quốc gia ngoài châu Âu. Các cường quốc đang trỗi dậy như Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Kenya thường chỉ trích các cường quốc phương Tây vì những tội ác đế quốc trong quá khứ và vì sự bất tài và thiên vị hiện tại. Thực sự có nhiều điều để chỉ trích. Nhưng tốt hơn là chiếm vị trí trung tâm và dẫn đầu hơn là đứng ngoài cuộc và chơi trò “nguỵ biện” (whataboutism).
Các cường quốc ngoài phương Tây nên hành động để bảo vệ trật tự quốc tế, không phải để bắt buộc một phương Tây đang suy yếu, mà vì lợi ích của chính họ. Điều này sẽ đòi hỏi các cường quốc như Brazil và Ấn Độ phải chi tiêu vốn chính trị, chấp nhận rủi ro và nếu mọi cách khác đều thất bại, hãy đứng lên để bảo vệ các quy tắc quốc tế. Điều này sẽ không hề rẻ, nhưng cái giá phải trả cho việc không làm gì sẽ cao hơn nhiều.
Vào tháng 9 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Ấn Độ Narendra Modi đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng “thời đại ngày nay không phải là thời đại của chiến tranh”. Sau đó, khi Thủ tướng Narendra Modi nhớ lại cuộc trò chuyện giữa họ, ông nói thêm rằng thời đại ngày nay “là thời đại của đối thoại và ngoại giao. Và tất cả chúng ta phải làm những gì có thể để ngăn chặn đổ máu và đau khổ của con người”. Nhiều tháng đã trôi qua kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi bày tỏ những tình cảm này. Nếu các nhà lãnh đạo thế giới không có hành động quyết định, có vẻ như thời đại đối thoại và ngoại giao sẽ kết thúc và một kỷ nguyên mới của chiến tranh không giới hạn sẽ đến với chúng ta.
Do đó, các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới nên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới và cùng nhau làm việc để mang lại một kết thúc công bằng và lâu dài cho cuộc chiến. Đảm bảo hòa bình ở Ukraine sẽ định vị những nhà lãnh đạo này là những người tiên phong toàn cầu có thể được tin cậy để giải quyết các cuộc xung đột khác, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo (AI) mất kiểm soát, và hướng dẫn nhân loại trong thế kỷ 21 đầy rắc rối.
Thiền giả Yuval Noah Harari, tác giả, nhà sử học người Israel, đã đảm nhận một thách thức choáng ngợp với nhiều người: kể lại toàn bộ lịch sử của nhân loại chúng ta gói gọn 400 trang giấy. Tôi vốn luôn ngưỡng mộ tác giả muốn tìm ra nhân duyên liên hệ giữa mọi thứ và làm rõ những khúc quanh lịch sử.
Tác giả: Thiền giả Yuval Noah Harari
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: www.livemint.com
Bình luận (0)