Truyền thống kinh điển cũng như cách giáo hóa từ khi đức Phật còn tại thế cho đến chư Tổ về sau đã dùng hình ảnh con Trâu thể hiện cả một đoạn đường tâm đi qua từng niệm, từng niệm của mỗi người. Lấy từ hình ảnh con trâu quen thuộc đối với người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng để nói lên quá trình thuần hóa Tâm. Tương tự, Kinh Di Giáo, đức Phật đã nhắn nhủ những lời dạy sau cùng đối với các đệ tử với nội dung nhấn mạnh tầm quan trọng của Tam vô lậu học đối với con đường tu học, có nhắc đến hình ảnh chăn trâu để so sánh việc chế ngự các căn của vị Tỳ kheo khi tiếp xúc với trần cảnh.

汝等比丘,已能住戒當制五根,勿令放逸入於五欲,譬如牧牛之人執杖視之,不令縱逸犯人苗稼。"Nhữ đẳng Tỳ kheo, dĩ năng trú giới đương chế ngũ căn, vật linh phóng dật nhập ư ngũ dục, thí như mục ngưu chi nhân chấp trượng thị chi, bất linh túng dật phạm nhân miêu giá" nghĩa là Phật dạy các vị Tỳ kheo, đã có thể trú ở tịnh giới cần chế ngự năm căn, không để tự do theo năm dục, ví như như kẻ chăn trâu, cầm gậy mà coi giữ không cho phóng túng phạm vào lúa mạ của người[1]. Điều này cho ta thấy, việc chăn Trâu được coi như sự tu tập cần hộ trì các căn, thiểu dục tri túc. Sự hộ trì các căn được các nhà thiền sư coi như việc giữ tròng con mắt. Cũng như vấn đề tâm được nhìn nhận xuyên xuốt cả một quá trình chuyển hóa nội tâm, thể hiện qua "Thập Mục Ngưu đồ". Mười bức tranh chăn trâu mô tả trạng thái biểu hiện của tâm để nhìn nhận rõ về hiện thực của tâm đang bị luẩn quẩn cũng như trôi lăn trong đời sống của mỗi người, để từ đó lần về cội nguồn chân tâm tự tại an lạc và cuối cùng là thõng tay vào chợ hay sự dấn thân vào cuộc đời để làm lợi ích cho chúng sinh không ngăn ngại.

Thập mục ngưu đồ có hai hệ thống tranh chăn Trâu đó là Thập mục ngưu đồ tụng Tiệm hóa và Thập mục ngưu đồ tụng Toàn đen. Về sự giống nhau và khác nhau giữa hai hệ thống này thì chúng đều có sự thống nhất về đề tài và tư tưởng. Sự thống nhất đó thể hiện ở việc cả hai hệ thống tranh Tiệm hóa và Toàn đen đều vẽ quá trình tu tâm, hành đạo qua 10 giai đoạn bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Nhân vật chính là mục tử và đối tượng của chú là con trâu hoang dã và ngông cuồng. Quá trình chăn trâu đều vô cùng khó khăn là cả một quá trình đấu tranh quyết liệt giữa người và trâu hay là sự vươn lên chính mình của mục tử. Kiên quyết và dứt khoát là yếu tố chỉ đạo của cả hai hệ thống tranh để đưa đến sự giải thoát hoàn toàn của tâm từ hữu lậu thành vô lậu.

Hai hệ thống tranh tụng tuy có ra đời khác về thời điểm nên điểm nhìn của thiền sư họa sĩ khi họa tranh cũng có cái khác. Do đó, về nội dung của những bài tụng cho mỗi tranh có khác. Nhưng nó cũng không ngoài Giới Định Tuệ là phương thức tu tập chung cho cả hai hệ thống chăn trâu, được áp dụng linh hoạt và thống nhất trong tinh thần tùy duyên bất biết của Phật giáo. Ở đây, người viết dùng tranh Thập mục ngưu đồ tụng Toàn đen để làm dụng cho tâm.

1. Tìm trâu 尋牛 茫 茫 撥 草 去 追 尋 Mang mang bát thảo khứ truy tầm 水 闊 山 遙 路 更 深 Thuỷ khoát sơn dao lộ cánh thâm 力 盡 神 疲 無 處 覓 Lực tận thần bì vô xứ mịch 但 聞 風 樹 晩 蟬 吟 Đãn văn phong thụ vãn thiền ngâm. Nức lòng vạch cỏ rong tìm Non xa nước rộng đường chim mịt mù Sức cùng dạ mỏi tìm mô? Rừng phong bóng ngã nghe hồ ve ngâm.[2] (Tuệ Sỹ dịch)

Bức họa thứ nhất mang tên là Tìm trâu. Chú mục đồng ngơ ngác đứng giữa núi rừng chưa biết phương hướng. Biểu trưng cho sự truy tìm hạnh phúc do vọng tâm bám vứu với cảm giác vô vọng. Sau bao thăng trầm sóng gió của cuộc đời, chợt nhận ra cần tìm ra chân lý. Tìm có nghĩa là chưa thấy và chưa biết. Cũng như chưa biết con trâu như thế nào, ở đâu để điều phục. Đối với nhà thiền, mỗi hành giả như là khởi đầu cho sự truy tìm dấu vết của chân tâm từ sự phiền não khổ đau của vọng tâm. Đó cũng là giai đoạn đầu của mỗi hành giả khi phát khởi tâm tu tập.

2. Thấy dấu 見跡 水 邊 林 下 跡 偏 多 Thuỷ biên lâm hạ tích thiên đa 芳 草 離 披 見 也 麼 Phương thảo li phi kiến dã ma 縱 是 深 山 更 深 處 Túng thị thâm sơn cánh thâm xứ 遼 天 鼻 孔 怎 藏 他。 Liêu thiên tị khổng chẩm tàng tha. Dấu chân dọc bến ven rừng Cỏ non chằng chịt biết chừng sao đây? Non kia vẫn cứ xa dầy Trời cao mũi hẹp dấu mày được ư? (Tuệ Sỹ dịch)

Thấy dấu là giai đoạn xác định được niềm tin của con người về cái tâm này là sự thật bao hàm muôn pháp. Niềm tin đó là chất liệu quan trọng nuôi dưỡng con người trong giai đoạn tu tiếp theo, khi mà tâm vẫn chưa rũ bỏ được cái vọng, chưa nhận ra được cái chân và chưa biết làm sao để thể nhập cái chân tâm thường trú. Một chút hy vọng đang loé sáng trong tâm thức sau một thời gian tìm mệt mỏi. Thấy dấu, chánh tri kiến đang được hồi sinh cùng với chính tín trong bầu tâm thức làm động cơ thúc đẩy quá trình hiện thực hóa ý tưởng đã thao thức tìm trâu. Khi tâm lặng thì dễ dàng soi sáng và nhận ra từng tâm niệm lăng xăng, hay vọng tâm, đó cũng là dấu vết của sự tu tập nhận diện được sự vọng động trong tâm.

3. Thấy trâu 見 牛 黄 鶯 枝 上 一 聲 聲 Hoàng oanh chi thượng nhất thanh thanh 日 暖 風 和 岸 柳 青 Nhật noãn phong hoà ngạn liễu thanh 只 此 更 無 廻 避 處 Chỉ thử cánh vô hồi tị xứ 森 森 頭 角 畫 難 成。 Sâm sâm đầu giác hoạch nan thành Vàng anh trên ngọn líu lo Gió reo nắng ấm tren bờ cỏ xanh Chỗ này thôi hết chạy quanh Đầu sừng rối rắm khó thành vẽ nên. (Tuệ Sỹ dịch)

Thấy trâu cũng là lúc nhận ra được cái ngã đang vận hành trong tâm của mỗi hành giả nhưng vẫn bị chi phối trong hoạt động của con người. Thấy trâu là thấy được nguyên nhân của mọi khổ đau phát sinh từ một cái ngã để rồi nhận ra được chân tâm thường trụ và được nhận biết qua tính giác của chính mình. Nhưng đó chỉ là khởi đầu cho sự nhận ra chứ chưa thể kết thúc của sự phiền muộn trong tâm hay bị ngoại cảnh chi phối bởi lục trần vẫn bị dẫn dắt tâm đi từ trạng thái buồn vui này sang buồn vui khác. Chính sự thấy trâu này, là nhận biết được khổ đau, hạnh phúc chính là ở trong tâm mình.

Giới luật là gốc của chân tâm

4. Được trâu 得 牛 竭 盡 神 通 獲 得 渠 Kiệt tận thần thông hoạch đắc cừ 心 强 力 壯 卒 難 除 Tâm cường lực tráng tốt nan trừ 有 時 才 到 高 原 上 Hữu thời tài đáo cao nguyên thượng 又 入 煙 雲 深 處 居。 Hựu nhập yên vân thâm xứ cư. Trăm đường mói chộp được mi Cứng đầu hăng tiết chưa quy thuận nào Thoảng khi dắt đến gò cao Lại trông mây nổi dạt dào buông lung. (Tuệ Sỹ dịch)

Được trâu là giai đoạn nhận ra cái chân thật giữa muôn vàn cái vọng, thời điểm này mục đồng đã có sự minh định rõ ràng về thái độ sống của mình. Đó là thái độ và lập trường của sự nỗ lực tu tập thực hành xuất phát từ chính niệm để sống với tánh giác của mỗi hành giả. Thời điểm này, là lúc mà tâm có khả năng nhận diện nhanh chóng về vấn đề phiền muộn, ganh tỵ, tranh chấp…và ngày lúc đó đã biết phải làm thế nào khi đối diện với thực tại hiện tại của tâm thức. Hình ảnh chú mục đồng nắm đuôi con trâu, hay là đi sau con trâu mà kéo lại là ẩn dụ cho việc cố gắng chế ngự tâm không cho phóng túng nữa, lúc này cường độ của tâm phóng túng còn mạnh nên chú phải đuổi theo nó, chưa làm chủ được nó.

5. Chăn trâu 牧 牛 鞭 索 時 時 不 離 身 Tiên sách thời thời bất li thân 恐 伊 縱 歩 惹 埃 塵 Khủng y túng bộ nhạ ai trần 相 將 牧 得 純 和 也 Tướng tương mục đắc thuần hoà dã 羈 鎖 無 拘 自 逐 人。 Ki toả vô câu tự trục nhân Cây roi mang sẵn kè kè Ngại tung vó theo bè trần ai Sửa lưng mày đó ta đây Trói chân cho kỹ, mày quay đường nào? (Tuệ Sỹ dịch)

Giai đoạn mục tử bắt đầu nhận ra lẽ thật và bắt đầu phát sinh tâm niệm rũ bỏ mọi chấp thủ và chấp trước về cuộc sống, một lòng xỏ mũi trâu dắt về, đó là một quá trình điều tâm. Chú đã có thể đi trước con trâu đen, là vì chú đã có thể chủ động nhận ra và làm chủ được các căn phóng dật, trâu đã trở nên ngoan ngoãn đi sau chú. Sự điều phục tâm này không thể nằm ngoài giới định tuệ được. Do vậy, giới là sự thúc thủ sáu căn trong khi định là thời thời duy trì trạng thái tỉnh thức? và tuệ chính là sự tỉnh thức đó. Một niệm tỉnh giác chứa đựng đầy đủ tinh ba của tam vô lậu học, một niệm tỉnh giác ở ngay thời điểm hiện tại. Thời điểm hiện tại ở đây tuy chưa thể là cứu cánh như hiện tại của một tâm thức giác ngộ nhưng nó biểu hiện mọi việc hiện tại của một hành giả đang đối diện với nó. Đó là tất cả sự nỗ lực của con người để rèn luyện bản thân, chăn dắt thân và tâm trong chính niệm.

6. Cỡi trâu về nhà 騎 牛 歸 家 騎 牛 沫 汁 欲 還 家 Kị ngưu mạt trấp dục hoàn gia 霞 笛 聲 聲 送 晩 霞 Hà địch thanh thanh tống vãn hà 一 拍 一 歌 無 限 意 Nhất phách nhất ca vô hạn ý 知 音 何 必 鼓 唇 牙。 Tri âm hà tất cổ thần nha Lưng trâu bước chậm ta về Sáo lê vi vút ngoài tê ráng chiều Vừa ca vừa nhịp hiu hiu Tri âm rồi khỏi ra điều nọi kia. (Tuệ Sỹ dịch)

Giai đoạn này đánh dấu sự kết thúc của quá trình gian khổ để hàng phục tâm. Ngồi trên lưng trâu biểu hiện khả năng chủ động tuyệt đối của con người với tâm tưởng như bất trị. Từ sự kiếm tìm vất vả đến thấy trâu, xỏ mũi, chăn dắt, thuần hóa là sự đấu tranh liên tục giữa hai thế lực đối kháng nhau và đạo là nguyên tắc chỉ đạo cho sự đối kháng đó. Bức họa kỵ ngưu quy gia, cưỡi trâu về nhà biểu trưng cho vai trò của đạo, con đường mà mục tử ra đi tìm trâu, thuần hóa trâu và cuối cùng là cỡi trâu về nhà bằng con đường này, con đường của sự tự chế ngự lục căn trên trục Giới Định Tuệ.

7. Quên trâu còn người 忘 牛 存 人 騎 牛 已 得 到 家 山 Kị ngưu dĩ đắc đáo gia san 牛 也 空 兮 人 也 閑 Ngưu dã không hề nhân dã nhàn 紅 日 三 竿 猶 作 夢 Hồng nhật tam can do tác mộng 鞭 繩 空 頓 草 堂 間 Tiên thằng không đốn thảo đường gian Lưng trâu thoắt đã quê mình Buông Trâu mất hút mặc tình thong dong Nắng cao còn đượm giấc nồng Quăng roi nhà cỏ hết dùng nữa thôi. (Tuệ Sỹ dịch)

Mục đồng và trâu đã về đến quê cũ, trâu không còn, mục đồng ngồi tựa vách nhìn trăng sáng. Đó là thiền định. Thiền định là bất nhị pháp môn nên mọi cái phân biệt đều bị hóa giải. còn tâm là còn cảnh và như thế, quá trình xúc cảnh sinh tình vẫn còn diễn ra. Về đến nhà, mục tử quên trâu là thể hiện một giai đoạn mới, giai đoạn cảu sự tự tri tự giác. Khi tâm không vọng thì cái chân cũng không còn, không còn đối đãi thì muôn tướng liền diệt, tranh thể hiện hình ảnh mất trâu. Khi nói bản chất chân thật của tâm là sự giải thoát chứ không nói về bản chất chung chung của tâm mà nói tới tình trạng tâm đã gột sạch được hết các thứ bất thiện về phân biệt pháp chấp. Pháp không, cảnh huyễn nên tâm an trú. Như vậy, sự ngừng bặt tịch tĩnh có hai bình diện, một là tự do tuyệt đối không còn các vọng tâm ô nhiễm, hai là sự tự do không thấy có hiện hữu nào cố định.

8. Người trâu đều quên 人 牛 俱 忘 鞭 索 人 牛 盡 屬 空 Tiên sách nhân ngưu tận thuộc không 碧 天 遼 闊 信 難 通 Bích thiên liêu khoát tín nan thông 紅 爐 焰 上 爭 容 雪 Hồng lô diễm thượng tranh dung tuyết 到 此 方 能 合 祖 宗。 Đáo thử phương năng hợp tổ tôn Người trâu, roi vọt đều không Trời xanh vời vợi mù trông chốc mòng Tuyết khoe trắng giữa than hồng Cội nguồn quê quán tao phùng một phen. (Tuệ Sỹ dịch)

Mất trâu còn người đến bây giờ thì cả người và trâu đều mất, tranh không vẻ một hình ảnh gì ngoài khoảng trống, đây là cảnh giới “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt” – đường ngôn ngữ dứt, các tâm hành hoàn toàn thanh tịnh, không còn trong cảnh giới sinh diệt. Cảnh đã không và cái tâm biết cảnh cũng không, chủ thể và đối tượng nhận thức đều mất dấu, ngã pháp đều dứt bặt. Sự ảo tưởng về cái ngã đã chấm dứt, hay chính cái ngã không còn hiện hữu. Thiền định chỉ để dung hòa giữa cái sai biệt, đặc thù thành cái một, nhưng rồi sự phát sinh của tuệ bát nhã mới có thể dứt hết mọi ảo tường về cái một và cái đa thù đó. Ở đây, chấm dứt mọi tâm hành, chấm dứt mọi dấu tích của tưởng, của năm thủ uẩn, và cũng có nghĩa là vô vi mọi hành động. Lúc này, hành giả thể nhập tánh không, đi vào cánh cửa giải thoát xưa này bị đóng bởi cái ngã. Khép lại quá trình lăng xăng, vọng động nhận ra tâm chân thật với bầu trời trong xanh không một mảy gợn, cả vụ trụ là sự vận hành của cái Không tuyệt đối.

Quay về chân tâm

9. Trở về nguồn cội 返 本 還 源 返 本 還 源 已 費 功 Phản bản hoàn nguyên dĩ phí công 爭 如 直 下 若 盲 聾 Tranh như trực hạ nhược manh lung 庵 中 不 見 庵 前 物 Am trung bất kiến am tiền vật 水 自 茫 茫 花 自 紅。 Thuỷ tự mang mang hoa tự hồng. Mất công mò lại cội nguồn Trắng trong một dãi ra tuồng điếc đui Trong am không thấy cõi nào Ngoài kia hoa thắm nước trào mệnh mông. (Tuệ Sỹ dịch)

Thoát xác từ không tánh, hành giả trở về với cái tâm xưa mới chính là cội nguồn của đạo. Phản bồn hoàn nguyên, trở về nguồn cội trạng thái tâm rất thường của trái tim xưa tràn đầy sự sống, con người cảm nhận cuộc đời vẫn thường tại như nhiên, cái bình thường xưa này vẫn vậy. Chỉ do ta lầm đường lạc lối, tưởng như có sự chẻ đôi trong khi từ nguyên thủy, chưa hề có một cuộc tranh chấp nào, và tự do mà ta tìm kiếm nó vẫn luôn có đó tự bao giờ. Tất cả đều bình thường hóa ở lối cũ, chốn xưa. Vô thường vẫn là vô thường nhưng cái tâm đã an bình trong sự vô thường và vô thường là thực tại đang vận hành trong tâm, để trước thế sự vô thường, tâm vẫn vô sự nhưng vẫn thấy nghe hay biết trọn vẹn với cuộc đời.

10. Thõng tay vào chợ 入 廛 垂 手 露 胸 跣 足 入 鄽 來 Lộ hung tiển túc nhập triền lai 抹 土 涂 灰 笑 滿 腮 Mạt thổ đồ khôi tiếu mãn tai 不 用 神 仙 真 秘 訣 Bất dụng thần tiên chân bí quyết 直 教 枯 木 放 花 開。 Trực giáo khô mộc phóng hoa khai. Lưng trần chân đất chợ người Cát lầm bụi vẩn, ta cười say sưa Thần tiên bí quyết cũng thừa Cây khô thoắt đã đong đưa nhụy vàng. (Tuệ Sỹ dịch)

Sau bao lần tao phùng với bản lai diện mục, cái tâm trở nên bình thường, sự bình thường trung đạo không vướng bận, không ly khai với một mảy trần. Đứng trên chân trời tự tánh để nhìn, nhất là cuộc đời và cuộc đời là nhất như. Sự thanh tịnh vốn không sai biệt với nhiễm ô, và mọi nỗ lực của ý thức trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Tâm không sai biệt nên thân cũng không câu nệ gì với mọi hình thức sai biệt, tiếng cười say sưa với cát lầm, bụi vẩn, với lưng trần chân đất là biểu tượng chân thật cảu sự nhất như giữa cuộc sống muôn sai biệt này. Đó là diệu dụng muôn đời của tuệ Bát-nhã một khi đã bùng lên thì mãi mãi chiếu soi mọi ngõ ngách của tâm hồn. Hành giả đi theo con đường riêng của mình, không bước theo dấu chân thánh hiền xưa, mang bầu rượu thong dong vào chợ, tiện tay dắt bọn chủ quán, bợm nhậu… theo con đường của Phật. Nếu tìm một hình ảnh toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ cho cuộc đời mà không phải là hành ảnh này thì không còn gì cả, bởi bao nhiêu tinh hóa của chân lý đã chưa đựng trong hình ảnh này, nguyên sơ và trọn vẹn.

Các Tổ ngày xưa dạy rằng: "Học đạo như người tìm trâu. Trâu ví như tâm mình. Trâu ấy đen là chỉ cho tâm phiền não. Người học đạo là người tìm lại tâm mình, thấy lại tâm mình để khỏi bị tha hóa. Nếu không nhìn lài mình tất nhiên sẽ bị tha hóa. Tha hóa vì danh lợi và cảnh sắc bên." [3] Qua bộ tranh "Thập mục ngưu đồ" cho ta thấy tiến trình tu chứng từ hoang sơ đến thuần phục đã khẳng định thành quả giáo dục phẩm chất của người học đạo, nhờ công phu tu tập mà cái vọng tâm lần hồi gạn lọc được trần cấu và sáng dấn lên đến chứng ngộ giải thoát. Từ lý thuyết diễn xuất thành hình tượng cụ thể. "Thập mục ngưu đồ" đã đóng góp về mặt nghệ thuật cũng như về mặt phổ biến giáo lý của đạo Phật nói chung và thiền học nói riêng.

Thích Nữ Hằng Huyền - Học viên Cao học Khóa I, Học viện PGVN tại Huế ----------------------------

CHÚ THÍCH

[1] Thích Trí Quang, Kinh Di Giáo [2] Tuệ Sỹ (2000), Thiền qua tranh chăn trâu. [3] Thích Thiện Siêu, Trăng Rọi Rừng Thiền, Nxb. Học Viện Phật Giáo Việt Nam Tại Huế, 1998, tr. 199