Tôi nghe như vầy: Đức Thế Tôn ngồi thiền dưới cội bồ đề trong 49 ngày, nhìn thấy sao mai mọc lên, bỗng nhiên giác được bản lai diện mục, thấy lại được cái bản năng thành Phật của mình rồi Ngài bừng đại giác đại ngộ.
Trong Bổn lai diện mục, Thích Trí Siêu viết: “Trong kinh Lăng Nghiêm, ban đầu đức Phật khai thị cho A Nan nhận ra chân tâm, sau đó ngài dạy A Nan nương theo pháp môn “nhĩ căn viên thông” của Quan Thế Âm Bồ tát để tu tập. Như thế đủ biết nhận ra chân tâm [bản lai diện mục] đâu phải là xong. Vì thế trong luật Trường Hàng (cho người xuất gia) có nói: "Ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh giới luật. Ngũ hạ dĩ hậu, phương nãi thính giáo tham thiền. Nghĩa là năm hạ về trước, người tu phải học hỏi giữ gìn Giới luật tinh chuyên, năm hạ về sau mới đi nghe giáo lý và tham thiền.”
Trong Vô Môn Quan, 無 門 関 , chữ Vô của Phương Đông, nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai, Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin, bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin, Biên dịch: Nguyễn Nam Trân, Tắc số 23: Mặt mũi chính mình (Bất tư thiện ác)不思善悪 có viết:
“Trong đạo Phật, điều quan trọng vẫn là việc nhìn thấy rõ chính mình (tự kỷ cứu minh.) Trước câu hỏi tiếp đến: “Cái tự kỷ đó là gì?” thì công án này đã trả lời: “Bản lai diện mục!”. Nói cách khác, đó là “bản lai tự kỷ” mà điều quan trọng của mỗi chúng ta là tự giác về nó vậy. Có lẽ nhờ đó Huệ Minh khám phá ra sự giác ngộ được Phật Pháp là như thế và chính mình cũng là một vị Phật (chúng sinh bản lai Phật) nên sung sướng như được giải thoát, đầm đìa mồ hôi nước mắt, sụp xuống lễ Huệ Năng.
Thế nhưng vừa mới ngộ đạo, Huệ Minh muốn hỏi thêm vì nghĩ rằng hãy còn ý nghĩa thâm sâu gì mà mình chưa nắm. Huệ Năng đã vạch ra cho ông thấy không có gì là bí mật cả. Cái bí mật ấy, nếu có, chỉ một mình đương sự Huệ Minh thể nghiệm được mà thôi vì nó ở trong chính ông.”
Tôi nghe như vầy: Đức Thế Tôn ngồi thiền dưới cội bồ đề trong 49 ngày, nhìn thấy sao mai mọc lên, bỗng nhiên giác được bản lai diện mục, thấy lại được cái bản năng thành Phật của mình rồi Ngài bừng đại giác đại ngộ.
Tôi thắc mắc, theo kinh tả thì: Ngài đã nhờ ngoại cảnh (thấy sao mai mọc) mà giác được tự tâm rồi lòng bừng đại Ngộ? Hay sao mai mọc lên để thấy Ngài đạt giác ngộ? Hay, hiện tượng của tha lực chỉ là ấn chứng cho tự lực của nội tâm?
Tôi cũng nghe biết như vầy: Con người thoát nhiên đại ngộ khi bỗng nhiên có một bùng nổ lớn trong tâm, nghĩa là họ thấy được bản lai diện mục, nguyên hình của chính mình. Nhị Tổ đứng trong tuyết chặt cánh tay để cầu được giác ngộ... tàn tật. Lục Tổ nghe một câu Kim Cang Kinh rồi không ngờ chứng ngộ... không.
Linh Nguyên ngộ sắc khi thấy hoa đào nở. Hương Nghiêm lúc nghe tiếng sỏi chạm vào bụi tre nên ngộ... thanh. Động Sơn khi thấy nguyên hình mình in dưới nước nên ngộ... bóng. Và Lâm Tế khi bị Hoàng Bá đánh nên ngộ... khùng.
Đa số chúng ta đều nghe đi nghe lại rất nhiều lần những kinh nghiệm “ngộ nghĩnh” này của tiền nhân như là một tấm gương để noi theo. Theo tôi, nó chỉ là một khía cạnh khác của một vấn đề?
Thấy được “bản lai diện mục” của mình chưa hẳn Nó nhất định phải là “chúng sinh bản lai Phật” như tưởng bở rồi ngây thơ tin rằng sẽ ‘"bừng ngộ" vì cái "bản lai tự kỷ" đó cũng có thể là "khả năng thành yêu quái?" Cho nên, có lúc tôi tự soi bóng mình trong "kính chiếu yêu" thấy cái "bản lai diện mục" của mình khi này khi khác, nó không giống bất cứ một con giáp nào cả. Nó có khi là cái "khả năng thành Phật" khi lại là "yêu quái hiện nguyên hình" làm tôi ôm bụng cười ngả nghiêng.
Tôi không còn hàng ngày trau chuốt nhan sắc của mình, lau bụi trên đài gương và dùng kính chiếu yêu để ngắm nghía, soi mói nhìn tới nhìn lui chiêm ngưỡng cái ngoại hình của mình. Riết rồi tôi không còn nhớ cái mặt ngang mũi dọc của mình nó xấu hay đẹp, méo tròn như thế nào nữa? Tôi không nhớ ra tôi, không nhận ra tôi qua nhiếp ảnh vì Nó không phải là Tôi nữa. Hình như có một thời, Nó trẻ đẹp trong sáng đến nỗi tôi có thể tự nhìn thấy được nó rất rõ ràng qua ánh sáng phản chiếu từ con ngươi của chính tôi xuyên qua đài gương hay qua phản ảnh từ những con ngươi "đen láy" của những người khác. Tôi thấy tôi, thấy rõ ràng cái bản tâm diện mục của mình đang bơi lội trong dòng mắt, trong những "đồng tử" màu xanh, nâu, lục trong sáng tuyệt đẹp của những người mà tôi đã từng hữu duyên thiên lý tương ngộ như bèo bọt trong đời.
Thỉnh thoảng, kéo kính chiếu yêu ra, làm bộ tình cờ liếc qua: Tôi thấy cái đuôi của Nó thì lại không thấy được cái đầu của Nó. Có khi, Nó lòi cái đầu ma quái của nó ra thì không thấy được cái đuôi yêu tinh của nó. Nó như là thần long "kiến thủ bất kiến vỹ." Nó khi thì như ẩn, khi thì như hiện. Khi là sóng (wave) khi là hạt (particle) như khoa học lượng tử diễn tả. Thiệt quá Ngộ!
Có lúctôi muốn đập cổ kính mong tìm lấy bóng, xếp tàn y ấp ủ chút hương thừa nhưng rồi không ngửi được cái mùi hương xưa đa tình, không còn thấy được bóng lẫn không nghe được cái âm hưởng đó. Đôi khi, tôi mơ ước được một lần tìm lại "thoáng hương xưa, mong về lại đường của nên thơ" của tuổi thần tiên mơ mộng ấy.
Ta là ai? Ta từ đâu tới?
Hư huyễn nào bỗng vọng động thành ta?
Để vật vã từng sát na sinh diệt.
Nối tiếp nhau trong mọi kiếp luân hồi,
Trôi về đâu trong biển khổ đơn côi.
Khỏi đối mặt với cái tôi nghiệp chướng,
Trong giấc mộng trường, sinh tử tử sinh,
Mòn mỏi hành hương qua vô lượng kiếp người.
(Nguồn: Một người bạn đã viết tặng cư sĩ Trần Thị Thanh Hà, Pháp danh Bảo Ngọc, Tổ trưởng Tuệ Bi, chùa Quán Sứ).
Có thể vì cái nghiệp ái đa tình còn đâu đó nên tôi biết mình (tri kỷ) không thể giác ngộ bây giờ và vì biết bản lai diên mục của Nó (tri bỉ) là cái gì nên tôi không cần đi tìm Nó nữa? Tôi giác ra rằng: Cả Nó và Tôi, Không Bỉ lẫn Vô Kỷ mà là nhất Tri.
Biết Nhĩ biết Ngã tìm hoài sẽ gặp, biết Ta mà không biết Nó lần gặp lần không, không biết Nó không biết Ngã, không lần nào gặp. (Phóng tác từ nguyên bản, Tôn Tử nói: “Tri bỉ tri kỷ giả, bách chiến bất đãi, bất tri bỉ nhi tri kỷ, nhất thắng nhất phụ, bất tri bỉ bất tri kỷ, mỗi chiến tất đãi.”)
Tôi không tả chân trên đây về cái bản Ngã, Phật tính và sắc tướng tốt đẹp nhất thế giới của chính tôi vì đối với bạn nó có thể lại là ma quỷ, xấu xí nhất thế giới.
Tôi trực chỉ và nói dùm cho tâm lòng thâm kín, cái duy Ngã, tính nết và sắc tướng xấu xí nhất của chính bạn vì đối với bạn nó có thể xấu xí nhất thế giới nhưng đối với tôi nó là nét đẹp tự nhiên nhất thế giới, cái như thị tri kiến, cái nguyên hình đặc thù của chính bạn.
Tôi mong bạn quán được cái âm, "nghe biết" được cái "tiếng vỗ của không bàn tay" trong tâm thức của chính mình để mà tự ngộ.
Tôi là đài gương, là kính chiếu yêu phản ảnh Như Lai Tạng của bạn.
Tôi là bạn, bạn là tôi tuy hai mà một.
Tôi xin túm gọn, kéo (pull,) thâu hút những cái giác ngộ trên vào trong một túi "càn khôn".
Đừng bao giờ tìm và cầu được thực tại cuối cùng của hiện hữu. Nếu cố chấp cầu thì sẽ bất đắc vì những vật hiện hữu mà ta thấy chỉ là tổng tướng ảnh tượng phản ảnh ánh sáng của toàn ký đồ được kết hợp bởi vô vàn vô số những lượng tử cực vi, nó khi ẩn khi hiện trong biên giới giữa sắc (form, matter, particle) và tâm (mind, wave, energy) giữa chủ thể quan sát và vật thể được quan sát. Nó hiện diện khắp nơi trong cõi hữu sắc với 5% của vũ trụ, trong sắc giới đó có đủ loại quang minh, âm thanh cùng các loại chúng sinh cư ngụ lẫn 95% cõi hư không vô sắc tướng công lực (dark matters and dark energy) trong vũ trụ.
Nơi cõi vô sắc đó không ngũ uẩn, nơi không ánh sáng, nơi mà âm thanh lẫn ánh sáng không thể soi sáng và hấp thụ được, nơi đó tôi gọi là vũ trụ u minh (dark universe,) Không sắc, Không Không. Nơi "Có" toàn đa số 95% cấu tạo của vũ trụ mà con người chưa biết cái bản lai diện mục của nó là cái quái đản (spooky) gì? Nơi mà con người vì "vô minh" (u muội) vì không hiểu, không biết nên tưởng nó không có, cho nên "vô minh" gọi nó là "vô minh" (không sáng.)
Phật giáo quan niệm: cấu tạo của con người và vạn vật đều do Tam Tế Tướng của A Lại Da Thức mà thành. A Lại Da Thức là thức thứ tám, nó chứa đựng mọi tập tục lẫn kinh nghiệm trong đời sống chúng ta và là nguồn gốc của tất cả hiện tượng tinh thần.
Tam Tế Tướng của A Lại Da Thức gồm có Nghiệp Tướng, Cảnh Giới Tướng và Chuyển Tướng; tuy ba nhưng chỉ là một, một mà là ba, vật chất và tinh thần đều là một linh thể, nhất như.
Tương tự, khoa học cho biết trong vũ trụ chỉ có ba thứ chính, đó là Năng lượng (Energy), Vật chất (Matter) và Tin tức (Information); do ba thứ này mà sinh ra vũ trụ, con người và vô lượng vật.
Vật lý gia Đan Mạch, Neil Bohr (1885 - 1950) là một trong những người tiên phong của thuyết nguyên tử. Nguyên tử trong đó có Dương điện tử (Proton,) Trung hoà tử (Neutron) và Âm điện tử (Electron) chạy chung quanh. Nhưng nhà khoa học Muray Gellman cho rằng Dương điện tử và Âm điện tử còn có hạt vi phân gọi là Quark hay là cực vi, hạt ảo.
Ở đây, chúng ta thấy có rất nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa Phật giáo quan và Khoa học nhân bản, đó là:
- Phật giáo nói Nghiệp tướng, nhà Khoa học gọi là Năng lượng (energy, dark energy).
- Phật giáo nói Cảnh giới tướng (vô sắc lẫn hữu sắc,) nhà Khoa học gọi là Vật chất (forms, dark matter).
- Phật giáo nói Chuyển tướng (có và không,) nhà Khoa học gọi là Tin tức (information, 1 and 0.).
Tuy nhiên điều mà Phật giáo quan niệm, đó là “Vật chất và tinh thần đều là một TÂM thể, bất nhị,” nghĩa là trong vật chất có năng lượng, trong năng lượng có vật chất và có cả tin tức nữa, tất cả là Nhất Như, là Tri Kiến Phật, lý sự Đồng Nhất Thể này cho đến bây giờ có vài khoa học gia đã từng nghe qua nhưng vẫn chưa chịu "chấp ngộ".
Tuệ Thiền Lê Bá Bôn diễn tả rất tuyệt diệu về sơ ngộ Bản Lai Diện Mục: “Kiên trì tỉnh giác (chiếu kiến, lắng nghe) thâm sâu và toàn diện trạng thái mê (trạng thái niệm tưởng, tâm ngôn tâm hành), thì tâm có sự đột chuyển (chuyển y, dừng lại): trạng thái sơ ngộ Tâm Không (Viên Giác, tính Không, Niết bàn, Phật tính) hiện tiền (bản lai diện mục hiện tiền); và tiếp tục hành thâm (ngộ nhập Viên Giác-mang năng lượng và diệu dụng tự lợi lợi tha tối thượng.)”
Tóm lại, Phật không có vô minh nên không biết giác ngộ. Trái lại, “Phật chúng sinh” không biết đang vô minh nên phải cần tới giác ngộ.
Đơn giản hơn, Phật không có bản lai diện mục nên không biết thực tại. Ngược lại, “Phật nhân sinh” vì chấp thực nên tưởng có bản lai diện mục.
(Chương 13, của quyển sách Đồng Nhất Thể, tác giả Lê Huy Trứ, 3/2016) Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 5/2018
Bình luận (0)