Con người bị nhất niệm vô minh chi phối mà tự chẳng biết, suốt ngày mừng giận buồn vui biến hóa không chừng, nên nhà triết học Đông Phương nói: “Con người ứng dụng hằng ngày mà chẳng tự biết.” Thiền sư Thích Duy Lực giải thích: Nhất niệm vô minh: từ nguồn gốc vô thủy vô minh (cũng là chỗ vô niệm của bộ óc) khởi lên một niệm gọi là nhất niệm vô minh. Vô thủy vô minh: nguồn gốc phát sinh ra ý thức phân biệt sai lầm gây tai hại từ lâu đời. Cũng là chỗ mịt mù đen tối. Thiền sư Nguyệt Khuê khai thị: Vô thủy vô minh với nhất niệm vô minh tức là tương đối, tức là đại diện cho Vô và Hữu. Một là thể một là dụng, một là tịnh một là động, từ thể khởi dụng tức là nhất niệm vô minh, tức dụng quy thể là vô thủy vô minh, thay phiên tuần hoàn, có sinh có diệt, chẳng phải bản thể tuyệt đối cuối cùng, bản thể tuyệt đối là bất sinh bất diệt phi động phi tịnh. Cái lầm nhận cảnh giới vô thủy vô minh cho là bản thể tuyệt đối cuối cùng này Phật Thích Ca gọi nó là Không Chấp. Cần phải đả phá không chấp này mới có thể đạt tới bản thể tuyệt đối cuối cùng tức là chân như Phật tính. Cái phương đả phá không chấp này chẳng phải Lý Luận mà là Thực Chứng (cần phải tham cứu Tổ Sư Thiền mới có thể thực chứng được). Có vô thủy vô minh rồi mới có nhất niệm vô minh cho nên vô thủy vô minh với nhất niệm vô minh là tương đối, có niệm thứ nhất thì có niệm thứ nhì, có niệm thứ ba..., cho đến cái niệm vô cùng vô tận, nghĩa là từ tương đối sinh ra vô số tương đối. Cho nên tương đối là chẳng thể cùng tận, không có chỗ dứt, chẳng thể truy cứu như cái vòng tròn chẳng có đầu mối nên gọi là luân hồi. Con người hễ sinh ra tức là tương đối, có da trắng, da đen, da vàng, da đỏ... do đó sinh khởi nhiều mâu thuẫn và phiền não, nghĩa là con người sinh ra thì phải chịu đựng cái vận mạng bi thảm vậy. Cái ngã của triết học Tây Phương tức là nhất niệm vô minh của Phật pháp, cái vô ngã của triết học Tây Phương tức là vô thủy vô minh của Phật pháp. Nhất niệm vô minh bắt đầu tức là tự ngã bắt đầu, khi nhất niệm vô minh trở về cảnh giới vô thủy vô minh tức là vô ngã vậy. Lúc vô thủy vô minh bị kích thích mà tái phát nhất niệm vô minh nghĩa là từ cảnh giới vô ngã té trở lại cảnh giới ngã vậy. Ngã và vô ngã là tương đối, thay phiên nhau không chừng cho nên chẳng phải thực tại của tuyệt đối. Mục đích của Triết học Tây Phương ở nơi truy cứu lý, tìm hiểu biết nên không chịu lìa nhất niệm vô minh, tại vì hễ vào phạm vi vô thủy vô minh thì cảm thấy mênh mông trống rỗng chẳng có lý gì để truy cứu chẳng có điều hiểu biết gì để tìm, trái với mục đích của họ. Nên nhà triết học Tây phương từ xưa nay chưa ai tiến vào cảnh giới vô thủy vô minh, không vào cảnh giới vô thủy vô minh thì chẳng thể phá vỡ không chấp cũng chẳng thể tiến vào tuyệt đối. Mục đích của nhà triết học Tây phương là cứu lý tìm hiểu mà mục đích của người tu trì Phật pháp ở nơi liễu sinh thoát tử. Triết học Tây Phương chú trọng lý luận mà Phật pháp thì chú trọng thực tiễn nghĩa là từ nhất niệm vô minh tiến thẳng đến tuyệt đối. Các thứ học thuyết của khoa học Triết học tung ra đủ thứ đủ loại, bề ngoài so với Phật pháp hình như phong phú hơn, nhưng đều thuộc về chân lý tương đối, chẳng ai đạt đến tuyệt đối, vì bản thân của nhất niệm vô minh chính là tương đối vậy. Phật pháp vì xét thấy nhất niệm vô minh hư huyễn chẳng thật nên siêu việt nhất niệm vô minh thẳng vào giai đoạn vô thủy vô minh rồi lại phủ định giai đoạn vô thủy vô minh để đạt đến bản thể tuyệt đối cho nên nhà Phật rất chú trọng phương pháp thực hành. Có người cho rằng người lý trí nhiều chừng nào thì lìa khỏi sự thực nhiều chừng nấy, đúng “logic” nhiều chừng nào thì phản bội tự nhiên nhiều chừng nấy. Nhận định này hợp với nguyên tắc của tương đối, do đó có người chủ trương dùng trực giác, tưởng làm như thế thì có thể gần với chân thật. Kỳ thật trực giác và lý trí cùng ở trong phạm vi nhất niệm vô minh, trực giác mặc dù gần với nguyên thủy của nhất niệm vô minh hơn nhưng vẫn chẳng thể tiến vào tuyệt đối. Giữa trực giác và tuyệt đối còn có một khoảng sa mạc mênh mông ngăn cách, trực giác không cách nào thông qua được. Piere Joseph Proudhon (1809- 1865), chính trị gia người Pháp nói: “Tài sản tức là tang vật.” Tôi thì nói: “Tư tưởng tức là tang vật”, vì nó làm ô nhiễm tự tính, nó là tang vật của tự tính trong sạch. Hỡi con người đáng thương xót kia! Tại sao ông lấy tang vật của ông mà tự hào vậy? Những đồ ô uế, hôi thối khắp trời kia, con ruồi đáng thương xót kia sao ông vĩnh viễn không muốn lìa khỏi nó, cho đến mất cả sinh mạng mà cũng không chịu lìa! Ông muốn nhận thức nhất niệm vô minh chăng? Nay tôi giải thích thêm để ông dễ hiểu hơn: Khi ông an lạc thì nó gọi là an lạc, khi ông thống khổ thì nó gọi là thống khổ, khi ông bi ai thì nó gọi là bi ai, khi ông phẫn nộ thì nó gọi là phẫn nộ, khi ông yêu thì nó gọi là yêu, khi ông ghét thì nó gọi là ghét, khi ông tham thì nó gọi là tham, khi ông sân thì nó gọi là sân, khi ông si thì nó gọi là si, khi ông cảm thấy hạnh phúc thì nó gọi là hạnh phúc, khi ông cảm thấy tội lỗi thì nó gọi là tội lỗi, khi ông..., nói tóm lại tất cả đều là hóa thân của nhất niệm vô minh. Nhất niệm vô minh biến hóa vô thường đều là tương đối, cho nên những hóa thân của nó cũng là tương đối. Con người bị nhất niệm vô minh chi phối mà tự chẳng biết, suốt ngày mừng giận buồn vui biến hóa không chừng, nên nhà triết học Đông Phương nói: “Con người ứng dụng hằng ngày mà chẳng tự biết.” Thêm nữa, nhất niệmvô minh là do một niệm bắt đầu mà phát triển thành vũ trụ phức tạp của tương đối bao gồm sinh mạng, tư tưởng, cảm giác, dục vọng, ý chí, đạo đức, nhân nghĩa... Nó hiện diện khắp không gian thời gian, không chỗ nào lúc nào mà không có nó, cho đến khi nó trở về vô thủy vô minh mới tạm ngưng hết lại. Đến đây chỉ cần đả phá vô thủy vô minh để tiến vào tuyệt đối mà thôi. Từ xưa đến nay, tất cả các nhà triết học chưa từng có người nào bước đến cửa tuyệt đối, lại chú ý những việc tương đối như thị phi, thiện ác, quá khứ vị lai, sinh trưởng hủy diệt, quyền lực sinh mạng.., kết quả chẳng có một món nào chẳng bị chìm đắm nơi biển cả tương đối, theo Phật nhãn (1) mà xem xét ấy là ngu dại đáng thương xót biết bao! Cái hiệu quả của tư tưởng cảm giác chẳng qua là một phê phán điên đảo và trong “mở mắt chiêm bao” (2), do họ hôn mê và hiểu lầm làm cho cả loài người đều lọt vào vận mạng bi thảm. Bởi vì khổ với vui là tương đối chẳng thể phân chia, ví như trên mặt người có thể hiện ra hào quang vui vẻ cũng có thể đắp lên đám mây u sầu bi thảm. Hai cái buồn vui liên kết với nhau cho nên ai muốn được an vui tối cao ắt phải chuẩn bị lãnh thọ thống khổ tối cao, trái lại kẻ đã chịu đựng thống khổ nhiều nhất thì có thể cảm giác đến sự an vui nhiều nhất, bởi vì an vui và thống khổ đối đãi lẫn nhau, chẳng có thống khổ thì an vui cũng chẳng thể thành lập. Kỳ thật, khổ vui đều là hóa thân của nhất niệm vô minh, nhất niệm vô minh ẩn giấu nơi hầm sâu của vô thủy vô minh tức là cái kho tàng bí mật thâm sâu của A Lại Da Thức (3). Khi nhất niệm vô minh chạy ra khỏi cửa bí mật đó liền biến thành những thứ tình cảm mừng giận buồn vui mỗi mỗi chẳng đồng chen vào tâm trí của ông để chi phối ông, lúc ấy ông đã thành một người múa rối rồi. Nếu ông không chịu làm người múa rối thì phải lợi dụng trí Bát Nhã (tham Thoại đầu) (4) theo sát dấu chân của nhất niệm vô minh, tìm đến chỗ ẩn thân của nó là hầm sâu vô thủy vô minh để phá hủy ngay thì màn đen của vô thủy vô minh được mở ra, sợi dây khống chế người múa rối được cắt đứt, bổn lai diện mục liền xuất hiện, lúc ấy tất cả mừng giận buồn vui đều biến thành tuyệt đối của Phật tính, tất cả đều do bản năng tuyệt đối tự mình làm chủ. Tác giả: Vân Tuyền Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 11/2018
CHÚ THÍCH: 1. Phật nhãn: chiếu soi cùng khắp không gian thời gian không có chỗ nào lúc nào thiếu sót. 2. Mở mắt chiêm bao: lúc ngủ chỉ một mình thức thứ 6 (ý thức) hoạt động hiện ra cảnh giới chiêm bao gọi là “nhắm mắt chiêm bao”. Lúc thức tỉnh thì thức thứ 6 cùng với tiền ngũ thức (gồm nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức) đồng thời hoạt động hiện ra cảnh giới cuộc sống hàng ngày đều gọi là ở trong “mở mắt chiêm bao”. Nhắm mắt chiêm bao thì sau khi ngủ đủ rồi sẽ tự động thức tỉnh, còn mở mắt chiêm bao thì không bao giờ tự động thức tỉnh được, phải tham thiền đến kiến tính mới được thức tỉnh, cũng gọi là giác ngộ. 3. A-Lại-Da-Thức: cũng gọi là thức thứ 8 hay Tạng Thức (Tạng là kho chứa) chuyên chứa các thứ chủng tử của vạn sự vạn vật. 4. Tham thoại đầu: Thoại là lời nói, khi chưa nổi niệm muốn nói là thoại đầu, nếu đã nổi niệm muốn nói dù chưa nói ra miệng cũng là thoại vĩ rồi. Như vậy thoại đầu tức là khi một niệm chưa sinh. Tham là nghi, nghi là không hiểu không biết. Nếu một việc gì đã hiểu biết rồi thì hết nghi, hết nghi tức là không có tham.Vậy tham thoại đầu tức là nhìn ngay chỗ một niệm chưa sinh, không biết đó là cái gì, Thiền Tông gọi là nghi tình, có nghi tình mới được gọi là tham thoạI đầu. Do nghi tình này đưa đến chỗ giác ngộ gọi là kiến tính thành Phật. Trích Trong Đại Thừa Tuyệt Đối Luận - Thiền Sư Nguyệt Khuê (Thiền sư Thích Duy Lực Việt dịch) Suy nghĩ, lời nói, văn tự cùng xuất phát từ nhất niệm vô minh. Khi một niệm chưa động, tịch nhiên trống rỗng, chẳng có tư tưởng cảm giác, dĩ nhiên cũng chẳng lời nói văn tự, đây gọi là vô thỉ vô minh. Khi vô thỉ vô minh bị kích thích, một niệm đã động, suy nghĩ liền sinh. Do suy nghĩ có lời nói, do lời nói mà lập văn tự, suy nghĩ là lời nói chẳng có tiếng, lời nói là suy nghĩ có tiếng, văn tự là nói có hình, lời nói là văn tự vô hình, cả ba đều gom trong chữ “tên gọi”. Nhiếp Đại Thừa Luận nói: “Tên gọi” có hai thứ, một là tên gọi ngôn thuyết, hai là tên gọi suy tư. Triết gia Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) cũng nói “Tư tưởng là nói bên trong”, Lâm Tế thiền sư nói: “Tên gọi chẳng tự là tên gọi, chỉ do trước mắt ngươi cho là cái linh thiêng của kiến văn giác tri chiếu soi ấy, gắn cho tất cả tên gọi”. Nhưng cả ba đều khởi từ nhất niệm vô minh, nhất niệm vô minh có sinh có diệt, biến đổi vô thường, tên gọi văn tự cũng theo đó biến đổi vô thường. Vô thường thuộc tương đối, Phật tính thuộc tuyệt đối, tương đối chẳng thể hiển bày tuyệt đối, nên tuyệt đối của Phật tính chỉ có thể tự tu tự chứng mới có thể nhận biết được, chẳng thể dùng văn tự diễn tả, cũng chẳng thể dùng bộ não suy lường. Kinh Lăng Già nói: “Đệ nhất nghĩa (Phật tính tuyệt đối) là sở đắc của Thánh trí tự đắc, chẳng phải cảnh giới cảm giác của vọng tưởng ngôn thuyết, cho nên vọng tưởng chẳng thể hiển bày Đệ nhất nghĩa. Ngôn thuyết sinh diệt lay động do nhân duyên tương sinh với nhau, vì do nhân duyên tương sinh với nhau nên chẳng thể hiển bày Đệ nhất nghĩa”. Trích trong Cội Nguồn Truyền Thừa và Phương Pháp Tu Trì Của Thiền Tông - Thiền sư Nguyệt Khuê Thiền sư Thích Duy Lực Việt dịch).