Tác giả: Thích Nữ Bảo Giác Học viên Thạc sĩ Khoá 4 Học viện PGVN tại Tp.HCM
Dẫn nhập Qua những thực thể còn lưu lại, cảm nhận được dòng chảy lịch sử, hơi thở của di tích trong không gian văn hóa, tín ngưỡng vẫn trường tồn. Bài viết “Chùa Hồng Phúc ở Hà Nội và pho tượng độc đáo lấy thân làm tòa” như một cơ hội tìm hiểu lịch sử một ngôi cổ tự bằng bằng phương pháp khảo cứu và tham khảo, nghiên cứu liên ngành, như sử học, thực tế, logic, phỏng vấn…
NỘI DUNG
I. LỊCH SỬ CHÙA HỒNG PHÚC Ở HÀ NỘI
1.1. Khái quát chùa ở quận Ba Đình
Trước khi tìm hiểu về chùa Hồng Phúc, trong một hệ thống quần thể mang tính liên hệ thì phải lược qua về vị trí địa lý quận Ba Đình và những ngôi chùa lớn.
Nhìn về lịch sử, từ thời Lý - Trần - Lê, quận Ba Đình luôn nằm trong khu vực Hoàng Thành. Quận Ba Đình hiện nay là đất khu được thành lập 1961, trước đó thuộc đất khu Ba Đình và khu Trúc Bạch.
Ngày nay, thuộc trung tâm thành phố Hà Nội, nằm phía tây bắc Hà Nội và phía nam Hồ Tây, phía bắc giáp quận Tây Hồ và sông Hồng, phía đông giáp quận Hoàn Kiếm, phía nam giáp quận Đống Đa, phía tây giáp quận Cầu Giấy. Diện tích khoảng 9,3 km2, đơn vị hành chính gồm 14 phường.
Trong mối quan hệ gắn bó, có thể nói hệ thống đình chùa, miếu quán ở quận đã tạo nên hệ thống quần thể di tích lịch sử, tín ngưỡng, góp phần làm nên nét văn hóa truyền thống dân tộc.
Qua một số tìm hiểu, sưu tầm, thống kê thì quận Ba Đình có 1 quán, 3 miếu, 14 đền, 9 đình. Phật giáo từ khi du nhập, trải qua bao thời đại hưng suy của dân tộc, có thể nói rất gần gũi với đời sống tinh thần. Chính bởi vậy nên nhân dân luôn sẵn lòng ủng hộ, công sức tiền của vào xây dựng những đền thờ, miếu mạo, với mong ước hướng vọng đến chư vị hữu công, tiền Hiền hậu Thánh. Quận Ba Đình là khu trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của nhiều triều đại trước, với vị trí ưu tiên của Đạo Phật thời Lý Trần, có thể nói mật độ chùa tập trung ở đây khá nhiều là 24 ngôi và có niên đại rất sớm, chủ yếu vào thời Lý:
Trải qua biến thiên của thời gian, sát nhập của triều đại phong kiến, quận Ba Đình, ngày nay luôn nằm trong vùng trung tâm của kinh thành Thăng Long xưa. Nhờ vậy, nơi đây tập trung hệ thống di tích lịch sử lâu đời, lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu của kinh thành và của dân tộc. Tuy sự dàn trải các chùa không đồng đều nhưng vẫn mang chung một tinh thần hòa nhập dân tộc, giao lưu tín ngưỡng, văn hóa bản địa làm nên nét đặc trưng quận Ba Đình trong dòng chảy lịch sử của đất nước.
1.2. Lịch sử chùa Hồng Phúc
Chùa Hòe Nhai có tên tự là “Hồng Phúc tự”, nay thuộc số nhà 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình.
Hiện nay, còn lưu giữ câu đối viết về gốc tích ban đầu từ lịch sử xây dựng đến nguồn phát tông phái:
“Tào Khê nam chính phái, Tây Thiên đông độ, đồng thử nhất nguyên. Hồng Phúc cổ danh lam, tiền Lý hậu Lê, dĩ lịch thiên tải”.
Nghĩa dịch:
“Chính phái nam Tào Khê, gốc từ chư Tổ Ấn độ đến Trung Hoa trải dài đều chung một nguồn. Chùa cổ Hồng Phúc, vốn cảnh danh lam, trước là thời Lý xây dựng, nhà Lê phục dựng, trải qua nghìn năm”.
Tương truyền trước đây những người thi đỗ đạt thường đến đây trồng một cây Hòe để làm kỷ niệm bởi một đời cây dài bằng một đời người. Cũng có thuyết giải thích rằng theo điển cố quy hoạch kinh đô cổ thì “đông Hòe, tây Liễu”, đường phố (phía đông) kinh thành trồng cây Hòe, đường phố phía tây trồng cây Liễu. Nay gần chùa Hòe Nhai nay còn một đường phố cắt ngang phố Hàng Than mang tên phố Hòe Nhai. Chùa Hòe Nhai được tạo dựng vào thời hậu Lý, khuôn viên của chùa trước kia rất rộng. Chùa Hòe Nhai là một trong những ngôi chùa lớn cổ xưa ở Thủ đô mà mỗi bước thăng trầm của chùa đều gắn liền với những sự kiện lịch sử của dân tộc.
Đến cuối thế kỷ 17, có lần bảo mẫu của vua Lê Hy Tông quê ở chính phường Hòe Nhai đã đứng ra xây dựng lại chùa rồi thỉnh Hòa thượng Thủy Nguyệt đến trụ trì, Hòa thượng Thủy Nguyệt là tổ thứ nhất của dòng Tào Động, một trong 5 phái của Phật giáo Việt Nam.
Kể từ đời Hòa thượng Thủy Nguyệt đến nay, ở chùa Hòe Nhai đã có 48 vị tổ sư, trong đó có nhiều vị được triều đình phong sắc. Hiện nay, ở nhà tổ của chùa còn trưng bày một đạo sắc niên hiệu Cảnh Hưng thứ 11 (1750) do vua Lê Hiển Tông phong cho vị sư Trần Văn Chức. Hòa thượng Thích Đức Nhuận, nguyên Pháp chủ Hội Phật giáo Việt Nam cũng trụ trì ở chùa này, ngài đã viên tịch tháng 12 năm 1993. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 tại chùa đã diễn ra cuộc họp các vị tăng, ni, phật tử Thủ đô để cử một đoàn đại biểu đến yết kiến chính phủ cách mạng; tiếp đó cũng tại đây đã diễn ra sự kiện thành lập Hội Phật giáo cứu quốc.
Theo như mấy bia ở chùa thì vì chùa dựng ở phường Hòe Nhai nên gọi là chùa Hòe Nhai và có tên chữ là Hồng Phúc.
“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung Mái chùa che chở hồn dân tộc Nếp sống muôn đời của tổ tông” (Hòa thượng Thích Mãn Giác (Huyền Không))
Theo văn bia năm Chính Hòa 24 (1703) đời vua Lê Hy Tông (1676 - 1705) do Tiến sĩ Hồ Tông Mục soạn ghi "chùa xây tại Hòe Nhai tại bến Đông Bộ Đầu". Văn Bia còn có đoạn miêu tả vị thế chùa như sau:
"Hồng Phúc ở Hà Thành Núi Nùng như vạt áo Sông Nhị như giải lưng Hồ Trúc Bạch chắn ngang Dòng Tô Lịch vòng lại Đây thực là chốn Tùng Lâm lâu đời của đất Thăng Long..."
Ngoài ra, còn có ghi: chùa xây dựng lại năm Chính Hòa 24 (1703), nhưng trên xà nhà cổ lại ghi năm Chính Hòa 19 (1698), phía ngoài bên trái chùa chính có một tấm bia ghi niên hiệu Chính Hòa 20 (1699). Như vậy, chùa Hòe Nhai được xây dựng trước năm 1699 và trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Trên thượng lương nhà Tổ còn ghi: trùng tu năm Gia Long 11 (1812). Theo tấm bia dựng năm Thành Thái 11 (1899) thì các năm Giáp Ngọ (1894) và Kỷ Hợi (1899) các tòa nhà của chùa đều được tu bổ.
Chùa Hòe Nhai trải qua nhiều lần sửa chữa lớn khá thường xuyên vào các năm 1920, 1946, 2010. Phạm vi chùa trước kia khá lớn, sang thời Pháp thuộc bị thu lại như hiện nay.
Mặc dù, những dấu tích thời Lý không còn nhiều, nhưng qua nội dung văn bia ghi chép lại, có thể nói, chùa Hồng Phúc, giữa quần thể lịch sử trong quận còn giữ được khá đầy đủ minh chứng qua các thời phục dựng. Từ đó, góp phần không nhỏ trong việc tìm hiểu lịch sử nước nhà, những khảo cổ về văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc, văn bia, chung, khánh....Thông qua lần khảo cổ về chùa, người viết cũng có cơ hội nhìn nhận lại về những di tích lịch sử dường như đối với tâm thức ngày nay, thường quên lãng, hi vọng đây cũng là bài viết gửi tới thế hệ trẻ về sự huy hoàng của dân tộc, khởi dựng lại niềm tự hào đối với cha ông trong công cuộc giữ nước.
Phiên âm văn bia chùa Hồng Phúc:
Sùng tu Hồng Phúc tự bi
Lê triều kinh đô Hòe Nhai chi Hồng Phúc tự, thị tự dã, chẩm nhị Hà nhi khâm Trúc Bạch, tiền Quan Thánh nhi tả Huyền Thiên. Tam đảo lai tông, vạn lí sơn xuyên chung tú khí; Nhất hồ tịnh độ, ức niên cảnh trí lệ phong quang. Việt tự ngao phân, dĩ hữu sư tọa. Quốc kỳ dân đảo, nẫm hữu linh yên. Cái vị tinh xuyên lịch duyệt, phong vũ hám chàng. Tuy trang nghiên tùng khởi ư nhân công, nhưng thành hoại nan du ư lý số. Tứ hoàn đồng vũ, truyền kiếm khuynh đồi. Đương thử Viên Giao Taò Động đệ nhị Tổ sư phụng lâm âm ba hạ trinh thoa, chẩn diệu lực trùng tu cam mã. Nhất thời doanh lý, tứ cố hoán luân. Thụ thụ chi gian, dĩ lịch tứ thế tổ hĩ. Đới chi thời đinh Bính Ngọ nguyệt thích Ất Mùi. Thiên hạ chi bắc đẩu vân lung, nhân gian chi trung nguyên trọc loạn. Hồng Phúc nhất thiên vi chi tảo địa tận hỹ. Truật kỳ quang phục, cáo tâm đãi ư đại lực yên. Thời hữu kế đăng tôn giả pháp hiệu Khoan Nhân, niệm Tổ sư phiệt duyệt trụ trì, khởi cam tâm tọa quan dẫn diệt. do thị phát Kim cương tâm, triển Bát Nhã trí. Hóa thốn tâm ư bát biểu, hội vạn thiện vu nhất đường. Phương khuynh chi lai, kỳ tân tân hễ ngão mộc, chi mãi kỉ tể hề. Kinh chi doanh chi, tốt tuế thành chi. Như điểu chi cách, như thúy chi phi, hoán khởi nhất thiên, thị tiền độ tương mâu yên nhĩ. Dục truyền cứu viễn, mệnh bút nhi minh chi vân, ủy phó đệ tử tự Giác Lâm.
Minh viết:
Kinh đô biên cương Hồng Phúc thượng phương. Tiền khâm Trúc Bạch Hậu chấm Nhị Giang Sơn xuyên Vạn lý Chung dục nhất đường. Việt tòng tạo thiết Dị lịch tinh sương Quốc kỳ dân đảo Lũ kiến trạc dương Lâu nhi phục đột Ám nhi phục quang. Nhất hồ cam vũ Ức tải đạo tràng Liên đăng tục diệm Địa cửu thiên trường. Hoàng triều Gia Long thập niện thập nhất nguyệt cốc nhật. Phụng đặc tứ Đạp nguyên Tăng thống Thanh Lăng Tỷ Khiêu tự Khoan Dực soạn ký.
Dịch nghĩa:
Bài ký sùng tu chùa Hồng Phúc
Chùa Hồng Phúc phố Hòa Nhai ở kinh đô là ngôi chùa có từ triều Lê vậy, gối sông Nhị Hà, ôm hồ Trúc Bạch, phía trước có đền Quan Thánh, bên trái quán Huyền Thiên. Dãy Tam Đảo chầu về, muôn dặm núi sông hun đúc, khí tốt, một bầu Tịnh Độ, muôn năm cảnh trí phong quang. Xét từ thuở chia phân trời đất, đã có sư Thầy đến dựng tòa, nước cầu dân đảo, rất có linh ứng. Nhưng qua sương giăng năm tháng, gió mưa bập bùng, tuy là chốn tùng lâm ttrang nghiêm tráng đẹp, với sức người thành rồi lại hoại là số trời định đoạt. do đó bốn phía chùa rồi cũng đổ nát. Đương khi ấy, Tổ sư Viên Giao đời thứ 2 dòng Tào Động vâng theo chỉ dụ Vua ban, tiền của tu sửa chùa. Một phen ra tay tu tạo, bốn phía đổi thay. Truyền thụ trao tay, đã trải qua bốn đời Tổ vậy. Thế rồi, vào đúng tháng Ất mùi năm Bính Ngọ, mây mờ sao Bắc đẩu, cõi đất trung nguyên loạn lạc, một bầu trời cảnh Bụt chùa Hồng Phúc tan nát hết. Nhưng muốn khôi phục quy mô cũ, ắt chờ người có công đức lớn. Bấy giờ có vị kế đăng tôn giả, pháp hiệu Khoan Dực, nhớ tổ sư các đời trụ trì, mở lòng mới dựng xây chốn Tổ. Do đó, phát Kim Cương tâm, khai triển Bát Nhã trí tuệ, mở tấc lòng xây tòa bát biểu, tụ muôn thiện dựng cảnh thiền đường. Mới đó đổi thay, ngói, gỗ mới thêm, rồi trùng tu xây dựng, cuối năm hoàn thành. Thật nhanh như chim cất cánh, như diều bay cao. Một lần đổi thay, so với xưa thì khác nhiều. Muốn mãi về sau, mới mệnh cho viết bài minh, úy phó cho đệ tử tự là Giác Lâm.
Bài minh viết:
Kinh đô biên cương Có chùa Hồng Phúc Trước ôm Trúc Bạch Sau gói Nhị Giang Núi sông muôn dặm Hun đức thiền đường Từ ngày xây dựng Trải mấy tinh sương Quốc cầu, dân đảo Rất được hiển linh Mưa lâu hư dột Xây dựng phong quang Một bầu cam vũ Muôn thủa đạo tràng Truyền đèn nối lửa Trời đất mãi còn. Ngày lành tháng 11 năm Hoàng triều Gia Long thứ 10 (1811) Phụng đặc tứ Đạo nguyên Tăng thống Thanh Lăng Tỷ Khiêu tự là Khoan Dực soạn văn.
II. KIẾN TRÚC VÀ MỸ THUẬT CHÙA HỒNG PHÚC
Chùa Việt cổ miền Bắc, hầu hết đều lấy thượng điện là trung tâm chính. Cách bố trí của ngôi chùa Việt theo kiểu nội công ngoại quốc cũng là một sự mô phỏng Mandala thế giới. Phần cuối của lối kiến trúc chữ Đinh hay chữ Công, nơi đó đặt tháp thượng điện và có khi được dùng để chạy đàn. Về bản chất, Tam bảo cũng là một dạng thức hiện thực hóa thế giới Niết bàn, trong đó các tượng Phật đều ngồi trên một tòa sen báu - một núi Tu Di hay một tiểu thế giới, nên được gọi là Tu Di đài.
Mỗi một tôn giáo bao giờ cũng tự xây dựng cho mình một hệ thống tư tưởng mà sở biểu của nó là hệ thống các biểu tượng tương ứng.
Phật giáo cũng vậy, ngoài việc xây dựng nên vũ trụ quan đồng thời cũng đã dựng nên vô số các biểu tượng đa trùng về thế giới trong đó phải kể đến bộ ba biểu tượng: Mandala- núi Tu Di và Liên hoa tạng thế giới. Trong đó, núi Tu Di là một mã văn hóa tiếp thu từ Brahman giáo, nhưng đã có những biến đổi sâu sắc khi đi vào hệ thống kinh tạng Phật giáo.
Núi Tu Di trong kinh sách Phật giáo được mường tượng như là một đài sen nhô lên từ mặt nước (nhất hoa nhất thế giới). Nhìn trên bình đồ, mô hình thế giới với cửu sơn bát hải vây xung quanh được gọi là Mandala, với hình ảnh hoa sen lại nở ra hoa sen, hàm ý Phật tính sinh sinh bất diệt, vô cùng vô tận. Theo Hoa Nghiêm kinh, núi Tu Di là pháp hội của thế giới tạng hay cõi nước Tịnh Độ của Phật Tỳ Lô Xá Na- chân thân của đức Thích Ca Như Lai. Kinh này cũng nói hoa sen lớn sinh ra từ hương thủy hải, trong hoa sen ấy lại hàm chứa các thế giới nhiều như vô số vi trần, cho nên gọi là Hoa Tạng Thế Giới Hải. Trên Hương Thủy Hải trồi ra đóa sen lớn ngàn cánh, trong đóa sen lớn chứa vô số những thế giới khác nhau nhỏ tựa bụi trần (vi trần), vì thế được định danh bằng tên Hoa Tạng Thế Giới hay Liên Hoa Tạng Thế Giới. Các Đức Phật chứng được Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, dùng tịnh thức chuyển biến ra các thế giới, vì thế cho nên gọi là thế giới chư Phật (tiếng Phạn là “ksetra”, nghĩa là “cõi” hay “cõi nước”). Hoa sen lớn ví như chân như pháp giới, được miêu tả với nghìn cánh hoa, mỗi cánh là một thế giới đức Phật Tỳ Lô Xá Na hóa làm 1000 đức Thích Ca ở 1000 thế giới. Mỗi thế giới lại có trăm ức núi Tu Di, và 1000 triệu thế giới, trăm ức cõi Nam Diêm Phù Đề. Hoa sen mọc trên biển là nơi chư Phật hội tụ được gọi là Liên Trì Hải Hội- tiêu biểu cho sự tập hợp của Phật A Di Đà, chư Bồ tát, các bậc thức giả, Thánh chúng, cùng các thượng thiện nhân đều hội nơi Tây Phương Cực Lạc. Gọi là Liên trì Hải Hội vì số Phật tham dự là vô số, trải dài ra như đại dương trong pháp giới.
Trong những giai đoạn xa xưa, các công trình kiến trúc để tưởng niệm đức Phật thường xuất phát từ một dạng ý niệm. Tháp vốn xuất nguồn từ hình ảnh bát úp, biểu tượng y bát của đức Phật. Tháp biến đổi rất đa dạng theo thời gian, theo từng vùng lãnh thổ, và dạng kiến trúc này sau đó đã hòa kết với vũ trụ quan Phật giáo. Vào các nước Đông Á như Trung Hoa, Việt Nam,…stupa về sau đi đôi với kiến trúc tịnh xá, và thường thì nằm ở trung tâm của tự viện. Khái niệm “chùa tháp” là biểu hiện của sự hòa phối các kiểu công trình kiến trúc khác nhau về cùng một đối tượng. Và cao hơn hết, nó biểu hiện cho một lối tư duy về vũ trụ theo nhãn quan của nhà Phật. Tháp là chùa, chùa cũng là tháp. Chùa tháp là các biểu hiện khác nhau của một mô hình phổ quát - Mandala vũ trụ. Trong đó, bảo tháp mô phỏng núi vũ trụ Tu Di- cột vũ trụ (cosmic pillar), đó là trụ nối liền giữa trời và đất, và đồng thời là con đường giải thoát. Điều này giải thích vì sao tháp thường chiếm vị trí trung tâm của các tự viện cổ (chùa Dâu). Những tòa tháp nổi tiếng ở Đông Á có cấu trúc này như tháp Đa Bảo trong chùa Bulguksa (Hàn Quốc) dựng năm 751, Đại Hồng đài tại miếu Tu Di Phúc Thọ (Trung Quốc) dựng năm 1780, điện tháp của chùa Bạch Cư (Trung Quốc) xây dựng năm 1427,...
2.1. Kiến trúc chùa Hồng Phúc
Phật giáo có lịch sử hơn 2.500 năm, và nghệ thuật của nó đã tồn tại gần như lâu đời, len lỏi theo đường du hóa của các nhà sư và khách hành hương qua các khu vực rộng lớn của châu Á và trên khắp các vùng biển, đan xen với nghệ thuật và phong cách của nền văn hóa bản địa. Không có gì ngạc nhiên khi những giáo lý và hình ảnh của tôn giáo quốc tế này rất rộng lớn và phức tạp, vì vậy nhiệm vụ giải mã biểu tượng Phật giáo là khó khăn.
Chùa Hồng Phúc nhìn về đất Phật ở hướng tây. Tuy hiện nay diện tích còn lại của chùa không lớn nhưng mặt ngoài trông thoáng đãng với dãy tường hoa khá dài và các cổng ở trên mặt hai phố Hàng Than và Hoè Nhai. Khuôn viên bên trong mát mẻ, trang nghiêm, có nhiều cây hoa đẹp trồng dọc theo lối đi lại và các khoảng sân nho nhỏ dưới những tán cổ thụ xanh tốt quanh năm.
Ảnh vệ tinh cho thấy mặt bằng chùa Hoè Nhai có bố cục kiểu “nội Công (工) ngoại Quốc(国)”. Qua cổng chính trên phố Hàng Than, du khách bước vào một sân ngắn với các tháp mộ ở hai bên phía trước tòa Tam bảo. Tiền đường, thiêu hương nối với hậu cung được xây theo hình chữ “Công”. Phía sau chính điện có nhà Tổ và trai phòng với các dãy hành lang bao bọc xung quanh, tạo nên một thể khép kín mang nghĩa, đoàn kết, duyên sinh. Ngôi chùa hiện nay có lẽ chỉ còn thiếu hồ sen và lầu chuông, gác trống so với mô tả trong tấm bia dựng năm 1703. Một khác biệt nữa là cổng cũ đã thay bằng một ngũ môn quan to hơn nhiều.
Trên diện tích khoảng 3000 m2 gồm 2 tòa bái đường 5 gian, chính điện 3 gian, nhà Tổ 7 gian. Phía trước là chính điện, phía sau là Tổ đường và tăng phòng, xung quanh là hành lang. Thượng điện còn giữ được nhiều bức chạm hình tứ linh và các cửa võng sơn son thếp vàng. Chùa có nhiều tượng Phật được bày làm 6 lớp. Tổng số tượng ở chùa Hòe Nhai gồm 68 pho, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như đồng hun, gỗ mít, được sơn son thếp vàng, vừa phô diễn được nét khéo léo qua bàn tay thợ nghề xưa, lại vừa cẩn mật kín đáo tránh bị quân đạo tặc khởi tà tâm. Có lẽ, đây là sự tinh tế trong tâm thức chư Tổ để gìn giữ những báu vật cổ, trải bao đời, còn nguyên vẹn.
Chùa có một quả chuông mang niên hiệu Long Đức 3 (1734). Sân chùa có hai ngọn tháp cao 3 tầng. Trong chùa còn có đến 28 tấm bia, cổ hơn cả là bia dựng năm Chính Hoà 24 (1703) ghi rõ vị trí chùa ở phường Hoè Nhai, tại Đông Bộ Đầu tức Bến Đông. Chính nhờ bia này mà giới sử học ngày nay xác định được vị trí trận chiến thắng ngày 29 tháng 1 năm 1258 của quân nhà Trần mà sử chép là chiến thắng Đông Bộ Đầu, đuổi quân Nguyên, giải phóng kinh thành có vị trí ở khu vực gần chùa Hoè Nhai ngày nay.
Chỉ bằng vài nét phác qua về kiến trúc ngôi chùa cổ Hồng Phúc, đã đưa hậu thế được trở về với lịch sử hào hùng dân tộc, được cảm nhận ý vị Phật pháp trong từng lối xây dựng, bài trí, đặt để.
2.2. Mỹ thuật chùa Hồng Phúc
Không chỉ hiện thực hóa vũ trụ quan bằng các công trình kiến trúc chiếm lĩnh không gian ba chiều, những dân tộc theo Phật giáo xưa còn có nhiều phương thức hiện thực hóa khác, trong đó phải kể đến hội họa, một sự chiêm nghiệm bằng không gian hai chiều. Phật giáo là sợi dây chung duy nhất thống nhất thế giới châu Á, từ Ấn Độ đến Đông Nam Á, qua Trung Á đến Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Để hướng dẫn và truyền cảm hứng cho các tín đồ, vô số biểu tượng và hình ảnh đã được thực hiện, bắt đầu ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên. Truyền thống đa dạng phi thường này không chỉ bao gồm các bức bích họa, chạm khắc phù điêu, các bức tượng khổng lồ, các bức tranh thêu lụa và các đồ dùng nghi lễ bằng đồng mà còn có các đền thờ bằng đá với hàng nghìn vị Phật, các bảo tháp huy hoàng của Đông Nam Á và các ngôi chùa ở phương Đông, các 'Mandala bằng đá' của Borobudur ở Java và toàn bộ quần thể đền thế kỷ mười ba tại Angkor ở Campuchia.
Chúng ta có thể thấy mô hình của nó được vẽ trong các điện thờ. Các bức bích họa trong các hậu cung thường được dùng để sùng phụng và chiêm bái. Các tác phẩm đồ họa vừa như là một sự chứng minh lại vừa như là những lời tụng giảng bằng hình trong các kinh sách. Trong đó đặc biệt nhất có lẽ là các bức họa Tangka của Tây Tạng, một sự thực hành nghệ thuật bền bỉ và tinh tế, nhưng cao hơn thế đó là phương tiện để chứng ngộ và nhập đạo.
Tọa lạc trên một khu đất vuông vắn, mỗi chiều khoảng hơn 50m, cửa chùa nhìn ra hướng Tây, tức phố Hàng Than. Ngoài cùng là tam quan dựng kiểu trụ biểu, điển hình của kiến trúc thời Nguyễn. Tiếp đến sân chùa bài trí hai ngọn tháp cao 3 tầng thờ Tổ Tăng, bên cạnh dựng hai nhà bia lớn. Bố cục khu thờ chính của chùa gồm bốn tòa nhà xếp thành hình chữ công. Phía trước là hai bía đường liền mái chạy song song, mỗi tòa nhà năm gian, chính điện gồm ba gian nằm dọc, phía sau là nhà Tổ bảy gian, sát bên phải nhà thờ Tổ đối xứng với thượng điện là tòa “Kinh viện” (nhà để kinh) 13 gian. Phía bên trái gồm các công trình nhà khách, nhà kho, nhà bếp. Kiến trúc của chùa trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, nhưng các nếp kiến trúc chính như: tòa tiền đường, thượng điện vẫn giữ được lối kết cấu cũ hình chữ công, nghĩa là theo nguyên tắc chung của các ngôi chùa thờ Phật của Việt Nam. Tòa tiền đường bên ngoài mới làm thêm vào thế kỷ 19, theo kiểu 8 mái chồng diêm chịu ảnh hưởng của kiến trúc cung đình. Tòa thượng điện còn bảo lưu được nhiều bức cuốn chạm lọng, chạm nổi hình tứ linh (long, ly, quy, phượng) và hệ thống cửa võng sơn son thiếp vàng lộng lẫy thể hiện các đề tài “Cúc, trúc, thọ, mai hóa điểu”. Có lẽ chưa có ở đâu mà nhiều hoa cúc xuất hiện ở Việt nam như thế, từ ngai, hoa văn, áo mão, bệ, cửa, bao lam....đều mang ý nghĩa chung của dân tộc về sự viên mãn, trường tồn, hoa cúc là biểu tượng của mặt trời, trúc mang tính kiên trung, bất khuất của quân tử, mai với ý nghĩa của sự dũng cảm, bền lòng trước gió rét, mưa bão.... Trong Phật giáo, cũng gần với những nghĩa trên, đồng thời cũng biểu thị cho tâm thái của người hành giả trên con đường tu chứng, cũng phải qua những khó khăn, thử thách.
Trong chùa có nhiều tượng cổ, cổ nhất là tượng Cửu Long (Thích Ca sơ sinh). Đặc sắc nhất pho tượng kép hình một vị vua quỳ để tượng Phật trên lưng. Chùa còn bộ Tượng Dược Sư tam tôn (Dược Sư Phật, Nhật Quang Bồ tát, Nguyệt Quang bồ tát), cùng với một bộ Hoa Nghiêm Tam thánh, các tượng Phật, Bồ tát này đặc biệt nhất Việt Nam vì tạo hình đầu trọc như một vị sư chứ không có tóc Bụt ốc,...Từ góc độ lịch sử, thì hình tượng Phật có phần khác hẳn so với hình Phật thường thấy, có lẽ cũng mang ý nghĩa thể hiện nhiều điều cần được tìm hiểu.
Đối với Phật giáo, thì đức Phật luôn được mô tả có nhục kế trên đỉnh đầu, như hình búi ốc xoay về phía phải còn chư vị đệ tử Thánh Tăng đều tướng đầu tròn trang nghiêm. Nhưng hệ thống tượng của chùa, trừ Tam thế, Thích Ca, Di Đà, thì bộ tượng còn lại đều ở hình Thanh văn, viên đỉnh tướng, mang giá trị kiệt tác đến ngày nay. Lại thấy được tính độc lập dân tộc Việt trải qua các thời kỳ lịch sử đều được tỏ bày khác nhau, hoàn toàn khác biệt với Phật giáo Trung Quốc như nhiều người lầm tưởng, rồi vô tình lại thành phỉ báng chính dân tộc, do sự nhầm lẫn lịch sử của bản thân. Chắc hẳn, tính bao hàm ý nghĩa khiến hậu thế có vô số suy đoán, nhằm giải thích điều này. Dưới lăng kính Phật giáo, tư tưởng xuyên suốt là Tam bảo gồm Phật Pháp Tăng trong mối liên quan không tách rời, như một thể thống nhất, vì chúng nhân mà hiển bày phương tiện độ sinh. Pháp là mẹ của ba đời chư Phật, là tam tạng giáo lý tương đồng của chư Phật, Tăng là người thượng cầu thành Phật, hạ hóa chúng sinh. Cho nên, tượng hình thái Tăng không có gì sai lạ, nhưng loại hình chạm khắc này, chỉ tồn tại ở một số ngôi chùa xây dựng thời Lê, như chùa Mét, chùa Tây Ngư ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình.... Đây cũng là câu hỏi tự vấn đối với những hậu nhân khi tìm hiểu về lịch sử. Có phải chăng, điều này, liên quan đến thời kỳ lịch sử lúc bấy giờ, với ý nghĩa kính Tăng như Phật, bởi chư Tăng là người truyền trao giáo pháp, đồng thời khi nhìn về sự truyền lưu mạng mạch chốn Tổ Hòe Nhai cũng nhiều vị được vua quan kính ngưỡng?
Hệ thống tượng Phật phong phú làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, được tạo tác công phu tinh xảo, bố cục cân đối, mỗi pho tượng biểu lộ một vẻ riêng và mang những giá trị nghệ thuật cao, thể hiện nét chân dung như thực của thời Lê nhiều hơn. Có lẽ, chùa thời Lý được dựng lên, còn tượng pháp đến thời Lê, có phần tu bổ thêm cho đầy đủ vì phong cách tượng trong chùa mang hình thức khác với những pho tượng thời Lý của chùa Phật Tích.
Tại nhà tiền đường bên phải là ban thờ Đức Ông (theo điển tích chính là vị cư sĩ Hộ pháp Cấp cô Độc, trong khóa cúng ở Bắc thì gọi là Già Lam Chân Tể) và Hộ Pháp bằng đồng, dưới chân mỗi Ngài là thanh long và bạch hổ biểu tượng ý nghĩa phong thủy, bên trái là tượng Thánh Hiền, hai bên là tượng Diện Nhiên và Đại Sĩ, theo tích về giấc mơ của Ngài A Nan.
Tại nhà thượng điện bày trí sáu lớp tượng: Lớp thứ nhất là tòa Cửu long và Phật Thích Ca sơ sinh đứng trên tòa sen sơn son thiếp vàng bằng đồng, hai bên là tượng Phạm Thiên và Đế Thích. Lớp thứ hai, phía ngoài là tượng Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi bạch tượng, bên trái là tượng Văn Thù Bồ Tát cưỡi Thanh sư.
Lớp ba: là Tam Thánh tượng, giữa là Phật Dược Sư, hai bên là Nhật Quang và Nguyệt Quang Bồ Tát. Y cứ danh hiệu và quốc độ chư Phật theo thứ tự như trên, chúng ta thấy con đường Dược Sư, tự chữa bệnh vô minh cho mình và người, cần đi qua bảy chặng:
- Vận Ý Thông Chứng Như Lai ở Tối Thắng thế giới, phát tâm Bồ Đề, trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh, là tâm địa tối thắng.
- Quán Âm Tự Tại Như Lai ở Diệu Bảo thế giới, tính nghe không bị âm thanh chi phối, chuyển động. Lấy đây làm nhân địa tu hành viên thông, thật là của báu vô giá.
- Quảng Đạt Trí Biện Như Lai ở Tịnh Trụ thế giới, Tịnh trụ là chỗ an tĩnh thanh tịnh, điều kiện thiết yếu để phát triển trí tuệ.
- Tối Thắng Cát Tường Như Lai ở Vô Ưu thế giới, tâm địa vô ưu, không bận tâm vướng mắc ghét yêu, hẳn bình an khang cát. An vui và giải thoát phải cùng đi đôi.
- Pháp Hải Du Hý Như Lai ở Pháp Hỷ thế giới, vui chơi trong biển Phật Pháp. Đủ 3 tuệ Văn Tư Tu là nhân để vun trồng Nhất Thiết Chủng Trí.
- Kim Sắc Thành Tựu Như Lai ở Viên Mãn thế giới, Viên mãn biển hạnh, đầy đủ vạn đức trang nghiêm, sẽ thành Phật, thân vàng tướng hảo.
- Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ở Tịnh Lưu Ly thế giới, Vô thượng y vương. Từ nay gánh vác hết thảy hữu tình. Suốt đời vị lai làm việc nghĩa lợi an vui. Vớt chúng sinh ra khỏi vực thẳm tam đồ, thoát chài lưới ma, rừng rậm ác kiến. Khiến cho tất cả chúng sinh đồng thành Phật đạo như mình không khác.
Lớp thứ tư: giữa là tượng Thích Ca giáo chủ, hai bên là tượng Bồ Tát Đại Ca Diếp và Át Nan Tôn giả.
Lớp thứ năm: chính giữa là tượng A Di Đà ngồi thiền trên tòa sen, chân xếp vòng tròn, hai tay đặt lên đùi, ngực có chữ Vạn, hai bên là tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí Bồ Tát.
Lớp thứ sáu: nơi cao nhất của tòa Phật điện bài trí ba pho tượng Tam Thế Phật, ngồi thiền định trên tòa sen, tóc xoắn ốc, tượng trưng chư Phật thuộc ba thì quá khứ, hiện tại và vị lai (tư tưởng Phật giáo thời kỳ phát triển).
Đặc biệt ở bên trái thượng điện bài trí pho tượng tạc ở tư thế ngồi trên lưng ông vua đang phủ phục thể hiện hình tượng sám hối, bên phải có tượng Hộ Pháp, bên trái là Quan Âm tọa sơn, mỗi bên đều có hai vị thiên vương trong hình tướng quan phục nước Việt. Lại một lần nữa, bao hàm nội dung khác biệt so với các chùa thường làm như Hộ Pháp hay Vi Đà, mang đậm bản sắc dân tộc về mặt ý thức hệ.Hình ảnh này tạo cảm giác nhấn mạnh đến ý nghĩa các vị Vua, quan Hộ pháp, bảo vệ Chính pháp. Hai hàng dọc tường hậu cung chùa là thập điện Diêm Vương mỗi bên năm vị. Diêm Quân, Diêm Vương hay Diêm La tiếng Ấn gọi là Yama/Diêm Ma/ Dạ Ma.
Trong huyền thoại Phật giáo, Diêm-la vương nguyên là vua của xứ Vệ-xá-li (Vaiśālī). Trong một trận chiến tranh đẫm máu, ông ước nguyện làm vua địa ngục và quả nhiên được tái sinh làm Diêm-la vương. Diêm vương có 8 tướng quân và 80.000 binh sĩ. Mỗi ngày ba lần Diêm-la vương và các tướng sĩ phải chịu hình phạt bị đổ đồng sôi vào miệng cho đến khi tội ác của họ được tha thứ. Diêm vương là người phái cái già, cái chết đến cho con người, nhắc nhở họ đừng làm gì trái với đạo lý. Diêm-la vương có người em gái là Yami, nữ chúa cai trị nữ nhân ở địa ngục.
Diêm-la vương tuy cai trị Địa ngục nhưng vẫn sống có đạo lý, có quy y Phật, khác với Ma vương là kẻ phỉ báng thánh thần, gieo rắc tội ác, dụ cho chúng sinh bị giam cầm trong địa ngục.
Trong truyền thống Việt Nam và Trung Quốc thường được biểu thị bằng 10 vị vua nên gọi là Thập Điện Diêm Vương ngoài vị gốc là đệ ngũ điện Diêm La Vương (thường tạc râu trắng để dễ nhận) có tên kiểu phiên âm thì các vị còn lại đều mang cái tên thuần Hán, như: Tần Quảng, Bình Đẳng, Biện Thành, Tống Đế, Sở Giang, Đô Thị, Thái Sơn, Chuyển Luân.
Loại hình tượng này xuất hiện tương đối muộn trong Phật điện của người Việt. Sự xuất hiện của 10 vị vua này thực ra mục đích chính không phải lý do thờ cúng mà là sự cô đọng của 10 cảnh tượng địa ngục nhằm răn đe cảnh tỉnh chúng sinh tránh ác làm lành.
Tại nhà Tổ, nhà Mẫu có ba vị đặt trong khám thờ, tượng các đời Tổ sư.
Chùa hiện còn lưu giữ 28 tấm bia đá, trong đó bia có niên đại sớm nhất là niên hiệu Chính Hòa 24 (1703) do Tiến sĩ Hà Tông Mục soạn, bài văn bia ghi rõ chùa được xây dựng tại phường Hòe Nhai ở Đông Bộ Đầu. Như vây, chính nhờ có nội dung này được ghi trên bia mà giới sử học ngày nay đã xác định được vị trí Đông Bộ Đầu (Bến Đông), địa danh đã diễn ra trận đánh đuổi quân Nguyên Mông xâm lược ra khỏi kinh thành Thăng Long ngày 29 tháng 01 năm 1258.
Bộ sưu tập di vật của chùa khá phong phú đa dạng về chủng loại và chất liệu như:
Khánh Đồng: cao 1m, rộng 1.5m, đúc năm giáp Dần niên hiệu Long Đức thứ 3 (1734) đời Lê Thuần Tông
Trống Đồng: đúc vào niên hiệu Tự Đức (1848 – 1883) nhà Nguyễn
28 Tấm bia đá, cổ nhất là bia Chính hòa thứ 24 (1703)
Tháp Ấn Quang xây năm 1963 thờ Hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã vị pháp vong thân.
Văn bia chùa Hòe Nhai phố Hàng Than Hà Nội, tên Hồng Phúc, được xây dựng lại bởi Đệ nhị tổ thiền phái Tào Động là Chân Dung Tông Diễn vào cuối thế kỉ XVIII. Văn bia đã ghi lại truyền thừa của chùa, lai lịch, cũng như đàn na tín thí các thời qua nhiều tư liệu: Khoa cúng các tổ ngữ lục, sắc phong, ván kinh.... rất có giá trị trong nghiên cứu, khảo cổ, lịch sử, văn hóa,... Phật giáo Việt Nam.
Những câu đối trên thượng điện đều từ xưa mới được phục dựng, sơn thếp lại:
Câu đối 1:
Phiên âm:
Diệu điển diễn tam thừa, phổ nguyện thượng căn nhân hạ căn nhân tề lâm thính pháp. Chân ngôn truyền lục tự dục cầu kim sinh quả lai sinh quả hằng tảo quy y.
Dịch nghĩa:
Kinh điển vi diệu diễn nói ba xe, rộng vì tất cả từ thượng căn đến hạ căn đều đến nghe pháp. Chân ngôn sáu chữ hồng danh muốn cầu nay sinh, mai sinh mà sớm tối quy y ( nói cảnh Cực Lạc).
Câu đối 2:
Phiên âm:
Tào khê nam chính phái tây thiên đông độ đồng thử nhất nguyên. Hồng Phúc cổ danh lam tiền Lý hậu Lê dĩ lịch thiên tải.
Dịch nghĩa:
Tào khê nam chính phái từ Tây thiên đông độ truyền sang vốn cùn chung một gốc. Chùa Hồng Phúc cổ, danh lam từ thời Lý, sau thời Lê trải qua nghìn năm.
Câu đối 3:
Phiên âm:
Thiên lý bản vô tư sát thử phương tri sinh ngoại thú. Nhân tâm duy tự triệu y thùy năng quá chuyển luân quan.
Dịch nghĩa:
Quy luật của vạn vật vốn vô tư, thế giới này, ý sinh ra không ngoài cái biết. Nhân tâm đều tự mời gọi, dựa vào ai có khả năng chuyển dịch được cửa luân hồi.
Câu đối 4:
Phiên âm:
Phúc thiện họa lưu nhất bút quyền hành tham tạo hóa Đa văn quảng kiến tam thừa vi diệu tế minh dương.
Dịch nghĩa:
Phúc thiện họa tai, lưu giữ một nét bút mà phương tiện dự vào cuộc sống. Học rộng nghe nhiều, ở chỗ ba xe vi diệu mà rộng độ hai cõi u minh và dương thế.
Chùa này là chốn đại tổ đình của Phật giáo miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung từ thế kỷ 17, có đến 2 vị quốc sư, 5 vị Tăng Thống, Pháp chủ xuất thân, trụ trì ở đây – một điều vô cùng hiếm gặp ở các chùa Việt Nam:
Đạo Nam Quốc Sư, Thông Giác Thủy Nguyệt Thiền Sư, Đại Tổ Tông Tào Động Việt Nam.
Đại Tuệ Quốc Sư, Chân Dung Tông Diễn Thiền sư , Nhị tổ Tông Tào Động Việt Nam.
Tăng Thống Tịnh Giác Từ Sơn Hành Nhất Thiền Sư.
Tăng Thống Hải Điện Mật Đa Thiền Sư.
Tăng Thống Khoan Dực Phổ Chiếu Thiền Sư.
Thiền gia pháp chủ Thích Thanh Hanh Đại Lão Hòa Thượng (1840 - 1936) , đây là ngôi chùa ngài xuất gia năm 10 tuổi với sư tổ họ Nguyễn ở đây.
Pháp Chủ Thích Đức Nhuận Đại Lão hòa thượng (1897 - 1993) trụ trì chùa giai đoạn 1980 - 1993.
Chùa Hòe Nhai được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1989. Chùa Hòe Nhai hiện nay được tu bổ khang trang sạch đẹp và là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt là vào các dịp đầu xuân năm mới chuyên trì kinh Dược Sư, cầu bình an tới chúng sinh, đúng với hạnh nguyện của Ngài mà phổ độ, hiện thân Tỷ Khiêu, ngày lễ Phật Đản, ngày Rằm tháng 7 xá tội vong nhân, tại chùa có tổ chức nhiều nghi lễ Phật giáo trang trọng linh thiêng thu hút hàng nghìn lượt khách đến lễ Phật, thăm quan chiêm ngưỡng.
Giữa phố cổ tấp nập, vẫn có một chốn thoáng đãng, tĩnh lặng cửa thiền để mặc nhiên và suy ngẫm. Lớp lớp văn hóa Lý - Trần - Lê - Nguyễn còn đọng lại trên các pho tượng cổ, văn bia, khánh đồng và cả pho tượng đá trắng khắc hình ông bà nhũ mẫu của Vua Hy Tông, được gắn vào tường gian Tam bảo, là nét đẹp văn hóa mang tính giáo dục hậu thế chỉ thấy ở những ngôi chùa miền Bắc. Cùng với Tứ Trấn Thăng Long, chùa Hòe Nhai đang được UBND thành phố cho tôn tạo nhà Tiền tế và một số hạng mục trong tổng thể kiến trúc, đã hoàn thành toàn bộ vào tháng 6-2010 để đón chào Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chùa Hòe Nhai đã trải qua nhiều đổi thay, đặc biệt được trùng tu lớn vào năm 1687 và 1899. Mặt trước của tấm bia trên còn cho biết: lần mở rộng quy mô chùa năm 1698 do một Ưu-bà-di từng làm bảo mẫu trong cung với thế danh Nguyễn Thị Phán, pháp hiệu Từ Dụ, đã đứng ra quyên góp công đức thập phương. Mặt sau bia có bài minh PHÚC DIỄN VÔ CƯƠNG 福衍無彊 dài 160 câu ca ngợi bà cụ.
Sử sách cho biết dưới thời Lê Trung Hưng các vua chúa thường đến chùa Hồng Phúc để lễ Phật và mời sư trụ trì vào cung giảng kinh. Đương thời, ngoài các kinh Phật, chùa Hòe Nhai đã từng cho in một số sách khác rất giá trị như:
“Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa” của Hương Chân Pháp Tính [1], được khắc in năm Tân Tỵ tức 1701 hoặc 1761, TS Ngô Đức Thọ cho là 1401 (?). Có lẽ đây là cuốn từ điển Hán-Việt cổ nhất. Dưới dạng thơ chữ Nôm giải thích 3394 mục từ chữ Hán, sách cho phép ta biết rất nhiều về tình trạng từ ngữ và phát âm của tiếng Việt vào khoảng thế kỷ XVII-XVIII.
“Hồng Nghĩa giá tư y thư”, một tác phẩm y học của danh y Tuệ Tĩnh, do hoà thượng Bản Lai khắc in năm 1719.
Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp vào mùa đông năm 1946, chùa Hòe Nhai bị tàn phá nặng nề. Hội Phật tử Hà Nội đã thực hiện việc tái thiết và hoàn thành vào mùa xuân năm Kỷ Sửu (1949). Ngày 21-1-1989, Bộ Văn hóa đã xếp hạng chùa là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Sang thế kỷ XXI chùa lại được trùng tu gần như xây mới hoàn toàn.
Dòng chảy thời gian có lúc mang lại những khỏang khắc huy hoàng trong lịch sử, cũng lại vô tình bào mòn những ghi dấu vô thường. Dù là gì đi nữa, thì giá trị của chùa Hồng Phúc mang lại là vô cùng quý báu, góp phần minh chứng khảo cổ cho mọi ngành, đánh dấu về sự song hành giữa Phật giáo với nước nhà. Từ kiến trúc đến nghệ thuật, trong hiện vật đến phi vật thể, từ hiện thực đến tinh thần, từ hình tượng đến giáo dục, là điều mà Chùa Hồng Phúc đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
III. PHO TƯỢNG ĐỘC ĐÁO VÀ Ý NGHĨA
Phật giáo và nghệ thuật của nó là nhân tố thống nhất thực sự của toàn bộ lục địa Châu Á và đã trở thành một phần cơ bản trong di sản thế giới chung của chúng ta. Để vẽ một bức chân dung độc đáo của nghệ thuật này trong một tác phẩm là một công việc đáng kể do có nhiều truyền thống trải dài các quốc gia và khu vực khác nhau qua các thời đại khác nhau. Hơn nữa, sự thay đổi trong tình trạng bảo tồn của các di tích Phật giáo và các trang trí của chúng cung cấp thêm những thách thức. Với niềm đam mê nghệ thuật Phật giáo, hẳn các nhà nghiên cứu lịch sử thế giới, phải ngạc nhiên về cách sắp xếp giáo lý, thâm áo Phật giáo dưới dạng tập bản đồ qua hệ thống thờ phụng hay qua từng pho tượng tạo nên những nét đặc thù, khác biệt.
3.1. Nét độc đáo của tượng
Sự phát triển của hình tượng Phật giáo từ nguồn gốc ở Ấn Độ thông qua việc lan truyền sang Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Á.
Trong hơn 2.000 năm, các tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời đã được tạo ra để thể hiện các khía cạnh thiết yếu của tư tưởng Phật giáo, vốn đã phát triển và phát triển khi thực hành của nó lan rộng từ Ấn Độ sang Đông Á và xa hơn nữa. Cách đọc Nghệ thuật Phật giáo giới thiệu truyền thống thị giác phức tạp này đến hậu nhân bằng sự độc đáo của “pho tượng lấy thân làm tòa”. Bắt đầu với nguồn gốc của các hình tượng đức Phật ở Ấn Độ, và chuyển sang đề cập đến sự phát triển của nghệ thuật Phật giáo khi tôn giáo lan rộng khắp châu Á, pho tượng này truyền tải cách triết lý Phật giáo ảnh hưởng đến các tác phẩm nghệ thuật và thực hành qua các ranh giới văn hóa.
Chùa Hòe Nhai còn là nơi lưu giữ nhiều di vật có giá trị, đặc sắc nhất ở ngôi chùa cổ thời Lý này là bức tượng một vị Phật ngồi trên lưng vua Lê Hy Tông, đặt ở góc phải phía sau của chính điện. Bức tượng này là độc nhất vô nhị, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, có bao nhiêu người được chiêm ngưỡng là bấy nhiêu sự ngỡ ngàng và ngạc nhiên khi được nghe về huyền tích sự ra đời của tượng.
Tổng thể pho tượng cao hơn 3m, khắc ghi khoảnh khắc một vị vua quỳ gối phủ phục mang trên lưng một pho tượng Phật, tay kết ấn, vẻ mặt từ bi, thoát tục. Còn dáng quỳ gối sát mặt đất của tượng vua, thể hiện sự quy phục, hối lỗi tuyệt đối. Bức tượng thể hiện hình ảnh một vị vua quỳ sát đất, lưng là nơi an tọa của một nhà tu hành tay kết ấn, vẻ mặt từ bi, thoát tục. Thoạt nhìn tưởng như đó là một pho tượng Phật liền khối, song thực tế đây là một bức tượng kép gồm hai phần được khớp vào nhau một cách khéo léo.
Pho tượng đặt bên trái chính điện, đăng đối với tượng Quan âm tống tử. Bộ tượng cao tổng thể 1,78m được tạo tác bề thế cân đối giữa chiều cao với bề rộng, giữa pho tượng ngồi trên với pho tượng quỳ dưới và với cả vị trí đặt tượng hiện thời. Nét chạm đơn giản, mạch lạc thể hiện được thần thái của tượng. Nếu tượng dưới nét mặt là nam tính, ra chiều thành kính thì tượng phía trên có nét mặt hiền hòa, nghiêm trang, đầy đặn. Các nếp áo chảy dài mạnh, nhuần nhuyễn chứng tỏ trình độ khá chắc tay của người chạm. Toàn bộ tượng phủ sơn son thiếp vàng có vài ba điểm đã bong tróc, cốt gỗ cũng có đôi chỗ bị nứt nẻ, tuy nhiên nước sơn trải qua thời gian dài vẫn giữ được màu khá đẹp, cổ kính. Tượng có phong cách cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18.
Mỗi pho tượng trong chùa Việt đều gắn với một tích để lý giải về nguồn gốc xuất hiện và tồn tại. Nhưng pho tượng đôi nói trên có cách lý giải hoàn toàn mới lạ. Pho tượng cổ trong chùa đã phản ánh đời sống thực tại của xã hội lúc bấy giờ và là đỉnh cao về tính giáo dục qua nghệ thuật tạo tượng của Việt Nam. Chứng tỏ, sự văn minh, tinh tế của Thầy và thợ làm nên pho tượng này.
Kể từ khi được hoàn thành, bức tượng độc đáo đã góp phần làm ngôi cổ tự thêm nức tiếng. Suốt nhiều năm qua, du khách thập phương đến thăm chùa ngoài thành tâm cầu cúng, ai cũng mong được một lần tận mắt chiêm bái tác phẩm nổi tiếng. Ngoài tên “Phật ngồi lưng vua”, thì “Vua sám hối” cũng là một cách gọi khác được phổ biến rộng rãi trong dân gian.
Theo sử sách, vào khoảng cuối thời Lê Trung Hưng, Phật giáo không còn được đứng ở vị trí quốc giáo, thay vào đó là Nho giáo. Đến thời vua Lê Hy Tông (1663-1716), vua ban sắc lệnh đuổi hết sư sãi ở các chùa lên rừng, ai ngoan cố không đi sẽ bị khép vào trọng tội đem ra xử trảm, khiến Phật giáo rơi vào thảm cảnh tang thương. Trong thời điểm sinh tử ấy, một vị thiền sư đắc đạo tên Tông Diễn đã tìm cách trở lại kinh thành Thăng Long, nhằm giáo hóa nhà vua, cứu lại niềm tin Phật pháp.
Để trở lại khi vừa nhận sắc lệnh đã khó, lại tìm gặp vua càng là việc khó khăn. Cuối cùng Hòa thượng Tông Diễn đã phải dùng biện pháp, ông gửi tặng nhà vua chiếc hộp, trong đó nói có viên ngọc quý. Tuy nhiên thực chất trong hộp chỉ có một tờ biểu ghi lại những điều lợi mà Phật giáo mang lại cho xã hội. “Đời Trần, đời Lý, các vua hết sức coi trọng đạo Phật và rồi quốc gia thịnh trị, đạo Phật khiến người ta biết ăn uống đúng mực, không giết người cướp của, nó như một viên ngọc quý của quốc gia, vậy tại sao cho đến giờ đạo Phật lại bị cho rằng không mang lại lợi ích gì cho xã hội...”, tờ biểu phân tích.
Sau cuộc gặp mặt này, vua Lê Hy Tông đã hồi tâm chuyển ý. Sắc lệnh đã ban bị xóa bỏ. Sư Tông Diễn được mời trụ trì chùa Hòe Nhai, cũng là ngôi chùa lớn nhất kinh thành thủa đó. Và bức tượng Vua sám hối cũng từ đó ra đời.
Đó là câu chuyện mang đầy triết lý nhân sinh quan của nhà Phật gắn với tên tuổi của một vị vua trong lịch sử phong kiến Việt Nam - vua Lê Hy Tông.
Để thể hiện lòng thành, vua cho người tạc bức tượng lớn tạo hình vua đang phủ phục dưới đất, cõng trên lưng một vị thiền sư đắc đạo là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang ngồi thiền trên đài sen. Dáng quỳ gối phủ phục sát mặt đất của tượng vua thể hiện một sự quy phục tuyệt đối. Đó là sự hối lỗi chân thành, một sự thay đổi xuất phát từ sâu sắc trong tim chứ không gượng ép và do đó đây là một sự nhận lỗi, sửa sai chứ không phải là một sự trừng phạt.
Bức tượng là một bài học về sửa bỏ thói hư tật xấu. Ai sống trên đời cũng đều mắc sai lầm, nhưng điều quan trọng là phải biết nhìn nhận và sửa sai, để được tha thứ. Khi biết nhận lỗi, những người khác sẽ không đánh giá và quy tội nữa.
Năm 2006, nhân dịp UNESCO công nhận Lễ Phật đản là lễ hội tôn giáo thế giới, nhiều công trình văn hóa Phật giáo đặc sắc khắp châu Á được nhắc đến, trong đó có bức tượng Vua sám hối độc nhất ở Việt Nam, với tạo hình độc đáo. Hiện tượng “vua sám hối” cũng được ghi vào sách kỷ lục Guinness.
3.2. Ý nghĩa pho tượng “lấy thân làm tòa”
Pho tượng vua cõng Phật ở chùa Hòe Nhai, phố Hàng Than, Hà Nội là một tác phẩm độc đáo có một không hai của Phật giáo Việt Nam, tuy nhiên về ý nghĩa của nó lại gây ra bao tranh cãi lâu nay.
Tìm hiểu về ý nghĩa theo kinh điển thì pho tượng này gồm hai phần:
Phần trên là một vị hình tướng Tỷ Khiêu nhưng thần thái tướng mạo, cử chỉ đôi tay thì giống một vị Phật, tuy không thấy bông hoa nơi tay, nhưng cả thế tượng nhìn đã thấy đó là tượng Phật Thích Ca trong dáng Niêm hoa quen thuộc, tay phải của Ngài vốn đưa lên như đang cầm một bông hoa vậy.
Phần dưới pho tượng là hình ảnh một vị vua đang quỳ để nâng đức Phật ngồi ở trên. Đây là tượng lấy theo tích trong kinh "Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi Kinh", nói: Phật Thích Ca Mâu Ni đang thuyết pháp tại núi Linh Thứu, Đại Phạm Thiên Vương dâng lên cành hoa Kim Sắc Ba La Mật, sau đó Phạm Thiên còn xả thân làm tòa cho Phật ngự lên vì chúng sinh mà thuyết pháp, sau là truyện "Niêm Hoa Vi Tiếu" nổi tiếng của Thiền tông.
Một pho tượng như vậy để ở nơi Tổ đình phái Thiền Tào Động là rất hợp lý. Lâu nay, có một số giả thiết cho rằng đó là tượng Đế Thích cõng Phật nhưng với hình dáng tay tượng như cầm một bông hoa thì có lẽ đây là tượng Vua Phạm Thiên cõng Phật mới đúng, và có thể do Phạm Thiên-Đế Thích bị nhầm lẫn sang nhau chăng?
Một điểm khác là tuy tay như cầm bông hoa nhưng không rõ hoa đó trước có nay không hay là ngay từ khi bắt đầu tạo tác pho tượng đã cố ý không tạc hoa? Tuy nhiên, trong lý Thiền thì không tạc bông boa cũng không quá quan trọng.Nhìn ở khía cạnh lịch sử thì ý nghĩa dân gian của pho tượng này thường gắn với sự kiện Pháp nạn của Phật giáo đời Lê Hy Tông (1676-1705) được thiền sư Chân Dung Tông Diễn (1640-1711) - đệ nhị Tổ chùa Hòe Nhai hóa giải. Sau đó, vua Lê ăn năn liền cho tạc tượng này để tỏ lòng sám hối. Cách hiểu nôm na nữa là tượng trên chính là Lê Hy Tông cõng Phật, thậm chí còn có cách hiểu là Lê Hy Tông cõng Tổ Tông Diễn.
Cách nhìn này thường bị giới nghiên cứu phê là không có cơ sở, không hiểu kinh điển. Nhưng thật ra cách nhìn này không hề sai, chẳng qua do nhận thức khác nhau nên có sai biệt.
Tượng Phật Thích Ca Niêm Hoa khá phổ biến tại Đông Độ nói chung và Việt Nam nói riêng, nhưng vì sao tượng này lại tạc khác và đặc biệt tượng Phật lại đầu không có búi ốc? lại tọa trên lưng vua? rồi chẳng những pho tượng này mà còn nhiều pho tượng Phật, Bồ tát khác trong chùa cũng tạc tướng Thanh văn? Đây là cách nhấn mạnh vai trò của Tăng là sứ giả của Phật, Bồ tát, vì vậy hệ tượng này không thể tách rời sự kiện Pháp nạn đời Lê Hy Tông, cho nên nếu chỉ hiểu theo ý nghĩa kinh điển sẽ không đầy đủ, nhất là giải thích tượng Phật sao mang hình dáng đó?
Mỗi mỗi pho tượng nhìn có thể đơn giản những quá trình hình thành khởi điểm từ ý niệm, hẳn đều có nguyên do.
Về mặt tương đối, chúng ta có thể phân biệt các vị qua y áo, hình tướng, tay ấn, vị trí... đại loại như Phật Thích Ca ngồi tòa sư tử, hở vai áo,... Phật Di Đà tay ấn thiền định, Phật Dược Sư có viên ngọc, bảo tháp, bình bát có cây thuốc, tay ấn thí nguyện, Phật Di Lặc thì ngồi thống chân, rồi Bồ tát... rồi tòa Khổng tước, tòa Bảo mã, tòa Kim sí điểu, pháp khí, chuông chày,...
Nhưng tuyệt đối mà nói thì mỗi pho tượng Phật đó đều đại diện cho tất cả 3 đời Phật qúa khứ, hiện tại, vị lai, vô số mười phương Phật.
Dù có đủ một bộ ba pho đề mỗi pho là qúa - hiện - vị lai thì tự thân mỗi một pho cũng đủ cả ba thời. Lại nữa, chúng sinh trong 3 cõi triển chuyển không ngừng, vậy ai dám nói Lê Hy Tông không làm Phạm Thiên ở đời vị lai? Ngay chính chúng ta cũng vậy.
Hơn nữa khi được cao tăng chỉ pháp sửa sai đó chắc chắn không chỉ là sám hối việc đã làm mà còn phải phát nguyện Hộ trì giáo pháp mới mong tiêu trừ nhanh tội lỗi, vậy thì chuyện tượng đó là Lê Hy Tông cõng Phật là có cơ sở, chuyện mượn ý kinh cũ để nói lên tâm ý hiện tại là có thực.
Chẳng những vị vua đang quỳ đó là Đại Phạm Thiên Vương hay Lê Hy Tông phát nguyện hộ pháp đâu, mà đó là hình ảnh của tất cả các vị đại diện cho nhà nước hộ pháp.
Thế hình ảnh Lê Hy Tông cõng Tổ Tông Diễn thì sao? Cũng như vậy, Tông Diễn chẳng nhận mình là Phật nhưng thực ra Tông Diễn chẳng sớm thì muộn lại thành Phật ở Vị lai, chẳng những Tông Diễn Đại sư thành Phật Vị lai mà chúng sinh cũng vậy.
Qua đây, ta thấy mượn tích xưa tạc tượng nhưng hoàn toàn có thể thấy Lê Hy Tông cõng Phật hay Lê Hy Tông thành Phạm Thiên, Tông Diễn thành Phật ở đời vị lai.
Thấy chính mình ở pho tượng, cũng là cách hiểu theo phương thức đã được giải thích trong khoa học hiện đại là “thế giới phẳng”.
Nếu các pho tượng chùa chỉ dừng ở mức kể lại chuyện xưa, tích cũ thì bài học cho bản thân ở đâu?
Kính Phật, Bồ tát, La Hán là quý, thấy việc lành tán thán là quý nhưng quý hơn là tự mình làm, quý hơn là phát Bồ đề Tâm thành Phật độ hết chúng sinh.
Trong kinh Pháp Hoa, có ẩn dụ chúng ta như anh chàng Cùng Tử, có ngọc quý đeo mà vẫn chịu đói nghèo.
Nên ai thấy tượng mà phát nguyện tu trì để thành Đại Phạm Thiên ở vị lai ủng hộ Phật pháp thì nguyện đó là thù thắng và sẽ thành sự thật khi đủ duyên, khi đó nó là tượng chính mình.
Phật, Bồ tát, Thánh Tăng không phải chỉ muốn chúng sinh kính trọng Tam bảo đâu mà thực sự muốn chúng ta đi theo con đường của các Ngài để thành như các Ngài không khác.
Nếu ai thấy tượng chính mình ở đời vị lai không phải để thành sự ngã mạn được cung kính, mà thành các đấng lợi ích hữu tình thì đó là nhận ra đạo Phật, đạo được ngôi chùa Hòe Nhai truyền tải ý nghĩa.
Chẳng có gì ngoài Tâm mà cái Tâm thì chúng ta cũng có từ nền tảng Tâm đó, chúng ta có thể thành Phạm Thiên hộ pháp, có thể thành Phật.
Những giá trị lịch sử của pho tượng độc đáo mang lại là sự gắn kết lịch sử qua mỗi thời đại. Lại mang giá trịvăn hóa như một kiệt tác thời bấy giờ và đến tận ngày nay. Là di sản văn hóa vật thể đậm nét đặc trưng thể hiện tín ngưỡng của dân Việt, khác hoàn toàn với các nước trên thế giới.Về giá trị khoa học, có thể nói pho tượng “lấy thân làm tòa” là tiêu biểu của thời vua Lê Hy Tông với ý nghĩa Phật giáo nội hàm, đồng thời, mang đến giá trị tiếp cận nghiên cứu về lịch sử Phật giáo, đất nước, văn hóa, giáo dục, mỹ thuật, nghệ thuật, khảo cổ.
Có lẽ còn vô số ý nghĩa khác nhau tùy nhận thức, nhưng mục đích bài viết khi chọn đề tài khảo cổ về ngôi chùa và pho tượng độc đáo chứa đựng nội hàm về một giai đoạn với mong muốn nêu cao tinh thần Phật giáo giữa lòng dân tộc, trong một thể thống nhất nhằm gửi gắm tính giáo dục hậu thế.
Nhờ có khảo cổ học Phật giáo Việt Nam, mang giá trị bảo tồn những di tích lịch sử, tìm lại và nhận thức về những giai đoạn trong lịch sử phát triển dân tộc. Đây thực chính là tầm quan trọng của những chứng tích trong việc phát huy truyền thống dân tộc với thời hiện đại.
Ngôi chùa Hồng Phúc giữa lòng thủ đô, qua những điển tích văn bia, di vật, một lần nữa lại minh chứng cho sự khế hợp giáo lý trong tâm thức người Việt và dung thông Đạo - Đời là nét đẹp độc đáo trong tiến trình phát triển đặc thù của Phật giáo Việt Nam.
KẾT LUẬN
Khảo cổ học Phật giáo mang ý nghĩa vô cùng lớn trong việc kết nối quá khứ đến hiện tại, đồng thời lại lồng ghép sự giáo dục đối với chủ thể và hậu nhân đời đời. Nhờ khảo cổ học mà những hiện cảnh quá khứ ùa về với lịch sử bao đời dân tộc. Trong mối liên hệ với văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, kiến trục, mỹ thuật đều là sự dung hòa không tách biệt làm nên một hệ thống văn hóa bản địa phong phú, khác biệt. Khảo cổ học Phật giáo còn khơi dậy niềm tự hào, tự tôn của những con người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng đất Việt trong mối liên hệ thời gian. Đề tài chùa Hồng Phúc từ khái quát lịch sử, những di vật cổ và pho tượng độc đáo đã một lần nữa, đã đánh thức lịch sử và văn hóa cổ truyền của dân tộc qua những hiện vật còn tồn tại, là chứng tích cho chiều dài lịch sử và chiều rộng nhân văn. Hẳn còn vô số những công trình khảo cổ chưa được khai quật, tìm hiểu để phần nào củng cố, bổ khuyết những kiến thức đang bỏ ngỏ…cần sớm được nghiên cứu, làm rõ.
Tác giả: Thích Nữ Bảo Giác Học viên Thạc sĩ Khoá 4 Học viện PGVN tại Tp.HCM ***TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Pháp Sư Thánh Nghiêm, Pháp Sư Tịnh Hải, Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới. 2. Sherman E. Lee, Trần Văn Huân biên dịch, Lịch Sử Mỹ Thuật Viễn Đông. 3. Thích Trung San, tài liệu môn học Nghệ Thuật Kiến Trúc Phật Giáo, khóa XII. 4. Nguyễn Phi Doanh, Mỹ thuật Việt Nam, Nxb Hồ Chí Minh, 1984. 5. Robert E. Fisher, Huỳnh Ngọc Trảng Và Nguyễn Tuấn dịch, Mỹ Thuật Và Kiến Trúc Phật Giáo. 6. Nguồn Phan Cẩm Thượng vcs. 2011. sdd. Xem thêm Phật tổ thống kỷ phần Thế giới danh thể chí. 7. Kim Cương Tử, Từ điển Phật học Hán Việt. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, 1998. 8. Tham khảo Nguyễn Duy Hinh, Tháp cổ Việt Nam. Nxb KHXH. Hà Nội, 1992. 9. Trần Kỳ Phương, Khảo luận về kiến trúc Đền- Tháp Champa/ Chiêm Thành tại miền Trung Việt Nam. Tc Nghiên cứu Mỹ Thuật. Hà Nội, 6/2011. 10. Trần Trọng Dương, Khảo về Đại Cồ Việt- nước Việt- nước Phật giáo. Tc Hán Nôm số 02/2009. 11. Chu Quang Trứ, Kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam. Nxb Mỹ Thuật. Hà Nội, 2003. 12. Thích Minh Tuệ, Lược sử Phật giáo Việt Nam. Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh, 1993. 13. Nguyễn Du Chi, Trên đường tìm về cái đẹp của cha ông. Nxb Mỹ Thuật- Viện Mỹ thuật. Hà Nội, 2001. 14. Nguyễn Hùng Vĩ, Quan sát cột đá Chùa Một Cột ở núi Dạm. Trong “45 năm khoa Văn học 1956-2001”. Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội, 2001. 15. Đặng Đức Siêu. Sổ tay Văn Hoá Việt Nam. Nhà Xuất Bản Lao động, 2006. 16. Trần Lâm Biền, Diễn biến kiến trúc truyền thống Việt vùng châu thổ sông Hồng, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2008. 18. Văn hóa-Thể thao, 10/12/2020, “Độc đáo ngôi chùa có tượng Phật ngồi lưng vua”, https://hanoi.qdnd.vn/van-hoa-the-thao/doc-dao-ngoi-chua-co-tuong-phat-ngoi-lung-vua. 19. Đinh Khắc Thuân, Văn bia chùa Phật thời Lý, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011. 20. Đức Nhuận, Đạo Phật và dòng sử Việt, Nxb Phương Đông, Tp Hồ Chí Minh, 2009.
Bình luận (0)