Trưởng lão Thích Thông Lạc

Hỏi: Kính bạch Thầy, có một công việc biết là sai, nhưng phải tùy thuận làm, cuối cùng thì phí công, phí của, chẳng lợi ích gì cho mình, cho người. Vậy phải tùy thuận như thế nào? và tùy thuận không bị lôi cuốn nghĩa là sao? Xin Thầy cho ví dụ.

Đáp: Biết việc làm không lợi ích cho mình, cho người, làm sẽ hoài công vô ích mà cứ làm, đó là người không trí tuệ, chứ không phải sống tùy thuận.

Biết việc làm không lợi ích cho mình, cho người, làm sẽ hoài công vô ích, vì thế không làm, nhưng không chống trái lại việc làm của người khác, mặc dù mình có góp ý nhưng có nghe hay không nghe đó là quyền của người khác, đó là sống tùy thuận.

Thấy việc ác không làm theo, nhưng không chống trái việc làm ác của họ, mặc dù chúng ta đã có lời khuyên, đó là sống tùy thuận.

Người ta chửi mắng mình; mình không chửi mắng lại người, nhưng trong lòng có phiền não tức giận là sống nhẫn nhục trong tùy thuận.

Người ta chửi mắng mình mà mình không chửi mắng lại, không giận hờn phiền não, đó là sống tùy thuận.

Người ta mời mình đi đánh bạc mà mình khéo léo từ chối không đi đánh bạc là người sống tùy thuận.

Người ta mời mình uống rượu mà mình lấy cớ bị bịnh không uống rượu được, đó là sống tùy thuận.

Tùy thuận mà không bị lôi cuốn phải sống như thế nào?

Ví dụ: Mình là người ăn chay mà đi dự tiệc cưới, hay đám giỗ hoặc đám ma chay, khi ngồi vào bàn tiệc mình tìm bánh, trái cây để ăn, không ăn thịt, cá, đó là tùy thuận mà không bị lôi cuốn.

Trích: Những bức tâm thư (tập 3, trang 42-43) – Trưởng lão Thích Thông Lạc