Tác giả: Huyền Cương Lê Trọng Cường

Sau khi lên ngôi, Vua Lý Thái Tổ thấy đất Hoa Lư ẩm thấp, chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác. Đầu năm 1010, Vua tự tay viết chiếu dời đô:

“Ngày xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự dời đô xằng bậy đâu. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn chỗ ở giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không theo việc cũ của Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời. Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam, bắc, đông, tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tốt tươi, phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thật là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ sao?” (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).

Ngang đây người viết muốn mở ngoặc nói đôi lời về thế ‘rồng cuộn hổ ngồi’ của đất Thăng Long mà chiếu dời đô nhắc tới. Vùng này quả có nhiều con sông lớn nhỏ uốn lượn chảy qua địa bàn. Có thể kể: Sông Lô (nay là sông Hồng, hay sông Cái), sông Nhĩ (nay là sông Nhị, hay sông Con), sông Thiên Đức (nay là sông Đuống), sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Đen…Các con sông này gợi lên hình ảnh thế đất ‘rồng cuộn’; còn hình ảnh ‘hổ ngồi’ thì sao? Đã là ‘ngồi’ thì phải có mặt tại chỗ. Nhưng nhìn bao quát cả địa bàn Thăng Long ngoài số ít gò đất thấp bé tự nhiên hoặc nhân tạo, được gọi phóng lên là ‘núi’, như ‘núi’ Nùng, ‘núi’ Khán, ‘núi’ Cung…thì chẳng thấy một ngọn núi nào đủ lớn để có thể ví bằng hình ảnh ‘hổ ngồi’, tương xứng với hình ảnh ‘rồng cuộn’ của các con sông nơi đây.

Chỉ khi mở rộng tầm nhìn phong thuỷ vĩ mô ra khắp địa bàn Bắc Bộ mới thấy vùng đất Thăng Long được các dãy núi đá hùng vĩ vây quanh, từ xa ‘chầu’ về. Đó là các dãy: Đông triều, Tam Đảo, Hoàng Liên, Ba Vì, Chi Nê, Tam Điệp… Bởi vậy vùng Thăng Long có thế đất ‘hổ chầu’, chứ không phải ‘hổ ngồi’ (!). Dưới đây người viết mạo muội dùng cụm từ ‘rồng cuộn hổ chầu’ thay cho ‘rồng cuộn hổ ngồi’. Thế đất của Thăng Long như thế thì chỉ những cuộc vận động tạo sơn cỡ hành tinh mới có thể làm đổi thay hoặc biến dạng mà thôi.

Trong chiếu dời đô Vua Lý Thái Tổ có nhắc đến Cao Vương và thành Đại La. Vậy thì Cao Vương là ai? Cao Vương là Cao Biền, người được Vua Đường Hàm Thông (Trung Quốc) cử sang Giao Châu đánh đuổi quân Nam Chiếu (ở Vân Nam, Trung Quốc ngày nay), sau đó được cử ở lại giữ chức tiết độ sứ Giao Châu từ năm 866 (thời thuộc Đường).

Gọi Cao Biền bằng danh xưng Cao Vương là không đúng với thực tế lịch sử. Các sử liệu của Trung Quốc, kể cả Tân Đường Thư quyển 224 hạ và Cao Biền Truyện, đều không thấy ghi việc Cao Biền xưng Vương. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cho rằng đó chỉ là do ‘một số người Giao Châu kinh sợ Biền mà gọi Biền là Cao Vương’ (theo chú thích 2, trang 199, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - ĐVSKTT).

Trong thời gian mở rộng Thành Đại La, “Biền biết (?) đất Cổ Pháp có khí tượng đế vương bèn đào đứt sông Điềm (tức sông Tương ở Tiên Sơn, Bắc Ninh) và đầm Phù Chẩn để cắt long mạch, tất cả 19 chỗ (theo Thiền Uyển Tập Anh, trang 178, NXB Văn Học, Hà Nội, 1990).

Trong sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam (LSPGVN), (NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001), học giả Lê Mạnh Thát viết rằng: “Tuy vậy các sử liệu Trung Quốc không trực tiếp nói đến chuyện này, mà chỉ xác nhận Cao Biền lập một bàn đồng giữa trời để tu luyện. Phải chăng đây là một thủ đoạn nham hiểm, dùng những thuật lạ phong thuỷ, thần bí nhằm uy hiếp và thủ tiêu ý chí giành độc lập của dân tộc ta”. Thiết nghĩ, ngay cả việc dùng thuật lạ phong thuỷ của Cao Biền có lẽ cũng chỉ là một mánh lừa bịp để hù doạ những ai nhẹ dạ cả tin mà thôi (!).

Cao Biền chỉ mở rộng cái thành luỹ đã có sẵn ở cửa sông Tô Lịch, chứ Cao Biền không phải là người đầu tiên chọn vùng đất cửa sông Tô Lịch làm trị sở. Trong khi đó văn từ Chiếu Dời Đô đã gây ra hiểu lầm đáng tiếc. Khiến cho người mặc cảm nghĩ rằng người Việt mình thiếu tinh thần sáng tạo, ngay việc chọn đất làm kinh đô phải cũng theo vết cũ của Thành Đại La do Cao Biền chọn (!). Bây giờ chúng ta hãy bàn giải vấn đề này, thử xét xem thành luỹ cũ bên cửa sông Tô Lịch đã có từ bao giờ và ai là người đầu tiên chọn vùng đất có thế ‘rồng cuộn hổ chầu’ này làm kinh đô (hoặc trị sở)?

Kỉ Nhà Tiền Lý trong ĐVSKTT I, trang 179, cho biết: “Mùa xuân, tháng Giêng Năm Giáp Tí (544 STL) Vua (Lý Bí hoặc Lý Bôn) nhân đánh thắng giặc lên ngôi xưng là Nam Việt Đế (tức Lý Nam Đế), đặt quốc hiệu là Vạn Xuân và đóng đô ở Long Biên”. Cuối trang ông Ngô Đức Thọ (người dịch ĐVSKTT ra tiếng Việt) chú thích: “Vị trí của Thành Long Biên đến nay vẫn chưa xác định, có thể ở vùng gần thị xã Bắc Ninh”.

Còn tác giả Keith Weller Taylor trong tác phẩm Sự Ra Đời Của Việt Nam (The Birth of Vietnam), lại cho rằng: “Kinh đô của Lý Bí không tìm thấy trong các nguồn tư liệu, nhưng chúng ta có thể phỏng đoán rằng thành trì chính của ông (Lý Bí) là Gia Ninh. Gia Ninh nằm ở ngay sát bên quê nhà ông, gần nơi gặp gỡ của sông Hồng với các phụ lưu của nó. Theo truyền thuyết thì đây là vùng đất mà các vua Hùng đã ngự trị, nó đã là một trung tâm chính trị tự nhiên nằm ở đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng”.

(Ly Bi’s capital is not identified in the sources, but we can surmise that his main citadel was Gia Ninh. Gia Ninh lay close to Bi’s home estates, near the place where the Hong river is joined by its tributaries. This is the region where the Hung Kings supposedly ruled, it was a natural political center at the head of the Hong river plain).

Cái ‘có thể’ của ông Ngô Đức Thọ về vị trí kinh đô của Lý Nam Đế ở gần thị xã Bắc Ninh ngày nay là không có căn cứ, bởi vì không có sử liệu nào nói thế; còn cái điều ‘không tìm thấy’ (is not identified) của ông K.W. Taylor về kimh đô (capital) của Lý Bí thì rõ ràng không giúp gì cho việc tìm ra kinh đô của Lí Nam Đế. Vả lại, nên chú ý ở trang 180 của ĐVSKTT I còn cho biết thêm sau khi bị thua trận ở thành trì bên cửa sông Tô Lịch, Lý Nam Đế mới rút quân về Gia Ninh.

Học giả Lê Mạnh Thát trích dẫn trong Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập II (LSPGVN II) (từ trang 375 đến 378) rằng sách Lương Thư của Trung Quốc cũng ghi nhận rằng năm 545 Lý Nam Đế đã dựng thành luỹ bằng tre gỗ ở cửa sông Tô Lịch.

Tác giả Nguyễn Văn Uẩn trong tác phẩm đồ sộ Hà Nội Nửa Đầu Thế Kỉ XX (NXB Hà Nội; năm 2000; trang 187 và188), viết rằng sau khi đặt kinh đô tại Long Biên, ở cửa sông Tô Lịch, Lý Nam Đế cho mở rộng chùa Yên Trì ở bờ phải sông Hồng, đặt tên là Khai Quốc (nghĩa là Mở Nước), nay quen gọi là chùa Trấn Quốc. “Chùa Trấn Quốc vốn có từ thời Lý Nam Đế, là một ngôi chùa cổ của nước Nam, một trung tâm Phật giáo dòng Vô Ngôn Thông”; “Năm Ất Mão (1615) đời Lê Kính Tông, nền chùa bị nước xói, có nguy cơ bị lở, dân làng xin được di dời chùa vào trong đê và dựng trên gò Kim Ngư (cá vàng)”.

Chùa Trấn Quốc, Hà Nội - Ảnh: Minh Khang

Sách LSPGVN II của Lê Mạnh Thát cho thêm thông tin rằng bi (bia) ký thời vua Hùng nói rõ vị trí ban đầu của chùa Khai Quốc ở bờ phải sông Hồng (có thể ở vào bãi An Dương ngày nay). Còn gò Kim Ngư chính là bán đảo chùa Trấn Quốc bây giờ, phía tây đường Thanh Niên, Hà Nội. Ngôi chùa này đã qua nhiều lần tu sửa và thay đổi tên gọi:

1/ Yên Trì (theo bi ký thời Vua Hùng). 2/ Khai Quốc (đời Lý Nam Đế, khoảng năm 541-547). 3/ An Quốc (đời Lê Thái Tông, khoảng năm 1440-1442). 4/ Trấn Quốc (đời Lê Hy Tông, khoảng năm 1680-1704). 5/ Trấn Bắc (đời Thiệu Trị nhà Nguyễn, năm 1824).

Nay mọi người quen gọi với tên chùa Trấn Quốc.

Tác giả Quỳnh Cư viết trong cuốn Các Triều Đại Việt Nam; NXB Thanh Niên; 1999: “…Tháng Hai năm Giáp Tý (544) Lý Bí tự xưng Hoàng Đế, lấy hiệu là Lý Nam Đế đặt tên nước là Vạn Xuân (ước muốn xã tắc truyền đến muôn đời), đặt kinh đô ở miền cửa sông Tô Lịch (Hà Nội) và cho dựng điện Vạn Thọ làm nơi vua quan họp bàn việc nước... Lý Nam Đế sai dựng một ngôi chùa ở phường Yên Hoa (Yên Phụ ngày nay), trên nền chùa Yên Trì cũ từ thời Hùng Vương, lấy tên là chùa Khai Quốc…”

Như dẫn ra ở trên, sách ĐVSKTT I nói Lý Nam Đế đóng đô ở Long Biên. Còn các tác giả Nguyễn Văn Uẩn và Quỳnh Cư khẳng định Lý Nam Đế đặt kinh đô ở miền cửa sông Tô Lịch (Hà Nội bây giờ). Điều đó có thể được giải thích một cách hợp lý như sau: Kinh đô Long Biên của Lý Nam Đế không cùng vị trí với trị sở Long Biên của thế lực thông trị phương Bắc tại gần thị xã Bắc Ninh (mà Ngô Đức Thọ phỏng đoán). Sau khi lên ngôi, Lý Nam Đế cũng lấy tên Long Biên đặt cho thành trì mới dựng ở cửa sông Tô Lịch làm kinh đô của nhà nước Vạn Xuân, cùng với việc dựng chùa Khai Quốc (nghĩa là Mở Nước) ở bờ phải sông Hồng.

Theo ĐVSKTT I, trang 182-183, sau Lý Nam đế, Triệu Việt Vương (từ năm 548 đến năm 570) cũng chọn Long Biên ở cửa sông Tô Lịch làm nơi đóng đô, sau đó mới chuyển về Vũ Ninh (Quế Võ, Bắc Ninh).

Đến đây có thể kết luận mấy điểm mấu chốt cho bài viết này như sau:

1/ Lý Nam Đế sau khi lên ngôi đã chọn vùng đất cửa sông Tô Lịch (bờ phải sông Hồng) xây dựng kinh đô Long Biên từ giữa TK 6 STL. Vùng này có thế đất ‘rồng cuộn hổ chầu’. (hơn ba trăm năm sau Cao Biền mới lấy nơi đó làm trị sở của thế lực thống trị nhà Đường).

2/ Kinh đô Long Biên của Lý Nam Đế từ giữa TK 6 STL chính là vùng đất kinh đô Thăng Long mà Lý Thái Tổ dời đến vào năm 1010 và cũng là thủ đô Hà Nội ngày nay.

3/ Công đầu tìm chọn được vùng đất quan trọng, xứng đáng làm kinh đô nước Việt (mà gần năm thế kỉ sau vua Lý Thái Tổ đánh giá là ‘ở giữa khu vực trời đất’, ‘được thế rồng cuộn hổ chầu’, ‘là nơi thắng địa’, ‘là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời’ và quyết định dời đô tới) rõ ràng là thuộc về Vua Lý Nam Đế từ năm 545 STL với kinh đô Long Biên (chứ không phải là Cao Biền với Thành Đại La).

Tác giả: Huyền Cương Lê Trọng Cường