Câu chuyện ẩn dụ

Ví như, có các loại hạt giống cây tốt, không bị hư hoại, được người khéo chăm gieo trồng, nhưng không có đất để trồng, thì hạt giống tốt đó, có thể tăng trưởng được không? Cũng vậy, là đối với “thức”. Với sắc, thọ, tưởng, hành như đất, làm sở duyên, làm trú xứ, thức nương tựa tham luyến, an trú để tăng trưởng. Tham luyến là không giải thoát.

Nếu có ai nói rằng ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sinh, tăng trưởng của thức, chuyện đó là phi lý.

“Này các Tỳ kheo, nếu vị Tỳ kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỳ-kheo, nếu vị Tỳ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với tưởng giới... đối với hành giới... Này các Tỳ-kheo, nếu vị Tỳ-kheo đoạn tận tham đối với thức giới, do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu.

Không có chỗ y chỉ ấy, thức không tăng thịnh, không có hành động, được giải thoát. Do giải thoát nên được kiên trú; do kiên trú nên được tri túc; do tri túc nên không có ưu não; do không có ưu não nên tự mình cảm thấy tịch tịnh hoàn toàn. Vị ấy biết: "Sinh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa"”

Ảnh minh hoạ, thiết kế bởi AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học
Ảnh minh hoạ, thiết kế bởi AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học

1. Thế nào là ngũ uẩn

"Và này các Tỳ-kheo, thế nào là sắc? Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo thành. Này các Tỳ-kheo, đấy được gọi là sắc. Do các thức tập khởi nên sắc tập khởi. Do các thức đoạn diệt nên sắc đoạn diệt. Và con đường đưa đến sắc đoạn diệt là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chính tri kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định. 

Này các Tỳ-kheo, các vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào do thắng tri sắc như vậy; do thắng tri sắc tập khởi như vậy, do thắng tri sắc đoạn diệt như vậy, do thắng tri con đường đưa đến sắc đoạn diệt như vậy, họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt sắc. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện. 

Và này các Tỳ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri sắc là như vậy... thắng tri con đường đưa đến sắc đoạn diệt là như vậy; do yếm ly, ly tham, đoạn diệt sắc, họ được giải thoát, không có chấp thủ. Họ được khéo giải thoát. Những ai được khéo giải thoát, họ được vẹn toàn. Những ai được vẹn toàn, thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ. 

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là thọ? Này các Tỳ kheo, có sáu thọ thân này: thọ do nhãn xúc sinh, thọ do nhĩ xúc sinh, thọ do tỷ xúc sinh, thọ do thiệt xúc sinh, thọ do thân xúc sinh, thọ do ý xúc sinh. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Đây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến thọ đoạn diệt, tức là chính tri kiến, chính tư duy... chính định.

Này các Tỳ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thọ là như vậy, thắng tri thọ tập khởi là như vậy, thắng tri thọ đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến thọ đoạn diệt là như vậy, họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt thọ. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện. 

Và này các Tỳ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thọ là như vậy... thắng tri con đường đưa đến thọ đoạn diệt là như vậy... thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ. 

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là tưởng? Này các Tỳ-kheo, có sáu tưởng thân này: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, pháp tưởng. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là tưởng. Do xúc tập khởi nên tưởng tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên tưởng đoạn diệt. Đây là con đường Thánh đạo tám ngành đưa đến tưởng đoạn diệt, tức là chính tri kiến, chính tư duy... chính định... thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ. 

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hành? Có sáu tư thân này: sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư, pháp tư. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là hành. Do xúc tập khởi nên các hành tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên các hành đoạn diệt. Đây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến đoạn diệt, tức là chính tri kiến... chính định.

Này các Tỳ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri các hành là như vậy, thắng tri các hành tập khởi là như vậy, thắng tri các hành đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến các hành đoạn diệt là như vậy, họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt các hành. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện. 

Và này các Tỳ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri các hành là như vậy, thắng tri các hành tập khởi là như vậy, thắng tri các hành đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến các hành đoạn diệt là như vậy; do yếm ly, ly tham, đoạn diệt các hành, họ giải thoát, không có chấp thủ. Họ được khéo giải thoát. Những ai được khéo giải thoát, họ được vẹn toàn. Những ai được vẹn toàn, thời không thể nêu rõ sự lân chuyển của họ.

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là thức? Có sáu thức thân này, này các Tỳ-kheo, là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là thức. Do danh sắc tập khởi nên thức tập khởi. Do danh sắc đoạn diệt nên thức đoạn diệt. Đây là con đường Thánh đạo tám ngành đưa đến thức đoạn diệt, tức là chính tri kiến, chính tư duy... chính định. 

Này các Tỳ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thức là như vậy, thắng tri thức tập khởi là như vậy, thắng tri thức đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến thức đoạn diệt là như vậy, họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt thức. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện. 

Và này các Tỳ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thức là như vậy, thắng tri thức tập khởi là như vậy, thắng tri thức đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến thức đoạn diệt là như vậy; do yếm ly, ly tham, đoạn diệt thức, họ được giải thoát, không có chấp thủ. Họ được khéo giải thoát. Những ai khéo giải thoát, họ được vẹn toàn. Những ai được vẹn toàn, thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ."

2. Liên hệ với Thập nhị nhân duyên

Ở góc độ khác, chúng ta có khái niệm về Thập nhị nhân duyên (12 nhân duyên) hay còn được biết đến là Lý duyên khởi. Vòng tròn nhân duyên này được nhắc đến như sau:

Vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên lục nhập; lục nhập duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sinh; sinh duyên tử.

Còn ở đoạn kinh trên, có những đoạn như: “Do xúc tập khởi nên tưởng tập khởi”, “Do xúc tập khởi nên các hành tập khởi”, “Do danh sắc tập khởi nên thức tập khởi”. 

Vậy 2 đoạn giáo lý này có mâu thuẫn nhau hay không?

Không, nếu chỉ đọc những từ “thức, xúc, danh sắc” một cách hời hợt, chúng ta sẽ bị đánh đồng ý niệm, và cho rằng 2 nền tảng giáo lý này đang bị mâu thuẫn lẫn nhau, nhưng thực chất 2 nền tảng này được giảng giải trên 2 phương diện khác nhau để nói về những vấn đề khác nhau.

Một thứ, là giảng giải về sự tương quan của các uẩn và một thứ giảng về vòng nhân duyên trải dài theo dòng sinh tử.

3. Tương quan các uẩn (Quan hệ nhân duyên tức thời)

Những điều này phản ánh tiến trình tâm lý ngay trong sát na hiện tại, không phụ thuộc vào quá khứ hay tương lai. Đây là cách mà các uẩn nương nhau để sinh khởi trong từng khoảnh khắc của đời sống.

Xúc, hành, thọ

Xúc là sự tiếp xúc giữa căn, trần; thức nương vào đó mà được tập khởi. Khi mắt thấy hình sắc, tai nghe âm thanh, thân chạm vật, lập tức cảm giác (thọ), nhận thức, tưởng và phản ứng (hành) phát sinh. Hành ở đây là tư tác ý, tức phản ứng tâm lý ngay sau khi có sự xúc chạm. 

Ví dụ: Khi nghe một lời khen, tai là căn, lời khen là trần, hai thứ gặp nhau gọi là nhĩ xúc, nếu tâm sinh sự biết ơn (hành thiện), hoặc kiêu mạn (hành bất thiện), đó là hành sinh khởi do xúc. Xúc và hành là tiến trình tương tác nương tựa lẫn nhau.

Thức, hành, danh sắc 

Khi thức nhận biết một đối tượng, nó nương vào danh sắc. Ngược lại, danh sắc làm duyên cho thức tác ý.

Ví dụ như “tiền” là khái niệm mang tính quy ước. Khi mắt thấy "tiền", hoặc chỉ đơn giản là nghĩ tới tiền, sự xúc chạm diễn ra, ý thức vận hành. Lúc này, thức nương vào đối tượng sắc pháp và tên quy ước con người gọi với nhau là tiền (danh pháp) nên biết đó là “tiền”. Đồng thời, do “tiền” mà con người nảy sinh lòng tham (đây là chiều ngược lại, khi danh sắc làm sở duyên cho thức tác ý).

4. Vòng nhân duyên theo dòng sinh tử

Thập nhị nhân duyên đề cập tới vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên lục nhập; lục nhập duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái,… là sự diễn giải về dòng chảy trải qua các đời sống ở góc độ thời gian rộng lớn.

Do vì vô minh làm sở duyên cho các hành vận động hỗn loạn, tán loạn, các nghiệp tương ưng, nhân vận hành sở duyên cho thức tương ưng nương vào một thân phù hợp (danh sắc) để thọ quả; thân phù hợp đã có thì là cơ sở để duyên cho lục nhập (là 6 căn tương ứng cho cái thân đó); khi có 6 căn rồi thì duyên cho sự tiếp xúc với trần phù hợp; xúc chạm có, cảm thọ có, rồi khởi lên ái, …

Lời kết

Ngũ uẩn nói về sự sinh khởi trong từng sát-na, tương quan qua lại của các uẩn với nhau. Thập nhị nhân duyên giải thích chuỗi nhân quả trải dài thời gian rất dài. 

Mối quan hệ “danh sắc và thức” trong ngũ uẩn là tương sinh, còn trong Thập nhị nhân duyên là nhân quả. Ví như ngũ uẩn của con người, vì là con người nên khi thấy tiền thì thức mới có thể tác ý về lòng tham, còn nếu là con vật thì không tác ý được về lòng tham tiền. Xét ở góc độ thập nhị nhân duyên, thì nhân của các hành nghiệp, dẫn tới thức nương gá vào thân và danh sắc tương ưng (quả). 

Ngũ uẩn là cái thấy hiện tại, giải thích cách các pháp sinh khởi và diệt mất ngay trong đời sống có thể quan sát và chiêm nghiêm được. Thập nhị nhân duyên là cái thấy xuyên thời gian, giải thích vòng sinh tử và tái sinh qua nhiều đời.

Mối quan hệ giữa các uẩn và Thập nhị nhân duyên không mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau. 

Cư sĩ Phúc Quang

Tài liệu: Kinh Tương ưng bộ, Chương Một, Phần B. Năm mươi kinh ở giữa, Phần I: Phẩm tham luyến, Bài I, II, III, IV, Dịch giả: HT. Thích Minh Châu.