Đọc bài Chùa Vĩnh Nghiêm từ Tâm Viên đến Thanh Hanh tông phong vĩnh chấn của Phạm Văn Tuấn, đăng trên tạp chí Suối nguồn số 16 chúng tôi thấy có một số chi tiết viết về Hòa thượng Thanh Hanh hay Tổ Vĩnh Nghiêm chưa chính xác như sau:
1. Hòa thượng Thanh Hanh kế đăng trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm từ bao giờ?
Tác giả bài báo viết: “năm 1889, ngài Tâm Viên viên tịch, các đệ tử xây tháp Tịnh Phương trước chùa để phụng thờ. Sau đó đệ tử của ngài là Thanh Tuyên kế tục, được dân làng mời làm Chính giám đồng thời mời ngài Thanh Hanh làm Phó giám chùa Vĩnh Nghiêm. Được mấy năm thì ngài Thanh Tuyên xin dời đi, dân làng lại suy tôn ngài Thanh Quỳnh tiếp nối làm đương gia (quản chùa). Đến năm Đinh Mùi niên hiệu Thành Thái thứ 18 (1907), ngài Thanh Quỳnh viên tịch. Cùng năm, theo di nguyện của ngài Tâm Viên, nhân dân đã mời ngài Thanh Hanh trụ trì chốn tổ”. Đoạn viết trên vừa lủng củng (dân làng suy tôn ngài Thanh Quỳnh làm Đương gia, mời ngài Thanh Hanh trụ trì chốn tổ, lại không chính xác. Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902-1954), người từng lên chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa La – chùa Đức La tên chữ là Chúc Thánh Thiền tự) ở thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, viết trong sách “Lịch sử chư Tổ thờ tại chùa Quán Sứ”, Đuốc Tuệ xuất bản năm 1949: “năm Canh Tý (1900) sư huynh của ngài (Thanh Hanh) là Hòa thượng Thanh Tuyền viên tịch, ngài (từ Ninh Bình) trở về tổ đình Vĩnh Nghiêm và được sơn môn suy cử vào ngôi kế đăng. Từ đó, tăng chúng và tín đồ thương gọi ngài là tổ Vĩnh Nghiêm”.
2. Tổ Vĩnh Nghiêm được suy tôn Thiền gia Pháp chủ năm nào?
2.1. Trang 108 viết: “năm 1935, Thiền gia Bắc Kỳ suy tôn Ngài (Tổ Vĩnh Nghiêm) làm Thiền gia Pháp chủ”.
Sự thực là lễ suy tôn Tổ Vĩnh Nghiêm lên ngôi Thiền gia Pháp chủ Hội Phật giáo Bắc Kỳ được cử hành trọng thể tại chùa Quán Sứ, Hà Nội trong 2 ngày 17 và 18 tháng Chạp năm Ất Hợi (tức các ngày 11 và 12-1-1936). Gần 1000 tăng, ni các sơn môn ở xứ Bắc, Hội trưởng Hội An Nam Phật học (Trung Kỳ), Hòa thượng Giác Tiên Ban Chứng minh Đạo sư Hội An Nam Phật học, Thống sứ Bắc Kỳ Tholance, Giám đốc trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội đã về dự...
Trước đó ngày 10-12-1935, báo Đuốc Tuệ số 1 ra Thông báo: Kính cáo thập phương giáo hữu:
“Như bài lai cảo các báo đăng trước, Hội Phật giáo định đến ngày 16, 17, 18 tháng Một ta (tức 11, 12, 13 tháng 12 năm 1935) làm Lễ suy tôn cụ tổ Vĩnh Nghiêm lên vị Thiền gia Pháp chủ. Nhưng vì Thánh cung mới băng hà, tử cung hãy còn ở Đại nội, chưa cử hành lễ Ninh lang, Lễ suy tôn là một lễ có tính cách vui mừng, nên Hội định hoãn lễ suy tôn đến ngày khác.
Tuy vậy, đến ngày ấy, tại Hội quán cũng làm lễ Khánh đản đức Phật Di Đà và lễ kỷ niệm Đệ nhất chu niên Hội Phật giáo theo như chương trình đã đăng trên các báo chương.
Vậy xin có lời kính cáo để thập phương giáo hữu được biết”
Như vậy tháng 1 năm 1936, Phật giáo Bắc Kỳ mới suy tôn tổ Vĩnh Nghiêm lên ngôi vị Thiền gia Pháp chủ.
2.2. Trang 107, viết: Ngài (Thiền sư Thanh Hanh) “có thế danh là Nguyễn Thanh Đàm, là Pháp chủ đầu tiên của Phật giáo Việt Nam được chư Hòa thượng Đại đức tăng, ni khắp ba miền suy tôn”.
Viết như vậy là không đúng với sự thật:
Thứ nhất, Hòa thượng Thanh Hanh chỉ là Pháp chủ thiền gia Bắc Kỳ chứ không phải là “Pháp chủ đầu tiên của Phật giáo Việt Nam được chư hòa thượng đại đức tăng, ni khắp ba miền suy tôn” bởi lúc đó Phật giáo Việt Nam chưa thống nhất.
Thứ hai, mãi tới tháng 5 năm 1951, Hội nghị Phật giáo thống nhất toàn quốc họp tại chùa Từ Đàm, Huế thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, suy bầu Hòa thượng Thích Tịnh Khiết trụ trì chùa Từ Đàm làm Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam và tháng 9 năm 1952, thành lập Giáo hội Tăng già Việt Nam, suy bầu Hòa thượng Tuệ Tạng - Thích Tâm Thi làm Thượng thủ.
Tổ Vĩnh Nghiêm về cõi Phật năm nào?
Có lẽ dựa vào nội dung tháp (Tịnh Tĩnh tháp) của thiền sư Thanh Hanh (cuối trang 107)
Nam mô Tịnh Tĩnh tháp Lâm Tế phái.
Đệ ngũ đại trụ trì Bắc Kỳ Phật giáo hội Thiền gia Pháp chủ ma ha môn pháp húy tự Thanh Hanh Thích Minh Mẫn luật sư nhục thân bồ tát thiền tọa hạ.
Hưởng thọ cửu thập lục tuế tịch ư Bính Tý niên thập nhị nguyệt sơ bát nhât thuận tịch.
Quê quán Hà Đông tỉnh, Thường Tín phủ, Thanh Trì huyện, Thanh Liệt tổng, Thanh Liệt xã”.
Tác giả suy luận Hòa thượng Thanh Hanh mất năm 1936 (trang 107, viết: Thiền sư Thanh Hanh (1840-1936)…
Ở đây, tác giả đã nhầm lẫn khi chuyển từ lịch Âm sang Dương lịch.
Theo bia tháp trên, ngài Thanh Hanh về cõi Phật ngày 8-12 năm Bính Tý. Vì 1936 là năm nhuận nên theo Dương lịch đó là ngày 20 tháng 1 năm 1937. Báo Đuốc Tuệ số 56 ra ngày 1-3-1937 viết: “Vĩnh Nghiêm Thiền sư, nguyên Thiền gia Pháp chủ của hội Phật giáo ta thị tịch ngày mồng 8 tháng Chạp năm nay. Người hưởng thọ 98 tuổi” Có lẽ do không biết năm 1936 là năm nhuận nên một số sách đều viết sai về năm mất của Hòa thượng Thanh Hanh, trong đó có tác giả Phạm Văn Tuấn.
Vậy phải viết là Hòa thượng Thanh Hanh (1840-1937).
Đôi điều trao đổi với ông Phạm Văn Tuấn, có gì sai sót mong độc giả gần xa chỉ giáo.
Nguyễn Đại Đồng - Viện NCPH Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2021 ----------------------------------TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Báo Đuốc Tuệ số 1 ra ngày 10-12-1935. 2. Báo Đuốc Tuệ số 5 ra ngày 7-1-1936. 3. Báo Đuốc Tuệ số 9 ra ngày 11-2-1936. 4. Báo Đuốc Tuệ số 56 ra 1-3-1937. 5. Thiều Chửu, Lịch sử chư Tổ thờ tại chùa Quán Sứ, Đuốc Tuệ, 1949.
Bình luận (0)