III. Thiền phái Tỳ Ni với Phật giáo Việt Nam đương đại

Tính đến nay thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã truyền vào Việt Nam gần 1.500 năm (580-2020). Từ thời Lý với những đặc tính của mình, thiền phái Tỳ Ni đã cùng với thiền phái Vô Ngôn, Thảo Đường đồng hành cùng dân tộc, viết lên những trang sử vàng chói lọi trong lịch sử bảo vệ và phát triển đất nước.

Năm 1975 đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà. Tháng 11 năm 1981 Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Từ đó Phật giáo Việt Nam có danh xưng là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ thủ đô Hà Nội. Hiến chương GHPGVN đã nêu nên tầm quan trọng của việc thành lập và nhiệm vụ, mục tiêu, phương hướng hoạt động của GHPGVN:

“Nguyện vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam đã thực hiện qua các thời kỳ, nhưng chưa được trọn vẹn (...) Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là sự kết tinh trí tuệ, là nguyện vọng chân chính của tăng ni, cư sĩ phật tử các tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội và các Hệ phái Phật giáo trong cả nước, là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam.

Lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý đức Phật, nhằm phục vụ Dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh, là tôn chỉ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”, trên cơ sở kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế và tuân thủ Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

... Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981 trên cơ sở hợp nhất tự nguyện của 09 tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội và các Hệ phái Phật giáo trong cả nước, có đủ tư cách pháp lý, pháp nhân, đại diện Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngòai nước, là thành viên các tổ chức Phật giáo Quốc tế mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia. [9, tr. 3-5]

Tính đến năm 2017, GHPGVN đã trải qua 8 kỳ Đại hội và đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, được Đảng, Nhà nước và cộng đồng Phật giáo quốc tế khen ngợi.

Có thể nói trong 3 thiền phái truyền vào Việt Nam, gồm: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường thì thiền phái Tỳ Ni với tư tưởng bất lập văn tự, đề cao tinh thần vô chấp (siêu việt hữu, vô) nhưng vẫn chú trọng nghiên cứu kinh - luận, hành trì Mật giáo, nhập thế giúp đời nên luôn đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước. Kế thừa và phát huy những đặc tính tốt đẹp của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, GHPGVN từ khi được thành lập đến nay đã nỗ lực hoạt động trên nhiều lĩnh vực, như; phát triển tổ chức, tăng sự, giáo dục, hoằng pháp, thông tin truyền thông, từ thiện xã hội, quan hệ quốc tế...

Theo Báo cáo Tổng kết công tác phật sự năm 2019 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng ta thấy Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hoạt động rất tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhằm đáp ứng nhu cầu tu học của tăng, ni, phật tử và các vấn đề xã hội.

Hoạt động phát triển tổ chức hội

Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 03 cấp hành chính, gồm; cấp Trung ương, cấp Tỉnh, Thành phố và cấp Quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Ở cấp Trung ương có: Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự.

Hiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát triển tổ chức hội trên toàn quốc, 63/63 tỉnh/thành có Ban Trị sự cấp tỉnh, cấp huyện. Tự, Viện (đơn vị cấp cơ sở của GHPGVN) trên toàn quốc được củng cố và xây dựng mới. Một số chùa có tầm cỡ quốc tế, như chùa Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam)...

Hoạt động của Ban Tăng sự:

Theo báo cáo của Ban Tăng sự T.Ư, toàn quốc hiện có 18.446 Tự viện Bắc Tông; 454 chùa Nam Tông Khmer; 106 chùa Nam tông Kinh; 541 Tịnh xá, 467 Tịnh Thất, 998 Niệm Phật đường, 54 Tự viện Phật giáo Người Hoa.

54.941 Tăng Ni, gồm: 39.229 Bắc tông; 8.574 Nam tông Khmer, 1.754 Nam tông kinh (1.100 chư Tăng, 654 Tu nữ); 5.384 Khất sĩ.

- Tín đồ: Khoảng 50 triệu tín đồ và những người có niềm tin, yêu mến đạo Phật.

Hoạt động của Ban Giáo dục Phật pháp

GHPGVN hiện có một hệ thống giáo dục khá tốt và phong phú từ Sơ cấp đến hậu Đại học. Công tác đào tạo được Ban Giáo dục Phật pháp T.Ư triển khai trên toàn quốc và có kết quả như sau:

- Chương trình Tiến sĩ, Thạc sĩ Phật học: Học viện Hà Nội, Khóa I có 59 Học viên chương trình đào tạo Thạc sĩ, 04 Nghiên cứu sinh Tiến sĩ; Học viện tại Huế Khóa I có 55 Học viên chương trình Thạc sĩ; Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh, Khóa II có 48 Học viên chương trình Thạc sĩ, 08 Học viên chương trình Tiến sĩ.

- Chương trình Cử nhân Phật học: Học viện tại Hà Nội đang đào tạo 429 Tăng Ni sinh; Học viện tại Huế, đang đào tạo 320 Tăng Ni sinh; Học viện tại Tp.Hồ Chí Minh đang đào tạo 2.348 Tăng Ni sinh thuộc các Khóa 12, 13, 14 và Khóa 5, 6 Hệ Đào tạo từ xa. Chương trình đào tạo 100 Sinh viên Cử nhân Sư phạm Mần non, có 49 Sinh viên tốt nghiệp.

- Chương trình Cao đẳng Phật học: Các lớp Cao đẳng Phật học Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Quảng Nam, Tiền Giang… tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo.

Lớp Cao đẳng Phật học tại Tp.Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu đã liên thông đào tạo với Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh.

- Chương trình Trung cấp Phật học: Cả nước hiện có 35 Trường Trung cấp Phật học và đang triển khai chương trình đào tạo Trung cấp Phật học cải cách 3 năm do Ban Giáo dục chủ trương. Nội dung giảng dạy theo Bộ sách Giáo Khoa do Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương biên soạn.

- Chương trình Sơ cấp Phật học: Có khoảng 3000 Tăng Ni sinh đang theo học tại các cơ sở đào tạo trực thuộc các trường Trung cấp Phật học.

- Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer: Do tính đặc thù của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nên chương trình giáo dục đào tạo dành cho Hệ phái đều có sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương Giáo hội, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Dân tộc Trung ương và địa phương, Ủy ban Mặt trận các cấp.

Đã có hàng ngàn vị Sư sãi, thanh thiếu niên dân tộc Khmer theo học Trường Trung cấp Pali Nam bộ tại tỉnh Sóc Trăng, các lớp Vini, Pali Trung cấp, Sơ cấp, Khmer ngữ và bổ túc văn hóa cấp 1, 2, 3; lớp dạy Anh văn, tin học cho Chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer và thanh thiếu niên đồng bào Khmer.

- Tăng Ni sinh du học: Giáo hội tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện cho 250 Tăng Ni sinh du học tại nước ngoài về chương trình Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ Phật học và một số chuyên ngành.

Với hệ thống giáo dục như trên, Ban Giáo dục Phật pháp đã đào tạo được một lực lượng tăng ni có trình độ kiến thức khá tốt về giáo lý đạo Phật để hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh.

Hoạt động của Ban Hoằng pháp

Đây là một Ban hoạt động rất tích cực từ khi GHPGVN được thành lập đến nay với nhiều nội dung, hình thức phong phú, như: Tổ chức Hội thảo Hoằng pháp; Hội thi giáo lý; Thuyết giảng Phật pháp vào các dịp lễ lớn của đạo Phật. Thuyết giảng tại các chùa, các Đạo tràng, các khóa tu, các lớp giáo lý tại các tỉnh, thành nhìn chung thu được kết quả tốt đẹp.

Đã thành lập được 2 cơ sở đào tạo các lớp Cao

- Trung cấp Giảng sư: Lớp đào tạo Cao cấp Giảng sư khu vực phía Bắc niên khóa (2018 - 2021) tại chùa Vạn Phúc, huyện Sóc Sơn, Tp.Hà Nội có 150 Tăng Ni giảng sinh tham dự; Lớp đào tạo Cao

- Trung cấp Giảng sư tại chùa Hòa Khánh, Tp.Hồ Chí Minh đang đào tạo Khóa IX (2017 - 2020) và Khóa X (2019 - 2022), với 214 Tăng Ni giảng sinh, (Trong đó 118 lớp Cao cấp, 96 vị lớp Trung cấp Giảng sư).

Các Phân ban thuộc Ban Hoằng pháp T.Ư cũng đã rất tích cực hoạt động, tiêu biểu như Phân ban Hoằng pháp Hải Ngoại, đã tổ chức nhiều chuyến Hoằng pháp tại nước ngoài như tại Séc, Đài Loan, Hàn Quốc, Butan, Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Luân Đôn, Vương quốc Anh, Úc Châu, Mỹ, Praha, Liên Bang Đức, Thụy Sĩ, Đan Mạch...; Phân ban Hoằng pháp Thanh thiếu niên tổ chức nhiều khóa tu mùa hè, hội trại cho thanh thiếu niên phật tử; Phân ban Thông tin Truyền thông đã đưa nhiều tin ảnh liên quan đến các phật sự của Trung ương và địa phương.

Thông qua công tác diễn giảng giáo lý đạo Phật một cách phong phú, đã giúp cho tăng ni, phật tử, những người yêu mến đạo Phật có sự hiểu biết rõ hơn về Phật giáo. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để GHPGVN phát triển vững mạnh về nhiều mặt.

Hoạt động của Ban Từ thiện xã hội

Đây là một hoạt động thể hiện rõ nét sự từ bi cứu khổ của đạo Phật đối với những hoàn cảnh, đối tượng kém may mắn, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hoạt động của Ban được triển khai qua các hình thức sau:

Hệ thống Tuệ Tĩnh đường, phòng khám Đông Tây y, phòng thuốc Nam miễn phí; Các lớp học tình thương; Trường nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, phục hồi chức năng; Trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn; Trường dạy nghề; Trung tâm tư vấn người nhiễm HIV/AIDS…

Phát huy tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, Ban Từ thiện xã hội đã tích cực hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Tổng số tiền từ thiện xã hội năm 2019 đạt được là 2.405.948.358.500đ. Những kết quả đáng khích lệ của Ban trong những năm qua đã góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội và khiến cho nhiều người, nhiều tổ chức thêm yêu mến, kính quý đạo Phật.

Hoạt động của Ban Phật giáo quốc tế

Với tinh thần giao lưu học hỏi và tầm nhìn chiến lược, bước sang thế kỷ 21 GHPGVN đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các Giáo hội, Hiệp hội, Hệ phái, Tổ chức Phật giáo trên thế giới. Tinh thần đó của GHPGVN đã được cộng đồng Phật giáo thế giới tán thán và ủng hộ. Kết quả của hoạt động trên đã được minh chứng qua việc chưa đầy 20 năm GHPGVN đã được Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak LHQ (ICDV) tin tưởng giao cho 03 lần đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ vào các năm 2008, 2014, 2019. Đặc biệt là Đại lễ Vesak 2019, với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Đây là một sự kiện Phật giáo quốc tế lớn nhất từ trước tới nay được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của gần 3000 đại biểu chính thức, trong đó có 1.650 đại biểu quốc tế thuộc hơn 570 đoàn khách quốc tế đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ và đã thành công tốt đẹp, được quốc tế đánh giá cao.

Ngoài các hoạt động trên, về hành trì tu tập, chúng ta thấy hầu như tất cả các chùa theo Bắc tông trong thời khóa công phu hàng ngày, trong các đại lễ khởi công, khánh thành tự viện... đều có sử dụng thần chú. Trì tụng thần chú là một pháp tu thuộc Mật giáo và đã được thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi ứng dụng vào phương pháp tu học, hành đạo.

(Phần hoạt động của các Ban-Viện, xem thêm tài liệu tham khảo số 10)

Thay cho lời kết

Cách đây hơn ngàn năm các thiền sư phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi ngoài sự tinh tiến tu học, với tinh thần “Hộ quốc an dân” các Ngài đã sử dụng thuật phong thủy, sấm vĩ và một số tín ngưỡng dân gian làm phương tiện hành đạo, dấn thân “nhập thế”; phù trợ quốc gia, cứu độ chúng sinh, viết lên những trang sử vàng trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Ngày nay trong điều kiện, hoàn cảnh mới GHPGVN và Chư tôn đức tăng ni, phật tử đã nỗ lực thực hiện các công việc phật sự trên nhiều lĩnh vực để biến nó thành các phương tiện hữu hiệu dẫn dắt chúng sinh vào đạo, tu đạo. Các hoạt động trên đã góp phần tích cực làm cho GHPGVN ngày càng phát triển tốt đẹp trong lòng dân tộc và giúp cho tình hình an ninh chính trị - xã hội được ổn định, quốc gia hưng thịnh, nhân dân an lạc. Điều này đã khẳng định cho sức sống của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đương đại.

Tiếp theo Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 162 Tác giả: Thích Minh Thuận - Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2020 -------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Thích Đồng Bổn (2013), “Đóng góp thêm các bản dịch mới về bài kệ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh”, Phật giáo và những tản văn, Nxb. Hồng Đức. 2. Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch) (2008), Mật tông Phật giáo, Nxb. Tôn giáo. 3. Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch) (2008), Toàn tập giải thích phép thần thông Phật giáo, Nxb. Tôn giáo. 4. Thích Phước Đạt (2013), “Ý nghĩa yếu tố huyền thoại và hiện thực của Đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh”, Kỷ yếu Hội thảo: Chùa Thầy và Chư Thánh Tổ sư, Nxb. Văn hóa - Thông tin. 5. Trần Thị Hạnh (2011), “Nội dung cơ bản của triết học Phật giáo thời Lý”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế “Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam kỷ nguyên độc lập”, tr. 438-445. 6. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông. 7. Ngô Sĩ Liên, Ngô Đức Thọ - Hoàng Văn Lâu (dịch) (2017), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Văn học. 8. Nguyễn Công Lý (2016), Văn học Phật giáo thời Lý - Trần: Diện mạo và đặc điểm, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 9. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (2018), Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo. 10. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (2019), Tài liệu; Hội nghị kỳ 3 - Khóa VIII (Lưu hành nội bộ). 11. Thích Thiền Tâm, Thích Giác Hải, Thích Đức Niệm dịch (2012), Kinh Đại Bi Sám Pháp, Đại Bi Tâm Đà La Ni, Quán Âm Xuất Tượng, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. 12. Nguyễn Minh Ngọc (2010), Mật tông trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, Nxb. Văn hóa - Thông tin & Viện Văn hóa, Hà Nội. 13. Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, Nxb. Tôn giáo. 14. Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh. 15. Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích (1993), Thiền uyển tập anh, Nxb. Văn học. 16. Thích Minh Thuận (2020), Thiền sư Từ Đạo Hạnh với đời sống xã hội Đại Việt, Tạp chí nghiên cứu Phật học số 01.