Nhóm sinh viên Nguyễn Hải Anh - Nguyễn Mai Chi - Trịnh Thu Hoài - Bùi Thị Ngọc Linh - Nguyễn Thị Trang Linh - Đỗ Thị Thu Trang -Võ Thu Trang Khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại – Học viện Ngoại giao
TÓM TẮT: Trong những năm gần đây, với sự hiện diện rộng khắp và tầm quan trọng đặc biệt trong việc định hình bản sắc của nhiều quốc gia châu Á, Phật giáo trở thành một phương thức ngoại giao giúp Việt Nam kết nối với các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) với lịch sử thống nhất vẻ vang, đã có những đóng góp to lớn cho việc phát triển đất nước và cống hiến cho nền ngoại giao nước nhà. Để phát huy những mặt tích cực trong hoạt động giao lưu đối ngoại của GHPGVN, bài báo đưa ra một số những giải pháp để khắc phục hạn chế còn thiếu sót và đề xuất khuyến nghị nhằm phát huy vai trò to lớn của GHPGVN trong công tác đối ngoại tôn giáo nói riêng và ngoại giao của đất nước nói chung.
Từ khóa: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đối ngoại Phật Giáo, Ngoại giao Phật giáo Việt Nam, Ngoại giao văn hóa.
ĐẶT VẤN ĐỀ:
“Đạo pháp – dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”1 là phương châm được GHPGVN lựa chọn ngay từ những ngày thành lập và phát triển. Do vậy, tại Việt Nam, Phật giáo được coi là tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trên mọi lĩnh vực, trong đó bao gồm cả các hoạt động đối ngoại. Qua 41 năm phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong việc hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ với các quốc gia và nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của nhà nước cũng như cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, các hoạt động đối ngoại tôn giáo do tổ chức này thực hiện mới chỉ dừng lại ở việc nhận được sự khuyến khích và ủng hộ của nhà nước hay dựa trên các chỉ đạo về tôn giáo nói chung. Các đề xuất được đưa ra hướng tới hiện thực hóa mục tiêu của Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhằm “Mở rộng hoạt động đối ngoại đa phương theo định hướng ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới. Kết nối chặt chẽ với các Chi Hội Phật tử ở nước ngoài”2; đồng thời góp phần phần tạo điều kiện thuận lợi cho “Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030” của nhà nước ta.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Để tiếp cận vấn đề, bài báo dựa trên phương pháp phân tích – tổng hợp nhằm phân tích, đánh giá giúp chúng ta nhìn nhận về hoạt động ngoại giao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời có cái nhìn tổng quan về vai trò của Tổ chức, từ đó, đưa ra các khuyến nghị và đề xuất về hoạt động ngoại giao Phật giáo nhằm phát huy vai trò của GHPGVN. Phương pháp thu thập số liệu thứ cấp được nhóm tác giả sử dụng nhằm thu thập dữ liệu, thông tin có sẵn trên internet, từ các nguồn tham khảo về hoạt động đối ngoại của GHPGVN, từ đó làm tăng tính thuyết phục cho vấn đề được đề cập.
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
1. Thực trạng
1.1. Giới thiệu GHPGVN và vai trò đối với ngoại giao Việt Nam
GHPGVN là tổ chức Phật giáo đại diện tăng, ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, là thành viên các tổ chức Phật giáo Quốc tế mà Giáo hội tham gia và là thành viên của MTTQ Việt Nam. Giáo hội được thành lập sau Hội nghị thống nhất PGVN tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, được triệu tập bởi Ban Vận động Thống nhất PGVN vào ngày 7/11/1981 nhằm thống nhất tất cả sinh hoạt Phật giáo của tăng ni, phật tử Việt Nam.
Pháp chủ của GHPGVN hiện nay là Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng. Ngoài Văn phòng Trung ương Giáo hội đặt tại Chùa Quán Sứ thì Văn phòng Thường trực của Giáo hội tại Tp.HCM đặt tại Thiền viện Quảng Đức.
Trong quá trình phát triển, Phật giáo với tư cách là một tôn giáo, đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Tại Lời nói đầu của Hiến chương, GHPGVN đã khẳng định: Sự thống nhất PGVN đặt trên nguyên tắc: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, tuy nhiên, các truyền thống hệ phái và phương tiện tu hành đúng chính pháp vẫn được duy trì”, và xác định “Phương châm hoạt động của GHPGVN là: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, “GHPGVN là tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho tăng, ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước”. Hiến chương GHPGVN đã khẳng định: “Mục đích của GHPGVN là điều hoà, hợp nhất các tổ chức, hệ phái PGVN cả nước để hộ trì hoằng dương phật pháp và tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hoà bình, an lạc cho thế giới”.3
1.2. Những hoạt động của GHPGVN đối với nền ngoại giao nước nhà
1.2.1 Trong quan hệ đối ngoại với các quốc gia
Trong hoạt động ngoại giao quốc gia, GHPGVN đã cử nhiều vị chức sắc tham gia Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ban Lãnh đạo các tổ chức hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân một số nước, tiêu biểu như Hội hữu nghị Việt Nam – Lào, Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia, . ..
Ngoài ra, GHPGVN cũng đã phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và nhiều hội thành viên ở T.Ư cùng địa phương tiếp đón các tăng đoàn Phật giáo quốc tế đến tham gia các chương trình giới thiệu văn hóa phật giáo Việt Nam và các nước như: Trưng bày hình ảnh về di sản Phật giáo tại Ấn Độ và một số nước châu Á khác tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo.
Trong công tác từ thiện và an sinh xã hội, GHPGVN đã thể hiện vai trò quan trọng khi tích cực đồng hành cùng với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, các Hội hữu nghị tại nhiều tỉnh, thành phố hưởng ứng và tham gia các hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của những người có hoàn cảnh khó khăn như khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, thăm hỏi tặng quà, tài trợ xây dựng nhà tình thương ở các chùa Khmer, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, giúp đỡ các đối tượng chính sách, nạn nhân chất độc da cam là người dân tộc thiểu số…
Trong lĩnh vực báo chí truyền thông, GHPGVN đã tăng cường phối hợp với một số đơn vị báo chí sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông như Tạp chí Nghiên cứu Phật học; Truyền hình An Viên; Kênh “Phật sự online” và các ấn phẩm báo chí khác nhằm triển khai công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, phổ biến sâu rộng thông tin về những vấn đề đối ngoại nhân dân.
1.2.2. Trong các hoạt động hội nhập quốc tế
Phát huy truyền thống đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, ngay từ khi thành lập, GHPGVN luôn tích cực, chủ động trong công tác hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ quốc tế đối với các tổ chức Phật giáo trên thế giới.
Trong hơn 41 năm qua, GHPGVN đã làm tốt vai trò quan hệ Phật giáo quốc tế của mình và tích cực thể hiện tư cách là thành viên sáng lập và thành viên nòng cốt của các tổ chức Phật giáo trên thế giới. Cụ thể, giáo hội đã trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế như Hội Phật giáo Châu Á vì Hòa Bình (ABCP), Hội Đệ tử Như Lai Tối thượng (Sri Lanka), Hội Phật giáo Thế giới Truyền bá Chánh pháp, Thành viên sáng lập Liên minh Phật giáo Thế giới (Ấn Độ), Thành viên Hội Sakyadhita Thế giới cũng như lãnh đạo Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp và châu Âu.
Công tác hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo Phật học từ lâu cũng được GHPGVN chú trọng. Có thể lấy ví dụ như học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố
Hồ Chí Minh đã ký hợp tác giáo dục với 11 trường Ðại học ở các nước có truyền thống Phật giáo, như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ,.. GHPGVN cũng luôn chủ động tăng cường mở rộng mối quan hệ thân hữu, hợp tác trao đổi kinh nghiệm tu tập giữa phật tử Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN và các quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Uỷ viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa T.Ư Giáo hội cho biết: “GHPGVN đã đặc biệt chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực bằng việc đưa nhiều tăng, ni ra nước ngoài học tập nghiên cứu và đào tạo. Hàng trăm tăng, ni đã hoàn thành chương trình thạc sĩ và tiến sĩ về nước đảm đương các công tác phật sự”.
Một trong những thành tựu nổi bật phải kể đến trong hội nhập quốc tế là Giáo hội đã tổ chức thành công ba kỳ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc tại Việt Nam. Qua các kỳ Vesak rất thành công, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị thế của GHPGVN trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam, cũng như sự chủ động, năng lực hội nhập quốc tế của Giáo hội. Điều này cũng góp phần khẳng định, Việt Nam luôn là thành viên tích cực của Liên hợp quốc, quảng bá truyền thống văn hóa, hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
2. Đánh giá
2.1. Thành tựu
Thứ nhất, từ chỗ chỉ tham gia các hoạt động giao lưu Phật giáo quốc tế dựa trên lời đề nghị của các quốc gia, tổ chức, GHPGVN đã tham gia sáng lập một số tổ chức như Hội Liên hữu Phật giáo thế giới, Liên minh Phật giáo toàn cầu,…và hoạt động rất tích cực. Thêm vào đó, trong các hội nghị, hội thảo về Phật giáo hay đối ngoại tôn giáo, Giáo hội cũng chủ động đưa ra các quan điểm và giải pháp theo góc nhìn của Phật giáo để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Điều này góp phần khẳng định vị trí và tiếng nói của GHPGVN với vai trò là tổ chức duy nhất, đại diện cho tăng, ni, phật tử Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ hai, không chỉ dừng lại ở việc tham gia các hoạt động quốc tế với tư cách là thành viên hay khách mời, GHPGVN đã đứng ra tổ chức thành công sự kiện mang tầm cỡ quốc tế như Đại lễ Vesak trong năm 2014 và 2019. Dành lời khen cho những nỗ lực và sự tận tâm trong công tác tổ chức của GHPGVN, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak nhận định rằng “Việt Nam đã đặt ra tiêu chuẩn ngày một cao hơn cho Đại lễ Vesak”4.
Thứ ba, GHPGVN đã trở thành cầu nối văn hóa, góp phần quảng bá các nét văn hóa truyền thống của dân tộc tới bạn bè quốc tế thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, đối ngoại nhân dân hay các chuyến thăm của các vị nguyên thủ quốc gia tới Việt Nam. Không chỉ vậy, GHPGVN cũng trở thành sợi dây gắn kết giữa kiều bào với dân tộc. Tính đến tháng 4/2022, chúng ta đã có các Hội Phật tử và Trung tâm văn hóa Phật giáo dành cho cộng đồng người Việt tại 33 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thứ tư, với vai trò là tổ chức duy nhất đại diện cho PGVN trên mọi lĩnh vực cả trong nước và nước ngoài, GHPGVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng hình ảnh một Việt Nam thân thiện, mến khách và giàu lòng từ bi, luôn sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia trong hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và ứng phó với các biến cố, thảm họa tự nhiên.
2.2. Hạn chế
Thứ nhất, du nhập văn hóa và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đặt ra thách thức trong việc giáo dục các tăng ni, phật tử trước nguy cơ phá vỡ các quy chuẩn đạo đức và nền tảng văn hóa vốn có của Phật giáo nói riêng và dân tộc nói chung. Thực tế cho thấy, trên mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh chứa các hành vi không phù hợp của phật tử gây ra dư luận đa chiều, thậm chí là nhận về nhiều bình luận tiêu cực. Chẳng hạn, năm 2014, sự việc sư trụ trì tại Cương Xá, Hải Dương khoe khoang hình ảnh đập hộp iPhone 6 hay chiếc điện thoại Vertu đắt đỏ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh về nếp sống tu hành của tăng sĩ trong công chúng. Nếu như nội bộ còn chưa vững mạnh thì GHPGVN khó có thể mang các nét đặc trưng, khẳng định được vị thế, vai trò của tổ chức đối với quốc gia – dân tộc và cả trên bình diện quốc tế.
Thứ hai, dù là một trong những trọng tâm chiến lược nhưng công tác quảng bá văn hóa PGVN ra nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Do nhiều nguyên nhân sâu xa, các bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung và đặc trưng PGVN nói riêng đã có phần trở nên mờ nhạt khi đặt trong không gian hội nhập quốc tế sâu rộng, chẳng hạn như thế hệ thứ 2, thứ 3 của kiều bào không biết tiếng Việt. Bên cạnh đó, tiềm lực giàu có từ các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các phật tử luôn hướng về cội nguồn, vẫn chưa được phát huy sâu rộng, mạnh mẽ.
Thứ ba, công tác truyền thông đối ngoại Phật giáo của GHPGVN chưa thực sự phát triển. Dù đã tích cực, chủ động tham gia nhiều hoạt động đối ngoại về Phật giáo và có các chương trình thành công rực rỡ nhưng cả trang website chính thức của GHPGVN và Cổng thông tin Phật giáo trực thuộc đều chưa thể hiện được “tính quốc tế” của mình. Hiện nay, toàn bộ các bài viết được đăng tải về các hoạt động của tổ chức này đều mới có bản tiếng Việt, gây ra những hạn chế cho việc tiếp cận thông tin của công chúng quốc tế cũng như việc lan tỏa rộng rãi thông điệp của GHPGVN.
KHUYẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT
1. Đề xuất chính sách Ngoại giao PGVN
Hiện nay, các hoạt động đối ngoại tôn giáo của GHPGVN mới chỉ dừng lại ở việc nhận được sự khuyến khích và ủng hộ của nhà nước hay dựa trên các chỉ đạo về tôn giáo nói chung. Do đó, để phát huy vai trò to lớn của GHPGVN trong công tác đối ngoại tôn giáo nói riêng và ngoại giao quốc gia nói chung, nhóm chúng tôi xin đề xuất Chính sách Ngoại giao PGVN. Một số những nhiệm vụ trong chính sách Ngoại giao Phật giáo có thể kể đến như sau:
Thứ nhất, khôi phục và truyền bá các giá trị Phật giáo. Phật giáo ngày càng trở nên phổ biến với hình ảnh là một tôn giáo hòa bình. Thực tế đã chứng minh nó trở thành một công cụ hữu ích của quyền lực mềm mà một số nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc …đã triệt để sử dụng trong chính sách đối ngoại của họ. Nguyên tắc nói không với bạo lực là nguyên tắc chủ đạo của Phật giáo, điều này giúp cho Phật giáo trở thành một nguồn lực mạnh mẽ của quyền lực mềm trong thời kỳ hiện nay bởi nó đem hình ảnh của một đất nước yêu chuộng hòa bình đến với thế giới, đặc biệt là Việt Nam.
Thứ hai, tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước, tổ chức các diễn đàn, hội nghị Phật giáo. Trên thực tế, trong những năm vừa qua, trong điều kiện trong điều kiện phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động giao lưu quốc tế do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, GHPGVN đã phát huy tối đa vai trò trong việc mở rộng quan hệ với các nước thông qua việc tích cực mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế, đã tham gia sáng lập và là thành viên nòng cốt trong các cơ chế đa phương, song phương của Phật giáo thế giới5. Đây là một trong những nhiệm vụ chủ chốt và cần được tiếp tục phát huy của GHPGVN.
Thứ ba, thực hiện các chuyến công du chính thức nước ngoài. Trong những năm qua, GHPGVN đã tiếp đón nhiều đoàn Phật giáo các nước đến thăm hữu nghị và giao lưu với Giáo hội, các Học viện Phật giáo Việt Nam và cơ sở tự viện, cũng như Giáo hội đón tiếp nhiều vị nguyên thủ, lãnh đạo các nước đến thăm. Xét thấy, GHPGVN nên chủ động thực hiện các công du chính thức nước ngoài, một mặt để trao đổi các vấn đề liên quan đến Phật giáo, cũng như tăng cường quan hệ hợp tác với các nước láng giềng và trên thế giới.
GHPGVN đã và đang làm rất tốt vai trò và nhiệm vụ của mình trong các hoạt động mở rộng quan hệ đối ngoại Việt Nam. Do đó, nếu có một văn bản, chính sách Ngoại giao Phật Giáo cụ thể, chắc chắn Giáo hội sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong giao lưu đối ngoại Phật giáo nói riêng và quan hệ quốc tế của Việt Nam nói chung.
2. Giải pháp truyền thông
Truyền thông Phật giáo là một trong những phương tiện để thực hiện công cuộc hoằng pháp lợi sinh. Đặc biệt khi sức mạnh truyền thông đang trở thành một lực lượng vật chất quan trọng, có khả năng tạo nên những ảnh hưởng nhất định trong xã hội, thì vai trò của truyền thông Phật giáo ngày càng được chú trọng. Truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đem đạo vào đời, thực tâm nguyện của đức Phật, giáo lý nhà Phật được đông đảo tín chúng thực hành, hướng thượng, hướng thiện, nếm trải pháp vị. Để đạt được mục tiêu đem đạo vào đời, Đảng và Nhà nước, đặc biệt GHPGVN cần chú trọng những nhiệm vụ sau:
Truyền thông Phật giáo cần được nêu cao vai trò như một kênh Hoằng pháp. Hiện nay, hệ thống truyền thông Phật giáo ở nước ta có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc truyền bá tư tưởng đạo Phật đến với công chúng. Có thể kể đến kênh Truyền hình An Viên, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Cổng thông tin Phật giáo, Báo Giác ngộ6,… Các website, trang tin điện tử cùng hệ thống ấn phẩm băng đĩa đồ sộ được xuất bản có nội dung phong phú và hình thức đa dạng. Trên các trang báo điện tử Phật giáo đều có đề mục kinh, luật, luận. Mỗi trang đều có những tựa kinh khác nhau, thậm chí có phần lý giải kinh, luật, luận giúp cho tín đồ Phật giáo dễ hiểu hơn điển hình như trang Báo điện tử Giác ngộ, các đơn vị nội dung về lịch sử Phật giáo, hệ thống các quy tắc, lễ nghi, ý nghĩa của việc tu hành đều được sắp xếp rất khoa học, hợp lý.
GHPGVN cần đa dạng hóa ngôn ngữ trên các kênh truyền hình, website, trang tin điện tử cùng hệ thống ấn phẩm băng đĩa, chú trọng đẩy mạnh phần dịch Tiếng Anh để bạn bè Quốc tế có cơ hội lĩnh hội, tiếp thu, giao lưu với hệ thống niềm tin, giáo lý của Phật giáo nước ta. Vì thực tế các website Phật giáo của nước ta có giao diện đẹp, hình ảnh phù hợp nhưng vẫn còn hạn chế về mặt đa ngôn ngữ, dẫn đến hiệu quả truyền tải Phật giáo đến bạn bè quốc tế chưa cao. Dưới đây là hình ảnh về Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
GHPGVN nói chung và mỗi người dân nói riêng cần chung tay đấu tranh với những thông tin sai lệch về Phật giáo và cộng đồng Phật giáo để đáp ứng được yêu cầu về: Đạo pháp – Dân tộc.
Bên cạnh đó truyền thông về Phật giáo cần đặt yếu tố trung thực lên hàng đầu. Ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các cán bộ tuyên truyền: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe”7. Mỗi bài viết của nhà báo phải đúng sự thật, tức là phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc. Sứ mạng của truyền thông Phật giáo là mang đến cho công chúng những thông điệp về niềm tin và thực hành theo giáo lý Phật giáo, giá trị của Phật giáo, cũng như thông tin về cộng đồng Phật giáo.
Ngoài ra, GHPGVN cần đẩy mạnh các loại hình truyền thông Phật giáo khác nhau: Kênh truyền hình Phật giáo, Youtube, Zalo, Facebook, mạng xã hội Lotus (phiên bản Facebook Phật giáo Việt Nam), trang online, thư viện số, báo giấy, báo điện tử… Ngoài ra còn các trang cá nhân, chùa, các đạo tràng của người xuất gia cũng như tại gia tham gia vào công tác truyền thông.
3. Thúc đẩy ngoại giao văn hoá, ngoại giao nhân dân gắn liền với hoạt động đối ngoại của GHPGVN.
Thứ nhất, có thể khẳng định rằng Văn hóa PGVN và văn hóa Việt Nam như là một thực thể tinh thần khó có thể tách rời, bởi vậy hoạt động ngoại giao văn hoá luôn phải được đi đôi cùng với hoạt động đối ngoại của GHPGVN. Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, để làm hoạt động đối ngoại Phật giáo nước ta trở nên riêng biệt, đậm đà bản sắc dân tộc và không bị lẫn với các chủ thể khác thì điều cần thiết là phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu có định hướng, khẳng định và làm nổi bật tinh hoa, bản sắc của PGVN đồng thời cần phải chú trọng hơn đến việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa PGVN đảm bảo có sự tiếp nối giữa truyền thống với hiện đại, ứng phó linh hoạt với bối cảnh mới, thay đổi những điều không còn phù hợp, làm cho văn hóa Phật giáo vừa là một nét văn hoá đẹp, lại vừa là một khía cạnh quan trọng đáp ứng được vai trò và nhiệm vụ ngoại giao văn hóa tâm linh nói riêng, đóng góp cho ngoại giao Việt Nam nói chung trong thời kỳ mới.8
Thứ hai, hiện nay, GHPGVN có các Hội Phật tử, Trung tâm văn hóa Phật giáo của cộng đồng người Việt Nam ở 33 quốc gia và vùng lãnh thổ.9 Đây chính là nguồn lực dồi dào và quan trọng để thúc đẩy hoạt động đối ngoại của GHPGVN bởi họ không chỉ là đại diện cho hình ảnh PGVN tại nước ngoài mà còn là cầu nối đặc biệt giữa Ngoại giao văn hoá tâm linh nước nhà với Ngoại giao văn hoá tâm linh nước ngoài; góp phần quảng bá, phát triển và giới thiệu bản sắc Phật giáo dân tộc với nước sở tại đồng thời hỗ trợ tiếp thu và mang tinh hoa giá trị của văn hoá tâm linh thế giới về với đất nước. Do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thắt chặt mối quan hệ gần gũi và thân thiết với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài bằng một số hoạt động như tổ chức đoàn hoằng pháp thăm hỏi bà con kiều bào, tổ chức Lễ Phật Đản, lễ Vu Lan hay Tết cổ truyền cho Việt kiều tại các trung tâm văn hóa Phật giáo tại nước.10
Thứ ba, như ta đã biết tại Đại hội IX, phương hướng hoạt động phật sự của GHPGVN đã được nêu rõ theo đúng chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhấn mạnh tinh thần sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới, và GHPGVN coi hoạt động đối ngoại của Giáo hội là ngoại giao nhân dân và ngoại giao văn hóa.11 Như vậy, để củng cố hoạt động đối ngoại của GHPGVN thì cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của ngoại giao nhân dân; chủ trương, chủ động hơn nữa trong việc mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác với nhân dân các nước đặc biệt là với các quốc gia có nền Phật giáo phát triển như Thái Lan, Ấn Độ bởi nhân dân hai nước khi đó sẽ có nhiều nét tương đồng; đề cao phát triển quan hệ có chiều sâu với nhân dân các nước láng giềng và các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại; thắt chặt quan hệ với bạn bè truyền thống; đồng thời, tích cực mở rộng quan hệ tốt đẹp với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, từ đó tranh thủ tình cảm và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.12
KẾT LUẬN
Nhiệm kỳ IX (2022–2027) đánh dấu một giai đoạn phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu của Giáo hội sau hơn 41 năm thành lập, khẳng định vị thế của GHPGVN trong thời kỳ hội nhập, phát triển ở cả trong nước cũng như ở nước ngoài, và các hoạt động Phật giáo quốc tế. Trải qua một chặng đường hình thành và phát triển, GHPGVN đã lớn mạnh trên nhiều phương diện, đạt được kết quả khả quan trong hầu hết các lĩnh vực tăng sự, giáo dục, hoằng pháp, văn hóa, từ thiện xã hội, quan hệ trên mặt hoạt động đối ngoại, thông qua các hội nghị, hội thảo quốc tế, đã không ngừng nâng cao vị thế Phật giáo trong lòng dân tộc, trên trường quốc tế, những thành tựu vượt bậc này là nền móng cho sự phát triển bền vững của Giáo hội, đồng thời là cơ sở vững chắc để tăng cường niềm tin đạo pháp của tăng, ni và Phật giáo đồ trong cả nước.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế xoay quanh việc giáo dục tăng ni, phật tử và đặc biệt là công tác quảng bá văn hóa PGVN ra nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Do đó, những khuyến nghị và giải pháp đề xuất được đưa ra nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn đọng, đồng thời đáp ứng được vai trò và nhiệm vụ ngoại giao văn hóa tâm linh nói riêng và đóng góp cho ngoại giao Việt Nam nói chung trong thời kỳ mới.
Nhóm sinh viên Nguyễn Hải Anh - Nguyễn Mai Chi - Trịnh Thu Hoài - Bùi Thị Ngọc Linh - Nguyễn Thị Trang Linh - Đỗ Thị Thu Trang -Võ Thu Trang Khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại – Học viện Ngoại giao ***Chú thích: 1 phatgiao.org.vn, 2018, Toàn văn Hiến chương mới nhất GIáo hội Phật giáo Việt Nam, Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, link truy cập: https://phatgiao.org.vn/toan-van-hien-chuong-moi-nhat-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-d32675.html# truy cập ngày 20/11/2022 2 Quý Đoàn, 2022, Sắp suy tôn Đệ tứ Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, VTC News, link truy cập: https://vtc.vn/sap-suy-ton-de-tu-phap-chu-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-ar715814.html truy cập ngày 23/11/2022 3 Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Điều 6 4 Trọng Quỳnh – Nghĩa Đức, 2019, Bế mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 16 và ra tuyên bố Hà Nam 2019, Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, link truy cập: https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Li sts/News&ItemID=40273, truy cập ngày 13/11/2022 5 Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tham luận tại tọa đàm “Hoạt động quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” do Trung ương GHPGVN tổ chức ngày 6/10/2022 tại Bình Định. 6 TT.TS Thích Minh Nhẫn, Vai trò của truyền thông Phật giáo trong việc thông tin, phản ánh hoạt động, của Phật giáo trong và ngoài nước, tapchivanhoaphatgiao.com, link truy cập: https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/12082, truy cập ngày 10/11/2022. 7 Hồ Chí Minh (2000), Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, t.4, tr.151. 8 Thích Thanh Tâm (2021), Ngoại giao văn hóa qua nghi lễ phật giáo việt nam thời hội nhập quốc tế, Thư viện Hoa Sen, link truy cập: : https://thuvienhoasen.org/a36569/ngoai–giao–van–hoa–qua–nghi–le–phat–giao–viet–nam–thoi–hoi–nhap–quoc–te, truy cập ngày 14/11/2022. 9 Hương Giang (2022), Lan tỏa giá trị Phật giáo Việt Nam đến cộng đồng người Việt ở châu Âu, Vietnamplus, link truy cập: https://www.vietnamplus.vn/lan-toa-gia-tri-phat-giao-viet-nam-den-cong-dong-nguoi-viet-o-chau-au/785115.vn p, truy cập ngày 14/11/2022. 10 Hạnh Nhân (2020), Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Mở rộng đối ngoại – Gìn giữ văn hóa Việt, Đại Đoàn Kết, link truy cập: http://daidoanket.vn/giao–hoi–phat–giao–viet–nam–mo–rong–doi–ngoai––gin–giu–van–hoa–viet–456320.html, truy cập ngày 14/11/2022. 11 Hạnh Nhân (2020), GHPGVN: Mở rộng đối ngoại - Gìn giữ văn hóa Việt, Phatgiao.org, link truy cập: https://phatgiao.org.vn/ghpgvn-mo-rong-doi-ngoai--gin-giu-van-hoa-viet-d39177.html#, truy cập ngày 14/11/2022. 12 Bufo.org.vn (2020), Vai trò của tôn giáo với công tác đối ngoại nhân dân, LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ TỈNH BÌNH DƯƠNG, link truy cập: http://bufo.org.vn/tin–tuc/vai–tro–cua–ton–giao–voi–cong–tac–doi–ngoai–nhan–dan–1241.html, truy cập ngày 14/11/2022.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. An Luých, 2021, Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng khát vọng phát triển đất nước, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam https://dangcongsan.vn/thoi-su/phat-giao-viet-nam-dong-hanh-cung-khat-vong- phat-trien-dat-nuoc-596185.html, truy cập ngày 15/11/2022 2. Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, https://phatgiao.org.vn, truy cập ngày 12/11/2022 3. Đặng Thí, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Đại hội I), GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH HÀ NAM, http://phatgiaohanam.com/vi/to-chuc-giao-hoi/hien-chuong-giao-hoi-phat-giao- viet-nam-dai-hoi-i-120, truy cập ngày 12/11/2022 4. ĐĐ. Thích Phước Tánh, Vị trí và vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay, Tạp chí văn hóa Phật giáo https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/9859, truy cập ngày 15/11/2022 5. Hà Linh, 2022, Bảo tồn bản sắc văn hóa Phật giáo và lan tỏa tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Thời báo Tài chính Việt Nam, https://dttg.thoibaotaichinhvietnam.vn/bao-ton-ban-sac-van-hoa-phat-giao-va-l an-toa-toi-cong-dong-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-103943.html, truy cập ngày 13/11/2022 6. Hạnh Nhân, 2020, Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Mở rộng đối ngoại - Gìn giữ văn hóa Việt, Báo Đại đoàn kết, http://daidoanket.vn/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-mo-rong-doi-ngoai--gin-giu- van-hoa-viet-456320.html, truy cập ngày 13/11/2022 7. Hòa thượng, TS. Thích Gia Quang, 2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững vàng đường hướng dân tộc - đạo pháp - chủ nghĩa xã hội, Tạp chí của ban Tuyên giáo Trung ương, https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-vung-van g-duong-huong-dan-toc-dao-phap-chu-nghia-xa-hoi-132805, truy cập ngày 15/11/2022 8. Hồ Ngọc Diễm Thanh, 2016, Ngoại giao văn hóa của Ấn Độ trong những năm đầu thế kỷ XXI nhìn từ góc độ sức mạnh mềm, Tạp chí Khoa học ĐHSP TPHCM, file:///C:/Users/Trang%200867760106/Downloads/447-448-1-PB.pdf, truy cập ngày 13/11/2022 9. Huân Cao, 2021, Thành tựu trong công tác đối ngoại của Phật giáo Việt Nam, Báo Lao động, https://laodong.vn/xa-hoi/thanh-tuu-trong-cong-tac-doi-ngoai-cua-phat-giao-vi et-nam-971474.ldo, truy cập ngày 09/11/2022 10. Minh Nga, Đôi nét về đạo Phật và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, https://btgcp.gov.vn/gioi-thieu-cac-to-chuc-ton-giao-da-duoc-cong-nhan/Doi_n et_ve_dao_Phat_va_Giao_hoi_Phat_giao_Viet_Nam-postZrm0Gxqx.html, truy cập ngày 15/11/2022 11. Nguyễn Huệ, 2021, Cơ cấu tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, VTC News, https://vtc.vn/co-cau-to-chuc-cua-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-ar642280.html, truy cập ngày 12/11/2022 12. Nguyễn Lang, 1979, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nhà Xuất Bản Văn Học - Hà Nội, https://www.niemphat.vn/downloads/thuyet-phap/phat-su/viet-nam-phat-giao-s u-luan-nguyen-lang.pdf, truy cập ngày 12/11/2022 13. Nguyễn Phúc Nguyên, 2021, Bốn mươi năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng và phát triển – những thời cơ và thách thức, Cổng thông tin Phật giáo, https://phatgiao.org.vn/chinh-sach-ngoai-giao-phat-giao-cua-an-do-d17021.htm l, truy cập ngày 12/11/2022 14. Nguyễn Tuấn Anh, 2021, Vai trò của truyền thông đối với Phật giáo, Tạp chí người làm báo điện tử, https://nguoilambao.vn/vai-tro-cua-truyen-thong-doi-voi-phat-giao-n52964.htm l?fbclid=IwAR2Wdskj46tYUUx2Qyk18ApX5-W74Bk8XS84ebavhPl9eLZD MNagkD0z4ME, truy cập ngày 15/11/2022 15. Phạm Kiên - Bá Thành, 2022, Tăng cường mối quan hệ giữa Phật giáo hai nước Việt Nam và Lào, Tin Tức Thông Tấn Xã Việt Nam https://baotintuc.vn/thoi-su/tang-cuong-moi-quan-he-giua-phat-giao-hai-nuoc-v iet-nam-va-lao-20220923134118174.htm, truy cập ngày 09/11/2022 16. Phương Vũ, 2017, Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc và hội nhập quốc tế, Báo Vietnamplus, https://www.vietnamplus.vn/phat-giao-viet-nam-dong-hanh-cung-dan-toc-va-h oi-nhap-quoc-te/477828.vnp, truy cập ngày 12/11/2022 17. Q. Hoa, 2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Nhiều đóng góp quý báu trong công tác đối ngoại nhân dân thời kỳ mới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. https://vufo.org.vn/Giao-hoi-Phat-giao-Viet-Nam-Nhieu-dong-gop-quy-bau-tro ng-cong-tac-doi-ngoai-nhan-dan-thoi-ky-moi-08-97510.html?lang=vn, truy cập ngày 09/11/2022 18. Thích Không Tú, 2016, Tác động của chính sách đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, Cổng thông tin Phật giáo, https://phatgiao.org.vn/tac-dong-cua-chinh-sach-doi-voi-su-phat-trien-cua-phat-giao-viet-nam-d42754.html, truy cập ngày 12/11/2022 19. Thu Hằng, Khẳng định vai trò của Phật giáo trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước - Công tác tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính Phủ, https://btgcp.gov.vn/cong-tac-ton-giao/khang-dinh-vai-tro-cua-phat-giao-trong- su-nghiep-bao-ve-va-phat-trien-dat-nuoc-postL4QQMk40.html, truy cập ngày 09/11/2022 20. Trà Vân, 2022, Hoạt động đối ngoại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thế giới đánh giá cao, Báo thanh tra. https://thanhtra.com.vn/dan-toc-ton-giao/tin-tuc/hoat-dong-doi-ngoai-cua-giao- hoi-phat-giao-viet-nam-duoc-the-gioi-danh-gia-cao-202848.html, truy cập ngày 12/11/2022 21. Trang báo online của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Giác Ngộ online, https://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/, truy cập ngày 12/11/2022 22. TS. Trần Văn Trình, 2007, Hoạt động đối ngoại của tôn giáo Việt Nam trong dòng chảy hội nhập Quốc tế, Công an Nhân dân, https://cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Hoat-dong-doi-ngoai-cua-ton-giao-Viet-Nam- trong-dong-chay-hoi-nhap-Quoc-te-i290062/, truy cập ngày 09/11/2022 23. TT. TS Thích Đức Thiện, 2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Ra đời – phát triển và hội nhập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, https://phatgiao.org.vn/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-ra-doi-phat-trien-va-hoi-nh ap-d49535.html, truy cập ngày 12/11/2022 24. TTXVN, 2022, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Lào kỷ niệm Năm Đoàn kết hữu nghị, Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/trung-uong-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-va-l ao-ky-niem-nam-doan-ket-huu-nghi-620352.html, truy cập ngày 09/11/2022 25. 2020, Vai trò của tôn giáo với công tác đối ngoại nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bình Dương, http://bufo.org.vn/tin-tuc/vai-tro-cua-ton-giao-voi-cong-tac-doi-ngoai-nhan-dan-1241.html, truy cập ngày 09/11/2022 26. 2021, Những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với đất nước, với dân tộc ngày càng được phát huy, Tạp chí Tổ chức nhà nước,https://tcnn.vn/news/detail/52662/Nhung-dong-gop-cua-Giao-hoi-Phat-gi ao-Viet-Nam-voi-dat-nuoc-voi-dan-toc-ngay-cang-duoc-phat-huy.html, truy cập ngày 12/11/2022
Bình luận (0)