Cư sĩ Minh Mẫn

Trên vạn nẻo đường, ngược xuôi chân nối chân, xe nối xe, cứ như cõi trần chỉ có thế, bận rộn kiếp người làm trôi tuột những thực tế để kẻ vô tâm quên đi nhiều thực tại đau thương đang ẩn mình đâu đó, trong xó xỉnh đời người; ít nữa được che đậy một mỹ từ để tình đời được an lòng theo cách trốn chạy đau thương!

Hình như trên đất nước này, nhất là phía Nam, các “mái ấm” các nhà “tình thương”, nhà “cô nhi”, trại “dưỡng lão”… tỉnh thành, quận huyện nào cũng có, nhưng cái có đó, không mang danh hiệu chính thức nào, có lẽ tâm tự phát hơn là hô hào khẩu hiệu, rất ít nơi làm được.

Nhà “dưỡng lão” do gia đình cô Hồng, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tại Nhơn Trạch, Đồng Nai, cưu mang trên 80 cụ ông, cụ bà không nơi nương tựa;

Hóc Môn, tại xã Thới Tứ, một vị tu tại gia nuôi dưỡng gần trăm cô nhi tại nhiều cơ sở, cưu mang cụ bà, thai phụ không chốn dung thân; tổ chức nhiều quán chay bình dân giúp giới lao động nghèo.

Chùa Từ Giác (đường 106, xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi), một Ni trụ trì trông rất trẻ, nhỏ con nhưng trái tim không hề nhỏ, cô Thích Nữ Lệ Thanh, từ ngày tiếp nhận ngôi chùa, đã xây dựng phục hoạt nhiều công trình bề thế nơi vùng quê không mấy sung túc. Diện mạo ngôi chùa xác định khả năng và tầm vóc của một Ni trưởng điều hành ni chúng 21 vị, 36 cháu nhỏ từ 2 tháng tuổi đến em gái đang học lớp 12. Chi phí cho hai cô bảo mẫu. Ngoài ra, tiệm cơm chay của chùa tại chợ Hóc Môn phụ trợ tiền điện sinh hoạt trong chùa. Hàng tháng phát 800 phần cơm từ thiện cho bệnh viện Củ Chi. Mùa dịch còn tổ chức hội chợ “O” đồng cho bà con địa phương, gửi đến khu cách ly nhiều nhu yếu phẩm. Tương lai dự định thành lập “mái ấm” cho các cụ cơ nhỡ. Với những việc tưởng chừng ngoài tầm tay của một người (mà mùa bão phải cột thêm cục sắt bên người) biết đâu trong trái tim kia còn phát khởi những việc làm nhẹ gánh đau thương cho xã hội. Nhìn tướng khó mà đoán được tâm đối với những người có trái tim rộng mở!

Những cơ sở từ thiện vừa nêu, không kêu gọi, không phô trương, không nhân danh bất cứ khẩu hiệu nào mà quy luật khắt khe khi thành lập một cơ sở từ thiện nuôi dưỡng cần phải có. Phần nhiều con trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện, mất cha mẹ, cha mẹ quá nghèo không thể nuôi… và rất nhiều gia cảnh thường ngày không thiếu trong xã hội hiện nay. Họ nuôi như nuôi người thân, như nuôi con cháu; họ tự lo trang trải mọi chi phí theo khả năng. Mạnh thường quân biết, tự nguyện hỗ trợ. Việc làm thầm lặng trong giới Phật giáo hiện nay tại Việt Nam đâu thua gì mẹ Teresa ở Calcutta Ấn Độ.

Hạnh nguyện nhập thế cứu độ quần sinh dưới nhiều hình thức, cho dù hình thức nào cũng phải cần một trái tim nhân hậu, vô vị lợi. Những cháu xuất thân từ mái chùa, chắc chắn là mầm non thánh thiện để góp tay vào đời những nhân cách tốt cho cuộc sống.

Người có tâm hồn, không thể bỏ qua những trái tim rộng mở như thế. Một bàn tay tiếp nối bàn tay sẽ bao bọc tinh cầu bằng hơi ấm tình người. Đời người tuy ngắn ngủi nhưng lòng từ bi luôn vô hạn nếu chúng ta biết tiếp nối ánh sáng tình thương để có một “trái tim biết thương yêu”

Cư sĩ Minh Mẫn

Điện thoại Ni trưởng chùa Từ Giác: 077.886.9930