Lê Mạnh Thát
Khi viên tịch vào ngày 28 tháng 10 năm Bính Ngọ (21/11/1726), thì trước đó hơn 5 tháng lúc nửa đêm ngày 11 tháng 5 (10/6/1726), Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng đã nhận người đệ tử cuối cùng, cho thọ ký tại chùa Long Động ở Yên Tử với pháp danh Như Như, tên đạo Thích Trừng Trừng, hiệu Lân Giác và trao cho một đóa hoa sen, như đức Phật đã làm đối với cao đệ của mình là trưởng lão Ca Diếp. Điều đó có nghĩa để di chúc lại cho vị đệ tử ấy kế thừa làm lãnh đạo dòng thiền Trúc Lâm Lâm Tế do mình sáng lập. Thời điểm xảy ra sự kiện vừa nêu, thiền sư Như Như Trừng Trừng Lân Giác lúc ấy mới 30 tuổi. Thế thiền sư Như Như là ai?
Trả lời câu hỏi này, ta ngày nay may mắn còn sở hữu được một bản chép tay biết dưới tên Cung lục Cứu Sinh Trịnh thánh tổ sự tích. Bản chép tay này gồm cả thảy 7 tờ, mỗi tờ hai trang a và b, mỗi trang có 6 dòng, mỗi dòng có 16 đến 18 chữ, trừ những dòng chép đầu đề có từ 2 đến 7 chữ. Chữ viết chân phương, rõ, dễ đọc. Nội dung nó chứa đựng hai văn bản khác nhau.
Văn bản thứ nhất có nhan đề Cứu Sinh Trịnh thánh tổ sự tích bắt đầu từ trang 1a2-5b3 hẳn đã chép từ một tấm bia và không biết tác giả là ai.
Văn bản thứ hai khởi từ trang 5b4 đến trang 6b7 ghi nhận bằng hai chữ Phụ lục với đầu đề Lê triều Long Đức nhị niên (1733) môn nhân sở soạn hòa thượng thật lục tự. Chữ tự (叙) ở đây có nghĩa là xếp đặt, hay đầu mối, chứ không phải tự (序) là lời tựa. Nhưng, chúng tôi nghi chữ trước là một viết nhầm của chữ sau. Cho nên, đây hẳn là lời tựa cho một văn bản về tiểu sử của thiền sư Như Như viết theo lối thật lục, tức lối ghi việc hằng ngày.
Từ đó, bản tiểu sử này có thể là dài. Do vậy, người chép chỉ chép lời tựa, mà không chép nội dung tiểu sử. Theo lời tựa này, thì bản thật lục đã được 13 đệ tử của thiền sư Như Như cùng nhau ghi lại cuộc đời của thầy mình. Đó là các tỷ kheo Tính Ngạn, tỷ kheo Tính Tuyền, tỷ kheo Tính Uyên, tỷ kheo Tính Hoạt, tỷ kheo Tính Đôn, tỷ kheo Tính Sỹ, tỷ kheo Tính Kiều, tỷ kheo Tính Lục, Hòa thượng Viên Dung, thiền sư Tính Dược, tỷ kheo Tính Nhai, tỷ kheo Tính Hoằng và tỷ kheo Tính Chúc thiền sư, cả thảy là 13 người.
Nếu đem so sánh lời tựa với bản Cứu Sinh Trịnh thánh tổ sự tích, thì chúng cơ bản thống nhất với nhau trên đại thể trừ một chi tiết hết sức lôi cuốn mà chỉ xuất hiện trong bản Cứu Sinh Trịnh thánh tổ sự tích. Đó là trước khi mất thiền sư Như Như đã cho khắc trên đá ở tại chùa Hàm Long một lá bùa trừ trùng tang ( Trùng tang liên táng).
Cả hai văn bản đều được (kính cẩn chép lại vào ngày mồng 1 tháng 9 năm Tân Dậu Khải Định thứ 6 của Hoàng triều), tức là năm 1921 và được mang ký hiệu số 1965 của trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp và đang lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội. Hai văn bản đó có thể nói là những văn bản chi tiết nhất được biết cho tới nay viết về thiền sư Như Như Trừng Trừng. Vì vậy, tôi đề nghị dịch ra đây để mọi người cùng tham khảo:
“Hòa thượng Trịnh, tên húy Như Như thích Trừng Trừng, hiệu là Lân Giác người Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc, họ Trịnh tên Thập là người con thứ 11 của tể tướng Tấn Quang Vương triều Lê. Lúc đầu, người cha đêm nằm mộng thấy một ông già áo xanh đem cho một đồng tử. Ông vui vẻ nhận lấy, người mẹ họ Vũ bèn có mang, thì sinh ra ngài vào giờ Dậu ngày mồng 5 tháng 5 năm Bính Tý Chính Hòa thứ 17 (1696), trán rộng vuông, tướng mạo kỳ vỹ, không giống ai. Năm ngài 7 tuổi, cha mất bèn được Nhân Thánh Vương nuôi dưỡng. Khi lớn lên, mặt mày tráng lệ, khí chất khoáng đạt, bèn giảng đọc Hiếu kinh, càng rành về Kinh thi và Chu dịch. Hoàng đế Hy Tông nghe thế, bèn đem công chúa thứ tư gả cho làm vợ. Hòa thượng thân ở chỗ vinh hoa, mà lòng thì chán tình tục, thường thở dài nói:
‘Một nhà no ấm, ngàn nhà oán
Nữa đời công danh, trăm đời oan
Phù sinh có gì mà mơ tưởng
Áo mão giống như lao tù,
Coi vàng ngọc như gạch ngói
Ngoảnh nhìn cuộc đời thực giống như giấc mộng’.
Do thế, bèn ăn rau mặc áo vải quyết chí đi luôn. Bấy giờ, có Hòa thượng Hương nghe phong cách cao nhã của ngài bèn sinh lòng kính trọng, gữi cho một quyển Hiếu sinh lục. Hòa thượng đọc mới thấy phấn chấn. Chúa thượng cũng vì thế mà hiểu ra. Nhà tuy cao lương, mà bếp thì không có vật gì. Ao thì chỉ trồng sen. Gặp khi cúng quảy, thì đi mua đồ ngoài chợ để thế vào. Hòa thượng lúc chưa xuất gia, đã sáng lập chùa An Quốc ở phường An Xá, lại đúc tượng Minh Không đứng một pho rồi đưa đến chùa Chúc Thánh núi Phả Lại để thờ. Năm Bính Ngọ (1726), ngài quyết định dâng tờ khải để xin xuất gia, lên chùa Long Động núi Yên Tử đảnh lễ hòa thượng Chân Nguyên Tuệ Đăng Chánh Giác cầu xin Hòa thượng tế độ.
Hai hòa thượng nói chuyện với nhau đốn ngộ tâm kinh. Hòa thượng Chân Nguyên đánh giá cao bèn chọn nửa đêm ngày 11 tháng 5 để thọ ký đặt pháp danh Như Như, đem hết tám chữ mở toang, cùng trao hoa sem một đóa. Mới thấm sữa pháp bèn cảm ngọt sâu. Thế mà, đã bái biệt để về kinh quì xuống dâng tờ khải nói căn nguyên xin gọt tóc. Chúa thượng chưa có ý nhận, mà hòa thượng đã cám ơn, rồi bẻ đai treo mũ gọt tóc mặc áo nhà tu. Chúa thượng rất giận nổi trận lôi đình. Hòa thượng vẫn một niềm hoan hỷ. Phu nhân của tể tướng nói ‘đó là vì theo đạo để tu thân vô ý làm vua đại nộ ta thật cũng lo sợ cho’. Hòa thượng đáp: ‘đứa cháu ngọng ngịu suốt đời chí ở chuyện quên mình. Cho nên, coi sống chết của thân này như cởi chiếc giày rách. Đã thế, chúa thượng lại sai quan đưa về dinh. Hòa thượng lại dâng tờ khải xin từ bỏ quân doanh, với bỗng lộc của dân. Chúa thượng nhận tờ khải, ban cho mỗi năm Đông Hạ tiền 300 quan hơn, gạo 700 bát để dùng cho việc ăn uống. Hòa thượng cảm tạ tự nghĩ mình không có công lao, mà lại hưởng được nhiều may mắn bèn xin dựng chùa ở tại chính dinh của mình. Bấy giờ có hoa sen bông mọc ra ứng với điềm tâm Phật, nhân đặt tên là chùa Liên Tông và gọi là viện Ly Trần, bắt đầu diễn dịch xuất gia 10 giới để làm dứt chuyện ác, gầy dựng lòng từ bi. Tiếp đến lại dịch tại gia 5 giới để làm rõ đạo thường nhân nghĩa lễ trí tín. Tìm hiểu giáo pháp không gì hơn là mong ngóng.
Mùa an cư năm Mậu Thân (1728) bèn xây mặt về hướng Tây chú sinh mười nguyện, lấy máu viết ra để trì tụng hứa hẹn sự hóa độ thành công thành vị Bồ tát cứu sinh. Người đương thời nghe tiếng không ai là không tôn kính. Đệ tử ngày càng đông lên. Ngài lại đến chùa Vạn Phúc núi Phật Tích Tiên Du, được áo ca sa của tổ sư, nhân thế dựng nhà bên chùa ở dưới núi để nhờ phước đức được sống lâu. Vùng đất đó hợp với quẻ Khiêm nên đặt tên là am Qui Khiêm viết một bài tóm tắt thế này:
‘Ta yêu cái gì, yêu sự khiêm tốn ở chốn sâu sắc chính là am này đây! Chính là ý vị này, chính là địa sơn khiêm. Hòa thượng chỉ lấy kim cang làm tâm nên đã để lại cái thể bất hoại. Ngày Rằm tháng 2 năm Nhâm Tý Long Đức thứ nhất (1732), Hòa thượng từ Phật Tích trở về ngồi ngay thẳng xoay mặt về hướng Tây, hơi nghiêng về phía phải mà mất. Môn đồ dâng tờ khải lên chúa thượng. Chúa thượng thương ban cho phép phụng thờ, lại được Thái phi ra tiền cho từ mẫu và môn đồ dựng tháp thờ xá lợi ở tại hai chùa Liên Tông và Hàm Long (muốn rõ xem Biệt lục). Năm đó, ngày 5 tháng 5 được chúa thượng sắc ban là Cao Thiền Viên Giác Hòa Thượng. Nay, chùa Hàm Long có tháp đá khắc bản chú cứu sinh lưu truyền ( tục gọi là bùa trừ trùng tang rất có linhh nghiệm), xa gần dâng hương mãi mãi không dứt. Công tổ như thế dấu thiêng không mờ nay nhân trùng tu chùa viết gọn chép vào đá để mãi truyền”.
Đọc qua bản tiểu sử này từ rất sớm người ta thống nhất đánh giá đóng góp to lớn của thiền sư Như Như cho công tác Luật học, tức dịch văn bản mười giới cho người xuất gia và năm giới cho người tại gia. Trong lời tựa cho Sa di quốc âm thập giới thiền sư Như Như viết vào ngày Rằm tháng Tân Sửu năm Bính Ngọ Bảo Thái thứ 7, tức ngày mồng 6 tháng Giêng năm 1727 đã nói thế này:
“Như Như thấy trong Luật tạng, giới pháp cẩn nghiêm, từng thấy chúng tăng thọ trì thất thố. Hoặc có kẻ trường trai thế phát, mà thọ năm giới phẩm tại gia, khiến cho kẻ tại thế tục gia thì chẳng có giới phẩm mà thọ. Hằng thấy thau vàng hỗn tạp, nhơn chưng ngọc ít đá nhiều chẳng thuyết kẻ có biết mà chẳng tu, khá thương kẻ có tu mà thầy hỗ thầy chẳng truyền, mệnh nột mệnh chẳng biết. Vậy, Như Như thể lòng từ mẫn gác để chẳng đành, nhơn cứ trong luật tạng mười giới xuất gia, ngụ tiếng Quốc âm, mở đường thuận tiện. Tuy chẳng ích tới kẻ cao nhân đại sĩ, song cũng lợi cho người nhập học tiểu tăng. Nhẫn có ai nhân đó mà nên, thì Như Như vun cội Bồ đề, treo đài minh kính cũng là công vậy”, như bản in Xuất gia sa di Quốc âm thập giới tạng bản tại chùa Vĩnh Phúc, huyện Thượng Phúc thuộc thủ đô Hà Nội ngày nay đã có qua các hình ảnh tư liệu:
Thi hào Nguyễn Du khi viết truyện Kiều đã ghi nhận Kiều xuất gia với mô tả “Tam Qui ngũ giới cho nàng xuất gia”.
Ghi nhận này sau năm 1954 khi đất nước chia đôi, trên các báo chí miền Nam một số Phật tử đã lên tiếng phê phán cho rằng Nguyễn Du với tư cách một nhà Nho không am hiểu Phật giáo nói chung, giới luật Phật giáo nói riêng, nên mới có những câu thơ như thế. Bây giờ, nhờ phát hiện Xuất gia Sa di Quốc âm thập giới do Lân Giác Sa di Như Như Trừng Trừng phiên dịch, ta mới biết Phật giáo Việt Nam có hệ thống giới luật riêng không rập khuôn theo bất cứ nước nào nên mới có tình trạng “Hoặc có kẻ trường trai thế phát, mà thọ năm giới phẩm tại gia, khiến cho kẻ tại thế tục gia thì chẳng có giới phẩm mà thọ”.
Từ đó, người Phật tử Việt Nam tự gọi mình là Lương và từ này rất phổ biến cho đến đầu thế kỷ XX. Do vậy, khi viết Mọi Kontum từ những năm 1933 và xuất bản lần đầu năm 1937 tại Huế, Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi đã viết: ‘“Ở giữa thành phố dân đạo cất hai cái nhà thờ đẹp đẽ và lộng lẫy, hiện đang xây một tòa nhà lớn làm dinh của đức Giám mục. Người lương cũng mới cất một ngôi chùa kiểu cách rất ngộ nghĩnh gọi là chùa ‘bác ái’. Có lẽ là ngôi chùa Annam thứ nhất ở phía Tây dãy Trường Sơn”’[1]. Đến năm 1945, khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh cũng ra lời kêu gọi “Lương giáo đoàn kết”. Phật giáo vào Việt Nam, người Việt Nam đã hình thành nên một nền Phật giáo của riêng mình và những người Phật tử Việt Nam hình thành lên một cách gọi về bản thân mình là những người lương, tức những người lương thiện. Những ai lương thiện thì đều có thể tự nhận mình là Phật giáo. Chính vì thế mới có chuyện “Lương giáo đoàn kết”, mới có chuyện người lương “cũng mới cất một ngôi chùa”.
Do thế, dù thiền sư Như Như muốn dành tam qui và ngũ giới cho những người “tại thế tục gia” vào những năm 1726. Vậy mà, gần 80 năm sau khi viết Kiều, Nguyễn Du vẫn nói “tam qui ngũ giới cho nàng xuất gia”. Nguyễn Du là người đã đọc kinh Kim Cang ngàn lần lẻ “Ngã độc Kim Cương thiên biến linh”. Ngay cả những người xuất gia hiện nay không biết có ai đã đọc kinh Kim Cương đến nhiều như thế chăng? Và thơ văn Nguyễn Du bàng bạc những lời xác định Nguyễn Du là một người thực hành Phật giáo, một thiền sư:
Mãn cảnh giai không hà hữu tướng
Thử tâm thường định bất ly thiền
Tấm lòng Nguyễn Du đúng theo truyền thống dân tộc, mênh mông đầy thương cảm đối với khổ đau của con người sống cũng như chết và phải nhờ đến lòng thương của đức Phật từ bi
Kiếp phù sinh như hình bào ảnh
Có chữ rằng vạn cảnh giai không
Ai ơi lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi…
Phật hữu tình từ bi phổ độ
Chớ ngại rằng có có không không…
Bên cạnh mối quan tâm về giới luật này trong lịch sử Phật giáo dân tộc, thiền sư Như Như đặc biệt có một mối quan tâm về Triết học Phật giáo. Ông đã viết Phật tâm luận và Bát nhã ba la mật đa tâm kinh chú giải hội biên. Đây là hai tác phẩm mà thiền sư Như Trừng đã dành tâm huyết bàn về triết học nói chung và triết học Phật giáo nói riêng có những đóng góp to lớn cho việc nghiên cứu lịch sử và tư tưởng triết học Việt Nam. Thế kỷ XX, chúng ta có một triết gia mà thế giới gọi là triết gia Đông Dương “Phylosophe Indochinoise” đó chính là Giáo sư triết gia Trần Đức Thảo. Thiền sư Như Trừng đã bàn về tâm và tâm Phật, tức tâm giác ngộ là cái gì trong Phật tâm luận. Bản khắc gỗ của tác phẩm này hiện còn nguyên vẹn tại chùa Từ Ân núi Bổ Đà ở Bắc Giang bắt đầu khắc từ năm Tự Đức Ất Mão (1855) đến năm Tự Đức 34 (1881) mới hoàn thành. Đồng thời khi bàn về tâm và tâm giác ngộ, thiền sư Như Trừng đã trích một số tác gia Việt Nam từ Thiền uyển tập anh như Ngộ Ấn (1020-1088), Cứu Chỉ, thiền sư Bảo Giám (?-1173), Trừng Nguyên (1110-1165) và Tỳ ni đa lưu chi (?-594)[2]. Không những thế, thiền sư còn trích dẫn một số tác gia đời Trần như Tuệ Trung thượng sĩ Trần Quốc Tung (1230-1291), vua Trần Nhân Tông…v.v. đóng góp thêm một số bài thơ mới cho các tác gia này.
Trong Bát nhã ba la mật đa tâm kinh chú giải hội biên tờ 2a5-3a1, thiền sư Như Như đã bàn Bát nhã là gì? Trí tuệ giác ngộ thể hiện như thế nào trong đời sống? Sau khi tập hợp nhiều cách lý giải khác nhau của những bậc tiền bối ở Ấn Độ cũng như Trung Quốc, chủ yếu gồm sáu nhà là Đại Điên, Vô Cấu, Hám Sơn, La Phù, Hoàng Minh và Huệ Thắng, thiền sư đã đưa ra quan điểm của mình với câu viết: “Tiếng Phạn Bát nhã (Prajñā) đây dịch là trí tuệ. Người ngu si không thấy được bản tính mình, tạo tác những việc thô ác, dùng sự không trí tuệ thì sống phạm phải phép vua, chết đọa xuống A tỳ. Nếu có thể chuyển ngu thành trí làm việc trở nên thông minh, đầy đủ phước đức lớn biết nhanh hiệu quả, khiến người ta cung kính, không còn chịu nghèo khổ. Nếu có người nghĩ đến những việc tội ác mình đã làm trước đây, suốt ngày mờ mịt không biết không hay, ngu si điên đảo, bỗng nhiên tự tỉnh ra, mỗi niệm nhớ đến chuyện sống chết, cuối cùng sẽ đi về đâu nên có sự đau lo lớn, khổ yêu thương thì xa lìa, tìm cầu thì không được, đuổi theo cũng không được, mênh mông u tối đường trước hắc ám, hồn linh tán loạn, không có nhà để trở về, dựa cỏ nương cây, đói khát khổ não, thân bà con không thấy, bồn chồn xao xác, khổ cực lo buồn, hoặc ở địa ngục một ngày một đêm, ngàn chết vạn sống, hoặc đọa súc sinh, chịu mãi khốn khổ, không ai cứu giúp, mãi kiếp chịu khổ. Bỗng một hôm có thể tự biết ra, ngày đêm phản tỉnh từ vô số kiếp như bụi trần đến nay, trước gieo giống khổ. Bây giờ chỉ nhớ đến vô thường gần gũi bạn lành mở được trí tuệ lớn, thấy bản tính của chính mình nhân giác ngộ tính vô sinh chống lại những ngu si thuở trước, trí tuệ phước đức đều qui về trống vắng, thần thông diệu dụng, gầy dựng sản nghiệp, cùng đời nói năng, cùng về Bát nhã, chuyển phàm thành Thánh, tự biết làm Phật, tâm ấy là Phật, sinh về nước cực lạc, mọi niệm đều từ bi, thường về Bát nhã…”. Bản Bát nhã ba la mật đa tâm kinh chú giải hội biên là do các đệ tử của chính thiền sư như Tính Dược đứng in vào năm Cảnh Hưng Giáp Tý (1744) và tạng bản tại chùa Liên Tông với lời đề tựa của Hải Đệ Thích Đường Đường.
Bên cạnh những quan tâm về tư tưởng và triết học Phật giáo như vừa nêu, thiền sư Như Như còn có những đóng góp cho nền lễ nhạc Phật giáo Việt Nam. Thiền sư đã sáng tác một số tác phẩm như Tạ quá nghi… Thiền sư cũng đề tựa cho việc in lại một số kinh như Dược sư… và đặc biệt là khắc bản Cứu sinh chú, mà người bình dân thường gọi là bùa trừ trùng tang liên táng. Ngoài ra, thiền sư Như Như cũng có một quan tâm đặc biệt đối với thiền sư Minh Không, mà ông cho đúc tượng thiền sư Minh Không đứng đưa về thờ tại chùa Chúc Thánh núi Phả Lại. tất nhiên, thiền sư rất nhớ ơn người thầy đã đưa mình vào đạo. cho nên, đã sáng tác ra một khoa cúng tổ Chân Nguyên Tuệ Đăng hiện còn được bảo lưu. Nói tóm lại, thiền sư Như Như đã có những đóng góp mang ý nghĩa to lớn không chỉ cho lịch sử Phật giáo dân tộc, mà còn cho lịch sử tư tưởng triết học, văn học, lễ nhạc của lịch sử Việt Nam.
Lê Mạnh Thát ***[1] Nguyễn Kinh Chi & Nguyễn Đổng Chi, Người Ba Na ở Kontum, Hà Nội, Nxb Tri Thức, 2011, tr.153. [2] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Hà Nội:, Nxb Hồng Đức, 2021, tr11.
Bình luận (0)