Kinh điển Phật giáo từ lâu ở nước ta thường sử dụng Hán ngữ, tầng nghĩa xác định thường nan giải bởi đặc thù của ngôn ngữ này. Trong khi đó, giáo lý đạo Phật thì sâu mầu, nếu hiểu không rõ ràng sẽ dẫn đến suy tư lệch lạc sai lầm.
Trí tuệ vô lậu là gì. Và sao gọi là vô lậu?
Trước khi vào nội dung bài viết, chúng ta cần hiểu khái niệm đôi nét về ngữ nghĩa qua Phật học từ điển. Theo học giả Đoàn Trung Còn: Vô lậu (Anasvara) là không lậu tiết, không lậu lạc; tức là không có các mối phiền não; trái với hữu lậu.
Khi con người ta chưa đạt “Tam vô lậu học” tức là (giới, định, tuệ) thì người ta vì “phiền não (tham, sân, si) cho nên ngày đêm để cho sáu (6) cơ quan: Nhãn (mắt), nhĩ (tai), tỷ (mũi), thiệt (lưỡi), thân (cơ thể), ý (nghĩ suy) cứ lậu tiết, chảy ra lưu thông mãi không ngừng - ấy là lậu”.
Lại nữa, những mối phiền não: “khiến con người lậu lạc, sa ngã vào trong ba nẻo ác lụy (tam ác đạo) và sáu đường luân hồi - ấy là hữu lậu”.
Cho nên nói hữu lậu là những phàm phu chưa dứt phiền não, còn lưu luyến còn sa ngã trong vòng khổ não chướng. Còn vô lậu là bậc đã dứt phiền não, thoát ra ngoài vòng luân hồi, tức cảnh giới không còn lậu, thanh tịnh. Ngược lại với “hữu lậu là người chưa đoạn phiền não, lại nuôi dưỡng cái lòng ham muốn, cầu cho hưởng thêm các sự phước đức, mà không thể giải thoát khỏi tam giới? Trong khi đó người tu theo vô lậu đạo thì không cầu lấy những phước báo trong tam giới!”
Vậy trí tuệ vô lậu là không còn lậu hoặc (tính đã ra khỏi các phiền não tùy nhiễm) cái trí tuệ thuần lương tinh sạch không chút cấu bợn: ấy là trí của các bậc đắc quả thánh. Đây là những bậc nhờ duyên không lậu tu giới, định, tuệ. Nhờ trí này mà thấy được cái mà kẻ khác không thể thấy.
Vậy đức Thế Tôn trong 49 năm hoắng hóa chỉ có một mục đích duy nhất là khai thị, tức chỉ cho chúng sinh biết tu “ngộ nhập Phật tri kiến” để chúng sinh thấy được tính nhiệm mầu của Như Lai Tạng diệu tâm. Nói khác đi là để đưa con người bình thường (từ cái biết chưa trọn vẹn) tới cái biết tối thượng, cái tuệ giác tối thượng. Với mục đích ấy, Phật học chia sự học về thực tại vốn đồng nhất tròn đầy ra làm ba mặt: Giới - Định và Tuệ học. Đối với hàng xuất gia từ lúc còn sơ cơ trong chốn thiền môn đều không quên lời tổ Quy Sơn: “Như Lai ứng cơ thiết giáo, thủ dĩ mộc xoa, phòng phi chỉ ác, thứ dĩ thiền định, tức lự vọng duyên, hậu dĩ đạt tuệ, phá hoặc chứng chân…”. Còn tu sĩ tại gia sao có thể dời bỏ Ngũ giới, Thập thiện, Bồ tát tâm địa.
Muốn thể nhập được trí tuệ, trước hết phải lấy thiền định để nhiếp trì các căn, tập trung tư duy, gạt bỏ vọng niệm thì tự nhiên trí tuệ được khai phát hiển bày. Nhưng trí tuệ và thiền định là do công phu trì giới mà sinh. Vậy nên, điều đầu tiên là phải lấy giới Ba La Đề Mộc Xoa (Prastimoksa-patimokkha) để đoạn trừ ác hành, ngăn ngừa sai trái, thứ nữa lấy thiền định để thâm tâm vọng niệm không khởi, cuối cùng dùng gươm trí tuệ sắc bén cắt đứt những mê hoặc chứng chân như.
Giáo dục thế gian thì lễ nghi đi trước. Quy tắc xuất thế thì giới luật đứng đầu, phi lễ nghi thì không có gì để trở thành hiền trí. Có giới luật thì mới có thể đi mau đến Bồ đề, Đại kinh dạy “Giới là thang, là thuyền của hết thảy đạo quả, cũng là rễ là gốc của tất cả thiện báo”. Nếu không giữ giới luật thì làm sao thấy được Phật tính?
Giới (Sila): Thường được hiểu là giới hạnh, điều luật đạo đức. Phật tử tại gia thì có Ngũ giới, Thập thiện, Bồ tát tâm địa.
Theo giới bản Tỳ kheo, trong 12 năm đầu gọi là vô sự Tỳ kheo, trong tăng đoàn không có sự gì rắc rối cả. Sau 12 năm mới có kẻ hữu sự, rắc rối. Để đáp ứng yêu cầu thanh tịnh hòa hợp, giới luật được hình thành. Căn bản của giới luật là thiểu dục tri túc. Thiểu dục là ít ham muốn đối với những gì chưa có. Tri túc là biết vừa đủ đối với những gì đã có. Có thiểu dục thì mới không phạm giới. Giữ giới là thiểu dục tri túc chứ không có gì khác. Cho nên kinh Di Giáo viết: Người ít muốn thì không đua nịnh quanh co để cầu được lòng người. Cũng không bị các giác quan lôi kéo… ít muốn là có Niết bàn. Vậy lời Phật dạy “An phận thanh bần, giữ gìn đạo hạnh, chỉ duy tuệ giác mới là sự nghiệp”.
Định (Samadhi) có ý nghĩa chung là thiền định (Dhyana) Samadhi là sự tập trung, cô đọng, sự nhất tâm có ý nhấn mạnh sự ngưng tụ. Định là bản thể vắng lặng, nhất như - như thị của hiện tại. Đối với một cá nhân, định là trạng thái thanh tịnh, nhất tâm ôn cố vững vàng, chuyên sâu. Tâm có định mới bình an, không lo lắng chao đảo, không nghi ngờ sợ hãi, có định mới hiểu rõ được sự vật, thông hội được thực tại.
Tuệ (Prajna, Panna) là cái biết trọn vẹn, chiếu rọi, thông suốt vạn pháp, đồng nhất với vạn pháp. Tuệ là cái biết, cái thấy “pháp nhĩ như thị”. Do kết quả của tu tập thiền định mà chân tâm được sáng tỏ, trí tuệ đại vô lậu được hiển hiện, phân biệt được tự tướng của vạn pháp, chứng ngộ lý Tứ đế, đoạn trừ được mọi tư hoặc đưa tác dụng của phần tâm tới chỗ thâm áo cao diệu.
Tổng quan lại mà nói, Giới là cái học về các luật tắc trong sinh hoạt của người tu xuất gia trong tăng đoàn, hay tu sĩ tại gia về điều thiện phải làm cũng như những điều ác phải tránh, giữ gìn (thân khẩu ý) cho thanh tịnh. Định là cái học về thiền định để thân tâm được an ổn, được thanh tịnh. Tuệ là cái học về giáo lý của đức Phật có chính kiến, có trí tuệ quyết trạch vô lậu để thực chứng chân lý tối hậu là giải thoát Niết bàn.
Như vậy, Tam vô lậu học là một pháp môn mà đức Phật đã đi qua và được thực chứng trí huệ Chính biến tri dưới cội Bồ đề. Người tu tập phải luôn luôn kết hợp chặt chẽ ba môn đó, không loại bỏ một môn nào, nếu thiếu một thì đích điểm tối hậu là giải thoát, an lạc sẽ không bao giờ đạt được.
Đức Phật và các Thánh đệ tử đều đi qua Tứ thiền, trên cơ sở thiền thứ Tư, tâm định tĩnh và nhu nhuyễn, hành giả có thể hướng tâm đến các đối tượng Sáu Thần thông hay Ba minh, chứng ngộ tối hậu.
Trong kinh tạng Nguyên thủy không thấy ghi chép vị Thánh đệ tử nào tự tuyên bố là mình đã chứng được Tam minh. Thường thì các ngài được giới thiệu đã chứng A La Hán, chứng Diệt thọ tưởng định, và đoạn trừ các lậu hoặc (tương đương với Lậu tận minh). Trong kinh Sáu Thanh Tịnh (Trung Bộ kinh) đức Phật dạy về tiến trình tu tập của một vị Tỳ kheo khi chứng được thiền thứ Tư xong thì “Với tâm định tĩnh, thuần tịnh không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn dễ sử dụng, vững chắc bình thản như vậy, tôi dẫn tâm (chỉ người tu thiền) hướng đến Lậu tận trí. Tôi biết như thật: Đây là Khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt. Biết như thật, đây là những lậu hoặc, đây là nguyên nhân của lậu hoặc, đây là lậu hoặc được diệt trừ, đây là con đường đưa đến các lậu hoặc được diệt trừ”.
Như vậy, điều cần thiết cho các đệ tử là phải thoát khỏi “dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu để đạt được “sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; không còn trở lại trạng thái này nữa”.
Từ đó, chúng ta có thể thấy rõ khả năng thần thông của các đệ tử đều có giới hạn, và vấn đề tu chứng không gắn liền với khả năng thần thông. Các khả năng thần thông không giúp ích gì cho một người chưa đoạn trừ các ô nhiễm (lậu hoặc) của tâm thức; ngược lại thần thông đối với người còn nuôi dưỡng các lậu hoặc nói trên, thì chỉ làm gia tăng bản ngã, cản trở việc giác ngộ-giải thoát.
Hiện nay, giới nghiên cứu tôn giáo ở các nước Âu - Mỹ họ rất khải thị sự minh triết của Phật giáo, qua nghiên cứu, họ đặt câu hỏi: Vì sao minh triết của Phật giáo có được những huyền nhiệm và tiên liệu rất thực tại so với triết học nói chung và với nền triết học đương đại hiện nay. Nếu phải so sánh (tức chỉ các nhà nghiên cứu triết học phương Tây) họ cho rằng, triết học đương đại hiện nay đang “chững lại” bởi những điều cần nói thì đã nói cả rồi và không còn gì để nói nữa, và họ coi thực tại triết học hiện nay “ví như con rắn quay lại ngậm cái đuôi của mình” nếu không muốn nói là tàn nụi. Bởi triết học hiện đại không có một hệ thống tư duy của Giới-Định-Tuệ, tức Trí tuệ vô lậu hay còn gọi là (trí vô sư) như Phật giáo.
Tác giả: Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2020 -------------------------------TÀI LIỆU THAM KHẢO: -Kinh Phân biệt Sáu xứ; kinh Ví Dụ con chim cáy; kinh Sáu Thanh tịnh (Trung Bộ Kinh). -Phật học từ điển - Tác giả Đoàn Trung Còn (Nxb.Tp.HCM-2006) -Tạp chí nghiên cữu Phật học số 5/1997. - Chỗ đứng của đạo Phật trong triết học ở Hoa Kỳ hiện nay của Giáo sư-tiến sĩ: Nguyễn Hữu Liêm (bài thuyết trình được coi là Đề tài khoa học trình bày tại chùa Giác ngộ, P.3- Quận 10- Tp.HCM - đăng tải Điên tử (ĐPNN) 9/8/2017)
Bình luận (0)