Thiền sư thuộc dòng thiền Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 40, pháp húy Hồng Nguyện hiệu Trí Thiền, tục danh Nguyễn Văn Đồng, sinh năm Nhâm Ngọ (1882) niên hiệu Tự Đức năm thứ 36, tại hạt tham biện Hà Tiên (nay Phường Vĩnh Thanh Vân, Tp. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), trong một gia đình đạo Phật nhiều đời kính tin Tam bảo.

Tác giả: Pháp tôn Thích Vân Phong

Thiền sư thuộc dòng thiền Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 40, pháp húy Hồng Nguyện hiệu Trí Thiền, tục danh Nguyễn Văn Đồng, sinh năm Nhâm Ngọ (1882) niên hiệu Tự Đức năm thứ 36, tại hạt tham biện Hà Tiên (nay Phường Vĩnh Thanh Vân, Tp. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), trong một gia đình đạo Phật nhiều đời kính tin Tam bảo.

Thân phụ của Ngài là cụ Nguyễn Văn Trinh, chiến sĩ nghĩa quân của thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp vào nửa cuối thế kỷ 19 ở Nam Bộ Việt Nam, anh hùng Phật tử Nguyễn Trung Trực (1838-1868), và cụ Lâm Quang Ky (1839-1868), Phó tướng của Nguyễn Trung Trực, thân mẫu của Ngài là bà cụ Nguyễn Thị Trường, pháp danh Diệu Thường. Song thân phụ mẫu của Ngài nguyên quán xứ Cái Dầu, ven Sông Hậu, Làng Định An, Tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang (nay xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Hai cụ đến đây lập nghiệp. Ngài là con út.

Do nhân duyên Trưởng lão Hòa thượng Như Đức hiệu Vĩnh Thùy (?), phương trượng trụ trì ngôi già lam cổ tự Sắc tứ Thập phương, Rạch Giá là cậu ruột (anh trai của mẹ Ngài), vì thế từ bé Ngài đã nương chốn thiền môn và được quy y học Phật pháp với người cậu ruột cũng là vị thầy bản sư cạo tóc xuất gia. Từ đây:

身坟培坭坦菩堤 心?住在?般若 Thân vun bồi nơi đất Bồ đề; Tâm vững trụ tại rừng Bát nhã.

Năm Kỷ Hợi ngày mồng 07 tháng 02 (18-03-1899), niên hiệu Thành Thái năm thứ 11, Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ Sa di giới tại Tổ đình Thiên Phước, Xã Tân Bình, Tổng An Phú, Huyện Long Xuyên, Tỉnh An Giang (nay thuộc xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Đàn giới này Tổ sư Minh Thông hiệu Hải Huệ đương vi đường đầu Hòa thượng, Thiền sư Tôn An đương vi Yết Ma A Xà lê, Thiền sư Từ Chơn đương vi Giáo Thọ A Xà Lê, Thiền sư Như Khả hiệu Chân Truyền đương vi đệ nhất Tôn Chứng sư.

Ngài được Hòa thượng Bản sư cho  Y chỉ, và Thị giả hầu Trưởng lão Thiền sư Như Khả hiệu Chân Truyền, trụ trì ngôi già lam cổ tự Sắc tứ Tam Bảo, Rạch giá, trụ trì ngôi già lam cổ tự Sắc tứ Tam Bảo, Hà Tiên, khai sơn Khải Phước Nguyên Tự, Lấp Vò (nay huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) và sau đó được Thiền sư Như Khả hiệu Chân Truyền đưa Ngài đến tham học Phật pháp với Tổ sư Minh Hòa Hoan Hỷ (1846-1916), Tổ đình Long Thạnh, Gia Định (nay 1756 đường Bà Hom, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh).

Năm Giáp Thìn (1904), Ngài thụ cụ túc giới tại Đàn giới Tổ đình Bửu Sơn, Tiệm Tôm, thôn An Thủy thuộc tổng Bảo Trị, huyện Bảo Hựu, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long (nay là khu phố An Thạnh, thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri, Bến Tre), sau khi thụ giới Tỳ kheo, Bồ tát, giới thể trang nghiêm, đã trở thành trang Thích tử, Ngài vân du hành cước tham cứu yếu chỉ thiền môn.

Với trí tuệ và tư chất thông minh, Ngài nhẹ nhàng lướt sóng trên biển pháp mênh mông, dạo bước phong ba trong rừng thiền kinh tạng, ban ngày lao động và ban đêm bút nghiên đèn sách, dồi mài giáo điển, tinh tấn tu tập.

Do đó Ngài đã được Hòa thượng Bản sư và Y Chỉ sư cùng các bậc tôn túc kỳ lão, tâm đắc và giáo huấn tận tình. Ngoài sở học uyên thâm, Ngài còn có phong thái nhanh nhẹn mà điềm đạm, tính khí hòa nhã thanh thoát, trang nghiêm phúc tướng, chí khí trượng phu, xứng danh xuất trần thượng sĩ.

Nhờ bản tính cương trực, chí hướng đại hùng lực, chẳng bao lâu đạo nghiệp của Ngài tỏa rạng sáng ngời. Hàng năm cứ đến mùa sen nở, Ngài đó đây cùng đại chúng Kiết hạ An cư, trao dồi giới đức, khắp các nơi, Đạo tràng nào cũng có dấu chân hoằng hóa của Ngài.

Ngoài thời gian Kiết hạ An Cư, mỗi năm Ngài thường vào tịnh thất cấm túc tham thiền, khổ hạnh công phu. Tín tâm kiên cố, đạo phong nghiêm mật, hạnh hóa tha cảm ân đức, nhiều người ngưỡng mộ Phật pháp đến xin Quy y thọ giới với Ngài rất đông.

Năm Quý Sửu (1913), niên hiệu Thành Thái năm thứ 7, xét thấy đạo hạnh và tài năng của Ngài đã đủ tư cách là một Sứ giả Như Lai, hoằng dương chính pháp Phật đà, Hoà thượng Bản sư và Hoà thượng Y chỉ sư quyết định tiến cử Ngài trụ trì ngôi già lam Sắc Tứ Tam Bảo tự (hiện nay là phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Hai năm sau Ngài cất bước vân du đó đây hóa duyên bổn đạo. Cảm kích đức độ của Ngài, bách tính thập phương kẻ công người của, tích góp công đức phát tâm đại trùng tu ngôi Cổ tự Sắc tứ Tam Bảo thành một ngôi Phạm vũ huy hoàng.

Vào mùa xuân năm Đinh Tỵ (1917) niên hiệu Khải Định năm thứ 2, Chùa tổ chức lễ Lạc thành, hoàn tất công trình trùng tu ngôi Già Lam. Tấm biển gỗ quý hiệu Sắc Tứ Tam Bảo Tự, chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng do Thiền sư Như Khả hiệu Chân Truyền (1858-1919), Trụ trì Khải Phước Nguyên Tự ban tặng, nay vẫn còn tồn tại nơi Chính điện.

Năm Kỷ Mùi (1919), niên hiệu Khải Định năm thứ 4, Ngài sắp xếp về Tổ đình Khải Phước Nguyên để thọ tang Y chỉ sư viên tịch (Thiền sư Như Khả hiệu Chân Truyền viên tịch ngày 25 tháng 10 năm Kỷ Mùi (nhằm 17.12.1919).

Năm Canh Thân (1920), niên hiệu Khải Định năm thứ 5, đại lão Hòa thượng Bổn sư Như Đức hiệu Vĩnh Thùy viên tịch vào ngày 6.4 AL (nhằm 23.5.1920) tại Tổ đình Sắc tứ Thập Phương Cổ Tự, Ngài phải lo tròn hiếu sự, tam niên thọ tang.

Năm Nhâm Tuất (1922) niên hiệu Khải Định năm thứ 7, nhân dịp lễ Đại tường mãn tang cố đại lão Hòa thượng Bổn sư Như Đức hiệu Vĩnh Thùy, Ngài tổ chức Đại giới đàn tại Bản tự Sắc tứ Tam Bảo, do Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng, Hòa thượng Quang Trí, Phước Ân Tự, làm Chánh Chủ kỳ, Thiền sư Như Nhãn hiệu Từ Phong (1864-1938), Giác Hải Tự chứng minh, Hòa thượng Luật sư Ngộ Giác Chánh Quả (1885-1956), Kim Huê Tự, đương vi Giáo thọ A Xà lê.

Bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, phát huy đạo pháp, báo đáp Tứ trọng ân, Ngài phát động phong trào học Phật pháp. Trên diễn đàn, ngôn ngữ thuyết pháp giản dị mà sâu sắc. Ngài biết sử dụng lối kiến giải phù hợp với khoa học, phân tích những tập tục mê tín ngoại đạo lẫn lộn trong chốn Thiền môn.

Ngài diễn giải rõ ràng tác dụng của Chính tín, Chính kiến giúp chúng ta phục hồi đức tự chủ, niềm tự tin, đem lại nguồn an lạc hạnh phúc cho mình và mọi người. Tai hại của mê tín, tà kiến là làm bào mòn đức tự chủ, niềm tự tin, gây bất an trong cuộc sống, tăng thêm nhiều lo sợ. Do đó, giới trí thức cùng nhau đến cầu học Phật pháp với Ngài. Còn giới bình dân, Ngài tùy bệnh cho thuốc, hướng dẫn họ niệm Phật cầu vãng sinh Tây phương Cực Lạc:

諸?境红尘?浮 没㝵芾洁垻?? 無常?事?? 花??品罗坭安平 Đã biết cảnh hồng trần trôi nổi, Một ngày nào cát bụi buông xuôi, Vô thường muôn sự rõ rồi, Hoa sen chín phẩm là nơi an bình.

Ngài lại tiếp tục đăng trình vân du hoằng hóa, tùy duyên thuyết pháp độ sinh, không nài gian lao, chẳng từ khó nhọc, đâu nệ chốn hoang vắng ít người. Nơi đâu cần dựng chùa am cho Phật tử có nơi quy ngưỡng, Ngài liền kiến tạo Già lam Phật địa. Do đó, chỉ trong vòng mười năm, Ngài tạo dựng đến chín ngôi Già lam rải rác khắp tỉnh Rạch Giá.

Song song với công cuộc hoằng pháp, Ngài còn chủ trương đưa đạo Phật đi vào cuộc đời, xoa dịu bớt những nỗi thương đau của tầng lớp dân nghèo bị trị. Hương Đạo đức của Ngài lưu xuất khắp khu vực miền Nam, lan rộng đến cả vùng Nam Vang nước bạn. Nơi nơi thỉnh Ngài về thuyết pháp, giảng dạy kinh luận.

Năm Ất Sửu (1925), niên hiệu Khải Định năm cuối, Ngài dẫn một đệ tử sang Vương quốc Thái Lan, xứ chùa tháp để cùng chia sẻ Phật sự nước bạn, không ngờ vị đệ tử này lại có duyên Trụ trì, hoằng pháp tại Thái Lan. Vị đệ tử chân truyền của Ngài là Sư Nhật Đáp hiệu Báo Ân, tục danh Nguyễn Văn Báo (1906-1964) rời quê hương đất Tổ, sang Thái Lan tu hành đắc đạo và để lại nhục thân bất hoại. Sư Báo ân kiết già viên tịch ngày 27 tháng giêng năm Giáp Thìn (10.03.1964).

Năm Tân Mùi (1931), niên hiệu Bảo Đại năm thứ 6, Ngài đã tích cực yểm trợ phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà do Thiền sư Lê Khánh Hòa hiệu Như Trí (1877-1947) chủ xướng, và Ngài đã đảm nhận chức vụ cố vấn cho Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học. Hội bị vài cư sĩ khuynh loát, sinh hoạt đình trệ.

Thiền sư Lê Khánh Hòa hiệu Như Trí lui về Trà Vinh thành lập Liên Đoàn Phật học xã, rồi đổi thành Hội Lưỡng Xuyên Phật Học, để chăm lo việc đào luyện tăng tài. Ngài ủng hộ tài chính mạnh mẽ cho hai tổ chức nầy, nhưng Ngài nhận thấy mục tiêu khiêm tốn đào tạo Tăng tài không đáp ứng nỗi nhu cầu khẩn thiết của đất nước.

Với chủ trương Phật hóa nhân gian, đem đạo Phật đi vào cuộc đời, tích cực xoa dịu nổi thương đau của người dân khốn khổ, tiêu trừ tệ trạng dốt nát đói nghèo, và nếu cần, phải cực lực lên án, chống nạn bốc lột kinh tế, lũng đoạn thị trường của những kẻ thiếu lương tâm. Đó là lý do khiến Ngài đã đứng lên vận động giới Tăng sĩ Phật giáo trong tỉnh, kết hợp thành tổ chức thống nhất với danh xưng “Hội Phật Học Kiêm Tế” năm Đinh Sửu (1937) và cho ra đời tạp chí Tiến Hóa hai tháng sau đó.

Tạp chí Tiến Hóa ra số đầu tiên vào đầu năm 1938 do Phan Thanh Hà (Sư Pháp Linh) làm Chủ bút và Chủ nhiệm là ông Đỗ Kiết Triệu. Tên gọi Phật Học Kiêm Tế đã nêu bật ý hướng của những người chủ trương : ngoài việc tìm hiểu Phật pháp còn thực hành kinh bang tế thế. Tên gọi Tiến Hóa cho thấy lập trường tiến bộ của tạp chí.

Vì công việc đa đoan Ngài đã ủy thác tờ báo Tiến Hóa cho sư Pháp Linh và Sư Thiện Chiếu (1898-1974) đảm trách.

Ngài đặt trọng tâm vào việc hoằng pháp, phát triển cơ sở Phật giáo và đẩy mạnh công tác Từ thiện xã hội: tổ chức cứu trợ nạn nhân bão lụt năm Đinh Sửu (1937), đẩy mạnh phong trào bình dân giáo dục và phòng thuốc phước thiện, có đông y chẩn bệnh, có nơi tạm trú cho bệnh nhân phương xa… Ngài cũng chính thức thành lập Viện Mồ Côi đặt tại Rạch Giá và dự trù thành lập Viện dưỡng lão tại Tam Bảo Từ Tôn (khai sơn 1938), nay là ấp Hòn Quéo, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Mặc dù Phật sự đa đoan nhưng Ngài vẫn dành thời giờ tổ chức lễ truy tiến tưởng niệm vị anh hùng dân tộc. Trên bàn thờ hiển hiện hình ảnh hiên ngang của cố lãnh binh Nguyễn Trung Trực, với hai câu đối:

火紅日早轟天地 劍白堅江泣鬼神 “Hỏa hồng Nhật Tảo, oanh thiên địa ! Kiếm bạt Kiên Giang, khắp quỷ thần…” Dịch: Ngọn lửa đỏ rực Nhật Tảo khiến rung động đất trời, Kiếm bạc sáng loáng Kiên Giang khiến quỷ thần kính sợ.

Bên cạnh lại có bài vị của nhị vị song thân Phụ mẫu, cụ ông Nguyễn Văn Trinh và bà Nguyễn Thị Trường, pháp danh Diệu Thường, hai người có liên hệ huyết nhục với Ngài. Và buổi lễ may mắn đã diễn ra êm đẹp, không bị phá hoại như những nguồn tin dọa nạt ban đầu.

Điều đáng tiếc lại xảy ra trong nội bộ. Một biên tập viên Tiến Hóa xuyên tạc buổi lễ, chỉ trích anh hùng Phật tử Nguyễn Trung Trực (阮忠直; 1838 – 1868), thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp vào nửa cuối thế kỷ 19 ở Nam Bộ Việt Nam là tay sai phong kiến nên không đáng được đề cao. Sự kiện này thúc đẩy Ngài đi đến quyết định chấn chỉnh nhân sự tờ báo, một quyết định Ngài đã manh nha khi nhận thấy tờ báo bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát, bài vở quá khích có thể gây nguy hại đến kế hoạch hoằng pháp và từ thiện xã hội trường kỳ của Ngài.

Sư Pháp Linh và sư Thiện Chiếu bất mãn bỏ đi. Ngài liền cho người liên lạc với cụ cử Võ Ngọc Hoành (1873-1946), hiệu Ngọc Tiều; chí sĩ và là giáo viên Đông Kinh Nghĩa Thục và một nhà yêu nước ở đầu thế kỷ 20 trong lịch sử Việt Nam, để nhờ giới thiệu các cây viết khác. Nào ngờ bọn mật thám Pháp tại Sa Đéc đã bắt được thông tin nầy.

Ngày 26-8-1931 (13.7.Tân Mùi), Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật học được chính thức thành lập, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn gần chợ Cầu Muối, Sài Gòn (nay phường Cầu ông Lãnh, quận Nhất, Tp.Hồ Chí Minh). Ngài được mời làm cố vấn cho Hội cùng với Hòa thượng Thích Huệ Định. Năm ấy Ngài ở tuổi ngũ tuần.

Sau khi hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học bị lực cản của Ông Commis Trần Nguyên Chấn (1884-?), không khai giảng được Thích học đường, chư tôn Thiền đức uy tín như (Thiền Sư Lê Khánh Hòa hiệu Như Trí, Sư Thiện Chiếu v.v...) của Hội lần lượt bỏ về Tự viện ở các tỉnh để tìm phương thành lập các hội Phật giáo khác. Ngài cũng trở về chùa Sắc Tứ Tam Bảo ở Rạch Giá.

Năm Bính Tý (1936), niên hiệu Bảo Đại năm thứ 12, Sư Thiện Chiếu về Rạch Giá tìm gặp Ngài. Qua trao đổi, nhị vị cùng đồng chí hướng, Ngài đồng ý thành lập Hội Phật Học Kiêm Tế vào ngày 23-3-1937 (11.2.Đinh Sửu), và đầu xuân năm Mậu Dần (1938) cho xuất bản Tạp chí Tiến Hóa. Ngài lãnh nhiệm vụ Chánh Tổng Lý của Hội và Sư Pháp Linh (Phan Thanh Hòa) làm chủ bút Tạp chí này.

Với danh xưng “Hội Phật Học Kiêm Tế” cùng với Tạp chí Tiến Hóa - cơ quan ngôn luận của Hội, tổ chức này hoàn toàn là một tổ chức “Cách mạng” trong Phật giáo. Tên Hội Phật Học Kiêm Tế được giải thích như sau: “Đây không phải là một Hội chỉ để học Phật, mà còn là một Hội để thực hành kinh bang tế thế nữa”. Cụ thể hóa tôn chỉ đó, Hội đã tổ chức ba lớp học miễn phí cho con em nhà nghèo quanh vùng, nhà chùa trả lương cho giáo viên.

Hội còn lập ra phòng thuốc nam từ thiện và trạm xá y tế cho bệnh nhân nằm điều trị. Lần đầu tiên trong cả nước, Hội lập ra một Cô Nhi Viện ngay tại ngôi cổ tự Sắc tứ Tam Bảo. Ngoài ra Hội còn tổ chức cứu trợ nạn nhân bão lụt tại Rạch Giá, nuôi ăn từ hai trăm đến ba trăm người trong thời gian ngắn.

Chính do những tư tưởng tiến bộ như thế, mà ngôi Sắc tứ Tam Bảo Cổ Tự đã trở thành nơi lui tới của các vị cán bộ chiến sĩ cách mạng, làm nơi hoạt động đấu tranh chống thực dân Pháp.

Ngài cũng thường hay qua lại một số cơ sở tự viện hai Vương quốc Phật giáo Campuchia và Thái Lan để chia sẻ Phật sự với các vị tu sĩ Phật giáo các xứ này. Năm nào các chùa có mở trường Hương, trường Kỳ, Ngài thường được mời Chứng minh. Phật sự khắp các tỉnh như Sài gòn, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một (nay thuộc thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Bình Dương), Tây Ninh, Mỹ Tho, Sa Đéc, Châu Đốc, Bến Tre, Trà Vinh, v.v.. Ngài đều tham gia.

Để giúp Hội Phật Học Kiêm Tế và báo Tiến Hóa có phương tiện hoạt động, trong phiên họp ngày 20-3-1938 (19.2.Mậu Dần) của Hội, Ngài đã hiến tài sản của Bản tự gồm có cơ sở viện, tài sản bất động sản ruộng vườn, và số tiền mặt tổng cộng 19.973 đồng (vào thời điểm năm 1938 đó là số tiền lớn) cho Hội, sau khi được tứ chúng Phật tử bản tự Sắc tứ Tam Bảo tự đồng ý.

Từ đó, Ngài đồng ý cho Sư Thiện Chiếu, Sư Thiện Ân (đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương Trần Văn Thâu, ?-1941) sử dụng ngôi Cổ tự Sắc tứ Tam Bảo như địa điểm liên lạc và là nơi cất giấu vũ khí tự tạo cùng tài liệu, truyền đơn chuẩn bị cho Khởi nghĩa Nam kỳ.

Tháng 6 năm 1941, do tên Tư Chà làm nội gián chỉ điểm, cơ sở Cách mạng nơi Sắc Tứ Tam Bảo Cổ Tự (Cơ sở bí mật Xứ ủy Nam kỳ) bị lộ. Bọn  mật thám Pháp khám xét gắt gao. Tài liệu, truyền đơn và vũ khí tự chế bị tịch thu. Trong quá trình thẩm vấn tại chỗ thì một quả bom phát nổ làm bị thương nhiều người. Ngài cùng Đại đức Thích Thiện Ân tục danh Trần Văn Thâu và nhiều người khác bị bắt.

Ngài cùng Đại đức Thích Thiện Ân bị mật thám và an ninh Pháp giải lên Sài Gòn, đưa ra tòa xét xử. Đại đức Thích Thiện Ân bị kết án tử hình, còn Ngài bị 5 năm biệt xứ lưu đày Côn Đảo. Lúc ở trong tù, Ngài nói với ông Lê Hoàng Minh, tức Ông Ký ở Nhị Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho rằng : “Chú còn nhỏ, sau này được thả ra, tiếp tục hoạt động Kháng chiến chống Pháp. Còn tôi già rồi, đã là tù binh bị lưu đày ra Côn Đảo, chắc phải hy sinh cho sự nghiệp cứu nước!”.

Đúng vậy, khi ra Côn Đảo, Ngài bị giam trong phòng cấm cố.  Nơi đây, bao lần bị tra tấn lấy khẩu cung, Ngài vẫn giữ thái độ bao dung độ lượng, trầm tỉnh thong dong của bậc chân tu, khiến cho những kẻ hung hăng thô lỗ không còn chút tình người cũng phải sinh tâm kính trọng.

Đầu năm Quý Mùi (1943), Ngài bị chuyển sang trại số 4 (tổng diện tích 5804m2, gồm 8 phòng giam), một trại giam tù nhân chính trị, trực thuộc sở củi. Tuy vậy, khi trở về phòng biệt giam, nghe lòng mình se thắt lại, khởi niệm nhập Từ bi quán, chẳng sờn lòng, không tiếc nuối sự nghiệp tan tác bọt bèo, cũng không đau đớn lo âu thân phận bị biệt xứ lưu đày tù tội.

Thế nhưng, Ngài lại băn khoăn vận nước, bồn chồn nhớ nghĩ đến đám dân nghèo mất nơi nương tựa, trẻ con thất học bụi đời, trẻ mồ côi, người bệnh hoạn không tiền thang thuốc… Do đó, khi tỉnh tọa tham thiền Ngài cứ bị phân tâm. Ngài tuyệt thực mấy ngày liền đến kiệt sức để phản đối chế độ lao tù hà khắc. Nhận thấy chiếc thân tứ đại không duy trì được nữa, trước phút vĩnh ly, Ngài phì phào ngâm nga:

棟差坤呆自分明 ??丕過鄧路程 佛事道場随幻境 䟞娑婆自在寻声 Đúng sai khôn dại tự phân minh, Sáu cõi chẳng qua dựng lộ trình, Phật sự đạo tràng tùy huyễn cảnh; Dạo Ta bà tự tại tầm thinh…

Trong tư thế Kiết già phu tọa Ngài an nhiên thị tịch trong ngục tù chính trị Côn Đảo vào ngày 26 tháng 6 năm Quý Mùi (27.7.1943). Hưởng thọ Lục thập hoa giáp 61 Xuân, Giới lạp 30 Hạ, trụ trì 29 Đông.

Từ lúc Ngài bị bắt biệt xứ lưu đày Côn đảo, ngôi Sắc Tứ Tam Bảo Tự bế môn, cửa thiền bụi bám nhện giăng, cỏ dại phủ đầy hiên vắng. Quả là:

郡囂???? 坚江渃??源?怆 包蹺??罢蹺? ?㗒????㤕 Quạnh hiu trên bến sông buồn, Kiên Giang nước chảy về nguồn nhớ thương, Bao nhiêu nước, bấy nhiêu buồn, Thầy ơi, trăng nước hãy còn xót xa!

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chùa mới được mở cửa lại. Tăng tín đồ Phật tử và nhân dân tổ chức một Đại lễ Truy tiến tại chùa để tưởng niệm Ngài và các đồng môn pháp lữ của Ngài đã hy sinh vì Đạo pháp và Dân tộc.

Lịch sử ghi nhớ mãi tâm nguyện cao cả của Ngài, rạng danh trong phong trào chấn hưng Phật giáo và còn mãi với phong trào cách mạng kháng Pháp. Ngài là một trong những vị tiền bối xây dựng nền tảng cho cuộc chấn hưng Phật giáo và phong trào Phật giáo cứu quốc. (Sau cách mạng tháng Tám 1945, nhiều Tăng sĩ “cởi áo cà sa khoác chiến bào” tham gia kháng chiến, góp phần giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước).

Thuở sinh tiền, Ngài cùng sư huynh là Thiền sư Hồng Thiện Bửu phước (khai sơn Phước Ân tự, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) thường chia sẻ về tương lai hậu vận tiền đồ Phật giáo và dân tộc.

Thật đúng như lời tiên tri của Đại lão Hòa thượng Tuyên luật sư Hồng Thiện Bửu Phước (1880-1948) tiên tri hậu vận của Sư đệ Thích Trí Thiền, phương trượng trụ trì Sắc Tứ Tam Bảo, Rạch Giá lưu truyền rằng:

Thuở còn Hòa thượng Nguyễn Văn Đồng (1), Tăng chúng theo Thầy học đạo rất đông, Cảnh cũ người xưa nay đã khác; Ai mà cải được luật thiên công. Tháp xây ở giữa sai thiên lý, Tuy đã hoàn thành chịu để không, Hòa thượng Cai Bường (2) tiên đoán trước; Hậu lai thật đúng những lời Ông (3). Cho hay thế sự thường thay đổi, Bởi luật tuần huờn của tạo công, Thời tiết bốn mùa luôn chuyển biến; Vật người trời đất cũng hòa đồng. Luân hồi nhân quả đâu sai chạy, Tài, sắc, lợi, danh luống nhọc nhằn, Hỡi khách bến mê lần thức tỉnh; Gắng công niệm Phật thoát qua vòng.

Trên bước đường hoằng pháp lợi sinh, Ngài kiến tạo nhiều ngôi Già lam trong địa bàn tỉnh Kiên Giang như : Hòa Thạnh Tự, phường Vĩnh Hiệp Tp Rạch Giá; Vĩnh Phước Tự, Làng Tà Niên (nay thuộc xã Vĩnh Hòa Hiệp, H. Châu Thành, Kiên Giang; Bửu Hưng Tự, Cầu Cà, Bờ He, Gò Đất, huyện Châu Thành, Kiên Giang; Phước Hưng Tự; Tam Bảo Kỳ Viên Tự, Hòn Quéo; Tam Bảo Từ Tôn Tự, Sóc Xoài, huyện Hòn Đất;  Bảo Long Sơn tự, huyện Hòn Đất.

***

Chú thích:

(1). - Tục danh của Thiền sư Hồng Nguyện Trí Thiền, Trụ trì Sắc tứ Tam Bảo, Rạch Giá.

(2). - Bách tính Bản đạo vì sự tôn kính Ngài Thiền sư Hồng Thiện Bửu Phước Khai sơn Chùa Phước Ân, Rạch Cai Bường, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, nên thường lấy địa danh để tôn danh Ngài là Hòa thượng Cai Bường.

(3). – Thiền sư Hồng Nguyện Trí Thiền đã bí mật hiến tài sản bất động sản của Sắc tứ Tam Bảo, Rạch Giá cho Xứ ủy Nam Kỳ hoạt động Cách mạng vào đầu thập niên 40 để làm Cơ sở chống thực dân Pháp, sau khi bị phát hiện, nhà cầm quyền Pháp đày Ngài ra Côn Đảo, và Ngài an trú trong Thiền định cho đến Viên tịch tại ngục thất Côn Đảo.

Tác giả: Pháp tôn Thích Vân Phong