DẪN NHẬP
Phật giáo ra đời trong một hoàn cảnh vô cùng phức tạp trên một đất nước mà trong đó đời sống con người phải chịu nhiều bất công trong chế độ phân tầng giai cấp lâu đời của xứ Ấn Độ, địa vị và giai cấp không thể đắp đổi niềm âu lo sợ hãi trong tâm lý con người, chúng là nguồn gốc đưa đến sự chia rẽ, bất công, phân biệt màu da, chủng tộc và kỳ thị tôn giáo. Đương thời, xã hội Ấn Độ chia thành bốn giai cấp chính, đó là Bà la môn, Sát đế lợi, Phệ xá và Thủ đà la. Tất cả những quyền hành tập trung trong tay giới Sát đế lợi, giới tướng sĩ nắm giữ chính quyền. Do đó, họ có quyền sinh, quyền sát, quyền làm luật và quyền cướp bóc, quyền gây chiến và quyền lấy ruộng và quyền cho ruộng, quyền cấm tất cả các người khác làm những việc mà họ ngang nhiên làm. Như giới Bà La Môn thì xem sự độc quyền về tế tự và học vấn, về sự tồn trữ của cải và những thú vui, về sự biện luận và sự bảo tồn truyền thống... Ngược lại giai cấp Vessa tuy không bị liệt vào hạng cùng đình nhưng vẫn không kém phần lao khổ. Giai cấp còn lại gồm người lao động tạp dịch bị coi không khác gì bọn nô lệ, bị bắt buộc làm những việc nặng nhọc khổ sở, từ ngày này qua ngày khác, bị đánh đập tàn nhẫn trong khi làm việc và ngoài khi làm việc, bị hành hạ thể xác và tinh thần. Và sự có mặt của Phật giáo được đánh dấu bởi sự kiện đức Phật xuất hiện. Chính Ngài đã làm một cuộc cách mạng ý thức hệ tư tưởng, xoá bỏ giai cấp nêu cao tinh thần bình đẳng.
NỘI DUNGChúng ta từ xưa cho đến nay, luôn luôn mơ ước có cuộc sống tự do bình đẳng không lệ thuộc bất cứ ai. Nhưng giữa xã hội có nhiều điều phức tạp, sự bất công đầy dẫy, xã hội muôn màu, làm sao đạt được ước mơ đó. Trong lúc một số học thuyết quan niệm rằng mọi sự khổ vui đau buồn hiện hữu của con người và thế giới đều do đấng Phạm Thiên sáng tạo. Giữa lúc ấy đức Phật là một nhà đại cách mạng. Ngài thấy rõ sự bất công phi lý của Bà la môn giáo cho rằng “họ vốn dĩ sinh ra từ miệng của Phạm thiên thanh tịnh còn giai cấp khác là thấp hèn”. Để ý thức hệ giải phóng giai cấp, đức Phật đã cất lên tiếng chuông để thức tỉnh mọi quan niệm tà kiến sai lầm của giai cấp Bà la môn giáo mà khơi dậy ngọn cờ tự do bình đẳng thông qua sự bình đẳng có mặt của con người, bình đẳng nhân quả, hay về mặt tu chứng để chứng minh cho nhân loại rằng: “tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật”[1]
- Bình đẳng về sự hiện hữu của con người
Đất nước Ấn Độ là một đất nước vô cùng phức tạp, mà trong đó con người phải chịu nhiều bất công trong chế độ phân chia giai cấp. Giai cấp thứ nhất là bà la môn chiếm địa vị tối cao. Kế đến giai cấp Sát đế lợi tập trung dòng vua chúa, nắm quyền hành trong nước. Thứ ba giai cấp Vệ xá là giai cấp bình dân, chuyên làm nghề thủ công, nông, thương. Đa phần còn lại là giai cấp Thủ đà la họ làm nghề hạ tiện như nô lệ, gánh phân,... Hai giai cấp Bà la môn và Sát đế lợi là giai cấp thống trị, còn giai cấp Vệ xá và Thủ đà la là giai cấp bị trị. Bốn giai cấp này sống theo chế độ thế cấp cha truyền con nối tạo thành một xã hội vô cùng bất công, cá lớn nuốt cá bé. Giai cấp tối cao thì tự hào cho rằng mình được sinh ra từ bậc tối cao nên khinh khi và chê bai kẻ khác. Khi trình bày về sự hiện hữu của con người, đức Phật đã dùng đến mười hai nhân duyên, năm uẩn hoặc sáu đại để giảng về quá trình hình thành con người. Do vô minh, có hành sinh, do hành có thức sinh dẫn đến do sinh có lão, tử, sầu, ưu, bi, khổ, não sinh hay toàn bộ khổ uẩn sinh. Đây gọi là duyên khởi, là mười hai phần duyên tác thành nên con người.
Qua đó, chúng ta thấy con người mà được đức Phật xác định là được kết hợp giữa danh và sắc, nghĩa là con người đầy đủ cả tâm lý vật lý hay còn gọi là con người toàn diện, đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo thế nào là danh sắc... như đức Phật dạy: này A Nan Đa do duyên danh sắc thức sinh do duyên thức danh sắc sinh. Này A Nan Đa nếu thức đi vào trong bụng mẹ rồi bị tiêu diệt, thì danh sắc có thể hình thành trong trạng thái này hay trạng thái khác không? Bạch Thế Tôn không. Do vậy nầy A Nan Đa, như vậy là nhân như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của danh sắc tức là thức”[2]. Đề cập đến sự thọ thai và cái thức đi đầu thai. Nhưng yếu tố quan trọng để hiện hữu một chúng sinh là do ái. Do lòng tham muốn được sung sướng được sống, được sở hữu, chính cái tâm tham muốn ấy được bao hàm trong nghiệp, tạo ra nghiệp và sức mạnh của nghiệp đưa đến một hình thái mới của các hiện hữu. Khi có mặt ái là có đủ phần nhân duyên, tiếp diễn như vậy, đây là ý nghĩa hiện hữu của một con người.
Trên thực nghiệm này Thế Tôn đã khám phá ra rằng sự hiện hữu của một con người là do duyên sinh, mỗi hiện hữu sinh diệt tùy theo duyên hay vận hành theo nghiệp. Nghiệp do con người tự tạo, rồi chính con người thọ nhận kết quả cái nghiệp mà con người đã làm như đức Phật đã dạy: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu”[3] Sự hiện hữu của con người là do nghiệp duyên. Khi con người tạo nghiệp thì tâm nắm phần chủ động, rồi chi phối thân khẩu ý đưa đến hành động và tạo nghiệp.
Thật vậy, sự hiện hữu của con người là do những tâm niệm, hành vi mà con người đã tạo trong quá khứ, đồng thời phụ thuộc các điều kiện nhân duyên. Từ đó suy ra 4 giai cấp hay 4 thành phần trong xã hội Ấn Độ cũng từ nguyên lý duyên sinh nghiệp báo mà suy diễn ra mà xác lập. Không có vấn đề an bài một cách phi lý bất công do Phạm thiên thực hiện, mà sự hiện hữu của con người chúng sinh là do ý nghĩa hành động trong quá khứ, gọi là nghiệp thức. Nghiệp thức là một năng lực hiện hữu chuyển biến không ngừng theo lý duyên khởi. Do đó, một khi đất, nước, lửa, gió, nghiệp thức, tinh cha, huyết mẹ hội họp thì có một chúng sinh hình thành và hiện hữu. Như vậy tất cả chúng sinh đều bình đẳng về mặt hiện hữu. Trừ khi một nghịch duyên xuất hiện hoặc thiếu điều kiện nhân duyên.
- Bình đẳng về mặt nhân quả
Vạn vật không phải tuần hoàn biến dịch một cách ngẫu nhiên vô lý mà tuần hoàn theo một cái luật chung đó là luật nhân quả. Luật này không do một đấng sáng tạo hay một xã hội nào đặt ra, mà là một luật thiên nhiên âm thầm lặng lẽ, là một cán cân công lý bình đẳng giữa con người và xã hội.
Thế nhưng nhân loại đa số ít ai thấu triệt vấn đề này nên đã nói năng hành động bừa bãi, làm những điều vô luân không có đạo đức rồi lại đưa ra nhiều thắc mắc trong cuộc sống. Quá khứ thì không hay, tương lai càng không biết, hiện tại quá ngắn ngũi phù du, lại chứa đựng biết bao sự bất công vô lý thường diễn ra trong muôn hình vạn trạng. Tại sao lại có người đẹp mà ta lại xấu, kia giàu đay nghèo, người ấy hạnh phúc mà ta lại đau khổ, khóc lóc suốt đêm dài tăm tối, có người chết yểu, kẻ lại sống lâu, người kia thông minh sáng láng còn ta lại mê muội. Tất cả những hình thái khác nhau đó không ngoài sự chi phối của luật nhân quả mà ta lại không hay không biết, cứ đổ thừa cho kẻ khác, chứ thật ra mọi kết quả mà ta thọ nhận hôm nay chính là ta đã gieo nhân ngày hôm qua.
Khi gieo nhân thì chắc chắn phải gặt quả báo mọi kết quả khổ vui, hạnh phúc đều do thân khẩu ý điều động chứ không phải vì tha nhân. Ngài nhắc nhở: “Ta không có quyền ban phúc giáng họa cho ai mà chỉ là người chỉ đường cho chúng sinh là vị lương y chữa tâm bệnh cho chúng sinh, nếu chúng sinh chín chắn làm theo lời ta chỉ dẫn”. Chính chúng ta góp sự đau và chúng ta đủ cam đảm tự gỡ lấy những đau khổ cho chính mình. Nhân quả là cán cân công lý không ai có thể chạy trốn. Vì vậy khi nói đến đạo Phật là nói đến nhân quả nghiệp báo, một nguyên lý mà con người phải chịu lấy trách nhiệm hành động của mình. Không phải thần linh nào khác quy định thưởng phạt kiếp sống của con người, chính con người thật sự là Thượng Đế tối cao của họ, họ muốn làm chủ đời sống hay mất quyền làm chủ, họ muốn khổ hay vui, hoàn toàn bởi họ, không do ai khác. Luật nhân quả là nền đạo đức nhân bản cao cả hơn mọi nền đạo đức nào khác, trong đó giá trị con người được nâng cao.
Tuy nhiên, từ nhân đi đến quả có các yếu tố xen vào nên quả tuy cùng đẳng loại với nhân nhưng vẫn khác với nhân. Tùy thuộc vào sự can thiệp mạnh hay yếu của các duyên ở trung gian, thuận chiều hay nghịch chiều phát triển của nhân, mà quả có thể hình thành sớm muộn hay không có thể hình thành.
Tuy trong sự tương quan nhân quả, từ nhân đi đến quả còn có các yếu tố duyên xen vào; do đó sự thành tựu một quả hẳn còn tùy thuộc vào các duyên. Trong giáo thuyết nhân quả, một nhân không thể đưa đến một quả, hay một quả không thể chỉ có một nhân. Và nhân quả thường là đồng loại, giáo lý nhân quả có vị trí rất quan trọng trong việc giải thích sự khác biệt nghiệp quả với con người, và sự thiết lập nên một nền tảng đạo đức luân lý Phật giáo rất nhân bản và tích cực nhân quả trong Phật giáo không phải là định mệnh, cũng không mang tính chất tiền định cố hữu mà là pháp duyên sinh. Bởi vì luật nhân quả đã cho con người làm chủ tối cao nơi cuộc đời mình. Sẽ đưa cuộc đời mình đi theo ý muốn khi mình đã có trong tay chìa khóa vạn năng của luật nhân quả. Nếu có Thượng Đế thì Thượng Đế chính là ta chứ không ai khác. Chính chúng ta đem đến khổ đau hay hạnh phúc bởi hành vi thiện ác. “Người ta gieo nhân nào thì hưởng quả nấy”. Vì thế, luật nhân quả là một định luật rất công bằng của xã hội, mang lại lợi ích lớn lao cho thế gian là một nền đạo đức sâu sắc, phù hợp với lương tâm loài người, đặt trách nhiệm nơi chính con người đối với việc làm của họ, không có sự nô lệ nơi một thần linh bên ngoài, cũng không có tính cách vô luân của những kẻ chủ trương ngẫu nhiên họa phúc. Đồng thời giáo lý nhân quả chỉ rõ con đường sinh tử của con người để tránh, vừa khích lệ con người hành thiện. Mặt khác dạy con người ý thức trách nhiệm sống không ỷ lại, không chạy trốn, không đổ lỗi, mà tự mình phải hiểu biết một cách tường tận luật nhân quả. Có như thế mới kiến tạo cho mình một đời sống thanh bình. Cho nên trong cuộc sống chúng ta phải thận trọng thân khẩu ý. Khi hành sử đừng để cho thân khẩu ý hành động bởi sự sai khiến của bóng tối vô minh, tạo nên những nghiệp nhân xấu ác. Mà hãy chính niệm tỉnh giác để điều khiển thân khẩu ý của chúng ta hành động trong ánh sáng của trí tuệ, khiến cho thân khẩu ý của chúng ta gieo trồng những hạt giống tốt, những nghiệp nhân thánh thiện để chuyển hóa những nghiệp nhân xấu trong quá khứ và thành tựu những kết quả tốt đẹp trong hiện tại và mai sau.
- Bình đẳng về mặt tu chứng
Chúng sinh từ vô thỉ đến nay bị màn che lấp chân tính, chạy theo tiếng gọi của tham, sân, si, của vật dục, bị luân hồi trong sáu nẻo, khó mà thoát khỏi vòng lao lụy rối ren. Trước thảm cảnh đau thương của thế sự nhân tình, Đức Phật đã xót thương kêu gọi mọi người hãy cố gắng khơi dậy viên bảo châu quý giá nằm ẩn trong tự thân, rồi Ngài dõng dạc tuyên bố tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Nói thế là chúng ta không nên tìm cầu Phật ở bên ngoài, mà chỉ nên tìm cầu Phật ở nơi chính mình. Vì vậy chúng ta cần phải thực tạp tỉnh thức giác ngộ thì Phật tính ở trong ta tự nhiên sáng chói, phá tan được mọi chấp trước. Còn mang tâm tâm phân biệt hữu vô là còn luẩn quẩn trong vòng sinh diệt, còn sống trong vòng đối đãi, hơn thua, phải quấy, thì Phật tính khó mà hiển lộ. Đức Phật thường nhắc nhở hàng đệ tử không nên tự ti, mặc cảm cho rằng mình là hạt cát giữa sa mạc mênh mông không làm gì được. Cụ thể như giáo đoàn đức Phật, Thế Tôn đã độ cho Sunita- người gánh phân được vào hàng ngũ xuất gia.
Bởi chúng sinh đều có Phật tính và đều có trách nhiệm phát huy Phật tính ấy, vẫn le lói mãi trong lòng mình tùy theo lớp bụi dày mỏng bám vào, do sự giác ngộ hay mê mờ của từng cá nhân. Sương, mưa, khói, mây, tất cả đều cùng một thể chất. Khói mây là nước, nước là khói mây, những cực vi trần cũng là những cực đại thể. Hạt cát và trăng sao đều bình đẳng trên mặt lý tính tuyệt đối. Cũng như bốn giai cấp đều bình đẳng trong sự tu chứng. Sự khác nhau trong bốn giai cấp chỉ là hình tướng giả tạm bên ngoài, không ở phần thể chất, vì thế mà đức Phật nói:
“Là cùng đinh, không phải do sinh trưởng,
Là Bà la môn, không phải do sinh trưởng.
Do hành động, người này là cùng đinh,
Do hành động, người kia là Bà la môn”[4]
Thật vậy, do ý thức chấp ngã mới có sự phân tầng giai cấp, mới phân biệt dòng Bà la môn thanh tịnh, còn dòng khác thấp hèn như trong kinh Vệ Đà có đưa ra tư tưởng ở giai cấp nào thì an phận giai cấp đó, không được ai ganh tỵ về sự giàu sang của một người khác, mỗi người phải bằng lòng vị trí của mình và luôn tuân thủ quy luật đã định sẵn cho giai cấp mình, nếu trái ngược lại thì bị hình phạt rất nặng nề.
Phật dạy: "Bốn giai cấp đều có thể chứng ngộ", cho nên đối với quan hệ giữa người với người là một quan hệ tuyệt đối bình đẳng, không có người cao thượng hay hèn hạ. Vì phân biệt giai cấp không có tôn ti, vì phân biệt nam nữ cũng không có hàng giáo dục được và người nào là không giáo dục được.
Tóm lại, tinh thần bình đẳng về mặt tu chứng ai cũng có thể đạt được, không phân biệt giai cấp màu da chủng tộc, vì: “Không có giai cấp trong dòng máu đỏ, không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn”[5]. Phật và chúng sinh trình độ khác nhau nhưng khả năng đi đến chổ tột cùng thì ai cũng đạt được. Điểm độc đáo của đạo Phật là ở chỗ Phật không bao giờ che dấu cái sự thật, cái sự thật về khả năng giác ngộ, khả năng tự vượt của mỗi người, không thể nhờ vả ai giải thoát giúp mình. Phật đã đến, đã đạt và đã thấy, Ngài chỉ lại cho chúng ta, tu tập chính là quay hồi đầu thị ngạn thì giải thoát giác ngộ sẽ đến trong tầm tay chứ không ấn định giai cấp nào đó là bình đẳng về mặt tu chứng.
Như vậy đứng về mặt thế gian và xuất thế gian tất cả đức Phật đều thiết lập trên cơ sở bình đẳng công lý và công bằng xã hội, cùng luật nhân quả thiện ác, nghiệp báo luân hồi. Vì thế nếu ai phủ nhận sự sai biệt con người và xã hội cũng như mục đích cứu cánh của con người thì hoàn toàn sai lầm.
- Ứng dụng bình đẳng của đức Phật trong giáo dục hiện nay
Đạo Phật đã đi sâu vào cuộc đời không phải là một hệ thống triết lý suông để bàn bạc, tranh luận đạo Phật đã sống cùng con người trong mỗi suy tư mỗi hành động. Mỗi tấm gương sáng ngời của các vị thiền sư và cuộc đời thanh thoát của các bậc chân tu Phật học đều phát xuất từ tính tự lực tự cường tự mình vươn lên không có ỷ thị vào ai. Căn bản nhất để nhận thấy vị giáo chủ của Phật giáo không phải là một thần linh và cũng không phải là một thượng đế uy quyền mà thực sự là một con người bằng da bằng thịt lớn lên xuất gia, tự mình tham thiền nhập định dưới cội Bồ đề và chứng quả Vô thượng. Những sự biểu hiện trên đã hình thành một khái niệm về tính nhân bản của Phật giáo. Con người là trung tâm điểm của Phật giáo, hay nói một cách khác, không có nhân loại thì Phật giáo không hiện hữu trên cuộc đời này. Trong sáu loại, con người hội đủ điều kiện tốt để đạt đến vị quả tu chứng trong Phật giáo. Con người có đầy đủ nhận thức khổ đau của cuộc đời và có khả năng khơi sáng ngọn đèn trí tuệ nơi chính mình. Tám thân nhỏ bé chưa đầy một xải tay này.
Theo khuynh hướng giáo dục của Phật con người là chủ nhân của mọi hành vi thiện. Chính cá nhân mình dựng lấy kiếp mai sau cho mình chứ không thể chờ những đấng sáng tạo ban án hay thưởng phạt. Con người mỗi khi tạo nghiệp thì phải gặt lấy quả báo và một khi đã mang lấy nghiệp vào thân. Vấn đề thiện ác không do siêu hình bằng thể học đặt ra mà do con người tạo lấy. Nó không bám lấy riêng ai và cũng không buông tha cho ai. Chính con người là thượng đế duy nhất toàn quyền thưởng phạt cho chính cuộc đời mình, ngoài mình ra không có bất cứ ai hoặc thần linh nào khác có khả năng đưa mình lên thiên đàng hay quẳng mình xuống địa ngục. Loài người đều dung một bản chất, đều có giá trị ngang nhau trên tinh thần bình đẳng mà Phật dạy và đều có Phật tính, Phật là người có giác ngộ trước, thành Phật trước và người là những kẻ giác ngộ sau, thành Phật sau. Trong việc tìm hiểu con người để dựng xây một nền nhân bản chính xác, Phật giáo đã sử dụng cả hai phương pháp quy nạp. Đức Phật luôn đề cao nỗ lực và ý chí của con người ngài thường nhắc nhở chúng sinh tự mình thắp đuốc lên mà đi, tự mình làm hòn đảo cho chính mình, cụ thể qua hình ảnh của đức Phật tự vận dụng triệt để ý chí và khă năng của mình trong quá trình tư duy, chiêm nghiệm và tu tập đúng đắn, quán tưởng thấu ró lý vô thường của vạn pháp, mà có thể bừng sáng được chân lý thể hện mạnh mẽ.
Đức Phật thường dạy, con người phải có lòng tin không dựa vào tư tưởng người khác, tư do suy tư, tự do tín ngưỡng tự do tin Phật, tin pháp, tin tăng không ai có quyền, không ép ai mà tự do lựa chọn, bên cạnh đó điểm nổi bật nhất về tính nhân bản đó là trí tuệ. Trí huệ là di sản tối cao vô cùng quý báu nếu biết vận dụng và phát huy một cách tuyệt để có thể tận diệt mọi khổ đau, đạt đến bờ hạnh phúc.
Tựu trung, khuynh hướng giáo dục của đức Phật mang đầy tính nhân bản, Ngài đã chọn nhiều phương thức chỉ rõ cho con người thấy rằng con người vốn là một chúng sinh ưu việt, có rất nhiều tiềm năng phi thường, nếu chúng ta chịu khó triển khai thì không gì mà không thực hiện được bằng ngược lại chúng cứ sống như lục bình trôi sông thì tính nhân bản khó mà hiển lộ được mà nó sẽ bị lu mờ theo năm tháng.
KẾT LUẬN
Đức Phật đến với cuộc đời vì mục đích duy nhất là đem nguồn an lạc tự do bình đẳng đến với chư thiên loài người. Mục đích được Ngài thể hiện suốt 45 năm hoằng hoá độ sinh. Sự nghiệp tâm linh văn hoá giáo dục, Ngài để lại cho nhân loại hôm nay được các bậc học giả Đông Tây kim cổ đánh giá là một đóng góp vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người. Trong suốt 45 năm, ngoài tam tạng kinh điển để lại đức Phật đã hình thành một hội chúng Tăng Già trang nghiêm, thanh tịnh bình đẳng hoà hợp trên thế gian. Đức Phật muốn xoá bỏ sự phân tầng giai cấp nêu cao tin thần bình đẳng từ một hội chúng rất ít chẳng bao lâu trở nên đông đảo quần chúng tu học, mọi tầng lớp giai cấp tìm đến, hoàn toàn tự do tự nguyện, được xây dựng trên tinh thần bình đẳng không kỳ thị chủng tộc, màu da hay giới tính. Khi nhận một thành viên đức Phật không truy tìm nguồn gốc hay dòng họ, huyết thống. Điều kiện duy nhất là người ấy phải chấp nhận sống một cuộc đời phạm hạnh cầu con đường tự do bình đẳng diệt mọi sự khổ vui, không có một sự phân biệt nào cả. Để đạt được tin thần bình đẳng đức Phật dạy chúng ta phải luôn tu tập Giới Định Tuệ, quán chiếu Ngũ Uẩn và thực hành Thất Giác Chi. Bên cạnh đó, Ngài luôn đề cập đến tinh thần hoà hợp thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội đầy phức tạp sự tranh đua của nền khoa học phát triển. Con người chạy theo những danh lợi địa vị giai cấp mà đã bỏ quên những người bần cùng trong xã hội. Nhờ vậy mà chúng ta dẹp được tâm ngã mạn, tranh chấp hơn thua phải quấy trong cuộc đời trong mỗi con người phải tự ý thức xây một cuộc sống tự do bình đẳng.
Lê Thị Thúy Vy (Chúc Hòa)
Học viên Cao học Khóa III Học viện PGVN tại Tp.HCM
-----------------------------------
THƯ MỤC THAM KHẢO
- Thích Thiện Siêu, Đại cương Luận Câu Xá, 3. Phẩm phân biệt Thế Gian, Tôn Giáo, Hà Nội, 2006.
- Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ - 2013, 15. Kinh Đại Duyên, Tôn Giáo, Hà Nội, 2013.
- Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2, 135. Tiểu Kinh Nghiệp Phân Biệt, Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
- Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, Tư Tưởng Số 3, Đức Phật & Vấn Đề Cải Tiến Xã Hội,
- Thích Trí Quảng, Những Bài Giảng Về Hoằng Pháp Và Trụ Trì, Hoằng Pháp Ở Thế Kỷ 21( Thuyết giảng ngày 20 - 24 tháng 6 năm 2007), Tôn Giáo, Hà Nội, 2002.
[1] Thích Thiện Siêu, “Đại cương Luận Câu Xá, 3. Phẩm phân biệt Thế Gian”, Tôn Giáo, Hà Nội, 2006, tr. 326.
[2] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trường Bộ - 2013, 15. Kinh Đại Duyên”, Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, tr. 269.
[3] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ 2, 135. Tiểu Kinh Nghiệp Phân Biệt”, Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 543.
[4] Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, “Tư Tưởng Số 3, Đức Phật & Vấn Đề Cải Tiến Xã Hội”, 1971, tr. 10.
[5] Thích Trí Quảng, “Những Bài Giảng Về Hoằng Pháp Và Trụ Trì, Hoằng Pháp Ở Thế Kỷ 21( Thuyết giảng ngày 20 - 24 tháng 6 năm 2007)”, Tôn Giáo, Hà Nội, 2002, tr. 205.
Bình luận (0)