Thiên Di Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2022

Chí Phèo là tác phẩm khái quát hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước năm 1945, một bộ phận nông dân lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh. Ngày ấy, Chí Phèo đã từng là thanh niên tuổi 20 với ước mơ vẽ nên một thế giới bình dị: Một gia đình nho nhỏ, nhưng ở đó có chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, vợ - chồng nuôi một con lợn để làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm. Nhưng rồi chính cái xã hội thối nát này, hay làng Vũ Đại ấy đã chà đạp, đẩy Chí Phèo vào con đường lưu manh tội lỗi, không lối thoát.

Tuy vậy ẩn sâu trong tâm hồn Chí vẫn ánh lên hi vọng hoàn lương hay muốn tìm lại bản chất người. Lúc này mùi thơm của bát cháo hành sực nức đã khiến Chí bừng tỉnh khỏi đen tối của vòm trời bị tha hóa. Lần đầu tiên Chí cảm nhận được tình thương. Và có lẽ, thứ cảm xúc kì lạ đó còn thiêng liêng hơn tình cảm nam nữ thường tình, Chí còn muốn làm nũng với Thị Nở như bé con làm nũng với mẹ. Rõ ràng ở đây có sự khao khát tình người, khao khát được yêu thương như một con người. Vẫn còn đó bát cháo hương vị của tình người, của sự yêu thương đồng cảm. Chút tình yêu thương mộc mạc, tự nhiên cộng với sự quan tâm chăm sóc giản dị của Thị Nở đã đánh thức lương tri, đánh thức bản chất lương thiện vốn có trong con người Chí. Chính nhờ cuộc gặp gỡ đó, đã thức tỉnh phần người trong Chí, giúp Chí cởi bỏ cái vỏ quỉ dữ để sống lại làm người, khao khát hoàn lương.

Nhưng rồi định kiến của xã hội một lần nữa đẩy Chí ra xa giấc mộng hoàn lương, để rồi Chí quằn quại trong tuyệt vọng: “Tao muốn làm người lương thiện…không được. Ai cho tao lương thiện? ...Chỉ có một cách…biết không? Chỉ có một cách là… cái này! Biết không?”. Thị Nở là nơi nương tựa duy nhất của Chí nhưng cuối cùng cũng đã rời bỏ Chí. Hắn thấy mình rơi vào bế tắc của những ngày tháng cũ.

Một dấu chấm hết cho cuộc đời được gọi là quỷ dữ. Tuy lần này Chí cũng rượu, cũng vác dao đến trước nhà Bá Kiến, nhưng không phải ăn vạ mà là đòi lương thiện. Lúc này Chí đâu có say! Không! Chí không say! Đây là lúc tình người đang rực cháy trong Chí, là lúc Chí tìm được Chí, là lúc ý thức được bản chất lương thiện của mình bị tha hóa, khát khao của mình bị cái xã hội thối nát ấy thêu lụi tàn như thế nào.

Rồi, Chí đã chết! Câu nói: “Tao cần lương thiện” đã khép lại mảnh đời tối tăm, khép lại những năm tháng đau thương và kể cả những ngọt ngào mà chỉ mới hôm qua thôi, Chí đã được hưởng. Chí đã chết vì tình thương đến không trọn vẹn, không đủ để vực dậy một tâm hồn bị chà đạp xuống tận cùng của xã hội đầy thối nát, dưới sự vô cảm của kiếp người. Chí đã chết để khẳng định bản chất bất di bất dịch, đó là tính thiện và cũng để tố cáo cái xấu xa của xã hội đương thời, nơi chôn vùi Chí, nơi không bao giờ tìm thấy cái gọi là lương thiện.

Một sự thương cảm, một nỗi xót xa đối với Chí. Một sự bất lực khi nghĩ về một Chí Phèo của Việt Nam có khác gì chăng với một Angulimāla của xứ Ấn Độ hơn 2500 năm về trước.

Angulimāla cũng đã từng là một đứa con ngoan, một người trò giỏi. Một tương lai bền vững mở ra trước mắt con người đó. Nhưng rồi, mọi người đều muốn loại trừ ông ra khỏi xã hội. Thầy giáo xua đuổi ông, bạn bè xa lánh ông, gia đình bỏ rơi ông và cả vị hôn thê cũng rời xa ông. Nỗi ô nhục, giận dữ sợ hãi đã khiến Angulimāla điên tiết. Ông trở thành một tên sát nhân giết người không gớm máu. Khi đuổi theo đức Phật, ông uy hiếp bảo: Dừng lại. Và rồi một tiếng nói từ tốn, ấm áp: “Ta đã dừng lại rồi, Angulimāla, ngươi cũng vậy dừng lại đi”. Đức Phật nói đối với ác pháp “dừng lại”, Angulimāla như bừng tỉnh.

Câu nói bình thản của đức Phật đã chạm vào cái gì đó sâu thẳm trong tâm hồn của Angulimāla. Như con thú dữ bị thuần phục quỳ xuống chân Phật thưa rằng:

“Đã lâu con tôn kính Bậc vĩ đại Tiên nhân”

À! Thì ra từ trong sâu thẳm Angulimāla vẫn ngóng tin về con người ấy, về bậc Đại Giác Ngộ, vẫn giành một sự tôn kính vô biên đối với Người, nhưng lại bị che lấp bởi hận thù và lầm lạc. Bản tính lương thiện vẫn le lói trong Angulimāla nhưng ông không dám đối diện với chính mình hay khác hơn là không tin chính mình, không tin xã hội này sẽ chấp nhận ông với tư cách là con người.

Với Angulimāla là cả một hành trình mầu nhiệm về sự quay đầu. Nhìn lại những ngày tháng chồng chất tội lỗi, ông cảm thấy con đường phục thiện là xa tít… Nhưng rồi, Angulimāla gặp được tình thương của Bậc giác ngộ, là cơ hội cho ông làm mới cuộc đời một cách thật sự. Bao nhiêu ân oán hận thù tràn ngập trong con người ông khiến cho hạt giống của tình thương không có mặt, nhưng khi được khơi lại, hạt giống ấy đã bừng tỉnh... Angulimāla suy nghĩ lại những ngày tháng đen tối của mình và rồi sung sướng nhận ra rằng:

Ai dùng các hạnh lành Xóa mờ các ác hạnh Sẽ chói sáng đời này Như trăng thoát mây che

Đức Phật dạy cho ông thực tập lòng từ, gọt bỏ những ác pháp, cặn bã trong tâm để ông được hưởng vị ngọt của sự mát mẻ trong tâm hồn không hận thù, của một cuộc đời ý nghĩa. Ông thoát ra khỏi mây đen của cuộc đời. Và tuyệt vời hơn ông được gia nhập vào tăng đoàn, được quyền tự do, quyền sống, quyền khao khát hạnh phúc, quyền có được hạnh phúc, quyền bình đẳng… Những tưởng xã hội đã từ bỏ ông, cuộc đời chối bỏ ông… Nhưng không, đức Phật đã vật dạy một Angulimāla tưởng chừng là một Chí Phèo bế tắt của Việt Nam hồi đó. Có thể Chí Phèo đã không may mắn được gặp tình thương và tuệ giác của Thế Tôn, không được khơi dậy những hạt giống thiện lành nên cơ hội tìm về của Chí không thành tựu… Còn với Angulimāla là một phước duyên thù thắng khi được gặp người giúp ông chuyển hóa khổ đau, đãi cát thành vàng, biến bùn thành sen và đưa ông tìm về lại với cái ban đầu vốn có. Nhưng với Chí, ai sẽ bao dung, sẽ cứu Chí ra khỏi vòng vây của tội lỗi. Làng Vũ Đại đã quen và làm ngơ với vai diễn Quỷ dữ của Chí, liệu mấy ai đưa tay đón nhận sự quay đầu của Chí, thừa nhận dòng máu chảy trong Chí là con người?

Từ đó có thể thấy, điều khiến con người trở nên hoàn thiện đó là ngoài sự nỗ lực của ý chí cá nhân, còn cần lắm đó là sự yêu thương đón nhận của xã hội.

Nên trong cuộc sống, cần lắm một lần chìa tay ra để nâng đỡ những mảnh đời hoàn lương, cần lắm tình người để làm ấm lại những trái tim thèm sự sống, cần lắm sự bao dung với những lỗi lầm, một ánh mắt hiền hòa nhìn xuống hố thẳm để từ nơi đó sinh trưởng mầm xanh.

Thiên Di Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2022