1. Mối quan hệ Phật giáo và tín ngưỡng dân gian
Vào khoảng thế kỷ XVI, trong quá trình xây dựng, phát triển Đàng Trong, các Chúa Nguyễn đã tiếp tục lựa chọn Phật giáo làm tôn giáo quốc gia. Tuy nhiên, các Chúa Nguyễn tiếp nhận tư tưởng Phật giáo Đại thừa từ Trung Hoa. Thời kỳ này có nhiều thiền sư Trung Hoa sang truyền bá tư tưởng Phật giáo như: Thiền phái Lâm Tế, Tào Động. Phái Lâm Tế giữ vai trò chủ đạo, được truyền bá phổ biến hơn. Nguyễn Lang viết: “Trong thâm ý của Chúa Nguyễn, đạo Phật có thể làm nơi nương tựa tinh thần cho công trình lập quốc của dòng họ Nguyễn. Các Chúa Nguyễn đều sùng đạo Phật, nhân dân Đàng Trong nghênh đón các vị du tăng Trung Quốc với một tấm lòng chân thật, mặn nồng. Thời đại chuyển tiếp giữa hai triều Minh - Thanh, nhiều cao tăng Trung Hoa đã tới Đàng Trong hành hóa”[1. Tr. 584-585]. Năm 1698, vùng đất Gia Định được khai mở bởi Chúa Nguyễn Phúc Tần với tên gọi là phủ Gia Định. Năm 1899, Pháp xâm lược Việt Nam từ phủ Gia Định đổi tên thành tỉnh Gia Định. Đức Hòa bấy giờ là một quận của Tỉnh Chợ Lớn. Đến năm 1963, tỉnh Hậu Nghĩa được thành lập. Đức Hòa bấy giờ là một huyện của Tỉnh Hậu Nghĩa sau giải phóng thống nhất đất nước năm 1976, Đức Hòa là huyện thuộc tỉnh Long An cho đến ngày nay. Đức Hòa hiện có 58 cơ sở tự viện[8] mà hầu như gần hết các tự viện đều có thờ mẫu và các tín ngưỡng dân gian khác. Vào thế kỷ XIX người Pháp tạo điều kiện cho người Hoa định cư ở Sài Gòn Chợ Lớn. Đến năm 1949, có một số Hoa kiều sang Việt Nam, họ mang theo những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của họ rồi hòa nhập pha trộn vào văn hóa người Việt. Trong các giá trị đó, tín ngưỡng dân gian đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa. Các tín ngưỡng dân gian của người Hoa như thờ Thần Tài, Táo Quân, Ngọc Hoàng, Quan Đế Thánh Quân. .v.v. đã ảnh hưởng đến người Việt. Như vậy trong quá trình di cư đến Sài Gòn - Gia Định, cũng như vùng đất khác, Hoa kiều mang theo nhiều phong tục truyền thống như tín ngưỡng thờ tổ tiên, mẫu tam phủ, tứ phủ,... Hơn nữa, quá trình cộng cư, giao lưu giữa người Việt với người Chăm hoặc các tộc người khác ở đã hình thành tín ngưỡng thờ mẹ xứ sở của người Việt. Người Việt đã dung hợp, Việt hóa nữ thần của người Chăm thành Thánh Mẫu của người Việt. Bên cạnh đó, sự tiếp biến văn hóa Việt - Hoa đã hình thành tục thờ Quan Thánh trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Theo thời gian, do niềm tin, nhu cầu tâm linh của người Việt, mà những tín ngưỡng dân gian này đã dung hợp trong chùa. Do điều kiện địa lý, hoàn cảnh lịch sử, xã hội mà sự dung hợp này mang sắc thái văn hóa riêng. Tuy nhiên, trong bài viết này người viết chỉ liệt kê những tín ngưỡng dân gian tiêu biểu đã được thờ cúng trong các chùa ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Đó là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mẫu với ngũ hành, thần tài kết hợp với các lễ hội cầu an cầu siêu, cúng sao giải hạn vào dịp đầu năm ... Sự dung hợp này vừa phản ánh tính truyền thống, vừa là sự Việt hóa trong quá trình tiếp nhận Phật giáo vào nước ta. Tác giả Trần Quốc Vượng viết: “Phật giáo cũng như Đạo giáo, được truyền bá từ Ấn Độ, Trung Hoa vào Việt Nam từ đầu công nguyên thì chúng ta cũng dung hòa, dung hóa với những tín ngưỡng dân gian vốn có. Kết quả là thần điện Việt Nam thêm phong phú, bác tạp, hoặc thần cũ được gọi theo tên mới, Tàu hay Ấn, hoặc ngoại lai được biến dạng đi”[2. Tr.265-266]. Hầu hết các chùa ở Đức Hòa hiện nay đều hệ phái Bắc tông, thờ nhiều tượng Phật, Bồ tát, hộ pháp và các thần linh thuộc tín ngưỡng dân gian. Các chùa ở đây đều có chung một kiểu thờ. Phần chính điện có bệ thờ tam cấp. Trên bệ cao nhất là nơi đặt thờ tượng Phật Thích Ca, cấp thứ hai, hai bên phải trái là 2 thánh tượng Mục Kiền Liên và Địa Tạng Bồ tát, có chùa thờ Văn Thù Bồ tát tượng trưng cho trí huệ cởi sư tử xanh; Phổ Hiền tượng trưng cho hạnh nguyện cởi voi trắng. Tầng dưới là thờ Phật đản sinh và thờ 7 vị Phật Dược Sư. Hai bên dưới điện gần cửa ra vào là thờ hai ông Thiện hữu thiện báo, Ác hữu ác báo. Hai bên phải trái của bệ Phật Thích ca là hai bàn thờ Quan Âm và Địa Tạng tượng cao và có tượng nhỏ. Hai tượng này ngoài việc thờ ở chùa còn được mang đến tư gia phật tử để cầu an và cầu siêu khi có nhu cầu. Điều này thể hiện rõ nét đặt trưng về nhu cầu tín ngưỡng của cư dân nơi này và cho thấy ảnh hưởng sâu sắc tín ngưỡng dân gian đối với các vị Phật bồ tát khi di hành đến tư gia của người dân.2. Ba thành tố tín ngưỡng dân gian tiêu biểu của Phật giáo huyện Đức Hòa
Sự dung hòa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và Phật giáo huyện Đức Hòa có nhiều nét đặc sắc. Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được ra đời và duy trì từ thời nguyên thủy cho đến ngày nay [3.Tr.29]. Đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta lưu truyền về nguồn cội, đạo lý, lòng biết ơn đối với thế hệ tiền nhân. Mỗi gia đình người Việt đều có bàn thờ tổ tiên, ông bà. Truyền thống này đã ăn sâu vào tâm thức người dân và họ quan niệm rằng “tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”[8]. Điều đó cho thấy tín ngưỡng thờ tổ tiên cha mẹ là quan trọng nhất. Hiểu được tâm lý đó của người dân nên trong các chùa thường thì chỉ có thờ Phật và các vị bồ tát nay lại phải thêm bàn thờ cửu huyền thất tổ. Các chùa ở huyện Đức Hòa phần lớn có bàn thờ cửu huyền thất tổ cho trăm họ, để khi tất cả mọi người đến viếng chùa trước lễ Phật và nghĩ rằng ông bà của họ cũng được tôn thờ nơi đây họ sẽ có thiện cảm hơn với chùa và tiện việc lễ lạy cũng như cúng tế tổ tiên tại chùa, ông bà của họ ở gần Phật hằng ngày được nghe kinh kệ và sớm siêu thoát. Mỗi năm đến tháng Bảy là phật tử tổ chức lễ cầu siêu báo hiếu cho cửu huyền thất tổ. Ngày này các phật tử tập trung lại và thỉnh chư tăng đến để tụng kinh cầu siêu với quan niệm tháng bảy là ngày chư Phật xã tội vong nhân nên kẻ ít người nhiều họ mỗi người đóng góp tài vật cùng nhau sắm lễ cầu nguyện cho hương linh ông bà của họ nhiều đời nhiều kiếp với quan niệm, nếu chưa siêu thoát sẽ được siêu thoát còn nếu đã siêu thoát thì trở về gia hộ cho con cháu được tốt đẹp trong mọi việc cũng như trong gia đình được an ổn. Bên cạnh đó chúng ta còn thấy lễ húy kỵ trong chùa. Lễ này là lễ kỷ niệm ngày mất đối với những người có công lao lớn đối với chùa hoặc những vị trụ trì trước đã có công lao lớn nuôi dạy. Đối với người dân hiện nay ngôi chùa vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân cư. Các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thành hoàng làng và những người có công dựng nước, vẫn được người dân chắt chiu, gìn giữ. Trong thực hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên của các gia đình sống ở làng, Vào mỗi dịp giỗ kỵ của tổ tiên, cha mẹ, đại diện của các gia đình, dòng họ không chỉ làm lễ thờ cúng ở nhà, mà còn đến chùa làm lễ cầu siêu cho cha mẹ, ông bà… Quan niệm về thờ cúng tổ tiên giúp cho chúng ta biết được lòng ân nghĩa cần báo đáp, làm nên cốt cách cao đẹp của con người Việt Nam từ bao đời. Thứ hai là vấn đề thờ mẫu, hầu hết các chùa Phật giáo ở huyện Đức Hòa đều có miếu để thờ mẫu và ngũ hành. Ngôi miếu này thường được dựng trong khuôn viên chùa. Phía trên là mẫu đứng trên quả địa cầu dưới là Ngũ hành mà mọi người thường gọi là bà Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ ứng với 5 màu áo khác nhau. Nhưng đều có đội mão và đồ trang sức rất lộng lẫy. Việc thờ mẫu ở Nam bộ với ở Bắc bộ và tục thờ Nữ thần và Mẫu thần có sự phân biệt nhất định với biểu hiện rõ rệt là thông qua tên gọi và xuất thân của các vị thần. Ở Nam bộ sự phân biệt giữa hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần ít rõ rệt hơn, hiện tượng này được giải thích với nguyên nhân Nam bộ là vùng đất mới của người Việt, khi di cư vào đây họ vừa mang các truyền thống tín ngưỡng cũ lại vừa tiếp nhận những giao lưu ảnh hưởng của cư dân sinh sống từ trước tạo nên bức tranh không chỉ đa dạng trong văn hoá mà còn cả trong tín ngưỡng. Những Nữ thần được thờ ở Nam bộ như bà Ngũ Hành, bà Thuỷ Long, bà Chúa Động, bà Tổ Cô và những Mẫu thần được thờ phụng như: bà Chúa Xứ, bà Đen, bà Chúa Ngọc. Đây là vị mẫu thần dân gian quan trọng của người Việt, là kết quả của sự giao lưu tiếp biến văn hóa giữa người Việt và người Chăm. Quá trình Nam tiến, người Việt đã dung hợp rồi Việt hóa nữ thần Pô Inư Nưgar của người Chăm thành Thiên Y A Na Thánh Mẫu của họ. Tuy nhiên, so với tín ngưỡng thờ Quan Thánh, tục thờ Ngũ hành thần nữ thì tín ngưỡng Mẫu luôn được đề cao, có vị trí quan trọng trong lòng người dân lẫn phật tử. Điều này cho thấy niềm tin, lòng thành kính, sự biết ơn của mọi người với Mẫu là rất lớn. Họ còn thực hành nhiều nghi lễ để tôn vinh, biết ơn Mẫu. Hàng tháng, vào ngày 8, 18, 28 Âm lịch, các phật tử thường dâng hương, hoa quả, đèn trà, trầu cau, nước, tụng kinh mẫu vào lúc 12 giờ trưa. Việc thờ Mẫu đã phản ánh truyền thống văn hóa của người Việt là vừa thờ Phật, vừa thờ Mẫu. Tục thờ Ngũ hành thần nữ trong khuôn viên chùa là do nhu cầu, niềm tin dân gian của người dân nơi đây. Nói cách khác, sự dung hợp tín ngưỡng thờ nữ thần trong chùa là quy luật tất yếu của Phật giáo Việt Nam. Trần Lâm Biền viết: “Việc thờ Mẫu là một đảm bảo cho sự tồn tại của ngôi chùa, hay sự dung hội với tín ngưỡng dân dã này là đường đi tất yếu của Phật giáo, nhờ đó mà đạo Phật có bệ đỡ quần chúng”[4.Tr.637]. Như vậy, theo quan niệm đó thì Phật giáo muốn không xa lạ tạo không khí gần gũi nên thờ thêm một số tín ngưỡng cho phù hợp với nhu cầu người dân. Thứ ba là tín ngưỡng, các lễ hội như cầu an cầu siêu, cúng sao giải hạn vào mỗi dịp mùng 8 tháng 1 Âm lịch hàng năm. Lễ hội cũng như nghi thức cầu an cầu siêu trong Phật giáo nguyên thủy vốn không hề có nhưng dần dần theo phong tục văn hóa, để đáp ứng nhu cầu người dân nên Phật giáo Đại thừa mới áp dụng các hình thức cầu an cầu siêu vào trong Phật giáo. Lễ hội cầu an cầu siêu ban đầu rất đơn giản chứa đựng những giá trị về đạo đức nhân quả, thiện ác nghiệp báo luân hồi, hướng người dân đến một cuộc sống “thiện”. Chữ thiện ở đây được hiểu theo nghĩa dung hợp đạo đức xã hội và đạo đức tôn giáo. Trong cuộc Nam tiến người dân đối diện không ít những khó khăn về khí hậu, rừng thiên nước độc, cầm thú hung dữ … mặc dù đất đai có rộng lớn và màu mỡ, người người có thể nhờ vào sức lao động của mình để mưu sinh nhưng những cảm giác về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, tình làng nghĩa xóm bao năm gắn bó sẽ chia, những người thân thương ly biệt trong cuộc lưu vong, những người vừa nằm xuống trên mãnh đất xa lạ này... Suy nghĩ đến bản thân họ sẽ ra sao khi ngày mai bắt đầu, những suy nghĩ lo toan ấy tăng lên. Sự bao la của vùng đất mới cho họ mặc sức vẫy vùng, song lại làm cho họ cảm thấy nhỏ bé. Sự trù phú về thiên nhiên cho họ cuộc sống no đủ, song cũng là một thách thức không nhỏ. Do vậy những hoạt động thiết thực nhằm tưởng nhớ người đã mất tức lễ kỳ siêu và an ủi động viên người còn sống tức lễ cầu an đã trở thành linh dược cho người dân trong bối cảnh đương thời[5.Tr.27]. Chính vì thế Phật giáo lúc này hiểu được nhu cầu cần thiết về mặt tinh thần của người dân nên đã kết hợp với tín ngưỡng cầu an cầu siêu, cúng sao giải hạn trong các ngôi chùa ở Đức Hòa. Mặc khác, Phật giáo không cố chấp, bảo thủ cứng ngắt để xa cách quần chúng; cũng không mù quán bám theo đức tin lệch lạc của quần chúng để mình tồn tại. Đạo Phật phải hoà nhập để chuyển hoá xã hội, chuyển hoá tín ngưỡng quần chúng theo một tuệ giác chính đáng. Nắm được tuệ giác đó, Phật giáo đã hoà nhập, tồn tại và phát triển khắp nơi. Chính vì vậy ở Đức Hòa đã có rất nhiều ngôi chùa vừa thờ Phật vừa kết hợp với các tín ngưỡng dân gian khác. Tóm lại: Sự dung hợp Phật giáo đối với tín ngưỡng dân gian của người Việt chuyển sang màu sắc mới thông qua tinh thần nhập thế tích cực, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, hộ quốc an dân, khẳng định vai trò, đóng góp trong công cuộc xây dựng đất nước. Tín ngưỡng dân gian đã đóng vai trò quan trọng đối với Phật giáo ở vùng Đức Hòa với sự dung hợp xuất phát từ truyền thống, niềm tin, nhu cầu tín ngưỡng của người dân, không chỉ thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy, tích hợp những giá trị văn hóa của người Việt trong quá trình phát triển. Sự kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian với Phật giáo là điều tốt đẹp có thể hiện ý nghĩa tích cực như việc thờ cúng tổ tiên và thờ cúng các anh hùng dân tộc để tưởng nhớ công ơn các vị ấy đã đổ xuống cho chúng ta sống yên bình. Tuy nhiên đó cũng là yếu tố để mê tín dị đoan lợi dụng để huy hoại đạo pháp. Những việc này cần phải khắc phục loại trừ để trả lại vẻ thanh tịnh, trí tuệ như đức Phật đã từng dạy trong kinh điển nguyên thủy, đến với đạo Phật để thấy chứ không phải để tin một cách mù quán. Giá trị cốt lõi của đạo giác ngộ giải thoát, còn những yếu tố của văn hóa tín ngưỡng chỉ là những lớp vỏ bên ngoài, trang trí cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương, như chiếc áo khoác theo mùa chúng ta chỉ mặc vào khi cần cho sự thích nghi với điều kiện môi trường thời tiết ở nơi đó và sẳn sàng loại bỏ khi nó làm cản trở sự giác ngộ giải thoát. Thích Nữ Diệu Huyền Nghiên cứu sinh Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2019CHÚ THÍCH: 1. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội. 2. Trần Quốc Vượng (2014), Trong cõi, Nxb Văn học, Hà Nội. 3. Ngô Đức Thịnh (2016), Tín ngưỡng của các dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 4. Trần Lâm Biền ( 2000), Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội. 5. Trần Hồng Liên (2016), Phật giáo ở Bình Dương hiện trạng và lịch sử, Nxb Phương Đông, Tp.HCM. 6. Nguyễn Hiền Đức,( 1995) Lịch sử Phật giáo Đàng trong, Nxb Thành Phố, Tp.HCM. 7. Theo báo cáo thống kê phòng. Nội Vụ huyện Đức Hòa đến tháng 4/2018. 8. http://giaophanvinhlong.net/tu-au-cho-bang-tu-nha-tho-cha-kinh-me-moi-la-ao-con.cập nhật ngày 11/8/2019.
Bình luận (0)