Vai trò của phụ nữ trong giáo lý đạo Phật

Các tôn giáo ra đời đều gắn liền với một giai đoạn lịch sử nhất định, chịu sự tác động, chi phối của thời đại đó.

Phật giáo cho rằng, cần phải biết tôn trọng phụ nữ chứ không thể coi thường. Khi thấy vua Pasenadi nước Kosala muộn phiền vì nghe tin báo hoàng hậu Mallika vừa hạ sinh công chúa, Phật liền khuyên:

“Này Nhân chủ, ở đời, Có một số thiếu nữ, Có thể tốt đẹp hơn, So sánh với con trai, Có trí tuệ, giới đức, Khiến nhạc mẫu thán phục." (1)

Phật giáo đã chỉ rõ rằng, “nếu thế giới không có phụ nữ thì thế giới không còn là thế giới” bởi vì ½ dân số của thế giới là phụ nữ và họ là một nhân tố quan trọng để tạo ra thế giới. “Phật giáo cho rằng, những người phụ nữ như: Người độc thân, có chồng, góa phụ thì không có giới hạn về quyền và bổn phận của họ đối với việc sinh con hay nuôi con, và họ là một phần không thể tách rời của xã hội”(2). Khi phụ nữ lập gia đình thì họ có chức năng làm mẹ, làm vợ; do vậy, họ là đối tượng cần được kính trọng.

“Mẹ hiền khuất bóng gọi là mặt trời đã lặn Mẹ hiền còn sống gọi là mặt trăng sáng tỏ Mẹ hiền khuất rồi gọi là đêm tối u ám”(3).

Phật giáo đã so sánh người mẹ với mặt trời, mặt trăng và bóng tối, Phật giáo đã đề cao được vị thế của người phụ nữ trong gia đình. Phật giáo cho rằng, người phụ nữ có vai trò quan trọng trong các mối quan hệ xã hội; do vậy, Phật giáo đề cao phụ nữ và xem xã hội này như là “xã hội những bà mẹ”. “Phạm Thiên, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Các Đạo sư thời xưa, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Đáng được cúng dường, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳ kheo, là cha mẹ đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời”(4). Trong kinh hạnh phúc có nói;

“Mẹ cha gọi là Phạm Thiên, Bậc đạo sư thời trước, Xứng đáng được cúng dường, Vì thương đến con cháu, Do vậy, bậc hiền triết, Đảnh lễ và tôn trọng, Dâng đồ ăn đồ uống, Vải mặc và giường nằm, Thoa bóp (cả thân mình) Tắm rửa cả chân tay, Với sở hành như vậy, Đối với mẹ và cha, Đời này người hiền khen, Đời sau hưởng thiên lạc.”

Phật giáo cho rằng, phụ nữ có vai trò ngang hàng với đàn ông, cũng như cỗ xe chở người, bất luận nam hay nữ. Cũng thế, chiếc xe chánh pháp chờ đón họ thẳng tới Niết bàn. “This social and spiritual advancement for women was ahead of the times and, therefore, drew many objections from men, including bhikkhus.”(5) Tạm dịch là (sự tiến bộ xã hội và tinh thần cho phụ nữ Phật giáo đã đi trước thời đại và, do đó, đã thu hút rất nhiều sự phản đối từ những người đàn ông, trong đó có các Tỳ kheo). Đức Phậtđã nói rằng; “In Buddhism, women can openly aspire to and practice for the highest level of spiritual attainment. Buddhism is unique among Indian religions in that the Buddha as founder of a spiritual tradition explicitly states in canonical literature that a woman is as capable of nirvana as men and can fully attain all four stages of enlightenment”(6). Tạm dich là (Trong Phật giáo, phụ nữ có thể công khai mong muốn và thực hành cho các cấp độ cao nhất của cảnh giới tinh thần cao nhất. Phật giáo là duy nhất giữa các tôn giáo Ấn Độ, trong đó đức Phật là người sáng lập của một truyền thống tinh thần mà đã chỉ rõ trong giáo lý kinh điển là một người phụ nữ là có khả năng đạt được niết bàn như nam giới và có thể đạt được đầy đủ tất cả bốn giai đoạn của sự giác ngộ). Đức Phật cho rằng, giới tính không quan trọng trong các vấn đề như nhân cách và vai trò trong xã hội, thậm chí, người phụ nữ có thể cạnh tranh được với đàn ông”(7).

Quan niệm của Phật giáo về vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Từ việc khẳng định vai trò của người phụ nữ không thua kém người đàn ông trong gia đình, Phật giáo tiếp tục cho rằng, trong xã hội người phụ nữ cũng có vai trò hết sức quan trọng. “Với một sự hiểu biết sâu sắc, đức Phật xác định đặc điểm giá trị của nữ giới và đặt giá trị này một cách hài hòa vào trong cơ cấu xã hội”(8). Khi đề cập đến vai trò của người phụ nữ trong xã hội, Phật giáo đã nhấn mạnh đến quyền lợi và nghĩa vụ của nữ giới phải như nam giới. Rõ ràng trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ, đề cập đến vai trò của người phụ nữ trong xã hội là điều rất khó khăn. Bởi trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ, người phụ nữ không có vị thế nào trong xã hội. Tuy nhiên, Phật giáo đã bác bỏ điều đó và cho rằng, khi vị thế của người phụ nữ bị xem thường thì xã hội đã phát triển một cách lệch lạc. Chính vì thế, Phật giáo khuyên rằng, “Người chồng nên lấy năm điều mà yêu thương cấp dưỡng vợ. Năm điều đó là gì? Một là yêu thương vợ. Hai là không khinh rẻ. Ba là sắm các thứ chuỗi ngọc, đồ trang điểm. Bốn là ở trong nhà để vợ được tự do. Năm là xem vợ như chính mình. Người chồng lấy năm điều để thương yêu, cấp dưỡng vợ”(9). Phật giáo cho rằng, vị thế của phụ nữ trong xã hội phải được bắt đầu từ gia đình. Khi và chỉ khi họ đóng vai trò quan trọng trong gia đình thì cũng là lúc họ thể hiện được vai trò của họ trong xã hội. Phật giáo cho rằng, nữ giới không thua kém gì so với nam giới; do vậy, những gì nam giới làm được thì nữ giới cũng có thể làm được. Điều này được thể hiện trong câu chuyện sau: “... Thưa gia chủ, gia chủ có thể suy nghĩ: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, không có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa”. Thưa gia chủ, chớ có nghĩ như vậy! Thưa gia chủ, tôi khéo léo dệt vải và chải lông cừu. Thưa gia chủ, sau khi gia chủ mệnh chung, tôi có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa. Do vậy, thưa gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Đau khổ, này gia chủ, là người khi mệnh chung với tâm còn mong cầu luyến ái. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu luyến ái.

Thưa gia chủ, gia chủ có thể suy nghĩ như sau: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ đi đến một gia đình khác”. Này gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa gia chủ, gia chủ cũng đã biết, trong mười sáu năm chúng ta sống làm người gia chủ, tôi đã sống thực hành phạm hạnh như thế nào...

Thưa gia chủ, gia chủ có thể suy nghĩ như sau: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ không còn muốn đến yết kiến Thế Tôn, sẽ không còn muốn yết kiến chúng Tăng”. Thưa gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Sau khi ta mệnh chung, tôi sẽ muốn yết kiến Thế Tôn nhiều hơn, sẽ muốn yết kiến chúng Tăng nhiều hơn...”(10). Như vậy cho thấy, vai trò của người phụ nữ trong xã hội đã được nhắc đến trong giáo lý Phật giáo một cách khá rõ nét.

Vai trò của nữ giới trong giáo đoàn. Khi bàn đến vai trò của nữ giới trong giáo đoàn thì chúng ta phải thống nhất với nhau rằng; tăng hay ni đều có quyền bình đẳng như nhau. Điều này được thể hiện ngay từ thời Đức Phật còn tại thế. Khi mà trong xã hội Ấn Độ đang tồn tại sự phân chia giai cấp khắc nghiệt, ở đó người phụ nữ bị xem thường thì Đức Phật tiến hành thành lập giáo hội Tỳ kheo ni. Giới Luật không cho phép bất kỳ mối quan hệ dựa trên quyền lực giữa các tăng và ni. Tỳ kheo Dhammananda đã viết: Ni vào thời của Phật có quyền bình đẳng và có phần bằng nhau trong tất cả mọi thứ. Trong một trường hợp, tám chiếc áo choàng được đem biếu cho các Tăng nhân ở một nơi mà chỉ có một ni và bốn tăng. Đức Phật chia áo thành 2 nửa bằng nhau, đưa bốn cái cho ni và bốn cái cho 4 tăng, bởi vì những cái áo đó dành cho cho cả nam và nữ Tăng nhân và phải được chia đều tuy nhiên trong mỗi nhóm có nhiều người. Bởi vì các ni có xu hướng nhận lời mời ít hơn để đến nhà của mọi người cho nên đức Phật đã yêu cầu đem tất cả các đồ cúng dường đến tu viện và chia đều giữa hai nhóm tăng và ni. Đức Phật đã bảo vệ các nữ tu và là công bằng cho cả hai bên. Đức Phật là cho các đệ tử ý thức được việc đối xử với người phụ nữ như những người thân, không phải trong ý thức là ông chủ và nô lệ. Việc làm này đã tạo điều kiện cho phụ nữ nói chung và ni giới nói riêng quyền được tiếp thụ giáo lý đạo Phật để phát huy bản chất cao quý của họ. Theo giới đàn ni, “Nói về giáo phẩm, nếu bên nam giới có Hòa thượng, Đại đức thì phía nữ có Hòa thượng ni, Đại đức ni”. Chữ “ni” ở đây dùng để chỉ giới tính chứ không phải là phân biệt. Về đệ tử nếu tăng có hai vị đại đệ tử là Sàriputta và Moggallàna, thì ni cũng có hai vị đại đệ tử là Khema và Uppalavannà. Quan điểm giải thoát không dành riêng cho ai, kể cả đức Phật. “Những ai đặt lòng tin vào đức Phật, chúng đặt lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, chúng được quả dị thục tối thượng”(12).

Vị thế của người phụ nữ không chỉ được đề cao trong gia đình, xã hội, trong giáo đoàn mà cả trong giải thoát. “Này Ananda, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A la hán quả”(13). Phật giáo cho rằng, việc giải thoát của ni không chỉ dành cho thực tại mà nó còn được thể hiện trong tương lai. “Này Vaccha không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Tỳ kheo ni, đệ tử của ta, đã đoạn trừ các lậu hoặc, với thượng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát”(14).

Lửa Yến Phi - tấm gương điển hình cho vai trò ni ở Việt Nam

Đào Thị Yến Phi, pháp danh là Nguyên Thường, tự Diệu Mai, sinh ngày 06 tháng 12 năm 1948 tại Hà Đông, Bắc Phần. Yến Phi sinh ra trong một gia đình theo đạo Phật. Thủa nhỏ Yến Phi rất ngoan và có hiếu với mẹ, phụ giúp mẹ quán xuyến việc nhà và không bao giờ để mẹ phải buồn vì mình.

Yến Phi được gia đình cho gia nhập gia đình Phật tử Linh Thứu từ năm mới lên 10 tuổi. Với bản tính hiền hoà, lại được hấp thụ tinh thần từ bi của đạo Phật, Yến Phi đã tỏ ra mình là một phật tử gương mẫu được mọi người biết đến. Yến Phi là một Phật tử cương trực và quả cảm, luôn trọng chữ tín và luôn hướng đến sự tự do cao đẹp. Việc biến mình thành một ngọn đuốc vào lúc 14h30 ngày 26 tháng 01 năm 1965 tại toà Hành chính Khánh Hoà để phản đối chính sách bạo tàn của chính quyền Trần Văn Hương, đòi độc lập cho dân tộc là một hành động hy sinh cao đẹp không chỉ có ý nghĩa đối với đạo pháp mà còn có ý nghĩa đối với đời. Ngọn lửa Yến Phi đã bùng cháy nhằm thức tỉnh sự tàn bạo của kẻ thù, đồng thời khơi dậy tinh thần dân tộc trong các phật tử ở Việt Nam lúc bấy giờ.

Lửa Yến Phi đã biến vai trò của phụ nữ trong giáo lý đạo Phật thành một tấm gương điển hình trong xã hội. Ba bức thư của Yến Phi đã minh chứng rằng, lửa Yến Phi là ngọn lửa đấu tranh cho đạo pháp và cho dân tộc Việt Nam. Trước hết, chúng ta có thể tìm thấy vai trò của người phụ nữ trong gia đình ở bức thư gửi mẹ của Yến Phi. Với tư cách là một người con trong gia đình thì chữ hiếu là quan trọng nhất. Tuy nhiên, vì đạo pháp, vì dân tộc nên Yến Phi đành phải đem thân mình để cúng dường Chánh pháp và phản đối chính sách bạo tàn của Trần Văn Hương. Cũng như bao nhiêu người con khác được sinh ra đều phải đền ơn sinh thành, giáo dưỡng nhưng trước sự bạo tàn của kẻ thù, Yến Phi đã nói với mẹ rằng “con tin rằng, việc của con làm ngày hôm nay giúp ít nhiều cho đạo Pháp, mẹ đừng vì con mà tiếc thương bi luỵ, con không mất mà sẽ còn mãi với nguyện vọng của dân tộc. Sống chết có một lần con không sợ, nhưng ngại con chết rồi, công ơn sinh dưỡng của mẹ con chưa đền”.

“Con viết thư này để lạy từ Công ơn của Mẹ biết bao thu Vì đời, vì Đạo con thầm nguyện: Thiêu đốt than này trọn kiếp tu” (Lạy Từ- Thanh Lan 27/01/1965)

Việc đấu tranh giải phóng thân phận người phụ nữ không chỉ dừng lại ở đó, Yến Phi còn khuyên mẹ, “con chết đi mẹ hãy tranh đấu cho tới hơi thở cuối cùng mẹ nhé! Con biết rằng con mất, mẹ sẽ đau đớn cùng độ, mẹ hãy cố gượng để con thắp lên một ánh lửa bé nhỏ Đạo Pháp đang lâm nguy vì một con người tham vọng và bạo ngược, điển hình của Ngô Đình Diệm thứ hai”. Vai trò nữ giới trong gia đình của Phật giáo đã được Yến Phi thể hiện một cách xuất sắc ngoài đời, đó chính là người phụ nữ không chỉ phải giữ trọn đạo hiếu làm con mà còn phải đấu tranh vì sự giải phóng cho dân tộc nói chung, phụ nữ nói riêng.

Lửa Yến Phi còn đưa vai trò của người phụ nữ trong giáo lý đạo Phật lên một tầm cao mới trong xã hội. Nếu như Phật giáo cho rằng, người phụ nữ có một vị thế nhất định trong xã hội, bởi những gì nam giới làm được thì nữ giới cũng có thể làm tốt. Trước cảnh nước mất, nhà tan, đạo pháp bị đàn áp, Yến Phi đã vạch tội Trần Văn Hương. Trong thư gửi Thủ tướng Trần Văn Hương, Yến Phi viết “dưới ách thống trị tàn ngược của ông, máu Phật giáo đồ đã đổ. Quý Thượng toạ đã hy sinh trong 7 ngày nay để ông sớm giải quyết nguyện vọng chung của dân tộc và Đạo pháp”. Tuy nhiên, chính phủ Trần Văn Hương không những không thay đổi mà còn ra sức đàn áp. Trước thực trạng đó, Yến Phi đã tự biến mình thành ngọn đuốc để thức tỉnh sự vô minh của Trần Văn Hương. Yến Phi viết rằng, “Tôi không cần nói nhiều, vì các lãnh đạo, tín đồ, học sinh, sinh viên, v.v… đã nói nhiều trong tinh thần truyền thống bất bạo động. Ông không thể làm ngơ trong lúc này, máu và nước mắt đã đổ vì ông”. Trong vai trò là một nữ phật tử, Yến Phi rất anh dũng khi vạch tội ác và chính sách bạo tàn của nhà cầm quyền đối với dân tộc. Hành động tự thiêu của Yến Phi để thức tỉnh chính quyền Trần Văn Hương, đã thể hiện được vai trò của người phụ nữ trong giáo lý đạo Phật. Họ không những đấu tranh để được giải phóng mà họ còn có thể hy sinh bản thân mình để giải phóng.

Trong bức thư gửi Phật giáo, Yến Phi đã trình bày những hành động vô nhân tính của chính quyền Trần Văn Hương. “Đã gần hai tháng nay, phong trào đấu tranh bảo vệ Phật giáo khởi phát từ các giới trong nước, v.v… Sau khi theo dõi đến giờ phút vô cùng bi đát này; Tăng sĩ khắp nơi đã bị công khai bắt bớ; ở một vài nơi, sinh viên, học sinh Gia đình Phật tử đứng lên đòi hỏi cho dân tộc, cho Đạo Pháp lần lượt ngã trước họng súng bạo tàn! Cái chết của học sinh Ngọc chưa nguôi, thì gần đây ở Đà Lạt và Sài Gòn lại chứng kiến thêm bao nhiêu cái chết của người con yêu đất nước”. Hành động của Yến Phi được xuất phát từ sự khổ đau của dân tộc nhưng không vì thế mà gạt bỏ đi thứ bực trong đạo pháp. Chính quyền Trần Văn Hương đã ra sức bóp méo sự thật và lừa gạt nhân dân. Đứng trước sự thật nghiệt ngã đó, Yến Phi đã viết rằng, “Con, một nữ Huynh trưởng của gia đình Phật tử Chánh Quang xin âm thầm phát nguyện thiêu đốt nhục thân này để cúng dường Tam Bảo”. Xuất phát từ tinh thần đạo pháp và dân tộc nhưng không vì vậy mà Yến Phi tự ý làm mọi việc; mà ngược lại, khi đấu tranh ni cũng tuân theo đạo pháp. Việc Yến Phi hy sinh cho đạo pháp và dân tộc đã cho thấy tính đúng đắn của Phật giáo khi đề cao vai trò của người phụ nữ. Phật giáo cho rằng, việc tạo điều kiện cho nữ giới tiếp thu giáo lý đạo Phật để phát huy bản chất cao quý của họ là hết sức quan trọng, và điều đó đã được thể hiện qua lửa Yến Phi.

Kết luận

Thông qua việc nghiên cứu vai trò của phụ nữ trong giáo lý đạo Phật, chúng tôi thấy rằng, việc Phật giáo đề cao vai trò của người phụ nữ từ trong gia đình, xã hội đến trong giáo đoàn là một quan điểm hết sức mới mẻ và tiến bộ. Quan điểm đề cao vai trò của người phụ nữ trong giáo lý đạo Phật được xem là một thành quả lớn và có nhiều ý nghĩa không chỉ trong quá khứ mà ngay cả hiện tại vẫn được trân trọng. Tất cả những điều đó đã được những Phật tử chân chính chứng minh, khi họ thể hiện vai trò của mình đối với gia đình, xã hội và giáo đoàn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã xuất hiện nhiều tín đồ Phật giáo xả thân vì đạo pháp và dân tộc, biến mình thành những ngọn đuốc sống, nhằm phản đối sự xâm lược và cai trị tàn bạo của kẻ thù, đòi tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Lửa Yến Phi đã thức tỉnh tinh thần dân tộc, tinh thần đạo pháp và minh chứng cho tính đúng đắn về vai trò của phụ nữ trong giáo lý đạo Phật.

Tác giả: Võ Văn Dũng Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2016 ----------------

CHÚ THÍCH 1. Phẩm Thứ hai, Kinh Tương Ưng Bộ, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1993, tr.194 2. Horner, I.B. Women under Primitive Buddhism, London, 1930; pp 3. 3. Kinh Báo Ân, Kinh Tâm Địa Quán, Phúc Điền THPGTPHCM, 1995, tr.93 4. Phẩm Sứ giả của trời, Tăng Chi Bộ Kinh I, HT Thích Minh Châu, Viện NPHVN, 1988, tr.147 5. In Young Chung (1999). “A Buddhist View of Women: A Comparative Study of the Rules for Bhiksunīs and Bhiksus Based on the Chinese Pràtimokùa” (PDF). Journal of Buddhist Ethics6: 29–105. Retrieved 2010-11-07. 6. Ven. Professor Dhammavihari, Women and the religious order of the Buddha 7. Dhirasekera, Jothiya, “Women and the Religious Order of the Bud-dha” Sambhāsā. 1991. Pp, 297

TÀI LIỆU THAM KHẢO Đại kinh Vacchagotta, Trung Bộ Kinh II, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1988, tr.236. Phẩm Thứ hai, Kinh Tương Ưng Bộ, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1993, tr.194. Kinh Báo Ân, Kinh Tâm Địa Quán, Phúc Điền THPGTPHCM, 1995, tr.93. Phẩm Sứ giả của trời, Tăng Chi Bộ Kinh I, HT Thích Minh Châu, Viện NPHVN, 1988, tr.147. Kinh Trung A Hàm III, HT Thích Thiện Siêu, THPGTPHCM, tr. 266. Kinh Bộ Tăng Chi II, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1988, tr. 295 - 296. Phẩm Sumana, Kinh Bộ Tăng Chi, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1988, tr. 39.

Phẩm Gotamì, Kinh Bộ Tăng Chi III, HT Thích Minh Châu, Viện NCPHVN, 1988, tr.114. Dhirasekera, Jothiya, “Women and the Religious Order of the Bud- dha” Sambhāsā. 1991, pp. 297. Horner, I.B. Women under Primitive Buddhism, London, 1930; pp 3. Ven. Professor Dhammavihari, Women and the religious order of the Buddha. Dhirasekera, Jothiya, “Women and the Religious Order of the Bud- dha” Sambhāsā. 1991. Pp, 297. Dr. Chatsumarn Kabilsingh The History of the Bhikkhuni Sangha. In Young Chung (1999). “A Buddhist View of Women: A Comparative Study of the Rules for Bhiksunīs and Bhiksus Based on the Chinese Pràtimokùa” (PDF). Journal of Buddhist Ethics6: 29–105. Retrieved 2010-11-07.15