NNC Nguyễn Lâm Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023
(tiếp theo số tháng 5 năm 2023 (180)
Đời vua Tự Đức (1848-1883)
1. Lệnh cấm của nhà vua
Đến đời vua Tự Đức, Phật giáo một lần nữa được xem xét lại, chỉnh đốn bằng những quy định khắt khe hơn và không được ưu ái tạo điều kiện phát triển như hai triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị. Tự Đức ban lệnh như Sáng tổ Gia Long “Chùa quán thờ Phật, có đổ nát thì cho sửa chữa, còn như làm chùa mới, đúc chuông, tô tượng, cúng đàn chay, hội thuyết pháp, hết thảy đều cấm cả. Sư ở chùa có người nào chân tu thì Lý trưởng phải khai, liệt họ tên nộp quan, để biết rõ sư tăng” (1)
Tuy nhiên trong chuyến tuần du ra Bắc Hà, khi đi qua xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, nghe đồn ở đây có “chùa” đẹp, Tự Đức đã ghé thăm. Nhà vua vào động lễ Phật, thấy động kỳ ảo nên đã đổi tên động là “Hoa Sơn động”. Từ đấy, động được gọi là động Hoa Sơn hay chùa Hoa Sơn. Nhà vua còn lệnh cho quan sở tại tập hợp các ngôi mộ thuộc hoàng tộc của nhà Đinh và những người có công với triều Đinh, cho xây lăng Nghĩa Chủng ở khu đất rộng chừng 3 mẫu
Dù thích Nho hơn Phật, vua Tự Đức vẫn giữ nguyên các tự viện do các bậc tiên tổ dựng lập: Năm Tự Đức thứ 3 (1849), vua nghị chuẩn các chùa công như Thiên Mụ, Giác Hoàng v.v… mỗi nơi đều phải có Tăng cương trụ trì, có chi cấp lương bổng. Năm 1853, vua lại sắc cấp công điền cho các chùa ở kinh đô như: Thiên Mụ, Diệu Đế, Thánh Duyên, Long Quang, Linh Hựu và các chùa ngoài kinh như Tam Thai, Ứng Chân (Quảng Nam), Khải Tường (Gia Định)… nhà vua còn cấp các khoản chi dùng cho các ngày lễ Rằm, Trung Nguyên, Thánh Thọ, Vạn Thọ(2).
Tự Đức từng ban lệnh: “còn như làm chùa mới, đúc chuông, tô tượng, cúng đàn chay, hội thuyết pháp, hết thảy đều cấm cả”. Nói vậy mà không phải là vậy! Cụ thể:
Hoàng tộc
Hoàng hậu và công chúa triều Nguyễn nhiều người sùng tín Tam bảo. “Họ theo đạo Phật để cầu phúc và mong muốn khi mất đi được siêu sinh tịnh độ. Các bà hoàng thường xây chùa trong gia thất. Các ông hoàng bà chúa xưa đi lễ chùa, thì không phải bất cứ chùa nào, mà là một chùa nhất định, nếu không ở ngay trong phủ (nội viện) thì cũng kề phủ”.
“Năm Tân Mùi 1871, bà dì họ vua Tự Đức pháp danh Như Diệu, bắt đầu dựng một ngôi chùa tư, thờ Phật và Quan Thánh Đế Quân, đúc chuông, đẽo đá, tu trì tụng kinh.
Mẹ của vua Tự Đức là bà Từ Dũ, cùng một số người trong hoàng tộc đã từng nhiều lần cúng tiền bạc để tu sửa các chùa ở Huế “Do sự vận động của sư (Liễu Chơn Từ Hiếu), hai bà Từ Dũ, Trang Ý và hai công chúa Lại Đức, Quy Đức cúng cho chùa một số bạc, tiền để mua ruộng, đúc tượng. Ngoài ra, bà còn góp tiền để xây chùa Quốc Ân, chùa Từ Hiếu, chùa Thiên Hưng”.(3)
Cụ Ưng Bàng - một người trong hoàng tộc xây chùa và phủ ở ngay phía sau lưng chùa Diệu Đế.
Quan lại
Ngoài vua, quan lại nhà Nguyễn kể cả nhà Nho có rất nhiều người có thiện cảm với Phật giáo. Họ trở thành những phật tử tu ở nhà. Họ bỏ tài sản ra xây chùa, tạc tượng, khắc bia, khắc kinh:
Sách Đại Nam thiền uyển kế đăng lục cho biết, năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) Thượng thư Nguyễn Đăng Giai được điều động đến làm Tổng đốc Hà Ninh. Ông đã đứng ra quyên góp và chủ trì việc xây dựng một ngôi chùa có tên là Liên Trì Hải Hội (Báo Ân tự, tục gọi là chùa Quan Thượng vì ông Giai mang hàm Thượng thư) trên đất thôn Cựu Lâu và mời Hòa thượng Phúc Điền về trụ trì. Chùa có tất cả 355 gian, đủ cả Thượng điện, Hậu điện, thập động, hành lang, tăng phòng v.v… bốn mặt chùa đều thông thoáng, dân thôn trồng sen vàng, đến mùa sen nở, hoa tươi rực rỡ, nên có tên gọi chùa Liên Trì.
Thượng thư Bộ binh Nguyễn Đình Tân cúng hai tấm bia cho chùa Trường Xuân (Huế), về hưu ông lại tự soạn bài văn khắc cho chùa; năm 1850, Thượng thư Bộ hình Đặng Lễ Trai cúng 40 lạng bạc vào chùa Thanh Lương, Hương Trà, Thừa Thiên - nơi ông ở và xuất tiền của sửa chữa chùa Bác Vọng Tây, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên là quê vợ ông. Năm 1853, ông bỏ tiền đắp tượng Phật Tam thế, tượng Hộ pháp, đúc đại hồng chung, góp 50 quan dựng miếu thần, 60 quan dựng chùa Phật…
Các đại thần thuộc họ Nguyễn Khóa dựng chùa Ba La Mật tại Vỹ Dạ, Huế; Thượng thư Thái Văn Toản lập chùa Qui Thiện ở phía sau đàn Nam Giao.
Các quan Thái giám chung tiền xây chùa Từ Hiếu ở Huế.
Dân chúng
Trong dân chúng, mặc dù có lệnh cấm đoán (thời Gia Long, Tự Đức), việc xây chùa, tạc tượng, đúc chuông, khắc in kinh điển vẫn tiếp tục như thuở trước. Đức tin Tam bảo trong quảng đại nhân dân vẫn không thay đổi. Người dân vẫn coi việc đóng góp cho chùa là một nghĩa vụ thiêng liêng. Ngoài Bắc, các chùa: Dâu, Quán Sứ, Keo, Bút Tháp, Vĩnh Nghiêm, chùa Thầy, chùa Tây Phương… được trùng tu. Trong Nam - vùng đất mới khai khẩn, do lòng tin Phật, chùa, tháp mọc lên hàng loạt. Họ dựng chùa để làm nơi sinh hoạt tinh thần, gặp gỡ nhau, chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống, và nhất là trong việc cử hành các lễ cầu siêu, cầu phúc cầu an.
Số chùa trên cả nước thời Tự Đức là 245, trong đó Hà Nội có 15 chùa, Huế có 36 chùa. Con số thống kê trên chỉ gồm các danh lam, chùa công do nhà nước tu sửa, chứ chưa tính đến các chùa làng.(4)
Lệnh của nhà vua cấm đúc chuông, tô tượng, cúng đàn chay, hội thuyết pháp nhưng rất nhiều chuông đồng được đúc vào kỳ này để kỷ niệm khánh thành chùa.
2. Lập đàn chay cầu phúc
Tự Đức năm đầu (1848) dụ: ngày 24 tháng 5, phụng lễ lớn Ninh Lang(5) ở Xương Lăng, hồ sơn trông ngóng, hang núi cùng thương, xa trông mây lành, tình hoài khôn xiết, sau khi lễ xong, chuẩn đặt đàn chay thủy lục ở chùa Thiên Mụ, tụng kinh ba bảy 21 ngày; trong tháng 8 chọn ngày tốt khai kinh đến 15 tháng 9 đầy đủ, sự thể rất là quan trọng, chuẩn lấy Phụ chính đại thần, Hiệp biện Đại học sĩ, Lĩnh Công bộ thượng thư, sung cơ mật viện đại thần, Trí dũng tướng, Tráng liệt bá Nguyễn Tri Phương, Vũ lâm dinh Tả dực thống chế gia đô thống hàm Nguyễn Trọng Tính, Chưởng vệ quyền chưởng hùng nhuệ dinh ấn triện Nguyễn Tuấn, Bộ Lại Tả thị lang kiêm nhiếp tôn nhân phủ hữu tôn khanh Tôn Thất Tình đổng lý việc ấy, phàm những công việc phải làm, chuẩn Bộ Lễ hội đồng, tra cứu điển lệ, án từng khoản biện lý, sao cho được mười phần chu đáo, để yên tấm lòng thành kính hiếu phụng của ta, đến kỳ, chuẩn phái hoàng thân và chức quan người Tôn thất, cắt lượt nhau đến lễ bái, để tỏ ra thận trọng.
Lại xuống dụ: tháng 7 năm nay, gặp lễ tiết Trung nguyên Thuận thiên Cao hoàng hậu, nhớ lại phúc từ, khôn xiết trông ngóng, chuẩn đặt đàn chay lớn thủy lục ở chùa Thiên Mụ, tụng kinh ba bảy 21 ngày, trong tháng 6 chọn ngày tốt khai kinh, đến tiết Trung nguyên tháng 7 thì đầy đủ; đến kỳ, lại chuẩn Tôn nhân phủ đều phải chọn phái hoàng thân và chức quan người Tôn thất cắt lượt nhau đến lễ bái, để tỏ ra thận trọng.
Nhà vua còn cho cầu đảo tại các chùa thờ Phật. Năm Tự Đức thứ 9 (1856), khi đi chơi hành cung Thúy Vân, bấy giờ kinh sư ít mưa, vua sai quan phủ Thừa Thiên cầu đảo chưa được mưa. Nhân vào yết kiến chùa Thánh Duyên, vua mật khấn cầu đảo, ở đấy năm ngày rồi về cung. Khi được mưa vua sai làm lễ tạ(6).
3. Đối với tăng sĩ các chùa công
Tự Đức năm thứ 3 (1850), chuẩn lời nghị: các sở chùa ở kinh sư là thánh tích tiên triều để lại, đã có triều cảnh phải dùng nhà sư làm việc, để cho đốt đèn, thắp hương quét rửa chùa viện; tra xét hiện số ra: Chùa Thiên Mụ: Tăng cương 1 người, Tăng chúng 48 người; chùa Diệu Đế: Tăng cương 1 người, trụ trì 1 người, Tăng chúng 20 người; chùa Giác Hoàng: trụ trì 1 người, Tăng chúng 15 người; đền Linh Hựu: trụ trì 1 người, Tăng chúng 10 người; chùa Thánh Duyên: trụ trì 1 người, Tăng chúng 9 người, đạo đồng 2 người, những Tăng cương mỗi người hàng tháng cấp 3 quan tiền, 1 phương gạo trắng; trụ trì mỗi người cấp 2 quan tiền, 1 phương gạo trắng, Tăng chúng mỗi người cấp 1 quan tiền gạo hương 1 phương, đạo đồng mỗi người cấp tiền 6 tiền, gạo 1 phương; chùa Long Quang trụ trì 1 người, Tăng chúng 21 người, đạo đồng 3 người, mỗi tháng cấp chung tiền 15 quan, gạo trắng 1 phương. Nay xin từ đó chước nghị: Những số nhà sư hiện ở các chùa đền đạo quán Diệu Đế, Giác Hoàng, Linh Hựu, Thánh Duyên, do số người thích đáng với công việc, đều xin không phải bớt đi; duy có 2 chùa Thiên Mụ và Long Quang số nhà sư hơi nhiều, thì chùa Thiên Mụ xin lượng lưu 1 trụ trì, 30 Tăng chúng; chùa Long Quang xin lượng lưu 1 trụ trì, 10 tăng chúng. Số lương tháng chi cho, xin chiểu y các chùa cùng hạng mà cấp. Còn chùa Long Quang xin đình hẳn khoản họp cấp, 2 chùa ấy số sư thừa cũng không mấy, xin hãy cho vẫn lưu nguyên ở chùa ấy làm việc, miễn sự sát hạch đào thải, duy không được chi lĩnh tiền gạo về lương tháng, sau có khuyết không được lấy thêm, sau nữa nếu chiểu với cái số nghị định lần này quả là giảm ít, mới được án theo bổ sung, để cung ứng việc chùa.
4. Đối với chùa tháp các tỉnh
Tự Đức năm thứ 2 (1849), quan khoa đạo tập tâu lên nói: xin sắc xuống cho các chùa công ở kinh, do Bộ Lễ sát hạch, ai tinh thông đạo lý, lượng để mỗi chùa 5-6 người chiểu lệ cấp lương, còn như sư ở các chùa chỗ dân gian, đều do phủ huyện sở tại xét thực, nhưng lưu mỗi chùa 1 người mà thôi, còn thì đều bắt đầu hoàn tục chịu sai dịch.
Phụng dụ: Nay chính học rõ rệt, lòng người hướng hóa, dạy bảo chính tục, thực là hợp thời. Kia như tượng giáo(7) là tả đạo(8) hãm đắm lòng người, không thể để cho chúng lẫn lộn vào dân gian, làm càn những sự mê hoặc, huống chi gần đây các địa phương thường thường bắt chước nhảm theo thói dựng nhiều cảnh chùa, phí tổn đều hàng vạn, tiếng tuy là vì dân cầu phúc, thực là tốn hại của dân, ta nghe thấy, rất là chán, đương nghĩ (làm thế nào) một đạo đồng phong, người đều theo về đạo chính, quan khoa đạo nói đến việc ấy, chính hợp ý ta, khoản này chuẩn giao Bộ Lễ nghị bàn rõ ràng đợi chỉ thi hành. Năm thứ 3 (1850), chuẩn lời nghị: các chùa cảnh ở dân gian, trừ ngoài ra mỗi sở 1 người tự trưởng, còn tăng chúng xin chỉ cho 1,2 người. Nếu quá 5 người nhưng do quan sở tại địa phương sức phải kiểm sát, trong đó có hơn lên bao nhiêu người, xin cũng miễn sát hạch sa thải, để cho đỡ phiền nhiễu, chỉ phải nghiêm sức cho tự trưởng ấy, sau đây phàm có khuyết tăng, đề thực là không đủ số hạn định kỳ này, mới được điều thêm đủ hạn mà thôi. Phủ huyện sở tại cũng nên thường xuyên dò xét, nếu chùa nào số nhà sư chiểu nghị chưa đến giản ít đi, mà tự trưởng ấy tự tiện gia thêm, lý dịch ở đấy lại không hạch ra hoặc thông đồng giấu giếm, phủ huyện dò xét được thực trạng, thì tức khắc đem tự trưởng ấy và lý dịch phân biệt trị tội. Lý dịch ấy cũng không được sách nhiễu, sinh ra tệ đoan, kẻ nào trái lệnh, cho tự trưởng tăng đi kêu, quan sở tại xét ra, sẽ trừng phạt. Lại như các núi chung quanh kinh kỳ và chùa đền ở chỗ dân gian các hạt chỉ căn cứ những nơi dựng lên trước thì vẫn để cho thờ cúng, nếu có chùa cảnh mới dựng lên hoặc sửa sang lại chùa cũ mà lộng lẫy thêm lên, để phí tổn sức người và của, thì nếu là chức quan, cho nhân viên đổng sự phát giác ra, cũng cùng phải tội như người phạm tội.
Những mặt tích cực trong chính sách tôn giáo thời Tự Đức
Đối với Phật giáo và Đạo giáo: Triều đình không khuyến khích cũng như không cấm đoán gay gắt. Triều đình duy trì sự quản lý, kiểm soát đối với mọi hoạt động tôn giáo và có biện pháp nghiêm cấm đối với những hành vi mê tín, dị đoan. Việc làm này xuất phát từ mục đích vừa bảo vệ vị trí độc tôn của Nho giáo, vừa tạo nên một môi trường sinh hoạt tôn giáo lành mạnh.
Dưới triều Nguyễn cũng như thời Tự Đức tuy không có cơ quan quản lý trực tiếp các tôn giáo, nhưng triều đình đã giao nhiệm vụ giám sát việc tổ chức cúng tế các nghi lễ tôn giáo cho các cơ quan thuộc lục bộ(9). Triều đình đề ra những quy định rất cụ thể và chi tiết về người phụ trách tế lễ, thành phần tham dự, số lượng và chất lượng vật phẩm cúng tế...Những quy định này phát huy hiệu quả tốt, tránh được tình trạng vô trách nhiệm, đùn đẩy công việc cũng như làm giảm tối đa những lãng phí.
Phật giáo thời kỳ này đã có được những thành tựu nổi bật so với trước đó, các kinh sách được in ra nhiều và phong phú về mặt thể loại. Dân chúng còn đóng góp thêm tiền cho chùa khắc bản gỗ và in ấn kinh sách để phổ biến giáo lý đạo Phật cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội như kinh Hoa Nghiêm, Địa Tạng, Dược Sư, Diệu Pháp Liên Hoa, Thủy Sám, Tam tổ thực lục, Thiền uyển kế đăng lục…. Ngoài Bắc có các chùa Bổ Đà và chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang, chùa Bích Động (Ninh Bình), chùa Liên Phái, chùa Bồ Đề, chùa Khê Hồi ở Hà Nội v.v… Miền Trung có các chùa Báo Quốc, Diệu Đế, Từ Hiếu ở Huế, chùa Phật Quang ở thành phố Phan Thiết tỉnh Bình Thuận…miền Nam là các chùa Đại Giác (Biên Hòa), Giác Lâm, Giác Viên (Gia Định), Vạn An (Đồng Tháp) tổ chức khắc in kinh kệ, giới luật, phổ hệ, truyền đăng với số lượng lớn.
Đã xuất hiện nhiều bậc cao tăng, có vai trò tích cực trong các hoạt động Phật giáo đương thời như Hòa thượng An Thiền Phúc Điền (1784- 1863), thiền sư Tính Định Tâm Châu (1842-1901), Tổ Nguyên Biểu (1836-1906)…ở xưa Bắc, Hòa thượng Tâm Truyền (Quảng Trị,1932-1911), Hòa thượng Vĩnh Gia (Quảng Nam, 1840-1918) …ở miền Trung; Hòa thượng Minh Hòa-Hoan Hỷ (Long An, 1846-1916), Hòa thượng Liễu Triệt (An Giang, 1826-1900)…ở Nam Bộ. Các lễ tế binh sĩ trận vong tại các ngôi chùa của triều đình là một cách để thu phục lòng dân. Việc lập đàn tế vong hồn các nghĩa sĩ có tác dụng xoa dịu nỗi đau mất mát và lòng hận thù trong dân chúng.
(còn tiếp...)
NNC Nguyễn Lâm Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023 ***CHÚ THÍCH: (1) Đại Nam thực lục chính biên, tập 28, Nxb Khoa học Xã hội, 1973, tr136. (2) Thích Minh Tuệ, Lược sử Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Tp Hồ Chí Minh ấn hành, 1993 (3) Sách đã dẫn (4) Dẫn theo Nguyễn Ngọc Quỳnh, Chính sách Tôn giáo thời Tự Đức (1848-1883), NXB Chính trị Quốc gia, 2010, tr.91. (5) Lễ an táng nhà vua (chỉ Thiệu Trị vừa băng hà). (6) Dẫn lại chú thích trong sách của Nguyễn Ngọc Quỳnh: Đại Nam thực lục chính biên, Nxb Khoa học Xã hội, 1973, tập 28, tr 256-257. (7) Tượng giáo: chỉ đạo Phật. (8) Tả đạo: chỉ đạo không chính đáng. (9) Lục bộ: Gồm 6 bộ: Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Hộ, Bộ Hình, Bộ Binh, Bộ Công. TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Thích Minh Tuệ, Lược sử Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Tp Hồ Chí Minh ấn hành, 1993. 2. Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu , Hoàng Việt luật lệ, tập 3, năm 1994. 3. Thích Hải Ân và Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2001. 4. Lý Kim Hoa, Châu bản triều Nguyễn, Nxb Văn hóa Thông tin, năm 2003. 5. Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch), Đại Nam thực lục chính biên, tập 28, Nxb Khoa học Xã hội, năm 1973. 6. Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch), Khâm định Đại Nam hội điển tục biên, tập 1- 6, Nxb Thuận Hóa Huế, năm 2009. 7. Nguyễn Ngọc Quỳnh, Chính sách tôn giáo thời Tự Đức (1848-1883), Nxb Chính trị quốc gia, năm 2010. 8. Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb Tôn giáo, 2018.
Bình luận (0)