GS.TS Nguyễn Hùng Hậu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023

Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật (Prajna Paramita Sutra) gọi tắt là Kim Cương Kinh, tương truyền được đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp tại Tịnh Xá trong vườn của thái tử Kỳ Đà nước Xá Vệ. Sau đó kinh này được ngài A Nan Đà kiết tập và ngài Cưu Ma La Thập dịch từ Phạn sang Hán. Kim Cương (bản dịch của ngài Huyền Trang) là cuốn thứ 557 trong bộ Bát Nhã 600 quyển, nằm trọn trong hội thứ 9.

Kinh Kim Cương, tên Phạn đầy đủ là Vajra Prajnaparamita Sutra. Vajra là Kim Cương chỉ sự rắn chắc, sắc bén, tinh khiết, nó là vật báu quí giá, không gì phá vỡ nổi. Prajna là trí tuệ hay tuệ (bát nhã) tức là chiếu kiến và sáng tỏ, thông suốt. Trí tuệ này không thể do học, tích luỹ kiến thức thông thường mà có được, nó là kết quả của quá trình tu chứng nghiêm mật, kết quả của Giới và Định. Nó có sẵn trong bản tâm mỗi con người. Paramitta nghĩa đen là đáo bỉ ngạn. Para có nghĩa là bờ bên kia. Mita có nghĩa là đến. Paramita có nghĩa là đến (sang được) bờ bên kia, đạt đến kết quả, vượt qua biển sinh tử đến bờ bến giác.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Bien Chung Phap Trong Kinh Kim Cuong 1

Ở Việt Nam, thiền sư Thanh Biện mất năm 686 sau khi thầy là Pháp Đăng tịch, chuyên tâm trì tụng Kinh Kim Cương; trong khi đó ở Trung Quốc, Huệ Năng mất năm 713 (tức mất sau Thanh Biện 27 năm) mới bắt đầu được thầy truyền dạy Kinh Kim Cương. Sau khi thày mất, Thanh Biện lấy Kinh Kim Cương làm chỗ dựa, điều đó chứng tỏ Kinh Kim Cương đã phổ biến ở Việt Nam thời đó. Phải chăng Kinh Kim Cương ở nước ta được phổ biến và quan tâm sớm hơn ở Trung Quốc mặc dù nó được dịch trên đất nước Trung Quốc? Mà Huệ Năng lại ở đất Lĩnh Nam, đất của Bách Việt xưa. Từ đó phải chăng người phương Nam thích hợp với Kinh Kim Cương hơn người phương Bắc? Từ "Nam đốn Bắc tiệm" phải chăng nói lên người phương Bắc thích hợp với "tiệm" của Thần Tú, khuynh hướng trội trong kinh Lăng Già, còn người phương Nam thích hợp với "đốn" của Huệ Năng, khuynh hướng trội trong Kinh Kim Cương. Một điều lý thú nữa là đoạn đối thoại giữa Huệ Nghiêm và Thanh Biện. Huệ Nghiêm nói: Nếu nói kinh ấy (tức Kinh Kim Cương) không phải là lời thuyết pháp của Phật thì thế là phỉ báng kinh; nếu lại nói đó đúng là những lời thuyết pháp của Phật thì lại là phỉ báng Phật. Sư đang nghĩ ngợi, còn định hỏi thêm, Huệ Nghiêm bèn cầm phất trần đánh vào miệng. Sư đột nhiên lãnh ngộ, bèn sụp lạy. Trong lịch sử thiền tông Trung Quốc sau Huệ Năng có Mã Tổ, Đức Sơn, Lâm Tế luôn chủ về công án đánh, hét, quát để khai ngộ cho môn đồ. Ngay Mã Tổ (mất năm 788), sau Thanh Biện hơn 100 năm chứ chưa nói Đức Sơn, Lâm Tế về sau này. Vậy, phải chăng, phương pháp đánh để khai ngộ cho trò có đầu tiên là ở nước ta, cụ thể là của thầy Huệ Nghiêm đối với trò Thanh Biện. Từ đó có người đặt vấn đề liệu có thể công án đánh phất trần khai mở cho trò là cách thức được truyền từ Việt Nam sang Trung Quốc?

Trong lịch sử Phật giáo, mặc dù Bồ Đề Đạt Ma là người sáng lập ra thiền tông Trung Quốc, nhưng người đưa thiền tông Trung Quốc phát triển lên một giai đoạn mới mang đậm màu sắc Trung Hoa, đó chính là Lục Tổ Huệ Năng (638-713) - người tiều phu đốn củi không biết chữ ở đất Lĩnh Nam, nhưng khi nghe “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” của kinh này đã tỏ ngộ. Thật ngẫu nhiên, trong bài tựa Thiền tôn chỉ nam, Trần Thái Tông đọc đến câu này vừa lúc bỏ quyển (Kinh Kim Cương) than dài thì bỗng nhiên giác ngộ.

Ở Việt Nam, không chỉ Thanh Biện (tổ thứ 4 của thiền phái Vinitaruci, mất năm 686) luôn chuyên tâm trì tụng Kinh Kim Cương, mà vua Lý Thái Tông (1028-1054) trong bài truy tán thiền sư Vinitaruci có nhắc tới Bát Nhã (trong đó có Kim Cương). Năm 1092-1101, niên hiệu Hội Phong đời Lý Nhân Tông, triều đình mở hội thi Kinh Pháp Hoa và Kinh Bát nhã, Thiền Nham (1093-1163, thế hệ thứ 13 dòng Vinitaruci) đỗ đầu. Diệu Nhân Ni Sư cũng thường dẫn Kinh Kim Cương để thuyết pháp. Trí Thiền (thế hệ 16 dòng Vinitaruci, mất năm 1174) nghe Giới Không giảng Kinh Kim Cương mà giác ngộ. V.v,. . . và v.v…..Hầu hết tất cả những nhà tu hành, cư sĩ Việt Nam xưa cũng như nay đều biết đến kinh này. Kinh Kim Cương quan trọng như vậy, nội dung của nó lại vô cùng phong phú, ở đây tôi chỉ xin phép đề cập đến một khía cạnh nhỏ trong kinh - mặt biện chứng pháp.

Nội dung chủ yếu trong kinh Kim Cương là câu hỏi của ông Tu Bồ Đề với đức Phật:” Làm sao hàng phục vọng tâm?”, “ Làm sao an trụ chân tâm?”. Muốn hàng phục vọng tâm và an trụ chân tâm, Như Lai Phật Tổ đã khuyên phải giữ tâm thanh tịnh, chớ nên sinh vọng chấp nơi sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần. Bởi lẽ, như trong Kinh nói:

“Nhược dĩ sắc kiến ngã Dĩ âm thanh cầu ngã Thị nhân hành tà đạo Bất năng kiến Như Lai”

Tóm lại, đừng khởi vọng tâm trụ chấp vào bất cứ một cái gì, ở bất cứ nơi nào cả (Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm). Tại sao Phật Tổ lại khuyên như vậy? Bởi lẽ, phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng). Như Lai dạy:

“Nhất thiết hữu vi pháp Như mộng huyễn bào ảnh Như lộ diệc như điện Ưng tác như thị quán.”

Cơ sở lý luận của quan niệm này là ở chỗ tất cả đều vận động biến đổi trong từng giây từng phút, tất cả đều vô thường trong từng sát na (thời gian bé nhất trong Phật giáo), vừa gọi nó là nó, nó đã biến chuyển sang cái khác (không phải là nó), bởi vậy, suy cho cùng, không có cái gì có thể gọi nó là nó được, tất cả chỉ là ảo ảnh.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Bien Chung Phap Trong Kinh Kim Cuong 2

Đức Phật nói: Cái gì người đời cho là có, ta cũng cho là có. Cái gì người đời cho là không, ta cũng cho là không. Nhưng có không thực là có nên nó lại là không; không không thực là không nên nó lại là có. Có có không không (sắc sắc không không). Đó cũng chính là phép biện chứng triệt để đẩy đến tận cùng, từ vô thường đến vô ngã và đến tính không; chứ không phải như phép biện chứng thế gian bên cạnh thừa nhân vận động là tuyết đối lại thừa nhận đứng yên là tương đối. Tại sao phép biện chứng thế gian lại phải làm như vậy? Bởi vì nếu không làm như vậy thì người ta làm sao nhận thức được sự vật hiện tượng đang vận động, cùng một lúc nó vừa là nó, vừa không phải là nó.

Theo nghĩa này, V.I.Lênin, trong Bút ký triết học, viết: "Chúng ta không thể biểu hiện, thể hiện, đo lường, hình dung sự vận động mà không cắt đứt tính liên tục, không đơn giản hóa, không làm thô lỗ, không tách rời, không làm chết cứng cái đang sống. Việc tư duy (không những tư duy mà cả cảm giác) hình dung sự vận động (không những sự vận động mà tất cả các khái niệm) bao giờ cũng làm thô lỗ, làm chết cứng. Đấy chính là bản chất của phép biện chứng”(1). Phân tích làm mất đi hương thơm của cuộc sống là theo nghĩa như vậy. Phật giáo không chẻ hiện thực thành những mảnh nhỏ, không cố định hiện thực lại, không nhốt hiện thực trong những khái niệm, mà cho rằng để hiểu đúng bản chất hiện thực thì phải có trí tuệ Bát Nhã.

Muốn có trí tuệ Bát Nhã thì phải định tâm (thiền định); mà muốn có thiền định một cách có hiệu quả thì phải giữ giới, đó là tam học của nhà Phật. Ba cái này liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau.

Theo học thuyết nhà Phật, mọi sự vật hiện tượng đều là sự kết hợp động của những yếu tố động (các pháp, các dharma), bởi vậy, nó vừa là nó vừa là không phải là nó. Khi chúng ta đặt tên cho một sự vật thì chúng ta đã dùng ý chí của mình để nhốt sự vật này vào trong khái niệm của chúng ta. Trong thực tế, sự vật này đang vận động, còn khái niệm của chúng ta đã trở nên khô cằn chết cứng. Chính vì lẽ này mà Gớt đã nói rằng mọi lý thuyết đều khô cằn, còn cây đời mãi mãi xanh tươi. Trong bài Hạn chế của khoa học và ưu thế của Phật giáo, tôi đã nói rằng khái niệm về sự vật hiện tượng và bản thân sự vật hiện tượng là khác nhau, không đồng nhất. Khái niệm thường chỉ là hình ảnh chết của sự vật hiện tượng trong quá khứ. Do đó, đôi khi tranh luận trên những khái niệm, vô hình chung, chúng ta chỉ tranh luận trên cái bóng của hiện thực, chứ không phải bản thân hiện thực. Vả lại người đời đôi khi triết lý viển vông xung quanh khái niệm, chẳng hạn về nuốt đồ ăn: đồ ăn là gì, ăn như thế nào, nhưng lại không ăn. Vậy làm sao mà no được. Bồ Đề Đạt Ma chỉ thẳng: ta biết nuốt hay không biết nuốt, chỉ có thế thôi. Mặt khác, phản ánh hiện thực bằng khái niệm chỉ là một dạng phản ánh. Nó khác với âm nhạc, phản ánh bằng âm thanh; khác với hội hoạ, phản ánh bằng màu sắc, đường nét; khác với kịch câm, múa phản ánh bằng dáng điệu, cử chỉ;… Đến đây, ta lại nhớ trong kinh Kim Cương có một câu rất hay:

Nhược dĩ sắc kiến ngã Dĩ âm thanh cầu ngã Thị nhân hành tà đạo Bất năng kiến Như Lai

Từ đó ta thấy để nhìn nhận ra (kiến không chỉ tri mà còn hành nữa) bản thể (Như Lai) thì không thể dùng sắc, thanh, ngôn ngữ, văn tự được. Sống trong thế giới tương đối, ảo ảnh, chúng ta thường bàn luận, nói về những cái tương đối, ảo ảnh. Tất cả đều là tương đối - đó là tuyệt đối. Bởi vậy, chúng ta không nên trụ chấp vào một cái gì cả. Ngay Bát Nhã Ba la Mật cũng vậy. Đức Phật, trong Kinh Kim Cương đã dạy: "Tu Bồ Đề! Như Lai nói Bát Nhã Ba La Mật tức không phải Bát Nhã Ba La Mật, thế mới gọi là Bát Nhã Ba La Mật”; “Chư vi trần, Như Lai thuyết, phi vi trần thị danh vi trần. Như Lai thuyết, thế giới phi thế giới thị danh thế giới”. Ở đây, ta có ba mệnh đề như sau:

Bát Nhã Ba La Mật = A (1) Không phải Bát Nhã Ba La Mật = A(2) Bát Nhã Ba La Mật (sau cùng) = A (3).

Ta có một công thức mà Đức Phật dạy trong Kinh Kim Cương:

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Bien Chung Phap Trong Kinh Kim Cuong 3

A không phải là A mới chính là A. Sơ đồ hóa ta có: A->A->A . Ở đây (1) và (3) là khác nhau. (1) vừa là nó, nhưng chỉ vừa buột miệng nói ra thì nó đã không còn là nó, tức là không (1), hay (2), phủ định lần thứ nhất. Nhưng (2) vừa nói ra thì không còn là (2) nữa, tức phủ định của phủ đinh, dường như quay lại cái ban đầu nhưng đã khác về chất so với cái ban đầu (3). Điều này cũng giống như nói: núi không phải là núi mới chính là núi; sông không phải là sông mới chính là sông. Hay như trong Kinh Kim Cương, Như Lai nói: vi trần phi vi trần mới đích thị vi trần; thế giới phi thế giới thị danh thế giới. Nói như thế mới phản ánh đúng đắn, chính xác hiện thực đang vận động. Phương pháp đó được Như Lai Phật Tổ áp dụng cho mọi cái. Chẳng hạn, trong Kinh Kim cương, Ngài dạy:” Nhất thiết pháp giả, tức phi nhất thiết pháp, thị danh nhất thiết pháp”;” Như Lai thuyết, chư tâm giả phi chư tâm, thị danh chư tâm”;” Chúng sinh giả, Như Lai thuyết, phi chúng sinh, thị danh chúng sinh”; "ở ngôn thiện pháp giả, Như Lai thuyết, tức phi thiện pháp, thị danh thiện pháp”; "Phàm phu giả, Như Lai thuyết, tức phi phàm phu, thị danh phàm phu”; "Sở ngôn pháp tướng giả, Như Lai thuyết, tức phi pháp tướng, thị danh pháp tướng”; v.v…. và v.v…..

Cái mà chúng ta vừa gọi ra thì đã không còn đúng như vậy nữa rồi. Đó là đạo. Lão Tử nói: "Đạo bất khả ngôn, ngôn bất khả đạo” là như vậy. Khi đã ngộ đạo, khi đã có trí tuệ Bát Nhã thì việc chấp ngã và pháp sẽ không còn nữa, cho nên nói tên kinh, đến vi trần, thế giới, pháp, tâm, chúng sinh, phàm phu,... sợ chúng sinh chấp tên kinh, chấp vi trần, thế giới, pháp, tâm, chúng sinh, phàm phu, … nên Phật Tổ đã dùng trí tuệ Bát Nhã để phá chấp về những cái đó. Đó là phép biện chứng trong Kinh Kim Cương, cái mà ngày nay chúng ta quen gọi là phép biện chứng ngây thơ, nhưng theo tôi lại rất cao siêu, huyền diệu, phản ánh hiện thực một cách chân thực nhất. Cách đây hơn 2600 năm mà đức Phật đã nhìn ra như vậy thì thật quả là vĩ đại. Nhiều học thuyết sau này cho vận động là tuyệt đối, còn đứng yên chỉ là tương đối, tạm thời. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày họ vẫn bám víu vào cái tương đối tạm thời, vẫn cho "cái tôi ”, "cái ta” là quan trọng, từ đó họ ra sức vơ vét cung phụng cho những cái đó. Còn nhà Phật đẩy một cách triệt để từ “vô thường” đến “vô ngã” và đến tính không. Mâu thuẫn là không mâu thuẫn mới chính là mâu thuẫn, còn không mâu thuẫn là mâu thuẫn mới chính là không mâu thuẫn. Lô gíc và biện chứng của cuộc sống là như vậy, phép biện chứng trong Kinh Kim Cương chính là phép biện chứng của cuộc sống.

GS.TS Nguyễn Hùng Hậu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023 ***

CHÚ THÍCH: (1) V.I. Lênin. Toàn tập. Nxb Tiến bộ, M. 1978, t.29, tr.315

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Nguyễn Hùng Hậu. Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Phật giáo Trần Thái Tông. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1996 2. Nguyễn Hùng Hậu. Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1997 3. Nguyễn Hùng Hậu. Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 2002 4. Nguyễn Hùng Hậu. Triết lý trong văn hóa phương Đông. Nxb. Đại học Sư phạm. Hà Nội 2004.