Nằm bên tả ngạn sông Đuống, thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Tp.Hà Nội, chùa Kiến Sơ trầm mặc cổ kính nơi phát xuất dòng thiền Vô Ngôn Thông truyền được 17 đời, đến đầu thế kỷ 13.

Từ nội thành Hà Nội, đi qua cầu Chương Dương, cầu Chui, cầu Đuống, rẽ phải, men theo con đê tả ngạn sông Đuống khoảng 5km là đến chùa.

Chùa Kiến Sơ được xây dựng từ rất sớm sau khi đạo Phật được truyền vào nước ta. Theo sách sử ghi năm 820 nhà sư Vô Ngôn Thông từ Trung Hoa sang Việt Nam, sau được sư Cảm Thành trụ trì tại chùa làng Phù Đổng tôn làm thầy, từ đó mở ra dòng thiền Vô Ngôn Thông.

Theo Thiền uyển tập anh có ghi: “Tháng chín năm Canh Tý niên hiệu Đường Nguyên Hòa thứ 15 (820), sư đến chùa Kiến Sơ. Ngoài hai bữa cơm cháo, suốt ngày sư chỉ ngồi quay mặt vào tường, không nói một lời, chuyên chú tu tập thiền định làm vui. Suốt mấy năm liền như thế nên người ngoài không ai biết sư, chỉ có sư trụ trì chùa là Cảm Thành hết lòng kính cẩn hầu hạ. Cảm Thành gần gũi bên cạnh sư để học hỏi những điều cơ vi huyền diệu, hiểu rõ yếu chỉ của Thiền tông.”

Cổng Tam quan 5 gian chồng diêm 2 tầng trầm mặc cổ kính với mái ngói mũi hài kiểu truyền thống.

Qua cổng Tam quan là ao sen, tạo khung cảnh hài hòa cho toàn bộ kiến trúc chùa cổ. Tổng thể ngôi chính điện trang nghiêm, bao gồm nhà thiêu hương, thượng điện và hậu Tổ, tạo nên kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc như nhiều ngôi chùa cổ thường thấy ở Bắc bộ.

Trước tiền đường, phía bên trái, là chiếc khánh đá cổ tạc thô sơ, một trong những pháp khí thiền môn, bề ngang 2,3m, cao 0,60m, dày 0,17m có niên đại gần 400 năm. Bên phải sân có một tấm bia lớn phủ rêu xanh, mưa gió đã làm mòn hết chữ.

Ngôi chùa còn bảo lưu được hệ thống tượng Phật cổ phong phú, bài trí thành 7 lớp tượng. Lớp trên cùng bài trí Tam thế chư Phật có niên đại thế kỷ 17 làm bằng đất thó sơn son thiếp vàng. Sáu lớp thứ tự từ trên xuống dưới: hàng 1 là tượng A Di Đà, hàng 2 gồm năm pho tượng (tượng Di Lặc ở giữa), hàng thứ 3 là pho Quan Âm Nam Hải, Thích Ca niêm hoa tọa lạc ở hàng thứ tư, kế đến tượng Ngọc Hoàng, và dưới cùng có tòa Cửu Long.

Ngôi chùa là nơi lưu giữ nhiều truyền thuyết về vua Lý Công uẩn, vị vua khai sinh ra vương triều nhà Lý. Lý Công uẩn thuở còn nhỏ đã đến tu và học kinh Phật ở chùa này. Vì vậy sau khi Lý Công uẩn lên ngôi vua đã cho tu sửa mở mang chùa Kiến Sơ và đền Gióng.

Chùa có nhiều tượng có giá trị nghệ thuật trong đó có các pho tượng truyền là tượng Vô Ngôn Thông và Lý Công uẩn, cả tượng Khổng Tử và Lão Tử. Dọc hành lang có tượng 18 vị La Hán.

Tác giả: Hải Thanh Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2017