Có một số người có trái tim, bộ óc, con mắt đặc biệt xuất chúng, để có thể đập những nhịp đập phi thường, nghĩ được những điều nghĩ phi thường, thấy được những điều phi thường mà những trái tim, bộ óc, con mắt tầm thường thì không thực hiện được. Đó là khoảng cách Sai Biệt Lớn nó nói lên cái Triển Vọng vô cương của con người chúng ta trên con đường truy tìm hạnh phúc.
Một ngày nọ, có một phụ nữ bồng một đứa bé đến gặp đức Phật và thưa: “Bạch Thế Tôn, đây là đứa con trai của con, là tất cả lẽ sống của con. Nay nó đã chết, và con không còn lẽ sống nữa. Bạch Thế Tôn đại từ đại bi thần thông quảng đại, xin ngài hãy dùng phép thần thông cứu nó sống lại…
Đức Phật nhẹ nhàng đáp:
- Được ta sẽ giúp con nhưng có một điều kiện: con hãy vào trong làng xóm, đến nhà nào có trồng cải thì con vào xin một bó, đem về đây Như Lai sẽ làm phép cứu sống cho.
Bà mẹ trẻ mừng rỡ vội xin đi ngay để thực hiện điều yêu cầu của đức Phật nghe ra thì có vẻ dễ. Nhưng trước khi thiếu phụ quay gót đức Phật dặn:
- Con đừng quên điều này: là phải hỏi người trồng cải xem trong nhà họ đã từng có ai bị chết chưa? Vì chỉ có cây cải của gia đình nào chưa có người chết thì mới giúp cứu sống con trai của con được.
Trong cơn bừng tỉnh, thiếu phụ ngộ ra rằng: Ai có sinh mà không có tử? Hoặc sớm, hoặc muộn, rốt cuộc thì sắc cũng hóa thành không.
Thiếu phụ trở lại, dâng lễ đức Phật và thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn, con ngộ ra rồi Đức Phật hoan hỷ:
Như Lai rất vui mừng thấy con đã đủ túc duyên để chứng pháp nhãn…
Chứng pháp nhãn! Thấy được cái thấy của bậc A La Hán, cái thấy về quy luật. Thấy nó rồi, ắt giải thoát mình khỏi nỗi đau của thế nhân, nỗi đau về sự biến dịch vô thường.
Đa phần trong chúng ta đều nhìn mọi sự vật trên đời bằng cặp mắt thường, mắt của cơ thể gọi là nhục nhãn. Và với cặp mắt này chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy hiện tượng. Nhưng ngoài nhục nhãn con người còn có con mắt khác, con mắt của tâm linh, trí tuệ. Với nhiều tên gọi: Pháp nhãn, Thần nhãn, Tuệ nhãn, Phật nhãn … với (một hay là những - mà một cũng là là những) bằng con mắt này chúng ta sẽ nhìn thấy cả bản chất, thực tướng của mọi sự vật.
Cái pháp nhãn, cái con mắt tâm linh mà đức Phật đã ấn chứng cho thiếu phụ mất con trong chuyện kể trên nó có sẵn trong tất cả mọi người, trong tất cả mọi chúng sinh. Vấn đề là chúng ta có đủ duyên để “mở” nó ra hay không. Chưa mở ra được, thì còn khổ đau, phiền não. Mở ra được rồi thì tự tại an vui.
Nhân nói đến cặp mắt tâm linh, liên tưởng đến một câu của nhà Phật: “Duy tuệ thị nghiệp”. Lấy sự thành tựu trí tuệ làm sự nghiệp có nghĩa là đối với người tu Phật nói riêng và con người nói chung, trên đời này chỉ có một thành tựu, một công phu đáng kể làm sự nghiệp, đó là Trí Tuệ.
Chỉ có thành tựu trí tuệ mới xứng đáng gọi là sự nghiệp. Có nghĩa là: ngoài trí tuệ, mọi thành tích, thành tựu, thành quả khác đều chỉ hy vọng, hư ảo.
Ví dụ như chữ Phúc, cái vế vừa song hành vừa đối lập với chữ Tuệ chẳng hạn. Trong chữ Phúc bao hàm nhiều thứ: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh, Danh, Lợi…
Nhưng với Phật giáo, những thứ mà người đời coi trọng đó, phấn đấu bằng tất cả sức mình để đạt được nó, chưa phải là cứu cánh, thậm chí chưa phải gọi hạnh phúc.
Vì sao? Bởi vì những thứ gọi là Phúc đó, một là nó chỉ là nhất thời, hư ảo, vô thường, hai là nó không mang tính rốt ráo, trọn vẹn. Có nghĩa là một người nào đó có thể đạt được tối đa những cái gọi là Phúc đó rồi, người ấy vẫn chưa cảm thấy mình hạnh phúc. Người ấy thỏa mãn, nhưng chưa phải là hạnh phúc.
Bởi vì chữ hạnh phúc – ít ra là chữ hạnh phúc mà chúng ta đang nói đến đây, mà chúng ta đang quan niệm đây – phải chăng là để chỉ một trạng thái tinh thần đặc biệt vô cùng đặc biệt, trong đó bao hàm những yếu tố sau đây:
Sự mãn nguyện, sự bình an, sự hòa hợp (với tất cả cuộc đời), sự vô ngại không vướng mắc, sự cảm nhận mình đang hiện hữu, sự tự tại thong dong không bị ngoại cảnh hoặc nội tình chi phối, sự nhận thức chính xác như thị về tự thân về cuộc sống…
Ấy, đại khái là những trạng thái như thế trong nội tâm của một người, đính kèm một điều kiện không thể thiếu được là sự mạnh khỏe, thăng bằng, của “đương sự” của “người trong cuộc” - nghĩa là của “một người hạnh phúc”, của một người đang tung tăng trên con đường hạnh phúc. Rõ ràng là, trên đây dù muốn dù không, chúng ta cũng đang phác họa hình ảnh con người hạnh phúc.
Bởi vì, nói tới con người hạnh phúc, mặc nhiên cũng tức là nói tới con đường hạnh phúc. Vì chưng, một con người hạnh phúc không thể đang đi trên con đường đau khổ được, và ngược lại.
Một sự mãn nguyện, một sự bình an, một sự hòa hợp, một sự vô ngại, một sự cảm nhận mình đang hiện hữu, một sự tự tại…
Một sự mãn nguyện: đó là một trạng thái vô sở cầu, hay nói một cách khác, đã tự bằng lòng về cảnh ngộ hiện tại của chính mình, không mơ ước nhận gì hơn. Một sự bình an, bởi chưng trong tâm không còn gì là bất bình, là phân vân, là sợ hãi; một sự hòa hợp vì không còn gì mâu thuẫn, xung đột với chung quanh; một sự vô ngại vì trong tâm trí chẳng còn chi ngăn ngại; một sự cảm nhận mình đang hiện hữu, vì từng sát na liên tục chẳng bao giờ bị tha hóa, vong thân – vì từng sát na liên tục luôn chứng được cảnh giới đương sứ tức chân tuyệt vời. Một sự tự tại vì bản thân luôn vững vàng chủ động chẳng còn bị ngoại cảnh chi phối, buộc ràng…
Với những điều kiện tinh thần trên, người - đi - đường xứng đáng là kẻ đã tìm ra con đường hạnh phúc vậy.
Kiểm điểm những yếu tố tinh thần vừa được kể trên đây, chúng ta có thể đi tới một nhận định. Ấy là có vẻ như một trạng thái hạnh phúc hoàn hảo chỉ khả hữu khi nào tự thân nó bao hàm đầy đủ ba sự “yên” này: yên thân, yên tâm và yên trí. Ba danh từ mà chúng ta vừa đề cập trên đây có vẻ đang được dùng với ý nghĩa khá mới, nên tạm dừng một giây để định nghĩa cho rõ.
Thứ nhất là chữ yên thân, chữ này dùng ở đây bao hàm cái ý nghĩa là sự yên ổn của thân thể, cụ thể là một sự bình an thoải mái về mặt sinh lý cũng như mặt điều kiện cuộc sống hàng ngày.
Tuy chúng ta có lẽ ai cũng ý thức được rằng bất cứ sinh vật nào - kể cả sinh vật người - muốn có một cuộc sống yên ổn về mặt thân thể, mặt sinh lý, cũng cần phải có một số điều kiện dù là tối thiểu. Cụ thể mọi sinh vật đều cần hơi thở, cần dưỡng khí để thở. Mà đa số sinh vật trên đời đều mượn hơi thở để nuôi dưỡng mạng sống!
Thông thường thì mọi sinh vật đều hít vào thở ra: hít vào một phút thở ra một phút, dẫu cũng có ngoại lệ. Ví dụ như khoa học cho ta biết có loài ếch có thể nín thở khá lâu trong một hang sâu trong lòng đất – nín thở cả vài năm chẳng hạn. Hoặc giả một cách nhân tạo, nghĩa là có dựa vào công phu tu luyện, một đạo sĩ nào đó có thể nhịn thở hàng giờ, hàng ngày, hàng năm. Có thể là công phu không có những trường hợp này. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là những trường hợp đặc biệt hy hữu. Còn là sinh vật là con người, thì là cần thở. Đó là điều kiện của cuộc sống, cho cuộc sống vậy.
Lại ví dụ như ăn. Là sinh vật thì phải ăn, nhà Phật nói con người có khả năng vận dụng bốn cách ăn. Hoặc cách ăn thông thường là dùng miệng để tiêu thụ thức ăn gọi là đoàn thực, các hành giả tu sĩ cũng có thể vận dụng ba cách khác: một là súc thực, hai là kiến thực, ba là thức thực.
Vì phạm vi của bài viết này, chúng tôi sẽ không đi sâu vào việc giải thích về ba cách ăn “đặc biệt” vừa nhắc tới, chỉ cần biết là, mặc dù những hành giả thực hành tâm linh có thể có những cách ăn khác với cách ăn thông thường nhưng rốt cuộc là như trên đã nói, kế đó là sinh vật thì tất phải cần ăn. Đó là định luật, hay nói cách khác đó là điều kiện.
Kinh sách lại nói có những bậc siêu phàm chẳng cần từ ăn tới uống, có thể cả hàng tỷ tỷ năm như vậy (hoặc giả chỉ cần ăn một trái đào tiên đã kéo dài thọ mạng ba ngàn năm).
Còn tiếp…
Trích sách Con đường hạnh phúc
(tiếp theo Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 161) Tác giả: Huỳnh Uy Dũng Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2020
Bình luận (0)