HVCH Lưu Hồng Hoa - Thượng toạ TS Hạnh Tuệ
-
1. Dẫn nhập
Lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng cho chúng ta thấy rõ Phật giáo Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong tiến trình khai quốc, lập quốc, định quốc, vệ quốc và kiến quốc của dân tộc trong suốt tiến trình lịch sử hơn 2000 năm qua.
Phật giáo đã được bản địa hóa và liên tục được bản địa hóa trở thành một phần tinh thần quan trọng của người Việt, vận mệnh của Phật giáo gắn liền với vận mệnh của dận tộc.
Trải qua 715 năm với nhiều sự biến thiên thăng trầm của lịch sử, sức sống mãnh liệt tinh hoa tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm nói chung, triết thuyết “Cư trần lạc đạo” của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử nói riêng vẫn đang có sức mạnh tác động không nhỏ đến nhiều mặt của đời sống xã hội Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Ôn cố nhi tri tân để thấy được cơ sở lý luận hình thành triết thuyết của các nhà tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm cũng như tính ứng dụng của triết thuyết đã tạo thành một quan điểm sống, minh triết sống của một bộ phận người Việt, nhất là bộ phận tri thức có khuynh hướng Phật giáo dân tộc, trở thành chủ trương - đường lối - mục tiêu trên hành trình xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, viết tiếp truyền thống đại đoàn kết, xây dựng lối sống an lành hạnh phúc toàn dân, sánh vai cùng các cường quốc năm châu trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Theo lý duyên khởi của tư tưởng Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Viên Giác, Pháp Hoa thì mỗi cá nhân không thể tự tồn tại độc lập mà không có sự liên hệ tương tức, trùng trùng duyên khởi với con người, mọi thứ xung quanh, nhất là trong giai đoạn cả nước đang xây dựng và phát triển trên mọi lĩnh vực thì lại càng có mối liên hệ mật thiết. Vì vậy, các đại sư tiền bối Thiền phái Trúc Lâm chủ trương bổ sung thêm một số quan điểm đúc kết từ tư tưởng Phật giáo Đại thừa để làm cơ sở lý luận tạo tiền đề hình thành triết thuyết “Cư trần lạc đạo” phục vụ cho đường lối hoạt động của thiền phái, góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước Đại Việt ta.
Triết thuyết “Cư trần lạc đạo” trở thành hệ thống lý luận phổ quát cho những người lãnh đạo quốc gia Đại Việt từ đó và trở về sau và có tầm nhìn về dân tộc, đất nước, về xã hội cũng như con người mình trong mối tương quan tương duyên với đất nước, xã hội.
2. Các nhà tư tưởng tiêu biểu của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử
Căn cứ vào Tam Tổ thực lục, Tam Tổ hành trạng, Thiền tông bản hạnh, Thánh đăng lục…thì quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Trúc Lâm có một bề dày lịch sử đáng kể.
Trong đó, Các vị đại sư truyền thống Yên Tử như thiền sư Thường Chiếu, thiền sư Hiện Quang, Quốc sư Trúc Lâm, Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Thánh Tông… là những người đặt nền móng tư tưởng cho sự ra đời của Thiền phái. Kế thừa và phát huy tiền đề đó, Sơ tổ Trần Nhân Tông là người đưa Phật giáo ra đời và hiện thực trong đời sống, kế thừa y bát là Nhị tổ Pháp Loa và Tam tổ Huyền Quang.
2.1. Thiền gia Hoàng đế Trần Thái Tông
Vua Trần Thái Tông là vị vua đầu tiên khai sáng ra triều đại nhà Trần, cũng là thiền gia đắc đạo. Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, ông đã thực thi ba chính sách lớn: Đầu tiên là tập trung đào tạo con người kiểu mẫu “làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai”, vào những năm 1227, 1232, 1236, 1239, 1247 và 1256 ông đã tổ chức các khoa thi Tam giáo để tuyển chọn người tham gia vào bộ máy nhà nước; hai là triển khai chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế phú cường, nhờ vậy đời sống của nhân dân được ấm no; ba là phát triển an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia lãnh thổ, ông đảm đương vai trò lãnh đạo toàn dân chống cuộc xâm lược của quân Mông Nguyên để bảo vệ nền độc lập tự chủ. Tất cả những gì ông làm cho đất nước đều thể hiện tinh thần hộ quốc an dân và hoằng dương chánh pháp.
Vua Trần Thái Tông vừa lo việc nước vừa nghiên cứu nội điển: “Trẫm lo việc chăm dân, mỗi lúc gian nan thường lăn lóc công việc, quên cả sớm chiều, công việc thì có hàng vạn thứ mà thì giờ nhãn rỗi không có được bao nhiêu. Siêng công việc, tiếc ngày giờ, trẫm cố học hành thêm, chữ nghĩa thì chưa biết được bao nhiêu cho nên ban đêm đến giờ khuya vẫn còn phải thức để đọc sách, học sách Nho rồi học kinh Phật”[1]. Cuộc đối đáp giữa Trần Thái Tông và Sa môn Trúc Lâm giúp vua hiểu được rằng giải thoát không phải tìm kiếm bên ngoài, khi người đã thấy tính thì lòng nhẹ nhàng như mây bay, an lạc ngay giữa chốn bụi trần. Thật vậy, lòng lặng chính là bản tâm bất sinh bất diệt của mỗi người, khi tâm không chạy theo cảnh vật ở bên ngoài đấy mới là tâm Phật. Nếu cứ chạy đông tây kiếm tìm thì ngày càng xa không bao giờ gặp được Phật.
Tinh thần nhập thế của Trần Thái Tông xuất phát từ lời dạy của Quốc Sư được tiếp nối truyền trao cho đến ngày hôm nay: “Phàm làm đấng quân vương, phải lấy ý muốn của Thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình”[2]. Đó là hạnh nguyện của một vị bồ tát dấn thân vì cứu độ muôn loài, đặt vận mệnh quốc gia xã tắc, đời sống của nhân dân lên hàng đầu.
Trần Thái Tông đã nói “Thân ta tức là thân Phật, không có hai tướng”.[3] Chính vì vậy mỗi người cần vượt qua “khách trần phiền não” để trở về với con người thật của mình sống theo tinh thần Thiền tông: “Không phân biệt là sống giữa đời hay ẩn dật trong rừng, không phân biệt là tại gia hay xuất gia, tăng hay tục, chỉ cốt biện tâm”[4] để cùng nhau tu tập và xử lí các vấn đề cá nhân, quốc gia, dân tộc thật chu toàn như đã chủ trương.
Mục đích xây dựng mỗi một người dân Đại Việt độc lập tự chủ cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời cũng là một con người có định lực trí tuệ từ bi nhân ái, giác ngộ chân lí ngay giữa cõi đời này.
2.2. Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung (1230-1291)
Tuệ Trung Thượng sĩ - thầy Trần Nhân Tông, không những là một bậc cư sĩ đạt đạo ngay trong đời sống gia đình mà còn là nhà thiền học thông tuệ bậc nhất của Phật giáo thời Trần. Ông còn có công với nước trong hai cuộc chiến tranh Nguyên Mông.
“Hòa quang đồng trần” là một trong những tư tưởng nổi bật của Tuệ Trung Thượng sĩ, người Phật tử phải dấn thân để kiến tạo một đời sống hạnh phúc, sáng tươi, hòa nhập vào toàn dân tộc và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, mỗi cá nhân không thể tách rời cộng đồng và không thể buông bỏ cuộc đời. Chính là dấn thân không còn vướng mắc vào ngũ giục thế gian, đó cũng là tinh thần Tùy tục của Thiền sư Thường Chiếu. Nếp sống thiền không còn chỉ giới hạn trong khuôn viên nhà chùa, mà tự tại ở muôn nơi, ngay trên chiến trường bảo vệ đất nước.
2.3. Thiền gia Hoàng đế Trần Thánh Tông (1240-1290)
Ông đã cùng với Trần Nhân Tông lãnh đạo thành công hai cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1285 và 1288, kiến thiết quốc gia, thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo nhưng kiên định độc lập chủ quyền.
Nếp sống thiền tùy duyên tùy tục, ông hiện thực hóa đời sống Phật giáo qua các chính sách xây dựng đời sống hạnh phúc thực tại, xây dựng nguồn nhân lực lấy trí tuệ và đức hạnh làm gốc để tuyển người tài đức vào bộ máy lãnh đạo.
Tinh thần hộ quốc an dân còn được thực thi “Tuy bên ngoài là cả thiên hạ vâng phục một người tôn quý, nhưng bên trong thì ta cùng các anh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui”[5]. Điều đó có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc kêu gọi mọi người tùy theo khả năng và hoàn cảnh mà góp phần kiến tạo một đất nước hạnh phúc, thanh bình hưng thịnh, độc lập tự chủ trên mọi phương diện từ kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng mà ngày nay diễn đạt là một đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc.
2.4. Sơ tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308)
Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị vua suốt đời lo cho dân, cho nước, thân dân, gần dân, khoan thứ với dân được vận dụng trong lúc nước nhà có chiến tranh cũng như trong thời bình. Ông đã đập tan mưu đồ xâm lược của đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh xây dựng nền hòa bình cho đất nước và các quốc gia láng giềng.
Ý thức độc lập tự chủ còn được thể hiện ở quyết tâm thực thi tâm nguyện của ông nội Thái Tông và cha Thánh Tông cùng với vị thầy Tuệ Trung Thượng sĩ đứng ra thành lập Thiền phái Trúc Lâm và tổ chức một giáo hội thống nhất, khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc, nhất trí toàn thể nhân dân. Mọi chủ trương đường lối sinh hoạt của Thiền phái đều mục đích chung là đạo pháp và dân tộc. Thiền phái Trúc Lâm mang bản sắc ý thức hệ của dân tộc Đại Việt, làm hạt nhân liên kết các thành phần trong xã hội để xây dựng và phát triển đất nước. Ông từng “đi khắp các chốn thôn quê, trừ bỏ dâm từ và dạy dân thực hành thập thiện” [6], khi đạo đức con người được hoàn thiện thì đất nước mới hưng thịnh và bền vững. Triết lý mà Trần Nhân Tông sử dụng là giáo lý mười điều thiện, giữ gìn ngũ giới. Triết lý này được Phật hoàng khai thác trên cơ sở con người và tâm là Phật là chủ yếu. Tâm là Phật, Phật là Tâm chính là cơ bản cho mọi lý luận, hành động và thực chứng.
Thiền phái Trúc Lâm đã đồng hành cùng dân tộc, tạo ra bản sắc Thiền tông Đại Việt và tác động mạnh mẽ tới đời sống chính trị văn hóa xã hội nước nhà “Tinh thần của Thiền học Trúc Lâm là thiền học dân tộc, nghĩa là một mặt không ngừng phát triển tận cùng khả năng giác ngộ giải thoát để vươn lên đỉnh cao của con người: giác ngộ giải thoát hoàn toàn; mặt khác, không ngừng tích cực, xây dựng an lành cho chúng sinh bằng cách trước hết phục vụ đất nước, dân tộc những người gần mình và có ân nghĩa đối với cuộc sống của mình” [7] Khi tinh hoa đạo Phật được đưa vào thực tế để thực nghiệm có kết quả tích cực, thì khi đó đạo mới hoàn thành được ý nghĩa cao cả của nó. Giáo lý đạo và đời còn được thể hiện qua việc thống nhất của các tông phái đương thời lúc bấy giờ, việc thống nhất tư tưởng, tinh thần và đạo đã chi phối tới đời sống xã hội của nhân dân, độc lập tự chủ, góp phần cố kết lòng dân, tạo sức mạnh tổng hợp, tạo nên bản sắc văn hóa Đại Việt, chiến công oanh liệt với 3 lần đại thắng Nguyên Mông. Vua chúa không thể chỉ ngồi trên ngai vàng và sống trong cung điện hoàng thành, khi giặc xâm lăng đã sống cùng nỗi lo của nhân dân, thao thức cho sự nghiệp dân tộc, leo lên yên ngựa đánh tan quân xâm lược, đúng với lời khuyên của Quốc sư Viên chứng:
"Phàm là bậc lãnh nhân quân tất phải lấy ý nguyện của thiên hạ làm ý nguyện của mình, phải lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ đều muốn cung nghinh nhà vua về cung, ngài đâu có thể bỏ mặc mà không về? Nhưng có điều là việc nghiên cứu giáo điển nhà Phật xin nhà vua đừng bao giờ xao lãng"[8]. Muốn nhập thế thì phải hiểu đạo, hiểu đời, hiểu người, hiểu mình, từ đó mới có trách nhiệm với đạo, với đời, với đất nước.
3. Tinh hoa triết thuyết Cư trần lạc đạo
Các sử gia nhà nghiên cứu đều công nhận dù “thiên hạ Lý Trần bán vi tăng” (Thiên hạ thời Lý Trần một nửa là tăng chúng), thế mà dất nước chúng ta không yếu thế kém hèn, mà phát triển mạnh mẽ về các phương diện của đời sống chính trị xã hội.
Và từ khi bài phú “Cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông ra đời, cùng với sự hưng thịnh huy hoàng của dân tộc Đai Việt, của Thiền phái Trúc Lâm, thì sức lan tỏa của quan điểm sống này ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội Đại Việt.
“Cư trần lạc đạo” là tên gọi của hệ tư tưởng đỉnh cao của nền Phật giáo Việt Nam do sơ tổ Trần Nhân Tông đúc kết bằng một áng văn Nôm có tên gọi là Cư trần lạc đạo phú, viết theo thể phú gồm 10 hội, nói về tư tưởng thiền: ở đời mà vui với đạo. Đây được coi là bản tuyên ngôn của con đường sống đạo mà Phật giáo Đại Việt đã đề ra và chi phối toàn bộ tư tưởng cuộc sống của người dân lúc bấy giờ:
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên (Cư trần vui đạo hãy tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch Báu sẵn trong nhà, thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.” Vô tâm trước cảnh, hỏi gì thiền)[9]
Tự tin tâm mình là Phật, Phật ở trong lòng, ai cũng có khả năng thành Phật, phát huy tiềm năng sức mạnh trí tuệ mỗi người, không ỷ lại, bám víu hay dựa dẫm vào bất cứu thứ gì; hòa quang đồng trần, tùy duyên tùy tục, nhập thế cứu đời hộ quốc an dân; Cư trần lạc đạo, từ bi bình đẳng, dung hợp các hệ tư tưởng Phật – Đạo – Nho và tín ngưỡng dân gian bản địa; dung hợp các tông phái Phật giáo như Thiền, Giáo, Tịnh, Mật, Luật; dung hợp thống nhất các thiền phái Tăng hội, Tì ni đa lưu chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường là tinh hoa tư tưởng Trúc Lâm Yên Tử. Trong đó tinh thần từ bi dung hợp và triết thuyết Cư trần lạc đạo là hạt nhân có vai trò và ý nghĩa quan trọng nhất góp phần làm nên sức mạnh của Phật giáo và dân tộc Đại Việt thời Trần
4. Ứng dụng triết thuyết Cư trần lạc đạo vào việc xây dựng lối sống hạnh phúc tích cực, đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ đất nước
Chúng ta được thừa hưởng gia sản quý báu của tổ tiên, không lý do gì không bảo lưu, giữ gìn và phát huy những điều được răn dạy qua triết thuyết “Cư trần lạc đạo” – triết thuyết dành cho tất cả mọi bộ phận trong xã hội, chúng ta có thể quan sát suy nghiệm về cuộc đời, cống hiến của Trần Nhân Tông, để xác định hướng đi cho cuộc đời mình, chúng ta phải xây dựng một lối sống an lạc hạnh phúc, có giá trị bằng chính sự nỗ lực cố gắng, phát huy sức mạnh nội tại của chính mình.
Khi biết được triết thuyết “Cư trần lạc đạo”, thì nên vận dụng được vào trong cuộc sống công việc hàng ngày, xây dựng sự an lạc của bản thân trong từng phút giây được sống và sống một cuộc sống ý nghĩa. Dù bất kì cá nhân nào, ở độ tuổi nào, hoàn cảnh nào, làm công việc gì, học tập lĩnh vực nào, hiện tại đang phấn đấu ra sao, thì mục đích cuối cùng ở cuộc đời này là tìm được sự an lạc tự thân, không phải an lạc đến từ tiền tài, địa vị, danh vọng.
Nếu lĩnh hội triết thuyết “Cư trần lạc đạo” thì được coi như ta đang bước những bước chân đầu của thành công, có an lạc vững chãi nơi tự thân, thì gặp bất kì tai ương sóng gió nào ập tới ta cũng giữ được cốt cách nơi mình, dù ở trong hoàn cảnh xoay vần nào ta cũng có được định lực của bản thân.
Làm thế nào để “mình ở thành thị” mà lại có phong thái ung dung thong thả của người nơi núi đồi? Có phải như lời bài hát trên radio vang lên là “Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau, cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau” không? Khi có chính niệm sâu sắc, khi có niệm đủ lớn trong mọi sinh hoạt hàng ngày, đưa hơi thở sâu vào từng hành động của bản thân đi, đứng, nằm, ngồi, ta sẽ hành xử ung dung tự tại giữa đời sống phố thị dù huyên áo tấp nập, khi nội công thâm hậu thì có thể an lạc bất cứ lúc nào, sống một phút thì sẽ an lạc một phút, cho tới một giờ một ngày, tháng năm, an lạc luôn hiện hữu trong ta.
Ta không bị ràng buộc, dính mắc vào hoàn cảnh, không kẹt vào, chi phối bởi sự ồn ào hay tĩnh lặng. Lúc này là lúc cần biết và thực hành thiền ăn, thiền uống, thiền đi, thiền ngồi, thiền rửa bát, thiền ôm, thiền buông thư, thiền đánh răng, thiền rửa mặt, thiền nghe điện thoại, thiền nấu ăn,… để đạt tới trạng thái an lạc ngay bây giờ và ở đây:“Hành diệc thiền, Tọa diệc thiền; Nhất đóa hồng lô hỏa lý liên, Một ý khí thì thiêm ý khí, Đắc an tiện xứ thả an tiên” (Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền; một đóa hoa sen trong lò lửa hồng, khi không có ý khí thì tăng thêm ý khí, được nơi an định hãy cứ an định).[10] Ta không đợi tới lúc đỗ đại học ta mới an, đợi tới lúc tốt nghiệp có việc làm ta mới lạc, đợi tới lúc ta kết hôn, sinh con ta mới vui, đợi tới lúc ta thành công ta mới có quyền được hoan hỉ. Nếu vậy, tâm ta sẽ xoay tròn theo hoàn cảnh, không đủ sức lực để đối mặt với những điều bất như ý.
Sự ra đời Thiền phái Trúc Lâm trên cơ sở hợp nhất các dòng thiền Tăng Hội, Pháp Vân, Kiến Sơ và Thảo Đường, hình thành Giáo hội Trúc Lâm của nền Phật giáo nhất tông đã minh chứng cho chủ trương xây dựng một nền Phật giáo “Cư trần lạc đạo” mà các nhà lãnh đạo quốc gia cũng là lãnh đạo Phật giáo. Dung hợp Nho - Phật - Lão, không bài trừ, kì thị bất kì tôn giáo nào, quý trọng nhân tài, dung hòa các tầng lớp trí thức, tạo điều kiện để cho quốc gia cường thịnh.
Các vua Thái Tông, Thánh Tông, và Nhân Tông vừa là một vị nguyên thủ quốc gia, vừa là một nhà lãnh đạo tinh thần, những thiền sư, thiền gia thông đạt. Họ là những nhà chính trị xuất chúng, đồng thời cũng là những nhà đạo đức gương mẫu. Họ vừa có kiến thức thế học vững chắc lại vừa có trình độ Phật học uyên thâm. Họ dùng đạo Phật để phục vụ cho mục đích chính trị, nhưng đó là một nền chính trị nhân bản, lấy con người làm trung tâm. “Đói ăn, mệt ngủ” không phải là một vấn đề cá nhân, mà còn là nỗi trăn trở của người chính trị, người lãnh đạo đất nước đó là lo cho cái ăn, giấc ngủ của nhân dân, nhu cầu cơ bản của con người, làm sao giảm tỉ lệ thất nghiệp, người vô gia cư một trong các căn nguyên của bất ổn và loạn lạc từ xưa tới giờ. Phải luôn đặt quyền lợi của dân lên trên quyền lợi của mình, dòng họ của mình.
Đức, Nhân, Hiếu là cái gốc của một con người, đối với người lãnh đạo đức tính ấy lại càng cần thiết để thu phục nhân tâm, khiến cho mọi người tin yêu, kính trọng và nể phục, nhờ đó mới xây dựng được một triều đại hùng cường và thịnh trị. Như Minh Giáo Tung trong Thiền Lâm Bảo Huấn có câu: “Tôn mạc tôn hồ đạo, Mỹ mạc mỹ hồ đức” (Ở đời không có gì cao bằng đạo, đẹp không gì đẹp bằng đức). Như lời Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trên chương trình thời sự VTV1 ngày 27/11/2020 phát biểu: “Đảng ta, các đồng chí cần gìn giữ được tâm trong sáng, mỗi người như thanh bảo kiếm liêm minh, nói là phải làm, có khi làm đúng mà không nói. Tham nhũng rất nguy hiểm nhưng chỉ là cái ngọn, gốc vẫn là đạo đức của con người. Nên cần trau dồi cái tâm đức thật trong sáng mới tốt.”
Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống. Khi con người chấp nhận quan điểm “Phật tại tâm” và thể nhập vào đời sống thì có thể hiểu và hành động theo bản tâm chân thật của chính mình, mục đích là đem lại các giá trị hạnh phúc cho chính mình và mọi người. Mọi người đều bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nam nữ, tôn giáo, tu hành, quý tộc hay viên chức nhà nước, vượt qua khỏi các mặc cảm và tự ti mà tích cực hoàn thiện bản thân và sẵn sàng đóng góp sức lực cho đời cho đạo góp phần thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030. Trọng tâm là giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, lý tưởng phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong thanh thiếu nhi. Đắp xây hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới trên nền tảng các giá trị cốt lõi tâm trong - trí sáng - hoài bão lớn”[11]. Người phật tử nên tùy duyên, tùy thuận vào mối liên hệ phân công của xã hội theo khả năng của mình mà thể hiện đời sống đạo bằng nhiều cách.
Nhờ có đời sống gương mẫu, các vua đời Trần đã cố kết được lòng người, khiến cho toàn dân đoàn kết, trên dưới một lòng, tinh thần đoàn kết giữa mọi người, nhất là ý thức gia đình, tình gia tộc keo sơn, tạo nên đoạn sử hiển hách của dân tộc trước lòng tham xâm lược của quân địch.
Tinh thần đoàn kết như lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời đã luôn chăm lo, vun trồng cho sự nghiệp đoàn kết toàn dân tộc “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Một giọt nước không thể đi ra tới biển khơi, nhưng nhiều giọt nước có thể tạo thành dòng sông đổ ra biển lớn. Một giọt nước không thể tạo thành một cơn mưa, nhưng nhiều giọt nước có thể tạo thành một áng mây. Mỗi cá thể sống trong xã hội, tương tác với mọi cá nhân khác để sinh sống, học tập, làm việc, tạo thành một sự gắn kết xã hội qua lại. Ngoài những nhu cầu của cá nhân mình, cần phải thấy rõ được mối tương quan tương duyên của bản thân mình với đất nước, xã hội, không chỉ ôm khư khư lối sống cho riêng mình. Mỗi người dân tự hoàn thiện bản thân, đóng góp cho gia đình và xã hội, trên hết tùy theo năng lực, tùy duyên tùy thời mà thực thi nhiệm vụ công dân do dân tộc, đất nước giao phó. Ai cũng có khả năng đóng góp tùy vào sức lực của mình, yêu nước là yêu đạo, yêu gia đình là yêu cha mẹ, bà con, yêu vợ thương chồng, con cái trẻ thơ.
Lý tưởng giác ngộ và giải thoát dành cho tất cả mọi người, xuất gia cũng như tại gia, sống trong chùa cũng như sống ngoài đời, miễn là con người biết tu tập tâm tính. Mọi người đều bình đẳng trước chân lý, trước lý tưởng giải thoát giác ngộ. Con người vốn là Phật, nhưng lại quên mất gốc của mình là Phật nên đi cầu tìm Phật ở bên ngoài: “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Hãy dựa vào chính mình, không dựa vào nơi nào khác. Hãy dựa vào chính pháp, không dựa vào nơi nào khác…”[12] Khi nhận thức được mỗi người là một vị Phật, để cho tính Phật trong mình có cơ hội bộc lộ hiển lộ ra, từ đó phải sống và hành động như Phật. Như thế, đồng nghĩa với việc mỗi người lãnh đạo, mỗi người dân trong một nước, tất cả con dân Việt đều có niềm tin như vậy và hành động như vậy. Để đạt được “Nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân” (một nhà có lòng nhân, thì cả nước có lòng nhân).
Đúng như tinh thần tự tin ở chính mình, phát huy năng lực của chính mình, không ỷ lại, không nương dựa, không tìm cầu bất cứ thứ gì từ bên ngoài. Bản thân có những khó khăn từ bên ngoài và khó khăn từ nội tại chủ quan, việc rèn giũa nơi tâm mình khó hơn việc xử lý những khó khăn bên ngoài, cần phải lấy khó khăn để rèn tâm mình. Đối với phật tử tại gia thì trong nhà, trong đạo tràng là môi trường rất tốt để mình rèn giũa thân tâm. Đối với cá nhân trong doanh nghiệp thì lấy sự yêu cầu của công việc, mối quan hệ giữa cấp dưới với cấp trên, giữa đồng nghiệp với nhau, giữa cá nhân với khách hàng để rèn luyện. Trên đời này, dù ở đâu, cũng có người yêu, người ghét, người thuận, người nghịch, nên tất cả đều là hoàn cảnh để rèn tâm.
Một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần viết nên những trang sử vàng cho đất nước cho Phật pháp đời Trần chính là quốc sách tập trung tinh hoa nguyên khí toàn dân tộc và coi trọng nhân tài, là bài học cho ngày nay: “Nhân tài phải đại diện tiêu biểu cho văn hóa, trí tuệ, khát vọng và những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam. Tiêu chuẩn đối với nhân tài không chỉ được đo lường thông qua sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, trình độ đào tạo, mức độ cam kết, sẵn sàng phụng sự tổ chức và Nhân dân, mà còn được đánh giá thông qua khối lượng và hiệu quả công việc, năng lực tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề trong bối cảnh mới hoặc phức tạp với nguồn lực có hạn và môi trường biến đổi. Điều đó có nghĩa rằng nhân tài phải là thực tài, tài năng phải được kiểm nghiệm thông qua năng lực thực tiễn và sản phẩm cụ thể. Các tiêu chuẩn nhân tài phải phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước; tiêu chuẩn của bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là tiêu chuẩn theo yêu cầu của vị trí việc làm” chủ trương của chiến lược thu hút trọng dụng nhân tài do Bộ Nội Vụ tổ chức vào tháng 7/2019. Nhân tài là lực lượng tinh hoa của dân tộc, trung tâm thúc đẩy có hiệu quả trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
Đức Phật từng dạy “Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian pháp”, do đó chúng ta cần phải “tùy duyên mà bất biến”, “bất biến mà tùy duyên” để phát triển và hội nhập vào nền kinh tế thị trường thế giới, muốn tạo được nguồn cảm hứng nhập thế dấn thân phục vụ dân tộc, chúng ta phải biết khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phải biết văn sử nước nhà, phải khôi phục lại hệ tư tưởng nhân văn cao đẹp trong thơ thiền của Trần Nhân Tông, phải đưa được hệ tư tưởng nhập thế của Phật giáo vào trong môi trường giáo dục một cách có hệ thống. Phát hiện, bồi dưỡng, vun trồng để ngày càng có nhiều hơn lớp thanh niên tiên tiến, hình thành nhóm tinh hoa, đi đầu và dẫn dắt thế hệ của mình tiến về phía trước cùng dân tộc.
Trách nhiệm của mỗi người phật tử là tích cực học đạo và hành đạo tùy theo từng thời đại, hoàn cảnh với tính đa dạng của nền kinh tế thị trường mà tham gia tích cực đóng góp cho tự thân, gia đình và xã hội.
5. Thay lời kết
Dân tộc Việt Nam hôm nay đang đứng trước những cơ hội, thách thức và yêu cầu của thời đại. Đoàn kết tập trung nội lực, phát huy sức mạnh năng lực trí tuệ của mọi công dân chắc rằng chúng ta sẽ xây dựng được một đời sống hạnh phúc, tốt đẹp từ tầm nhìn trí tuệ uyên bác của Phật hoàng Trần Nhân Tông với triết thuyết “Cư trần lạc đạo”, để “ra ngoài xã hội có thể cứu dân giúp nước, còn ở nhà thì có thể thờ phụng mẹ cha và lúc ở một mình có thể dùng để hoàn thiện bản thân” [13]. Những lời dạy của Phật hoàng Trần Nhân Tông chính là “của báu” của dân tộc mà chúng ta cần nghiêm túc suy tư, chiêm nghiệm, nhất là phương diện phát huy tinh hoa nguyên khí, sức mạnh của toàn dân tộc để kiến thiết, xây đựng, bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Ngày nay, nếu tất cả người dân Việt Nam ta học, biết về tư tưởng Trúc Lâm Yên Tử, biết về triết thuyết Cư trần lạc đạo, biết học, thực tập thiền Trúc Lâm thì có lẽ họ sẽ sống mạnh mẽ. hạnh phúc, tích cực và có nhiều đóng góp cho xã hội đất nước hơn.
Lưu Hồng Hoa & Thượng toạ TS Hạnh Tuệ
***
Tài liệu tham khảo
- 1. Ngô Sĩ Liên (1987), Đại việt sử ký toàn thư, quyển 2, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- 2. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế (2022) Thiền học Việt Nam, Nxb Phụ Nữ.
- 3. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế (2022) Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb ĐHQG HN
- 4. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế (2022) Tư tưởng Phật Giáo Việt Nam, Nxb KHXH HN
- 5. Phan Huy Lê (1960), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, quyển 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
- 6. Phật giáo và văn hoá dân tộc (nhiều tác giả). Thư viện Phật giáo xuất bản.
- 7. Ngô Văn Phú (1995), Trần Thủ Độ và sự nghiệp nhà Trần, Nxb. Văn học, Hà Nội.
- 8. Hồ Thích (Minh Đức dịch, Nguyễn Đăng Thục giới thiệu - 2004), Trung Quốc triết học sử đại cương, Nxb. Văn hoá - Thông tin, Hà Nội.
- 9. Mel Thomsom (Đỗ Minh Hợp dịch - 2005), Triết học tôn giáo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- 10. Thơ văn Lý - Trần (1977), quyển 1, Nxb. Văn học, Hà Nội.
- 11. Thơ văn Lý - Trần (1977), quyển 2, Nxb. Văn học, Hà Nội.
- 12. Nguyễn Đăng Thục (1992), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
- 13. Nguyễn Đăng Thục (1996), Thiền học Trần Thái Tông, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
- 14. Thích Hạnh Tuệ (2018) Văn học Phật giáo Việt Nam. Nxb KHXH HN
[1] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, tr.178
[2] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, tr.177
[3] Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế (2021), Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, tr.168
[4] Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế (2021), Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, tr.168
[5] Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế (2021), Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, tr.194
[6] Thích Phước Sơn dịch (1995), Tam tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.20
[7] Mạn Đà La (1987), Tìm hiểu về Trần Nhân Tông, vị Tổ sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm, bản in roneo, tr.6
[8] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý Trần, tập II, Nxb Khoa học xã hội Hà Nội, tr. 528
[9] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.510
[10] Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế (2021), Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, tr.189
[11] Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030
[12] Xem Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường bộ I, tr.365
[13] Lê Mạnh Thát (1982), Nghiên cứu về Mâu Tử, tập 2, Tu thư Vạn Hạnh, tr.292.
Bình luận (0)