Sc.Thích Tịnh Uyên Học viên Thạc sĩ Khóa 3 - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội
1. DẪN NHẬP
Theo dòng chảy của lịch sử Phật giáo, thông qua sự kế thừa từ nền tảng tư tưởng Phật giáo nguyên thủy và bộ phái hình thành nên Phật giáo phát triển. Đặc biệt là đến thời kì có sự xuất hiện nhiều trường phái cùng nhiều bậc thầy vĩ đại đã tiếp tục kế thừa và phát huy, hoàn thiện học thuyết và đã được truyền thừa qua nhiều thế hệ. Trong đó, trường phái Mật tông hình thành và có sức lan tỏa rất lớn vào thời kỳ Mật giáo hưng thịnh cho đến tận ngày nay. Thông qua bản kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Đại Bi Tâm Đà La Ni nằm trong hệ thống nghi quỹ thuộc Bộ Mật giáo, sẽ giúp chúng ta thấy được trục tư tưởng và phương pháp thực hành thể hiện qua bản kinh này.
2. NỘI DUNG
2.1 Khái quát
Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Đại Bi Tâm Đà La Ni[1] là một bản kinh do ngài Dà Phạm Đạt Mạ (Bhagavaddharma), dịch là Tôn Pháp, người Tây Thiên Trúc (Ấn Độ) sang Trung Quốc hoằng pháp, niện hiệu Khai Nguyên đời nhà Đường, dịch ra Hán ngữ, và bản kinh này đã được Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, hành giả trong Kim Cương thừa dịch ra tiếng Việt.
Cấu trúc một bản kinh gồm ba phần: Phần Tựa, phần Chính tông và phần Lưu thông. Bản kinh bắt đầu gồm có đầy đủ lục chủng thành tựu:
Như thị: là tín thành tựu
Ngã văn: văn thành tựu
Nhất thời: thời thành tựu
Thích Ca Mâu Ni Phật: chủ thành tựu.
Phổ Đà Lạc Già Sơn: xứ thành tựu.
Quán Thế Âm Bồ Tát cung điện: nơi Quán Âm thị hiện.
Bảo Trang Nghiêm Đạo Tràng Trung: Đạo tràng đều làm bằng thất bảo trang nghiêm nơi Phật ngồi tòa sư tử thuyết pháp.
Thính chúng: Vô số Bồ tát, thanh văn chứng quả thập địa, ma vương, thiên long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, thiên nữ, các vị thần địa, thủy, hỏa, phong đến dự. (Tổng Trì Vương Bồ Tát - tất cả các pháp môn vị Bồ tát này thọ trì, sáng tỏ, liễu đạt, Dược Vương Bồ Tát, Dược Thượng Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Hoa Nghiêm Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát - Căn bản trí, Phổ Hiền Bồ Tát - sai biệt trí...). Tất cả Bồ tát đều được quán đỉnh và thọ ký tương lai thành Phật.
Ngoài ra bản kinh còn thể hiện yếu tố thần thông: Hào quang do Ngài Quán Thế Âm phóng chiếu khắp nơi khiến tất cả đều biến thành sắc vàng, tất cả cung điện, sông, núi đều rúng động. “Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Như Lai vì thương nghĩ tất cả chúng sinh nên thuyết Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni và dùng tay kim sắc xoa đảnh đầu Quán Âm và dạy Quán Âm thọ trì.....” Lúc này Bồ tát Quán Âm từ Sơ địa (Hoan hỷ địa) chứng Bát địa (Bất Động Địa). Bồ tát phát nguyện nếu tương lai có thể lợi ích chúng sinh bằng thần lực chú Đại Bi thì sẽ khiến cả thân lập tức sinh đủ ngàn mắt, ngàn tay; ngay lúc đó Ngài liền được như nguyện đồng thời 10 phương chấn động phóng quang minh soi chiếu thân Quán Âm cùng vô lượng vô biên thế giới khắp 10 phương.
Ngài Quán Âm thường thọ trì nhờ vậy sinh ra tại Phật tiền, hóa sinh từ hoa sen, không còn thọ thân thai bào.
Khi chí thành thụ trì Đại Bi Đà La Ni này và không làm điều bất thiện được nhiều lợi ích khác nhau để thể hiện rõ trong bản kinh; ví dụ như: Không đọa ba ác đạo, được sinh về các nước chư Phật, chứng đắc vô lượng tam muội và biện tài, đạt 15 loại thiện sinh và không phải chịu 15 loại ác tử, tiêu trừ tội... chuyển thân nữ thành thân nam ở đời vị lai nếu chán thân nữ ... công năng chính là trừ tai, điều phục, kính ái, tăng ích.
2.2 Trục tư tưởng chính của kinh văn
Sang phần Chính Tông đề cập rất rõ nội dung, tư tưởng chính của bản kinh, với ba hệ trục tư tưởng chính. Một là Bồ Đề tâm vi nhân, hai là Đại bi vi căn bản, ba là Phương tiện vi cứu cánh.
2.2.1 Bồ đề tâm vi nhân (tâm bản thể là nhân): Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát là nhân (người) hiện tướng oai đức thần thông chứng đắc của trì niệm chú Đại bi.
Ngàn mắt:chỉ cho Phật nhãn, thấy được bản lai diện muc.
Ngàn tay: công năng cứu người, hộ trì chúng sinh.
Quán: quán âm thanh thế giới, là trí tuệ năng quán, chủ thể trí tuệ quán sát.
Thế: cảnh giới sở quán (đối tượng quán sát: chúng sinh).
Hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm bạch với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, về câu chuyện quá khứ vào thời đức Phật “Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Như Lai, đức Phật ấy vì thương nghĩ đến tôi và tất cả chúng sinh nên nói ra môn Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, ngài lại dùng tay sắc vàng xoa nơi đầu tôi mà bảo: Thiện nam tử! Ông nên thọ trì tâm chú này và vì khắp tất cả chúng sinh trong cõi nước ở đời vị lai mà làm cho họ được sự an vui lớn.” Bồ Tát Quán Thế Âm đang ở quả vị sơ địa vừa nghe xong thần chú Đại Bi liền vượt chứng lên quả vị bát địa và liền phát lời đại nguyện “Nếu trong đời vị lai, tôi có thể làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sinh với thần chú này, thì xin khiến cho thân tôi liền sinh ra ngàn tay ngàn mắt.” Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát hiện nhân hiện tướng oai đức thần thông chứng đắc nhờ trì niệm chú Đại Bi. Nhờ tâm Bồ Đề, nguyện làm lợi ích chúng sinh, liền nơi thân Bồ tát hiện ra ngàn tay ngàn mắt, cõi đất đều rung động sáu cách, ngàn đức Phật trong mười phương đều phóng ánh sáng quang minh nơi thân, chiếu sáng khắp mười phương. Qua đó, chúng ta thấy được tư tưởng Bồ Đề làm nhân của một người phát Bồ Đề Tâm.
2.2.2 Đại bi vi căn bản: Đại bi tâm giúp dứt trừ khổ nạn, cứu vớt chúng sinh thoát khổ ách với lòng bi mẫn không gì ngăn trở được (Quảng Đại Viên Mãn vô ngại). “Muốn chúng sinh an lạc, trừ được các bệnh, được thọ mạng dài lâu, được giàu có sung túc, được dứt trừ ác nghiệp, trọng tội, được xa lìa chướng nạn, được tăng trưởng công đức bạch pháp, được thành tựu các thiện căn, đươc xa lìa tất cả sự sợ hãi, được nhanh có đủ tất cả những thứ mong cầu..”
Với tâm Đại bi sẵn có của một vị Bồ tát muốn làm lợi ích chúng sinh, Ngài phát nguyện “Nếu chúng sinh nào trì tụng thần chú Đại Bi mà còn bị đọa vào ba đường ác, tôi thề không thành chính giác. Tụng trì thần chú Đại Bi, nếu không được sinh về các cõi Phật, tôi thề không thành chính giác. Tụng trì thần chú Đại Bi, nếu không được vô lượng tam muội biện tài tôi thề không thành chính giác.”... Với công năng tiêu trừ tội chướng, Bồ Tát luôn khích lệ mọi chúng sinh hãy nỗ lực trì tụng chú Đại Bi để dứt trừ tội lỗi, xa lìa các điều xấu ác và có được an vui, lợi ích lớn trong hiện tại.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có nói “Quán Thế Âm Tự Tại Bồ Tát có ngàn mắt ngàn tay, mỗi tay đều tiêu biểu cho hạnh tùy thuận các sự mong cầu của chúng sinh. Đó cũng là do tâm Đại Bi của vị Đại Sĩ ấy hóa hiện.” Ở bản kinh này lấy thật tướng làm thể. Lấy diệt ác, sinh thiện, bớt khổ thêm vui làm dụng với tông chỉ “hàng phục chư ma, chế phục ngoại đạo”. Lấy đề hồ làm giáo tướng, vô thượng cam lồ và vị đề hồ đều lưu xuất từ kinh.
Với tâm Đại Bi, Bồ Tát Quán Thế Âm dùng nhiều phương tiện làm cứu cánh, dẫn dụ, sách tấn các chúng sinh trì tụng chú Đại Bi. "Nếu kẻ thiện nam, thiện nữ nào tụng trì thần chú này, phải phát tâm Bồ Đề rộng lớn, thề độ tất cả muôn loài, giữ gìn trai giới, đối với chúng sinh khởi lòng bình đẳng, và thường nên trì tụng chớ cho gián đoạn. Lại nên ở nơi tịnh thất, tắm gội sạch sẽ, mặc y phục sạch, treo phan, đốt đèn, dùng hương hoa, cùng các thứ ăn uống để cúng dường, buộc tâm một chỗ, chớ nghĩ chi khác, y như pháp mà tụng trì. Lúc ấy, sẽ có ba vị là Nhựt Quang Bồ Tát, Nguyệt Quang Bồ Tát cùng vô lượng thần tiên đến chứng minh, giúp thêm sự hiệu nghiệm. Bấy giờ ta cũng dùng ngàn mắt chiếu soi, ngàn tay nâng đỡ, khiến cho kẻ ấy từ đó về sau có thể hiểu suốt tất cả sách vở thế gian, thông đạt các điển tịch Vi Đà và tất cả pháp thuật ngoại đạo. Chúng sinh nào tụng trì thần chú này, có thể trị lành tám muôn bốn ngàn thứ bịnh ở thế gian, hàng phục các thiên ma, ngoại đạo, sai khiến được tất cả quỷ thần. Những kẻ tụng kinh tọa thiền ở nơi non sâu, đồng vắng, bị sơn tinh, tạp mị, các quỉ vọng lượng làm não loạn phá hoại, khiến cho tâm không an định, chỉ cần tụng chú này một biến, các quỉ thần ấy thảy đều bị trói. Nếu hành giả có thể tụng trì đúng pháp, khởi lòng thương xót tất cả chúng sinh, lúc ấy ta sẽ sắc cho tất cả thiện thần, Long vương, Kim cang mật tích thường theo ủng hộ, không rời bên mình, như giữ gìn tròng con mắt hoặc thân mạng của chính họ". Để tu tập và đạt được kết quả, đầu tiên hành giả phải phát khởi Bồ đề tâm, phải có lòng từ bi với tất cả chúng sinh. Tiếp đến, thực hành theo lời dạy của Bồ Tát, trước theo Quán Âm lập thệ nguyện như Ngài. Chí tâm xưng niệm danh hiệu Quán Âm và Phật A Di Đà. Luôn trì tụng thần chú Đà La Ni (chú Đại bi). Thì sẽ thành tựu mọi thiện lành như ý nguyện.
2.2.3 Phương tiện vi cứu cánh: pháp Đà La Ni và hạ thủ công phu trì chú Đại bi đến khi thành tựu đạt Bồ đề tâm sau mới phát đại bi tâm.
Ở bản kinh này lấy thật tướng làm thể. Lấy diệt ác, sinh thiện, bớt khổ thêm vui làm dụng với tông chỉ “hàng phục chư ma, chế phục ngoại đạo”. Lấy đề hồ làm giáo tướng, vô thượng cam lồ và diệu vị đề hồ đều lưu xuất từ kinh. Quảng Đại Viên Mãn và Đại Bi Tâm là dụ (Tâm làm dụ). Đà La Ni là pháp, pháp tổng trì.
Phương pháp trì tụng:
Phát khởi lòng từ bi với tất cả chúng sinh.
Trước theo Quán Âm lập thệ nguyện như Ngài.
Chí tâm xưng niệm danh hiệu Quán Âm và Phật A Di Đà.
Luôn trì tụng thần chú Đà La Ni (chú Đại bi).
Thần thông diệu dụng: hiện ngàn tay ngàn mắt, Quán Âm sau trì tụng Đại Bi từ sơ địa tiến lên Bát địa (Bất động địa), phóng vô số quang minh, chấn động sáu cách cùng nhiều công năng khác và tránh sự phá hoại của ma vương, khinh an.
Đây là pháp hằng hà sa số chư Phật nói ra “Đà La Ni này do chín mươi ức hằng hà sa chư Phật đời quá khứ tuyên thuyết”.
Ở bản kinh cũng đề cập đến cách thực hành nghi quỹ của Đại Bi chú, “Nếu chúng sinh nào muốn tiêu trừ tai nạn ma chướng nên lấy chỉ ngũ sắc xe làm một sợi niệt, trước tiên tụng chú này 5 biến, kế tụng 21 biến, cứ tụng xong mỗi một biến lại thắt một gút, rồi đeo nơi cổ hoặc bỏ nơi đãy.” Nhất là thiết lập đàn tràng theo mô hình Mandala, gồm có bốn Mandala[2].
2.3 Bốn Mạn Đà La
2.3.1 Đại Mạn đà la (Maha mandala): Chính là sự hội tụ các đức Phật và Bồ tát. Mạn đà la này biểu tượng cho tự thân của Phật và mối quan hệ giữa tự thân Phật và bổn thân của Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn với toàn thể vũ trụ. Tự thân mỗi hành giả nếu thực hành theo cũng là một Đại Mạn Đà La “Người nào trì tụng đà ra ni này nên biết người ấy chính là tạng Phật thân, vì 99 ức hằng hà sa chư Phật đều yêu quý. Nên biết người ấy chính là tạng quang minh, vì ánh sáng của tất cả Như Lai đều chiếu đến nơi mình. Nên biết người ấy chính là tạng từ bi, vì thường dùng đà ra ni cứu độ chúng sinh.”
2.3.2 Tam muội gia Mạn đà là (Samaya mandala): Tức là xu hướng và khả năng hóa hiện độ sinh của mỗi vị Phật, Bồ tát. Hình ảnh vị Bồ Tát Quán Thế Âm ngàn tay ngàn mắt hiện đủ nơi thân, tay bắt các khế ấn và pháp khí trên tay. “Quán Thế Âm Tự Tại Bồ Tát có ngàn mắt ngàn tay, mỗi tay đều tiêu biểu cho hạnh tùy thuận các sự mong cầu của chúng sinh.” Đối với hành giả “Nếu chúng sinh nào muốn được giàu lớn, có nhiều thứ châu báu, đồ dùng, nên cầu nơi tay cầm châu như ý.” và “Nếu muốn trừ những chướng nạn ác bên thân, nên cầu nơi tay cầm cây phất trắng.”...
2.3.3 Pháp Mạn đà la (Dharma mandala): Là Mạn đà la của văn tự lý giải chân lý với chủng tử tự SHRI. Tất cả những lời Phật dạy, những chân ngôn của Phật và Bồ tát đều bao hàm trong đó. Trong bản kinh, Bồ Tát Quán Âm tuyên nói chú Đại Bi “Nam mô hắt ra đát na đá ra dạ da … Án tất điện đô mạn đá ra bạt đà dạ ta bà ha” và đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng tuyên nói các bài chú bí mật. Ví dụ như: “Nếu muốn hàng phục tất cả oán tặc, nên cầu nơi tay cầm chày kim cang. * Chân ngôn rằng: Án ¾ phạ nhựt-ra, chỉ nãnh, chỉ nãnh, bát-ra nễ bát đa dã, tá-phạ hạ. Nếu muốn trừ tánh ở tất cả chỗ sợ hãi không yên, nên cầu nơi tay thí vô úy. * Chân ngôn rằng: Án ¾ phạ nhựt-ra, nẵng dã, hồng phấn tra...” Nhờ “Tụng chú này diệt được tất cả tội, cũng đuổi được ma và trừ thiên tai. Nếu kẻ nào tụng chú này một biến, lễ Phật một lạy, mỗi ngày chia ra làm ba thời tụng chú lễ Phật như thế, trong đời vị lai tùy theo chỗ thọ thân, thường được tướng mạo xinh đẹp, được quả báo đáng vui mừng.” Như vậy, với kinh chính là kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Đại Bi Tâm Đà La Li và từ sơ địa Ngài đã chứng bát địa (Bất động địa) sau khi nghe chú Đại Bi Tâm Đà La Ni.
2.3.4 Yết ma Mạn đà la (Karma mandala): Chính là các pháp thực hành nghi quỹ đối với từng đàn tràng, nhu cầu trừ tai, điều phục, tăng ích và kính ái của mỗi hành giả. Cũng như là các hành trạng độ sinh của Phật và Bồ tát. Y theo tướng trạng của Mạn Đà La để tu hành. Tướng trạng của Mạn Đà La này là: tâm đại từ bi, tâm bình đẳng, tâm vô vi, tâm vô nhiễm trước, là tâm không quán, tâm cung kính, tâm tỳ hạ, tâm Vô tạp loạn, tâm vô kiến thủ, tâm vô thượng Bồ đề.
Đại Bi Tâm Đà La Ni là tâm Đại Từ Bi. (từ: ban vui, bi: cứu khổ. Như vậy có lòng từ bi rộng lớn là chú Đại Bi, là đại bi tâm.)
Tâm bình đẳng: là tâm không biệt với tất cả mọi người.
Tâm Vô Vi: không làm việc tà vạy, không khởi tà niệm, không sinh tà tri tà kiến.
Tâm vô nhiễm trước: tâm trong sáng, thanh tịnh, không vọng tưởng, không tà niệm, không có ý tưởng dâm dục.
Tâm không quán: quán về tánh “không” của tất cả các pháp.
Tâm cung kính: hiền từ, hòa nhã, cung kính với tất cả mọi người, xem họ như Phật.
Tâm Tỳ Hạ: lòng khiêm cung.
Tâm Vô Kiến Thủ: vì nếu có kiến sẽ có sự chấp giữ, có sự mê chấp.
Tâm vô thượng Bồ Đề: chú Đại Bi.
Nhìn chung, trước khi thực hành nghi quỹ cần phải đáp ứng các điều kiện sau: Phát tâm Bồ Đề rộng lớn, thệ độ tất cả chúng sinh, thân trì trai giới, khởi tâm bình đẳng, thường trì tụng chú này, cần phải có không gian để lập đàn tràng. Ở chốn tịnh thất cần phải tắm gội sạch sẽ, y phục tinh sạch, ăn đồ thanh tịnh, treo phướn đốt đèn, sử dụng hương hoa, thức ăn cúng dường, cột tâm một chỗ, không theo dị duyên, trì tụng đúng pháp. Muốn trừ ma chướng, nên lấy chỉ ngũ sắc xe làm sợi niệt trước tụng 5 biến đến 21 biến cứ một biến thắt một gút cho đến 21 gút rồi đeo ở cổ. Sau khi đảm bảo các phần chuẩn bị xong hành giả bắt đầu thọ trì pháp theo nghi quỹ kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn và tâm chú Đại Bi, chú ý hơi thở của hành giả và thực tập một cách miên mật. Đến khi thấu triệt được thể, đạt được dụng thì pháp hành trì mới có được sự thành tựu.
Trên đây là Bốn Mạn Đà La của chư Phật và Bồ tát. Ngoài ra, tất cả muôn loài, mọi hiện tượng đều có Bốn Mạn Đà La, sắc tướng của chúng gọi là Đại Mạn Đà La, đặc tính - khả năng riêng là Tam muội Mạn Đà La, danh từ để gọi là Pháp Mạn Đà La, hành vi là Yết ma Mạn Đà La. Điều cần chú ý là Bốn Mạn Đà La không độc lập, chúng có mối liên hệ duyên sinh và mặc dù Phật, Bồ tát có Mạn Đà La riêng nhưng không tách rời mọi Mạn Đà La của pháp giới. Vì vậy, Phật và chúng sinh là một, cùng chung thể tánh là sáu đại: Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không, Thức. Sự khác nhau giữa Phật và chúng sinh ở chỗ Phật thì tỉnh thức mà chúng sinh thì mê muội.
3. KẾT LUẬN
Nhìn chung, thông qua bản Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Đại Bi Tâm Đà La Ni và kết quả là Nhật Quang Bồ Tát, Nguyệt Quang Bồ Tát cùng chư thiên đến chứng minh tăng thêm hiệu nghiệm và Quán Âm sử dụng ngàn tay hộ trì, ngàn mắt chiếu soi và khiến người đó có thể thọ trì tất cả sách vở thế gian, thông đạt Vệ Đà cùng nhiều công năng khác do trì chú Đại Bi chúng ta biết được nhiều điều liên hệ đến tư tưởng, chú tổng trì, mô hình Mạn Đà la và pháp thực hành nghi quỹ của Phật giáo Bắc truyền nói chung và Mật giáo nói riêng. Đứng về phương diện tư tưởng, bản kinh đã nói rõ ba hệ tư tưởng chính là Bồ đề tâm vi nhân, Đại bi vi cản bản và Phương tiện vi cứu cánh. Bên cạnh đó, còn nói đến lợi ích của việc thực hành nghĩ quỹ, thiết lập đàn tràng Mạn Đà La, trì tụng Đại Bi tâm chú sẽ giúp hành giả tu Mật tông có được pháp thực hành đạt được thành tựu.
Sc.Thích Tịnh Uyên Học viên Thạc sĩ Khóa 3 - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội *** CHÚ THÍCH [1] 《千手千眼觀世音菩薩廣大圓滿無礙大悲心陀羅尼經》:「千手千眼觀世音菩薩廣大圓滿無礙大悲心陀羅尼經」 (CBETA 2021.Q4, T20, no. 1060, p. 106a4-5) [2] Bốn thứ Mạn Đà La hay bốn vòng tròn Mạn Đà La chỉ định năng lực hiệu nghiệm của tam mật. Những hình ảnh, hình vẽ, hay điêu khắc cho thấy thân mật của Phật; văn tự là mật ngữ của Phật; và các vật tiêu xí chỉ cho bản thệ, tứ mật ý của đức Phật gồm có: Đại Mạn Đà La: là vòng tròn của đức Phật và các tùy tùng được trình bày bằng hình ảnh hay tranh vẽ, tức trình bày trong mặt phẳng. Tam Ma Da Mạn Đà La: vòng tròn của cùng hội chúng nầy được biểu thị bằng những dụng cụ tượng trưng cho mỗi vị. Tam Ma da trong Phạn ngữ có nghĩa là “bản thệ,” nhưng được trình bày bằng vật tiêu biểu cho mỗi vị cầm tay. Pháp Mạn Đà La: là loại Mạn Đà La bằng văn tự, trình bày toàn thể các Thánh giả. Yết Ma Mạn Đà La: là Mạn Đà La bằng những hình ảnh điêu khắc. Ở Nhật và các nước Đông Á, không có Mạn Đà La điêu khắc, nhưng vô số tượng Phật ở Java được xem như là thuộc loại nà
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1.《千手千眼觀世音菩薩廣大圓滿無礙大悲心陀羅尼經》:「千手千眼觀世音菩薩廣大圓滿無礙大悲心陀羅尼經」 (CBETA 2021.Q4, T20, no. 1060, p. 106a4-5) 2. https://www.rongmotamhon.net/xem-kinh_Kinh-Dai-Bi-Tam-Da-La-Ni_dtglpdts_viet1.html
Bình luận (0)