PGS.TS. Nguyễn Ngọc Phượng & GS.TS. Đằng Thành Đạt
Viện Nghiên cứu Trung Quốc - ASEAN, Đại học Dân tộc Quảng Tây
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2024

Tóm tắt: Trong lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam từng nhiều lần diễn ra sự giao thoa, tiếp biến với những tông môn Phật giáo từ bên ngoài truyền vào, trong đó không thể không kể đến giai đoạn khá đặc biệt diễn ra vào thế kỷ 17 khi một số thiền sư người Trung Quốc phát nguyện vượt biển đến truyền bá hai phái thiền chính tông Lâm Tế, Tào Động đến quốc gia Đại Việt. Bài viết trên cơ sở khảo cứu, đi sâu phân tích, luận thuật những nguồn tư liệu lịch sử liên quan nhằm cung cấp cái nhìn tương đối rõ ràng, khúc chiết về tiểu sử, thân thế, hành trạng và ý nghĩa những đóng góp của Tổ sư Nguyên Thiều trong việc gieo trồng hạt giống pháp của thiền tông Lâm Tế tại xứ Đàng Trong, mở đường cho sự phát triển của Phật giáo vùng đất này về sau nói riêng, cũng như đóng góp vào sự phát triển của lịch sử Phật giáo dân tộc nói chung.

Từ khóa: Nguyên Thiều; Hoán Bích; Phật giáo Đàng Trong; thiền Lâm Tế

1. Vài nét về bối cảnh chính trị - xã hội Đại Việt thế kỷ 17

Từ nửa sau thế kỷ 16, giao thông đường biển ngày càng trở nên thuận tiện,  cùng  với đó là việc chính quyền Trung Quốc cho phép hoạt động ngoại thương vào năm  1567 đã khiến số lượng và quy mô tàu thuyền của lớp thương nhân người Trung Quốc giao dịch buôn bán trong khu vực ngày càng tấp nập, hưng thịnh hơn trước.  Về  mặt chính trị, năm 1644 nhà Thanh lên thay thế nhà Minh thống trị Trung Quốc.

Trong buổi giao thời giữa hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh ở Trung Quốc, có một bộ phận dân chúng vẫn ít nhiều hoài niệm về nhà Minh, không muốn tuân theo những quy định mang tính áp đặt, hà khắc của nhà Thanh mới lên, nên họ quyết định theo các tàu buôn vượt biển di dân ra hải ngoại. Trong số  nhóm  người di dân đó có những  vị  thiền sư người Trung Quốc đã phát nguyện hoằng dương Phật pháp ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Nước Đại Việt thời bấy giờ với vị trí địa lý thuận lợi và thái độ ôn hòa của nhà cầm quyền đối với cộng đồng người Hoa di dân, cũng như văn hóa bản địa có một số nét tương đồng, gần gũi với Trung Quốc, đã khiến cho nơi này được chọn trở thành điểm đến thích hợp cho chuyến hành trình của họ.

Ngoài bối cảnh chính trị của thời đại và tâm nguyện của các vị thiền sư, còn ít nhiều liên quan đến tình hình Phật giáo ở Trung Quốc thời nhà Thanh lúc bấy giờ. Về điểm này, Thượng tọa Thích Mật Thể có nhận định như sau: “Đương thời tuy vẫn có các tông: Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Mật, Thiền, Pháp Tướng, Tịnh Độ,... nhưng thật tăng đồ ít ai thấu hiểu giáo lý, vì Phật giáo đã tới thời đại suy đồi rồi. Phật giáo ở Trung Quốc bấy giờ suy đồi cũng là bởi trong nước không yên, suốt một đời vua Càn Long, chẳng mấy lúc được thái bình. Những bậc cao tăng thấy tăng đồ trong nước ngày một suy đồi, nên mới đi sang nước ta để giáo hóa”(1).

Về bối cảnh trong nước, thế kỷ 16 nước Đại Việt rơi vào cuộc chiến tranh Nam - Bắc  triều, tiếp theo đó là cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài từ năm 1627 đến năm 1672 bất phân thắng bại, khiến cho đất nước bị chia cắt lâu dài. Từ sông Linh Giang (sông Gianh ngày nay) trở ra Bắc gọi là Đàng Ngoài, do chúa Trịnh cầm quyền, từ sông Linh Giang trở vào gọi là Đàng Trong, do chúa Nguyễn cầm quyền. Lúc bấy giờ, chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong luôn phải sống trong tâm thế phòng thủ, sẵn sàng đối mặt với các đợt giao chiến khốc liệt mỗi khi chúa Trịnh phái quân đi đánh Đàng Trong; mặt khác lại phải đề phòng dẹp loạn một số băng đảng nổi dậy giết hại quan chức địa phương, cướp  bóc  người dân và các vụ tạo phản xảy ra ở vùng đất thuộc Chămpa, Chân Lạp.

Đời sống người  dân  tại xứ Đàng Trong còn bị chi phối mạnh mẽ bởi các đợt thiên tai, lũ lụt, mất mùa, đói kém, dịch bệnh liên tiếp diễn ra vào các năm như: 1641, 1680, 1683, 1698... khiến nông nghiệp thất bát càng làm dân tình thêm khổ sở. Tình cảnh này đã khiến cho nhà cầm quyền chúa  Nguyễn và người dân ở Đàng Trong luôn sống trong tâm lý bất an, lo lắng trước nhiều bất trắc không lường trước được.

Nhằm huy động nhân lực phục vụ cho cuộc chiến chống lại chúa Trịnh, chúa Nguyễn ở Đàng Trong tăng cường việc bắt  đi  lính  đối  với  nam  giới từ 16 - 60 tuổi, không được về nhà, khiến cho nhiều gia đình cho con em vào chùa làm sư sãi để tránh việc bị đi lính. Mặc dù số lượng sư sãi không phải là ít, nhưng trên thực tế vẫn thiếu vắng tăng tài Phật giáo.

Bên cạnh đó, sự kiện diễn ra vào năm 1682, Hương Hải Thiền sư từng có thời gian hoằng pháp rất nổi tiếng ở Đàng Trong, do bị chúa Nguyễn Phúc Tần đối xử bạc sau khi có kẻ xấu đặt điều gièm pha, khiến Sư bị nghi ngờ có dính líu với Đàng Ngoài, đã khiến Sư bất mãn nên quyết định rời bỏ Đàng Trong, cùng hơn 50 đồ đệ dong thuyền ra Bắc hoằng pháp, sự việc này đã gây tổn thất cho nhân tài Phật giáo xứ Đàng Trong.

Trước tình trạng đó, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã có ý chọn Phật giáo Đại thừa với tư tưởng từ, bi, hỷ, xả, kết hợp với tinh thần khai phóng, viên dung những mâu thuẫn, đối lập thời bấy giờ để làm nền tảng củng cố đời sống tinh thần và hòa hợp xã hội, đem lại sức mạnh nội tâm tích cực, đủ sức làm vơi đi những âu lo, bất an trong tâm thức cư dân vùng đất này. Về vấn đề này, tác giả Nguyễn Lang có nhận định như sau: “Như vậy trong thâm ý của chúa Nguyễn, đạo Phật có thể làm nơi nương tựa tinh thần cho công  trình lập quốc của dòng họ Nguyễn. Cũng vì vậy cho nên sau  này, các chúa Nguyễn đều tỏ vẻ sùng thượng đạo Phật và nhân dân Đàng Trong cũng nghênh đón các vị du tăng Trung Quốc với một  tấm  lòng  chân  thật,  mặn nồng”(2). Trong số các vị thiền sư người Trung Quốc đến hoằng pháp tại Đại Việt vào thế kỷ 17 có sư Nguyên Thiều, được nhìn nhận là một trong những vị Tổ danh tiếng đã gieo trồng hạt giống pháp của Thiền tông Lâm Tế tại xứ Đàng Trong.

Chân dung Thiền sư Nguyên Thiều
Chân dung Thiền sư Nguyên Thiều

2. Tiểu sử và thân thế của Thiền sư Nguyên Thiều

Tông Lâm Tế là một trong năm tông phái chính(3) củaThiền tông Trung Quốc, do Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-867) sáng lập vào thời nhà Đường, thuộc pháp hệ của Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng (677-744), thuộc dòng Thiền “Nam Tông” do Lục Tổ Huệ Năng (638-713) khai sáng. Cùng với tông Tào Động, tông Lâm Tế trở thành hai tông phái có sự truyền thừa lâu dài nhất và ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử Thiền tông Trung Quốc. Tông  Lâm Tế phát triển rất thịnh vào đời Tống rồi được truyền sang một vài quốc gia lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc. Vào thế kỷ 13, có Thiên Phong Cư sĩ(4), người Tống thuộc tông Lâm Tế từng sang kinh đô Thăng Long của Đại Việt giao lưu Phật giáo, ông được vua Trần Thái Tông (1218-1277) mời đến Viện Tả Nhai cùng với các bậc cao tăng kỳ đức thời bấy giờ đàm đạo và tham vấn đạo Thiền. Tông Lâm Tế thường sử dụng thủ thuật đánh, hét để khai thị người học. Về mặt tông chỉ, phái này chủ trương các thuyết: tam huyền, tam yếu, tứ tân chủ, tứ liệu giản, tứ chiếu dụng; chú trọng phương pháp tham công án và thoại đầu. Đến thế kỷ 17, thông qua những vị thiền sư di dân người Trung Quốc, tông Lâm Tế được truyền vào Đại Việt. Ở Đàng Ngoài, có Hoà thượng Chuyết Công (1590-1644), chính tông Lâm Tế đời thứ 35 và đồ đệ là Thiền sư Minh Hành (1596-1659) đến lập chùa hoằng pháp. Ở Đàng Trong, có những thiền sư tiêu biểu như Nguyên Thiều, Tử Dung, Pháp Bảo... đến khai sơn, dựng chùa và đưa tông Lâm Tế bén rễ, phát triển vào vùng đất này. Trong số đó, Thiền sư Nguyên Thiều được biết đến là một vị Tổ sư danh tiếng, đạo hạnh rất sáng. Ngài có nhiều đóng góp rất có ý nghĩa vào sự hình thành và phát triển của Phật giáo Đàng Trong.

Về tiểu sử, nguyên quán và pháp hệ của Thiền sư Nguyên Thiều Hoán Bích được ghi lại khá đầy đủ trong bài ký minh khắc trên bia đá tại chùa Quốc Ân có ghi lại như sau: “Thiền sư Hoán Bích họ Tạ, nguyên quán huyện Trình Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa, sinh nhằm giờ Tuất ngày 18 tháng 5 năm Mậu Tý (1648). Khi vừa 19  tuổi,  Ngài từ giã song thân đến chùa Báo Tư xuất gia học đạo, đầu sư với Hoà thượng Khoáng Viên được pháp danh Nguyên Thiều, tự Hoán Bích”. Thực ra, Ngài còn được gọi bằng pháp danh khác là Siêu Bạch, nói  cách  khác, Sư có đến hai pháp danh khác nhau là Nguyên Thiều hiệu Thọ Tôn và Siêu Bạch hiệu Hoán Bích, nhưng cùng là một người. Sở dĩ Sư có đến hai pháp danh khác nhau là vì xuất phát từ việc Tổ sư của Ngài - tức Thiền sư Đạo Mân - Mộc Trần đời thứ 31 phái Lâm Tế, lúc đầu xuất gia theo học với Thiền sư Trí Minh - Nhược Muội trên núi Lô Sơn, được đặt pháp danh là Đạo Mân hiệu Mộc Trần. Về sau, sư Đạo Mân lại theo học và đắc pháp với Tổ sư Viên Ngộ - Mật Vân tu ở chùa Thiên Đồng, được đặt pháp danh khác là Thông Thiên - Hoằng Giác theo dòng kệ truyền pháp của Thiền sư Tổ Định - Tuyết Phong đời thứ 22 đặt ra như sau:

Tổ Đạo Giới Định Tông
Phương Quảng Chánh Viên Thông
Hành Siêu Minh Thiệt Tế
Liễu Đạt Ngộ Chơn Không(5)

Sư Đạo Mân - Mộc Trần (pháp danh khác là Thông Thiên - Hoằng Giác) sau này đặt pháp danh cho đệ tử, một mặt vừa tiếp nối theo bài kệ truyền dòng của Thiền sư Tổ Định - Tuyết Phong như trên từ chữ “Hành” (Hạnh), mặt khác lại đặt ra bài kệ truyền pháp riêng (nhánh Đạo Mân) như sau:

Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên
Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên
Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ
Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Truyền(6).

Vì lẽ này nên Thiền sư Bổn Khao - Khoáng Viên đời  thứ 32 tông Lâm Tế, tức thầy của sư Nguyên Thiều có pháp danh bắt đầu  bằng chữ “Bổn” theo bài kệ truyền dòng của Tổ Đạo Mân, đồng thời còn có pháp danh khác được Tổ Đạo Mân đặt theo bài kệ truyền dòng của Ngài Tổ Định - Tuyết Phong bắt đầu bằng chữ “Hạnh”, gọi là Hạnh Viên - Bổn Quả. Tương tự như vậy, đến đời thứ 33, Thiền sư Nguyên Thiều được đặt pháp danh theo dòng kệ truyền thừa của Ngài Đạo Mân, bắt đầu bằng chữ “Nguyên”, gọi là Nguyên Thiều - Thọ Tôn, đồng thời được đặt pháp danh khác theo dòng kệ truyền thừa của Ngài Tổ Định - Tuyết Phong bắt đầu bằng chữ “Siêu”, gọi là Siêu Bạch - Hoán Bích.

Là một trong  những  học trò xuất sắc của Tổ Đạo Mân - Mộc Trần, sau khi đắc pháp, sư Nguyên Thiều đã phát nguyện vượt biển ra hải ngoại hoằng pháp độ chúng, phát triển phái thiền Lâm Tế bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Và đích đến trong chuyến đi truyền pháp của Sư là xứ Đàng Trong của nước Đại Việt.

3. Hành trạng của Thiền sư Nguyên Thiều khi truyền bá thiền phái Lâm Tế tại Đàng Trong

Căn cứ theo bài ký minh khắc trên bia đá tại tháp của Tổ sư Nguyên Thiều được lập vào năm 1729 có đề rằng: “Nay có Thiền sư Hoán Bích, vào năm Ất Tỵ (1665),  chấn  tích tại phủ Quy Ninh (Bình Định) sáng lập ngôi chùa Thập Tháp Di Đà, mở rộng tượng giáo”(7). Chi tiết này cũng được ghi chép lại tương tự trong sách Đại Nam Liệt truyện tiền biên, mục Cao tăng truyện có đề cập đến: “Thái Tông hoàng đế,  Ất Tỵ (1665), năm thứ 17, Nguyên Thiều theo thuyền buôn sang Nam, cầm gậy thiếc ở phủ Quy Ninh, dựng chùa Thập Tháp Di Đà, mở rộng tượng giáo”(8). Chỉ khác ở chỗ nói rõ hơn việc sư Nguyên Thiều từ Trung Quốc theo thuyền buôn đến Đàng Trong bằng đường biển. Tư liệu này đã cung cấp cho chúng ta biết được phương tiện, cách thức mà sư Nguyên Thiều đến Đàng Trong, cũng như công trình kiến trúc Phật giáo đầu tiên mà Sư lập ra là dựng chùa Thập Tháp Di Đà ở phủ Quy Ninh làm nơi hoằng hóa thiền phái Lâm Tế ở vùng đất này.

Tuy nhiên về niên đại viết rằng vào năm 1665 thì có thể chưa chính xác. Nếu căn cứ vào năm sinh của Nguyên Thiều (1648), thì chi tiết cho rằng vào năm 1665, tức lúc đó Sư mới 17 tuổi, còn quá trẻ để đến Đàng Trong dựng chùa và truyền pháp. Thêm vào đó, chi tiết ghi trên bia tháp tổ của Sư viết rằng năm 19 tuổi sư xuất gia đi tu ở chùa Báo Tư.

Từ đó cho thấy chi tiết về niên đại khi Thiền sư Nguyên Thiều sang Đàng Trong ghi vào năm 1665 rất có thể bị nhầm. Khi bàn về năm di cư đến Đại Việt của Thiền sư Nguyên Thiều, nhà nghiên cứu Hà Xuân Liêm đã chỉ ra chỗ mâu thuẫn và phỏng đoán cho rằng: “Song tính theo số tuổi kể từ năm sinh đến năm xuất gia, theo văn ghi  trong bia và trong sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, thì các tài liệu trên này đều sai. Năm 19 tuổi, Bính Ngọ (1666) Ngài mới xuất gia đến chùa Báo Tư để thọ giới với Bổn Khao Khoáng Viên hòa thượng, thì làm sao năm Ất Tỵ (1665) Ngài qua Nam cho được? Cho nên, sau khi tính toán rất kỹ càng cách tính năm theo can - chi, ta phải nói cho rằng Ngài qua Nam vào năm 1677, tức là năm Đinh Tỵ”(9). Như vậy rất có thể trong văn bia và trong sách Đại Nam liệt truyện tiền biên đã viết nhầm chữ “Đinh” (丁) trong Đinh Tỵ (丁巳) thành chữ “Ất” (乙).

Khi so sánh đối chiếu với “Bài chí chùa Thập Tháp” có chi tiết đề cập đến năm Thiền sư Nguyên Thiều đến Đàng Trong như sau: “Phía Bắc thành Bình Định cách 7 cây số có một thành cũ tên là thành Đồ Bàn, thủ đô của nước Chiêm ngày xưa vậy. Đồi Thập Tháp nằm ở phía Bắc của thành này, gối lên đồi này là chùa Thập Tháp, do vị Đường tăng là Hoán Bích Hòa thượng lập nên.  Hòa  thượng là người tỉnh Quảng Đông, đời nhà Thanh. Vào khoảng nhà Lê niên hiệu Chánh Hòa năm thứ 4 (1683), Ngài từ Trung Quốc sang gác gậy tích tại đất Đồ Bàn, mở  rộng  đồi  tháp, kiến tạo thành ngôi Già Lam này. Đến đời vua Lê, chúa Nguyễn là Hiển Tông - Hiếu Minh Hoàng Đế sắc tứ biển vàng “Thập Tháp Di Đà Tự”... Lúc Ngài Đường tăng Hòa thượng kiến thiết ngôi chùa, mười tháp vẫn còn y nguyên như cũ, cho nên chùa cũng lấy tên là Thập Tháp”(10). Theo chi tiết được đề cập đến trong bài chí chùa Thập Tháp thì sư Nguyên Thiều đến phủ Quy Ninh, dựng chùa Thập Tháp vào năm 1683, lúc bấy giờ sư đã 35 tuổi. Tác giả Nguyễn Lang trong sách  Việt  Nam Phật giáo sử luận phỏng đoán cho rằng: “Sách Đại Nam Nhất thống chí nói rằng chùa này lập năm 1683, niên đại này có lẽ là niên đại hoàn tất chùa sau nhiều năm xây cất”(11). Nếu như nhận định trên của tác giả Nguyễn Lang chính xác thì từ đó có thể gián tiếp phỏng đoán chùa Thập Tháp ít nhất phải mất 5-6 năm mới xây dựng hoàn tất, do đó rất có thể Thiền sư Nguyên Thiều đến phủ Quy Ninh vào khoảng năm Đinh Tỵ (1677), năm đó Ngài khoảng 29-30  tuổi.  Với tư cách là một vị tăng sĩ di dân đến từ Trung Quốc, sư Nguyên Thiều không thể vừa đặt chân đến phủ Quy  Ninh đã có thể ngay lập tức dựng chùa. Đầu tiên phải tìm hiểu vị trí, chọn đất lành để dựng chùa, xem xét, nghe ngóng về tình hình chính trị và thái độ của nhà cầm quyền họ Nguyễn đối với Phật giáo ở Đàng Trong ra sao, cũng như phải có thời gian tu hành, từng bước hòa nhập, làm quen dân chúng và cả lớp người trí thức, quan chức địa phương đương thời, từ đó phát tâm vận động công đức bá tính quyên góp xây chùa... Do vậy, ước đoán phải mất ít nhất 5-6 năm mới hoàn tất là điều hợp lý và có cơ sở.

Trong sự nghiệp hoằng pháp của Thiền sư Nguyên Thiều ở Đàng Trong,  ngoài tư cách là vị Tổ khai sơn chùa Thập Tháp ở Quy Nhơn, hành trạng của Ngài còn có rất nhiều những đóng góp quan trọng khác với Phật giáo Đàng Trong. Theo công trình khảo cứu về hành trạng của sư Nguyên Thiều của Thượng tọa Thích Viên Kiên có đề cập khá chi tiết như sau: “Đến năm Quí Hợi (1683) niên hiệu Chánh Hòa thứ 4, sau khi xây dựng chùa Thập Tháp hoàn thành, Tổ Sư Nguyên Thiều phải vội vã lên đường ra Xuân Kinh theo lời mời của chúa Hiền để hoằng dương phật pháp tại vùng đất Thuận Hóa. Chùa Thập Tháp được Thiền sư Tánh Đề - Đạo Nguyên thừa đương phật sự, tiếp tục xây dựng, dạy dỗ tăng chúng thay cho Tổ sư. Trước tiên, Tổ sư đến cửa biển Tư Dung thuộc huyện Phú Lộc dựng lập ngôi chùa Hà Trung. Rồi sau đó Tổ sư tiếp tục đi đến núi Phú Xuân khai sáng chùa Quốc Ân và dựng tháp Phổ Đồng tại chân đồi Hòa Thiên phía tả núi Ngự Bình để làm cơ sở truyền bá Phật pháp”(12). Nhà nghiên cứu Hà Xuân Liêm có trích dẫn tư liệu liên quan đến việc Thiền sư Nguyên Thiều là người lập chùa Quốc Ân như sau: “Theo Tự phổ chùa Quốc Ân thì vào năm Chính Hòa thứ 5 (1684) vào thời vua Lê Hi Tông ở Thăng Long, và Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) ở Thuận Hóa, vị chúa này có ban cho một ngân khoản trợ cấp để Ngài Nguyên Thiều xây dựng chùa. Như vậy chùa có thể xây dựng vào 1682 hoặc 1684 mà không quyết đoán được năm nào, chùa được xây dựng như thế nào? Không có sách vở gì để lại, chỉ nói rằng ngay bên cạnh chùa, Ngài có xây dựng một kiến trúc gọi là Đồng Phổ tháp, hay Phổ Đồng tháp. Phổ Đồng tháp là gì? Có thể đây là nơi thờ tự những người quá vãng có công với chùa, nhưng không còn có con cháu cung cấp, thường dân tín hữu cũng như các bậc tể quan hoặc các điệu, các thầy trong sơn  môn mà chưa có quyền xây tháp mộ theo truyền thống Phật giáo, cho nên mới dùng hai chữ Phổ (chung) Đồng (bình đẳng)”(13). Rất tiếc tháp Phổ Đồng bị binh hỏa phá hủy khi quân Tây Sơn chiếm lấy Phú Xuân vào năm 1786. Phỏng đoán về năm hoàn thành chùa Quốc Ân, ông có dẫn ra sự kiện sau: “Năm Chánh Hòa thứ 10, ngày 17 tháng 5 năm Kỷ Tỵ (13.7.1689), Anh  Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế tức là chúa Nguyễn Phúc Thái (1687- 1691) đã phê chuẩn một sắc lệnh miễn thuế đất ruộng của chùa và đổi tên Vĩnh Ân Tự thành “Sắc Tứ Quốc Ân Tự”. Như vậy, tên chùa Quốc Ân mà sách Đại Nam nhất thống chí đã viết, là có từ năm Kỷ Tỵ (1689) vậy”(14).

Không chỉ có công dựng chùa, lập tháp, Thiền sư Nguyên Thiều còn phụng mệnh chúa Nguyễn trở lại Quảng Đông mời Hoà thượng Thạch Liêm sang Thuận Hóa cũng như thỉnh nhiều tượng Phật, pháp khí về nước.  Trong  bài ký minh khắc trên bia đá chùa Quốc Ân có cho biết như sau: “Được biết Thánh chúa tiên triều có nhờ thiền sư quay lại Quảng Đông mời Hoà thượng Thạch Liêm ở chùa Trường Thọ và thỉnh Phật tượng cùng nhiều pháp khí đem về nước, công việc trước sau được hoàn thành để lại biết bao là công đức. Rồi từ đây, thiền sư phụng chỉ đến trụ trì chùa Hà Trung”(15). Trong sách Đại Nam liệt truyện tiền biên cho biết sư Nguyên Thiều phụng mệnh Anh Tông hoàng đế, tức chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn sang Quảng Đông mời Hoà thượng Thạch Liêm. Đối chiếu với lời tự thuật của hòa Hoà thượng Thạch Liêm trong sách Hải ngoại  kỷ  sự có ghi chép rằng: “Kể từ Tiền vương (tức Nghĩa Vương)  đã có thư mời, đến  nay  cả  thảy ba lần, mời đến ba lần tưởng cũng đã thành tâm lắm vậy”(16). Điều đáng chú ý là Hoà thượng Thạch Liêm viết rằng Đại Việt Quốc Vương phái sứ giả người tỉnh Mân (Phúc Kiến) đưa thư và dâng lễ vật trong lần mời thứ ba vào diện kiến hòa thượng nhằm ngày mùng 4 tháng 8 năm Giáp Tuất, Khang Hy năm thứ 33 (1694). Từ đó suy luận, việc sư Nguyên Thiều phụng mệnh chúa Nghĩa trở lại Quảng Đông mời Hoà thượng Thạch Liêm sang Đàng Trong có thể diễn ra trong lần mời thứ nhất hoặc thứ hai, tức dưới thời trị vì của chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691). Căn cứ theo tư liệu lịch sử cho thấy năm 1683 Ngài hoàn tất việc xây dựng chùa Thập Tháp ở phủ Quy Ninh (Bình Định) liền lập tức ra Phú Xuân theo lời mời và nhận sự hỗ trợ của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần để dựng chùa Quốc Ân và tháp Phổ Đồng.  Như vậy có khả năng chùa  Quốc Ân xây từ năm 1683 đến năm 1687 thì hoàn tất, liền sau đó là hành trình sư Nguyên Thiều đi thuyền trở về Quảng Đông thỉnh mời cao tăng Thạch Liêm qua Nam và rước tượng Phật, pháp khí về Đàng Trong trong khoảng thời gian từ năm 1687 đến năm 1691, nhưng không rõ Sư được phái đi chính xác vào năm nào. Tiếc rằng chuyến đi đó của sư Nguyên Thiều chưa mời được Hoà thượng Thạch Liêm sang, nhưng dù sao Ngài cũng có công thỉnh được nhiều tượng Phật và pháp khí về đến Đàng Trong. Sau đó, sư phụng chỉ đến trụ trì chùa Hà Trung. Về vấn đề này, tác giả Hà Xuân Liêm  cho  rằng:  “Sự  bổ  dụng này  mang  dáng  dấp  một  sự thất  sủng  hơn  kính  trọng”(17). Phải chăng vì không mời được Thạch Liêm hay vì lý do chính trị gì khác mà Sư bị phái đến trụ trì tại một ngôi chùa làng hẻo lánh ở  phía  Nam kinh  thành Phú Xuân? Việc này cũng chỉ dừng lại ở góc độ phỏng đoán, mà chưa thể giải thích trọn vẹn.

Trong bia đá ở chùa Quốc Ân ghi chép về sự kiện sư Nguyên Thiều viên tịch như sau: “Trải qua từ khi vượt biển sang nước ta tính đến nay đã hơn 50 năm rồi. Trong một cơn bệnh nhẹ, Thiền sư viên tịch nhằm vào ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân (1728). Trước  khi viên tịch, Thiền  sư  triệu  tập  tứ  chúng môn đồ dạy pháp vi huyền, trao lời bí ngữ, rồi chấp bút viết bài kệ rằng:

寂寂镜无影
明明珠不容
堂堂物非物
寥寥空勿空。

Tịch tịch kính vô ảnh
Minh minh châu bất dung
Đường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không.

Dịch thơ:

Vắng lặng gương không bóng
Rực sáng ngọc nào dung
Rỡ ràng vật chẳng vật
Rỗng rang không vật không.

Viết xong, Thiền sư  ngồi kiết già an nhiên thị tịch, thọ 81 tuổi. Môn đồ đệ tử cùng các quan triều tại gia lập tháp tại xứ Cửa Hóa để an nhập nhục thân Thiền sư và quỳ xin ta ban lời Ký minh. Ta ban thụy hiệu là “Hạnh Đoan Thiền Sư”(18). Bài kệ thị tịch trên sư Nguyên Thiều quan niệm rằng tự tính, bản thể vốn tĩnh lặng và trong sáng, nhưng không thể dùng giác quan hay nhận thức thông thường để kiếm tìm, nắm bắt nó. Sư Nguyên Thiều ngụ ý khai thị đồ đệ trong việc học thiền, tu thiền, hành thiền cốt yếu ở chỗ đừng nên chấp trước vào bất kỳ đối tượng nào cả, dù đó là chấp niệm về vật, hay chấp niệm về không (vật phi vật, không vật không), nhấn mạnh nguyên lý thiền học “chân không diệu hữu”. Có được như thế, thì thiền giả mới thực sự chứng ngộ và đạt đến cảnh giới tự tại vô ngại, tùy phương khai hóa.

Chùa Thập Tháp (Bình Định) - Ảnh: St
Chùa Thập Tháp (Bình Định) - Ảnh: St

Về năm viên tịch của Thiền sư Nguyên Thiều, ngoài căn cứ vào bia đá đề ở chùa Quốc Ân cho rằng Ngài mất vào năm 1728, còn có những ý kiến khác nhau. Như tác giả Nguyễn Lang căn cứ vào chi tiết năm được chép trong tác phẩm Hải ngoại kỷ sự của Hoà thượng Thạch Liêm có đề cập đến vào năm 1695 có ghé thăm chùa Hà Trung nhưng không gặp Thiền sư Nguyên Thiều mà chỉ gặp vị Giám tự trông coi ở chùa  này, từ  đó nhận định rằng “Một vị Giám tự mới thọ Tỳ kheo thì chắn chắn không phải là Thiền sư Nguyên Thiều, người đã khai sơn hai Tổ đình lớn là Thập Tháp và Quốc Ân. Điều đó cho ta thấy rằng Nguyên Thiều đã tịch trước năm 1695 tức là năm Thạch Liêm tới Đại Việt. Niên đại 1729 đề ở bia Quốc Ân chỉ  là  niên đại dựng bia chứ không phải niên đại nhập diệt của Nguyên Thiều”(19). Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tác giả Nguyễn Hiền Đức thông qua việc phát hiện ra hình thức xây “Kim tĩnh” bên dưới khi tu sửa nền tháp Tổ Nguyên Thiều ở chùa Kim Cang (Đồng Nai) vào năm 1989, ông có giả thuyết cho rằng: “Tháp của Tổ sư Nguyên Thiều ở chùa Kim Cang có thể là tháp chính, như vậy, tháp Hóa Môn ở Huế có thể là tháp vọng, nhưng vẫn có vai trò quan trọng vì tháp này được chúa Nguyễn Phúc Chú ban cho bài Ký và Minh ở tháp”(20). Tác giả này dẫn ra sự kiện từ năm 1692, sau cuộc nổi loạn của một  người  Hoa  tên A Ban khiến chúa Nguyễn giữ thái độ e dè, không trọng dụng Sư Nguyên Thiều như trước, do đó mà cử Sư đến trụ trì chùa Hà Trung ở xa kinh thành Phú Xuân. Đến năm 1694, ở Đàng Trong lại xảy ra biến loạn của nhóm người Hoa do Quảng Phú đứng đầu, mà Quảng Phú từng sống ở phủ Quy Ninh, từng là nơi sư Nguyên Thiều lập chùa Thập Tháp trước đây. Rất có thể Sư do e ngại bị liên lụy nên âm thầm rời chùa Hà Trung để xuôi vào Nam,  đến trú ẩn và lập chùa Kim Cang ở Đồng Nai làm nơi tu hành và hoằng hóa vào khoảng năm 1695, sau viên tịch ở tại đó(21). Lý giải này của tác giả Nguyễn Hiền Đức nhằm chứng minh cho giả thuyết tháp Tổ Nguyên Thiều ở Đồng Nai mới là tháp chính, còn tháp Tổ ở Hóa Môn, Huế là tháp vọng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là quan điểm riêng của tác giả Nguyễn Hiền Đức, mà chưa được nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận. Do đó, đến nay vấn đề về năm và địa điểm viên tịch của tổ sư Nguyên Thiều trong giới học thuật vẫn chưa đi đến nhất quán.

Sau khi sư Nguyên Thiều viên tịch, các quan trong triều từng thọ giới với Ngài và sư môn, đồ chúng bèn dựng tháp Tổ, rước xá lợi của Ngài vào tháp và tâu xin làm văn bia, Hiển Tông hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Chú) ban cho tên thụy là Hạnh Đoan Thiền sư, và đích thân viết bài ký và bài minh ngợi tán công đức của Sư như sau:

“Chính giác tốt tốt
Ngôi chùa đường hoàng
Vui chơi trăng nước
Giữ giới vững vàng
Trông, lặng, bền, vững
Đứng cao nghiêm trang
Cái thân vốn không
Truyền giáo, giúp người
Mây từ che rộng
Đuốc tuệ khắp soi
Coi vào nghiêm thay!
Như núi Thái Sơn
Cao cao tuyệt vời.”(22)

Chùa Hà Trung (Huế) - Ảnh: St
Chùa Hà Trung (Huế) - Ảnh: St

4. Ý nghĩa những đóng góp của Thiền sư Nguyên Thiều đối với Phật giáo Đàng Trong

Trải qua hơn 50 năm hoằng pháp, cùng với những vị thiền sư danh tiếng khác từ Trung Quốc di dân đến đây như Ngài Tử Dung, Ngài Pháp Bảo.., Tổ Nguyên Thiều đã góp công gieo trồng hạt giống pháp của thiền phái Lâm Tế tại Đàng Trong được đâm chồi nảy lộc và phát triển lâu dài, đem lại những đóng góp rất có ý nghĩa về phương diện tông môn truyền thừa và phương diện văn hóa Phật giáo.

Ý nghĩa về phương diện tông môn truyền thừa

Nhìn lại tình hình Phật giáo ở Đàng Trong vào thế kỷ 17, nhất là sau sự kiện năm 1682 khi Hương Hải Thiền sư cùng 50 đồ đệ dong thuyền ra Đàng Ngoài hoằng pháp đã khiến cho tình hình Phật giáo ở Đàng Trong bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, do sự chia cắt về lãnh thổ gây nên bởi cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh, khiến cho một số thiền phái vốn rất thịnh ở Đàng Ngoài thiếu đi điều kiện để truyền bá và phát triển ở xứ Đàng Trong. Do đó, ở một chừng mực nhất định, thông qua việc hoằng pháp của sư Nguyên Thiều ở Đàng Trong đã góp phần khiến cho phái thiền Lâm Tế của Trung Quốc có điều kiện bén rễ và phát triển tại vùng đất này, góp phần làm phong phú, đa dạng hơn về mặt tông môn, giáo thuyết, hệ phái truyền thừa, cũng như tạo nền tảng cho sự phát triển về mặt học thuật của Phật giáo Đàng Trong về sau.

Trải từ Tổ sư Nguyên Thiều đời thứ 33 chính tông Lâm Tế lập nên chùa Thập Tháp Di Đà, đến nay pháp hệ truyền thừa của thiền phái này đã nối tiếp đến đời thứ 42. Khi bàn về ý nghĩa những đóng góp mà Sư đã dày công tạo dựng, Thượng tọa Thích Viên Kiên có nhận định sau: “Tính từ Tổ sư Nguyên Thiều kiến lập đến nay, tất cả trải qua 15 đời Hòa thượng trụ trì, trong đó có vị tài ba xuất chúng biện giải làu thông, có vị đạo hạnh sáng ngời vang danh khắp chốn, có vị đức từ bủa khắp cứu giúp lê dân. Đời đời nối tiếp trùng tu chùa viện tái thiết thiền đường, chấn chỉnh quy củ thiền môn tiếp tăng độ chúng. Chính pháp được tuyên dương rộng rãi, Phật chủng được tung vãi muôn nơi, dân chúng cũng nhờ đó thấm nhuần mưa pháp. Vua chúa triều đình nghe danh ban cho Sắc tứ Tăng cang và cung thỉnh nhiều vị Hòa thượng ra kinh đô xiển dương phật pháp”(23).

Chùa Quốc Ân (Huế) - Ảnh: St
Chùa Quốc Ân (Huế) - Ảnh: St

Trong việc đào tạo lớp tăng tài kế tục sự nghiệp, Tổ Nguyên Thiều đã có công giáo dưỡng rất nhiều những đệ tử xuất sắc xiển dương phái thiền  Lâm Tế ở Đàng Trong. Các vị đồ đệ ưu tú của Ngài được phái đi nhiều nơi ở khắp dải đất miền Trung và miền Nam lập chùa, hoằng pháp độ chúng, tiêu biểu như các Thiền sư Minh Giác - Kỳ Phương, Minh Lượng - Nguyệt Ân, Minh Vật - Nhất Tri, Minh Hải - Pháp Bảo, Minh Hằng - Định Nhiên, Minh Trí - Thiện An, Thành Nhạc - Ẩn Sơn, Thành Chí - Pháp Thông, Thành Ngộ - Nghiêm An v.v.. Đồ đệ của Tổ sư Nguyên Thiều được đặt pháp danh bắt đầu bằng chữ “Minh” theo bài kệ nối dòng của tổ sư Tổ Định - Tuyết Phong, hoặc bằng chữ “Thành” theo bài kệ nối dòng của tổ sư Đạo Mân - Mộc Trần. Thượng tọa Thích Mật Thể đã có nhận định đề cập đến ý nghĩa và tầm ảnh hưởng sâu rộng của tông môn Lâm Tế đối với Phật giáo Đàng Trong như sau: “Ngày nay tăng đồ, tín đồ ở Trung Kỳ và Nam Kỳ hầu hết là thuộc về dòng Lâm Tế”(24).

Ý nghĩa về phương diện văn hóa Phật giáo

Suốt hơn 50 năm hoằng pháp ở xứ Đàng Trong, Tổ sư Nguyên Thiều đã có công lao khai sơn chùa Thập Tháp ở Quy Ninh (Bình Định), dựng chùa Quốc Ân, tháp Phổ Đồng, chùa Hà Trung ở Thuận Hóa, và có thể là cả chùa Kim Cang ở Đồng Nai. Với truyền thống và bề dày lịch sử hun đúc, những ngôi cổ tự này không chỉ là Phật điện, Tổ đình, giảng đường, thiền viện, nơi đào tạo bao  thế  hệ  tăng tài tiếp nối mà còn trở thành thắng tích chứa đựng và truyền tải di sản văn hóa Phật giáo lưu lại cho hậu thế. Bên cạnh đó, sư Nguyên Thiều còn thuyết pháp, chủ trì các nghi thức lễ đàn Phật giáo, truyền giới quy y cho các tăng chúng, tín đồ...

Ở một góc độ nhất định, thông qua những hoạt động Phật giáo này của sư Nguyên Thiều đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tôn giáo trong đời sống văn hóa tinh thần không thể thiếu của một bộ phận  dân  chúng cả người Việt và người Hoa, cũng như giới vương thất, quý tộc và quan lại đương thời. Sư Nguyên Thiều còn phụng mệnh chúa Nguyễn Phúc Trăn trở lại Quảng Đông mời Hoà thượng Thạch Liêm sang Đàng Trong. Tiếc rằng chuyến đi đó của Sư chưa rước được hòa thượng sang, nhưng trong hành trình trở về, sư Nguyên Thiều có thỉnh được một số pháp tượng, pháp khí, tiêu biểu như pho tượng Phật cao khoảng 3 mét ở chùa Hà Trung - nơi Ngài từng trụ trì: “Chính tại ngôi chùa này mà thuyết truyền cho rằng Ngài đã thiết trí pho tượng Phật Quán Thế Âm rất lớn bằng đá và cho rằng đó là pho tượng quan trọng nhất mà Ngài đã thỉnh từ Trung Hoa về; hiện nay đang còn, là một bảo vật của Phật giáo Thừa Thiên Huế”(25). Sư còn có những đóng góp cả về phương diện giao lưu văn hóa Phật giáo giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như đưa Phật giáo trở  thành nhịp cầu kết nối trong giao lưu nhân dân giữa cư dân bản địa người Việt với cộng đồng người Hoa di dân đến đây sinh sống. Có thể nói, bằng tất cả những việc làm phụng sự Phật giáo và độ chúng của Sư đã tạo nên những giá trị văn hóa Phật giáo độc đáo đóng góp vào sự hình thành và phát triển của Phật giáo Đàng Trong.

Chùa Quốc Ân Kim Cang (Đồng Nai) - Ảnh: St
Chùa Quốc Ân Kim Cang (Đồng Nai) - Ảnh: St

5. Kết luận

Thông qua tìm hiểu về tiểu sử, hành trạng cũng như ý nghĩa những đóng góp của Thiền sư Nguyên Thiều khi hoằng pháp tại xứ Đàng Trong của Đại Việt, một mặt giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo ở vùng đất này vào thế kỷ 17, từ đó thêm trân trọng, bảo tồn, gìn giữ và tôn tạo những di tích lịch sử liên quan như Tổ đình, chùa, tháp, tượng Phật, mộ, bia, ký, thư tịch cổ v.v...; mặt khác, cần tiếp tục củng cố và phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo mà Tổ Nguyên Thiều và các bậc danh tăng khác của tông môn này đã dày công vun đắp, đóng góp vào quá trình phát triển của lịch sử Phật giáo dân tộc nói chung.

Bằng tất cả những gì đã phụng sự trong suốt cuộc đời hoằng pháp độ chúng, hành trạng và công đức của Sư được người hậu thế tán dương bằng những dòng chữ hết sức trang trọng được khắc trên Văn bia tháp tổ của thiền sư tại chùa Quốc Ân như sau: “Trong thiền định chiếu soi bản thể, với trí minh thấu triệt lý mầu, lời lẽ vi huyền khế nhập giáo điển, khuyến hóa mọi người dứt ác làm lành, khai bày giáo pháp cho hàng hậu  học,  truyền  trao  giới  thể cho bốn chúng tử tôn”(26). Thiết nghĩ, sư Nguyên Thiều xứng đáng là một trong những tấm gương sáng điển hình sống “tốt đạo, đẹp đời” cho thế hệ phật tử đời sau chiêm nghiệm và noi theo.

* Bài viết là kết quả đề tài nghiên cứu khoa học của Hội Liên hiệp  Hoa  kiều  Trung Quốc năm 2022-2024 (mã số 22BZQK232) và đề tài nghiên cứu quy hoạch Triết học, Khoa học xã hội tỉnh Quảng Tây năm 2022 (mã số 22BZJ001).

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Phượng & GS.TS. Đằng Thành Đạt
Viện Nghiên cứu Trung Quốc - ASEAN, Đại học Dân tộc Quảng Tây
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2024

***

CHÚ THÍCH:
(1) Mật Thể: Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Minh Đức, Sài Gòn, 1960, tr.212-213.
(2) Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000, tr. 584.
(3) Gồm các tông: Lâm Tế, Tào Động, Quy Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn.
(4) Thích Viên Kiên: Chùa Thập Tháp Di Đà & Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch, Nxb. Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 188.
(5) Sđd, tr.86.
(6) Sđd, tr.87.
(7) Sđd , tr.188.
(8) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam Liệt truyện tiền biên, tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1994, tr.192-193.
(9) Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm: Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr. 133.
(10) Thích Viên Kiên: Chùa Thập Tháp Di Đà & Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch, Nxb. Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr.204.
(11) Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000, tr. 586.
(12) Thích Viên Kiên: Chùa Thập Tháp Di Đà & Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch, Nxb. Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr.91-92.
(13) Sđd, tr.137-138.
(14) Sđd, tr.138.
(15) Sđd, tr.188.
(16) Thích Đại Sán: Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, 1963, tr.19.
(17) Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm: Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, 2006 , tr.139.
(18) Thích Viên Kiên: Chùa Thập Tháp Di Đà & Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch, Nxb. Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr.188-189.
(19) Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000, tr.587.
(20) Nguyễn Hiền Đức: Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tập 1, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1995 , tr.125.
(21) Sđd, tr.135.
(22) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam Liệt truyện tiền biên, tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1994, tr.192-193.
(23) Thích Viên Kiên: Chùa Thập Tháp Di Đà & Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch, Nxb. Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr.180.
(24) Mật Thể: Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Minh Đức, Sài Gòn, 1960, tr.207.
(25) Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm: Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr.139.
(26) Thích Viên Kiên: Chùa Thập Tháp Di Đà & Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch, Nxb. Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr.188.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm: Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, 2006.
2. Thích Đồng Bổn chủ biên: Phật giáo Việt Nam từ đời Lê đến Tây Sơn, Tư liệu lưu hành nội bộ Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 2012.
3. Nguyễn Hiền Đức: Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tập 1, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.
4. Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, Nxb. Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, 2018.
5. Thích Viên Kiên: Chùa Thập Tháp Di Đà & Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch, Nxb. Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, 2019.
6. Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam Liệt truyện tiền biên, tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1994.
8. Thích Trúc Thông Quảng biên soạn: Thiền tông Lâm Tế, Thiền tông Tào Động, Nxb. Tôn giáo, Thành phố Hồ Chí Minh, 2016.
9. Thích Đại Sán: Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, 1963.
10. Mật Thể: Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Minh Đức, Sài Gòn, 1960.
11. Thích Thanh Từ: Thiền sư Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, 2018.
12. Vân Thanh: Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo, Phật Học Viện và các chùa xuất bản, Sài Gòn, 1974.