Thiền định hay còn gọi là thiền chỉ: là cách tu tập để luyện tâm nhằm hướng đến bình an và tĩnh lặng trong tâm. Khi nói về thiền và Hồ Chí Minh, nhiều người rất ngạc nhiên vì Bác không nói đến thiền hay tu thiền. Vậy mà, nhà văn Sơn Tùng đã có được một bức ảnh chụp Bác Hồ ngồi thiền trong hang đá, trong những năm chiến tranh ác liệt...
ThS. Lê Thị Kiều Trinh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024
Tóm tắt: Bài viết trình bày tổng quan về Thiền Phật giáo và phong cách Hồ Chí Minh, cũng như sự ảnh hưởng của Phật giáo nói chung, Thiền Phật giáo nói riêng đến phong cách của Người. Thiền Phật giáo có vai trò quan trọng trong hệ thống giáo lý nhà Phật, đức Phật đã chứng ngộ và dẫn dắt chúng sinh “vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chính trí, chứng ngộ Niết-bàn”(1). Nhắc đến phong cách Hồ Chí Minh là chúng ta nhắc đến phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học, cách mạng, cao cả, thực tiễn. Hồ Chí Minh là người con xứ Nghệ, ở một đất nước mà Phật giáo là yếu tố hình thành nên giá trị Văn hóa Việt. Vì vậy, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong hình thành nhân cách, đạo đức và lối sống của Bác. Từ khóa: Thiền Phật giáo, phong cách Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh và thiền, giác ngộ.
1. Tổng quan về Thiền Phật giáo
Đại sư Thái Hư và Hòa Thượng Thích Minh Châu dùng từ Như Lai Thiền để chỉ Thiền Nguyên Thủy, dùng Tổ Sư Thiền để chỉ các hình thức Thiền Phát Triển. Trong bài “Tọa Thiền Luận” của Khóa Hư Lục, Trần Thái Tôn đã dùng từ Thiền Tiểu Giáo (tức Thiền Tiểu Thừa) và Thiền Đại Giáo (tức Thiền Đại Thừa).
Tại Trung Quốc, “thiền” được gọi là Ch’an, nói đến một tâm trí hấp thu trong thiền định. Ở Nhật Bản “thiền” được gọi là Zen. Trong Thiền Tông Đông Độ: Thiền là kiến tính, là đạt đến trí tuệ bằng sự sống, bằng công trình thắp sáng hiện hữu. Bản chất của thiền phải là sự thực hiện kiến tính chứ không phải những suy luận triết học. Đạt Ma Sư Tổ đưa ra khẩu lệnh về thiền như sau: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”, nghĩa là thiền được truyền lại không phụ thuộc vào giáo nghĩa hay văn tự, mà đi thẳng vào lòng người, thấy được bản tính và thành Phật(2).
Trong Mật Tông thì thiền lại là trì chú, trong Tịnh Độ Tông là niệm Phật A-Di-Đà… Đối với Kinh điển của Phật giáo Nguyên Thủy, thiền được gọi là bhavana. Ý nghĩa của danh từ này là phương pháp thực hành để rèn luyện tâm, được chia làm hai hình thức: “thiền định – samatha bhavana” và “thiền quán – vipassana bhavana”.
Trải qua thời gian lâu dài với nhiều biến động xã hội, thiền Phật giáo đã có những phát triển không ngừng. Trong phạm vi bài viết, tác giả trình bày chủ yếu về thiền trong Kinh Tạng Pali.
Trong tiếng Pali, từ “bhavana” cũng có nghĩa là tu dưỡng, phát triển, trau dồi, ám chỉ sự mở mang hay sự phát triển của tâm.
Trong tạng Kinh điển Pali, có nhiều bài kinh nói về thiền, nhưng Kinh Đại Niệm Xứ (Mahasatipatthana sutta) là kinh tiêu biểu và cô đọng nhất. Tư tưởng về Thiền thể hiện cụ thể ở phần Chính niệm, được triển khai thành Tứ Niệm xứ (Sattipatthana sutra), nghĩa là lý thuyết về kỹ thuật thiền. Nội dung của Tứ Niệm xứ là bốn bài tập quán tưởng: “1) Thân Niệm xứ - tập trung toàn bộ dòng tâm thức và hơi thở vào quán thân xác của chính mình; 2) Thọ Niệm xứ - quán dòng cảm xúc của chính mình; 3) Tâm Niệm xứ - quán dòng tâm thức đang chảy trong chính mình; 4) Pháp Niệm xứ - buông bỏ hết cả và dừng cả dòng ý thức”(3). Tất cả các bước này đều nhằm mục đích “chế ngự tham ưu ở đời” để đạt tới giải thoát. Đức Phật coi Tứ Niệm xứ “là con đường duy nhất…, để làm thanh tịnh chúng sinh, để vượt qua mọi buồn phiền, than khóc, để xoá đi mọi đau đớn và hoảng sợ, để đi đúng lối, để chứng được Niết Bàn, mà ta gọi là Tứ Niệm xứ”(4).
Thiền là chính niệm, chính niệm là một trong tám chi phần quan trọng của Bát chính đạo, là sự tỉnh giác, không quên niệm, biết rõ các pháp một cách trọn vẹn, biết rõ những gì phát sinh ngay trong mỗi giây phút của hiện tại. Thầy Nyanaponia – tác giả của cuốn The Heart of Buddhist Meditation khẳng định: “Chính niệm là trái tim của thiền tập Phật giáo”. Trong số những ý niệm về thiền như Tứ Thiền, Bát Bối Xả, Tứ Sắc Vô Định, Cửu Thứ Đệ Định…thì trái tim của thiền tập Phật giáo vẫn là chính niệm.
Để thực hành thiền Phật giáo, có hai phương thức chính đó là thiền định và thiền tuệ. Trong đó:
Thiền định hay còn gọi là thiền chỉ: là cách tu tập để luyện tâm nhằm hướng đến bình an và tĩnh lặng trong tâm. Thông qua việc tập trung vào hơi thở của mình, người thực hành thiền nhận thức bản chất của các luồng suy nghĩ, diễn biến của mọi thứ xung quanh mình để đạt được trạng thái hạnh phúc hiện tại, thanh lọc tâm trí và giải phóng khỏi phiền não.
Thiền quán, còn gọi là thiền tuệ hoặc thiền minh sát: là cách thực hành hướng đến sự phát triển của trí tuệ và sự thông suốt về tâm linh. Cách thực hành thiền quán là đưa tâm vào trạng thái tĩnh lặng để quan sát, thấu hiểu sâu sắc nhất sự vật, sự việc. Mục đích cuối cùng của thực hành thiền quán là đạt tới hạnh phúc từ tâm trí, hướng đến cân bằng về trí tuệ, không còn phụ thuộc vào tác động của bên ngoài. Thiền định và thiền tuệ là hai phương pháp có mối liên hệ bổ trợ cho nhau trong quá trình tu dưỡng dù rằng những chức năng của chúng là riêng biệt.
Nếu như nói, Phật giáo là tòa tháp được xây dựng trên cơ sở của giáo lý giác ngộ, thì thiền là cột trụ chống đỡ tòa tháp ấy. Như vậy, khi nói đến những giá trị của Phật giáo cũng đồng nghĩa chúng ta thừa nhận những giá trị của Thiền.
2. Tổng quan về phong cách Hồ Chí Minh
Trước Đại hội VII (tháng 6-1991), Đảng ta thường dùng khái niệm “tác phong” để nói đến “tác phong Hồ Chủ tịch”. “Tác phong” được hiểu là phong cách làm việc và công tác của Hồ Chí Minh.
Từ Đại hội VII, “tác phong” được thay bằng “phong cách” trong cụm từ “Tiếp tục bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”(5). Bắt đầu từ đây, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh thường được nhắc đến qua phong cách làm việc, tư duy, lãnh đạo, ứng xử và sinh hoạt.
Về phong cách tư duy: đó là biểu hiện đặc sắc của sự độc lập, tự chủ, sáng tạo. Bác không bị lệ thuộc vào một luồng ý kiến nào, không bắt chước, “theo đuôi” ai, kể cả “theo đuôi quần chúng”. Người tiếp thu những tư tưởng tiến bộ ở trong nước và thế giới, kết hợp với nhiều nhân tố khác để tạo nên tư tưởng của chính mình. Tư tưởng đó là sự kết tinh luồng ánh sáng trí tuệ của dân tộc và nhân loại chứ không phải là cộng dồn của nhiều luồng tư tưởng, học thuyết khác. Trong Bản Tuyên Ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa được công bố ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh khởi đầu bằng câu trích từ Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 như sau: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(6). Tiếp sau đó là câu trích từ Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”(7). Người không sử dụng nguyên văn mà chỉ lấy ý một số từ cho phù hợp với tình hình thực tế nước ta. Nhà thơ Ô-xíp Manđenxtam sau khi gặp gỡ với Bác vào cuối năm 1923 đã viết một bài đăng báo Ogoniok (Ngọn lửa nhỏ), trong đó có đoạn: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai,…Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”(8).
Từ rất sớm, Bác Hồ đã nhận định “cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới”, theo đó con đường phát triển của tri thức nhân loại là sự cộng hưởng của những gì tinh túy, tốt đẹp nhất, “Thế hệ sau phải biết đứng trên vai những người khổng lồ đi trước thì xã hội mới phát triển được”(9).
Về phong cách làm việc: đó là phong cách khoa học, có kế hoạch, có kỷ luật và linh hoạt sáng tạo. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán nặng “lề lối làm việc đủng đỉnh, chậm chạp, tự do, tùy tiện, đại khái, sự vụ, theo đường mòn, điệu sáo, lười suy nghĩ, ngại đổi mới, thích phô trương, hoành tráng về hình thức, nhưng nghèo nàn, sơ sài về nội dung của nền sản xuất nhỏ”. Trong bất cứ công việc gì, cũng cần phải có chương trình và kế hoạch cụ thể. Vì vậy, dù bận trăm công ngàn việc nhưng Bác Hồ lúc nào cũng ung dung, vẫn có thời gian đọc sách, học tập. Mặt khác, Người cũng yêu cầu trong công việc phải biết đổi mới sáng tạo, không cố chấp hay bảo thủ, bởi lẽ “tư tưởng bảo thủ như là sợ dây cột chân, cột tay người ta…Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”.
Về phong cách lãnh đạo: tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, “lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân”, sau đó cần làm tốt việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát. Nguyên tắc này được biểu hiện từ việc nhỏ đến việc lớn của Bác. Người lãnh đạo phải tôn trọng nguyên tắc dân chủ, từ dân chủ trong Đảng đến dân chủ trong quần chúng, phải đi xuống cơ sở để lắng nghe ý kiến của quần chúng để tiếp thu sửa đổi chứ không phải “huấn thị”.
Về phong cách nêu gương: Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ đảng viên phải là kiểu mẫu trong công tác và lối sống để quần chúng noi theo bởi vì “các dân tộc phương Đông giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(10).
Về phong cách diễn đạt cần giản dị, thiết thực, ngắn gọn, cô đọng, trong sáng, sinh động và chứa lượng thông tin cao.
Về phong cách ứng xử: cần phải khiêm tốn, lịch thiệp nhưng hết sức chân tình, nồng hậu kết hợp với linh hoạt và chủ động. Hồ Chí Minh không bao giờ đặt mình lên trên người khác, mà luôn hòa nhã, ân cần với mọi người xung quanh.
Về phong cách sinh hoạt: Sinh ra ở một đất nước nô lệ, một vùng quê nghèo, Bác đã sớm hình thành cho mình một lối sống cần cù, giản dị, tiết kiệm. Những người được sống bên Bác chưa bao giờ thấy Bác phàn nàn về thời tiết “mưa không bực, nắng không than, dung mạo lúc nào cũng vui vẻ, trán không nhăn, mày không nhíu, mát mẻ như mùa thu, ấm áp như mùa xuân, cứ thuận theo tự nhiên mà sống”(11).
3. Ảnh hưởng của Thiền Phật giáo đến phong cách Hồ Chí Minh
Với những trải nghiệm phong phú và tinh tế, Hồ Chí Minh sớm nhận thấy Phật giáo là một trong những yếu tố cấu thành nên nền văn hóa phong phú của dân tộc, góp phần hình thành những giá trị tích cực và nhân bản.
Đức Phật đã dạy các đệ tử rằng: “Này các Tỳ kheo! Hãy tu hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho chư Thiên và loài người” (Tương Ưng Bộ Kinh); “Này các Tỳ kheo! Xưa và nay Ta chỉ nói lên sự khổ và diệt khổ” (Trung Bộ Kinh).
Khi hoạt động ở Thái Lan, Bác đã nghiên cứu giáo lý đạo Phật, cuộc sống của nhà tu hành hết sức giản dị. Nghị sĩ Quốc hội Thái Lan Siphanômvishitvarason kể rằng: “Bác Hồ là vĩ nhân văn hóa. Năm 1927, khi sang Thái Lan, Bác đã xây dựng chùa thờ Phật to nhất, đó là chùa Phôthixâmphon ở tỉnh Uđon – đông bắc Thái Lan. Bác là người đứng ra chủ trì xây dựng, vận động Việt kiều góp sức, góp của để xây dựng chùa thờ Phật cho hoàn thiện. Bác đến đâu cũng giúp ích cho nơi đó”.
Chuyện kể rằng vào tháng 7/1928, Pháp biết tin Nguyễn Ái Quốc đang ở Xiêm nên phối hợp với cảnh sát Xiêm truy bắt để giao nộp cho Pháp. Trong tình hình đó, Người đã lánh nạn vào một ngôi chùa Việt (Chùa có tên Việt là Từ Tế Tự và tên Thái là Vắt Lô Ca Nu Kho) ở xã Chặc Ca Văn, huyện Xẳm Phăn Tha Vông – Băng Kok, Thái Lan. Tại đây, Người cạo đầu, mặc áo cà sa, đi khất thực. Sau này, Bác mới rời Thái Lan sang Thượng Hải rồi đi Hồng Kông. Việc Bác Hồ có mặt tại ngôi chùa đó được khẳng định trong cuốn sách “President Ho Chi Minh” của tác giả Thái Lan Vi Nay Khun U Đôm. Ở trang 53 sách này có đoạn viết: “để che mắt cảnh sát và mật thám Pháp, ông Hồ Chí Minh đã dùng áo cà sa làm vật che thân, bằng cách đi tu ở trong một ngôi chùa của người Việt ở thủ đô Băng Cốc”. Trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” có ghi: “Gặp nguy hiểm quá, bị theo dõi riết, ông Nguyễn đã lánh nạn vào một ngôi chùa, tạm cắt tóc đi tu để tiếp tục hoạt động”(12).
Tại khu lưu niệm về Hồ Chí Minh ở U Đon Tha Ni – Thái Lan cũng có treo một bức ảnh Bác Hồ mặc trang phục áo cà sa màu vàng. Trong bốn tháng xuống tóc, ăn chay niệm Phật thì mỗi sáng Người đều cùng các vị sư chính trong vùng đi khất thực. Có nhiều ý kiến cho rằng, đó chỉ là hành động nhằm che mắt mật thám của Bác nhưng đi khất thực ngoài ý nghĩa nhận được cúng dường thì còn là hình thức tu thiền, đi để cảm nhận cuộc sống của chúng sinh, vui cùng niềm vui của chúng sinh và đau cùng nỗi đau của họ…
Khi nói về thiền và Hồ Chí Minh, nhiều người rất ngạc nhiên vì Bác không nói đến thiền hay tu thiền. Vậy mà, nhà văn Sơn Tùng đã có được một bức ảnh chụp Bác Hồ ngồi thiền trong hang đá, trong những năm chiến tranh ác liệt và điều kiện khó khăn giữa núi rừng Pắc Bó, Bác vẫn luyện tập thiền.
Trong Phật giáo, người tu hành phải lấy Thiền định để nhiếp trì mới có thể khiến trí tuệ Bát Nhã xuất hiện. Bác Hồ của chúng ta cũng vậy, phải chăng do thiền định nên tri giác cao cấp của Người được khai mở, có khả năng tiên tri những sự kiện của cách mạng Việt Nam và thế giới. Một số lời tiên tri của Hồ Chí Minh đã trở thành sự thật, như sau: Trong lúc đang diễn ra cuộc chiến tranh ác liệt giữa quân phát xít Đức và Hồng quân Liên Xô, Người nói với cán bộ ở Pác Bó: “Quân Liên Xô và các nước Đồng minh sẽ chiến thắng ở phía Tây và phía Đông, đó là cơ hội ngàn năm có một cho chúng ta”. 4 năm sau lời nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 09/5/1945 Liên Xô và các nước Đồng minh chiến thắng quân phát- xít Đức ở phía Tây. Ngày 09/8/1945, quân Liên Xô tuyên chiến với phát-xít Nhật. Ngày 15/8/1945, phát-xít Nhật đầu hàng ở phía Đông. Những sự kiện trên đã tạo cơ hội cho Cách mạng Việt Nam. Ngày 19/5/1941, ta thành lập Mặt trận Việt Minh. Ngày 15/4/1942, Tổng bộ Việt Minh chỉ thị về khởi nghĩa vũ trang và xây dựng chính quyền cách mạng. 2 năm sau, ngày 07/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị chuẩn bị khởi nghĩa. Ngày 22/12/1944, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Cuối năm 1941 tại Pác Bó, Người viết một tập diễn ca lịch sử với tựa đề “Lịch sử nước ta” do Mặt trận Việt Minh xuất bản vào tháng 02/1942. Cuốn sách “Lịch sử nước ta” kết thúc bằng 4 câu thơ lục bát:
"Mai sau sự nghiệp hoàn thành Rõ tên Nam Việt rạng danh Lạc Hồng Dân ta xin nhớ chữ đồng Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh"
Người kèm theo một bản niên biểu ghi những năm quan trọng trước và sau bằng lịch Tây. Cuối cùng bản niên biểu Người viết: “Cuối năm 1945 Việt Nam độc lập”. Quả thật, vào ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên Ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đầu năm 1953, tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng ở Việt Bắc, Người giơ tay ra hiệu cho mọi người im lặng đọc mấy câu thơ:
“Đành lòng chờ đó ít lâu Chầy ra thì 1 năm sau, vội gì”
Chỉ hơn 1 năm sau, ngày 07/5/1954, quân ta đánh thắng quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Làm nên chiến thắng lừng lẫy địa cầu.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một nhận định nữa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào lịch sử: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đem B52 ra ném bom Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng chỉ chịu thua sau khi chịu thua trên bầu trời Hà Nội”.
Chẳng lâu sau đó là cuộc tập kích của đế quốc Mỹ bằng pháo đài B52 vào Thủ đô Hà Nội từ ngày 18 đến 30/12/1972. Quân và dân ta đã làm nên trận địa “Điện Biên Phủ trên không”. Không lực Hoa Kỳ đã phơi xác trên đường phố Hà Nội…Và rất nhiều lời tiên tri khác của Bác đều trở thành sự thật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi làm bất kỳ công việc gì cũng đều tập trung và nghiêm túc, đối với thiền cũng vậy, Bác kiên trì luyện tập thiền và đạt đến khả năng có thể Thiền mọi nơi, mọi lúc…
Có một câu chuyện rất thú vị được đăng trên báo Tiền Phong, số ra ngày 11/8/1996 do đồng chí Đặng Tính – Nguyên Chính ủy Quân chủng phòng không Không quân kể lại như sau:
“Ngày sung sướng hạnh phúc nhất... nhớ nhất là ngày đưa Bác về thăm quê... Đêm đó, mình trăn trở không sao ngủ được... mở bừng mắt trời đã hửng đông... mình ngồi dậy, Bác cười:
- Hôm qua lạ nhà, chú không ngủ được hả? Mình giật mình, sao Ông Cụ lại biết được nhỉ?
Bác cười cười:
- Bác ngủ nhưng lại là thiền, nhập định đó, Bác hiểu thấu cả”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra mười bốn điều xử thế mang đậm chất thiền, đó là:
“1. Suy nghĩ trước khi nói 2. Kiên quyết khi thi hành 3. Thận trọng khi cầm bút 4. Bình tĩnh lúc nguy nan 5. Nhẫn nại ôn hòa khi tức giận 6. Nguyên tắc quá dễ mất việc 7. Thẳng thắn quá dễ mất lòng 8. Giải quyết khéo léo từng trường hợp 9. Gác việc riêng mưu sự nghiệp 10. Bỏ đa sầu đa cảm để đời vui 11. Vui vẻ là liều thuốc sống 12. Vui vẻ phấn đấu mới hăng 13. Vui vẻ mới gần quần chúng 14. Vui vẻ mới giàu tình cảm”
Tại sao nói mười bốn điều xử thế của Bác lại mang đậm chất thiền, xem lại nội dung thiền, ta thấy rằng thiền là một nghệ thuật luyện tâm tính. Từ điều thứ 10 đến điều thứ 14, Bác đều nhắc đến vui vẻ, như khẳng định tầm quan trọng của trạng thái cảm xúc này trong cuộc sống. Quả thật, một trong những giá trị của thiền chính là hướng con người đến sự vui vẻ. Nhiều nghiên cứu cho rằng, thiền thường xuyên sẽ giải tỏa được sự căng thẳng, mang lại những cảm xúc tích cực, khiến người thiền đạt tới hạnh phúc, thanh thản và an yên.
Trên cương vị lãnh đạo, Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến nhu cầu chính đáng của quần chúng nhân dân nói chung và đồng bào tôn giáo nói riêng. Bác luôn nhắc nhở cán bộ đảng viên phải làm sao cho đồng bào có đạo được “phần xác ấm no, phần hồn thong dong”. Đây chẳng phải là một trong những mục đích của thiền định hay sao.
Năm 1945, khi đến thăm Chùa Quán Sứ, Hồ Chí Minh đã nói với với các nhà lãnh đạo Phật giáo rằng: “… Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các hòa thượng, tăng ni và phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần Từ bi, Vô ngã, Vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong Ðộc lập, Tự do, Hạnh phúc”.
Càng nghiên cứu về Hồ Chí Minh, ta càng cảm thấy sự hiểu biết của bản thân về Bác là quá ít, khó có thể đào sâu đến tận gốc rễ. Dù chưa bao giờ thực sự nói đến thiền tập Phật giáo, nhưng ở Bác vẫn toát ra phong thái của một Thiền sư: đơn giản, chú tâm và tỉnh thức...
ThS. Lê Thị Kiều Trinh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024 ***
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Thích Nhất Hạnh. Nẻo vào thiền học. Nxb Lá Bối, Sài Gòn, 1971. 2. Trí Giả Thiên Thai. Tu tập chỉ quán toạ thiền pháp yếu. Nxb Thiền học, Sài Gòn, 1980. tr. 366. 3. Bhagavad-gita as It Is. Translated by Bhaktivedanta Swami Prabhupada, The Bhaktivedanta Book Trust. New York, Los Angeles – London – Bombay. Send print, 1986. tr. 201 – 202; Henrich Dumoulin. Zen Buddhism: A History, Vol. 1: India and China, Macmillan Publisher, New York and London, 1988, tr. 177 – 178. 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, 2007, t.51, tr.120 5. Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Đại học quốc gia Hà Nội: Việt Nam trong thế kỷ XX, Nxb CTQG, H. 2002, Tập 4, tr. 258 - 259). 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, H, 2002, t.3, tr.555. 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, H, 2002, t.4, tr.267. 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, t.1, tr. 462 – 463 9. Trần Dân Tiên: Những mầu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, H, 1971, tr. 71. 10. Giáo sư Đặng Xuân Kỳ (Chủ biên): Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H. 1997, tr. 163. 11. https://thuvienhoasen.org/a14491/thien-la-gi 12. https://phatgiao.org.vn/tam-tang-kinh-phat-la-gi-d74349.html 13. https://thuvienhoasen.org/a7870/thien-trong-tinh-do-tong 14. https://phatgiao.org.vn/ban-chat-cua-thien-la-su-thuc-hien-kien-tanh-d76084.html 15. https://thuvienhoasen.org/a32234/khong-cua-de-vao-khong-loi-de-noi 16. https://phatgiao.org.vn/thien-trong-phat-giao-nguyen-thuy-d46996.html 17. https://www.chuabuuchau.com.vn/thien/thien-nguyen-thuy_27874.html 18. https://phatgiao.org.vn/nhan-dien-thien-dai-thua-va-toi-thuong-thua-d69152.html 19. https://hoavouu.com/a19646/thien-phat-giao-nguyen-thuy-va-phat-trien 20. https://www.budsas.org/uni/1-bai/phap021.htm 21. https://thuvienhoasen.org/a5657/thien-dinh-va-thien-quan 22. https://vpdanguy.tvu.edu.vn/vi/news/hoc-tap-chuyen-de/nhung-noi-dung-co-ban-cua-phong-cach-ho-chi-minh-24.html 23. https://phatgiao.org.vn/net-tinh-hoa-phat-giao-trong-tu-tuong-ho-chi-minh-d17737.html 24. https://laodong.vn/thoi-su/phong-cach-ho-chi-minh-la-su-ket-tinh-toa-sang-nhung-gia-tri-thoi-dai-1193657.ldo 25. https://tapchinghiencuuphathoc.vn/gia-tri-cua-thien-ky-1.html 26. http://www.trungtamtongiao.vn/thien-trong-kinh-van-nguyen-thuy-cua-phat-giao/664 27. http://tapchiqptd.vn/vi/theo-guong-bac/phong-cach-tu-duy-ho-chi-minh/9640.html
CHÚ THÍCH: (1) Trung Bộ Kinh, Kinh Niệm Xứ, Số 10, Bản dịch Thích Minh Châu. (2) Thích Nhất Hạnh. Nẻo vào thiền học. Nxb Lá Bối, Sài Gòn, 1971. (3) Trí Giả Thiên Thai. Tu tập chỉ quán toạ thiền pháp yếu. Nxb Thiền học, Sài Gòn, 1980. tr. 366. (4) Bhagavad-gita as It Is. Translated by Bhaktivedanta Swami Prabhupada, The Bhaktivedanta Book Trust. New York, Los Angeles – London – Bombay. Send print, 1986. tr. 201 – 202; Henrich Dumoulin. Zen Buddhism: A History, Vol. 1: India and China, Macmillan Publisher, New York and London, 1988, tr. 177 – 178. (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, 2007, t.51, tr.120 (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, H, 2002, t.3, tr.555. (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, H, 2002, t.4, tr.267. (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, t.1, tr. 462 - 463 (9) Giáo sư Đặng Xuân Kỳ (Chủ biên): Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H. 1997, tr. 163. (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, H, 2011, t.1, tr.284. (11) Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn. (12) Trần Dân Tiên: Những mầu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, H, 1971, tr. 71.
Bình luận (0)