Bia số 6
Bài chúc từ làm lễ kỷ niệm ngày tuyên phong chức Tăng cương của cụ Hoà thượng Nguyễn Thanh Thịnh (Nôm)
Nam mô A Di Đà Phật.
Kính bạch cụa Hoà thượng!
Thưa các quan chức thân thương, các vị Đại đức và Tăng chúng cùng các giáo hữu.
Ngày mùng 10 tháng Giêng này, là một ngày vinh dự bên Tăng giới trong tỉnh Ninh Bình. Từ năm Quý Dậu (1933), niên hiệu Bảo Đại thứ 8, Thừa quan tỉnh Ninh Bình về chùa Phúc Chỉnh, tuyên Độ điệp của Hoàng triều phong chức Tăng cương cho cụ Hoà thượng ta đây. Thực là một ngày đáng kỷ niệm.
Nay hội viên trong Chi hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình và thân hào 4 xã: Phúc Chỉnh, Phúc Am, Yên Phong, Địch Lễ, là những nơi nhờ ơn cụ Hoà thượng dựng chùa mở cảnh. Chúng tôi đến làm lễ kỷ niệm ngày này là để ghi nhớ ơn vua và hoằng dương Phật pháp. Vả lại làm gương cho con cháu chúng tôi, giữ lấy phong tục trung hậu của nước nhà. Chịu ơn huệ thì phải báo đền, chưa báo đền thì phải ghi nhớ và làm gương cho Tăng chúng sau này, nên theo gương sáng của cụ Hoà thượng ta đây, cúc cung tận tụy về các việc công đức, không kể công kể của, chịu phần khó nhọc từ trẻ đến già.
Vậy trước hết, xin mừng tuổi cụ chúc thọ cụ và có một bài chúc từ, để kính thuật lại những công đức cụ từ trước, và cầu nguyện tăng phúc thọ cụ về sau, gọi là mấy chữ nôm na, cùng tỏ một lòng chúc tụng.
Rằng mùng Mười sau ngày nhân nhật,
Vừa tháng Giêng đầu tiết Thiều quang.
Canh Thìn (1940) thái vận Tam dương,
Triều vua Bảo Đại bốn phương thái bình.
Chúc Thánh thượng khang ninh vạn tuế,
Cầu Pháp - Nam thịnh thế ngàn Thu.
Ninh Bình gần đất thang châu,
Đinh, Lê sùng Phật đường tu mở đầu.
Đức Khuông Việt phép mầu tu đạo,
Ngôi Quốc sư tôn giáo siêu phàm.
Hoàng triều có Tổ Thanh Đàm,
Tu chùa Bích Động đầu hàng Tăng cương.
Tổ Thanh Hanh nối làm Pháp chủ,
Trong Thiền gia dạy rõ môn đồ.
Xuất gia từ thuở ngây thơ,
Cụ ta lúc ấy học trò như con.
Quê Đồng Cói nước non xa cách.
Chùa Hoàng Kim[1] kinh sách hôm mai,
Mười lăm tuổi đến hai mươi.
Được truyền Phật giới đủ nơi ba đàn,
Chùa Phúc Chỉnh mở mang cảnh cũ.
Tổ Vĩnh Nghiêm truyền thụ đạo cao,
Tu hành trì giới biết bao.
Tụng kinh siêu độ công lao mấy lần,
Trước bảo toà trai tuần tụng niệm.
Cầu Tiên hoàng, Phật điện siêu thăng,
Mỗi năm truy tiến lễ hằng.
Chiêu hồn tướng sỹ sớ văn Phật tiền,
Giúp dân đói gạo tiền chẩn tuất.
Nhờ ơn trên sắc cấp vẻ vang,
Vua phong Tăng trưởng, Tăng cương.
Tỉnh khen bốn đạo, bộ ban hai tờ,
Sắc độ điệp son tô dấu đỏ.
Hòm Giới đao gấm phủ gương lồng,
Mấy làng tán tía cờ hồng.
Long đình loan giá thong dong rước về,
Quan phủ bộ chỉnh tề tuyên đọc.
Các thân hào tĩnh túc quan chiêm,
Cà sa rạng vẻ áo xiêm.
Tôn bề đức hạnh, trọng niềm công duyên,
Hội Phật giáo vừa tuyên thành lập.[2]
Trong Bắc Kỳ hầu khắp vui theo,
Buồm từ tay vững mái chèo.
Ninh Bình chi hội tin theo ra đời,
Chùa Phúc Chỉnh là nơi Hội quán.
Cụ Tăng cương cáng đáng chủ trương,
Năm xưa chùa Bát [3]dời sang.
Một tay xây dựng giảng đường nguy nga,
Chốn tổ Vĩnh,[4] cụ là Giám viện.
Hội Trung ương chức hiện Đạo sư,
Lại còn công đức từ xưa.
Bốn làng nhờ được phúc dư muôn vàn,
Nào mở cảnh Phúc Am, Phúc Chỉnh.
Nào dựng chùa Địch Lễ, Yên Phong,
Kìa Hưng Long, kìa Nội Long.
Liêm Khê Sen tự, Bát Long năm chùa,
Phật tượng mấy mươi pho tu tạo.
Phật đường năm sáu dạo canh tân,
Nhà thờ Tổ, phủ thờ Thần.
Tam quan có cửa, tứ ân có đền,
Hai hàng điện đắp nên Phật động.
Mười tập kinh ấn tống Thiền tông,
Nào là cột đá chuông đồng.
Nào là khách xá, tăng phòng thênh thang,
Mấy mẫu đất nghĩa trang thiết lập.
Một khu vườn tăng tháp sửa sang,
Chúng sinh đội đức vô lường.
Ngày xưa ở dưới suối vàng chứng minh,
Còn các việc linh tinh bao xiết.
Soạn mấy điều quan thiết kể qua,
Thân hào hội xã chúng ta,
Nam mô đức Phật Di Đà xét soi.
Nay tuổi cụ bảy mươi tư lẻ,
Cầu thọ thêm tám chín mười mươi.
Thắp hương khấn nguyện Phật giời,
Trăm lòng ao ước, một nhời khấn chung.
Sẽ ghi tạc mấy dòng bia đá,
Để truy tư một dạ sắt gang.
Đức dày cùng với giang sơn,
Sông Vân, núi Thuý, sông Hoàng, núi Côi.
Lễ kỷ niệm truyền đời còn mãi,
Lượng từ bi soi rọi lòng này.
Tiệc mừng mới tự năm nay,
Lễ này lại mở ngày này năm sau.
Nam mô A Di Đà Phật
Chú thích
Khi còn nhỏ, tôi học với Phan Đình Nam và Phan Đình Nữu, không biết họ hàng thế nào với cụ Phan Đình Hòe, chỉ biết họ ở nhà cụ ở phố Hàng Cau, Nam Định, quê cụ ở làng Địch Lễ, tổng Đông Phù, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
Gốc gác Phan Đình Hòe (1876-1954) như sau: Ông còn có tên là Phan Đình Tự, thân sinh là Phan Đình Hiến (1854-1924), thi Hương không đậu, ở nhà dạy học và làm thuốc và thân mẫu là Trần Thị Hinh (1856-1948) làm nghề bán bún. Vì vậy các cụ còn được gọi là ông bà Lang Bún. Ông Hòe học cụ đồ cùng với con gái cụ. Cụ đồ thấy ông học giỏi, hiếu thảo với cha mẹ nên gọi gả con gái cho. Năm Canh Tý (1900), ông Hòe đi thi Hương tại trường Nam (Nam Định) đậu thủ khoa lúc mới có 25 tuổi. Tú Xương vịnh đùa:
Ông Cử thứ năm con nhà ai
Học trò cụ đốc Tả Thanh Oai
Mẹ nghe con đỗ rối canh hẹ
Bố vứt dao cầu xuống ruộng khoai.
Ông Hòe đáp:
Kìa thằng hỏi lão nó là ai
Chính lão, môn đồ cụ Đốc Oai
Con đỗ mẹ mừng công dưỡng dục
Dao cầu đâu có cắt dây khoai.
Ông Hòe thấy mẹ vất vả nên quyết định không thi hội thi đình, ở lại quê nhà xin học Hậu Bổ để chóng ra làm quan có phương tiện giúp bố mẹ. Năm 31 tuổi, ông được bổ làm tri huyện Kim Bảng, huyện lỵ cách làng tôi mấy trăm thước. Đi kinh lý đến làng Thịnh Đại, cách huyện lỵ vài cây số, ông nhác thấy em gái ông lý trưởng, mới 16 tuổi, con một cụ tú. Ông nói với ông lý trưởng muốn được đến chào cụ Tú. Mấy tháng sau, ông về thăm bố mẹ, thưa là muốn xin cưới con gái cụ Tú làng Thịnh Đại. Hai cụ bảo: “Tôi đã cưới vợ cho anh rồi, còn bây giờ, về chuyện này, anh hãy hỏi vợ anh, nếu vợ anh bằng lòng ai thì chúng tôi cũng bằng lòng người ấy”. Ông thưa lại “Con chắc chắn nhà con cũng bằng lòng”. Cụ Lang Bún sai con thứ là ông Cửu Hai tức Phan Đình Quế cầm thư lên cụ Tú Thịnh Đại xin cưới con gái cụ cho ông Huyện Hòe. Hiểu ý cụ Tú muốn biết chánh thất của ông Huyện có đồng ý không, bà này bèn cùng cô Hương, em gái ông Huyện Hòe, đến nhà cụ Tú xin cưới, thế là việc hôn nhân thành.
Sơ lược hoạn lộ của cụ Phan Đình Hòe: tri huyện Kim Bảng (1903), Lập Thạch (1908), Yên Lạc (1910), Sơn Dương (1911), Thụy Anh (1912); tri phủ Bình Giang (1917), Kinh Môn (1918); án sát Phú thọ (1920), Bắc Cạn (1923), Bắc Giang (1924), Hà Đông (1925); tuần phủ Quảng Yên (1928), Lạng Sơn (1929), Ninh Bình (1930); hưu trí (1933) thăng chức Tổng đốc, gia hàm Thượng thư, phẩm cấp Hiệp tá đại học sĩ, tòng nhất phẩm.
(tiếp theo số trước và hết) Tác giả: Nguyễn Đại Đồng Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 11/2019 ------------------------------------------------------------------------[1] Chùa Hoàng Kim: ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
[2] Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập ngày 6 tháng 11 năm 1934, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội
[3] Chùa Bát tức Bát Long tự, hay chùa Bát Long, xã Phúc Am.
[4] Chùa Vĩnh tức chùa Vĩnh Nghiêm xã Đức La, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Bình luận (0)