Hoàng An Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022

Từ bao đời nay, ở đâu có người Việt thì ở đó có tín ngưỡng tâm linh truyền thống, có chùa, có am miếu thờ.

Với ngư dân sống ven biển có niềm tin dân gian với tín ngưỡng thờ Cá Ông, Quan Âm Nam Hải những vị thần linh đó sẽ giúp đỡ, phù hộ cho họ luôn bình an trong mỗi chuyến vươn khơi.

Từ hàng trăm năm trước, trên các đảo ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngư dân người Việt, các hải đội do triều đình cử ra đã dựng lên các am thờ để cầu Trời, khấn Phật phù hộ độ trì cho những chuyến ra khơi được sóng yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió.

Ngày nay, trên quần đảo Trường Sa có 9 ngôi chùa là những cột mốc tâm linh giữa biển khơi. Giữa biển cả, sự hiện diện của những ngôi chùa không chỉ thể hiện đời sống tín ngưỡng tôn giáo phong phú của người Việt mà còn có ý nghĩa như Thiền sư Mãn Giác đã từng viết:

Mái chùa che chở hồn dân tộc Nếp sống muôn đời của tổ tông

Nếp sống đó đã được truyền đời qua bao thế hệ, để ngày nay con cháu tiếp tục truyền thừa mạch nguồn văn hóa tâm linh, khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo của tổ quốc trong tâm thức của những người con dân đất Việt.

Trên các đảo, điểm đảo do Việt Nam kiểm soát, đóng quân ở quần đảo Trường Sa nơi nào cũng có không gian tâm linh truyền thống để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, bà con ngư dân thể hiện đời sống tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Đặc biệt hơn cả là ở các đảo lớn thì có chùa, như đảo Nam Yết có chùa Nam Huyên, đảo Sơn Ca có chùa Sơn Linh, chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh, và các ngôi chùa cùng tên trên các đảo Trường Sa Đông, đảo Đá Tây, Sinh Tồn Đông, Song Tử Tây, Sinh Tồn và chùa trên đảo Trường Sa Lớn.

Các chiến sĩ kể rằng, gần như tất cả các chiến sĩ, các đoàn công tác từ đất liền, ngư dân trước khi ra khơi, không phân biệt tôn giáo – tín ngưỡng, mọi người đều cùng nhau thực hiện các nghi lễ tâm linh với niềm tin cho những chuyến hải trình được hanh thông, bình yên.

Trước khi rời đất liền, lên tàu đi thăm các đảo, cán bộ, chiến sĩ và các đại biểu của các đoàn công tác bao giờ cũng đến thắp hương ở chùa Linh Nguyên ở cảng Cam Ranh, dâng hương tưởng niệm tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Khi đến thăm và làm việc tại đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, ngoài các nhiệm vụ chuyên môn khác nhau của từng đại biểu, đơn vị thì có một điểm chung là gần như tất cả mọi người đều đến thăm, thắp hương và chụp ảnh kỷ niệm tại các ngôi chùa trên đảo.

Nhân chuyến đi thăm, tặng quà cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa vào tháng 5 năm 2022 - đúng dịp Tuần lễ Phật đản PL.2566– DL.2022, phóng viên Tạp chí NCPH giới thiệu một số hình ảnh về chùa Song Tử Tây, Sinh Tồn và chùa Trường Sa Lớn.

Chùa Trường Sa Lớn

Chùa nằm giữa trung tâm Thị trấn Trường Sa, cạnh đường băng. Chùa có khuôn viên khá rộng và vuông vức, có nhiều pho tượng Phật bằng ngọc. Bao quanh chùa là hàng cây bàng vuông, phong ba… xanh mướt, phủ bóng mát.

Chùa có cổng tam quan khác với cổng của các ngôi chùa khác đó là được xây bằng gạch.

Chính điện chùa được thiết kế xây bằng gạch kết hợp với gỗ, mái cong đầu đao hình sóng biển.

Chùa Song Tử Tây

Chùa Song Tử Tây tọa lạc trước ngọn hải đăng cao vút trên đảo Song Tử Tây, hòn đảo xa nhất trong quần đảo Trường Sa và là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa.

Tam quan bằng gỗ hai tầng mái được lợp ngói mũi hài.

Chính điện ba gian hai chái, hai nhà tả hữu vu.

Vườn chùa rợp bóng mát của cây phong ba và cây bàng vuông là những loại cây đặc sản của Trường Sa.

Chùa Sinh Tồn

Cổng chùa khá đơn giản, không cầu kỳ như các chùa khác. Chùa nằm sát bên các hộ dân cư sinh sống.

Chùa mang dáng vẻ một ngôi chùa làng điển hình đồng bằng Bắc Bộ, một gian hai chái, tường bao quanh họa tiết trang trí sinh động.

Đặc điểm chung của 9 ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa

Kiến trúc của các ngôi chùa mang đậm nét cổ truyền, một gian hai chái hoặc ba gian hai chái, thay vì mái cong đầu đao là hoa văn sóng biển. Các công trình phần lớn đều được xây bằng đá, gạch và các loại gỗ quý bền, chắc. Gian Tam Bảo được trần thiết uy nghi với những pho tượng được chế tác công phu bằng đá quý và gỗ.

Chính điện các ngôi chùa đều hướng về Thủ đô Hà Nội.

Cửa võng, hoành phi, câu đối đều được sơn son thếp vàng và được viết bằng chữ quốc ngữ mang ý nghĩa sâu sắc, như: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ”, “Cá đọc kệ được thành tiên/ Rồng nghe kinh mà mộ đạo”, “Mây lành che Đông hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa/Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử”, “Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam/Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh”…;

Tất cả các ngôi chùa đều có các ban thờ Anh linh Anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh để bảo vệ biển đảo Tổ quốc.

Các ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của quân và dân trên huyện đảo và ngư dân mỗi khi ghé qua đảo tránh trú mưa bão, tiếp tế dịch vụ hậu cần nghề cá, mà còn thể hiện cụ thể và sinh động dòng chảy đời sống văn hóa tâm linh, tâm thức của người Việt nơi biển, đảo, đồng thời đó cũng là những cột mốc tâm linh khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Hoàng An Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022