Nghi lễ Phật giáo Việt Nam bao gồm nghi lễ Phật giáo Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ. Tuy nhiên, nghi lễ Phật giáo Bắc tông là dòng chủ lưu, mang tính phổ quát trong cộng đồng người Việt với sự phong phú, đa dạng về phương diện phi vật thể và phương diện vật thể...
Tác giả: TT. TS. Thích Lệ Quang
Trưởng ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM
Tóm tắt: Trong thời đại khoa học phát triển, việc xem xét nghi lễ Phật giáo Việt Nam như một hình thức cúng bái, tán tụng, đáp ứng nhu cầu tâm linh của đại đa số quần chúng trong xã hội là chưa phản ánh được hết những giá trị cốt lõi của nghi lễ Phật giáo Việt Nam; mà nghi lễ phải được tiếp cận nghiên cứu chuyên sâu mang tính khoa học, nghệ thuật và triết lý của nó. Vì vậy, nghi lễ Phật giáo Việt Nam cần phải hướng đến xây dựng cơ sở khoa học để biên soạn một bộ sách giáo khoa về nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong tương lai, thể hiện nét đặc trưng của nghi lễ Phật giáo Việt Nam và được giảng dạy như các môn học khác trong hệ thống Giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay. Bài viết tập trung khái quát về nghi lễ Phật giáo Bắc truyền; hướng đến biên soạn một bộ sách giáo khoa về nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong tương lai, nhằm góp phần đưa nghi lễ Phật giáo Việt Nam phát triển lên tầm cao mới trong hệ thống Giáo dục của Phật giáo Việt Nam.
Từ khóa: Nghi lễ Phật giáo Bắc truyền, nghi lễ Phật giáo Việt Nam, sách giáo khoa, nghi lễ Phật giáo.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phát biểu về quan điểm văn hoá như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó là văn hoá. Văn hoá là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó do loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” [1]. Do đó, văn hoá đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội và trở thành đối tượng của nhiều ngành nghiên cứu khoa học như dân tộc học, nhân học văn hoá, văn hoá học… trong đó, có văn hoá Phật giáo nói chung, văn hoá Phật giáo Việt Nam nói riêng. Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam vào khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch[2], văn hoá Phật giáo đã tiếp thu, kế thừa, phát triển, dung hợp, chịu ảnh hưởng, tác động từ văn hoá truyền thống, phong tục, tập quán của văn hoá bản địa, văn hoá của Nho - Lão giáo, hình thành nên những nét đặc trưng mang bản sắc riêng của văn hoá Phật giáo Việt Nam. Văn hoá Phật giáo Việt Nam được tiếp cận từ nhiều khía cạnh khác nhau trong xã hội, từ di sản, kiến trúc, ngôn ngữ, nghi lễ… thể hiện tính đa dạng, phong phú và phức tạp của văn hoá Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, một trong những đặc điểm nổi bật của văn hoá Phật giáo Việt Nam được biết đến mang tính phổ quát đó là loại hình nghi lễ Phật giáo Việt Nam. Nghi lễ Phật giáo Việt Nam bao gồm Nam truyền, Bắc truyền và Khất sĩ, trong đó nghi lễ Phật giáo Bắc truyền đóng vai trò chủ lưu, nòng cốt trong sinh hoạt tôn giáo của người Việt; đồng thời do chịu ảnh hưởng từ văn hoá dân gian, văn hoá của Nho giáo, Lão giáo. Nghi lễ Phật giáo Bắc truyền rất đa dạng, phong phú, từ đơn giản cho đến phức tạp, biểu hiện thông qua các hình thức nghi lễ của từng vùng, miền hết sức độc đáo. Nghi lễ miền Nam mang đậm nét tính dân gian, nghi lễ miền Trung mang đậm nét cung đình, nghi lễ miền Bắc có phần chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa, tất cả đều có những nét đặc trưng riêng biệt mang sắc thái của nó. Vì vậy, nghi lễ Phật giáo Việt Nam đã trở thành món ăn tinh thần được mọi tầng lớp trong xã hội đón nhận, là một phần không thể tách rời trong đời sống tâm linh của quần chúng nhân dân nói chung và giới tu sĩ Phật giáo Việt Nam nói riêng.
1. Khái quát về nghi lễ Phật giáo Bắc truyền
Nghi lễ Phật giáo Việt Nam là sự tiếp thu, kế thừa và phát triển từ văn hoá Phật giáo và văn hoá truyền thống của dân tộc, trải qua quá trình lâu dài dung hợp và phát triển để hoà nhập với cộng đồng, xã hội người Việt, mang sắc thái của người Việt, nhằm đáp ứng cho nhu cầu của con người trong các mối quan hệ xã hội. Con người là sự “tổng hoà của các mối quan hệ trong xã hội” [3]. Vì vậy, nghi lễ Phật giáo Việt Nam không ngoài những chức năng, vai trò, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu lợi ích cần thiết cho con người trong xã hội, được biểu hiện thông qua các nghi thức, thờ cúng, nghi thức cống hiến, lễ tang, tán tụng, cầu nguyện… của nhu cầu đời sống tâm linh người Việt. Mặt khác, khi đề cập đến nghi lễ Phật giáo Việt Nam, nó không chỉ là các nghi thức tụng niệm, lễ bái hoặc ứng phó đàn tràng, lễ nghi, lễ đường, lễ bái, lễ phục, lễ tụng, lễ khí…, mà nghi lễ có nội hàm rất rộng, đa dạng, phong phú bao hàm các hành vi, ngôn ngữ, thái độ, tác phong, tín ngưỡng, văn hóa, nghi thức. Tuy nhiên, nghi lễ Phật giáo Bắc tông bao gồm hai phần: Phương diện vật thể và phương diện phi vật thể.
Thứ nhất, về phương diện vật thể, rất đa dạng, phong phú bao gồm pháp khí, pháp phục, tràng phan, bảo cái, lọng, bê, tàng, tích…Trong pháp khí Phật giáo cũng có nhiều loại như trống Bát nhã, trống đạo, trống bảng, Đại hồng chung, bảo chúng, chuông gia trì, mõ gia trì tụng kinh hằng ngày. Ngoài ra còn có các linh khí khác như là: Kiền chùy, Kích tử, Tang (Đẩu), Linh, Sử, Ốc Địch, Thủ lư, Thủ xích…rất đa dạng, mỗi khí cụ đều có những chức năng riêng và ý nghĩa riêng của nó. Bên cạnh đó, có thể nói pháp phục đóng một vai trò cũng quan trọng đối với người hành lễ, nó biểu đạt cung cách, phẩm phục của hàng xuất gia. Trong nội quy Tăng sự Trung Ương tại chương X điều 48 đã quy định rõ các hình thức: “Lễ phục, Giáo phục, Thường phục, của tăng sĩ Phật giáo” hết sức cụ thể. Do đó, “có thể nói đặc trưng trong pháp phục của người tu sĩ Phật giáo từ xưa đến nay vẫn là ba tấm y biểu trưng cho nếp sống và lý tưởng giải thoát, độ sinh của đức Phật” [4]. Tuy nhiên, pháp phục cũng rất đa dạng, nhất là y pháp có rất nhiều loại. Y pháp dùng cho hàng xuất gia gồm có y của Sa di, Sa di ni; y pháp của Tỳ kheo, Tỳ kheo ni. Phần Đại y thì lại phân chia nhiều cấp: Y 5 điều, y 7 điều, y 9 điều, y 11 điều, cho đến y 25 điều. Mỗi y điều được dùng cho từng trường hợp khác nhau đối với bậc thọ giới Tỳ kheo. Song song đó, còn có Hồng y được sử dụng trong các buổi trai đàn, pháp sự… dành cho các bật trưởng lão Hoà thượng, các vị chủ sám trai đàn; đồng thời Hồng y còn biểu thị tính riêng biệt của từng vùng miền Nam, Trung, Bắc, mà bộ y hồng có đường nét, hoa văn, cách điệu khác nhau. Mỗi một phần pháp cụ điều có ý nghĩa, vai trò quan trọng hỗ trợ cho buổi lễ thêm sinh động, hài hoà, trang nghiêm.
Thứ hai, về phương diện phi vật thể, đóng một vai trò rất quan trọng trong các buổi lễ của Phật giáo, bao gồm tán tụng, xướng vịnh, lời thán, lời hô… mỗi phần thể hiện tính chất riêng biệt của nó. Chẳng hạn như trong mỗi khoá lễ tụng kinh, phần đầu tiên chúng ta thấy đó là các bài kệ tán trước khi bước vào phần chính của tụng kinh. Tán là lời khen ngợi, tán dương công đức của chư Phật, chư Bồ tát, nhằm thể hiện tấm lòng của mình trước đức Phật, Bồ tát mà chúng ta tôn kính. Như là tán Lư hương, tán chiên đàn, tán Tào khê… có rất nhiều bài tán được các Tổ sư, các nhà nghi lễ chế tác nhằm làm phong phú, đa dạng các điệu tán của nghi lễ. Bên cạnh đó, việc tụng đọc cũng góp phần quan trọng trong suốt buổi lễ. Người có giọng tụng kinh tốt, âm thanh truyền cảm, trầm bổng sẽ tác động mạnh vào tâm thức người nghe, tạo một ấn tượng khó phai trong tâm trí của họ, giống như một ca sĩ với giọng ca hay sẽ gây ấn tượng mạnh trong lòng của khán giả. Mặt khác, nghi thức và nhạc lễ cũng rất quan trọng trong nghi lễ Phật giáo; lễ nhạc hoà quyện với lời kinh, các điệu tán sẽ tạo nên âm thanh trầm bổng, khúc chiết, thâm trầm, có khi thì cao siêu, linh diệu, khi thì hài hoà bình dị, được lồng ghép với những phụ hoạ tiết tấu lễ nhạc tạo nên sự thiêng liêng, huyền diệu trong bối cảnh trang nghiêm của buổi lễ, nó biểu đạt một nghệ thuật, nét đẹp thẩm mỹ của Phật giáo. Mặc dù, âm điệu của mỗi miền Bắc, Trung, Nam có sự khác biệt, nhưng nó vẫn thể hiện được cái hồn của nhạc lễ mỗi miền trong sự thống nhất của nền văn hoá dân tộc.
Ngoài các phương diện nêu trên, nghi lễ Phật giáo còn có những nội dung chứa đựng triết lý sâu sắc của Phật giáo trong đời sống con người. Nó thể hiện tính giáo dục con người về việc tu dưỡng, rèn luyện tác phong đạo đức làm người, đào tạo nhân sinh quan đúng đắn cho con người có lý tưởng và mục đích sống cao đẹp, có tình yêu quê hương đất nước, có tinh thần dân tộc cao cả, có trách nhiệm đối với đạo pháp, dân tộc. Đó cũng là điều mà Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm xây dựng lớp người Việt Nam phát triển toàn diện: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc” [5]. Phật giáo ngày nay không còn là Phật giáo của riêng mình, mà Phật giáo đã hoà mình vào cuộc sống nhân sinh, góp phần cùng với xã hội giáo dục thế hệ trẻ, nhất là giới trẻ thanh thiếu niên, do chịu tác động, ảnh hưởng của quá trình hội nhập văn hoá sâu rộng, có quan niệm sống không đúng đắn, lý tưởng sống lệch lạc, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện ở: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm” [6] của một số phận bộ hiện nay.
Vì vậy, trong thời đại ngày nay nghi lễ Phật giáo Việt Nam cần được nâng lên một tầm cao mới, thể hiện tính nghệ thuật, tính khoa học, tính giáo dục con người, trên cơ sở tiếp thu, kế thừa, chọn lọc từ nghi lễ Phật giáo truyền thống, để hướng đến biên soạn một bộ sách giáo khoa về nghi lễ Phật giáo Việt Nam.
2. Hướng đến biên soạn một bộ sách giáo khoa về nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong tương lai
Nghi lễ Phật giáo Việt Nam, có thể nói đã đi vào đời sống sinh hoạt tâm linh người Việt hết sức thiết thực, thích nghi với phong tục, tập quán của người Việt, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng, đem đến cho họ một niềm tin vững chắc vào Phật giáo. Tuy nhiên, nghi lễ Phật giáo Việt Nam hiện nay vẫn chưa thật sự mang tính thống nhất và tính toàn diện. Đó có thể là do sự “bất đồng trong nghi lễ”, xuất phát từ điểm khác biệt của vùng, miền, các pháp nghi, pháp lễ, pháp nhạc, pháp khí…Trong thực tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tồn tại ba tổ chức hệ phái chính đó là hệ phái Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ đều có nghi thức hành lễ khác nhau, đặc biệt là đối với hệ phái Bắc tông, tính đa dạng, phong phú, tính vượt trội về nghi lễ tán tụng hết sức sâu sắc, mang tính nghệ thuật, mỹ thuật của vùng miền “… Riêng đối với hệ phái Bắc tông, do tính thích nghi hoà nhập của Phật giáo và ảnh hưởng văn hoá tín ngưỡng vùng miền, nên nghi lễ Phật giáo hệ phái Bắc tông tại các địa phương vẫn còn nhiều điểm khác biệt, nghi thức cầu an, cầu siêu hay cách tán tụng tại mỗi vùng miền mỗi khác” [7]. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu của thực tiễn xã hội, hội nhập quốc tế như hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức mới về nghi lễ Phật giáo Việt Nam và mặc cho nó một “chiếc áo mới” mang tính thống nhất và toàn diện về nghi lễ. Song, để làm được điều đó, phải dựa trên cơ sở khoa học, sự đồng bộ của các ban ngành, chuyên ngành có liên quan, nghiêm túc trong nghiên cứu để tìm ra mẫu số chung cho bài toán về nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Vào thập niên 30, 40 của thế kỷ XX, với phong trào chấn hưng Phật giáo ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc của Tổ quốc, nhằm khơi dậy phong trào học Phật trong cả nước; bởi lúc này, đất nước bị chia cắt, Tăng, Ni bị mất phương hướng trong nghiên cứu Phật học, không có trường, lớp giảng dạy giáo lý; đồng thời giai đoạn này phần lớn Tăng, Ni lo cúng bái, ma chay hơn là học kinh điển. Do đó, các vị Hoà thượng như Hoà thượng Tâm Lai và một số cư sĩ…ở miền Bắc; Hoà thượng Khánh Hoà, Hoà thượng Từ phong, Hoà thượng Chí Thiền – Phi Lai…ở miền Nam; thiền sư Giác Tiên, một số cư sĩ Lê Đình Thám, Nguyễn Khoa Tân…ở Huế, cùng với các nhà Phật học, các cư sĩ Phật tử có tâm huyết phát động phong trào chấn hưng Phật giáo sâu rộng trong toàn quốc, với mục đích đánh thức giới tu sĩ và Phật tử về nhận thức giáo lý Phật giáo. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, giang sơn liền một dãy. Trong đó, tu sĩ Phật giáo Việt Nam cũng đã hợp nhất trong một tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đồng thời giáo dục giáo lý cho các tu sĩ, cư sĩ Phật tử được phổ biến rộng rãi, trường lớp đầy đủ, các chương trình học Phật cũng được giảng dạy một cách có hệ thống. Mặc dù vậy, cho đến nay nghi lễ Phật giáo Việt Nam chưa thống nhất chung, chưa mang tính đại diện cho “nghi lễ của Phật giáo Việt Nam” về mặt lý thuyết và ứng dụng của nghi lễ, phần lớn là mang tính vùng, miền… mang tính truyền thống như là nghi thức thiền môn, nghi lễ ứng phú đạo tràng, thiền môn quy tắc…, chưa có một đề án, một kế hoạch toàn diện trong nghiên cứu nghi lễ Phật giáo Việt Nam ở góc độ khoa học và hơn nữa là chưa biên soạn bộ sách giáo khoa về nghi lễ Phật giáo Việt Nam để giảng dạy trong hệ thống giáo dục của Phật giáo Việt Nam. Phần lớn nghi lễ được giảng dạy mang tính nội bộ, tự biên soạn và nghi lễ ứng dụng là chủ yếu. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần phải nghiên cứu nghi lễ Phật giáo Việt Nam một cách chỉnh thể, đa chiều, hướng đến thống nhất về nghi lễ mang tính thống nhất, toàn diện.
Trong thời đại giao lộ văn hoá Đông - Tây có chiều hướng dung thông, hội nhập, trong dòng chảy chung của hội nhập quốc tế, thì việc nghiên cứu bộ môn nghi lễ ở cấp độ khoa học và thống nhất chung cho Phật giáo Việt Nam là một việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa; nó thể hiện sự thống nhất chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về mọi lĩnh vực: Văn hoá, giáo dục, pháp chế…trong đó có nghi lễ Phật giáo Việt Nam là một thành tố quan trọng trong nền tảng văn hoá của Phật giáo Việt Nam. Có nhiều câu hỏi được đặt ra: Nghi lễ Phật giáo Việt Nam là gì ? Căn cứ vào lý luận khoa học nào để xác định đó là nghi lễ Phật giáo Việt Nam ? Căn cứ vào đâu để làm hệ quy chiếu về nghi lễ Phật giáo Việt Nam ? Có phải nghi lễ miền Trung là đại diện cho nghi lễ Phật giáo Việt Nam hay nghi lễ miền Nam, nghi lễ miền Bắc là đại diện cho nghi lễ của Phật giáo Việt Nam ? Do vậy, nghi lễ hiện nay chỉ dừng lại ở tính “thống nhất trong đa dạng”! Trong khi đó, lịch sử nghi lễ Phật giáo Việt Nam có quá trình phát triển lâu dài, từ hình thức, lễ nghi, nhạc lễ cho đến nội dung chứa đựng những triết lý sâu sắc của Phật giáo rất phong phú, đa dạng, có hệ thống, có đặc điểm riêng của dân tộc Việt Nam so với các nước khác trong khu vực. Do vậy, cần phải xây dựng đề án về nghi lễ mang tính khoa học chuyên ngành và liên ngành trong nhận thức về nghi lễ hiện nay. Việc nghiên cứu nghi lễ Phật giáo Việt Nam nhằm xác định tính chính thống của văn hoá nghi lễ Phật giáo Việt Nam từ nghi thức, pháp phục, pháp khí, lễ nhạc…, tránh tình trạng pha trộn, lai căn, khó phân biệt giữa bản sắc truyền thống văn hoá Phật giáo Việt Nam với nền văn hoá Phật giáo khác, từ đó có thể làm xói mòn bản sắc nghi lễ Phật giáo theo nguyên lý “nước chảy, đá mòn”. Thực trạng hiện nay “đa văn hoá”, “đa nghi thức” đã xuất hiện nhiều trong các nghi lễ cúng bái, sự biến tướng trong nghi thức, sắc phục truyền thống, phù phép trong khi hành lễ, thiếu nghiêm túc trong hành lễ… Có thể nói, bản sắc nghi lễ Phật giáo Việt Nam đã, đang có chiều hướng biến dạng, nghi lễ trở thành một chiều kích “thương mại hoá”, có cung có cầu. Vì vậy, việc biên soạn một bộ sách giáo khoa về nghi lễ Phật giáo Việt Nam để làm hệ quy chiếu cho nghi lễ Phật giáo trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng và đáp ứng kịp thời trong giáo dục Tăng, Ni hiện nay. Nhiều ý kiến của các tác giả trong hội thảo về “Văn hoá Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng” cũng đã nêu rõ quan điểm về sự thống nhất của nghi lễ Phật giáo: “ …Trước yêu cầu phát triển của Giáo hội trong thời hội nhập, chúng ta cần phải soạn thảo một nghi thức mang tính thống nhất chung cho cả ba hệ phái Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ, nhằm tạo sự thống nhất trong các đại lễ được Giáo hội tổ chức trong nước, cũng như khi tham dự các sự kiện Phật giáo quốc tế ngoài lãnh thổ quốc gia” [8].
Tuy nhiên, việc biên soạn sách giáo khoa về nghi lễ Phật giáo Việt Nam, là một công việc không phải dễ dàng, đòi hỏi sự hợp nhất của các ngành, các cấp của Giáo hội, đặc biệt là chuyên ngành nghi lễ Phật giáo, các nhà nghiên cứu khoa học, các bậc thầy chuyên môn về nghi lễ. Trong đó, Ban nghi lễ Phật giáo Trung Ương đóng vai trò quan trọng mang tính chuyên môn; Ban Giáo dục Phật giáo Trung Ương mang tính quyết định để cụ thể hoá môn nghi lễ Phật giáo trong hệ thống giáo dục Phật giáo; đặc biệt là Giáo hội Phật giáo Trung Ương mang tính chỉ đạo, định hướng cho sự hình thành bộ môn nghi lễ của Phật giáo Việt Nam. Bởi, các Ban ngành, các cấp Giáo hội đều có mối quan hệ biện chứng không thể tách rời, nếu thiếu sự đồng bộ trong các Ban ngành, các cấp của Giáo hội, thì rất khó cho sự hình thành một bộ sách Giáo khoa về nghi lễ Phật giáo Việt Nam. Mặt khác, khi xem xét, nghiên cứu nghi lễ Phật giáo phải đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định và phải nghiên cứu một cách khoa học, từ nhiều góc độ: Phạm vi nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, nội dung nghiên cứu, phương pháp luận… Nghi lễ phải bao gồm về mặt lý thuyết và ứng dụng của nó; nghi lễ được biên soạn phù hợp cho nhiều cấp học khác nhau, từ cấp thấp cho đến cấp cao. Song, phải thống nhất, hài hợp, cân bằng giữa nghi lễ của các vùng miền, một cách hết sức hợp lý và khoa học.
Trong thực tế, ở một số trường Phật học trong cả nước, việc giảng dạy nghi lễ chưa thật sự mang tính toàn diện, có nơi thì dạy nghi lễ, có nơi thì không cần dạy nghi lễ, chưa thống nhất trong hệ thống Giáo dục Phật giáo. Đó cũng là một phần trong tư tưởng nhận thức của một số quan điểm theo kiểu “truyền thống lỗi thời” cho rằng học giáo lý mới là quan trọng hơn nghi lễ; nghi lễ chỉ là “ứng phú đạo tràng” mà thôi. Song, cách tiếp cận về Phật giáo như thế là chưa hiểu hết giá trị của văn hoá Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới. Mặt khác, do nghi lễ Phật giáo hiện nay chưa biên soạn thành sách giáo khoa, chưa có giáo trình, giáo án cụ thể, thống nhất từ Trung Ương đến địa phương; hệ thống Giáo dục Phật giáo hiện nay cũng còn nhiều bất cập trong công tác hoạch định chiến lược về giáo dục trong hệ thống Giáo dục Phật giáo.
Tóm lại, nghi lễ Phật giáo Việt Nam bao gồm nghi lễ Phật giáo Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ. Tuy nhiên, nghi lễ Phật giáo Bắc tông là dòng chủ lưu, mang tính phổ quát trong cộng đồng người Việt với sự phong phú, đa dạng về phương diện phi vật thể và phương diện vật thể; chứa đựng những nội dung triết lý của Phật giáo hết sức sâu sắc, đồng thời nó phản ánh một loại hình nghệ thuật, thẩm mỹ, nét đặc trưng của nghi lễ Phật giáo Việt Nam hết sức độc đáo. Do đó, là hình thức ý thức xã hội, văn hoá Phật giáo Việt Nam nói chung, nghi lễ Phật giáo Việt Nam nói riêng, phản ánh tồn tại xã hội, phản ánh một cách sinh động trong đời sống xã hội con người và đáp ứng được những nhu cầu của đời sống tâm linh người Việt. Thông qua các điệu tán, tụng, hoà chung với âm điệu du dương, trầm bổng của lễ nhạc, mang đến cho con người một niềm tin, một tâm tư, tình cảm, một giá trị nhân văn sâu sắc. Vì vậy, nghi lễ Phật giáo Việt Nam ngày nay không còn trong khuôn khổ hạn hẹp truyền thống, mà nó chứa đựng những ý nghĩa sâu xa hơn, là biểu tượng, linh hồn của nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới. Chính vì vậy, việc hướng đến xây dựng, phát triển nghi lễ Phật giáo Việt Nam thống nhất, toàn diện trên cơ sở lý luận khoa học là hết sức cần thiết và cấp bách. Mặt khác, việc biên soạn bộ sách giáo khoa về nghi lễ Phật giáo Việt Nam và được giảng dạy trong hệ thống các trường Phật học hiện nay sẽ đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xã hội trong thời đại tri thức con người đã vượt qua những hiểu biết truyền thống thông thường về nghi lễ của Phật giáo Việt Nam. Thiết nghĩ, các bậc tôn túc lãnh đạo Giáo hội cần chỉ đạo, định hướng cho việc xác lập một bộ môn nghi lễ Phật giáo Việt Nam thống nhất, toàn diện, đồng thời soạn thảo một nghi thức thống nhất chung, là biểu tượng cho nghi lễ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế trong thời kỳ hội nhập.
Tác giả: TT. TS. Thích Lệ Quang Trưởng ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM. *** Chú thích: [1] Dẫn theo: Vũ Khiêu (chủ biên), 2000, tr.747 -748) [2] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I,II,III, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000, tr.23. [3] C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.156. [4] Ban Văn hoá – Ban nghi lễ Trung Ương, Văn hoá Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng, Nxb. Tôn giáo,2016, tr. 207. [5] Đảng Cộng sản Việt Nam. (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.tr. 231. [6] Đảng Cộng sản Việt Nam. (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.tr. 95. [7] Ban Văn hoá – Ban nghi lễ Trung Ương, Văn hoá Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng, Nxb. Tôn giáo,2016, tr. 83. [8] Ban Văn hoá – Ban nghi lễ Trung Ương, Văn hoá Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng, Nxb. Tôn giáo,2016, tr. 83. Tài liệu tham khảo 1.Ban nghi lễ Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, kinh nhật tụng, Nxb. Hồng Đức, năm 2013. 2.Ban Văn hoá – Ban nghi lễ Trung Ương, Văn hoá Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng, Nxb. Tôn giáo, 2016. 3.C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000. 4.Đảng Cộng sản Việt Nam. (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật. 5.Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I,II,III, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000, tr.23. 6.Thích Giải Hòa, Pháp sự khoa nghi, Việt ngữ toàn tập, Tu viện Nguyên Thiều (lưu hành nội bộ), năm 2008. 7.Thích Hoàn Quan, Nghi lễ và bách sự nhật dụng, Nxb. Đồng Nai, năm 2010.
Để cập nhật những thông tin, kiến thức Phật giáo nhanh và chính xác nhất, theo dõi Tạp chí Nghiên cứu Phật học trên các nền tảng Facebook, Website, Youtube.
Bình luận (0)