Chùa Huy Văn - nơi minh quân Lê Thánh Tông cất tiếng khóc chào đời
ISSN: 2734-9195
10:30 04/12/2024
0:00 / 0:00
Chùa Huy Văn còn gọi là chùa Dục Khánh được xây dựng trên đất thôn Huy Văn, huyện Thọ Xương, Thăng Long xưa (nay là ngõ Huy Văn, phố Tôn Đức Thắng, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội.
Tác giả: Đặng Việt Thủy
Chùa Huy Văn còn gọi là chùa Dục Khánh được xây dựng trên đất thôn Huy Văn, huyện Thọ Xương, Thăng Long xưa (nay là ngõ Huy Văn, phố Tôn Đức Thắng, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội.)
Tương truyền đây vốn là một gò đất, đêm thường phát ra ánh sáng, có người thấy lạ bèn đào lên được một khối vàng. Người này đem bán đi lấy tiền xây một ngôi chùa và đặt tên là chùa Hoa Văn (đọc chệch tên là Huy Văn). Lại có cách nói tên chùa là do nằm bên bến đò Hoa của sông Kim Ngưu và hồ Văn Chương nên được ghép thành chùa Hoa Văn rồi đọc chệch đi thành Huy Văn. Theo các văn bia còn trong chùa, thì chùa được lập từ đời vua Lê Thái Tông (1434 - 1442).
Vua Lê Thái Tông tên húy là Nguyên Long là con thứ hai của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi). Khi Thái Tổ mất, Thái tử Nguyên Long lên nối ngôi vua ngày 8 tháng 9 năm Quý Sửu (1433), khi mới 11 tuổi, nhưng đã tự mình điều hành các công việc của triều đình. Dưới thời vua Lê Thái Tông, vào năm Nhâm Tuất (1442) bắt đầu ra lệnh dựng bia ghi tên các tiến sĩ. Trong những người vợ của vua Lê Thái Tông chỉ có bà Ngô Thị Ngọc Dao là trọn tiết, có hậu vận đẹp nhất, dù đã qua một thời trắc trở. Bà Ngô Thị Ngọc Dao là người xã Động Bàng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ông nội của Ngọc Dao là Ngô Kính, gia thần của Tuyên Tổ (cha Lê Lợi), về sau được phong làm Thái phó.
Cha Ngọc Giao là Ngô Từ, gia thần của vua Thái Tổ (Lê Lợi), sau được phong chức thái bảo. Chị gái ruột của Ngọc Dao là Ngọc Xuân (tức Ngọc Thung) vào hầu vua Lê Thái Tông ở hậu cung nên nàng có dịp theo chị vào nội đình. Thấy nàng xinh đẹp, hiền hậu, vua Thái Tông rất yêu mến, liền cho gọi vào làm cung tần, sau đó được phong làm Tiệp dư, cho ở cung Khánh Phương. Từ ngày được tuyển vào cung, Ngọc Dao thường giao tiếp kết thân với bà Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ, người thiếp của Quan Phục hầu Nguyễn Trãi.
Sau những lần ân ái cùng vua, lại mộng thấy tiên đồng giáng trần đầu thai mà Ngọc Dao có mang. Tin giấc mộng của Tiệp dư Ngọc Dao loan ra, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh là ngưởi có thế lực lại được vua Lê Thái Tông sủng ái nhất, nghe được câu chuyện, rất lo xa, bèn tìm cách hãm hại Ngọc Dao bất chấp mọi thủ đoạn, như xúc xiểm với vua Lê Thái Tông là Ngọc Dao có dính líu vào vụ Huệ phi Lê Nhật Lệ, án oan khiến cả nhà Đại đô đốc Lê Ngân bị chết oan uổng, hay là Ngọc Dao có liên quan đến vụ yểm bùa Hoàng tử Bang Cơ, hoặc mang thai 11 tháng vẫn chưa sinh do quỷ Sa Tăng đầu thai vào để phá hoại cung đình...
Sở dĩ Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh lo lắng, ghen ghét, đố kỵ với Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao vì Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh đã sinh ra Hoàng tử Bang Cơ nhưng cho tới lúc này, vua Thái Tông vẫn chưa định ai ở ngôi kế vị. Hơn nữa, Tiệp dư Ngọc Dao nom hiền hậu, lại chăm đi chùa sửa lễ, nếu nàng đẻ con trai thì ngôi Thái tử của Bang Cơ rất dễ lung lay.
Nhưng nhờ có bà Nguyễn Thị Lộ đang giữ chức Lễ nghi học sĩ, được nhà vua kính nể, đã tiếp cận khuyên vua không nghe lời dèm pha xúc xiểm của Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh mà Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao tránh được hiểm họa, thoát khỏi chết oan. Nhằm tránh cho bà Ngọc Dao khỏi bị những tai vạ khác, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã vận động cho Ngọc Dao được ra ở chùa Huy Văn, nơi bà Ngọc Dao rất sùng bái, thường đến đó lễ Phật. Hàng ngày Ngọc Dao được bà Nguyễn Thị Lộ cho người chăm sóc chu đáo.
Mấy tháng sau, ngày 10 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442) niên hiệu Đại Bảo thứ 3 đời vua Lê Thái Tông, bà Ngọc Dao mãn nguyệt khai khoa, sinh được một người con trai đặt tên là Tư Thành. Hoàng tử Tư Thành đã cất tiếng khóc chào đời tại chùa Huy Văn.
Để hai mẹ con ở chùa rất dễ bị lộ, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ cho người đưa hai mẹ con Ngọc Dao ra lánh nạn ở An Bang (Quảng Ninh). Người dẫn đường cho hai mẹ con nàng, đêm đi ngày nghỉ, hết đi thuyền lại lội suối trèo non, vất vả lắm họ mới tới nơi. Đây là một vùng rừng biển liền nhau, thâm nghiêm, kín đáo.
Nghe tin hai mẹ con Ngọc Dao trốn khỏi kinh thành, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh lồng lộn, căm tức. Hoàng hậu cho rằng chủ mưu trong việc này là vợ chồng quan hành khiển Nguyễn Trãi, sẽ trừng trị sau, trước mắt sai tay chân thân tín cho người đi dò la tin tức của hai mẹ con Tiệp dư họ Ngô. Cũng trong thời gian ấy, Ngọc Dao và Hoàng tử Tư Thành sống lênh đênh trên một chiếc thuyền câu nhỏ của một lão ngư tốt bụng.
Ngày 27 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi đón vua ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4 tháng 8 vua về đến Lệ Chi Viên (nay thuộc huyện Gia Bình, Bắc Ninh). Cùng đi với vua có Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, người thiếp của Nguyễn Trãi khi ấy đã hơn 30 tuổi được vua Thái Tông yêu quý vì sắc đẹp, văn chương hay, luôn được vào hầu bên cạnh vua. Khi về đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi đột ngột băng hà, lúc này mới 19 tuổi.
Cái chết của vua Lê Thái Tông đầy bí ẩn bởi nguyên nhân gây ra tử vong rất mơ hồ và khó xác định. Dù vua chết do nguyên nhân nào, nhưng ngay lúc đó triều đình đã khép cho Nguyễn Thị Lộ vào tội giết vua, Nguyễn Trãi và gia đình bị tru di tam tộc. Đây là một trong những sự kiện bi thảm nhất dưới triều Lê, mà người đời vẫn gọi là vụ án Lệ Chi Viên (vụ án vườn vải).
Sau khi vua Lê Thái Tông mất, ngày 12 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442) các đại thần nhận di mệnh tôn Hoàng tử Bang Cơ (con Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh), mới 2 tuổi lên nối ngôi, tức vua Lê Nhân Tông. Vì vua còn nhỏ nên Thái hậu Nguyễn Thị Anh nắm quyền nhiếp chính.
Thảm án tru di ba đời của Nguyễn Trãi, vụ án Lệ Chi Viên có nguyên nhân sâu xa là do vợ chồng Nguyễn Trãi đã giúp mẹ con Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao. Vụ án này khiến Ngọc Dao vô cùng đau đớn. Bà cùng với dân trong vùng lập đền thờ và để tang Nguyễn Trãi. Đêm đêm, trên chiếc thuyền câu lánh nạn, Ngọc Dao lại lầm rầm đọc kinh giải oan cho ông.
Ngày tháng thoi đưa, Hoàng tử Tư Thành ngày càng khôn lớn. Hai mẹ con hàng ngày lên rừng đốt than, kiếm củi hoặc xuống biển câu cá, bắt cua. Tối đến, bà Ngọc Dao dạy con học. Dân vùng đó hay truyền đi những bài thơ do hoàng tử làm.
Trong những ngày tháng ở An Bang (Quảng Ninh), lòng nhân hậu của bà Ngọc Dao cùng với tư chất thông minh hòa hiếu của Hoàng tử Tư Thành đã cảm hóa được Thái hậu Nguyễn Thị Anh, Thái hậu đã cho đưa Hoàng tử Tư Thành về hoàng cung dưỡng dục. Năm Thái Hòa thứ 3 (1444), Hoàng tử Tư Thành được phong làm Bình Nguyên vương, vâng lệnh làm Phiên vương vào ở Kinh sư, hàng ngày cùng học ở Kinh Diên với các Vương khác.
Ở trong cung, càng ngày Hoàng tử Tư Thành càng được Tuyên Từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh yêu thương như con đẻ. Có lẽ lúc này Hoàng Thái hậu đã nắm được cả quyền lực trong tay rồi, không sợ ai tranh cướp ngôi của con trai mình nữa, nên bà mới đối xử tử tế với Hoàng tử Tư Thành như vậy để cho mọi người biết lòng nhân hậu, độ lượng của bà. Còn vua Lê Nhân Tông xem Hoàng tử Tư Thành là người em hiếm có, bèn chu cấp quân hầu, dựng dinh thự ở phía tây hoàng cung cho Hoàng đệ ở, gọi là Tây cung.
Năm Kỷ Mão (1459), Lê Nghi Dân (là anh của Nhân Tông), con của vương phi Dương Thị Bí nổi loạn, cùng bộ hạ đang đêm bắc thang leo lên thành, trèo vào trong cung cấm giết vua Lê Nhân Tông và Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh. Khi đó Nhân Tông mới 19 tuổi, ở ngôi được 17 năm.
Lê Nghi Dân tự lập làm vua, đổi niên hiệu là Thiên Hưng. Năm Kỷ Mão (1459) phong cho Bình Nguyên vương Tư Thành làm Gia vương (Giả vương). Lê Nghi Dân thấy Tư Thành tài trí, có ý trừ Tư Thành để phòng hậu họa, bèn xây phủ đệ ở bên hữu Nội điện cho Tư Thành ở và cho người canh phòng nghiêm ngặt, còn bà Ngọc Dao thì cho ở chùa Huy Văn. Nhưng sau thấy Tư Thành thật thà, chân tình, biết phép tắc nên Lê Nghi Dân không nỡ giết, Tư Thành may mắn thoát nạn.
Ngày 6 tháng 6 năm 1460, các bậc đại thần là Nguyễn Xí, Lê Lăng, Đinh Liệt, Lê Niệm, Lê Nhân Thuận... cùng nhiều tướng lĩnh và quan lại khác đã đồng lòng giết được Nghi Dân và bọn tòng phạm. Loạn Nghi Dân đến đó chấm dứt.
Triều thần đón Hoàng tử Lê Tư Thành (con của vua Lê Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọc Dao) lên ngôi vua. Ngày 8 tháng 6 năm 1640, Hoàng tử Tư Thành lúc này 18 tuổi, chính thức lên ngôi, lấy đế hiệu Thánh Tông Thuần Hoàng đế (Lê Thánh Tông), ban đại xá trong thiên hạ.
Ngay sau khi lên ngôi, vua Lê Thánh Tông liền tôn phong mẹ Ngô Thị Ngọc Dao làm Hoàng Thái hậu và đích thân ra chùa Huy Văn đón mẹ vào cung. Nhưng Hoàng Thái hậu Ngọc Dao thoái thác không nghe. Nhà vua đành chiều theo ý mẹ, truyền lệnh tu sửa lại chùa để kỷ niệm nơi sinh của mình và cho xây trước chùa một ngôi điện cho Hoàng Thái hậu ở, gọi là điện Dục Khánh (ngụ ý trong đó chung đúc nhiều sự tốt lành). Hàng tuần thường lệ, nhà vua ra thăm mẹ.
Năm 1464, Lê Thánh Tông đã làm một việc có ý nghĩa lịch sử: nhà vua ra lệnh rửa oan án tru tri tam tộc cho Nguyễn Trãi, cho sưu tầm thơ văn của Nguyễn Trãi bị thiêu hủy sau vụ án Lệ Chi Viên. Lê Thánh Tông đã tạc chân chung của Nguyễn Trãi bằng câu thơ nổi tiếng "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo" (Tấm lòng Ức Trai tỏa sáng trong văn chương).
Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao ở được 30 năm thì mất. Vua Lê Thánh Tông vô cùng thương xót. Nhà vua tự tay khâm liệm và phạn hàm cho mẹ. Sau đó, Thánh Tông truy tôn mẹ là Quang Thục Hoàng Thái hậu. Nhà vua còn cho đúc tượng và chuông để thờ ngay tại điện Dục Khánh. Tượng và chuông sau này bị kẻ trộm lấy mất. Đến năm Vĩnh Trị thứ 3 và 4 (1678 - 1679) đời vua Lê Hy Tông, sư chùa Huy Văn đã đứng lên khuyến hóa các nơi, đúc lại tượng và chuông khác. Trong chùa ngoài tượng Phật, tượng Thái hậu còn có tượng của Lê Thánh Tông. Tượng này nguyên trước đặt ở trên chùa Khán Sơn (trong vườn Bách Thảo ngày nay) đến cuối thời Lê, khi quân Tây Sơn ra Bắc, một toán quân đã phá chùa đó, dân chúng kinh thành bèn rước tượng Lê Thánh Tông về thờ ở chùa Huy Văn.
Chùa bị đổ nát nhiều, đã có sửa chữa lớn vào các năm 1822, 1823 và1861, 1864. Bên ngoài điện thờ thánh, kiểu nhà kép mái chồng, đều ba gian, bên trong thờ Phật, có dãy hành lang theo kiểu chữ "công", đều năm gian. Chùa còn lưu giữ được chín bia đá.
Bà Ngô Thị Ngọc Dao là người vợ duy nhất của vua Lê Thái Tông (Bang Cơ) nhờ sinh con quý tử mà cứu được bi kịch triều Lê do "Họa tự trong nhà". Con trai của bà - vua Lê Thánh Tông - vốn là một vị vua thấm nhuần Nho học uyên bác, nhưng cũng là vị vua tôn kính đạo Phật, tôn giáo mà mẹ vua sùng bái tín ngưỡng. Lê Thánh Tông dù chưa phải toàn vẹn nhưng đã trở thành vị vua Thánh, một vị minh quân, đưa nhà Lê lên thời kỳ hoàng kim văn hóa, toàn thịnh nhất thời phong kiến Việt Nam.
Tác giả: Đặng Việt Thuỷ
Đường Hoàng Hoa Thám, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.
***
* Tài liệu tham khảo:
- Đặng Việt Thủy (Chủ biên), Hỏi đáp về những ngôi chùa nổi tiếng ở Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2009.
- Chu Thiên (Biên soạn), Lê Thánh Tông (1442 - 1497), Tạp chí Văn Mới số 22 và 23 - 25, Hàn Thuyên, 1943.
- Lê Duy Anh (Biên soạn), Minh quân Lê Thánh Tông và triều Trần, Nxb Quân đội nhân dân - Hà Nội - 2010.
Sáng ngày 29/11/2024, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã đến thăm, lễ Phật tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) – Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).
Chùa Đồng Giới thuộc huyện An Dương, Hải Phòng được khởi dựng vào thế kỷ XIII cuối thời Lý, đầu thời Trần. Chùa còn lưu giữ được nhiều nét độc đáo từ cách trang trí trên tường đến việc bảo quản kinh sách và ván khắc.
Phật giáo dưới thời Lê Thánh Tông nói riêng, thời Lê sơ nói chung không chiếm ưu thế trong đời sống chính trị chốn cung đình nhưng đã trở về với làng xã và ảnh hưởng rộng rãi trong nhân dân.
Từ ngày 15 đến ngày 18-1-1981, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Ban Vận động thống nhất PGVN đã mở hội nghị kỳ 2 để kiểm điểm tình hình hoạt động của Ban vận động trong năm 1980 và hoạch định chương trình hoạt động cho năm 1981.
Có thể coi “Lời hiệu triệu” này như một “tuyên ngôn” của Hội Việt Nam Phật giáo, sớm nhất (chỉ một ngày sau khi chính quyền cách mạng giành được ở Hà Nội) khẳng định “lập trường” mục đích của tín đồ, Phật tử Việt Nam.
Thiền phái Tào Động từng phát triển rực rỡ trong khoảng hai thế kỷ, nhưng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã bị mai một do sự khắc nghiệt của thời gian và chiến tranh.
Xứ Bắc - nơi cách xa triều đình, ở một chừng mực nào đó Phật giáo không bị cấm kỵ như ở các tỉnh miền Trung. Các dòng thiền Lâm Tế, Tào Động từ Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng… lan tỏa khắp các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Với tất cả tư liệu đó khiến cho chúng ta có quyền khẳng định, trước khi lên Yên Tử hình thành thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã về chùa Hành Cung, tức chùa Khai Phúc tu hành.
Bình luận (0)