Tác giả: Huyền Cương
Bài 1: Chiêm nghiệm
“Ngoài tâm tìm Bụt là mê sảng” (1) “Bụt ấy là lòng Bụt há cầu” (2) Sớm khuya thầm dõi vào trong miết (3) Khoan nhặt vỡ dần lẽ thật sâu Dòng đời xiêu dạt không ai chủ (4) Tâm vật rã hoài chẳng vững đâu (5) Thôi màng được mất buông lành dữ Nhẹ nhõm thảnh thơi đỡ lo sầu Siêng năng tra cứu thêm rành rõ Đều đặn nếp thiền bớt khổ đau Chuyện đời (6) thưa vãn càng yên vắng Sẵn nết sáng lành (7) tự thuở nao Nhân lúc lắng lòng chiêm nghiệm thấy (8) Mới hay Tính Bụt (9) vốn từ lâu Chăm khảo sách kinh hằng sửa lỗi Nuôi chí bền tu vẹn pháp mầu. (10)
Chú giải: (1) Lời Tổ Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidarrma). (2) Câu thơ Nguyễn Trãi. (3) Thiền thấu suốt (vipassana). (4) Tính không Tôi của cuộc đời (vô ngã). (5) Tính không còn mãi của cuộc đời (vô thường). (6) Thói nghĩ tính lăng xăng trong đầu (tạp niệm). (7) Tính Bụt (Như Lai tạng). (8) Kiến tính. (9) Khởi tu trình trọn vẹn.
Bài 2: Đường thoát Khổ
Tây Phương Cực Lạc! Cõi vãng sinh nguyện ước bấy lâu nay Khẩn khoản nỉ nài lễ lạy đó đây Đường thoát khổ liệu lối này có phải? * Mê mẩn mù mờ mò mẫm mãi Viển vông van vái vấn vương vào Một mai khi loạng choạng tuổi xế chiều Khách tơ tưởng pháp mầu đành rã mộng * Đứng bến hóng bờ mơ hồ viễn vọng Đợi sung há miệng mong ngóng vu vơ Hoài một đời rặt khao khát trông chờ Chẳng chịu cất bước đi sao đến được! * Bao kinh kệ miệng râm ran tụng thuộc Mà lòng riêng huyễn hoặc vẫn vơi đầy Tu cách này e phí uổng lắm thay Mau sửa lại kẻo có ngày nuối tiếc * Bụt từng dạy rằng dẫu siêng tu học Lơi hành thiền chẳng thoát được khổ đau (1) Chốt đây bây giờ buông hẳn chuyện xưa sau (2) Lúc lòng dừng lẽ sâu hầu mới tỏ * Mầm tính Bụt (3) lòng người đều vốn có Thói vọng cầu nghĩ nhớ (4) lấp che thôi Mải vươn khơi bão giật sóng xô hoài Quay đầu lại ắt gặp nơi neo buộc * “ Lòng bặt mà biết là Bụt thật” (5) Nước lặng trong im phắc rỡ ràng soi Hiểu thương vượt thoát nỗi đau đời ...
Chú giải: (1) Kinh Lời Pháp (Kinh Pháp Cú) (2) Kinh Người Biết Sống Một Mình (Kinh Hiện Tại Lạc Trú): “Chuyện cũ đã qua rồi việc sau còn chửa tới” (3) Như Lai Tạng (4) Tạp niệm (5) Lời quốc sư Phù Vân (Trúc Lâm Đại Sa Môn) nói với vua Trần Thái Tông": “Tâm tịch nhi tri thị danh chân Phật”
Bài 3: Kinh nghiệm và kỹ năng sống của người già
Từ đận rảo chân ngã rách cằm (1) Nghĩ lung nghiền ngẫm vỡ ra rằng Ngồi lệch (2) miết thiền lười vận động Lâu năm nhuốm tật ủ ươm thầm (3) Sớm mai lần chữa căn vừa mức Guồng nhớt - khí - gân - khớp - khắp thân (4) Chiều khom ưỡn nạp thêm năng lượng (5) Vững ngoài trong ổn vực lên dần Dáng người luôn giữ đừng còng vẹo Cột sống hai vai nhớ thẳng cân Cơm bữa ưa dùng rau củ quả Nhai kỹ nhuyễn nhừ hãy nuốt ăn Ngủ sớm nuôi bền lòng vắng lặng Buông giận hiểu thương thôi mải ham Gan đợi tuổi già kiêng nóng vội Sáng trí bền tâm thoát tật ngầm (6) (Kỷ niệm ngày vào tuổi 83, mùa thu năm 2021)
Chú giải: (1) Từ trước đại dịch Covid-19. (2) Ngồi thiền bán già hơn 40 năm, từ năm 1977. (3) Cảm thấy căng nhức dây chằng ở vùng dưới bên phải cột sống và có dấu hiệu chớm trượt đĩa đệm ở đó. (4) Tập luyện toàn thân khoảng 50 phút mỗi buổi sáng, gồm: Vẩy tay Đạt Ma dịch cân kinh guồng dòng hồng cầu và bạch cầu - Thở sâu guồng luồng khí kết hợp với luyện giọng - Tập co dãn dây chằng và cử động tất cả các khớp khắp thân. (5) Nạp thêm năng lượng từ vũ trụ (prana) theo bài tập Nguồn Tuổi Trẻ (Fountain of Youth) khoảng 25 phút mỗi buổi chiều. (6) Tập luyện đều đặn suốt hơn 2 năm liền, từ mùa thu năm 2019.
Bình luận (0)