Cuốn sách “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính (PKB) có nội dung về phong tục tín ngưỡng dân gian, trong đó có đề cập tới đạo Phật nhưng được viết theo kiểu lối “dân gian nói thế” không có tư duy chiều sâu (học thuật). Một cuốn sách như thế, nên việc kiến giải về Phật học hay nói đúng hơn là nói về Phật giáo với nhiều sai lạc, khiến người có niềm tin, đức tin và có tư duy chiều sâu với Phật giáo cảm thấy bất ổn nếu không muốn nói đó là một sự "xúc phạm".
Trong những năm gần đây, Nhà xuất bản Văn học, NXB Văn hóa Thông tin, NXB Hồng Đức, NXB Kim Đồng tiếp tục in tái bản quyển sách và vẫn chưa có sự điều chỉnh, biên tập cho phù hợp.
Những cách diễn đạt sai lầm về Phật giáo của Phan Kế Bính
Tác phẩm này được PKB viết năm 1915, nhưng theo nhà nghiên cứu Đào Nguyên thì viết và giới thiệu trên báo chí vào khoảng năm 1914. Cách đây hơn 100 năm, với những hạn chế nhất định của cá nhân cũng như góc nhìn và bối cảnh của thời đại.
Phan Kế Bính (1875-1921) đã dành hơn 12 trang để viết về Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo (đạo Lão Tử). Đây là những trang viết được xem là đầu tiên thuộc mảng nghiên cứu văn học chữ quốc ngữ, viết về ba học thuyết lớn của phương Đông có ảnh hưởng lớn đối với văn hóa Việt Nam.
Trước khi bàn về phần viết Phật giáo của cuốn sách (NXB Tp.HCM-1999- tr.168-173), xin được nói qua về nhan đề và một số điểm có liên quan tới Phật giáo của nội dung cuốn sách chúng ta đang bàn: PKB đã không ghi tài liệu tham khảo. Theo nhà nghiên cứu Đào Nguyên (có thể hồi đó chưa quan tâm đến vấn đề này?). Trong quá trình biên soạn để giới thiệu, mô tả các tập tục xa gần, việc nêu dẫn tài liệu tham khảo hầu như rất ít, nếu có thì cũng sơ sài.
PKB đã không hề nêu dẫn tài liệu tham khảo (phần viết về Phật giáo hoàn toàn không có nguồn trích dẫn) mà chỉ bằng mô tả, giải thích theo kiểu “tương truyền”, “tục truyền”, “bảo rằng”, “kể rằng”… Đây không phải là cách làm việc của một tác phẩm nghiên cứu, biên khảo đúng nghĩa và đúng đắn, nhất là khi tìm hiểu các học thuyết, các tôn giáo lớn.
- Do hạn chế về tư liệu tham khảo, một phần hồi đó sách vở về Phật học là ít ỏi. Sách tiếng Việt (chữ quốc ngữ) hầu như chưa có. Chỉ có sách chữ Hán và chữ Pháp. Nhưng phải chăng PKB có sự hạn chế về khả năng nhận thức cá nhân? PKB, đậu Cử nhân trong kỳ Thi Hương năm 1906 thuộc loại khoa thi áp chót của Hán học ở Việt Nam. Chắc chắn là hiểu biết về Phật học nói chung và Phật giáo nước ta với ông là không nhiều. Hạn chế nữa ở ông là đối tượng nghiên cứu quá bao quát. Phật giáo gồm cả Bắc tông và Nam tông với nhiều bộ phái… chắc chắn là vào thời ấy, PKB không có đủ tư liệu và hiểu biết để tổng hợp và lý giải.
Chẳng hạn, trong mục Chùa chiền, tác giả viết: “Gian giữa tầng trên nhất thờ ba vị Thế Tôn… kế đến là Mụ Thiện 12 tay, rồi đến bà Di Lặc béo phục phịch, tục truyền bà ấy nhịn mặc mà ăn cho béo…” (tr.86). Tài liệu Phật học nào nói Bồ tát Di Lặc, (Phật Di Lặc) là bà? Do nhịn mặc mà ăn cho nên béo? PKB cho là theo tục truyền! Một nhà nghiên cứu nghiêm túc, công tâm không thể nói với lối “tục truyền” ang áng như vậy với giáo lý, mà phải suy xét, đối chiếu với kinh điển Phật giáo trước khi mô tả, giải thích những sự kiện mà mình đưa ra.
Về Tam tạng kinh điển, PKB viết như thế này: “Ngài (chỉ đức Phật) mất rồi, các học trò soạn nhặt các lời di ngôn, tập lại thành sách cả thảy bốn mươi hai chương, chia làm ba quyển gọi là kinh Tam tạng” (tr.169)
Theo nhà nghiên cứu Đào Nguyên: “Viết như thế tức là không hiểu biết gì về ba tạng kinh điển của Phật giáo, tức là không hiểu gì về đạo Phật. Không hiểu biết gì về Phật giáo mà viết về Phật giáo thì chỉ có viết sai”. Trong hai trang rưỡi sách viết tổng quát về Phật giáo (tr.168-171) đã cho thấy quá rõ điều nói trên. Xin được dẫn lược và biện giải cụ thể như sau:
- PKB cho rằng “Phật giáo do ở đạo Bà La Môn mà ra” (tr.168). Chúng tôi cho hoàn toàn sai.
- PKB suy nghĩ “Sinh, lão, bệnh, tử là bốn cái kiếp khốn nạn” (tr.168) tức là không hiểu gì về Tứ Đế của Phật giáo.
Từ đó, PKB đánh giá: Đức Phật Thích Ca thấy sự khổ ở đời: “Vì thế chán đời mà cầu một phép để giải thoát…” (tr.168).
PKB viết: “Tục truyền ông ấy (chỉ đức Phật) về sau ăn mỡ lợn, phát trướng mà mất ở Câu Thi. Lúc gần mất, ông ấy nói rằng: “Nay ta đã lên cõi Niết bàn nghĩa là lên đến chỗ Cực lạc thế giới” (tr.168)
Nhà nghiên cứu Đào Nguyên cho rằng: “Viết về bữa ăn cuối cùng của đức Phật như ông PKB là viết bậy. Viết bậy theo một tài liệu vớ vẩn nào đó rồi phủ lên hai chữ “tục truyền”.
PKB giải thích kinh tạng “là những lời luân thường đạo lý” (tr.170) là sai, bởi ông chỉ dựa theo Nho giáo để đoán mò, nghĩa là chưa hề tiếp cận nhiều đến kinh điển Phật giáo. Chính vì không tiếp cận nhiều tới kinh điển Phật giáo mà ông giải thích: “Lục trần là sáu cái bụi”; trong cơ thể có sáu căn thì ông gọi là Lục Côn (sáu cái gốc). Lục căn không ai gọi là lục côn. Nói lục căn là sáu cái gốc là không đúng. Bởi Phật giáo coi 6 căn là chỉ khả năng sinh khởi với sáu trần mà sinh thức.
Một sai lầm về duy thức luận, PKB cho rằng:
“Mục đích đạo Phật chỉ có hai chữ Hư - Vô là kiêm hết” (tr.170). Đây là một nhìn nhận quá sai lầm và không hiểu gì về chữ Không trong Phật giáo của PKB.
Từ những sai lầm trên, nên PKB mới viết: “Đạo Phật bày ra lắm điều kỳ ảo, nào là luân hồi, nào siêu thoát, nào họa phúc, nào nhân quả, nói toàn những mối dị đoan, làm cho lòng người mê tín mà không ích cho sự thật, cho nên đạo Nho phải bác đi, không cho là chính đạo” (tr.172). Đến đây thì chúng ta đã hiểu cái khí văn của PKB; đó là vì sao một nhà nho khoa bảng như ông lại có những hiểu biết quá ư sai lạc về Phật học như thế?
Đánh giá trong phần viết về Phật giáo của PKB, nhà nghiên cứu Đào Nguyên đã phải hạ bút viết như thế này (xin trích): “Chứng tỏ ông PKB đã không hiểu gì về Phật giáo, mà cũng chẳng hiểu gì về triết lý, triết học! Những câu hỏi hàng đầu của triết học cổ kim Đông - Tây về con người: Con người từ đâu sinh ra? Vì sao trong xã hội loài người có kẻ sang người hèn, kẻ thọ người yểu, kẻ đẹp người xấu, kẻ thiện người ác?... Các cụm từ triết lý nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, họa phúc của Phật giáo là những nỗ lực lớn trong giáo lý kinh điển đã góp phần giải đáp các câu hỏi lớn mà loài người có được nếu không có Phật giáo ra đời. Khi hiểu rõ được các tôn giáo, học thuyết thì mới cầm bút viết về nó. Chân lý đơn giản như vậy mà PKB cũng không hiểu. Tệ hơn nữa, ông lại rơi vào hàng nho sĩ cố chấp, chỉ biết và cho mỗi một đạo mình là chính! Rất tiếc là PKB đã không đọc Kiến Văn Tiểu Lục, để thấy được Lê Quý Đôn đã biện chính (tức là nói về cái sai kiến chấp của nho giáo) rất đầy đủ trong sách này và đã cho hạng Nho sĩ thiển cận đó là hẹp hòi”.
Nhận diện đôi nét về (Nho Phật Đạo)
Trong “Việt Nam phong tục” PKB đã dành ra 12 trang để viết về Tam giáo.
Với cái nhìn biên kiến (chấp trước) dễ gì PKB thấu tỏ được tam giáo (vốn trộn lẫn tín ngưỡng) để dễ nhìn nhận phân tích; còn về thực chất Phật giáo không phải là học thuyết, không phải triết học mà là bao trùm.
Về Nho giáo: Từ thời Xuân Thu trở đi, nhờ có Khổng Tử đem phát huy ra làm thành một học thuyết có tông chỉ rõ ràng, có hệ thống phân minh, cho nên về sau nói Khổng giáo tức là nói Nho giáo.
Nho giáo lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín mà (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Học để ra làm quan thực hiện mong muốn danh lợi. Thỏa mãn mơ ước bản ngã (theo Phật giáo). Vua tôi được xác lập: Vua Thiên tử (con trời); bề dưới (tôi dân) thảo cỏ. Cương vực của nho giáo là thống lĩnh, thống trị (ý vua là ý trời). Khi vua tôi đồng thuận thì hưng vượng thịnh trị; khi vì danh lợi dã tâm (xấu ác) thoán ngôi đoạt vị thì sụp đổ suy vong. Gương mặt nho giáo được thể hiện rõ nhất vai trò của mình là thời kỳ quân chủ tập quyền.
Cũng trong thời kỳ lịch sử và hoàn cảnh này: Lão Đam, tức Lão Tử đọc hết kho sách nhà Chu, thấu hiểu được những bất bình đẳng (nếu không muốn nói là sự tàn bạo đẫm máu khốc liệt) của Nho giáo qua cảnh (vua- tôi loạn nghịch) tranh ngôi đoạt vị hà khắc của (đám nho gia tập quyền). Lão Tử muốn thoát Nho lập Đạo, tức là Thuyết Vô vi do Lão Tử sáng lập; trên cơ sở (tu tập) và vận dụng lý luận dựa vào lý khí âm dương, phong thủy của vũ trụ để xiển dương cái huyền bí của Đại cục và làm lên cái trí thấu nhiếp vô vi bằng việc câu thông giữa vũ trụ - con người và tạo vật. Chính vì “xả dật” tức xả cái phóng cuồng nhiễm ô của con người để tìm “chân” - cái tĩnh lặng (bản nhiên của tạo hóa - hư vô). Lão Tử đã rào vườn rấp ngõ (tuyệt giao) với hội chúng (con người) để tìm hiểu tận cùng học thuyết vô vi này; với câu nói tổng quát trong (Sách Đạo đức kinh gồm 5 nghìn từ) đó là câu nói “Làm mà chẳng phải làm mới là làm” câu nói này vừa như có ý nghĩa thâu tóm vừa như là sự (phá chấp) đối với nho giáo độc tôn. Thuyết vô vi này ra đời và sau này người ta gọi đây là Đạo vô vi Lão Tử. Như vậy, ở Trung Hoa có hai chủ thuyết ra đời đó là Nho giáo và Đạo giáo. Nho giáo “lãnh tụ” là Khổng Tử, Đạo giáo là Lão Tử.
Thuyết Vô vi của Lão Tử đã bứt bỏ dần (cơm áo danh lợi) những mong vượt qua Nho giáo (kiến chấp bảo thủ cực đoan) để tiến gần hơn (xin nhắc lại là tiến gần hơn) với Bát nhã tâm kinh của Phật giáo. Tại sao người viết nói tiến gần hơn, chứ chưa chạm tới được chữ “Không” diệu hữu của Phật giáo. Bởi Trang Tử cũng là đại biểu lớn của thuyết vô vi người (Trung Hoa) khi đi sâu vào thuyết này cũng không đủ “tuệ tri” để hiểu đâu là “sắc”, đâu là “không” khi mà thực thể thân tâm con người đan bện vào nhau (nếu không có giáo lý kinh điển đạo Phật kiến giải) Bởi vậy, mà tư tưởng của thuyết vô vi không bứt lên được để khai phóng (giải thoát) khỏi kiếp nhân sinh vốn khổ đau này. Trước bế tắc này, (Trang Tử) đã phải than rằng “Nếu không có cái Thân này” nghĩa là còn vướng cái thân thô phàm của (bệnh nghiệp) này mà chẳng thấy được cái tế vi vận hành theo giáo lý duyên sinh của Phật giáo. Để rộng đường tìm hiểu so sánh về nguyên lý hay còn gọi là lý lẽ của Thuyết vô vi giữa đạo Phật và Đạo giáo (Lão Tử) chúng cùng tìm hiểu khái niệm vô vi của hai đạo này.
- Đạo Lão có khái niệm vô vi: “Lão Tử chỉ dạy cho môn đệ của mình nên sống theo tự nhiên, thuận theo tự nhiên không làm gì can thiệp vào tự nhiên. Lão Tử chủ trương người cầm quyền trong nước nếu thực hiện đạo lý vô vi thì đất nước sẽ thịnh trị.
Còn khái niệm vô vi của Phật giáo thì có khác hơn. Vô vi là dịch từ chữ (a samskrta) của tiếng Phạn có nghĩa là không tạo tác, chỉ cho pháp lành thường trụ không có nhân duyên tạo tác, không có sinh diệt bất hoại, khác với pháp hữu vi là pháp do nhân duyên tạo tác, có sinh diệt bất hoại; nên pháp vô vi chính là một tên khác của Niết bàn. Trong Lục độ kinh - truyện 81 của Phật giáo định nghĩa từ vô vi như sau: “Cẩn thận không kiêu ngạo, là hạnh của học sĩ, bỏ lòng dơ ân ái, không lấm bụi bặm của sáu tình, không để các ái nhỏ như tơ tóc che dấu trong lòng mình thì các niệm lắng diệt, đó là vô vi”.
Cuốn sách Việt Nam phong tục của PKB là một trong những quyển sách được tái bản nhiều lần có thể vì mảng sách phong tục ít có trên thị trường, nhu cầu của người đọc cần tìm hiểu phong tục là một nhu cầu thực tế đáng quý trọng trong xã hội.
Mong rằng những lần tái bản sau, quyển sách sẽ được biên tập và khắc phục những sai lầm của tác giả PKB về Phật giáo.
Tác giả: Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2020
Bình luận (0)